29 thg 1, 2012

Chữ Tín và Luật Nhân quả

Chuyện chưa kể về 2 người trúng số độc đắc
Lành “vé số” thổ lộ khoảnh khắc đáng nhớ nhất đời chị là lúc gọi điện báo tin cho Tuấn “ba gác” biết anh đã trúng giải đặc biệt. Có tiền tỉ trong tay nhưng họ vẫn tiếp tục bán vé số dạo, chạy xe ba gác thuê…
Phải mất 2 chuyến đò từ thị xã Châu Đốc – tỉnh An Giang, chúng tôi mới đến được nhà mẹ chị Phạm Thị Lành nằm sâu ở cù lao Long Khánh A, thuộc xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp. Tết năm nay, chị Lành rời nơi làm ăn, sinh sống ở huyện Bến Lức – Long An để về sum vầy với mẹ già cùng các cháu.
Phải giữ chữ tín!
Bà Phạm Thị Thèm, mẹ chị Lành, năm nay đã có một cái Tết khó quên trong căn nhà mới do con gái xây tặng. Ngôi nhà có diện tích 80 m2, được lót gạch men, gồm 2 phòng ngủ, 1 gian bếp và phòng khách thật rộng, số tiền mua đất và xây cất hết 500 triệu đồng.
Chị Lành cùng mẹ và các cháu trước căn nhà mới xây ở Hồng Ngự - Đồng Tháp.
Nghe chúng tôi nhắc lại chuyện trúng số, chị Lành thổ lộ: “Chuyện xảy ra như một giấc mơ! Khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi có lẽ là lúc gọi điện giữa chốn đông người báo tin cho anh Đỗ Ngọc Tuấn biết đã trúng số đặc biệt”. Hôm ấy, chiều 15-11-2011, sắp đến giờ xổ số nhưng chị vẫn còn 20 tờ vé số của Công ty Xổ số Kiến thiết Bến Tre. “Tôi sực nhớ đến anh Tuấn chạy xe ba gác, mối mua vé số quen biết, nên gọi điện thoại hỏi: “Em còn 20 tờ có số đuôi 07, 14 và 91, anh lấy giúp nhé?”. Anh Tuấn đồng ý lấy vài tờ, số còn lại tôi giữ” – chị Lành nhớ lại.
Đến giờ xổ số, như thường lệ, chị Lành và những người bán vé số dạo tụ tập tại một quán cà phê ở thị trấn Bến Lức chờ kết quả để lấy giấy dò. “Tôi không tin vào mắt mình khi dãy số 191207, trùng với mấy tờ vé số cuối cùng của mình, dần hiện lên. Trong đó, anh Tuấn trúng 10 tờ, gồm 4 tờ giải đặc biệt và 6 tờ giải an ủi. Tôi gọi điện cho Tuấn nhiều lần, nói trúng số rồi nhưng anh ấy vẫn không tin, cứ bảo tôi muốn đòi tiền vé số hay sao mà nói vậy!” - chị Lành cho biết.
Nhiều người dân, nhất là những người bán vé số dạo ở thị trấn Bến Lức, đến giờ vẫn còn rôm rả bàn luận chuyện chị Lành giao 10 tờ vé số trúng cho anh Tuấn, dù giữa họ chỉ “giao dịch” mua bán bằng miệng. Tuấn thì khỏi phải nói, anh hết sức bất ngờ khi từ một người nghèo chạy xe ba gác kiếm sống hằng ngày bỗng chốc trở thành tỉ phú. “Nếu Lành giữ lại những tờ vé số trúng và đổi số khác có đuôi 07 cho tôi thì cũng không ai biết. Thế nhưng, cô ấy vẫn giao những tờ vé số trúng giải đặc biệt cho tôi. Sự thật thà ấy thật đáng quý ở một người bán vé số nghèo khó” - anh Tuấn xúc động.
Nghe nhiều người bàn tán về mình, chị Lành cười, bộc bạch: “Hôm ấy, có nhiều người bảo tôi chia vé số trúng giải đặc biệt cho họ một tờ nhưng tôi nhất quyết không chịu vì đó là phần của anh Tuấn. Cùng là những người lao động nghèo khó, mỗi lần bán ế, tôi gọi điện hỏi và anh ấy đều mua ủng hộ. Không lẽ giờ anh ấy trúng số, mình lại giấu? Phải giữ chữ tín chứ! Mình sống rộng rãi sẽ nhận được nhiều niềm vui hơn”.
Tâm sự với chúng tôi, bà Phạm Thị Thèm bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi luôn dạy các con mình cái gì của người ta thì không được giành giật. Tuy không ăn học đàng hoàng nhưng tụi nhỏ rất nghe lời dạy này của tôi”. Bà Hồ Thị Ánh, ngụ kế bên nhà bà Thèm, khen ngợi: “Tính Lành nó vậy. Từ nhỏ, Lành đã sống không mất lòng ai ở xóm, luôn tốt với mọi người xung quanh. Lành còn là một đứa con rất có hiếu với cha mẹ”.
Suýt tự tử vì nợ
Lành là người con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em. Từ nhỏ, họ sống rày đây mai đó, cả 7 anh em đều học chưa hết cấp 1 và gia đình họ có “truyền thống” bán vé số dạo. Từ năm 16 tuổi, Lành đã cùng anh chị em lên thị trấn Bến Lức bán vé số kiếm sống.
Bà Thèm rơi nước mắt khi kể về cảnh nghèo khó của gia đình mình: “Vợ chồng đứa con trai thứ năm mua được miếng đất và cất căn nhà tạm nhưng tụi nó không ở mà để cho tôi với 7 đứa cháu sống. Mỗi lần về thăm, nhà chật chội không chỗ ngủ, vợ chồng nó phải đi ngủ nhờ nhà người ta”. Có được một căn nhà tươm tất như hiện nay là mơ ước lớn lao của gia đình bà Thèm.
Người anh trai thứ tư của chị Lành bị bệnh tâm thần, có 3 con nhỏ; anh trai thứ ba đã mất cũng để lại 3 con, cùng với con trai của chị là 7 đứa trẻ, đều để ở quê cho bà Thèm nuôi. Hằng tháng, ngoài tiền chị Lành và mấy anh chị khác gửi về, bà Thèm phải đi thu mua lá gòn về bán lại, phụ nuôi bầy cháu ăn học. “Nhiều hôm đi mua lá gòn tới khuya, về nhà còn phải giặt 2 thau đồ của tụi nhỏ, tôi thầm khóc, tự hỏi vì sao mình cứ nghèo khó hoài. Khi Lành gọi điện về thăm hỏi, mẹ con chỉ biết khóc” - bà Thèm nghẹn ngào.
Có lẽ “trời” không phụ người hiền lành, tốt bụng. Hôm trúng số, anh Tuấn đã cho chị Lành một tờ giải đặc biệt như một sự cảm ơn. Ngoài ra, trong mấy tờ vé số còn lại mà chị Lành giữ, có một tờ cũng trúng giải đặc biệt. Lành “vé số” giờ đã có trong tay gần 3 tỉ đồng. Một điều ít ai biết là nửa tháng trước khi có trong tay tiền tỉ, vì thiếu nợ người ta gần 100 triệu đồng mà không đủ khả năng trả, chị đã dắt con lao ra dòng xe định tự tử nhưng may có người phát hiện, ngăn giữ kịp thời.
Có tiền, ngoài việc lo cho gia đình, chị Lành vẫn không quên giúp đỡ những người nghèo khó. Chị khoe: “Dịp Tết này, tôi đã mua 2,5 tấn gạo phát cho bà con nghèo ở địa phương. Cũng nhờ có tiền mà tôi đã xây được căn nhà cho mẹ và các cháu ở, giúp đỡ anh chị em, đưa người anh thứ tư ra Biên Hòa - Đồng Nai chữa bệnh tâm thần…”.
Sau những ngày vui vầy sum họp đón Tết ở quê nhà Đồng Tháp, chị Lành lại tất tả trở về Bến Lức để tiếp tục công việc bán vé số dạo. “Mình từng vui buồn với nghề này cả 10 năm nay rồi, bây giờ nếu nghỉ ngang thì buồn lắm. Vả lại, đi bán vé số cũng sẽ có dịp giúp đỡ cho những người tật nguyền, bất hạnh hoặc có hoàn cảnh khó khăn như mình trước đây” - chị Lành tâm sự. 

