27 thg 7, 2012

Chiến tranh


“Chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc thế nên, còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ…”

“Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”

Nhân ngày Thương binh - liệt sỹ 27/7, PV đã nhận được một bài viết rất cảm động của độc giả Lê Thị Hương (25 tuổi, Chí Linh - Hải Dương) chia sẻ câu chuyện về người bố là thương binh hạng 2/4 của mình, bác Lê Anh Tuấn (nhập ngũ lần đầu năm 1974, lần 2 năm 1978, tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Campuchia).

Bài viết còn là những suy nghĩ rất thật, rất chân thực về chiến tranh của một người trẻ tuổi, người chưa hề biết thế nào là chiến tranh. Hiện bài viết đang lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng và gây xúc động cho nhiều người.
 
***

Bố em, 18 tuổi vào bộ đội. Năm đó là 1974, chiến tranh đã vào hồi cuối, bố là lớp tân binh nên còn huấn luyện chán chê để rồi tuyển lựa "đi B". May mắn thay, bố chưa đến đợt đi B thì chiến tranh kết thúc, 1977 bố giải ngũ trở về, cưới vợ.
 
Một bài viết về ngày 27/7 gây xôn xao cư dân mạng
Lê Thị Hương, tác giả của bài viết đã gây xúc động mạnh trên cộng đồng mạng trong những ngày qua. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tháng 8/1978, chị cả em ra đời, sau đó chỉ một tháng, chú Tư - em trai ruột của bố em, có lệnh gọi nhập ngũ. Chú vừa nhát vừa hiền, lại vừa cưới vợ nên bố xin đi thay chú. Đất nước đang cần người đã có kinh nghiệm, đơn tình nguyện của bố được chấp thuận ngay. Mẹ em, chị và ông bà tiễn bố lên đường.

Vài tháng sau, bố đi K (chiến trường Campuchia). Chuyến tàu đưa bố đi từ ga Hải Phòng, đơn vị bố có hơn 40 người Hải Phòng, vào đến Quảng Trị còn 14 người. Họ nhảy tàu vì đi B thì sẵn sàng nhưng đi K thì khác.

Thời gian đầu còn có chút tin bố về nhà, càng về sau càng biền biệt. Mấy năm sau có giấy báo tử gửi về, bà nội khụy xuống trước thềm nhà. Suốt tháng trời bà mê man chỉ đòi chống gậy đi tìm con, bà bảo bố em không thể nào chết được.

Mẹ ôm chị gái em từ căn nhà riêng về ở với ông bà vì chị ốm quá, lên sởi mủ xanh mủ vàng đã có lần thiếp đi, chú mang ra góc giường đặt, mẹ khóc ngất, bỗng thấy cánh tay chị vời lên, mẹ lại ôm chị, chăm nuôi bú mớm. Những năm tháng ấy, bố vẫn biền biệt bên kia, không hay biết gì về tình cảnh bi đát của con thơ, mẹ già.

Rồi bố bị thương trong một lần đi họp giao ban buổi tối: đạp trúng mìn, bàn chân dập nát, đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến giữa cánh đồng hoang. Sợ tiếp tế đến không kịp, bác sĩ y tá cưa chân cho bố, cưa sống, đồng đội hát quốc ca bao nhiêu vẫn không át nổi tiếng gào thét.

Rồi 2 ngày sau bố mới được chuyển về Sài Gòn bằng trực thăng, lần này nằm viện, cưa thêm một lần nữa vì vết cưa cũ bị nhiễm trùng. Điều dưỡng thêm vài năm nữa 1/3 chân phải của bố đã không còn, một mảnh đạn găm ở đùi và hai tai bị điếc nhẹ.

Bố về nhà với giấy chứng thương 2/4, mất sức 65%. Nhưng còn về được đã là đại phúc cho cả nhà mình, bố kể hồi mới sang được 1 tháng, chính tay bố đã phải gói hài cốt của bạn mình để trực thăng mang về.

Ngày bố về, nét mặt dữ dằn hơn, những cơn đau mê sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại, chị em nhất định không nhận bố vì sợ cái nạng và cái chân gỗ bố tháo ra lắp vào mỗi sáng tối. Ngay cả đến đời con trai của chị, cháu ngoại của bố, mỗi lần nhìn cái chân ấy nó đều khóc thét.

Bố mất cả tháng giời chỉ để làm quen và ôm con gái mình vào lòng mà không làm nó sợ. Đúng, em là gái, em chỉ nhìn những thứ xung quanh mình, em nhìn thấy chiến tranh và hậu quả của nó trong suốt 18 năm sống bên bố, những lần sợ hãi đến run rẩy khi bố em mắt vằn tia máu lên nóng giận vì những điều không lớn lao gì, khi bố em những đêm rên rỉ trong vô thức vì mảnh đạn trong người, khi bố em có những lần đi xe máy hơi quẹt xe đã ngã vì không thể dùng chân giả mà chống như người ta được.

Bố em chưa một lần than vãn gì về chiến tranh, kêu ca gì về sự đãi ngộ của nước nhà cho những người thương bệnh binh như bố, bố vẫn bươn trải bán buôn ngược xuôi để nuôi con học hành.

Em nhớ mãi một lần lớp 11, em học kém bị bố đánh, đánh xong bố nói rất nhiều, nhưng có một câu em không thể nào quên được, bố bảo: "Chị em chúng mày đang đi học bằng tiền xương máu của tao đấy con ạ". Đúng, chúng em từ Cấp 1 cho đến hết Đại học đều được miễn học phí vì bố là thương binh.

Bao nhiêu năm em sống trên đời là bấy nhiêu năm em thấy mẹ chăm bẵm bố em từ miếng cơm, phích nước, ấm trà, là thấy mẹ chịu đựng đủ sự nóng nảy của bố do thay đổi tâm tính từ lúc trở về.

Có đôi lần ai đó nói đến chiến tranh, mẹ em chỉ lơ đãng nói một điều: "Kể cả có chiến tranh, thằng HA (em trai em) nhà này cũng không bị gọi đi nhập ngũ đâu, nó con một, bố lại thương binh yếu đuối thế kia".

Các bạn có thể cười rằng mẹ suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ, nhưng nếu các bạn đã từng vùi cả tuổi xuân của mình để chờ chồng, nuôi cha mẹ già con thơ và dành cả cuộc đời để xoa dịu những vết thương chiến tranh, các bạn sẽ dễ cảm thông cho mẹ em biết chừng nào. Chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc thế nên, còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ.

Theo Lê Thị Hương
Infonet

25 thg 7, 2012

Tư liệu: HIV 2012


'HIV không giết người nhanh bằng sự kỳ thị'

Nhiễm HIV không đồng nghĩa với án tử hình, nhưng chính sự kỳ thị của cộng đồng mới khiến người bệnh chết nhanh hơn... Đây là hai thông điệp lớn của Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS đang diễn ra tại thủ đô của Mỹ.

Tại hội nghị quốc tế lần thứ 19 về căn bệnh này, hơn 800 học giả và 300 nhà hoạt động xã hội từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra nhiều tham luận, với các thông điệp chung được truyền tải như sau:
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Hội nghị quốc tế về phòng ngừa HIV/AIDS. Ảnh: Minh Nguyệt.

Mỗi ngày có gần 5.000 người chết vì AIDS và 7.000 người nhiễm mới

Tính đến thời điểm này, trên toàn thế giới đã có 65 triệu người nhiễm HIV. Khoảng 30 triệu người đã chết vì bệnh cơ hội liên quan tới AIDS. Tuy nhiên, số tử vong đang có xu hướng giảm dần từ năm 2010.
Nam và Đông Nam Á là khu vực có số người nhiễm HIV cao thứ 2 thế giới với con số 4 triệu, chiếm 12% tổng số toàn cầu, chỉ sau các quốc gia thuộc tiểu sa mạc Sahara.

