31 thg 7, 2013

Kỹ năng mềm: Những kỹ năng giúp bạn làm chủ buổi thuyết trình


Kỹ năng mềm: Những kỹ năng giúp bạn làm chủ buổi thuyết trình. Bí quyết để thuyết trình hiệu quả là hãy là chính mình, đừng bắt chước diễn giả nào khác, hãy thật tự nhiên và thường xuyên giao tiếp với khán giả. Và điều quan trọng nhất là hãy thuyết trình bằng cả trái tim mình.

Giai đoạn chuẩn bị

Nội dung: Bạn nên dùng nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ về chủ đề, đề tài của bạn, và phát triển thành các ý tưởng.
Cách tổ chức bài diễn thuyết: Sắp xếp các ý tưởng của bạn vào các phần mở bài, thân bài, kết luận một cách logic.
Thẻ ghi chú: Làm các tấm cards ghi chú những ý chính sẽ nói trong bài diễn văn. Nhớ là chỉ ghi những ý chính một cách ngắn gọn thôi nhé. Chúng sẽ giúp bạn nhớ lại nhanh chóng các ý chính mà không cần phải đọc nhiều.
Kỹ năng mềm: Những kỹ năng giúp bạn làm chủ buổi thuyết trình

Kỹ năng mềm: Những kỹ năng giúp bạn làm chủ buổi thuyết trình

Thực hành: Muốn thuyết trình thành công và hiệu quả còn đòi hỏi bạn cần phải thực tập nhiều lần trước ngày thuyết trình.a. Phong thái tự nhiên: Cố gắng thuyết trình một cách tự nhiên, như đang trò chuyện với khán giả. Tránh nói một cách đều đều như trả bài, cũng không nên chỉ nhìn và đọc lại bài thuyết trình đã chuẩn bị sẵn.
  • Sự nhiệt tình: chứng tỏ quan điểm rõ ràng và tích cực, niềm yêu thích về chủ đề bạn đang nói thông qua giọng nói và các biểu cảm trên nét mặt.
  • Giao tiếp bằng mắt (eye contact): phải duy trì sự giao tiếp bằng mắt với khán giả để tăng sự tin cậy, tăng sự thích thú, tập trung nơi khán giả, và bạn cũng có thể nhận ra được sự phản hồi ngầm từ khán giả đối với bài thuyết trình của mình.
  • Sự rõ ràng: phát âm rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với khán giả của bạn.

Ngôn ngữ cử chỉ̉ được thể hiện trong bài thuyết trình chuyên nghiệp:

  • Cách đi đứng: một dáng điệu và sự di chuyển tốt sẽ truyền tải được sự tự tin, chuyên nghiệp, và đáng tin cậy ở chính bạn.
  • Điệu bộ: giữ điệu bộ của bạn một cách tự nhiên, tránh những cử chỉ lặp lại. Dùng cử chỉ của bạn để nhấn mạnh các điểm chính và thu hút sự chú ý nơi khán giả.
Phương tiện trợ giúp (visual aid): Thường là powerpoint, tranh ảnh, đồ thị… Các phương tiện nhìn nên:
  • Đủ lớn để khán giả có thể thấy rõ.
  • Được đặt tại vị trí dễ nhìn.
  • Đơn giản và dễ hiểu.

Bí quyết thuyết trình hiệu quả: Làm chủ buổi thuyết trình

Ấn tượng từ 30 giây đầu

Thuyết trình là một kỹ năng rất quan trọng và cần thiết trong công việc, nhưng phần đông mọi người lại sợ điều đó. Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu về nỗi sợ hãi của con người và đưa ra kết quả: 41% người Mỹ sợ nói trước đám đông. Để giúp SV vượt qua nỗi sợ hãi này và có được những kỹ năng mềm cần thiết, Học viện Bưu chính viễn thông đã tổ chức chương trình giao lưu “Kỹ năng thuyết trình hiệu quả” vào cuối tháng 5 vừa qua. Hàng trăm SV Học viện và ĐH Luật, ĐH Dược... đã được khách mời của chương trình - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty CP sách Thái Hà – truyền đạt những kỹ năng thuyết trình hiệu quả từ kinh nghiệm của bản thân. Xem những bài viết hay nhất về kỹ năng thuyết trình hiệu quả tại đây

