30 thg 12, 2010

Học để cùng chung sống-Nên quan tâm đến những điều gì?

Học để cùng chung sống là một trong những vấn đề then chốt hiện nay của giáo dục. Khi mà thế giới đang còn quá nhiều mâu thuẫn đòi hỏi phải có những cách giải quyết hợp lý, giáo dục tự nó trở nên có vai trò rất quan trọng trong việc giúp con người có thái độ hoà bình, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng những nền văn hoá, các giá trị tinh thần. Phải giáo dục cho học sinh có hiểu biết về tính đa dạng của các dân tộc, làm cho các em có thái độ tôn trọng sự khác nhau đó, biết cảm thông và chia sẻ với người khác, với dân tộc khác: học cách tranh luận và đối thoại với người khác trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng nhau vì các mục đích chung.


Chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề như:
- Ứng phó với cắng thẳng
- Những điều mỗi người cần biết trong cuộc sống
- Bảo vệ môi trường
- Tự bảo vệ bản thân
.....
Chi tiết xem trên: http://hcm.edu.vn/KyNangSong/default.asp

23 thg 12, 2010

Khoảng lặng...có cần thiết

Đề bài: “Sống chậm, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn”
Anh/chị có suy nghĩ gì về lời nhắn gửi trên với tuổi trẻ ngày nay.
Bài làm
Cuộc sống là một trường đua và thì giờ là vàng, là bạc. Nhưng con người không phải là một cỗ máy vô cảm, con người có tâm hồn được tạo nên từ vô vàn những mảng màu lắp ghép, những cung bậc cảm xúc nối tiếp nhau: buồn-vui, thất vọng-hi vọng, chán nản-hạnh phúc, khinh ghét-yêu thương…Giữa những nốt bổng và nốt trầm, giữa lúc buồn mà không bế tắc, tuyệt vọng; giữa lúc vui mà không mải mê, chủ quan, ta có những “nốt lặng”. Nốt lặng đó không vang thành lời, nó cho con người, cho tuổi trẻ thời gian để “Sống chậm, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn”. Dù là một giây, một phút thôi nhưng nó nạp cho ta năng lượng sống cả cuộc đời.
Sớm ra đường, xe cộ qua lại tấp nập, ai cũng mải miết và hối hả. Dừng lại đôi phút đèn đỏ, ai cũng sốt ruột, vẻ mặt thoáng chút lo âu và nghiêm nghị như đang suy nghĩ một việc rất hệ trọng. Đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, chúng ta đang lao đi như những con thiêu thân trên một hành trình bất định.
Sống-chậm-lại.
Vẫn biết với con người và đặc biệt là tuổi trẻ, sống là không chờ đợi…
Vẫn biết nếu không nhanh nhẹn, không biết chạy đua, làm sao có được những gì mà mình muốn: thành công, tiền bạc, hạnh phúc…
Vẫn biết xã hội đương phát triển một cách chóng mặt, thời gian được rút ngắn một cách tối đa: trồng trọt, sản xuất thì rút ngắn thời gian thu hoạch để một năm có thể xen gối thâm canh thêm mấy vụ nữa; máy móc công nghiệp cũng được cải tạo với công suất nhanh nhất; Internet được nâng cấp với tốc độ lan truyền đến chóng mặt...Cuộc sống buộc con người phải đi theo guồng quay đó, ai làm khác là tụt hậu. Phải chăng đó là nguyên nhân gây nên mặt trái xã hội khi lượng người bị trầm cảm, u uất, rối loạn tâm lí ngày càng nhiều hay với lớp trẻ tình trạng “sống thử”, “sống vội’, “sống sơ sài’ diễn ra như một định hướng chung.
Con người cần phải sống-chậm-lại…
Sống chậm là để cảm nhận những gì tốt đẹp trong cuộc sống:
Ta dành chút ít thời gian tĩnh tại để ngắm nhìn một bông hoa đẹp, nghe tiếng chim đang ríu rít, lặng mình trong bản nhac nhạc cổ điển, hít thở và ngắm nhìn trời xanh… Tâm hồn con người như một mảnh đất với những mầm non vậy, nếu không có những thứ ấy tưới tắm, bón trồng thì đất sao màu mỡ và mầm xanh bé bỏng sao vươn lên tốt tươi được. Đó cũng là lí do tại sao mà không phải vô duyên vô cớ, có rất nhièu người ở Mĩ , ở châu Âu hay Úc ngày nay muốn trở về với bà mẹ thiên nhiên, tránh xa cuộc sống ồn ã, náo nhộn và gánh nặng những ước lệ rườm rà của thành phố, những thứ tiện nghi làm cho người ta bạc nhược yếu ớt đi để tìm vào rừng sinh sống, sống ở trên cây, sống chung với thiên nhiên, động vật. Sống chậm một chút nhưng cảm thấy thế giới xung quanh tươi đẹp và đáng sống hơn.
Sống chậm là để dành thời gian nghĩ về cuộc sống và những người xung quanh.
Có một câu chuyện cổ tích hiện đại kể về chú mèo Kitty đáng yêu của Nhật Bản. Chú mèo trắng trẻo, mắt to tròn, hiền lành và ngộ nghĩnh nhưng không có miệng bởi chú là hiện thân cho người bạn luôn luôn lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu của cô bé đáng thương, cô đơn khi cha mẹ mải công việc, bạn bè bắt nạt, học tập mệt mỏi…và sau này là bạn của toàn trẻ em Nhật. Câu chuyện là bi kịch của cô gái nhỏ trong thời đại nước Nhật chạy đua trong công nghiệp, khoa học kĩ thuật, điện tử, nhịp sống xô bồ đã đẩy những tâm hồn non nớt vào tình trạng khủng hoảng, trầm cảm về tâm lý. Sống vội vã gây cho con người áp lực, căng thẳng và khô héo tâm hồn, là vội vã, lạnh lùng với những người xung quanh. Ta chậm một chút để chia sẻ tình thương với em gái nhỏ bán rong trên đường, giúp một bà lão ăn xin tội ghiệp, giúp đẩy gánh hàng nặng của bác xích lô trên con dốc dài…Một nụ cười, một cái siết tay, một ánh mắt cảm thông là món quà quý giá nhất với những ai đương cô đơn, bế tắc và lạc lõng.
Sống chậm còn là để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Một chút lặng lẽ, riêng tư cho chính mình để nghĩ về những gì đã qua, những gì sắp tới, những gì được mất. Sống chậm không phải lãng phí thời gian mà là trân trọng thời gian, quý trọng những kí ức, những kỉ niệm, thấy quý những gì đã mất như món đồ chơi, chiếc răng sữa thưở ấu thơ…cho đến những gì to tát hơn sau này, một chút sống chậm nhưng biết quý giá “món quà” hiện tại. Sống chậm cho ta khoảng lặng để rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và hi vọng cho tương lai. Tâm hồn mỗi người trẻ tuổi trở nên thâm trầm, sâu sắc, chín chắn và trưởng thành hơn.
Sống chậm như vậy đó, không có nghĩa là chậm chạp, lạc hậu mà là sống một cách kĩ lưỡng, tránh những ồn ào, hỗn tạp, a dua, ăn theo; tránh những lối sống gấp, sống ẩu, sống vì những mục đích hiện sinh tầm thường. Sống chậm không phải là sống ít mà thực chất là sống được rất nhiều.
Trong một số cuôc bàn luận gần đây về những thay đổi trong cách nghĩ, lối sống sống của thế hệ trẻ, người ta chỉ ra rằng một trong những khuyết điểm lớn nhất của thế hệ 8X, 9X, 10X…là sống một cách công thức, thiếu sáng tạo và tự giới hạn năng lực, khả năng của mình. Tuổi trẻ ngày nay sợ gặp thất bại và không biết đương đầu với thất bại như thế nào. Vì vậy:
Suy-nghĩ-khác đi…