Nghề mình, sao bỏ được!
Đến thị trấn Bến Lức, chỉ cần hỏi Tuấn “ba gác” thì ai cũng biết. “Không phải vì tôi mới trúng số tiền tỉ mà vì đã làm nghề chạy xe ba gác thuê hàng chục năm nay rồi, bà con ai cũng quen mặt” - anh Tuấn phân trần.

May mắn trúng 4 tờ vé số giải đặc biệt trị giá gần 6 tỉ đồng nhưng Tuấn “ba gác” vẫn bình dị, lam lũ như ngày nào.

Cũng như chị Lành, người đàn ông may mắn trúng 4 tờ vé số giải đặc biệt trị giá gần 6 tỉ đồng này vẫn bình dị, lam lũ như ngày nào. Anh vẫn mặc bộ đồ ngả màu vì mưa nắng nhưng nụ cười luôn thật tươi. Tiếp chúng tôi, anh nói về những năm tháng chắt chiu bạc cắc, về tình người trong cơn khốn khó với giọng rặt chất Nam Bộ.
Nhiều năm trước, cuộc sống vợ chồng Tuấn “ba gác” cứ thiếu trước hụt sau, tiền anh chạy xe thuê và đồng lương công nhân của vợ chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Tai họa ập đến trong một lần anh chở sắt cho một cửa hàng xây dựng, thanh sắt bén ngót đã cắt gần như đứt lìa cánh tay trái. Nhờ sự cưu mang, đùm bọc của người chị ruột mà anh mới có tiền nằm viện nhiều tháng liền.
“Lúc đó nghèo quá, tai nạn lại xảy ra trong lúc vợ chồng tôi phải chạy gạo từng bữa nên càng khổ. Tiền viện phí, thuốc men gần 50 triệu đồng đều một tay chị tôi lo” - anh nhớ lại.
Sau khi lãnh bạc tỉ, anh Tuấn trích một số tiền giúp người chị từng cưu mang mình lúc hoạn nạn, xây cho mẹ ngôi nhà mới, hỗ trợ người thân, làm từ thiện… Sợ chi tiêu không hợp lý, Tuấn “ba gác” đem gửi “tài sản trời cho” vào ngân hàng. “Mỗi tháng tôi sẽ rút tiền lãi thực hiện những kế hoạch lúc cơ hàn từng mơ ước” - anh tiết lộ.
Khốn khó không ngại khổ, giàu sang không ngại cực, sống rộng rãi với bạn bè và hàng xóm là nhận xét của nhiều người đối với Tuấn “ba gác”. Anh cho biết sau khi trúng số, anh vẫn ngày ngày chạy xe ba gác chở hàng thuê. “Quen rồi, nghỉ ở nhà buồn lắm, nhớ bạn hàng chịu không nổi. Bạn bè, người quen cứ chọc ghẹo tôi: “Sao không nghỉ ở nhà đi, tỉ phú mà còn đi giành bạc lẻ làm gì!”. Thế nhưng, tôi nghĩ nghề của mình sao mà bỏ được. Tính tôi vốn hay lam hay làm” - anh tâm sự.
Phạm Dũng
Theo Ca Linh - Thốt Nốt
NLĐ

Lập kế hoạch và Thành công

Kế hoạch tốt, cuộc sống tốt hơn
Để có được một kế hoạch tốt, những yếu tố cơ bản cần xác định là:
- Mục tiêu: đây là yếu tố quan trọng hàng đầu vì sẽ định hướng cho toàn bộ kế hoạch của gia đình, đồng thời là động lực để mọi người cùng cố gắng. Mục tiêu có thể là: sửa chữa nhà cửa, mua sắm vật dụng, một khoản tiền tiết kiệm, con thi đậu đại học, nâng cao bằng cấp, chăm sóc sức khỏe...
- Nội dung: cần có một danh sách công việc cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu trên. Việc lập ra danh sách sẽ giúp cả nhà hình dung công việc cụ thể, không bỏ sót đầu việc. Sau đó sẽ đánh số thứ tự ưu tiên việc nào làm trước, việc nào làm sau.
- Thời gian: thời điểm tiến hành và thời hạn thực hiện sẽ giúp kế hoạch diễn ra đúng tiến độ.
- Biện pháp, cách thức: liệt kê những cách thức thực hiện mỗi công việc ở trên (cách tiết kiệm tiền, tăng thêm thu nhập, cách sắp xếp thời gian, cách rèn luyện sức khỏe...) và cả những biện pháp để kiểm tra thu chi, kiểm tra học hành, kiểm tra công việc, kiểm tra sức khỏe...
- Huy động nguồn lực: mỗi người góp một tay, ai có điểm mạnh nào sẽ phụ trách phần việc phù hợp.
Có thể nói lập kế hoạch là một kỹ năng sống hình thành trong chính cuộc sống gia đình hằng ngày, chính kỹ năng này sẽ giúp cuộc sống gia đình đi vào quỹ đạo ổn định. Thay vì để cuộc sống cái gì đến sẽ đến, chủ động trong cuộc sống sẽ giúp các gia đình có được sự “phát triển bền vững”, tránh những bất hòa.
Theo Tuổi Trẻ

