9 thg 7, 2011

Những điều làm nên hạnh phúc

(GD&TĐ) - Nếu chỉ ngồi chờ hạnh phúc đến với mình thì có lẽ suốt đời bạn sẽ phải chờ đợi. Bởi vậy, hãy chủ động tạo nên điều đó với một số gợi ý dưới đây.
(Ảnh minh họa: Internet)
(Ảnh minh họa: Internet)
- Khi có những ý nghĩ và nỗi buồn, hãy xua chúng ra khởi đầu và nhớ rằng có những hoàn cảnh bạn không có đủ sức để thay đổi, vậy cách tốt nhất là phải bình tĩnh để suy xét mọi việc.

- Hãy nhớ lại những cảm giác tuyệt vời nảy sinh trong bạn khi ngắm hoàng hôn ở một nơi tuyệt đẹp nào đó. Hãy nhớ lại sự nhẹ nhõm và niềm vui khi bạn kết thúc thành công một công việc lớn nào đó hoặc thi xong, hay niềm vui khi bất ngờ nhận được một món quà thú vị. Tự bạn sẽ biết những hồi tưởng và ý nghĩ nào sẽ cho cảm giác dễ chịu.

- Hãy quen với việc cảm thấy mình hạnh phúc và điều đó trở thành một trong những bài tập chủ yếu của bạn. Thường xuyên cười với bản thân và những người khác và hãy để cho họ hiểu rằng bạn là người hạnh phúc.

- Cố gắng làm cho cả những người xung quanh hạnh phúc. Khi bạn thấy một người nào đó gặp nạn, hãy đề nghị để bạn giúp đỡ họ mặc dù chỉ là những sự hỗ trợ rất nhiều. Ví dụ, bạn chỉ đường cho một khách du lịch để anh ta đến được nơi cần thiết một cách nhanh chóng và thuận lợi. Từ niềm vui của người khác, chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy vui hơn.

- Đừng quên những người đã làm cho cuộc đời bạn sáng sủa hơn, giàu có hơn và hãy dành nhiều thời gian cho người đó.

- Cố gắng bớt chỉ trích hành động của người khác và bạn có thể tránh được nhiều cảm giác tiêu cực cho cuộc đời mình.

- Đừng cố gắng để ngay lập tức thành người hoàn toàn hạnh phúc. Tốt nhất, bạn nên vui mừng với những việc nhỏ hơn là chờ đợi một điều gì đó thật to lớn.

- Hãy quên đi sự ganh tị vì nó có thể làm hại cả cuộc đời bạn. Nhiều người cảm thấy mình bất hạnh vì những kỳ vọng của họ hoàn toàn không thực tế bởi hạnh phúc chỉ là một khái niệm tương đối.
Phương Hà (st)

20 con đường đưa đến thất bại

(GD&TĐ) - Trong nhiều bài viết cũng như có rất nhiều sách vở chỉ điểm cho con người làm sao để thành công, hay nói khác đi chỉ dẫn những con đường đưa đến sự giàu có. Nhưng lại không có mấy ai nói đến con đường đưa đến thất bại. Tôn Tử có nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Vậy chúng ta tìm hiểu xem đâu là những nguyên do đưa đến thất bại. Dưới đây là một số nguyên do chính dẫn đến thất bại.

1. Hội chứng “down”: Một căn bệnh di truyền mà con người không có thể tự chủ được. Có những người kém may mắn khi sinh ra đã bị mang chứng bệnh này. Người mắc bệnh này không có đủ khả năng về trí tuệ, họ bị thiệt thòi từ thể chất đến tâm sinh lý. Còn loại thứ hai, nói về người bình thường, nhưng dễ thất vọng, dễ chán chường, dễ gã gục khi gặp phải những khó khăn nho nhỏ, đó là những người có tinh thần yếu kém, họ thường than thân, trách phận, đổ lổi cho hoàn cảnh mà không tìm cách để vượt qua.

2. An phận thủ thường: Không có một lý do gì để ta có thể thông cảm cho những người an phận thủ thường cả. Họ là những người chỉ biết sống cho ngày hôm nay, giờ này và không bao giờ chịu hy sinh một tí gì để tiến thân.

