24 thg 6, 2009

Quê hương

Viết về chủ đề quê hương

Đề bài yêu cầu HS viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) về chủ đề quê hương. Đây là dạng bài nghị luận xã hội (về một vấn đề tư tưởng, đạo lí) với hình thức khá “mở”, tạo điều kiện cho HS có thể trình bày ý kiến, cảm nhận của mình xoay quanh chủ đề quê hương (như vai trò của quê hương đối với đời sống con người, tình yêu, sự gắn bó đối với quê hương...). Tuy vậy, HS cần đáp ứng được hai yêu cầu chính sau đây:

* Về hình thức: Trình bày bài viết đúng với yêu cầu của đề: văn bản nghị luận có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết luận), và không quá một trang giấy thi.

* Về nội dung: HS có thể diễn đạt theo nhiều cách, song cần đảm bảo được một số ý chính sau:

- Giải thích khái niệm quê hương: có thể hiểu khái quát là nơi ta sinh ra, lớn lên, có gia đình, kỉ niệm thời thơ ấu...

- Vị trí, vai trò của quê hương trong đời sống của mỗi con người:

+ Mỗi con người đều gắn bó với quê hương, mang bản sắc, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Chính vì thế, tình cảm dành cho quê hương ở mỗi con người là tình cảm có tính chất tự nhiên, sâu nặng.

+ Quê hương luôn bồi đắp cho con người những giá trị tinh thần cao quí (tình làng nghĩa xóm, tình cảm quê hương, gia đình sâu nặng...).

+ Quê hương luôn là điểm tựa vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cổ vũ, động viên, là đích hướng về của con người.

(Lưu ý: HS lấy dẫn chứng trong đời sống, trong văn học để chứng minh)

- Bàn bạc mở rộng:

+ Phê phán một số người không coi trọng quê hương, không có ý thức xây dựng quê hương, thậm chí quay lưng, phản bội quê hương, xứ xở.

+ Tình yêu quê hương cũng đồng nhất với tình yêu đất nước, Tổ quốc.

- Phương hướng, liên hệ:

+ Xây đắp, bảo vệ quê hương, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mổi con người.

+ Là HS, ngay từ bây giờ phải tu dưỡng, tích lũy kiến thức để sau này xây dựng, bảo vệ quê hương.

23 thg 6, 2009

Đúng giờ và sự thành công

Một học giả từng nói: “Trong hoạt động sự vụ của con người hiện đại, yếu tố cấu tạo nên thành công có hai điểm: Năng lực và sự nhanh nhẹn. Yếu tố trước thường là sản phẩm tất yếu của yếu tố sau, bởi vì một người hiểu được sự đáng quý của thời gian, không chịu tùy tiện bỏ qua một phút giây, thì cuối cùng công việc của anh ta chắc chắn sẽ in dấu ấn của “năng lực”.

Có một số bạn trẻ, chỉ vì không thể nhanh nhẹn, không thể đúng giờ, nên đã để tuột mất cơ hội thăng tiến lên vị trí cao hơn. Không thể đúng giờ, theo Pandepoter là một điều không thể tha thứ. Có lần, ông hẹn một thanh niên đến phòng làm việc của ông. Trước đó, người thanh niên này có nhờ ông sắp xếp cho một công việc. Hôm ấy, ông dự định sau khi nói chuyện sẽ dẫn anh thanh niên đến gặp một người lãnh đạo Cục đường sắt, vì nơi này đang cần một nhân viên. Mười giờ hai mươi phút, anh thanh niên đến, nhưng Pandepoter không còn ở văn phòng, ông ta đã đến dự một cuộc mít tinh khác. Sau mấy ngày, anh thanh niên lại xin gặp, Pandepoter hỏi anh ta vì sao lần trước không đến đúng giờ. Anh thanh niên đáp: “Hôm ấy cháu đến lúc mười giờ hai mươi phút”. “Nhưng tôi hẹn cậu đến lúc mười giờ!”. Anh thanh niên ấp úng đáp: “Nhưng chỉ xê xích hai mươi phút thì có quan trọng gì đâu ạ!”. Pandepoter nghiêm túc nói: “Có đúng giờ hay không là điều rất quan trọng. Cậu không thể đúng giờ, cho nên cậu đã mất vị trí mà cậu muốn vì đúng hôm ấy, Cục đường sắt đã nhận một nhân viên. Hơn nữa, cho phép tôi nói với cậu, bạn trẻ ạ, cậu không có quyền coi nhẹ giá trị của hai mươi phút như vậy, và để tôi ngồi chơi chờ cậu. Trong thời gian ấy tôi đang có hai cuộc hẹn quan trọng khác!”.

Một người làm việc luôn đúng giờ thì trong sự nghiệp nhất định sẽ luôn thành công. Napoleon nói, sở dĩ ông ta có thể đánh bại quân đội nước Áo, chính là vì những người lính nước Áo không hiểu được giá trị của thời gian “năm phút”, “mỗi lần sai một phút” tức là đã để cho “bất hạnh” một kẽ hở.