22 thg 1, 2012

Lý tưởng của thanh niên năm Rồng

Khát khao tiến lên phía trước
TT XUÂN - Họ, tuổi đời còn rất trẻ và bình thường, dung dị như bao chàng trai, cô gái đồng trang lứa trong cuộc sống nhưng trong họ chất chứa những khát khao cháy bỏng về lý tưởng sống.
Ngô Phan Hà Châu: Nắm đất nối bờ và biển gần nhau
Ngô Phan Hà Châu đang lên nhà giàn DK1 trong chuyến hành trình - Ảnh: Nguyễn Á
Chuyến tàu “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo” đến với Trường Sa trở thành kỷ niệm không thể quên trong đời mình. Trước chuyến đi, kể chuyện với một người bạn là cán bộ Đoàn, anh nói đã từng đọc Đảo chìm của Trần Đăng Khoa và gợi ý sao không mang một nắm đất từ đất liền ra Trường Sa?
Hôm đi, mình đã bước ra khỏi cổng trường nhưng cứ miên man nghĩ về nắm đất. Và một nắm đất từ bồn hoa của trường được gói cẩn thận cho vào balô.
Đêm ở đảo Trường Sa Lớn, một anh lính đảo dẫn đường và soi đèn pin cho mình. Và nắm đất từ đất liền được gửi vào đám rau muống biển trong thinh lặng của không gian, chỉ có sóng biển rì rào và những cảm xúc của lòng mình (và anh lính nữa?) trào dâng cuộn sóng. Một cảm giác khó diễn tả thành lời khi mình thả nắm đất hòa vào lòng Trường Sa Lớn thân yêu của Tổ quốc.
Câu chuyện chỉ có anh lính biển biết. Nhưng rồi… bị phát hiện khi bài viết của mình tham gia cuộc thi nhật ký hành trình của chuyến đi được phát trên tàu. Mình ước rằng đất liền và biển đảo là một, và nếu mỗi người, mỗi bạn trẻ khi đến với Trường Sa đều mang theo nắm đất thì bờ và biển sẽ gần nhau hơn. Mình còn ước mỗi tháng đều có tàu ra đảo vì nhiều lần nói chuyện, chạnh lòng khi nghe các anh lính đảo nói “chẳng thiếu gì, trừ bóng người và hơi ấm đất liền”!
Mình không dám nhận hành động nhỏ của mình có thể góp ý tưởng cho cuộc vận động với sức cộng hưởng và lan tỏa lớn như “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động. Với mình, đó không còn là cuộc vận động đóng góp vật chất đơn thuần mà là hành động đầy trách nhiệm, biểu thị lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam về ý thức chủ quyền Tổ quốc. Mình biết ơn về lời gợi ý của anh cán bộ Đoàn, giúp mình và bạn bè có một khoảng lặng để dừng lại, suy nghĩ về bổn phận với đất nước.
Chuyến đi cho mình nhiều suy nghĩ. Công việc hiện tại ở Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM cho mình cơ hội trò chuyện với nhiều đối tượng trẻ và mình tin mỗi người trẻ sẽ có cách để chọn cho mình cách thể hiện lòng yêu nước.
Một lời chúc năm mới gửi đến các bạn mà cũng là cho chính mình: sẽ có ý tưởng mới, xây dựng định hướng tương lai cuộc đời, xác định lý tưởng sống phù hợp và nỗ lực để đạt được điều mình mong ước.
QUỐC NGUYÊN ghi
Kỹ sư Nguyễn Thị Trang Nhã: Trên cà chua, dưới khoai tây
Kỹ sư Nguyễn Thị Trang Nhã với giống cây kỳ diệu do Nhã lai tạo: trên cà chua trĩu quả, dưới ken đặc khoai tây - Ảnh: Q.L.
Nguyễn Thị Trang Nhã - cô gái xứ sở hoa Đà Lạt - vừa tặng món quà quý cho người trồng rau khi lai tạo ra giống cây kỳ diệu: loại cây mà trên cho quả cà chua và dưới cho củ khoai tây.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, không ít lần nữ kỹ sư ĐH Nông lâm TP.HCM vừa ra trường  nói sẵn sàng chia sẻ kết quả vì “nghiên cứu khoa học chỉ có giá trị khi ứng dụng vào thực tế cuộc sống”.
* Bạn đã làm như thế nào để tạo ra giống cà chua - khoai tây như thế này?
- Tạm hình dung sẽ chọn cây giống 20 ngày tuổi, sau đó ghép phần thân cây cà chua với phần gốc cây khoai tây vì cà chua cho trái trên cành, còn rễ khoai tây sẽ sinh củ. Để bảy ngày cho mối ghép liền rồi mang ra trồng ở vườn. Thời gian lấp đất phần thân cây khoai tây và việc tỉa lá, bón phân cần tính toán để cân bằng giữa trên và dưới đất sao cho khoai tây và cà chua phát triển đều, ra hoa kết trái và hình thành củ cùng vòng sinh trưởng, không lấn át lẫn nhau hoặc lệch kỳ thu hoạch nhau. Và sau 60 ngày cả cà chua và khoai tây sẽ cho thu hoạch.
Nhã đã thử so sánh khi trồng hai loại riêng, năng suất tốt nhất của một cây cà chua gần 6kg, khoai tây 0,7kg. Trong khi tại vườn của Nhã, cây cho năng suất cao nhất đạt 5kg cà chua và 0,5kg khoai tây, chất lượng củ, quả như loại trồng thường. Như vậy, khi kết hợp trồng trên cà chua - dưới khoai tây, nhà nông sẽ được lợi hơn nhiều tính trên cùng một diện tích canh tác, công cán và vật tư đầu tư.
* Ý tưởng lai tạo ra loại giống mới này đến với Nhã khi nào?
- Từ rất lâu. Đọc nhiều tài liệu và nghĩ rằng cần làm điều gì đó mới mẻ nhưng phải giữa năm thứ hai đại học Nhã mới dám đặt vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, lúc đó mình băn khoăn với kiến thức đại cương thôi, liệu có đủ sức thực hiện? Chưa kể phải học, thời gian đâu đi về giữa Sài Gòn - Đà Lạt làm mẫu nghiên cứu...
Quê mình ở Đà Lạt, vùng chuyên canh rau màu rất lớn. Thế nhưng việc canh tác khoai tây, cà chua khá thất thường, khi được mùa lúc mất giá và nhà nông rất khổ khi công cán đầu tư cao mà lợi nhuận thấp. Cũng từ vườn khoai tây của gia đình, Nhã tự hỏi “tại sao không ghép cà chua với khoai tây nhỉ?”. Và rồi sau đó, dù chưa được đăng ký đề tài nhưng Nhã cứ làm, đến khi mang được cây vừa ra cà chua vừa có khoai tây trình người hướng dẫn mới chính thức được thực hiện.
* Bạn sẽ bán loại giống này chứ và trong tương lai nó sẽ có triển vọng ra sao cho nhà nông?
- Khu vườn 2.000m² của gia đình Nhã làm lâu rồi và mình cũng đã chuyển giống cho nhiều nhà vườn tại huyện Đơn Dương trồng. Cuối năm nay sẽ triển khai thêm một số nơi tại Đà Lạt, Đắk Lắk. Nhã sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật canh tác cho bà con vì công nghệ và ý tưởng không nên ích kỷ mà cần mở rộng, có vậy xã hội mới phát triển. Đó là cách đóng góp tốt nhất cho cộng đồng.
Nhã vẫn nghiên cứu tiếp để tối ưu một số yếu tố nữa. Nhưng đúng là nếu triển khai trên diện rộng thì cách làm hiện tại sẽ tốn chi phí cho nhân công khá lớn. Do đó, Nhã đang nghiên cứu ươm giống khí canh vì cho năng suất cao với khoai tây. Đồng thời, cây giống ghép chỉ cần 12 - 15 ngày tuổi chứ không phải mất 20 ngày mà lại không sâu bệnh, dinh dưỡng tốt, năng suất cao. Tuy nhiên mình đang loay hoay tìm… kinh phí.  Thực hiện được loại giống mới với các yếu tố đó là khao khát lớn nhất của Nhã lúc này.