3. Thiếu kiến thức: Đây là một điều bất lợi nhưng có thể khắc phục được một cách dễ dàng. Kiến thức đây không ám chỉ đến văn bằng cử nhân, tiến sĩ gì cả. Lịch sử đã chứng minh rõ ràng những người tự học và tự lập đã khéo léo ứng dụng những kiến thức đó để thành công. Năm người giàu nhất nước Mỹ hiện tại là Bill Gate, Warren Buffet, Paul Allen, Michael Dell, và Lawrence Ellision, chỉ có Warren là có bằng đại học thôi. Hầu hết lương bổng không được tính theo kiến thức của một người mà tính theo người đó có thể làm gì với kiến thức của họ.

4. Thiếu tự chủ: Tự chủ được mang đến qua sự bình tĩnh. Bình tĩnh giúp cho con người tìm ra được những giải pháp tốt nhất trong mọi tình huống. Cho nên tự chủ sẽ giúp cho con người loại bỏ được những tật xấu. Nếu bạn không tự chủ được bản thân, thì bản thân sẽ làm chủ đời bạn.

5. Do dự, chần chừ: Do dự hay chần chừ làm cho con người mất đi bao nhiêu cơ hội thành công. Hầu hết chúng ta lúc nào cũng chờ đợi cơ hội, và cơ hội thì chẳng bao giờ thấy cả. Chỉ vì cơ hội đi qua quá nhanh mà chúng ta lại do dự, cho đến khi cơ hội đi qua mất rồi chúng ta mới biết đó là cơ hội.
6. Thiếu bền chí: Hầu hết con người hăng hái với khởi động, nhưng uể oải khi kết thúc. Hơn thế nữa, con người thường hay bỏ cuộc khi bị vấp phải một thất bại nho nhỏ mà thôi. Bền chí nhưng trong tiếng Việt có câu: “thua keo này, ta bày keo khác.”

7. Bi quan: Lúc nào cũng nghĩ rằng trời sắp sập rồi, hay là đó là cái cạm bẫy mà chúng đang gài mình đó. Thật ra không ai muốn ngồi gần, hay giao thiệp với người bi quan cả. Không có bạn bè, không có người quen thì làm sao có thể thành công được.

8. Không có mục đích: Một trong những lý do chính mà đưa con người đến chỗ thất bại là vì cuộc sống không có mục đích. Không biết mình muốn gì trong cuộc sống thì làm sao có thể thành đạt được.

9. Thiếu quả quyết: thiếu quả quyết là anh em sinh đôi với tính do dự chần chừ. Người quả quyết thì quyết định một việc rất nhanh chóng nhưng thay đổi quyết định một cách chậm chạp, còn ngược lại người thiếu quả quyết thì quyết định một việc một cách chậm chạp và lại thay đổi một cánh dễ dàng.

10. Chết nhát hay sợ sệt: Một trong những tính sợ sệt luôn luôn đem con người đến thất bại. Sợ già, sợ chết, sợ bị phê phán, sợ không đủ khả năng, sợ đối diện với sự thật, sợ mất đi những gì đang có, sợ thất bại…
11. Mê tín dị đoan: Tin tưởng vào một đấng chí tôn trong cuộc sống là một việc tốt, thế nhưng mê tín dị đoan lại là một việc làm ngu xuẩn nhất trên đời này. Mê tín dị đoan là một dạng thức khác của sợ sệt mà thôi. Người thành công lúc nào cũng có tư tưởng cởi mở và không sợ bất cứ việc gì.

12. Thiếu nhiệt huyết: Người có nhiệt huyết với công việc lúc nào cũng là người đi tiên phong trong công việc của họ làm. Thiếu nhiệt huyết chỉ làm tối thiểu với công việc được yêu cầu mà thôi.

13. Thiếu khả năng giao tiếp: Không có khả năng giao tiếp đưa đến mất chức, mất đi những cơ hội để thăng tiến hay làm ăn.