Trong công việc, cái quý nhất là đúng giờ vì người đúng giờ không lãng phí thời gian của mình, cũng không lãng phí thời gian của người khác. Napoleon có lần mời tướng sĩ của ông ta ăn cơm, vì các vị tướng không đến đúng giờ nên chỉ có một mình ông ngồi ăn. Đến khi các tướng sĩ lục tục kéo đến thì Napoleon rời bàn ăn, nói: “Thưa các vị! Giờ ăn đã hết rồi, bây giờ chúng ta phải làm việc ngay tức khắc”.

Có thể bồi dưỡng thói quen nhanh nhẹn và đúng giờ được hay không, giống như những thói quen khác, đều phụ thuộc vào hoàn cảnh và sự huấn luyện thời thơ ấu của một con người. Phàm một đứa trẻ khi cha mẹ dặn dò làm việc, nó thường nói: “Chờ một tý” thầy giáo dặn làm bài tập nó thường quên mất, còn khi trò chơi của nó chưa kết thúc thì không chịu nghe theo bất kỳ sự sai khiến nào, thì lớn lên nhất định sẽ là một người không thể nhanh nhẹn, đúng giờ, nhất định sẽ là người chỉ có thể ngồi nhìn cơ hội ở trước mặt trôi qua, để người bên cạnh đạt được.

Hầu tước Nelson nói: “Sự thành công trong sự nghiệp của đời tôi chính là ở chỗ mỗi một việc tôi đều bắt đầu trước mười lăm phút”.

“Đúng giờ” ở vị tướng quân là lịch sự, ở người quân tử là một nghĩa vụ, ở người làm việc là một yêu cầu.
Trích từ “Cơ hội đến như thế nào?” – NXB Hà Nội

9 thg 6, 2009

Môi trường và cuộc sống con người

Câu hỏi thuộc kiểu bài nghị luận xã hội của hệ giáo dục thường xuyên 2009là:
“Câu 2 (3,0 điểm): Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với cuộc sống con người”.Vấn đề cần bàn “tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với cuộc sống con người” thuộc về nội dung kiến thức của môn Địa lý.
Được một giáo viên môn Địa lý hướng dẫn, chúng tôi đã tìm cuốn SGK Địa lý 10, chương trình chuẩn, mã số CH016T8, 2008 do GS. Lê Thông chủ biên thì thấy các bài có nội dung: “Môi trường và tài nguyên thiên nhiên” (trang 159) và “Môi trường và sự phát triển bền vững” (trang 163).
Hai bài nói trên đã đề cập đến nội dung khái niệm môi trường, chức năng, vai trò của môi trường đối với cuộc sống con người và vấn đề bảo vệ môi trường sống để phát triển bền vững.
So sánh giữa đáp án của Bộ GT-ĐT cho câu hỏi này và nội dung trong SGK Địa lý 10:
Đáp án môn Ngữ văn của Bộ GD-ĐT
Kiến thức SGK Địa lý 10 (2008)
- Nêu vấn đề cần nghị luận. (0,25 điểm)“Môi trường sống của con người, tức là tất cả hoàn cảnh bao quanh con người, có ảnh hưởng đến sự sống và phát triển của con người (như là một sinh vật và như là một thực thể xã hội), đến chất lượng cuộc sống của con người.

- Môi trường tự nhiên gồm nhiều yếu tố như nước, không khí, đất... (0,5 điểm)
… Môi trường tự nhiên bao gồm các thành phần của tự nhiên: - Địa hình, địa chất, đất trồng, khí hậu, nước, sinh vật” (trang 159).
- Môi trường tự nhiên rất quan trọng đối với cuộc sống của con người. (1,0 điểm)“Môi trường địa lý có ba chức năng chính:
+ Là không gian sống của con người;
+ Là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên;
+Là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra” (trang 160).
- Hiện nay, môi trường đã và đang bị phá huỷ, ô nhiễm ở nhiều nơi, tác động xấu đến đời sống cộng đồng; có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nhận thức và hành động sai trái của con người. ( 0,75 điểm)“… môi trường sinh thái bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng (…) Những vấn đề về môi trường mà loài người đang phải giải quyết trước hết là là hậu quả của sự tác động không hợp lý của con người tới môi trường” (trang 163).
- Mỗi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. (0,5 điểm)“Phải bằng mọi cách sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, để xã hội phát triển…tạo nền tảng cho sự phát triển tương lai” (trang 163).
Mặc dù là đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, song thí sinh có thể dựa vào kiến thức trong cuốn SGK Địa lý 10 để làm bài (thậm chí có thể chép hay thuộc lòng nguyên văn các ý chính) là hầu như đã thỏa mãn các yêu cầu của đáp án.
Nhiều nội dung trong SGK Địa lý 10 còn hay hơn, cụ thể hơn đáp án, đặc biệt là ở vấn đề mấu chốt về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với cuộc sống con người.
Giá như đề thi yêu cầu thí sinh bàn về nội dung: “Suy nghĩ và hành động để bảo vệ môi trường” thì mới đúng là đề nghị luận xã hội.
Trần Quang Đại (giáo viên Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh)

5 thg 6, 2009