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Các bạn cần nhớ rằng mình đang thuyết trình chứ không phải đọc bài thuyết trình. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng, chỉ trong 30 giây đầu, bạn sẽ phải gây ấn tượng để thu hút người nghe. Vì vậy, tùy thuộc chủ đề và khán giả, hãy chọn cách vào đề phù hợp: Gây shock, gây cười, gây tò mò...”. Lời khuyên là hãy gây tò mò, khiến người nghe luôn háo hức muốn biết điều gì tiếp theo. Điều đó sẽ đảm bảo thành công cho bài thuyết trình của bạn.

Làm chủ buổi thuyết trình

Để tự tin thuyết trình, cần chuẩn bị tốt, hiểu thật rõ chủ đề, nội dung để có thể làm chủ buổi thuyết trình. Bài thuyết trình là hội tụ của lời nói, hình ảnh và âm thanh. Đồng thời, những ví dụ minh họa, những trích dẫn cụ thể sẽ tăng thêm sức thuyết phục cho bài thuyết trình. Nhiều bạn SV đặt câu hỏi: Sẽ phải làm gì khi “hăng” lên mà bỏ sót ý trong khi thuyết trình?

Một buổi chia sẻ về kỹ năng thuyết trình hiệu quả và giao tiếp thông minh

Giải đáp câu hỏi này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việc bỏ sót ý thường xuyên xảy ra, nếu trót bỏ sót ý thì đừng lúng túng và quay lại mà hãy tiếp tục trình bày vấn đề của mình. Hãy luôn hiểu rằng người nghe luôn ủng hộ bạn, họ muốn học hỏi, vì vậy đừng e dè người nghe. “Bí quyết để thuyết trình hiệu quả là hãy là chính mình, đừng bắt chước diễn giả nào khác, hãy thật tự nhiên và thường xuyên giao tiếp với khán giả. Và điều quan trọng nhất là hãy thuyết trình bằng cả trái tim mình” - ông Hùng chia sẻ.

