21 thg 6, 2010

Tự lập và Thành công

Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Hãy viết một đoạn văn hoặc một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về tính tự lập của các bạn học sinh hiện nay.
-----Đề tuyển sinh 10 Đà Nẵng 2010----------

Gợi ý

Thí sinh cần đảm bảo các yêu cầu:- Văn bản là một đoạn văn hoặc một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng).
- Nội dung : suy nghĩ về tính tự lập của học sinh hiện nay.
- Hành văn : rõ ràng, chính xác, sinh động, mạch lạc và chặt chẽ.
Sau đây là một số gợi ý về nội dung :
+ Tự lập, nghĩa đen là khả năng tự đứng vững và không cần sự giúp đỡ của người khác.
+ Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.
+ Trong học tập, người học sinh có tính tự lập sẽ có thái độ chủ động, tích cực, có động cơ và mục đích học tập rõ ràng, đúng đắn. Từ đó, nó sẽ giúp cho học sinh tìm được phương pháp học tập tốt. Kiến thức tiếp thu được vững chắc. Bản lĩnh được nâng cao.
+ Hiện nay, nhiều học sinh không có tính tự lập trong học tập. Họ có những biểu hiện ỷ lại, dựa dẫm vào bạn bè, cha mẹ. Từ đó, họ có những thái độ tiêu cực : quay cóp, gian lận trong kiểm tra, trong thi cử; không chăm ngoan, không học bài, không làm bài, không chuẩn bị bài. Kết quả: những học sinh đó thường rơi vào loại yếu, kém cả về hạnh kiểm và học tập.
+ Học sinh cần phải rèn luyện tính tự lập trong học tập vì điều đó vừa giúp học sinh có thái độ chủ động, có hứng thú trong học tập, vừa tạo cho họ có bản lĩnh vững chắc khi tiếp thu tri thức và giải quyết vấn đề. Tự lập không phải là cô lập, không loại trừ sự giúp đỡ chân thành, đúng đắn của bạn bè, thầy cô khi cần thiết, phù hợp và đúng mức.
+ Tính tự lập trong học tập là tiền đề để tạo nên sự tự lập trong cuộc sống. Điều đó, là một yếu tố rất quan trọng giúp cho học sinh có được tương lai thành đạt. Tính tự lập là một đức tính vô cùng quan trọng mà học sinh cần có, vì không phải lúc nào cha mẹ, bạn bè và thầy cô cũng ở bên cạnh họ để giúp đỡ họ. Nếu không có tính tự lập, khi ra đời học sinh sẽ dễ bị vấp ngã, thất bại và dễ có những hành động nông nỗi, thiếu kiềm chế.

Thể hiện mình trong học đường

Câu 3 - 3 điểm: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tpHCM 2010

Thể hiện mình là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về cách thể hiện bản thân trong môi trường học đường.

-----------------------
Gợi ý đáp án


yêu cầu:

• Về kỹ năng:

+ Viết một văn bản nghị luận khoảng một trang giấy thi có bố cục 3 phần rõ ràng.

+ Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, đúng ngữ pháp.

+ Tránh dùng văn kể, văn nói.

+ Không mắc lỗi chính tả.

+ Trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng.

• Về nội dung:
+ Có dẫn dắt và nêu vấn đề: thể hiện mình là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh.

+ Học sinh giải thích cụm từ “thể hiện mình” (thể hiện mình là muốn khẳng định mình, chứng tỏ bản thân mình trước mọi người, muốn người khác biết đến mình… bằng chính những việc làm của bản thân).

+ Học sinh trình bày được các cách thể hiện bản thân (có thể bằng một hoặc nhiều cách tùy theo học sinh):

- Sự tự tin (trong học tập, trong giao tiếp, mạnh dạn trình bày ý kiến cỉa bản thân...).

- Phấn đấu, nỗ lực học tập để đạt kết quả cao.

- Có những việc làm tốt để lại dấu ấn trong lòng bạn bè, thầy cô như biết giúp đỡ bạn, dám dấu tranh chống lại cái xấu.

- Không dựa dẫm vào người khác...