Là biết nhìn nhận, đánh giá, biết lựa chọn những lối đi riêng. Từ khoảng hơn một thế kỉ trước trở về đây, người Việt Nam dần xoá bỏ thế giới phi ngã, giáo điều và chủ xướng phát hiện, đề cao cái “tôi” cá nhân. Bởi vậy, muốn khẳng định được một cái “tôi” sắc nét thì trước hết phải có cách nhìn nhận mới mẻ, có tính chất đột phá, dám vượt thoát khỏi những lối tư duy sáo mòn, cổ hủ, lạc hậu, dũng cảm chọn cho mình một cách nhìn nhận riêng. Không nói đâu xa, khoảng gần thế kỉ trước, xã hội đương cảnh rối ren dưới sự thống trị của thực dân phong kiến, cũ mới giao tranh, Á, Âu lẫn lộn, những người yêu nước chỉ biết nghiến răng trông cảnh đất nước làm thân nô lệ thì có những chí sĩ ái quốc như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh tìm cho mình những lối đi riêng. Họ yêu cầu cải cách và thay đổi, họ đề ra những đổi mới duy tân tiến bộ, họ đấu tranh theo những phương pháp khác nhau. Tuy không thành công nhưng những vị chí sĩ ấy đã xây nên một tiền đề vững chắc cho một cuộc cách mạng sau này.
Dẫu vậy nhưng không phải ai sinh ra đã được trời phú cho tư chất và “cá tính” rõ ràng và không phải ai cũng có khả năng luôn tìm được cái mới có tính chất đột phá. Vì vậy “suy nghĩ khác” còn có thể hiểu là những lối suy nghĩ tích cực, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn để không rơi vào chán nản tuyệt vọng. Còn nhớ câu chuyện về nhà bác học Ê-đi-sơn đã phải thử 1000 nguyên liệu và thất bại hàng nghìn lần mới tìm ra được chất làm dây tóc bóng đèn. Học trò của hoạ sĩ thiên tài Lê-ô-na Đơ-vanh-xi phải học vẽ bắt đầu từ một quả trứng hơn ba mươi lần mới được vẽ những cái tiếp theo. “Điều thiết yếu trong cuộc sống luôn là một người học trò” chăm chỉ ưa tìm tòi học hỏi và khám phá(Hazan) không sợ những thất bại trước mắt và từ những thất bại ấy rút ra kinh nghiệm cho bước tiến sau này. Suy-nghĩ-khác còn là cách học để đối diện với thất bại và vươn lên từ thất bại, không bao giờ tự giới hạn chính mình.
Trong những năm gần đây, có một hiện tượng đang trở thành xu hướng của giới trẻ châu Á và cả Việt Nam: thanh niên mỗi lần rơi vào bế tắc, tuyệt vọng do thi trượt đại học, bố mẹ bỏ nhau, sức ép học tập căng thẳng hay vì một lí do riêng mà bị nhiều người xa lánh…thường quẫn chí tự tử. Đáng sợ hơn nữa còn có những vụ tự tử tập thể, tự tử nhóm bằng nhiều hình thức và vì những lí do không đáng thiếu suy nghĩ. Trong những trường hợp này thì cách suy nghĩ khác, tích cực, lạc quan và hướng tới những gì tốt đẹp là phương thuốc hữu hiệu nhất giúp chữa lành những vết thương và con người có tự tin, nghị lực để sống tiếp.
Tuy nhiên, suy-nghĩ-khác không phải là những cách suy nghĩ, cách nhìn lập dị, quái đản cổ suý và làm “bệnh hoạn” một bộ phận xã hội. Suy nghĩ khác phải là những suy nghĩ đem lại sức sống cho bản thân, từ đó tích cực và có ích đem lại những điều ý nghĩa, lớn lao cho cuộc sống xã hội.
Ngày nay, có một thực tế khá ngược chiều đang xảy ra và ngày càng lan tràn trong xã hội. Khoa học kĩ thuật đang tìm mọi cách để “con người hoá” rô bốt, rô bốt không chỉ biết hành động, làm việc mà còn có những cử chỉ, ý nghĩ và dần có một số cảm xúc như con người. Ngược lại, con người thì lại ngày càng “rô bốt hoá” sống trống rỗng và vô hồn vô cảm. Cái mà xã hội hiện đại thiếu nhiều nhất không phải về vật chất mà về mặt tinh thần: sống thiếu tình thương.
Đặc biệt với giới trẻ, sự lãnh đạm, thờ ơ đang diễn ra như một điều bình thường trong cuộc sống. Thờ ơ với lịch sử dân tộc, thờ ơ với những giá trị văn hoá cổ truyền , thờ ơ với những người ăn xin trên đường, thờ ơ với bà cụ muốn người giúp qua đường …Và đáng sợ hơn, chúng ta đang dần vô cảm, thờ ơ với cả cái xấu. Vô cảm khi thấy một người đương móc túi người khác, vô cảm với những văn hoá đồi truỵ tràn lan trên mạng, vô cảm khi nữ sinh, nam sinh nhìn bạn học của mình bị đánh đập và còn sung sướng cổ vũ, reo hò…Cái mà con người hiên đại và giới trẻ ngày nay cần nhất là:
Yêu-thương-nhiều hơn.
Vì yêu thương vốn là cái gốc của nhân loại. Yêu thương và đoàn kết là nền tảng để một dân tộc cùng sống và phát triển bao đời nay. Thiếu yêu thương là thiếu con người.
Yêu thương nhiều hơn là biết nghĩ, biết quan tâm chăm sóc và hướng tới người khác nhiều hơn. Đó là một ánh mắt nhìn, một nụ cười, một hành động và lời nói quan tâm qiúp cha mẹ bớt mệt nhọc hơn sau một ngày lao động vất vả. Đó là cử chỉ ân cần trìu mến với những người đang gặp khó khăn. Đó là sự lo lắng, sốt ruột, thương xót khi “khúc ruột miền Trung” đang ngập trong biển nước…Yêu thương nhiều biến con người trở thành người nhân hậu, cao cả, lớn lao hơn. Mỗi người hi sinh đi một cái tôi vị kỉ hẹp hòi để người sống với người bằng tình thân ái.
Khi yêu thương nhiều hơn tức là cho đi nhiều hơn thì ta lại được nhận về nhiều hơn. Sống với những người xung quanh bằng sự chân thành, ta sẽ nhận lại được những tình cảm quý trọng thương yêu, sự thành thật từ những người bạn, người thầy… Yêu thương nhiều hơn còn là sống vị tha bao dung, biết sẻ chia và làm cho cuộc sống tốt đẹp.
Yêu thương nhiều hơn chỉ giản đơn là sống chậm lại một chút, nhìn ngắm đường phố xung quanh và những gương mặt thân quen. Yêu thương thiên nhiên, môi trường để không làm huỷ hoại môi trường. Yêu thương bầu trời xanh là thêm yêu những cánh chim hoà bình.
Thanh niên hiện đại được dành cho tình yêu, sự quan tâm lo lắng, nâng niu và chiều chuộng nhiều hơn nên rất dễ rơi vào lối sống ích kỉ cá nhân hẹp hòi. Nếu mỗi người trẻ tuổi biết lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu nhiều hơn một chút là ta đã có thể phá bỏ cái cô độc sau này.
“Sống chậm”, “suy nghĩ khác” và “yêu thương nhiều hơn” là ba mặt biện chứng của một vấn đề. Sống chậm thực chất là thời gian con người suy nghĩ, mài nhọn các giác quan nhạy bén và thành lập tư duy sáng tạo, tích cực. Sống chậm còn là lúc con người được thảnh thơi, yêu thương, trân trọng những người xung quanh. Nhưng cũng chớ đánh đồng sống chậm trái nghịch với lối sống “vội vàng” của thi sĩ Xuân Diệu. Thi sĩ sống vội vàng là sống hết mình, sống một cách tận độ, sống sao cho có ý nghĩa nhất. Vậy nên tuổi trẻ phải vừa biết sống chậm để rèn luyện sự chín chắn, trưởng thành, vừa phải biết sống “vội vàng”, linh hoạt và hết mình.
“Chịu sống chậm một chút thì mình sẽ thấy bao nhiêu điều đẹp trong dòng đời này. Cái đẹp của đèn đêm về sáng họp chợ. Cái đẹp của người buôn thúng bán bủng. Cái đẹp của chú bé thổi còi…”(Trích kịch bản phim Sống chậm).
Cuộc sống xung quanh tôi vẫn thế, lao vun vút như một mũi tên khổng lồ, tôi sợ tôi và những người quanh tôi sẽ đi lạc, lạc vào những thói xấu ở đời, lạc vào cái sân khấu ranh mãnh giả tạo. Nên tôi đôi lúc muốn hãm phanh lại. Tôi sống chậm theo cách của riêng mình: dùng một ít thời gian để hít thở không khí trong lành, một ít thời gian để đọc cuốn sách bồi bổ tâm hồn, một ít thời gian để lắng nghe những tâm sự của người thân và quan tâm hơn đến mọi người. Những giây phút thảnh thơi ấy khiến tôi nhận ra được nhiều điều đáng quý và thêm yêu cuộc sống.
Còn với bạn, bạn nghĩ sao?
------------------
(Hoài Phương - Học sinh lớp 12 Chuyên Văn - TRường THPT chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định)