Nhiễm HIV không đồng nghĩa với án tử hình

Một trong những thông điệp mới tại Hội nghị đó là: HIV/AIDS không kinh khủng như những gì chúng ta nghĩ nhưng thực sự kinh khủng như những gì chúng ta nhìn thấy và nhiễm HIV là một điều khủng khiếp nhưng không đồng nghĩa với án tử hình.
Nếu bị nhiễm HIV thì bạn hãy đối mặt với thách thức và coi nó là một căn bệnh mãn tính khó lây và dễ phòng tránh. Một người nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm và chăm sóc tốt thì có thể sống khỏe tới hơn 10 năm, thậm chí 20 năm. Những con số qua các năm cho thấy các ca tử vong do các bệnh liên quan đến AIDS cũng đang giảm xuống. Sẽ ngày càng có nhiều người nhiễm được chữa trị. 15 triệu người sẽ được chữa trị vào năm 2015, hiện nay con số này là 8 triệu.

HIV không giết chết người nhanh bằng sự kỳ thị và phân biệt đối xử

Sự phân biệt đối xử có thể giết chết người nhiễm HIV trong 3 ngày, còn virus HIV thì không thể. Sự phân biệt đối xử và kỳ thị là "virus" nguy hiểm nhất giết chết người nhiễm bệnh chứ không phải là bệnh.
Sẽ là tội ác khi để sự phân biệt đối xử, chê trách còn tiếp tục. Sự kỳ thị những người nhiễm HIV luôn nghiêm trọng ở khắp các châu lục. Ngay tại Mỹ, trước năm 2009, chính quyền không cho phép người nhiễm HIV đến Mỹ và nhận ra rằng việc này chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Người bệnh sẽ lo sợ, che giấu và nguy cơ lây lan càng cao hơn, sự kiểm soát, điều trị sẽ càng khó khăn hơn.

Cách tốt nhất để ngăn chặn virus HIV vẫn là sử dụng bao cao su

Sử dụng bao cao su là biện pháp đơn giản, hữu hiệu nhất và chi phí thấp nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus HIV. Đó là ý kiến của tất cả các chuyên gia và chính khách tham dự hội nghị.
"Đã đến lúc tất cả chúng ta phải sử dụng bao cao su. Cách này thật đơn giản để ngăn chặn sự lây lan của HIV", tiến sỹ Michel Sidibé, Giám đốc cơ quan Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS có sự tham gia của 23.000 người từ nhiều quốc gia. Ảnh: Minh Nguyệt.

Truyền thông cần thay đổi cách tuyên truyền về HIV/AIDS

Hơn 60% những người biết về HIV/AIDS trên toàn thế giới không phải từ nhà trường, sách vở, lại càng không phải từ bác sĩ mà từ chính báo chí, truyền thông. Truyền thông đã thành công trong việc thông tin về căn bệnh nhưng cách tuyên truyền cần phải thay đổi. Một chiếc đầu lâu xương chéo, một con virut HIV được thể hiện một cách gớm ghiếc không phải là cách tuyên truyền tốt về bệnh. Cũng không ai gọi việc nhiễm HIV là án tử hình hay căn bệnh thế kỷ nữa.

Những tín hiệu lạc quan và tiến bộ mới nhất trong y học

Rất nhiều tham luận được đưa ra tại hội nghị cho thấy: Trong thời gian tới, số người nhiễm mới và chết vì HIV/AIDS được dự báo là có thể dừng lại hoặc giảm xuống vì những tiến bộ y học ngăn bệnh lây lan: Sử dụng liệu pháp Antiretroviral (viết tắt là ART) cho bạn tình dương tính với HIV có thể ngăn chặn đáng kể được việc lây lan virus. Nếu sử dụng sớm cho người bị nhiễm thì khả năng ngăn chặn có thể lên tới 96%. Bên cạnh đó, việc sử dụng liệu pháp ART có thể giúp giảm bớt bệnh tật liên quan đến HIV và kéo dài sự sống.
Lần đầu tiên sau 30 năm phòng chống HIV/AIDS, một loại thuốc giúp người khỏe mạnh có thể phòng chống HIV/AIDS đã được đưa vào sử dụng. Đó là thuốc Truvada. Người khỏe mạnh uống loại thuốc này có thể chống lại việc lây nhiễm HIV từ bạn tình. Thời gian tới, loại thuốc này có thể được sử dụng rộng rãi hơn.
Vắcxin phòng chống HIV cũng đang được tập trung nghiên cứu. HVTN là loại vắcxin tiềm năng đã được tìm hiểu từ 2009 và dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2013. Bên cạnh đó, uống thuốc ARV thường xuyên và đúng phác đồ vẫn được đánh giá là cách hữu hiệu để kiềm chế sự phát triển của virus HIV.
Minh Nguyệt
 

23 thg 7, 2012

Suy ngẫm: Từ đề thi đến đáp án môn Sử ĐH 2012


Góp ý về đáp án đề thi đại học 2012 môn Lịch sử
15/07/2012 6:47:54 CH
Góp ý về đáp án đề thi đại học 2012 môn Lịch sử
Mặc dầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự điều chỉnh đáp án ở câu 4a, song với cá nhân tôi vẫn còn băn khoăn với đáp án môn Lịch sử trong kỳ thi đại học năm nay.
Trong kỳ thi tuyển sinh 2012 – 2013, đề thi đại học môn lịch sử 2012 đã thể hiện rõ tính phân hóa thí sinh rõ nét khi có đến hai câu thông sử (Câu 1, Câu 4a hoặc 4b) và hai câu tư duy nâng cao (Câu 2 và câu 3 phần Lịch Sử Việt Nam).
Tuy nhiên, theo bản thân tôi nhận thấy rằng giữa đề thi và đáp án kỳ thi đại học môn lịch sử năm nay có sự vênh khá rõ. Điều đáng nói là sự vênh này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi tuyển của các em. Có thể thấy rõ điểm vênh này qua đáp án của các câu 1, câu 3 và câu 4a.
Ở câu 1: (2,0 điểm) Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Với câu này học sinh hiểu là tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đến nền kinh tế Việt Nam. Nghĩa là biến chuyển của nền kinh tế Việt Nam sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp. Đây là phần đầu tiên ở mục 3 bài 12 sách giáo khoa Lịch sử 12 theo chương trình chuẩn (trang 77): “Những chuyển biến mới về kinh tế và giai cấp xã hội ở Việt Nam”. Học sinh hiểu phải trình bày về mặt tích cực và hạn chế của kinh tế Việt Nam do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp mang lại, trong đó hạn chế là chủ yếu.
Tuy nhiên trong đáp án của bộ giáo dục lại nặng về trình bày nội dung cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp chiếm 1,5 điểm. 0,5 điểm còn lại dành cho phần tác động. Rõ ràng với đáp án trên cho một câu thông sử thuần túy, thí sinh đã mất trắng 1,5 điểm! Đúng ra câu này bộ nên điều chỉnh ngược lại: phần nội dung cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp nêu ngắn gọn lại và chỉ cần cho 0,5 điểm là đủ. Phần tác động nên mở rộng với 1,5 điểm thì mới đúng thực chất
Ở câu 3: (3,0 điểm) Cuối tháng 3 - 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4 - 1975).
Trong đề thi này đã xác định rõ thời gian là “cuối tháng 3 – 1975” nên không thể đòi hỏi thí sinh trình bày sự kiện hội nghị Bộ Chính trị mở rộng cuối 1974 đầu 1975 (0,5 điểm) được.
Với câu này học sinh tập trung nêu quyết định của Bộ Chính trị là: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975)”. “Ngày 14/4/1975 Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Sau đó nêu cơ sở là “từ thắng lợi nhanh chóng của hai chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế- Đà Nẵng” cùng ý nghĩa của 2 chiến dịch đó là đủ. Như vậy, với câu này thí sinh mất tiếp 0,5 điểm.
Ở Câu 4a: Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)
Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Ý thứ tư trong đáp án (0,5 điểm): “Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam, và các cuộc đấu tranh theo mùa… luôn diễn ra mạnh mẽ” không thuộc chính sách đối ngoại! Phần này Bộ đã điều chỉnh bỏ !
Như vậy, nếu các em đọc kỹ đề thi, hiểu tường tận đề thi, làm theo đúng yêu cầu của đề thi thì các em vẫn còn bị mất oan 2 điểm sau khi Bộ đã điều chỉnh, bằng một phần tư tổng số điểm tối đa!
Vẫn biết, việc ra đề thi và đáp án của kỳ thi đại học là công việc chịu áp lực nặng nề. Hạn chế về đáp án đề thi có thể không tránh khỏi, song việc đáp án vênh quá lớn so với đề thi sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kết quả của các em. Mong sao trong quá trình thảo luận đáp án, các nhà sư phạm hãy vì tương lai các em có những kiến nghị sao cho phù hợp để các em không phải chịu thiệt thòi.