+ Có ý phê phán: có không ít học sinh thể hiện mình bằng cách đua đòi, chưng diện, ăn chơi, chứng tỏ mình là người sành điệu, bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của thầy cô, bạn bè…

+ Có ý mở rộng: tự thể hiện, tự khẳng định mìmh không phải là tự cao, tự đại (ranh giới giữa tự thể hiện, tự khẳng định với tự cao, tự đại rất mong manh).

+ Đánh giá chung: Đây là một nhu cầu, là một hiện tượng khá phổ biến ở lứa tuổi học sinh. Điều này có thể tốt hay xấu, lợi hay hại là do cách học sinh thể hiện bản thân.
----------------
theo tuoitre.vn

3 thg 6, 2010

Chiến thuật "Rút xương cá"

Để làm tốt môn Văn nên dùng chiến thuật "Rút xương cá"
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - Giáo viên Ngữ Văn, trường THPT chuyên ngữ - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội: Tài liệu tham khảo ôn tập môn Văn hiện rất nhiều. Trong số đó, có những vấn đề còn gây tranh cãi như: Ngày sinh của nhà văn Nam Cao, vở kịch “Hồn trương Ba da hàng thịt” được viết năm nào... Nếu kiến thức chưa thống nhất, thí sinh nên sử dụng số liệu từ sách giáo khoa.
Điểm quan trọng nhất của môn Văn là nhớ được kiến thức, chỉ cần dựa vào tác phẩm, nhớ tác phẩm là làm bài tốt.

Học sinh có thể tham khảo phương pháp “rút xương cá”: Học Văn theo cách sơ đồ hóa. Mỗi bài, học sinh chỉ cần nhớ năm chữ và trong khoảng 10 phút có thể nhớ hết toàn bộ kiến thức môn Văn.
Ví dụ, khi phân tích tính sử thi của tác phẩm “Rừng xà nu”, theo tôi, các em chỉ cần nhớ bốn từ: Chủ - Cốt - Hình - Giọng (Chủ đề, cốt truyện, hình tượng và giọng điệu sử thi trong tác phẩm).

Nếu vận dụng được phương pháp “rút xương cá” một cách hiệu quả, sẽ không bị mất các ý môn Văn và việc đạt điểm 8, hay 9 không phải "bất khả thi".
Hay, phân tích hình tượng sóng trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, các em chỉ cần nhớ bốn chữ: “Phức - Trăn - Khắc - Khát” (tâm trạng phức tạp, trăn trở, khắc khoải và khát khao của người phụ nữa đang yêu). Từ đó, phát triển ý của bài văn.
Đây là năm đầu tiên có kiểu đề mới nghị luận xã hội và thường học sinh kêu “khô”. Tuy nhiên, quan trọng là phải đọc đề kỹ, hiểu chính xác vấn đề, trả lời đúng, sâu vào trọng tâm câu hỏi.

Thí sinh không nên dẫn dắt vòng vèo, lan man, mất thời gian và gây ức chế cho người chấm.
-----------------------

Tiền phong online

Vai trò của nhà trường

Câu 2. (3,0 điểm)
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của nhà trường trong việc truyền thụ kiến thức văn hóa cho học sinh.
-----Đề thi TN Bổ túc 2009-2010
Câu 2: Một số gợi ý :

- Nhà trường có một vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh. Học sinh có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn nhưng kiến thức ở nhà trường vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu vì đó là kiến thức đã được chuẩn hóa,đạt độ chính xác cao và có định hướng.

Vai trò của ngành giáo dục nói chung và nhà trường rất quan trọng trong việc đào tạo ra nhân tài, tạo nên nguồn nguyên khí của quốc gia.

- Trong nhà trường người trực tiếp truyền thụ kiến thức là đội ngũ giáo viên. Họ đều là những người được đào tạo trong các trường Sư Phạm. Họ không những có trình độ tay nghề mà còn có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Do vậy họ luôn có ý thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thông tin để nâng chất lượng giờ dạy đem đến cho học sinh những hiểu biết chuẩn mực.

- Cha ông ta từ xa xưa đã rất coi trọng vai trò của nhà trường trong việc mở mang truyền bá kiến thức. Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được xây dựng từ những thế kỉ đầu của quốc gia phong kiến Đại Việt. Các nước tiên tiến trên thế giới sở dĩ phát triển nhanh, mạnh vì coi trọng vai trò của giáo dục, trong đó trường học chiếm vị trí hàng đầu.