Giá trị con người và sự gian khó

“Giá trị của con người không phải ở chân lí mà người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở chỗ gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí” (Let-xinh)
“Giá trị của con người không phải ở chân lí mà người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở chỗ gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí”. Câu nói của Let-xinh gợi cho ta nhiều suy nghĩ về những thành công và thất bại trong hành trình tìm kiếm những giá trị cao đẹp của đời sống con người.
Trong cuộc sống, con người luôn khao khát khám phá những giá trị của bản thân mình : mình đang đứng ở đâu? Mình là ai trong mắt mọi người, trong đời sống xã hội? Xác định được vị trí, hiểu được vị trí bản thân là nhu cầu tất yếu, chính đáng của mỗi con người. Song, không phải ai cũng có được nhận thức đúng đắn về điều đó. Có những kẻ luôn ngộ nhận về khả năng của mình, họ cho rằng mình là số một, là chân lí của cuộc sống. Đó là tư tưởng của những kẻ độc tài, tự kiêu và tự phụ. Lại có người nhút nhát, sợ sệt mọi thứ, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm được điều gì có ích. Đó lại là những người tự ti. Rõ ràng “Giá trị của con người không phải ở chân lí mà người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu”, tức là giá trị của con người không nằm ở những gì tốt đẹp, đúng đắn mà bản thân họ có hay họ nghĩ rằng mình có. Vậy giá trị ấy nằm ở đâu? Nó nằm ở những “gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí”.
Vậy là, điều được ghi nhận trong giá trị của con người là những nỗ lực, những cố gắng trong hành trình đi tìm, vươn tới cái đẹp, cái thiện ở đời.
Tại sao vậy? 
Cuộc sống là hành trình con người đi tìm mình và tự khẳng định mình. Ai cũng khao khát vươn tới cái hoàn mĩ của sự sống. Nếu con người đạt được một điều nào đó, một chân lí trong cuộc sống thì chân lí đó đã được con người chiếm lĩnh. Nhưng bất hạnh nằm ở việc chân lí cũng có tính tương đối, nó có thể đúng trong nhiều trường hợp nưhng lại sai trong một số trường hợp. Vậy nếu con người bằng lòng với chân lí mình có, dừng lại cuộc hành trình tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống thì khi ấy con người thất bại. Vậy kết quả của mọi công việc chưa phải là điều lớn nhất mà chúng ta đòi hỏi ở một con người. Quan trong là con người ấy đã vượt khó, vượt khổ để đi tới thành công. Chính trong quá trình vượt qua những gian khó mà con người nhận lãnh trên đường đi tìm chân lí đã giúp con người bộc lộ nhiều phẩm chất, đức tính của mình. Đó có thể là sự chăm chỉ cũng có thể là lười nhác. Đó có thể là can đảm cũng có thể là hèn nhát. Đó có thể là sáng tạo, năng động nhưng cũng có thể là thụ động, máy móc. Đó có thể là sự chân thành nhưng cũng có thể là sự dối trá,.. Hành trình đi tìm cái đẹp là hành trình chạy đua trong một đường hầm kín. Kẻ về đích sớm nhất, ló dạng ra khỏi đường hầm sớm nhất chưa chắc là kẻ nhanh nhất, giỏi nhất, tốt nhất,.. Chính bởi những điều ấy, giá trị đích thực của một con người phải là những “những gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí”. Qua quá trình vượt qua những điều khó khăn ấy, con người bộc lộ những phẩm chất, giá trị của mình.
Trong cuộc đời này, mọi người đang cùng đứng trên một quả đất nhưng mặt đất ta đứng không bằng phẳng mà chỗ cao, chỗ thấp. Ấy bởi mỗi người một hoàn cảnh, một đêìu kiện khác nhau. Còn chân lí lại là một độ cao nhất định mà tất cả chúng ta phải vươn tới mới đạt được. Vậy thì, giá trị của mỗi người không nằm ở việc ai chạm tay vào chân lí sớm hơn mà nằm ở việc đã nhảy như thế nào từ vị trí của mình để đến được với chân lí.
---------------
Nguồn từ: http://vanmau.com/

Tiết kiệm thời gian

Cuộc sống của con người mỗi ngày một thay đổi, của cải vật chất ngày càng nhiều nhưng tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Nếu chúng ta không biết tiết kiệm thì làm ra bao nhiêu cũng hết. C. Mac nói : “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”. Câu nói của Cac Mac khẳng định thời gian là quý nhất.

Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là tiết kiệm ?. Tiết kiệm là một trong những phẩm chất cơ bản của con người. Tiết kiệm là sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, sức lao động, thời gian… một cách hợp lí, đúng mức, không lãng phí.

Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, không phải là coi trọng đồng tiền một cách quá đáng, việc cần chi tiêu cũng không dám chi tiêu, gặp lúc cần đóng góp cũng không đóng góp.

Tiết kiệm cũng không phải là dè xẻn, để dành, cất kín tiền bạc dư thừa mà ngược lại, cần làm cho nó sinh sôi nảy nở. Người dân nào cũng có tiền chưa dùng đến, nên đem gửi vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm, sẽ ích nước lợi nhà, theo tinh thần của câu khẩu hiệu : “Tiết kiệm là quốc sách”.

Cac Mac nói : “Mọi tiết kiệm, suy cho cùng là tiết kiệm thời gian” bởi vì thời gian gắn liền với từng con người và từng việc cụ thể. Muốn hoàn thành một công việc nào đó, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều cần phải có thời gian. Ví dụ : học sinh học năm năm thì hết bậc Tiểu học, bốn năm thì hết bậc Trung học cơ sở, ba năm mới hết bậc Trung học phổ thông. Người nông dân sau ba tháng gieo trồng, chăm sóc mới thu hoạch được một vụ lúa. Không có thời gian thì chúng ta không làm được việc gì cả. Từ xưa, dân gian cũng đã khẳng định : “Thì giờ là vàng bạc”.

Vậy thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để chúng ta học tập, lao động và tạo ra những của cải vật chất, tinh thần quý giá cho cá nhân, cho xã hội. Sử dụng một khoảng thời gian cho một công việc nào đó nhưng không đạt kết quả theo ý muốn thì ta buộc phải làm lại từ đầu. Như vậy là ta đã đánh mất thời gian, đánh mất một phần của cuộc đời mình.