THS SỬ HỌC NGUYỄN VŨ, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT CHUYÊN QUỐC HỌC

Tư liệu: 400/500 thí sinh nói có gian lận trong thi TN 2012


Hơn 400/500 thí sinh nói có gian lận thi cử
TT - Phần lớn thí sinh được hỏi thừa nhận đã có rất nhiều hình thức gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, từ hỏi bài nhau, mang tài liệu vào phòng thi cho đến tổ chức giải bài tập thể...

Và giám thị dường như làm ngơ trước những trò gian lận ấy.
Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ vừa phối hợp với một số nhà xã hội học thực hiện thăm dò trên 500 thí sinh từ 36 tỉnh thành về tính nghiêm túc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Kết quả: 84,6% thí sinh trong số đó thừa nhận có xuất hiện hiện tượng tiêu cực tại nơi các bạn dự thi.
Thí sinh chuẩn bị “phao” trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2012 - Ảnh: Hà Bình
Cuộc thăm dò xuất phát từ trăn trở của một số nhà xã hội học khi theo dõi tình hình giáo dục nước nhà. Một vị trong nhóm này băn khoăn: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao với gần 98% học sinh thi đỗ”.
Việc thăm dò được thực hiện theo hình thức phát phiếu ngẫu nhiên sau buổi thi đầu tiên tại nhiều điểm thi trong đợt thi tuyển sinh ĐH thứ hai và đợt thi CĐ vừa qua trên địa bàn TP.HCM. Do thực hiện theo hình thức ngẫu nhiên tại TP.HCM nên kết quả thăm dò thu nhận được chủ yếu là của các thí sinh phía Nam. Cụ thể, thí sinh được hỏi đến từ các vùng, miền như Đông Nam bộ (233 thí sinh), Tây Nam bộ (105 thí sinh), miền Trung (99 thí sinh), Tây nguyên (61 thí sinh).
Từ  “hỏi bài” đến... “nhìn bài”
ThS Đổng Ngọc Lập (giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh): Tỉ lệ cao khiến dư luận nghi ngờ
Tôi cho rằng qua cuộc thăm dò này, có thể nơi này nơi kia có hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các em mới nói như vậy, chứ không bịa ra được. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận ở hai góc độ: Thứ nhất, đó có thể là những hiện tượng các em nhìn thấy, nghe thấy tại nơi mình dự thi. Thứ hai, đó cũng có thể là do các em bị tác động nhiều từ báo chí, truyền thông về những vụ như Đồi Ngô, những việc quay cóp, tài liệu từ những nơi khác và “liên tưởng” khi đưa ra ý kiến trong thăm dò. Tôi không dám nói có tiêu cực nhưng với tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước lên quá cao (trên 97%) đã khiến dư luận nghi ngờ về thực chất.
HÀ BÌNH ghi
Khi được hỏi về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, có đến 84,6% (423/500) số thí sinh được hỏi cho biết có diễn ra hiện tượng tiêu cực dưới nhiều hình thức khác nhau tại nơi các bạn dự thi. Trong đó, phổ biến nhất là các hiện tượng như nhìn bài của nhau, trao đổi bài cùng nhau trong khi thi. Thậm chí thí sinh cũng cho biết có cả việc giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài, xem tài liệu và kể cả việc... tổ chức giải bài thi tập thể nơi các bạn dự thi.
Những hiện tượng tiêu cực cụ thể được thí sinh cho rằng có diễn ra tại nơi mình dự thi với những mức độ gần như phổ biến như sau: có đến 84,2% cho biết có hiện tượng “hỏi bài nhau trong khi thi”. Còn hiện tượng “nhìn bài của nhau trong khi thi” cũng có đến 83,5% cho biết có diễn ra.
“Giải bài tập thể”
Ngoài ra, một số hiện tượng tiêu cực khác tuy có tỉ lệ thấp hơn nhưng cũng được thí sinh nhìn nhận có diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại nơi các bạn dự thi như “giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài nhau” với 36,4%. Hay như hiện tượng “trao đổi tài liệu trong khi thi” cũng có 23,4%, “mang tài liệu vào phòng thi” có 20,6% cho biết có diễn ra.
Đáng chú ý, những hiện tượng tiêu cực nghiêm trọng hơn như “giám thị làm ngơ cho thí sinh xem tài liệu”, “giám thị gợi ý giải bài cho thí sinh”, “mang điện thoại di động vào phòng thi” và “mang tài liệu vào phòng thi để xem”... cũng lần lượt có 13,5%, 10,4%, 13,7% và 11,8% thí sinh khi được hỏi cho biết có diễn ra nơi mình dự thi. Thậm chí 11,3% số thí sinh được hỏi còn cho biết hiện tượng tổ chức “giải bài tập thể” diễn ra tại nơi mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Về mức độ, các hành vi tiêu cực theo từng địa phương, thí sinh từ 36 tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, miền Trung, Tây nguyên... đều nhìn nhận nơi mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có xảy ra tiêu cực. Tuy nhiên, hành vi và mức độ tiêu cực ở mỗi nơi khác nhau. Chẳng hạn với hành vi “giám thị làm ngơ cho thí sinh hỏi bài nhau”, có nơi 51,1% thí sinh được hỏi nhìn nhận có diễn ra nhưng cũng có nơi chỉ có 15,6% thí sinh nhìn nhận. Hay như hành vi “giải bài tập thể” có nơi 14,8% thí sinh được hỏi nhìn nhận có xảy ra và ở nơi khác là 13,0%... Tỉ lệ này được thống kê căn cứ trên tỉnh thành mà thí sinh cho biết mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Sau khi thực hiện xong cuộc thăm dò, nhà xã hội học này kết luận: “Tôi không nghĩ kết quả cuộc thăm dò này mang tính chất đại diện cho toàn thể thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh thành trên cả nước. Nhưng tôi cho rằng kết quả này là một cơ sở ban đầu để lý giải vì sao tỉ lệ tốt nghiệp THPT của chúng ta lại cao ngất ngưởng như đã thấy”.

TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): 500 phiếu là con số không nhỏ
Để làm cuộc thăm dò xã hội học thì dung lượng mẫu khảo sát tối thiểu phải là 30 và số mẫu càng nhiều, độ chính xác càng cao. Ngoài ra, độ chính xác của vấn đề cần thăm dò còn lệ thuộc vào phương pháp khảo sát.
Trong bối cảnh thực trạng tiêu cực thi cử còn bị bưng bít như hiện nay, việc thực hiện phương pháp thăm dò khách quan để tìm hiểu sự thật về tính nghiêm túc hay không nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là cách làm tốt. Tôi cho rằng 500 phiếu khảo sát được phát ra là con số không nhỏ. Mẫu câu hỏi của khảo sát cũng đa dạng. Việc chọn thí sinh là đối tượng chính để thăm dò ý kiến cũng phù hợp vì so với các đối tượng khác như nhà quản lý, cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi thì thí sinh là đối tượng có thể trả lời khách quan hơn.
Tuy nhiên số tỉnh thành được thực hiện việc thăm dò khá nhiều (36 tỉnh thành), với 500 mẫu khảo sát thì trung bình mỗi tỉnh thành chỉ thăm dò 13-14 phiếu. Nếu có thể tăng số phiếu thăm dò nhiều lên nữa sẽ thuyết phục hơn. Ngoài đối tượng thăm dò là thí sinh, cũng nên tiếp cận những nhóm đối tượng đa dạng khác.
V.HÀ ghi