* Rõ bạn là người rất đam mê với việc mình theo đuổi. Bạn có điều gì chia sẻ với những bạn trẻ?
- Nếu tin tưởng tuyệt đối vào bản thân thì hãy dấn thân và chắc chắn sẽ có kết quả, đừng quá bận tâm xung quanh nói gì. Con đường đi đến thành công luôn chông gai nhưng hãy mạnh dạn chọn lối đi riêng cho mình. Nhã tin lúc nào đất nước cũng rất cần năng lực, trí tuệ của tuổi trẻ để thoát nghèo, phát triển. Mỗi bạn hãy tự hỏi và trả lời mình phải làm gì cho xứng đáng với Tổ quốc ở thời ta đang sống.
QUỐC LINH thực hiện
Phó giáo sư 29 tuổi Phạm Hoàng Hiệp: Luôn hỏi mình “tại sao?”
PGS Phạm Hoàng Hiệp cùng các giáo sư tại Viện Fourier, ĐH Joseph Fourier (Pháp) - Ảnh: Hiệp Phạm
Tôi cảm thấy vui và tự hào khi trở thành phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam. Tuy nhiên hạnh phúc nhất vẫn là thời điểm mà tôi giải quyết được một câu hỏi trong toán học”, phó giáo sư Phạm Hoàng Hiệp nói.
Ngày 12-11, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố và trao giấy chứng nhận cho 34 giáo sư và 374 phó giáo sư năm 2011. Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp (ĐH Sư phạm Hà Nội), 29 tuổi, đã trở thành phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam đến thời điểm này trong lúc đang làm nghiên cứu về toán học tại Pháp.
Phạm Hoàng Hiệp bắt đầu đam mê toán học khi bước vào cuối năm lớp 9. Đó là dịp tình cờ cậu học trò đọc quyển sách về số học mà bố mua cho trước đó rất lâu, thích thú với những bài toán rồi tìm cách giải quyết. Bài toán càng khó, càng hóc búa Hiệp càng thích thú. Có những đêm Hiệp thức trắng để tìm cho được lời giải. Ngày nghỉ hoặc lúc rảnh rỗi, trong khi bạn bè ới nhau đi chơi thì Hiệp vùi đầu vào những con số.
Những con số có thể khiến người khác không thích thú nhưng với Hiệp luôn có những bí ẩn cần được khai phá. “Tại sao?” là câu hỏi luôn thường trực trong đầu của Hiệp và chính điều đó đã thôi thúc anh đi hết nghiên cứu này đến các trải nghiệm khác trong toán học. Hết phổ thông, Hiệp chọn ngành sư phạm để đi tiếp việc nghiên cứu toán học của mình.
Năm 2004 Phạm Hoàng Hiệp tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội và năm 2008 hoàn thành luận văn tiến sĩ tại ĐH Umea (Thụy Điển). Một năm sau đó, anh nhận lời mời sang giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Fourier, ĐH Joseph Fourier (Pháp). Cuối năm 2012, Phạm Hoàng Hiệp cho biết sẽ về nước với mục tiêu đưa những nội dung mới học được vào chương trình giảng dạy toán học ở cao học và các lớp tài năng của ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nói về kế hoạch cho tương lai, PGS Phạm Hoàng Hiệp cho biết: “Nghiên cứu toán học và giảng dạy là công việc tôi đã chọn và đang tiếp tục làm. Tôi sẽ cố gắng nghiên cứu để hiểu sâu hơn các lĩnh vực khác nhau trong toán học. Sau đó sẽ viết lại những gì đã hiểu một cách đơn giản nhất với hi vọng giúp ích cho những người muốn nghiên cứu toán ở Việt Nam, đặc biệt là giúp các bạn trẻ có thể tiếp cận toán học một cách dễ dàng và chuyên sâu hơn”.
Vợ anh hiện cũng là một giáo viên dạy toán cấp III. Anh tự nhận mình là người may mắn khi có nhiều điều kiện thuận lợi để toàn tâm toàn ý nghiên cứu và mang kiến thức truyền lại cho sinh viên của mình. Cũng như nhiều người trẻ khác, PGS Phạm Hoàng Hiệp cũng có thần tượng của riêng mình, đó là GS Ngô Bảo Châu. Với suy nghĩ rằng tư duy toán học có mối liên hệ gián tiếp đến sự phát triển của đất nước, anh cho rằng nếu tạo ra được môi trường học tập tốt cho học sinh, sinh viên sẽ giúp các bạn trẻ có tư duy tốt và trở thành các nhân tố tác động vào sự phát triển của đất nước. 
Huy chương vàng Olympic vật lý 2011 Nguyễn Huy Hoàng: Tìm đường đến những thiên hà
Chàng trai vàng vật lý Nguyễn Huy Hoàng - Ảnh: Phi Long
Giật nhiều giải thưởng
Trước khi đoạt giải vàng quốc tế tại Olympic vật lý quốc tế 2011 Thái Lan, Nguyễn Huy Hoàng đã giành được huy chương đồng cuộc thi Olympic vật lý châu Á, tổ chức tại Israel. Trước đó, Hoàng đoạt các danh hiệu học sinh giỏi quốc gia môn vật lý, như giải nhì năm học lớp 11, giải nhất năm học lớp 12.
Tháng 7-2011, Nguyễn Huy Hoàng - khi đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) - đã trở thành người duy nhất của đoàn Việt Nam giành huy chương vàng cuộc thi Olympic vật lý quốc tế 2011 tổ chức tại Thái Lan.
Chàng tân sinh viên ngành điều khiển tự động ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết sở thích lớn nhất lúc nhỏ của mình là ngắm sao trên trời. Vẻ đẹp lấp lánh của trời sao vừa thu hút cậu học trò xứ Nghệ vừa gợi lên hàng loạt câu hỏi. Đi mất bao lâu mới đến được những ngôi sao trước tầm mắt? Sao khác hành tinh như thế nào? Thiên hà hình thành từ đâu?...
“Lúc đó mình luôn thắc mắc nhưng không biết hỏi ai vì có quá nhiều điều không biết, không hiểu. Cho đến khi tiếp xúc với môn vật lý ở cấp II, mình vỡ lẽ ra nhiều điều và nhận thấy đó chính là niềm đam mê của mình”, Hoàng nói. Những kiến thức trong sách giáo khoa không giải tỏa hết thắc mắc, cậu học trò lại tìm đến thầy cô và nhiều loại sách khác.
Cả ba năm cuối cấp điểm vật lý trung bình của Hoàng chưa bao giờ dưới 9. Hoàng hiểu chặng đường học tập phía trước của mình vẫn còn rất dài. Nhà sách là nơi lui tới thường xuyên của Hoàng để tìm sách vật lý trong khi những trang web chuyên ngành là nơi bạn ghé thăm mỗi ngày. Thời gian lên mạng Hoàng dành trọn vẹn để tìm đọc các tài liệu về vật lý trong và ngoài nước trong khi tiền tiết kiệm luôn được dành để mua sách. Ba tiếng mỗi ngày là thời gian tối thiểu cho vật lý mà Hoàng tự đặt ra cho mình.
Hoàng bày tỏ: “Ai cũng có mục tiêu và ước mơ của cuộc đời mình. Tôi yêu thích vật lý và sẽ chọn nó để trở thành người bạn đồng hành với sự nghiệp của mình. Du học sẽ giúp tôi thỏa mãn nhu cầu được học cao và chuyên sâu hơn ở lĩnh vực mình yêu thích. Con đường này vừa giúp tôi trước hết trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này, sau đó sẽ phục vụ cho quê hương đất nước”. Nơi Hoàng chọn đến là Mỹ, quốc gia có nền khoa học vật lý phát triển.
Sau cuộc thi Olympic tại Thái Lan, con đường Hoàng chọn là trở thành chuyên gia trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Hiện Hoàng đang nỗ lực học tiếng Anh để xin học bổng du học vào năm sau.
PHI LONG