Trong quãng đời đi học, nếu chúng ta lười biếng, không chịu nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội ?. Lúc ấy, dẫu có muốn học lại từ đầu thì chắc cũng không dễ dàng gì.

Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần, góp phần dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp.

Có thời gian là có tất cả. Thời gian qua đi không lấy lại được. Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống, học tập và lao động. Vậy trong suốt thời gian ấy, chúng ta phải làm gì để đến “khi nhắm mắt xuôi tay, không phải ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí ?” (“Thép đã tôi thế đấy” – Otsterropski). Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người, do đó chúng ta phải biết quý thời gian mình đang sống.

Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, câu nói của Cac Mac càng có giá trị như một chân lí. Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Sau hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài suốt mấy chục năm, nền kinh tế nước ta lại càng nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì vậy, chúng ta cần tranh thủ thời gian để khôi phục và phát triển mọi lĩnh vực của đất nước. Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, nhân dân ta đã bắt tay vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình theo đường lối đổi mới, mở cửa nên bước đầu đã có cuộc sống ấm no. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo chậm phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, đi đôi với những cố gắng phát triển kinh tế, khoa học, kĩ thuật. Nhà nước ta đã đề cao chủ trương tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, coi tiết kiệm là quốc sách, là một trong những biện pháp cơ bản hàng đầu để xây dựng đất nước.

“Tiết kiệm là quốc sách”, bởi vì tiết kiệm đem lại lợi ích to lớn cho con người và xã hội. Với một quốc gia như Việt Nam thì tiết kiệm lại càng quan trọng và cần thiết. Tiết kiệm để tích lũy vốn, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước đưa đất nước đi lên. Chúng ta có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như vay mượn của nước ngoài hay hợp tác đầu tư… nhưng nguồn vốn trong nước vẫn là cơ bản, mà nguồn vốn của nhân dân chỉ có được bằng cách chi tiêu hợp lí và tiết kiệm.

Tiết kiệm là việc làm vô cùng cần thiết. Đảng và Nhà nước kêu gọi các cơ quan, đoàn thể hãy tiết kiệm tối đa, không mua ô tô loại sang, không xây dựng công sở thật lớn, không trang bị những đồ dùng đắt tiền, không tổ chức tiệc tùng lãng phí… Những công trình lớn được xây dựng đúng tiến độ thi công, bảo đảm đúng chất lượng tốt tiết kiệm cho ngân quỹ quốc gia. Những cuộc họp đúng giờ, ngắn gọn là tiết kiệm thời gian. Một dây chuyền sản xuất hợp lí là tiết kiệm công sức lao động.

Tiết kiệm là biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa. Xưa nay, những kẻ có thói xấu ném tiền qua cửa sổ đều mau chóng thất cơ lỡ vận, còn những người biết chi tiêu hợp lí và thực sự tiết kiệm thì ngày càng giàu có. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã căn dặn toàn dân phải “tiết kiệm thời giờ, sức lao động và tiền của”.

Mỗi người có những cách thức khác nhau để thực hành tiết kiệm. Chủ doanh nghiệp tiết kiệm tiền của, sức lao động, hợp lí hóa sản xuất. Người nội trợ chi tiêu hợp lí để tiết kiệm ngân quỹ gia đình. Còn học sinh chúng ta phải làm gì để thực hành tiết kiệm ?. Điều quan trọng nhất là nên dành nhiều thời gian để : “Học, học nữa, học mãi”; phải biết sắp xếp một cách hợp lí giờ học, giờ chơi, giờ lao động. Giữ gìn trường lớp, bàn ghế, đồ dùng học tập… là tiết kiệm cho nhà trường. Bảo quản sách vở, quần áo, xe cộ để cha mẹ đỡ tốn tiền mua sắm cũng là tiết kiệm. Chăm chỉ học tập, lao động vừa là giúp đỡ cha mẹ, vừa là giúp đất nước tiết kiệm tiền của để đào tạo một con người. Có muôn ngàn cách để tiết kiệm, miễn là chúng ta phải có ý thức tự giác.

Câu nói của Cac Mac đúng với mọi hoàn cảnh, mọi quốc gia. Trong nhịp sống khẩn trương của thời đại công nghiệp, chúng ta lại càng phải thường quyên rèn luyện ý thức tiết kiệm.

Không chỉ tự mình thực hành tiết kiệm mà chúng ta nên vận động mọi người cùng hưởng ứng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí tiền của Nhà nước, nhất là lãng phí thời gian. Tiết kiệm không chỉ là việc làm quan trọng, cấp thiết mà còn là một trong những phẩm chất cần có của mỗi con người nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Vì thế, ủng hộ chủ trương tiết kiệm của Nhà nước cũng là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới
---------------
Nguồn từ: http://vanmau.com/

Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là đích đến của văn học

Cuộc đời chính là bức tranh vô giá mà Thượng đế đã ban tặng cho con người. Trong cuộc đời, con người phải trải qua những hạnh phúc, đắng cay, những thành công, thất bại… Thượng đế muốn con người cảm nhận được những mùi vị của cuộc đời, hiểu được ý nghĩa của nó và mang đến cho nó những điều tốt đẹp. Đôi khi con người không thể nói suông những cảm xúc mà phải thông qua lăng kính của văn học mới có thể bộc lộ được hết ý nghĩa của nó. Vì thế, nhà thơ Tố Hữu đã nhận định: “ Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Văn học chính là người bạn đồng hành của con người qua mọi thời đại. 
“Văn học là nhân học”. Văn học gắn bó với con người từ thuở xa xưa. Từ khi còn nhỏ ta đã được nghe những bài vè, những câu ca dao ấm tình dân tộc rồi đến những bài thơ, bài văn tuổi học trò…Văn học vô hình nhưng hữu hình. Có thể nói con người làm nên văn học nghĩa là đã tạo nên cuộc sống của chính mình.
Cuộc đời là nơi xuất phát của văn học. Văn học-hai chữ tuy giản đơn nhưng ý nghĩa của nó thật sự to lớn. Từ cuộc đời, từ những suy nghĩ, cảm xúc, văn học được hình thành. Nó thổi vào văn học sự sống, sức cuốn hút cả nhân loại. Cuộc đời giúp văn học được sống và đến với trái tim, khối óc của mỗi con người và giữ cho mình một góc riêng ở đấy. Từ cuộc đời, văn học mới có thể thể hiện mình. Văn học bắt đầu là viết về con người, về cuộc sống. Trong suốt thời gian tồn tại, văn học đi sâu vào những tâm tư tình cảm của con người. Văn học viết nên những điều mà con người không thể diễn đạt được bằng chính lời nói của họ, viết về những khía cạnh trong cuộc sống, về những suy nghĩ của con người trong từng hoàn cảnh mà họ trải qua, đưa ra những nhận định, sự đồng cảm và khát vọng sống của con người. Dần về sau, văn học đi sâu vào cuộc đời của con người. Nó tìm hiểu sâu sắc hơn về cái nhìn của con người đối với sự việc. Nó thấu hiểu hơn về những suy nghĩ của con người…Rồi đến một ngày, văn học đạt đến đỉnh cao: cuộc sống không thể thiếu đi những câu ca dao, những câu thơ, những câu chuyện đồng cảm…Văn học ngày càng khẳng định mạnh mẽ hơn vị trí của mình trong cuộc sống. Thế là đích đến cuối cùng của văn học cũng chính là cuộc đời-nơi mà văn học muốn chinh phục.
Khi có văn học, cuộc sống mới thật sự có ý nghĩa. Văn học là đại diện cho suy nghĩ, cho tinh thần của con người đối với cuộc đời. Nhà văn Leptonxtoi đã nói: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bái ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại." Văn học truyền cho con người ngọn lửa để nói lên những đồng cảm, những bất mãn mà con người phải chịu đựng. Văn học lên tiếng thay con người: mang tình yêu đến với cái đẹp và phản ánh những cái xấu xa, đê hèn. Cuộc sống được nói lên qua cái nhìn của văn học để làm nên những tuyệt tác. Như Truyện Kiều của Nguyễn Du, một người con gái tài sắc vẹn toàn như Kiều lại phải chịu một cuộc sống éo le, cảm động lòng người. Văn học làm nên Truyện Kiều để rồi từ đó làm nên văn học. Đọc Kiều, Tố Hữu đã viết:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!”
Không có văn học thì làm sao Tố Hữu có thể viết nên những nỗi xót thương cho thân phận con người như thế? 
Nhờ có văn học, tình yêu thương giữa người với người được thể hiện với nhau. Từ những đâu ca dao, dân ca, những đôi trai gái yêu nhau có thể nói lên tiếng lòng :
“ Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”.
Hay nhưng câu nói về tình cảm gia đình:
“Nước biển mênh mông không đông đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.”…
Văn học thể hiện phong phú, đa dạng cuộc sống của con người. Văn học viết về người. Văn học viết về loài vật, cỏ cây. Văn học viết về phong cảnh…Đến với cánh cửa của văn học là đến với đại dương bao la rộng lớn mà chẳng nhà khoa học nào có thể đo đạt được. Nhắc đến tuyệt tác của văn học, không ai không nhớ đến câu chuyện tình Romeo và Juliet của William Shakespeare, một câu chuyện tình cảm động lòng người và sống mãi cùng thời gian. Văn học sánh cùng với thời đại. Cuộc sống ngày một thay đổi, văn học vẫn theo đuổi, vẫn nắm bắt những đổi mới về suy nghĩ của con người, cuộc sống. Thời phong kiến, dưới bức tường của lễ giáo, những quy chế hà khắc, nhiều nhà thơ đã viết nên những câu thơ, vài văn đáp ứng với thời đại ấy. Ngày nay, cuộc sống thoải mái hơn, phong cách các nhà văn lại khác. Tư duy về một vấn đề trong hai khoảng thời gian là hoàn toàn khác nhau. Chính văn học đã giúp ta nhận ra điều ấy. Con người thay đổi thì văn học thay đổi. 
Văn học là minh chứng cụ thể của sự phát triển xã hội qua các thời kì. Văn học là nơi lưu trữ của kí ức và tương lai. Nhờ có văn học, ta có thể trờ về với quá khứ, khi ông cha ta xây dựng đất nước qua Bình Ngô Đại Cáo, Hịch Tướng Sĩ…rồi đến chiến tranh chống Pháp, Mỹ qua bài thơ Bên kia sông Đuống, Khoảng trời hố bom,…Thời gian chênh lệch nhưng nhận thức về cuộc sống vẫn thế. Con người vẫn mong muốn một cuộc sống ấm no, hoà bình, đầy tình yêu thương. Văn học thể hiện khát vọng, ước mơ đối với cuộc sống, đối với tương lai. Từ văn học, con người có thể có nhiều sự đồng cảm, chia sẻ thay vì cứ ôm khư khư cái suy nghĩ ấy cho riêng mình. 
Lepmontop đã nói “ Có những đêm không ngủ, mắt rực cháy và thổn thức, lòng tràn ngập nhớ nhung…Khi đó tôi viết”. Cùng ý nghĩa ấy, Nekratxtop nói: “ Nếu những nỗi đau khổ từ lâu bị kiềm chế, nay sôi sục dâng lên trong lòng thì tôi viết”. Qua đó, ta có thể thấy rằng văn học đã đi sâu vào máu thịt của con người. Văn học thể hiện con người. Có những niềm vui, nỗi buồn ta không thể nói ra thì ta phải viết. Viết cho nó thoát ra khỏi sự ức chế, sự kiềm nén trong lòng. Khi ta viết, ta có thể nói lên hết những suy nghĩ của mình, thể hiện chính mình qua từng câu chữ. Nếu không có văn học, con người sẽ ra sao? Chỉ biết giữ những điều ấy trong lòng để rồi một ngày bật khóc khi nó vỡ oà mà chẳng ai chia sẻ? Văn học là sự đồng cảm. 
Văn học còn đặt ra vấn đề cho người đọc suy ngẫm và tìm hiểu. Nó đòi hỏi người đọc phải cảm nhận ý nghĩa mà nó muốn nói đến một cách thấu đáo. Văn học khiến người đọc phải chạy theo, phải hồi hộp chờ đợi, căng thẳng và bất ngờ cùng tác giả và tình tiết câu chuyện rồi từ đó đoán được suy nghĩ của tác giả. Từ việc lấy cảm hứng từ cuộc sống, con người, văn học bước đi để đến một ngày chính văn học lại là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Không có văn học, cuộc sống chỉ đơn thuần là sống mà không có bất cứ bất kì ý nghĩa nào ẩn bên trong nó.
Thời đại mới, con người với những suy nghĩ tiêu cực đã làm văn chương càng bị mai một đi khi chế lại các lời thơ, lời văn một cách hàm hồ. Có những con người đem văn chương ra làm một trò đùa. Họ viết nên những lời thơ thô tục, thiếu thẩm mĩ. Họ dùng những từ ngữ thay vì để viết nên những lời hoa mĩ để phục vụ cho mục đích xấu của họ. Thật đáng buồn thay cho những người không trân trọng cuộc sống của chính mình. 
Văn học như một bộ mặt phản ánh thời đại và phong cách của một đất nước. Văn học chứng tỏ lịch sử và tinh thần của dân tộc. Vì thế, xã hội ngày càng phát triển thì con người phải càng biết trân trọng nét văn hoá của mình. Văn học chính là sự sống, là ngọn lửa của cuộc đời. Hãy thắp sáng thêm ngọn lửa ấy để nó có thể mãi mãi trường tồn, soi sáng cho con người, hướng con người đến những chân-thiện-mĩ.
Cuộc đời làm nên văn học và cũng chính văn học làm nên cuộc đời. Những khía cạnh của cuộc đời với những cảm xúc đã tạo nên một nền văn học. Văn học đi vào lòng người, chia sẻ, cảm thông rồi lại chinh phục trái tim ấy. Văn học khiến con người phải cảm phục trước những lời nói mà nó đưa đến với cuộc đời. Văn học sống khi có con người và con người chỉ sống khi có văn học. “Cuộc đời là nơi xuất phất cũng là nơi đi tới của văn học”-Tố Hữu nói quả không sai tí nào.