GS Phạm Minh Hạc (chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam): Các em đã nói thật
Tôi cho rằng các em được hỏi đã nói thật về những hiện tượng gian dối, không trung thực, quay cóp... diễn ra tràn lan, phổ biến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Qua đó thấy được có cơ quan đưa ra tuyên bố này, tuyên bố khác về kỳ thi nghiêm túc chỉ dựa vào báo cáo chung mà thôi.
Nghiên cứu về xã hội học giáo dục, tôi được biết những trường như THPT chuyên, trường tương đương chuyên mới có thể có tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Các trường THPT dưới chuyên một chút cao nhất là có tỉ lệ tốt nghiệp 90% và trường trung bình khoảng 70-80%. Tôi có hỏi các cháu của tôi học ở Mỹ về nghỉ hè, các cháu cũng nói trường xuất sắc lắm ở Mỹ mới có thể tốt nghiệp 100%. Những trường trung bình khoảng 80%. Như vậy trong tình hình giáo dục của nước ra như hiện nay, không thể nào có tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước lên đến trên 97% được.
TS Vũ Thị Phương Anh (phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập): Mỗi địa phương “hành xử” một kiểu
Là kỳ thi quốc gia nhưng qua cuộc thăm dò, tôi thấy cách “hành xử” của nhiều địa phương có khác nhau trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này thể hiện qua thăm dò, thí sinh nhìn nhận về hành vi, mức độ tiêu cực ở các địa phương, vùng miền có chênh lệch lớn. Chẳng hạn hành vi tiêu cực “giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài nhau” có nơi gấp ba lần nơi khác. Như vậy, vấn đề đặt ra là nên khen hay chê địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhưng thực chất?
TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Kết luận xác đáng
Các kết luận rút ra từ cuộc thăm dò đều xác đáng, nhất là các nhận định từ dữ liệu phân theo vùng. Qua đó, chúng ta cũng thấy tiêu cực “giải bài tập thể” không phải là cá biệt. Đây là lỗi nặng của thí sinh lẫn giám thị và thường mang tính tổ chức, được chuẩn bị sẵn chứ không phải ngẫu nhiên mà vi phạm.

17 thg 7, 2012

Suy ngẫm :"Dạy con kiểu ...Đức" cho bớt mê muội thần tượng


Fan K-Pop viết tâm thư đòi Bộ GD-ĐT...xin lỗi

(iHay) Cộng đồng mạng đang truyền tay nhau bức tâm thư nóng hổi của một fan K-Pop đòi Bộ GD-ĐT xin lỗi.
>> Cộng đồng mạng “bút chiến” quanh đề Văn đại học

Đòi Bộ Giáo dục - Đào tạo phải xin lỗi 

“Tôi cần có Suju (ban nhạc Super Junior của Hàn Quốc) để làm điểm tựa cuộc sống, vin vào đó để trau dồi rèn luyện bản thân, để có thể chứng minh tình yêu vô bờ bến của mình tới các anh. Bởi thế, sẽ chẳng ai ngu ngốc lại đi dại dột từ bỏ đức tin thiêng liêng của mình chỉ để bước vào cổng trường Đại học”...

Đó là những dòng thông điệp khá sốc do một fan của Suju viết trong bức thư gửi Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa xuất hiện trên các trang mạng xã hội ngày 11.7.
Bên cạnh nhiều bạn trẻ "like" nhiệt tình thì cũng có không ít cư dân mạng "té ghế" với bức thư này.

Lý do là nội dung bức thư mô tả thần tượng của mình không khác gì thần thánh.
Mở đầu bức thư, fan này giới thiệu:
“...Tôi là Fan cuồng nhiệt của Suju, những ngôi sao đã, đang và sẽ rực sáng trên bầu trời K-pop”.
 
Hướng dẫn đáp án môn Văn khối D đại học của Bộ GD-ĐT về "ngưỡng mộ thần tượng" và "mê muội thần tượng"

Kế đó, tác giả bức thư kể lại con đường trở thành fan cuồng nhiệt của Suju và lí do tôn sùng thần tượng hơn cả thần thánh:
“…Suju của tôi là những vẻ dung dị và thuần khiết tới mức gây ra sự ngẩn ngơ bất thình lình cho trời và đất. Ở Suju là phong cách biểu diễn táo bạo và độc đáo đến độ nguy hiểm của bão hòa. Suju có vẻ đẹp êm dịu trong từng chân tơ kẽ tóc, gợi cảm trong từng sợi lông mày lẫn lông chân...".
Và rồi:  "Suju có vẻ đẹp lung linh và rực rỡ, và vì thế các anh đủ sức quyến rũ tất cả những cô gái kiêu kì và ngạo mạn tưởng chừng như không thể quyến rũ được. Sức hài hòa kỳ diệu của sự pha trộn Đông-tây, Âu-Á đã làm cho các anh trở thành biểu tượng của nhân loại”.
Tác giả bức thư cho rằng đề văn khối D của Bộ GD-ĐT không khác gì cú đá xoáy khiến giới hâm mộ K-pop phải “đẫm lệ”.
Vì thế mà fan này đi đến kết luận: “Tôi có thể khẳng định rằng, tác nhân của thảm họa, mầm mống của bi kịch và nguồn gốc của tai ương đó tất tần tật bắt nguồn từ "Đề thi ĐH khối D 2012" của Bộ GD-ĐT”.
“Bởi thế, tôi viết lá thư này kính gửi Bộ Giáo dục, tha thiết đề nghị nên có lời xin lỗi chính thức đối với những tín đồ K-Pop chúng tôi đây”, tác giả bức thư viết.
"Thư xin xá tội" đá xoáy Bộ GD-ĐT
Một bức thư khác viết dưới dạng bài thi lại bày tỏ muốn được xá tội vì lỡ…“cuồng” thần tượng. Nhưng đọc kỹ dễ phát hiện bức thư này được tung lên mạng để "đá xoáy" Bộ GD- ĐT.
Nguyên văn bức thư viết:
“Dạ thưa cháu rất xin lỗi vì là một đứa con gái người Việt Nam đã trót dại mà “cuồng” lũ thần tượng Hàn Quốc xa lắc xa lơ nào đó ạ!
Chúng cháu đúng là quá ngu muội khi hâm mộ thần tượng K-Pop trong khi thần tượng V-Pop thì rất tốt đẹp phải không ạ? Vậy thì cháu đây thành thật xin lỗi đã sa vào một cái tệ nạn xã hội Việt Nam hết sức trầm trọng mang tên Quá hâm mộ thần tượng Hàn Quốc.
Cháu rất hối hận vì tội lỗi của mình ạ. Và từ giờ cháu sẽ cải tạo để được xá tội bằng cách học hỏi cái hay cái đẹp của các nghệ sĩ Việt Nam hiện nay ạ. Ví dụ như là: Thái độ lỗ mãng của Nữ hoàng nội y; “không có tiền thì cạp đất mà ăn” như Ngọc Trinh; Có bầu nhưng không cưới; Phát ngôn lố lăng như hoa hậu…”.
 
Clip về một fan cuồng không ngừng la hét, kêu tên thần tượng trước màn hình ti vi
xuất hiện thời gian gần đây
Mặc dù "lạc đề", nhưng bức thư lại nhận được hơn 300 comment trên facebook.

Ông bố Việt dạy con bớt cuồng thần tượng bằng phong cách...Đức
Những ngày này, cộng đồng mạng xôn xao với câu chuyện "ông hàng xóm dạy con theo phong cách lạnh lùng của người Đức".
Câu chuyện được cho là xảy ra tại Việt Nam, kể về một teen nữ là fan hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc. Cô gái này đòi bỏ nhà đi nếu không được cho tiền xem buổi biểu diễn của nhóm nhạc mà cô hâm mộ.
Ông bố của cô gái này khi nghe con nói "cần tiền đi xem biểu diễn của thần tượng hơn cả gia đình" thì cho tiền ngay. Nhưng sau khi coi biểu diễn xong, cô gái trở về thì đồ đạc trong phòng đã bị ông bố cho hàng xóm hết và không cho phép con gái vào nhà.