Theo Langmaster

Nói cảm ơn - xin lỗi, kỹ năng sống dần bị lãng quên


Trong cuộc sống hiện nay, lời cảm ơn xin lỗi kịp thời mang lại cho người nghe nhiều thông điệp hơn,giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn đồng thời làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa và thụ vị.
 Nói cám ơn, xin lỗi là một phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp đang dần bị nhiều người trẻ lãng quên. Những tiếngcám ơn – xin lỗi ngày càng thưa dần và ít được nói hơn trong một bộ phận giới trẻ.Ngay từ khi còn học tiểu học, chúng ta đã được dạy nói “cám ơn” khi có một ai đó giúp ta việc gì hay cho ta thứ gì đó. Lời cám ơn khi được thốt ra người nghe sẽ cảm thấy vui hơn.
Rồi cô dạy chúng ta biết nói “xin lỗi” khi ta vô ý làm tổn thương đến ai đó, hay vô tình làm ảnh hưởng đến người khác. Lời xin lỗi được nói ra làm cho người được xin lỗi cũng cảm thấy thoải mái và dễ tha thứ hơn.
Tuy vậy người Việt Nam thường có thói quen chỉ cám ơn khi đem lợi ích cho chính mình. Tôi nhớ một câu chuyện nho nhỏ về cách cám ơn của người nước ngoài. Đó là khi bạn được một người khác mời một thứ gì đó như ” Bạn có muốn một tách cafe không?”. Người Việt Nam thì thường trả lời “Không” hoặc “Có, cám ơn”. Nhưng người nước ngoài họ “cám ơn” kể cả khi họ không có nhu cầu “Không, tôi uống rồi, cám ơn bạn”.Nhiều lăm trở lại đây đạo đức giới trẻ bị báo chí cảnh báo là xuống cấp trầm trọng. Tuy có thể không đến mức đó nhưng chỉ nói cách“cảm ơn – xin lỗi” cũng thấy phép lịch sự trong giao tiếp của giới trẻ đang giảm sút.Ra đường hỏi đường bác xe ôm nhưng lại quên mất cám ơn khi đá biết đường, đánh rơi đồ vật trên đường người khác nhặt dùm vì quá “vội vàng” lại quên cám ơn. Người Việt thường dựa vào địa vị của mình và coi thường người khác. Họ không chấp nhận việc nói lời “cám ơn” với những người có địa vị thấp hơn mình. Hãy thử nhớ xem khia bạn vào một trung tâm thương mại chú bảo vệ dắt xe dùm bạn, bạn có “cám ơn” người ta không. Nhiều bạn nghĩ đó là công việc của người ta, họ trả tiền để làm như vậy nhưng bạn lại vô tình quên họ cũng đang giúp bạn đó thôi.Và rất rất nhiều trường hợp khác nữa. Nhiều bạn trẻ nghĩ nhưng tình huống đó quá nhỏ nhặt nên không chú ý mà không biết lời “cám ơn” trong tình huống đó là cần thiết như thế nào.Từ“xin lỗi” cũng vậy, bạn lên xe bus vô tình “đụng chạm” đến người khác, tuy rằng không ảnh hưởng nhiều lắm nhưng vẫn rất nhiều bạn “lờ đi” lời xin lỗi. Bạn vội vàng chạy làm rớt đồ người khác rồi lờ đi và chạy luôn.Ngày còn bé bạn được cô giáo dạy nói “cảm ơn – xin lỗi” nhưng càng lớn bạn lại càng quên những lời dạy dỗ ngày xưa. Lời “cám ơn - xin lỗi”tưởng rằng quá nhỏ bé nhưng đó cũng là một “kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp” mà người trẻ bây giờ nên học.Hãy nói cám ơn khi ai đó giúp đỡ bạn và xin lỗi trước những sai lầm của bản thân bạn…dù cho người đó là ai, bình thường đến như thế nào đi chắng nữa.
Nguồn Văn hoá cảm ơn xin lỗi

Chọn nhầm nghề: sống trong đau khổ


30/07/2013 07:00 (GMT + 7)
 