-----------------Nguồn từ: http://vanmau.com/forum/showthread.php/19225-To-Huu-da-tung-noi-quot-Cuoc-doi-la-noi-xuat-phat-cung-la-noi-di-toi-cua-van-hoc-quot-#ixzz18x61CWdb

LỐI SỐNG "SÀNH ĐIỆU"

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, để theo kịp “mốt” thời thượng nhiều bạn cho rằng mỗi chúng ta phải biết sống sành điệu. Bởi họ quan niệm : sành điệu là cái mốc đầu tiên để đánh giá một con người trong thời đại @. Vậy thế nào mới là sành điệu thật sự? Là ăn mặc đúng mốt và đi trước mốt với những đồ vật đắt tiền, khác người hay là biết chấp nhận dấn thân vào thử thách cuộc đời. 
Hai từ “sành điệu” đã tồn tại trong cuộc sống của chúng ta quen thuộc đến nỗi thậm chí còn được coi là câu cửa miệng của một số người : “chuyện, sành điệu mà” hay “sành điệu mới là tôi”… Nói đến “sành điệu”, thường ta xhỉ nghĩ về mặt vật chất tức là cái bề ngoài của con người như dùng điện thoại di động “xịn”, ăn mặc “style”, dám chơi trội,… mà ít ai quan niệm sành điệu về mặt tâm hồn. Chẳng hạn như chúng ta không nói một người đã vượt lên thử thách của cuộc sống là “anh thật là sành điệu”. Mặc dù đó có thể là một lời khen nhưng người nghe lại không nghĩ như vậy. Đơn giản vì từ sành điệu thâm nhập vào cuộc sống được hiểu chủ yếu theo nghĩa đen của nó, tức là phải ăn mặc cho hợp mốt, đi trước mốt. Quan niệm này xuất hiện phổ biến trong giới trẻ. Vì với giới trẻ, sành điệu là cách để thể hiện đẳng cấp “pro”, để tự hào mình là một người thời thượng. hơn nữa tâm lý của giới trẻ là thích cái mới, cái lạ nên họ tiếp thu rất nhanh “mốt”. Cứ thế, như những con vi rút, các kiểu mốt cú lan truyền trong cộng đồng “teen” đánh vào tâm lí của họ tạo nên lối sống sành điệu.
“..Quê rồi, sành điệu ngày nay là phải ăn mặc như tao vầy nè”. Tôi choáng váng khi nhìn cô bạn 17 tuổi của mình mặc thứ quần bò rách lỗ chỗ, túi lằng nhằng những xích, đi giày cao cả tấc, chưa kể tóc tai loăn xoăn màu mè chẳng giống ai. Sành điệu kiểu ấy thì tôi xin chịu. Nếu sành điệu mà chỉ khiến người khác thấy phản cảm, sành điệu mà biến mình thành một người ngoài hành tinh thì đó là sành điệu “dởm”. Sành điệu không có nghĩa là phải dùng đồ đắt tiền, xài hàng hiệu. Muốn gây ấn tượng cho người khác không phải đeo kính Gucci (mà giá thấp nhất cũng từ 100 – 300 đô), đeo đồng hồ Swatch, mặc đồ hiệu D & G….Bởi đôi khi nó còn trở nên kệch cỡm nếu người dùng nó không biết cách phối hợp thời trang. Sành điệu như thế đối với nhiều “teen” mà nói là quá sức với hoàn cảnh gia đình. Cho nên, mới có nhiều bi kịch xung quanh chuyện teen “lỡ sành điệu” mà không dám trở lại với con người thật của mình vì bạn bè chê cười. Đừng để mình trở thành “trưởng giả học làm sang” như trong vở kịch của Mô-li-e bạn nhé!
Suy cho cùng sành điệu trong ăn mặc làm mình đẹp hơn. Vậy tại sao bạn không thử ăn mặc giản dị, trang nhã nhưng vẫn hợp mốt? Một chiếc áo thun kết hợp với một chiếc quần jean lửng sẽ làm bạn trẻ trung, năng động đến dường nào, hay là một chiếc áo ít hoạ tiết nhưng có những điểm nhấn nổi bật,.. sẽ gây ấn tượng hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, rất nhiều người ăn mặc giản dị mà vẫn rất đẹp. Cái đẹp của sành điệu là cái đẹp tạo cho người nhìn cảm giác dễ chịu, bắt mắt chứ không phải là cái đẹp kì dị, khác người,..
Có thể khẳng định rằng nhu cầu ăn ăn mặc sành điệu là nhu cầu chính đáng của giới trẻ trong xã hội hiện nay. Nhưng mỗi chúng ta phải biết cách sành điệu và sành điệu như thế nào cho đúng, cho hợp với chính mình mới là vấn đề quan trọng. Sành điệu trong cách ăn mặc, đồ dùng đắt tiền chỉ là cái bề ngoài nên nó không có giá trị lâu dàivới thời gian. Sành điệu nhất chính là mỗi chúng ta phải biết chấp nhận thử thách và dấn thân vào thử thách của cuộc đời. Như vậy, chúng ta không chỉ đạt đến cái đích đến “cuối cùng’’ của “sành điệu” mà bản thân bạn cũng khám phá ra rất nhiều điều về chính mình như lòng dũng cảm, sự tự tin, lối sống có trách nhiệm…Một phóng viên trẻ tuổi mới vào nghề dám thâm nhập thực tế để lấy tư liệu về vụ tham nhũng của doanh nghiệp X mà không sợ nguy hiểm; một người kinh doanh trẻ sẵn sàng đầu tư tiền vào công ty mà mọi người đều cho rằng nó không mấy khả quan chỉ vì anh tin rằng công ty ấy tuy nhỏ nhưng đầy tiềm năng phát triển ; một bạn gái tật nguyền ở chân nhưng vẫn không từ bỏ ước mơ một ngày nào đó được đứng trên bục giảng trở thành một giáo viên…Tất cả họ đều là những người sống đẹp- lối sống ấy mới thực là lối sống khiến chúng ta ngẫm nghĩ và đáng để noi theo.
Nếu bạn là “fan” của những bộ phim hoạt hình Walt Disney nổi tiếng thì chắc hẳn bạn phải biết Disney đã từng tất bại cay đắng ngsy từ những ngày đầu mới vào nghề, khi bị ông chủ toà soạn báo sa thải vì khả năng sáng tạo kém “Khi đó tôi mới 21 tuổi, không tiền bạc, không danh vọng. tôi gần như sụp đổ khi ngày nào cũng phải ngủ trên chiếc sôpha rách tươm, ăn mãi một món khoai tây nghiền và phải sống trong căn nhà ổ chuột”. Walt Disney đã từng phải sống như vậy trong cả thời gian dài để tên tuổi của ông mới được mọi người biết đến và nổi tiếng như ngày hôm nay. (Theo Hạt giống tâm hồn).
J. Rowlinh – tác giả của tập truyên Harry Porter – một trong những nhà văn giàu có nhất trong lịch sử với tổng tài sản hơn một tỉ đô la - trước đây cũng chỉ là một bà mẹ nghèo sống bằng tiền trợ cấp của xã hội. Bà đã không từ bỏ ước mơ trở thành nhà văn cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, dù tác phẩm của bà bị từ chối đến 12 lần trước khi xuất bản. Bà cũng như Walt Disney đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng thành công nào cũng phải trả giá bằng sự cố gắng, nỗ lực. Để trưởng thành hơn và khẳng định mình cần phải biết chấp nhận thử thách và dấn thân vào thử thách cuộc đời.
Sành điệu ngày nay, mà có lẽ là ở thời đại nào cũng vậy chính là sống không bao giờ được nói hai từ “gục ngã”. Anh sẽ khẳng định được chính mình trên lĩnh vực mà anh thành công, mọi người sẽ nhắc đến tên anh đầy tự hào nếu anh sống một cuộc sống có ý nghĩa. Cái bề ngoài của quần áo hay đồ vật đắt tiền có thể là mốt lúc này…nhưng có ai dám chắc là sau năm năm, mưòi năm nó sẽ không trở nên lỗi thời? Giá trị vật chất chỉ là cái hào nhoáng bên ngoài, nó dẽ thu hút các bạn trẻ nhưng rồi cũng dễ trở nên nhàm chán và là đồ cũ. Người ta chỉ sẽ nhớ đến nó trong hoài niệm : À, nó đã từng là đồ mốt của một thời nào đó…”Nói cho cùng, để có để sống được hàng ngày, tất nhiên phải nhờ vào những giá trị tức thời. Nhưng cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những giá trị bền vững (Nguyễn Khải).
Tôi không phản đối quan niệm của người tuổi trẻ về cách sống sành điệu thời trang, nhưng cũng không hoàn toàn đồng tình. Ý nghĩa thực sự của sành điệu thiết nghĩ là để mỗi chúng ta biết nhận thức được đâu là giá trị bền vững và đâu là con đường đi đến sành điệu khôn ngoan nhất. Người khôn ngoan sẽ là người chon con đường đi bằng tinh thần hơn là con đường thể hiện mình theo kiểu “tốt nước sơn”. Bạn nghĩ sao? Bạn sẽ chọn con đường nào để chứng tỏ mình trong cuộc sống?
-------------------
Nguồn từ: http://vanmau.com/forum/showthread.php/18904-loi-song-sanh-dieu-cua-gioi-tre-trong-xa-hoi-hien-nay-#ixzz18x5IQV1b

Học làm người ôn hòa để chống lại hành vi bạo lực

Học làm người ôn hòa
TTO 23.12.2010
 Lần đầu tiên, tại Đà Nẵng thử nghiệm mô hình “nói không với bạo lực gia đình” dành cho nam thanh niên thuộc thế hệ 9X trong trường THPT, ĐH. Các CLB nam thanh niên phòng chống bạo lực gia đình được gọi là CLB Bạn và tôi.