- Trong thời đại thông tin hiện nay, có rất nhiều nguồn cung cấp tri thức thì vai trò truyền bá kiến thức từ nhà trường càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

- Trong việc truyền thụ kiến thức văn hóa, ngoài vai trò quan trọng của người thầy, học sinh cũng cần phải có thái độ tích cực chủ động.

- Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức văn hóa, nhà trường còn có nhiệm vụ giáo dục rèn luyện học sinh về mặt phẩm chất, đạo đức để học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có cách sống, cách ứng xử văn hóa.

- Gia đình, xã hội cũng có vai trò không kém phần quan trọng đối với việc hình thành kiến thức và nhân cách của học sinh. Do vậy, để giá trị giáo dục được bền vững cần có sự kết hợp chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Lòng nhân ái và tuổi trẻ hôm nay

-Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.
---------------- Đề thi tốt nghiệp THPT 2009-2010

Con người ta được sinh ra, được sống trên đời đã là một hạnh phúc lớn lao, nhưng có lẽ được sống trong lòng của những người khác còn là hạnh phúc lớn lao hơn nữa. Điều em muốn nói tới ở đây chính là cảm giác yêu thương và được yêu thưong. Có lẽ yêu thương chính là hạnh phúc lớn nhất của con người!

Tình yêu thương là mọi thứ tình cảm tốt đẹp mà con người ta dành cho nhau, có tình cảm gia đình, tình cảm bè bạn,... thậm chí là đối với những người ta không hề quen biết. Nó có thể là thứ tình cảm được vun đắp, xây dựng trong một thời gian dài, nhưng cũng có thế chỉ là một niềm thương cảm chợt trào dâng khi ta gặp một hoàn cảnh nào đó. Nhưng dù với bất cứ biểu hiện nào thì tình yêu thương cũng luôn mang lại những điều kì diệu riêng cho cả người cho đi và nhận về nó. Cái hạnh phúc mà tình yêu thương đem lại cho cuộc sống là dành cho cả 2 phía. Người cho đi yêu thương được nhận một cảm giác ngọt ngào, êm dịu và bình yên. Và hầu như là họ cũng sẽ nhận lại được tình thương từ người mình vừa trao tặng. Người được nhận yêu thương thì có thể nhận được rất nhiều. Đối với một đưa trẻ thì đó có thể là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, suối nguồn tươi mát ươm mầm cho một trái tim nhạy cảm. Cũng có thể là sức mạnh cảm hóa, bến bờ quay lại đối với một bước chân lầm lỡ.

Tình yêu thương là những rung động giữa con người với con người, là lực hấp dẫn kéo con người ta xích lại gần nhau, tạo thành khối thống nhất. Nếu cuộc sống không có yêu thương thì mối liên kết sẽ vô cùng lỏng lẻo, có thể đứt gãy bất kì lúc nào. Và sẽ thật là một thảm họa nếu như thế giới ở trong tình trạng ấy. Rất có thể sẽ là chiến tranh, là chết chóc, bởi một khi yêu thương không tồn tại thì lòng nhân đạo có thể bắt nguồn được từ đâu nữa? Khi ấy hạnh phúc sẽ ko thể tồn tại được nữa!

Yêu thương đem lại hạnh phúc cho nhân loại! Vì vậy hãy dành tình thương của mình cho mọi người thật nhiều. Có thể chúng ta sẽ nhận lại được tình thương từ họ, hoặc có thể không, nhưng điều đó không quan trọng, vì chỉ cần yêu thương tồn tại trong ta thì ta đã có được hạnh phúc. Bởi yêu thương chính là hạnh phúc của con người!

Với tuổi trẻ hiện nay trong môi trường toàn cầu hóa giao tiếp con người càng rộng thì lòng yêu thương cần được mở rộng ra hơn, đó là động lực để chúng ta hợp tác cùng nhau nâng cao hiểu biết, tích cực cải thiện cuộc sống con người, chỉ có yêu thương mới xoa dịu những ngăn cách giàu nghèo, những bất đồng nghi kỵ. Tạo ra thế giới hòa bình, hạnh phúc, văn minh và giàu mạnh.
------------------------
Lý Thục Trang
(Trường THPT Thành Nhân)