14. Chủ trương lường gạt: Việc nói dối có thể xảy ra hằng ngày trong cuộc sống, nhưng chủ trương lường gạt trước sau gì cũng đưa đến lộ tẩy, từ đó không còn được một niềm tin cậy của bất cứ ai.

15. Tiêu xài hoang phí: Người tiêu xài hoang phí lúc nào cũng sống trong cảnh nợ nần. Làm ra được một đồng thì tiêu xài hết một đồng rưỡi.

16. Chọn sai nghề: Có một số các bạn trẻ chọn nghề hay theo học một môn nào đó vì làm theo ý của cha mẹ. Kết quả không thể phát triển khả năng của mình trong ngành nghề đó vì thiếu nhiệt huyết. Khi chọn nghề, chọn nghề mà bạn thật là thích, không chọn nghề vì tiền, vì phong trào, vì cha mẹ và nhất là vì bạn bè.

17. Chọn lầm người bạn đời: Đây là một trong những lý do thông thường để đưa đến thất bại. Sau khi sự đổ vỡ của gia đình con người mất đi những ý chí, những nghị lực cần thiết để tiếp tục thực hiện những tham vọng của cá nhân. Ngược lại, một gia đình đầm ấm, một hôn nhân hạnh phúc sẽ là động lực giúp con người thành công.

18. Chọn lầm cộng sự viên trong công việc: Cộng sự viên trong công việc bao gồm các thành viên trong công việc, đến nhân viên, và cả cấp trên của mình nữa. Người cộng sự viên tốt luôn thúc đẩy bạn đến những những thành quả tốt. Cộng sự viên tốt cũng chia sẻ những kinh nghiệm, và kiến thức của họ để giúp bạn thành công.

19. Đoán mò: Một số người thường lười biếng đi tìm sự thật, lúc nào cũng phán quyết công việc theo cảm tính. Người thành công phân tích công việc và dựa trên nhiều thông tin để quyết định.

20. Kiêu căng tự phụ: Đây là thứ độc tố nguy hại nhất để đưa con người vào thất bại.

20 lý do trên là nguyên do chính đưa con người đến thất bại trong cuộc sống. Xin nhấn mạnh rằng thất bại trong cuộc sống không chỉ lệ thuộc vào 20 lý do vừa nêu trên, mà còn rất nhiều lý do khác nữa.

quy luật cơ bản của cách sống để thành công

Quy luật của cách sống để thành công
(GD&TĐ) - Những người gieo trồng yêu thương cuối cùng sẽ thu được yêu thương. Những người gieo trồng lòng tốt sẽ thu hoạch được nhiều điều tốt hơn thế. Những người gieo trồng nỗi sợ hãi và giả dối cũng sẽ nhận được những vụ mùa mà chẳng ai muốn nhận.

Tôi đã từng đọc, và rất ấn tượng, với một câu chuyện từng xảy ra trong sự nghiệp của Ignacy Paderewski (1860-1941). Nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng người Ba Lan này đã nhận lời chơi trong một buổi hòa nhạc được tổ chức bởi hai sinh viên lúc đó đang học Đại học Stanford và cùng làm thêm để có tiền trang trải học phí. Người quản lý của Paderewski nói họ sẽ đồng ý với đề nghị của hai sinh viên kia, với điều kiện hai sinh viên phải đảm bảo tiền cát-xê cho nghệ sĩ là 2.000 đôla. Hai sinh viên cũng nhất trí và cuối cùng, buổi hòa nhạc cũng được tổ chức.
Mặc dù hai sinh viên này rất nỗ lực quảng cáo, nhưng sau buổi hòa nhạc, họ chỉ thu được 1.600 đôla. Vừa buồn vừa nản, họ kể với Paderewski rằng họ đã cố gắng hết sức ra sao, và ái ngại đưa cho ông 1.600 đôla, với bức thư xin lỗi và hứa sẽ trả ông nốt 400 đôla vào một thời điểm khác. Thế nhưng nghệ sĩ dương cầm này xé ngay bức thư và trả lại 1.600 đôla cho hai cậu sinh viên: “Hãy trừ tất cả các chi phí tổ chức của hai cậu đi” – Ông nói – “Sau đó hãy tự lấy mỗi người 10% trong số tiền còn lại, còn bao nhiêu thì hẵng đưa cho tôi”.