Một buổi sinh hoạt của CLB Bạn và tôi ở Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng  - Ảnh: Đoàn Cường
CLB Nam thanh niên phòng chống bạo lực gia đình nằm trong dự án hoạt động do T.Ư Đoàn và Quỹ phát triển phụ nữ Liên Hiệp Quốc thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12-2010. Đà Nẵng là địa phương được chọn thực hiện thí điểm đầu tiên trong cả nước.
“Giải nhiệt” cơn giận dữ
Một buổi tối giữa tháng 12-2010, tại căn phòng nhỏ của Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, 18 thành viên CLB Bạn và tôi cùng sinh hoạt.
Phan Thành Nam - chủ nhiệm CLB (26 tuổi, hiện là giảng viên Trường ĐH TDTT) - khởi động chương trình bằng một trò chơi vui nhộn. Tay cầm một con gấu bông, xung quanh đa số là sinh viên sắp ra trường đã được phát sẵn những tờ giấy A4. Nam nói nhỏ: “Lớp học để giúp các bạn trở thành người đàn ông lý tưởng trong tương lai”. Nam bật bản nhạc không lời nhẹ nhàng My heart will go on và nói các bạn hãy thả lỏng người, nhắm mắt lại để nghe nhạc.
Hãy chia sẻ cơn giận dữ gần đây nhất của mình. Chuyện gì đã xảy ra trong cơn giận dữ đó. 15 phút trôi qua... vẫn cầm trên tay con gấu bông, Nam nói đây là con vật “linh thiêng”, bạn nào muốn nói hãy giơ tay lên. Người cầm trên tay con vật này sẽ có quyền nói những gì đã trải qua, những người khác sẽ lắng nghe.
Một sinh viên năm 3 mở màn kể câu chuyện cách đây vài ngày đã cãi nhau với một sinh viên năm 1 ở cùng phòng trọ. Trong cơn bốc đồng, hai người thách đố nhau cùng ném hai chiếc điện thoại trị giá hơn 5 triệu đồng vào tường nát vụn... “Sau hành động đó, mình vẫn thấy bồn chồn và chuyển sang hối hận bởi trị giá hai chiếc điện thoại với sinh viên đâu có nhỏ” - bạn tâm sự. Một bạn khác kể sự việc chỉ vì trong lúc đá banh có va chạm với một người bạn rồi không kiềm chế nên hai bên nhảy vào định ăn thua đủ với nhau. Đỗ Lê Vũ, người phụ trách hoạt động của các CLB (Thành đoàn Đà Nẵng), chia sẻ cơn nóng giận giữa Vũ và một người bạn thân suýt làm đổ vỡ tình bạn của hai người...
Nam hỏi: “Vậy giải tỏa cơn giận bằng cách nào?”. Hai nhóm được phát hai tờ giấy lớn và ghi chi tiết: khi cơn giận dữ xảy ra, nên làm gì? Điểm chung các bạn nêu là: chia sẻ với ai đó, đi dạo, ngủ... Nam tâm sự: “Giận dữ và bạo lực rất gần với nhau. Vì vậy để không có bạo lực thì phải giải tỏa cơn giận bằng hành động tích cực”...
Từ nạn nhân bạo lực gia đình
“Kết thúc khóa học em sẽ về nói chuyện thẳng thắn với ba như hai người đàn ông rằng ba cần hiểu con cái hơn, quan tâm đến con hơn là những đòn roi” - Nguyễn Thành N. (khoa quần vợt) tâm sự. Dù là sinh viên năm 2 nhưng N. vẫn bị ám ảnh bởi những đòn roi của cha mà đỉnh điểm là khi bị bỏ vào bao tải và treo lên đánh đòn. Hậu quả là giờ đây giữa N. và cha rất ít nói chuyện với nhau, thậm chí lảng tránh nhau. Suốt thời gian đi học N. rất ít nói chuyện, luôn trầm ngâm so với bạn bè. “Không biết giải tỏa bằng cách nào” - N. cho biết.
Tương tự, Nguyễn Cao K. (khoa quần vợt) cũng từng là nạn nhân khốc liệt của bạo lực gia đình. Sau những cơn nhậu say xỉn, cha K. thường về nhà lôi vợ cùng hai con ra đánh rất thậm tệ. Cho đến lúc cha kéo đầu mẹ đập vào trong gương, thấy vậy K. vừa khóc vừa thương mẹ nên đã cầm cây gỗ đánh trả lại cha để giải cứu mẹ. Sau hành động đó K. bỏ nhà đi hai ngày. K. thổ lộ: “Em biết hành động của mình là sai, nhưng quá uất ức không biết phải làm gì để cứu mẹ đã dẫn tới sự việc đó”. Sau những buổi học, K. bày tỏ: “Em sẽ về nói với ba rằng con đã qua một lớp học phòng chống bạo lực gia đình. Rằng ba không có quyền đánh vợ con, nếu còn tiếp diễn con sẽ nhờ đến bà con hàng xóm, thậm chí chính quyền, pháp luật”. Và K. cũng tự hứa sẽ không bao giờ nhậu nhẹt như ba, sau này có vợ sẽ không làm khổ vợ như ba từng đối xử với mẹ.
Đỗ Lê Vũ kể có bạn nam sinh viên ở ĐH D do không kiềm chế cơn nóng giận đã... ra đòn với chính bạn gái của mình. Sau những buổi học tại CLB, nam sinh viên ấy đã về xin lỗi người yêu và cam kết không tái phạm nữa.
Sau nhiều buổi sinh hoạt tại CLB, nhiều bạn đã tự nhận thấy mình mềm mỏng hơn, sống có trách nhiệm và thương yêu người thân, bạn bè hơn trước.
Tác động thay đổi hành vi
Tháng 9-2010, tám CLB Bạn và tôi đã được thành lập ở sáu trường THPT, ĐH trên địa bàn Đà Nẵng. Nội dung các buổi sinh hoạt là làm quen, tạo không khí cởi mở, an toàn; nhận diện nam tính, phân biệt các dạng bạo lực; lập kế hoạch hành động... Các hoạt động nhằm tác động đến nhận thức, thay đổi hành vi của các nam thanh niên, chia sẻ những vấn đề về giới, khúc mắc trong mối quan hệ với bố mẹ, bạn bè, sẻ chia những nỗi bất hạnh của phụ nữ...