19 thg 1, 2012

Ước mơ +Nghị lực = Thành công?

Nghị lực của cô sinh viên khuyết tật

Thứ Tư, 18 Tháng một 2012, 15:01 GMT+7
Cũng như bao sinh viên khác, Ngọc phải đang “dùi mài kinh sử” kỳ thi học gần cuối đời sinh viên. Gặp và trò chuyện với chúng tôi tại một góc nhỏ trong khu tự học của trường, cô sinh viên không may phải chịu biến chứng của chất độc hóa học vẫn cười tươi cho biết đã có thời điểm cô phải trốn gia đình quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.
Sinh viên Trịnh Thị Bích Ngọc (trái) đang ôn bài cùng bạn trước giờ thi tại khu tự học của trường.
Nỗ lực không ngừng
Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, không may bị đột biến gen bởi nhiễm chất độc hóa học, Trịnh Thị Bích Ngọc (hiện là sinh viên năm cuối, bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) từ nhỏ phải chịu nhiều thiệt thòi so với những đứa trẻ đồng trang đồng lứa. Tốt nghiệp cấp 3, sức khỏe không đảm bảo, cộng với kinh tế gia đình khó khăn, Ngọc phải nghỉ học theo đề nghị của gia đình để giúp hai đứa em tiếp tục việc học. Lúc đó, cô đã khóc, cảm thấy mình là thứ dư thừa, là gánh nặng của gia đình, hoàn toàn đánh mất tự tin vào chính bản thân.
Ngọc tâm sự: “Mình đã khóc thật nhiều mỗi khi nhìn bạn bè cắp sách đến trường. Nhưng ngoảnh lại nhìn gia đình, mẹ đi buôn bán ở xa, ba gắn hơn nửa đời người với mấy mảnh ruộng, mình phải đứng lên mà tự bươn chải”.
Xin vào làm công nhân tại xưởng may trong huyện, vì sức khỏe yếu, cộng thêm cặp mắt luôn đau nhức nên mọi thứ đối với Ngọc cũng trở nên chậm chạp, thiếu hiệu quả. Nhưng nhờ tính tình dễ thương, lại chăm chỉ, cô được giữ lại xưởng làm việc và ăn theo sản phẩm. Trong những chuyến làm công tác xã hội tại địa phương, tiếp cận và lắng nghe với những định hướng từ các anh chị sinh viên, Ngọc lên kế hoạch làm lại giấc mơ còn bỏ ngỏ. Vào thời điểm đó, cô nhận được hỗ trợ từ một dự án phi chính phủ dành cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Cộng thêm tiền để dành được trong 5 năm đi làm, Ngọc âm thầm nộp đơn vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp Thăng Bình (Quảng Nam) tiếp tục đi học, đồng thời xin ở nhờ nhà chú học gần trường cho tiện đi lại. Sau khi có kết quả học kỳ đầu tiên với giấy khen loại giỏi, gia đình mới biết chuyện. “Nếu mình không tiền trảm hậu tấu, thì có lẽ đến giờ vẫn còn đạp máy may ở nhà”, Ngọc cười, chia sẻ. Kể từ đây, bằng động lực của bản thân, sự giúp sức từ ba mẹ, Ngọc 3 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, bộ môn Công tác xã hội trong niềm vui tột độ và tự hào của gia đình, lối xóm.
Chia sẻ yêu thương
Những ngày đầu tiên của môi trường đại học thật sự là nỗi khó khăn không tả xiết đối với cô gái xứ Quảng. Tự lo việc học, lại xin đi dạy thêm để trang trải cuộc sống thường ngày, một áp lực quá lớn đối với bất kỳ sinh viên bình thường nào chứ đừng nói với sinh viên khuyết tật như Ngọc. “Nhưng dần dần rồi cũng quen, bản thân vốn năng động lại vui vẻ, nên mình nhanh chóng hòa đồng và gia nhập Câu lạc bộ Đồng hành - ngôi nhà của những sinh viên khuyết tật trong trường. Ở đây mình thực sự được san sẻ và cũng là nơi mình thể hiện hết khả năng mà mình có được”, Ngọc cho biết. Chỉ sau chưa đầy 2 năm hoạt động, Ngọc được các thành viên tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ, công việc mà theo cô là niềm vui nhưng cũng gánh thêm nhiều áp lực.
Dưới sự điều hành của Ngọc, câu lạc bộ đang thu hút được nhiều các bạn sinh viên, phần lớn là các bạn khuyết tật trong trường. Đồng thời, câu lạc bộ cũng tổ chức các chuyến đi vì đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia hỗ trợ các mái ấm trên địa bàn TPHCM. Ngọc cho biết, cuối tháng này, tất cả các thành viên sẽ thực hiện chuyến đi tặng quà cho đồng bào thiểu số tại Bảo Lộc - Lâm Đồng. Dự kiến có khoảng 30 phần quà và nhiều quần áo cũ với tổng số tiền vào khoảng vài chục triệu đồng mà câu lạc bộ đã quyên góp được trong thời gian qua đến tay bà con nghèo. Ngọc tâm sự: “Những chuyến đi như thế là dịp để mình hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa, con người Việt, vừa là dịp để khơi gợi niềm tin vào cuộc sống, chia sẻ tình yêu thương giữa những người khuyết tật với nhau. Khi có tự tin, những người khuyết tật như mình có thể làm được mọi điều tốt đẹp cho những người xung quanh khác”.
Tường Hân (SGGP)