Nhiều năm sau đó, Paderewski làm công việc tiếp tế cho người dân ở đất nước Ba Lan của mình, nơi bị tàn phá bởi chiến tranh. Thật kỳ diệu, từ trước khi có lời đề nghị, thì hàng ngàn tấn thực phẩm đã được người dân Mỹ gửi tới Ba Lan.

Sau đó, Paderewski tới Paris để cảm ơn Herbert Hoover, người đứng đầu lực lượng cứu trợ của Mỹ lúc bấy giờ.
- Không có gì đâu, ông Paderewski – Hoover nói – Tôi biết rằng vào thời điểm này, người dân Ba Lan đang gặp rất nhiều khó khăn và thực phẩm là vô cùng cần thiết. Và ngoài ra, dù rằng ông có thể không nhớ, nhưng tôi là một trong hai sinh viên mà ông đã hào phóng giúp đỡ khi chính tôi gặp khó khăn.

Câu chuyện này là bằng chứng cho “luật” của cách sống để thành công: sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ gặt hái những gì mình gieo trồng. Paderewski đã thu hoạch được vụ mùa nhân ái mà ông đã gieo hạt từ nhiều năm về trước. Những người gieo trồng yêu thương cuối cùng sẽ thu được yêu thương. Những người gieo trồng lòng tốt sẽ thu hoạch được nhiều điều tốt hơn thế. Những người gieo trồng nỗi sợ hãi và giả dối cũng sẽ nhận được những vụ mùa mà chẳng ai muốn nhận.

Đó là quy luật cơ bản của cách sống để thành công. Và quy luật đó đủ mạnh mẽ để thay đổi một, hoặc nhiều, cuộc sống.
(Theo Steve Goodier)

Nổi tiếng và Có ích

"Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích."
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
( Đề thi ĐH khối D 2011)
--------------------
- Giới thiệu ý kiến của đề bài: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.
            - Giải thích :
            + Người nổi tiếng : là người có tiếng tăm được nhiều người biết đến.
            + Người có ích : là người có cuộc sống có ích, có ý nghĩa, cũng cần thiết và có giá trị đối với người khác, gia đình, xã hội.
            + Ý kiến là một lời khuyên về một trong những mục đích sống của con người : hãy sống với một mục đích sống chân chính đừng cố gắng theo đuổi tiếng tăm, danh vọng mà hãy quan tâm đến giá trị của cuộc sống, nhất là với mọi người.
            - Phân tích chứng minh :
            + Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng :
            × Tiếng tăm, danh vọng :  thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống.
            × Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi.
            × Để cố trở thành người nổi tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương cách xấu xa. Do đó, nổi tiếng như thế chỉ là vô nghĩa.
            + Trước hết, hãy là người có ích :
            × Người sống có ích mang lại nhiều ích lợi cho người khác trong cuộc sống.
            × Sống có ích sẽ làm thăng hoa giá trị con người, thăng hoa giá trị cuộc sống.
            × Người có ích dù không được nổi tiếng nhưng cuộc sống của họ là cần thiết, có giá trị, có ý nghĩa đối với người khác, gia đình, xã hội. Ngay cả trong quan niệm của người xưa về “chí nam nhi”, chữ “danh” (Phải có danh gì với núi sông) luôn gắn với thực chất của hành động (Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ).
            - Bình luận :
+ Nổi tiếng cũng có mặt tốt, có tác dụng tốt. Tiếng nói của người nổi tiếng thường có tác động nhiều hơn, lớn hơn đối với người khác, xã hội.
+ Nhưng đừng cố gắng chạy theo việc trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách vì điều đó mang lại nhiều tác hại. Hãy để cho tiếng tăm được đến một cách tự nhiên bằng hành động có thực chất: hữu xạ tự nhiên hương.
+ Làm sao để là người có ích :
× Hãy sống có lý tưởng;
× Hãy sống có đạo đức, có trách nhiệm;
× Hãy sống vì gia đình, vì xã hội, vì cộng đồng;
+ Ý kiến này là một biểu hiện cụ thể của vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người. Giải quyết tốt mối quan hệ của vấn đề nổi tiếng và có ích, của danh và thực, người ta sẽ dễ có cuộc sống bình an, hạnh phúc, chân chính.
- Đây là một ý kiến có giá trị đúng đắn. Đồng thời nó cũng là một lời khuyên rất có tính thời sự, nhất là trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang có xu hướng tìm sự nổi tiếng bằng mọi giá.