18 thg 12, 2010

Điểm 1 và bài học về Sự Kiên Định

Ý thức trong học tập được thầy cô rất quan tâm và luôn rèn cho học sinh ngay từ khi vào học. Với tôi, tính trung thực, kiên định,…trong học và làm bài ở tuổi trưởng thành có lẽ được vun đắp từ câu chuyện hồi lớp 5.
Khi ấy, tôi còn là một cô bé học lớp bồi dưỡng Toán lớp 5, do thầy Chung giảng dạy.
Chúng tôi luôn sợ thầy, vì tính nóng nảy và rất nghiêm khắc với học trò. Ngày hôm đó, tôi cùng với khoảng 10 bạn khác đang làm một bài kiểm tra Toán sau khi bồi dưỡng được 2 tháng. Chúng tôi rất lo vì nếu làm điểm thấp sẽ bị loại ra khỏi đội bồi dưỡng.
Thời gian làm chỉ trong vòng 20 phút, không khí lớp học im ắng như tờ. 10 phút trôi qua, Hưng (cây Toán lớp tôi khi ấy) đã nộp bài và được thầy chấm ngay. Thầy chấm xong, vẻ mặt Hưng sững sờ vì bất ngờ với số điểm là 5. Thầy không nói gì, lẳng lặng bước ra khỏi lớp.
Hưng cầm bài về, cả đám nhốn nháo và bàn luận xôn xao vì con điểm 5 ấy. Chúng tôi so bài với Hưng thì giống nhau y hệt. Mà nghĩ, tại Hưng sai nên thầy mới chấm 5. Chúng tôi hì hục ngồi sửa lại tất, sửa ngay chỗ mà thầy chấm sai.
20 phút! Hết giờ! Chúng tôi lên nộp bài cho thầy! Hồi hộp, lo lắng, bao nhiêu cảm giác cứ xen lẫn, khiến tôi như ngộp thở. Đứa nào cũng lóng ngóng lên bàn thầy chấm, nhìn tay thầy và đoán xem bao nhiêu điểm.
Lại một cảm giác ngỡ ngàng, khó hiểu, những con số 1 liên tục được viết vào bài những đứa nộp bài sau.
Trả bài, chúng tôi thật sự sốc, kèm theo đó là sự băn khoăn. Tôi định chạy lên phía thầy để hỏi rõ sự tình. Vừa mới bước chân ra khỏi chỗ ngồi, thầy bảo: “Ngồi yên đó, thầy biết em lên để hỏi gì rồi? Hỏi vì sao điểm 5 phải không?”
Lớp lại một lần nữa yên ắng. Nghe thầy giải thích hơn 10 phút, những câu nói khiến tôi nhớ suốt trong đời.
“Đáng lẽ, tất cả các em đều được 10. Bài các em đều đúng trước khi sửa lại. Thầy cho bạn Hưng điểm 5 để thử xem các em có kiên định và tin vào khả năng làm bài của mình không. Thầy không cho các em điểm 5 như bạn Hưng mà cho điểm 1. Chắc các em đã biết?”
Tuổi 11 khi ấy không cho phép tôi hiểu gì sâu xa, nhưng tôi biết tôi và những người bạn còn lại đã phạm sai lầm. Điều đó khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ. Cảm ơn thầy đã cho chúng em bài học quý giá về sự tin tưởng vào bản thân.

17 thg 12, 2010

Tham khảo : Đề văn của Trung Quốc


1.Đề thi tỉnh An Huy: Viết một bài với chủ đề “Hiểu cuộc sống, hiểu cha mẹ”.
2. Đề thi của Bắc Kinh: Viết một bài viết với tiêu đề “Một nét chấm phá về Bắc Kinh”.
3. Đề thi tỉnh Triết Giang: “Cuộc sống cần nghỉ ngơi, cuộc sống không ngơi nghỉ”. Em có suy nghĩ gì về vấn đề này? Hãy viết bài viết không dưới 800 chữ với chủ đề này, có thể viết về một mặt cũng có thể viết về cả hai mặt.
4. Đề thi của thành phố Thượng Hải: Hãy viết một bài viết với chủ đề “Tôi muốn nắm chặt tay bạn”.
5. Đề thi tỉnh Giang Tô: Lỗ Tấn nói, trước kia thế giới vốn không có đường, người đi nhiều nên đã tạo ra đường. Cũng có người nói, thế giới vốn ngay từ đầu đã có đường, người đi nhiều nên đường bị mất đi. Lấy chủ đề “Con người và con đường” để viết một bài dài khoảng 800 chữ.
6. Đề thi tỉnh Quảng Đông: Một nhà điêu khắc đang khắc một tảng đá, bức tượng vẫn chưa thành hình, dần dần, đầu, vai đã lộ ra, cuối cùng nhà điêu khắc đã tạc ra tượng một thiên sứ xinh đẹp. Một bé gái nhìn thấy liền hỏi: Làm sao ông biết trong tảng đá có giấu thiên sứ? Nhà điêu khắc nói: trong đá vốn không có thiên sứ nhưng ta đã dồn hết tâm tríđể tạc. Lấy thiên sứ trong lòng nhà điêu khắc làm chủ đề để viết một bài dài 800 chữ.
7. Đề thi tỉnh Tứ Xuyên: Trong cuộc sống có rất nhiều câu hỏi, có người ham hỏi, có người ngại hỏi. Hãy lấy “Hỏi” làm chủ đề và viết một bài không dưới 800 chữ.
8. Đề thi tỉnh Giang Tây: Có con chim yến nọ sau khi ấp trứng trở nên rất béo, không thể bay được cao. Mẹ của chim yến khuyên nó nên tăng cường tập luyện để giảm béo, như thế mới có thể bay được cao. Lấy “Chim yến giảm béo” làm chủ đề, tự đặt tiêu đề và viết một bài 800 chữ.
9. Đề thi tỉnh Sơn Đông: Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Đứng từ dưới đất nhìn lên, con người đều thấy sao trời lấp lánh, sáng ngời, nhưng khi con người tiến gần sao trời sẽ phát hiện ra rằng các ngôi sao cũng giống như trái đất - gồ ghề, không bằng phẳng, xung quanh đầy bụi bặm. Từ câu chuyện ngụ ngôn này em cảm ngộ được điều gì? Lấy đó làm chủ đề và viết một bài viết dài 800 chữ.
10. Đề thi thành phố Trùng Khánh: 
(1) Hãy viết một bài viết 200 chữ miêu tả một bến xe.
(2) Bước đi và dừng lại là hiện tượng thường gặp trong cuộc sống, nó đã giúp ta có được những suy nghĩ và liên tưởng về tự nhiên, xã hội, lịch sử, nhân sinh. Hãy lấy chủ đề “Bước đi và dừng lại” để viết một bài viết 600 chữ.
11. Đề thi tỉnh Liêu Ninh: Lấy “Đôi vai” làm chủ đề và viết một bài viết dài 800 chữ.
Hệ quả từ cách ra đề: Thực dụng và sáng tạo
Đề thi văn không nên chỉ dừng lại ở việc đánh giá điểm số mà qua đó giáo viên, nhà trường có thể nắm bắt được khả năng tư duy, cách suy nghĩ của thế hệ trẻ. Một điều quan trọng hơn để học sinh thấy được tầm quan trọng của việc học môn văn là học tốt văn sẽ có thể giúp ích cho việc diễn đạt các vấn đề của cuộc sống, phục vụ cho học tập và công tác nghiên cứu của học sinh – dù là ngành tự nhiên hay xã hội sau này.
Nếu đi tìm hiểu thực tế ở các trường ĐH của Trung Quốc, có thể thấy SV ĐH, kể cả thí sinh học nhóm ngành tự nhiên đều rất chắc trong việc trình bày và diễn thuyết vấn đề, dù là văn nói hay văn viết.
Tuy nhiên, cách ra đề thi văn của Trung Quốc rất gắn liền với chương trình môn ngữ văn của học sinh trong trường phổ thông.
Ở Việt Nam, đang kêu gọi thay đổi cách ra đề thi văn. Nhưng để làm được điều này, thiết nghĩ, trước hết chúng ta cũng cần phải có những thay đổi phù hợp đối với chương trình môn văn đang dạy ở các trường phổ thông.
-----------------------------
Theo: Việt báo