Fan ngất xỉu do quá cuồng nhiệt trong đêm đại nhạc hội SoundFest 14.4
Ít ngày sau, đứa con gái lại trở về nhưng sau đó lại bị ông “tống” ra khỏi nhà lần nữa mặc cho bà mẹ khóc lóc năn nỉ.
Hơn một tuần sau, cô gái lại trở về, quỳ trước cửa nhà từ sáng đến chiều chờ ông bố về để năn nỉ cho vào nhà.
Cuối cùng ông cũng chấp nhận cho con vào nhà và kêu vợ đem cơm trắng cho con ngồi ăn ở ngoài hiên. Ông bắt con đi cắt tóc, nhuộm đen lại, mua đồ rẻ tiền cho mặc, cấm không xài máy tính, cơm ngày 3 bữa, không một đồng trong túi và phải đi bộ đến trường.
Câu chuyện được kể lại từ một nickname nhận mình là hàng xóm của gia đình trên, và đã tận mắt chứng kiến chuyện xảy ra. Người kể chuyện còn cho biết ông bố này do không còn cách nào khuyên nhủ để con gái bớt cuồng thần tượng nên đành phải dùng cách "dạy con kiểu Đức". Dù trong thời gian con gái bỏ đi, ông cũng xin nghỉ việc để đi theo bảo vệ con.
Câu chuyện được nhiều bạn trẻ lan truyền nhau trên mạng xã hội với sự khâm phục ông bố lạnh lùng, kiên định, biết cách giúp con bớt "cuồng" thần tượng. 

Hoàng Quyên

15 thg 7, 2012

Nghề nghiệp và sự cao quý của con người


Đề thi cao đẳng môn Văn 2012
Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp.”
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về ý kiến trên.
------------------------------------
Gợi ý làm bài của báo Giáo dục

Thí sinh cần đáp ứng đúng các yêu cầu cơ bản của đề bài: Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp”.
Thí sinh có thể trình bày nội dung theo những cách thức khác nhau. Sau đây là một cách làm cụ thể :
- Giới thiệu vấn đề: có ai đó đã nói rằng : “điều quan trọng nhất của con người là chọn cho mình một nghề để mưu sinh và sống với nó đến cuối đời”. Tuy nhiên, có nhiều người đã chọn nghề theo xu hướng của dư luận. Việc chọn lầm nghề để lại những hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội. Vì vậy đã có ý kiến cho rằng “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp”. Sau đây chúng ta thử phân tích và bàn luận về ý kiến trên.
- Giải thích :
+ Nghề nghiệp là công việc chuyên môn, làm theo sự phân công lao động của xã hội.
+ Phân công xã hội ngày càng nhiều, càng sâu nên xã hội có nhiều ngành nghề và giữ vị trí khác nhau trong xã hội.
+ Xã hội thường xuyên phát triển; có nghề nghiệp mới phát sinh nhưng cũng có những nghề nghiệp phải bị tàn lụi. Do đó có nghề dễ mang lại sự thành công (danh tiếng, tiền của, địa vị…) nhưng cũng có nghề không được như vậy. Cho nên dẫn đến sự tồn tại trong xã hội quan niệm về sự cao quý, sang hèn, tốt xấu… trong nghề nghiệp.
- Bàn luận:
+ Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người
* Mỗi nghề đều có đặc điểm, vị trí riêng trong cuộc sống xã hội.
* Nghề nghiệp nảy sinh từ nhu cầu xã hội, do đó mọi nghề đều cần thiết cho cuộc sống, vì thế mỗi nghề đều có vai trò không thể thiếu được trong đời sống xã hội, do đó nghề chân chính nào cũng đều cao quý cả.
* Tuy nhiên do đặc trưng riêng của một số ngành nghề, do ý nghĩa đặc biệt của nó đối với đời sống, một số ngành nghề được đặc biệt biểu dương: nghề dạy học, nghề thầy thuốc…
+ Mà chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp
* Con người là chủ thể của hoạt động nghề nghiệp, có tính chất quyết định đối với giá trị của hoạt động nghề nghiệp.
* Con người có giá trị tự thân, chịu ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh. Vì vậy có kẻ tốt, người xấu, chính vì thế điều này tạo nên giá trị của nghề nghiệp.
* Trong những ngành nghề được biểu dương đặc biệt vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong những ngành nghề do bị thành kiến mà bị coi thường vẫn có những con người cao quý, có cách hành xử được mọi người ngưỡng mộ, ca ngợi.
* Làm rõ tại sao con người mang đến sự cao quý cho nghề nghiệp (dẫn chứng). Chính tư cách và đức hạnh sáng ngời của con người làm cho người khác phải tôn trọng nghề nghiệp của họ.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Cần nhận thức: không nên có tư tưởng phân biệt nghề sang trọng, cao quý và nghề thấp hèn. Cần phê phán quan niệm phân biệt này vì nó không đúng đắn, nó tồn tại trong xã hội phong kiến ngày xưa và không nên tiếp tục trong cuộc sống ngày nay.
+ Cần thấy những việc làm không chính đáng: ví dụ  như trộm cướp, gian dối… để kiếm sống không phải là nghề nghiệp chân chính như chúng ta đang bàn.
+ Cần thấy giá trị đúng đắn của nghề nghiệp; nghề nghiệp chân chính nào cũng có giá trị và đều đáng được trân trọng. “Giá trị của một con người là lợi ích của họ mang lại cho người khác chứ không phải là nghề nghiệp của họ”.
+ Cần có thái độ đúng đắn khi chọn nghề. Không nên chạy theo quan điểm hời hợt (sang hèn…) về nghề nghiệp của một số người. Cần chọn nghề phù hợp với năng lực, với ước mơ, hoàn cảnh của bản thân, nhu cầu và sự phát triển của xã hội.
+ Với nghề nghiệp cần “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chuyên tâm rèn luyện tay nghề, giữ gìn lương tâm nghề nghiệp, trao dồi đạo đức để làm hiển vinh nghề nghiệp, giá trị bản thân.
            - Tổng kết : “Không phải nghề nghiệp mang đến sự cao quý cho con người mà chính con người mang đến sự cao quý cho nghề nghiệp” là một ý kiến đúng đắn, nó là một lời khuyên, một lời nhắc nhở đối với mọi người nhất là đối với thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp.

11 thg 7, 2012

Thần tượng: nét đẹp văn hóa hay thảm họa?


Câu 2. (3,0 điểm) ký thi đại học Khối D 2012
Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
----------------------

Gợi ý làm bài của giaoduc.edu.vn
·        Mở bài: Đặt vấn đề: Con người sinh ra được giáo dục để sống có ích, làm những điều tốt đẹp và hướng thượng. Thần tượng chính là một nét đẹp đầy hào quang và cao thượng để con người chiêm ngưỡng, tôn thờ và phấn đấu. Tuy nhiên, có nhiều người đã ngưỡng mộ thần tượng một cách mê muội và quên cả những nét đẹp chân chính, thiên liêng khác. Chính vì vậy, có người đã đưa ra ý kiến: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”
·        Thân bài:
+ Giải thích: Thế nào là thần tượng? Thế nào là văn hóa? Thế nào là ngưỡng mộ thần tượng? Thế nào là nét đẹp văn hóa? Thế nào là mê muội thần tượng. Thế nào là một thảm họa?
+  Lý lẽ:
_ Thần tượng là một hình ảnh đẹp mà con người yêu mến, ngưỡng mộ và tôn thờ. Sự ngưỡng mộ thần tượng đã trở thành thói quen tập quán qua nhiều thế hệ, và hơn nữa, ngưỡng mộ thần tượng chính là một nét đẹp văn hóa của loài người.Có một thần tượng để chúng ta ngưỡng mộ và phấn đấu giúp chúng ta sống tốt hơn, đam mê hơn, yêu đời hơn và nỗ lực hơn. Nhiều người cùng ngưỡng mộ một thần tượng tốt có thể chia sẻ với nhau về sở thích, niềm vui và làm phong phú hơn đời sống tinh thần, làm con người cảm thấy gần gũi nhau hơn và thương yêu nhau hơn.
_ Tuy nhiên, có những hiện tượng tôn thờ thần tượng đến mê muội không phân biệt rõ đúng sai. Ví dụ như, có những người hôn cả đôi giày của thần tượng, và hôn cả chỗ ngồi của thần tượng, cũng như những hành động lố bịch khác xuất phát từ sự mê muội thần tượng. Có người mê muội đến nổi, có những việc làm sai của thần tượng cũng cho  là đúng. Từ đó dẫn đến những hành động sai trái, và hậu quả có thể làm mất nhân cách của chính mình. Và có những hành động gây nguy hiểm cho đồng loại. Có những người mê muội trước những thần tượng xa xôi mà quên đi những tình cảm thân thương, thiêng liêng bên cạnh mình, như cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Sự mê muội thần tượng là một thảm họa, là sự xói mòn về đạo đức, là sự chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo, bỏ quên những nét đẹp chân thật và những tình cảm thiêng liêng; quên những nhiệm vụ cụ thể và đơn giản của một con người bình thường.
_ Dẫn chứng.
                  + Mở rộng:
      _ Nếu không khắc phục được những hiện tượng này, xã hội càng ngày càng trở nên băng hoại về đạo đức và sự vô cảm càng ngày càng trở nên phổ biến.
      _ Những hiện tượng trên là nhát dao cứa vào lương tâm của những người Việt Nam có đạo đức, là nỗi đau dai dẳng cho thế hệ cha anh.
                  + Liên hệ thực tế:
_ Chúng ta khuyến khích và thông cảm những người ngưỡng mộ thần tượng một cách chính đáng và chừng mực. Coi việc ngưỡng mộ thần tượng một cách chân chính là một nét đẹp văn hóa cần được tôn trọng và duy trì.
_ Đồng thời, chúng ta phải kiên quyết lên án những kẻ mê muội thần tượng. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng sự mê muội thần tượng là một hiện tượng tự nhiên không thể tránh khỏi. Do đó, chúng ta phải đủ bản lĩnh và kiên trì đấu tranh với những hiện tượng sai trái này.
·        Kết bài: Khẳng định rằng, ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa cần thiết cho tất cả mọi người và mê muội thần tượng là một thảm họa cần phải đấu tranh để hạn chế. Ý kiến trên là một lời nhắc nhở đối với tất cả chúng ta hãy tự nhìn lại mình, hiểu hơn chính mình và những thần tượng của mình; từ đó, có những suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn
-----------------