Tự hào và Xấu hổ

"Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn".
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
(Đề thi ĐH Khối C 2011)
----------------------
- Giới thiệu ý kiến của đề bài: biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng xấu hổ còn quan trọng hơn.
            - Giải thích :
            + Tự hào : lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có.
            + Xấu hổ : cảm thấy hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi trước người khác.
            + Ý kiến : thể hiện quan điểm của người phát biểu về quan hệ của tự hào với xấu hổ : tự hào thì cần thiết, xấu hổ quan trọng hơn.
            - Phân tích, chứng minh :
            + Tự hào là cần thiết :
            × Người tự hào thường là người hiểu rõ bản thân, nhất là sở trường, các tốt đẹp của bản thân. Do đó cũng dễ là người có thái độ tự tin.
            × Tự hào thường mang lại những cảm xúc tích cực. Nó giúp người ta dễ phấn khởi trong hành động. Do đó cuộc sống dễ đạt được những thành công.
            + Biết xấu hổ còn quan trọng hơn :
            × Biết xấu hổ, người ta dễ tránh những lỗi lầm sai trái.
            × Biết xấu hổ, người ta dễ nổ lực vươn lên để khắc phục những kém cỏi của bản thân.
            × Biết xấu hổ, người ta dễ có lòng khiêm tốn, có tinh thần trách nhiệm, có lương tâm.
            × Biết xấu hổ là một trong những biểu hiện của lòng tự trọng, của nhận thức về phẩm giá con người.
            × Biết xấu hổ, người ta cũng dễ biết kiềm chế bản thân trước các tình huống.
            - Phê phán : Trong thực tế, có những người không biết tự hào, cũng chẳng tự trọng, vô cảm với mình, với người. Nguyên nhân thường do thiếu nhận thức, thiếu kỹ năng sống.
            - Bình luận : Tự hào, tự trọng (mà biết xấu hổ là một biểu hiện của nó) là những phẩm chất đáng quý mà mỗi người cần có, trong đó cần nhận thức tự hào là cần thiết nhưng tự trọng thì quan trọng hơn.
            - Làm sao để có lòng tự hào và tự trọng :
            + Cần có hiểu biết và ý thức về giá trị con người và cuộc sống.
            + Cần có hiểu biết về ý nghĩa quan trọng của phẩm giá cá nhân.
          + Cần nỗ lực phấn đấu rèn luyện trau dồi những phẩm chất và kỹ năng sống cần thiết để sống tốt.