Ước mơ...vẫn chỉ là mơ ước nếu :

7 dấu hiệu cho thấy bạn đã từ bỏ ước mơ
(Dân trí) - Bạn thực sự muốn gì trong cuộc sống? Giấc mơ lớn nhất của bạn là gì? Bạn có đang từng bước đạt được điều đó không? Nếu không thì tại sao? Những gì ngăn trở bạn hành động ngay hôm nay?
Có thể bạn lo sợ, hoặc có thể bạn đã tạo nên bức tường trì hoãn quá lớn tới mức chẳng thể vượt qua. Bất kể đó là gì, có thể bạn nghĩ nó có sức nặng riêng. Trên thực tế, có lẽ, đơn giản là bạn đã không còn nghĩ gì về những ước mơ chỉ vì bạn đã từ bỏ chúng.

Điều đó thật tệ. Nhiều người ở trong những hoàn cảnh tồi tệ hơn bạn vẫn đã tạo ra cuộc sống như trong mơ của họ. Bạn có thể bào chữa cho mình và có những trở ngại riêng, nhưng bạn hoàn toàn có khả năng vượt qua chúng. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra khi bạn thực sự sẵn sàng.

Đây là 7 dấu hiệu cho thấy bạn đã từ bỏ ước mơ của mình:

1. Bào chữa

Mọi người thường có những lý do bao biện. Những lời bào chữa tức thời có thể đúng, nhưng các vấn đề chỉ nảy sinh khi bạn cứ luôn vin vào các lý do tương tự để giải thích cho sự trì hoãn. Đó là khi bạn bắt đầu tin rằng, những lý do đó là thật và bạn không thể vượt qua.

Những lý do bao biện của bạn có thể rất thực tiễn, nhưng người tạo ra chúng chỉ là bạn. Chúng ta thường hay bao biện khi bắt tay vào công việc. Tuy nhiên, ta không thể từ bỏ mà vẫn cứ nên tiếp tục vì rằng, luôn có một con đường để nhận ra giấc mơ của mỗi người. Hãy từ bỏ những bao biện và tập trung mọi nỗ lực vào sự tiến bộ của bản thân.

2. Sợ hãi

Thường chúng ta không chỉ đưa ra rất nhiều lý do bao biện trước khi bắt đầu làm gì hoặc theo đuổi niềm đam mê riêng, mà ta còn hay sợ hãi và lo lắng. Chúng ta sợ thất bại, sợ không làm tốt như mong muốn, sợ rất nhiều những điều khác nữa.

Nhưng dù vậy, ta vẫn cần tiếp tục về phía trước. Nếu bạn để nỗi sợ đó ngăn cản việc theo đuổi những giấc mơ, bạn sẽ đầu hàng cuộc đời và rốt cuộc, sẽ  không còn muốn sống nữa. Hãy chắc rằng, có thể ngay bây giờ, mọi thứ rất dễ chịu, nhưng chỉ vài năm nữa thôi, bạn sẽ hối tiếc vì tại sao mình đã không hành động. Đó có phải là điều bạn mong muốn không?

3. Phân tích

Bạn đang cố phân tích xem mình đã theo đuổi giấc mơ như thế nào ư? Hãy tin rằng, điều đó chẳng có tác dụng gì đâu. Việc có kế hoạch một chút có thể rất tốt, nhưng rốt cuộc, bạn vẫn cần phải hành động để biết những gì có ích và những gì không.
Hãy quan sát những điều bạn đã trì hoãn, hãy làm việc gì đó ngay hôm nay và hành động để giải quyết những điều đó.

4. Một ngày nào đó

Bao nhiêu người đã bảo bạn rằng, một ngày nào đó họ sẽ theo đuổi giấc mơ của mình, theo đuổi những đam mê và sống hạnh phúc? Rất có thể, một trong những người đó là bạn.
Cái gọi là “một ngày nào đó” đó sẽ chẳng bao giờ có trên lịch, và bạn càng chờ đợi thì thời gian càng dài. Nó không có nghĩa gì đơn giản hơn thế. Thay vì chờ đợi, hãy bắt đầu ngay bây giờ, bắt đầu ở bất cứ nơi đâu và bắt đầu với bất cứ việc gì, vì điều đó tốt hơn việc bạn chỉ ngồi yên và chờ đợi một ngày nào đó.

5. Giá như

Giá như bạn có nhiều tiền hơn, có nhiều mối quan hệ hơn, có tài hơn, bạn sẽ dễ dàng theo đuổi những giấc mơ và hưởng thụ cuộc sống phải không nào? Tôi không nghĩ thế.
Rất nhiều người trong số các doanh nhân và những cá nhân thành đạt đang sống cuộc đời họ muốn không hề đạt được giấc mơ của mình nhờ những cơ may biệt đãi như vậy.
Rốt cuộc vấn đề là gì? Bạn sẽ không cần bất cứ điều gì ngoại trừ một thái độ đúng đắn và ý chí sẵn sàng hành động.

6. Tôi không…

Bạn có sợ mình không có gì đặc biệt để trình bày trước những người khác? Đây là lo lắng không chỉ của riêng bạn. Sự thật là, chúng ta nhất định sẽ có điều gì đó để đóng góp vào thế giới (bạn cũng như vậy), và đó chính là điều giúp bạn tồn tại.