HƯỚNG DẪN CHẤM CHÍNH THỨC CỦA BỘ GIÁO DỤC

1. Giải thích ý kiến (0,5 điểm)
Ngưỡng mộ thần tượng là sự tôn kính, mến phục nồng nhiệt dành cho những đối
tượng được xem là hình mẫu lí tưởng hoặc có quyền năng đặc biệt, có sức cuốn
hút mạnh mẽ đối với cá nhân hay cộng đồng; mê muội thần tượng là sự say mê,
tôn sùng một cách mù quáng, thiếu tỉnh táo trước thần tượng.
- Về nội dung, ý kiến này đề cập đến tính hai mặt của việc say mê thần tượng: nếu
ngưỡng mộ đúng mức là tích cực, thì ngưỡng mộ quá mức là tiêu cực và có thể
còn gây ra hậu quả khôn lường.

2. Bàn luận về ý kiến (2,0 điểm)
Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa (1,0 điểm):
+ Ngưỡng mộ thần tượng thể hiện nhu cầu văn hóa cao của con người: nhu cầu
được sống trong những tình cảm cao cả, nồng nhiệt; nhu cầu được hướng tới,
vươn tới những tầm cao, những đỉnh cao sáng giá của đời sống.
+ Ngưỡng mộ thần tượng là một ứng xử văn hóa, biểu hiện ở các phương diện:
thái độ trân trọng mến phục; hành động tôn vinh cổ vũ; ngôn ngữ ca ngợi tán
dương.
- Mê muội thần tượng là một thảm họa (1,0 điểm):
+ Mê muội thần tượng là trạng thái mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình
cảm, không còn khả năng suy xét, phân biệt đúng sai, lẫn lộn về giá trị; mê muội
thần tượng còn dẫn đến hành động sai lầm quá khích, gây ra những hậu quả tệ hại
cho bản thân và xã hội.
+ Việc mù quáng chạy theo thần tượng hay khuyếch trương thần tượng quá mức
đều là biểu hiện của sự mê muội thần tượng, đều là những thái độ và ứng xử thiếu
lành mạnh, thậm chí thiếu văn hóa, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

3. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)
- Cần có nhận thức đúng đắn về việc ngưỡng mộ thần tượng và lường được những
hậu quả của sự mê muội để có thái độ và cách ứng xử phù hợp, làm cho tâm hồn
phong phú hơn, nâng tầm văn hóa cho bản thân, từ đó phấn đấu vươn tới những
tầm cao của đời sống.
- Biết chế ngự những cảm xúc say mê thái quá trước thần tượng, không chạy theo
thần tượng một cách mù quáng; phê phán mọi biểu hiện mê muội thần tượng trong
cuộc sống hàng ngày, trước hết là trong học đường.




Kẻ cơ hội - Người chân chính và Thành tích đạt được


Câu 2:Đề thi ĐH Văn Khối C 2012
            “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu.”
            Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên
-----------------

      Gợi ý chấm của Báo giáo dục.

Giới thiệu được luận đề cần giải quyết
2.      Giải quyết vấn đề
a.       Giải thích:
+ Giải thích từ ngữ:
-         Kẻ cơ hội là người nhanh chóng nắm bắt hoàn cảnh hoặc điều kiện thuận lợi để thực hiện một mục tiêu nào đó.
-         Nôn nóng: thái độ vội vàng, muốn nhanh chóng đạt được kết quả
-         Người chân chính: người có những suy nghĩ và việc làm nghiêm túc, có đạo đức, có mục tiêu tốt đẹp theo đúng chuẩn mực của xã hội; đạt đến thành công bằng chính năng lực của mình.
-         Kiên nhẫn: quyết tâm, bền chí để đạt được mục tiêu đã xác định.
-         Thành tích, thành tựu: kết quả tốt đẹp cuối cùng của một quá trình suy nghĩ và làm việc.
+ Giải thích ý nghĩa cả câu:
Ý kiến trên cho thấy kẻ cơ hội và người chân chính đều muốn có những kết quả tốt đẹp cho việc làm của mình nhưng kẻ cơ hội thì vội vàng, còn người chân chính thì kiên nhẫn. Câu nói có phần phê phán thái độ nôn nóng, vội vàng, mặt khác khẳng định sự kiên nhẫn của người chân chính.
b.      Bàn luận:
-         Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích:
+ Có ý kiến cho rằng “Đời người có ba thứ qua đi không lấy lại được là tuổi trẻ, thời gian và cơ hội”. Cơ hội chỉ xuất hiện trong một thời điểm nhất định, nếu không biết nắm bắt, nó sẽ vuột mất. Vì vậy, kẻ cơ hội rất nôn nóng trong việc vận dụng điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu của mình.
+ Đời người có thể có nhiều cơ hội nhưng các cơ hội ấy không giống nhau, vì vậy một khi cơ hội qua đi sẽ không đạt được kết quả như ý.
+ Kẻ cơ hội hiểu rất rõ sự bất ổn này nên có thể dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn để đạt được kết quả (dẫn chứng).
-         Người chân chính thì kiên nhẫn để đạt được thành tựu:
+ Người chân chính cũng biết nắm bắt cơ hội nhưng không đạt được mục tiêu bằng bất cứ giá nào như kẻ cơ hội. Nếu thất bại, người chân chính sẽ đứng lên từ chính chỗ thất bại ấy để làm lại từ đầu.
+ Người chân chính thường làm việc với một lý tưởng phù hợp với những chuẩn mực của xã hội nên có sự bền chí, quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu.
+ Người chân chính xem cơ hội là phương tiện chứ không phải là cứu cánh trong việc thực hiện mục tiêu. Do vậy, họ có lòng kiên trì, theo đuổi mục tiêu cho đến cùng, chứ không dựa dẫm, không dùng thủ đoạn (dẫn chứng).
c.       Mở rộng:
Ý kiến này giúp ta phân biệt rõ thế nào là kẻ cơ hội và người chân chính. Mặt khác, nó cho thấy cách thực hiện mục tiêu của kẻ cơ hội và người chân chính rất khác nhau. Từ đó, ý kiến này có vai trò định hướng cho học sinh và thanh niên trong việc thực hiện ước mơ, theo đuổi mục tiêu của mình. Ta phải biết nắm bắt cơ hội nhưng cũng phải có lòng kiên nhẫn thì mới đạt được những thành tựu tốt đẹp, có ý nghĩa.
3.      Kết luận:
Rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân.