3 thg 7, 2011

Suy ngẫm về Đức tính TRUNG THỰC

Phản đề của tính trung thực

Thứ Năm, 23 Tháng bảy 2009, 10:07 GMT+7 
Trung thực tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh có là một điều tốt? Không nhất thiết phải sống cao thượng là một điều đáng buồn cần cảnh báo? Có phải giới trẻ ngày nay đang nghĩ khác và sống khác với quan niệm chuẩn mực về tính trung thực và lòng cao thượng của thế hệ cha anh?  
Từ trái qua phải: Thầy Trịnh Hoà Bình, Nguyễn Thị Thanh Dung, Nguyễn Bích Ngọc, Lê Thuận Uyên và Lê Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Hải.   
Cuộc đối thoại do chúng tôi tổ chức chiều 18/7/2009 để thảo luận về vấn đề này với sự tham gia của TS Trịnh Hòa Bình – Viện Xã hội học VN và bốn bạn sinh viên: Lê Thuận Uyên – sinh viên năm 1 ngành Quan hệ Quốc tế ĐH York (Anh); Lê Thanh Tùng (Tùng shark): Chuyên viên thiết kế của "Kênh 14"; Nguyễn Bích Ngọc - sinh viên năm 1 ĐH Havard (Mỹ); Nguyễn Thị Thanh Dung – Sinh viên năm 2 Khoa Báo chí – ĐH KHXH NV HN.
Trung thực là đức tính quan trọng
Lê Thanh Tùng vừa trải qua kỳ thi ĐH vào trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Trong bài thi của mình, Tùng viết rằng trung thực là điều cần thiết trong học tập, nhưng bạn không nghĩ quay cóp là một việc xấu. Theo cách hiểu của Tùng, trung thực nghĩa là sống thật và không cảm thấy hổ thẹn với lòng mình.
Thậm chí, bạn cũng thừa nhận mình đã nhiều lần quay cóp, nhưng không cảm thấy ân hận. Lý do bạn đưa ra là vì bạn không thích học những môn phụ và quay cóp để đối phó cho qua kỳ thi.
Cách hiểu trên của Tùng cũng được Lê Thuận Uyên đồng tình.
Tuy nhiên, Nguyễn Bích Ngọc lại có quan điểm rất "nghiêm ngặt" đối với đức tính trung thực, đặc biệt là từ kinh nghiệm của bạn trong quá trình học tập tại môi trường nước ngoài.
"Trong suốt ba năm học tại National Junior College (Singapore), tôi chưa bao giờ nghĩ đến từ TRUNG THỰC trong học tập, bởi lẽ kỷ luật học đường tại quốc gia này rất nghiêm ngặt. Một hội trường có 2000 học sinh thi nhưng chỉ có một đến hai giáo viên trông coi. Nếu phát hiện ra ai đang quay cóp thì họ sẽ đình chỉ ngay lập tức và cấm thi trong hai năm.
Khi đăng ký hồ sơ vào một số trường ĐH Mỹ như Harvard, Yale, Princeton… tôi cũng không phải nộp chứng chỉ bằng cấp nào kèm theo. Nhưng đến khi phỏng vấn mà phát hiện bạn nói dối, thì họ sẽ không nhận bạn vào trường và đưa bạn vào một danh sách đen rồi gửi đến các trường ĐH khác cùng hệ thống. Vì được học tập và trưởng thành trong môi trường đó nên tôi đã rèn cho mình đức tính trung thực với thi cử
Tôi nghĩ trung thực là một đức tính cực kỳ quan trọng. Chúng ta có thể châm chước sự quay cóp trong những môn phụ, trong lần một, lần hai… nhưng sự gian dối này sẽ lớn lên, và rất có thể những người đã quay cóp đó sẽ trở thành những người sản xuất thuốc giả, sữa giả hoặc những chính trị gia lừa đảo…"
Trung thực: Lý thuyết khác cuộc sống?
Bắt đầu sang năm học lớp 9, Lê Thanh Tùng có sự chuyển biến về mặt nhận thức cuộc sống khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tùng cho rằng, cuộc đời không như những điều mình được học trong sách vở. "Cuộc sống là một bức tranh có cả tông màu nóng lẫn lạnh, và sự trung thực cũng có mặt trái, mặt phải, có sự tích cực và tiêu cực của nó".
Những lần "trung thực quá", Tùng còn bị đối xử như là "một tên ăn trộm, “rút ruột công trình”. Rút kinh nghiệm từ đó, Tùng nghĩ "trong một số hoàn cảnh mình cũng không nên trung thực làm gì, vì mình có trung thực thì họ vẫn nghĩ là mình đang gian dối điều gì đó. Vì thế, nên linh hoạt tùy từng hoàn cảnh, tình huống thì hãy đặt vấn đề trung thực hay không trung thực".