Chẳng hạn, với ai đó, khả năng này có thể là viết lách, với người kia là năng lực giúp người khác sống cuộc đời mơ ước và theo đuổi đam mê của bản thân.

Vậy khả năng của bạn là gì? Hãy thử khám phá xem nhé.

7. Vùng an toàn

Nỗi lo thất bại là trở ngại lớn nhất với nhiều người khi nghĩ về việc theo đuổi ước mơ. Bạn có thể đã nghe ai đó nói rằng, việc thực hiện ước mơ và những đam mê là rất khó khăn, đó là sự thật, nhưng bất cứ ai cũng có thể làm được, nếu họ sẵn sàng dẹp bỏ lòng tự ti và bắt tay vào hành động.

Bạn cần phải quyết định xem mình có hạnh phúc với nơi ở hiện tại không, bạn có muốn hành động không và có muốn làm việc để hướng tới điều gì đó thực sự làm thỏa mãn bản thân.

Hãy khám phá niềm đam mê của bạn, theo đuổi nó và tạo ra cuộc sống như bạn muốn. Và không có thời điểm nào tốt hơn là ngay lúc này.

Đỗ Dương
Theo Dumblittleman

6 thg 1, 2012

Cảm ơn : Chuyện nhỏ nhưng lại được - mất rất nhiều

Văn hóa cảm ơn

TT - Trông người mà ngẫm đến ta

Một lần tôi đi dự hội nghị khoa học ở Thái Lan - đất nước rất gần với chúng ta. Thời gian rảnh rỗi tôi ghé vào siêu thị mua chút quà tặng người ở nhà. Quầy tính tiền khá đông người xếp hàng, trong đó có một bà cụ ngoài 70 tuổi đang đứng chờ với gói hàng nhỏ trên tay.
Mặc dù hàng khá dài, nhưng bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Thấy vậy, cô thu tiền liền đề nghị mọi người nhường cho bà cụ tính tiền trước. Mọi người vui vẻ đồng ý, cô nhân viên thu tiền liền cảm ơn tất cả khách hàng. Đến khi tính tiền cho tôi xong, cô chắp tay cảm ơn tôi. Điều này tôi thấy cũng hơi lạ nên liền hỏi cô: “Chúng tôi mua hàng và trả tiền có gì đâu mà cô cảm ơn”. Cô trả lời: “Chúng tôi thay mặt công ty cảm ơn quý khách đã sử dụng hệ thống siêu thị của chúng tôi, nhờ có quý khách mà chúng tôi phát triển được và gia đình chúng tôi mới có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Một lần khác, ở Chicago, Mỹ khá xa với chúng ta. Nhân một bữa đi dự tiệc của hội nghị chiêu đãi, sau bữa ăn, chúng tôi có để lại ít tiền lẻ để bồi dưỡng người phục vụ mà không biết rằng tiền bồi dưỡng ở đây phải là 10% trên tổng số tiền của hóa đơn. Tuy vậy người phục vụ vẫn vui vẻ nhận và cảm ơn chúng tôi với thái độ hòa nhã không có gì là khó chịu.

Hình như chúng ta hay quên lời cảm ơn
Là người sống lâu ở TP.HCM và các thành phố lớn, có khi ba bốn ngày tôi mới nghe thấy một lời cảm ơn. Bệnh nhân khám bệnh xong cũng không cảm ơn thầy thuốc trước khi rời buồng khám và cũng chẳng thấy thầy thuốc nào cảm ơn bệnh nhân đã tin tưởng và đến khám bệnh tại phòng khám của mình. Nhân viên bán hàng chẳng bao giờ cảm ơn khách hàng và khách hàng cũng chẳng bao giờ cảm ơn người phục vụ mình. Học trò nghe bài giảng xong cũng không cảm ơn thầy giáo dù chỉ là một tràng vỗ tay (nhưng khi đi dự các hội nghị thì thấy vỗ tay hơi nhiều, hình như chúng ta chỉ có thói quen cảm ơn cấp trên hay đi hội nghị để mà vỗ tay). Có nhiều nhà hàng, quán ăn khi tính tiền thực khách thường bồi dưỡng cho nhân viên phục vụ một ít tiền, nhưng nhân viên phục vụ cũng ít khi cảm ơn.

Chuyện không  thể ngờ
Cách đây khoảng hơn một tháng, đoàn bác sĩ Đại học Y dược TP.HCM đi khám từ thiện cho người dân tộc ở huyện Dambron - một huyện mới mở ở vùng sâu của tỉnh Lâm Đồng. Người đến khám bệnh rất đông và toàn là người dân tộc thiểu số, có người còn nói tiếng Kinh chưa sõi. Nhưng điều làm tôi bất ngờ là từ những em bé vài ba tuổi đến người lớn đều nói cảm ơn bác sĩ sau khi khám bệnh xong. Tôi rưng rưng nước mắt nói với PGS Võ Tấn Sơn - hiệu trưởng và là trưởng đoàn khám bệnh: “Không ngờ ở đây, tại vùng sâu vùng xa thế này mà người ta không quên tiếng cảm ơn. Biết bao giờ mọi người chúng ta mới không quên cảm ơn nhau”.
PGS NGUYỄN HOÀI NAM

2 thg 1, 2012

Bản sắc Việt

PHẢN HỒI BẠN ĐỌC
thanh
Ngày nay trong giới trẻ tiếng Việt thì không hiểu, lịch sử thì không biết. Không biết văn hóa ở chổ nào.
congnv
Tôi luôn nghĩ, một quốc gia mà không có hay không tồn tại bản sắc riêng thì cũng có nghĩa quốc gia ấy là quốc gia ngoại lai, thiếu cội nguồn.
Đây cũng đồng nghĩ với cụm từ “Mất tất cả”. Vì thế, tôi luôn muốn giữ gìn bản sắc riêng của nước Việt. Đó là cần cù, chịu khó và kiêu hãnh. Đó chính là bản sắc không gì lau chuyển nổi. Các bạn nghĩ sao?
Trần Văn Khanh
Tôi có cảm giác đây là một vấn đề đang bị hiểu lầm. Một mặt là cách cư xử giữa con người với con người nói chung, giữa Nam và Nữ nói riêng trong xã hội Việt Nam. Mặt khác là sự khác biệt giữa người Việt và người Tây (nói chung là dân da trắng). Thứ nhất, chúng ta nên khách quan nhìn nhận rằng con người nào cũng chính là "sản phẩm" của xã hội ấy. Xã hội của những người da trắng phát xuất chủ yếu từ châu Âu đã có một quá trình phát triển trước chúng ta khoảng 200 năm về nhiều mặt. Quan hệ giữa con người với nhau vì thế cũng đã ở mức tinh tế hơn. Những than phiền giữa Nam và Nữ ở Viêt Nam hiện nay (qua các bài viết) người dân da trắng từ Âu đến Mỹ đều đã phải trải qua vào những năm 60 đến 70 qua các phong trào emancipation (bình đẳng giới) của phụ nữ. Cho nên những đòi hỏi của chị em phụ nữ về quyền bình đẳng trong quan hệ vợ chồng hiện nay là chính đáng. Các ông chồng nên suy nghĩ lại và sống cho phù hợp với thời đại mình đang sống. Thứ hai, nhưng không phải vì những mâu thuẫn đang phát sinh trong xã hội mà phụ nữ Việt chỉ nhìn các ông Tây toàn qua ống kính màu hồng, nếu không có tình yêu đích thực. Có rất nhiều ông Tây chọn vợ Á châu chỉ vì tính "đàn bà" của họ.