-----------------
Gợi ý làm bài của báo Tin tức VN 

Yêu cầu chung: phải có kết cấu của một bài văn dù ngắn (có giới thiệu vấn đề, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề). Lí lẽ, mạch lạc lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phải có sức thuyết phục.

Ý thứ nhất - Giới thiệu vấn đề: xuất phát từ thực tế về “bệnh thành tích” đang là quốc nạn từ nhà trường cho đến ngoài xã hội để nêu vấn đề. (0,5đ)

Ý thứ hai – Giải quyết vấn đề: (1đ)
- Giải thích các khái niệm “kẻ cơ hội”“người chân chính”“nôn nóng”,“thành tích”“kiên nhẫn”, “thành tựu”“kẻ cơ hội” là kẻ lợi dụng thời cơ để kiếm lợi cho mình (chức vụ, tiền bạc.v.v.), người chân chính là người sống chân thực, đàng hoàng, chính đáng. Thành tích là kết quả mà chỉ căn cứ vào người làm việc báo cáo. Thành tựu là kết quả của quá trình làm việc có thực. Nôn nóng là tìm mọi cách để tạo ra thành tích một cách nhanh nhất, kiên nhẫn chỉ thái độ kiên trì nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn để làm nên thành tựu.
- Kẻ cơ hội nôn nóng tạo ra thành tích bao giờ cũng gắn với mục đích không chính đáng, mục đích xấu, chỉ phục vụ cho quyền lợi của bản thân dẫn đến lừa dối xã hội, nhất là cấp trên. Nguy hại của bệnh thành tích là tạo nên một xã hội ảo, nền kinh tế ảo, làm suy sụp nhân cách (0,5đ)
- Người chân chính là người bao giờ cũng đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình. Họ chính là người làm nên bộ mặt thật, đời sống thật , góp phần xây dựng xã hội từ các thành tựu của họ. Nhưng trước hết họ góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội. Trong thực tế hiện nay không thiếu những người chân chính nhưng sự quan tâm đến họ không phải nhiều. (0.5đ)

Kết luận:
Phải chống bệnh thành tích, nói không với bệnh thành tích (Trích: Nguyễn Thiện Nhân )

------------------

Hướng dẫn chấm của Bộ giáo dục

1. Giải thích ý kiến (0,5 điểm)
Kẻ cơ hội là người lợi dụng thời cơ để mưu cầu lợi ích trước mắt, bất kể việc làm
đúng hay sai; người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù
hợp với những giá trị xã hội; thành tích là những kết quả được đánh giá tốt; thành
tựu là những thành quả có ý nghĩa lớn, đạt được sau một quá trình bền bỉ phấn đấu.
- Về nội dung, ý kiến này chỉ ra sự đối lập về lối sống và cách hành xử trong công
việc giữa loại người cơ hội và người chân chính.
0,5
2.
Bàn luận về ý kiến (2,0 điểm)
- Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích (1,0 điểm)
+ Do thói vụ lợi, bất chấp đúng sai nên trong công việc, kẻ cơ hội không cầu “kết
quả tốt” mà chỉ cầu “được đánh giá tốt”. Kẻ càng vụ lợi thì càng nôn nóng có được
thành tích. Bởi thế, loại người này thường chỉ tạo ra thành tích giả.
+ Về thực chất, cách hành xử ấy là lối sống giả dối, là thói ăn gian làm dối khiến cho
thật giả bất phân, làm băng hoại các giá trị trong xã hội; đó chính là sự suy đồi về
đạo đức; lối sống cơ hội này đã khiến bệnh thành tích lan tràn như hiện nay.
- Người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (1,0 điểm)
Coi trọng chất lượng thật, kết quả thật là đức tính của người chân chính. Bởi thế
họ thường kiên nhẫn trong mọi công việc để làm nên những kết quả thực sự, những
thành quả có ý nghĩa lớn. Đối với họ, chỉ có những thành quả thực mới tạo nên giá
trị thực của con người, dù có khi phải trả giá đắt.
+ Về thực chất, cách hành xử ấy thuộc về lối sống chân thực, trung thực, biểu hiện
của những phẩm chất cao quý; giúp tạo nên những thành quả thực, những giá trị đích
thực cho mình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên.
3. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)
- Cần nhận thức rõ đây là hai kiểu người đối lập nhau về nhân cách: một loại người
tiêu cực thấp hèn cần phê phán, một mẫu người tích cực cao cả cần trân trọng.
- Cần noi theo lối sống của những người chân chính, luôn coi trọng những kết quả
thật và kiên nhẫn phấn đấu để lập nên những thành tựu; đồng thời lên án lối sống cơ
hội, nôn nóng chạy theo thành tích giả.




1 thg 7, 2012

Niềm vui và sự khó khăn trong việc học môn Ngữ Văn



Đề bài: Em hãy viết một bức thư kể lại niềm vui và sự khó khăn của em trong việc học môn Ngữ Văn.
Bài làm:
Mẹ kính yêu của con !

Đầu năm học mới con đã vò đầu để suy nghĩ nên chọn học lớp chuyên Văn hay lớp chuyên Toán. Hai cánh cửa này thật khó lựa chọn. Nhưng rồi con đã tìm ra được cánh cửa cho tương lai của mình: con quyết định đeo đuổi Văn học. Dù con đường ấy có nhiều khó khăn , trắc trở nhưng nó là nhiệt huyết và lòng đam mê khiến con không thể từ bỏ.

Mẹ nói rằng khối C ít nghề, khó khăn cho định hướng của tương lai. Thời đại Công nghệ thông tin bùng nổ các môn xã hội như Ngữ văn bị xem nhẹ. Người ta đua nhau học các môn tự nhiên. Ngay cả những bạn trong lớp con học giỏi môn Văn cũng đăng kí vào lớp Toán. Con thấy buồn lắm mẹ ạ! Và lúc dó con thấy rằng câu nói: “Bi kịch của thời đại chúng ta là thừa trí tuệ , thiếu tâm hồn” của một nhà văn Mê Hi Cô là rất có lí.Thực ra khối C ít ngành nhưng chỉ ít hơn khối A, còn trong thực tế ngành nghề của nó cũng nhiều, rất nhiều đấy chứ. Danh ngôn đã nói rằng: “ Đồng xu luôn có hai mặt, một ngày có cả bóng đêm và ánh sáng”. Đâu phải những gì trở ngại cũng luôn đến với người học Văn. Ngược lại con thấy ở Văn học có rất nhiều điều tốt đẹp. Và thực sự nó mang lại niềm vui cho con.

Mẹ ạ ! Con nhớ mãi lời dặn của mẹ : “Làm gì cũng phải có lòng đam mê”. Không ngẫu nhiên mà mẹ yêu môn Toán. Toán dành cho bố, mẹ, anh vì sự đam mê. Còn con Văn học chính là nụ cười, sự thích thú. Con học Toán chẳng kém gì Văn nhưng chỉ Văn học mới đáp ứng được những gì mà con mong ước. Văn chương là một thế giới cho đi mà không cần sự đáp trả. Con đã thực sự bị lôi cuốn bởi những trang Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, con mêVang bóng một thời của Nguyễn Tuân, con đắm say vào Lão HạcChí PhèoĐời thừa của Nam Cao…và nhiều, nhiều những tác phẩm nữa đã gim chặt vào trái tim con. Không thực hiện được những đam mê của nình con thấy hẫng hụt, chán nản vô cùng. Ngữ Văn là người bạn tinh thần luôn đi sát cuộc đời con. Đánh mất một người bạn khác gì đánh mất chính mình, đánh mất ánh bình minh của sớm mai.