Từ trái qua phải: Nguyễn Bích Ngọc, Lê Thuận Uyên. Ảnh: Phạm Hải
Lê Thuận Uyên cũng đồng ý với Tùng rằng "trung thực cũng tốt nhưng tùy theo hoàn cảnh mà mình đang đứng, khía cạnh mà mình nhìn vào để lựa chọn một cách hành xử cho mình".
Uyên cho rằng, đôi khi trung thực trong cuộc sống cũng không phải là tốt. Dẫn ra ví dụ trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế hiện nay, nếu Uyên là một chính trị gia thì trong những hoàn cảnh cụ thể, bạn sẽ không công bố những con số, những thông tin kinh tế thật gây hoảng loạn cho người dân. Hoặc như trong kinh doanh phở, Uyên chấp nhận việc người bán phở có thể cho một chút mỳ chính để ngọt nước. Theo lý giải của Uyên, việc này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bát phở, lại giúp thêm người bán phở tiết kiệm chi phí, dành tiền vào nuôi con cái ăn học.
Uyên kết luận: "sự không trung thực không gây hậu quả lớn lao thì có thể chấp nhận được và không trung thực khi đó là một điều tốt".
Lập tức, Nguyễn Bích Ngọc đưa ra phản biện với ý kiến của Tùng và Uyên bằng rất nhiều câu hỏi: "Tôi lại nghĩ dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào thì cũng nên trung thực. Có một câu nói rằng: Sự thật sẽ giúp bạn giải thoát. Ở Singapore, trên nhiều bao bì sản phẩm có ghi "mì chính có hại cho sức khỏe"và họ công bố chi tiết hàm lượng mì chính để người tiêu dùng lựa chọn xem có nên mua hay không.
Còn chính trị gia nếu nói dối một lần thì họ có thể nói dối nhiều lần tiếp theo? Vậy đâu là giới hạn cho sự trung thực cho những người mà chỉ một quyết định họ ban hành sẽ ảnh hưởng đến số phận của hàng triệu người khác?
Trong một nền đạo đức và pháp luật lỏng lẻo, thì liệu một chính trị gia nay thích nói thật, mai lại nói dối và không có một mục đích rõ ràng, thì việc không trung thực sẽ gây những hậu quả lớn như thế nào?
Đâu là giới hạn của trung thực?
Nhận thức rõ về đường biên giữa trung thực và giả dối, nhưng đứng sau lằn ranh nào trong từng hoàn cảnh, mỗi bạn tham gia thảo luận lại có những luận điểm riêng. Nguyễn Thanh Dung - sinh viên năm thứ hai của khoa Báo chí, và có thể trở thành một nhà báo trong tương lai - thừa nhận: "có những lời nói dối vô hại".
Còn Lê Thuận Uyên khẳng định: Vấn đề nào mà tôi cảm thấy cần phải trung thực thì tôi sẽ cố gắng trung thực, nhưng nếu đôi lúc một lời nói dối có thể giúp cho công việc hoặc những người thân ở xung quanh tôi vui vẻ thì tôi sẵn sàng nói một lời nói dối vô hại. 
Không chấp nhận sự không trung thực, Nguyễn Bích Ngọc đưa ra một cách xử lý khác để không phải nói dối: "Tôi nghĩ có sự khác nhau giữa nói dối và "kéo giãn sự thật".
Lời nói dối trắng không có hại. Ví dụ lời bác sỹ nói với bệnh nhân sắp chết, không phải nói sự thật nhưng tốt cho người khác.
Cũng như vậy tôi luôn xác định cho mình những giới hạn kéo giãn sự thật, ví dụ như có ai đó hỏi tôi là “Mình có béo không?” thì tôi vẫn có thể nói: “ Không, mình thấy bạn đẹp mà”.
Còn trong học hành thì tôi cũng xác định rằng sẽ không bao giờ quay cóp, đạo văn, nói dối… vì nếu chỉ một lần phạm sai lầm thì có thể phạm sai lầm tiếp.
Cũng có thể ở Singapore, tôi chỉ phải học bốn môn và tôi có quyền lựa chọn những môn mình thích chứ không phải như một số học sinh ở VN là vẫn phải học những môn không thích để quay cóp đối phó với kỳ thi".  
Sơn Khê thực hiện (Vietnamnet)
(Còn nữa)