Lòng Nhân ái và Tinh thần Trách nhiệm có từ lúc nào?

Bé Tâm khiến người lớn soi mình và xấu hổ

28/12/2011 07:29:07
 - Cái chết thương tâm của bé Đặng Ngọc Minh Tâm, 3 tuổi khi thấy em trai bị ong đốt chạy ra ôm em chạy và Tâm bị ong đốt 36 nốt khiến em tử vong tại khoa cấp cứu bệnh viện thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu đã khiến cư dân mạng không khỏi xót xa, đau đớn và cảm phục.
Bao giờ tìm lại được tình yêu tuyệt đối như vậy
Gửi ý kiến tới Bee.net.vn, nhà văn Nguyên Ngọc nói: "Tôi đã xem kỹ bản tin nói về việc bé Tâm cứu em bị ong vò vẽ đốt. Rất rõ ràng, bé Tâm đã hành động hết sức có ý thức, một ý thức mạnh mẽ và sâu sắc. Có thể em chưa biết ong vò vẽ nguy hiểm đến mức nào, nhưng đúng hơn em không hề, không cần nghĩ tới điều đó, không cần nghĩ đến nguy hiểm có thể đến với mình, chỉ một điều duy nhất: che chở cho em trai, cứu em trai. Không thể gọi cách nào khác: một sự hy sinh quên mình. Điều cao cả nhất một con người có thể làm được, ngang hàng với những gì cao cả nhất ở một con người.

Động cơ nào? Theo tôi, đấy là tình yêu vô tận của em đối với đứa em trai nhỏ bé. Chỉ có một tình yêu vô tận như vậy mới đưa đến được một sự quên mình tuyệt đối như vậy.

Suy nghĩ gì trước việc này? Nó khiến người lớn chúng ta buồn và xấu hổ: Bao giờ chúng ta mới tìm lại được một tình yêu đến tuyệt đối như vậy, để có thể hành động được như em trước bao nhiêu thách thức lớn nhỏ hằng ngày?"
“Thiên thần có thực”

Độc giả Phạm Ngọc Vũ  ở Tam Dương, Vĩnh Phúc cho biết anh đã lặng người đi khi đọc xong bài viết này vì “một người chị 3 tuổi mà đã biết xả thân mình để cứu em khỏi tử thần” .
 
Bàn thờ bé Tâm
Bàn thờ bé Tâm

Trước hành động vô cùng dũng cảm so với tuổi của em, độc giả Nguyễn Văn Hoá  (Quang Nam) thương xót: “Thật vô cùng xót xa và nể phục tâm hồn cao thượng của bé Minh Tâm.”

Cùng chung sự cảm phục, độc giả oanhhoangacb105 (quận Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ cảm xúc: “Tôi lấy làm đau buồn trước sự mất mát của gia đình Thành và cảm phục trước sự hy sinh của bé Tâm đã lấy thân mình che cho em. Tình cảm chị em thật cao quý.”

Đặc biệt, độc giả có nickname doccocaukieu (Sài Gòn) còn dành tặng em danh hiệu “Người chị dễ thương nhất năm”.

Đau đớn trước cái chết của em, độc giả Linh (bino2day@yahoo.com) trên Dân Trí còn “xin phép” gọi em là “con gái” và cho rằng: “Hành động, có thể là bản năng của con đã tự nó viết nên một câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại. Thiên đường, nếu có thật phải dành cho những người như con!”

Không ít độc giả cho rằng em chính là thiên thần “hạ thế”. Độc giả lonely (dinh229@gmail.com) trên trang web VOV cho biết: “Tôi vẫn nghĩ thiên thần thực ra chỉ là cái con người hình tượng hóa không hề có thật nhưng bé Tâm đã cho tôi biết trên đời này có ít nhất một thiên thần đó là em…”

 Kêu gọi giúp đỡ

Một mặt, nhiều độc giả bày tỏ sự cảm thông, thương xót và chia buồn cùng gia đình anh Thành và mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau này.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, độc giả Minh Anh (Hà Nội) cho rằng cha mẹ bé Tâm không nên để em ngủ dưới gốc cây như thế, để sự việc đáng tiếc xảy ra.

“Trời ơi! Người lớn đâu??? Bố mẹ đâu???”, độc giả dauthuong (lenda442@yahoo.com) giận dữ.
 
Được biết, thu nhập của 5 miệng ăn phụ thuộc hoàn toàn vào công việc sơn nước của anh Thành, chỉ hơn 100 nghìn đồng/ngày. Anh Thành phải nghỉ việc, ở nhà lo đám ma và chuyện mả mồ cho bé Tâm. Chị Chi thì phải trực bên bé Đạt ở bệnh viện Nhi Đồng II. Mọi việc càng khó khăn hơn gấp bội cho gia đình bất hạnh này.

Trần Lê Hoàn, một độc giả Hà Nội cho rằng cần một số tin nhắn điện thoại hoặc tài khoản của một tổ chức nào đó để mọi người có thể chuyển sự giúp đỡ cho gia đình anh Thành – chị Chi lúc này.

Anh Lê Tùng ở Nguyễn Khang, Hà Nội cũng đề nghị xây dựng một tổng đài nhắn tin ủng hộ giống như tổng đài của Operation Smile để các nhà hảo tâm dù ít hay nhiều, dù xa hay gần cũng có thể chia sẻ được khó khăn cho gia đình.
 
Hiện, nhiều độc giả muốn giúp đỡ gia đình anh Thành-chị Chi nhưng không rõ nên gửi giúp đỡ về đâu, theo địa chỉ nào.
 
Qua sự việc này, một số độc giả còn cho rằng một lần nữa kĩ năng sống lại được dấy lên. Làm gì để đối phó với tổ ong, ong đốt ở mức nguy hiểm có biểu hiện gì, sau khi bị ong đốt thì nên tiến hành  những bước gì...là những quan tâm được độc giả phản hồi.