Con còn nhớ có một nhà thơ nói rằng: “ Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi”. Văn học như vị cứu tinh của cuộc đời. Học Văn tâm hồn con được giải tỏa, con không phải căng mắt lên vì những con số của bài toán, đau khổ vì những phương trình dao động của bài lí, mệt mỏi vì những công thức hóa học khó nhớ. Cứ mỗi lần đến giờ học Văn đầu óc con trở nên thư thái, tâm hồn thảnh thơi. Con chăm chú nghe tiếng nói ấm áp, truyền cảm của thầy. Những lúc đó con ước ao được như ngày xưa chỉ học mỗi văn chương, lấy văn chương làm trọng tâm thi cử. Ngươi hiền tài là người có văn hay, chữ tốt. Cái ước mơ đó của con không thể thành hiện thực với thời đại bây giờ nhưng sao nó cứ dồn nén lại hết thảy niềm vui, sự yêu thích của con.

Họ bảo rằng “học Văn không thiết thực” . Nhưng cuộc sống sẽ tối sầm lại nếu không có văn chương. Học văn con thấy mình giàu kiến thức cuộc sống, hiểu sâu hơn về cuộc đời. Người ta bảo thời kì Nga Hoàng con người sống hèn nhược, bảo thủ, ích kỉ, co mình, con vẫn không định hình ra được nhưng khi đọc tác phẩm Người trong bao của Sê khốp là con đã hiểu ra tất cả - hiểu cả một thời đại lịch sử. Hay như nỗi khổ của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, qua trang sử con không có nhiều cảm xúc, sự cảm thương nhưng qua tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao con thấu hiểu nỗi khổ mà người nông dân phải gánh chịu; Con biết thế nào là người nông dân bị lưu manh hóa, bần cùng hóa.

Mẹ ơi! Nhiều lúc con tự hỏi: học hàng trăm định lí, công thức Toán học, nào là tích phân, vi phân, phép thử… nhưng áp dụng vào cuộc sống lại quá ít. Con chỉ thấy thông dụng ở cuộc sống những phép cộng, trừ, nhân, chia được học ở cấp I. Còn Văn, học bao nhiêu vẫn thấy không thừa. Văn học dạy cho con, cho mẹ và cho mọi người viết các văn bản, đơn giản nhất là giấy xin phép nghỉ học. Văn học dạy cho con cách nói năng, dùng từ đúng văn cảnh, hoàn cảnh nào là đúng đắn, hợp lí. Cũng dễ hiểu thôi vì Văn thuộc vào môn công cụ. Cuộc sống trong con lớn lên cũng nhờ văn học đó mẹ ạ !.
Không chỉ hiểu nhiều mà con còn nhận thức sâu về cuộc đời và rút ra nhiều bài học cho mình về cách sống . Có một nhà triết học nói rằng: “Ta tư duy nghĩa là ta tồn tại”. Sau mỗi tác phẩm Văn học con thường tư duy và nghĩ về cuộc sống. Sau Vội vàng của Xuân Diệu con biết quý trọng thời gian hơn nữa, luôn có ý thức sống hết mình , sống thật ý nghĩa trong quãng đời ngắn ngủi, phải làm được càng nhiều càng tốt những gì có thể; Sau Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) cho con biết tránh xa những cái lố lăng, bỉ ổi, đểu giả, học làm sang của tầng lớp tiểu tư sản, thị dân; Qua Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long con biết sống không cần biểu hiện, bày tỏ những cống hiến của mình, chỉ cần biết mình sẽ làm gì để cống hiến; Qua Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê con học cách đứng lên trong khó khăn, gian khổ, nhìn lên những ngôi sao của bầu trời để hướng về ngày mai xanh tươi, sáng rực. Thầy giáo dạy văn của con thường nói vui rằng: “Dạy Toán, học Văn, ăn Thể dục” để động viên các con về niềm vui của việc học Văn, con thấy đúng quá mẹ ạ ! Nhưng con cũng biết rằng một con đường không bao giờ thẳng tắp và lối đi của con chắc vẫn còn lắm gập ghềnh, khó nhọc. Cụ Phạm Công Trứ cũng đã từng nói:

Đã trót vướng vào duyên bút mực
Cả đời mang lấy số long đong.

Con không thấy cái long đong của văn học nhưng con thấy văn chương phải học nhiều. Đành rằng môn khoa học nào cũng phải học cả một đời. Nhưng các môn học khác chỉ cần học sách vở, học thầy, học bạn. Còn văn chương phải học hết những gì có trong cuộc sống. Học cách quan sát đối tượng để có kĩ năng miêu tả tốt, học cách cảm thụ để cảm nhận văn chương cho hay, cho đúng, học cách rèn luyện cảm xúc để bài viết mượt mà, mềm mại... Những việc đó nào có công thức, định lí để áp dụng mà đòi hỏi tự bản thân phải tư duy, sáng tạo. Hơn nữa đường lối đổi mới trong giáo dục hiện nay là lấy học sinh làm đối tượng trung tâm, lề lối thầy đọc trò chép đã bị xếp bỏ. Áp lực của học sinh trong đó có con sẽ tăng lên. Nhưng trong khó khăn lại có thuận lợi. Con nghĩ phương pháp này giúp con chủ động hơn trong học tập. Con được rèn luyện suy nghĩ, phát triển tư duy, được bày tỏ ý kiến của mình, thầy là người lắng nghe, gợi mở, chỉ cho con sai, đúng thế nào. Rất tuyệt phải không mẹ !

Mẹ bảo “học văn chi phối nhiều thời gian và bị ảnh hưởng bởi tâm trạng” . Con đồng ý! Một bài toán con làm trong 5 phút, bài quá khó thì có thể 30 phút, một tiếng đồng hồ. Nhưng một bài văn con làm ít nhất phải 2 tiếng. Có lúc con làm một bài văn hết 4,5 tiếng đồng hồ, mẹ hoảng hốt sợ con đam mê quá không học được môn khác. Con biết đó là những khó khăn không tránh khỏi nhưng con sẽ cố gắng vừa học tốt môn Văn vừa đảm bảo yêu cầu học các môn học khác. Bởi văn chương là cuộc đời, làm sao mà sơ sài trước cuộc đời được chứ ?

Còn về tâm trạng, đúng thật! Con thấy học ảnh hưởng rất nhiều từ tâm trạng . Khi vui đọc một bài thơ thấy rạo rực vô cùng, khi buồn thấy nó thật ai oán. Viết một bài văn trong tâm trạng tốt văn phong sẽ được thăng hoa, trong tâm trạng bất ổn văn sẽ khô khan, lủng củng. Con nghĩ, khó khăn ở đâu thì vượt lên ở đó. Con sẽ cố gắng giữ tâm trạng tốt, viết nên những bài văn vừa hay, vừa sâu mẹ nhé ! Tuy đam mê với văn chương nhưng nhiều lúc con cũng sắp quỵ gối với những bài lí luận văn học quá hóc búa. Với một thiếu niên chưa được bồi đắp đủ những kiến thức mà lần đầu tiếp xúc với văn lí luận, con thấy sợ. Nó có một cái gì đó trừu tượng, đa nghĩa rất khó cảm nhận. Học đi học lại nhưng vẫn thấy nó mới lạ như vị khách lạ đến nhà. Đôi lúc con nản và thốt lên “ Khó quá trời” . Nhưng càng khó càng phải học đúng không mẹ. Không ai bảo học là dễ.

Bên cạnh đó phương pháp để làm một bài văn hay cũng là một vấn đề phải suy nghĩ. Có thầy thích một bài văn đầy đủ ý, có thầy thích bài văn có chất văn mượt mà, có thầy yêu cầu cần thể hiện tốt kiến thức lí luận… Để đạt được những yêu cầu đó con phải đi tìm “mật mã” cho một bài văn hay. Mà đã là mật mã thì rất khó mở. Con cần một thời gian nữa. Mẹ hãy ủng hộ con nhé !

Mẹ ạ, con nêu ra cả niềm vui và những khó khăn khi học Ngữ văn để nói rằng con đã nhận thức và suy nghĩ thấu đáo về việc chọn vào lớp chuyên văn. Mẹ là điểm tựa của con. Con mong mẹ sẽ hiểu. Con sẽ đẩy lùi những khó khăn và đứng vững trên con đường con lựa chọn. Vòng nguyệt quế chỉ giành cho những ai biết tự bước đi - con tin tưởng bước đi của mình. Và trên bước đi đó mẹ sẽ là người nâng đỡ con mẹ nhé!
Cám ơn mẹ ! Con yêu mẹ !
(ST)
Trần Ngọc Hân