TT - Chuyện “Chọn trường cho mình hay cho cha mẹ?” của tác giả An Chi (Tuổi Trẻ ngày 19-7) nhận được chia sẻ của nhiều người đồng cảnh ngộ, những người trót từ bỏ ngành học mình yêu thích và đau khổ, thất bại với ngành đang theo học. Tâm sự dưới đây là của thầy giáo Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM.
Thầy Trần Tuấn Anh trong một tiết dạy môn giáo dục công dân cho học sinh lớp 6/1 - Ảnh: Như Hùng
Đọc bài viết của An Chi, ký ức đau thương lại hiện về trong tôi...
Chọn trường vì hoàn cảnh gia đình
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động, ba đi bán vé số dạo, mẹ bán quán nước ở vỉa hè. Cái nghèo khó, nợ nần, chạy ăn từng bữa của gia đình nuôi nấng và thôi thúc tôi học lên cao để vượt qua hoàn cảnh. Rồi vì hoàn cảnh, năm lớp 8 tôi phải theo mẹ về quê sinh sống, dở dang chuyện học hành. Khi trở lại thị thành, tôi tiếp tục học chương trình bổ túc văn hóa (nay là giáo dục thường xuyên). Tốt nghiệp THPT với điểm số khá cao nhưng tôi không đủ tự tin dự thi ĐH...
Một thầy giáo khuyên tôi nên đi luyện thi. Mẹ tôi phải vay mượn, cộng với số tiền bạn bè giúp đỡ, tôi vào trường luyện thi. Ở đó, những bài giảng chuyên đề đạo đức đầy cảm xúc của nhà giáo Đàm Lê Đức, một cô giáo tóc pha sương, tôi được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Phong cách của cô, tình cảm trong từng bài giảng của cô nung nấu trong lòng tôi ước mơ: mình sẽ trở thành thầy giáo.
Năm đó, năm 1998, tôi đậu hai trường đại học là ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Sư phạm TP.HCM. Tôi sung sướng đến tột cùng, tôi say mê sư phạm, tôi muốn làm thầy giáo, tôi nghĩ ngày mình đứng trên bục giảng đã rất gần... Nhưng ba mẹ lại muốn tôi học kinh tế với hi vọng sau này có thể cải thiện đời sống gia đình.
Tôi đã từ bỏ cơ hội trở thành sinh viên sư phạm để bước chân vào giảng đường kinh tế. Tôi không lười biếng nhưng mỗi học kỳ tôi luôn thi lại vài môn. Vừa học vừa làm thêm, vừa tiếc nuối ngành học mình yêu thích, tôi ý thức rất rõ mình không phù hợp ngành kinh tế, việc học ngày càng đuối. Tôi đã kéo lê bốn năm ĐH của mình, học trong đau khổ, nhiều hôm ngồi ở giảng đường kinh tế mà ước sao đây là giảng đường sư phạm...
Đến năm cuối ĐH, tôi vẫn còn nợ 7-8 môn. Đến ngày đi thực tập, tôi tự thấy mình không đủ năng lực, không còn tự tin. Tôi nghỉ học, giam mình trong căn phòng với bốn bức tường, tôi khóc, tôi không muốn sống. Tôi nhớ như in ngày thi đậu ĐH, một người hàng xóm, hồi bé bà thường hay bế tôi, đã tặng tôi 100.000 đồng mua sách với lời nhắn: “Mai mốt ra trường đi làm nhớ mời bà ăn phở nha con”. Bốn năm sau gặp lại, bà hỏi: “Phở của bà có chưa con?”. Tôi không muốn gặp mọi người, tôi muốn xa lánh tất cả...
Từ bỏ để làm lại
Và một người bạn cùng học trường kinh tế đã bớt chút tiền lương những tháng đầu đi làm ở ngân hàng để giúp tôi có tiền ôn luyện thi lại. Tôi làm lại từ đầu với sự quyết tâm vẫn còn, lời dạy của cô Đức vẫn vang vọng. Năm ấy, tôi đậu vào ngành sư phạm giáo dục công dân Trường CĐ Sư Phạm TP.HCM (nay là ĐH Sài Gòn).
Tôi vẫn vừa học vừa đi bán vé số kiếm tiền làm học cụ. Năm 2 tôi đi kiến tập đạt loại giỏi với số điểm phần giảng bài 20/20 điểm, năm 3 trong đợt thực tập tôi đạt loại xuất sắc với điểm trung bình 9,4, cao nhất trong đoàn giáo sinh thực tập. Tôi đại diện cho sinh viên của khoa đi dự hội thi “Nghiệp vụ sư phạm” và đoạt giải nhì phần thi giảng, sau đó thi tốt nghiệp tôi đạt danh hiệu thủ khoa khoa sử - giáo dục công dân năm 2007.
Ngày ra trường được phân công về Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM), buổi đầu tiên đứng trên bục giảng mà cứ ngỡ đây là thiên đường, tôi hạnh phúc tột cùng khi được học sinh gọi hai tiếng “Thầy ơi!”. Tôi cố gắng mang vào bài giảng những câu chuyện về tình thương, về công cha nghĩa mẹ với những đoạn nhạc, bài ca dao, câu tục ngữ...
Nhiều học trò đã cảm động, yêu thích môn giáo dục công dân hơn, ngoan hơn, biết trả lại đồ lấy cắp của bạn. Như cơ duyên với nghề, những giờ giảng của tôi đã được ghi nhận. Sau bài viết “Người thầy cảm động” được đăng trên Tuổi Trẻ, một thầy giáo giáo dục công dân như tôi đã vinh dự được bình chọn là giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2008; là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2008; còn được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, và được bình chọn là gương điển hình TP.HCM và toàn quốc về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Tôi nghĩ mình yêu nghề sư phạm, cuối cùng nghề sư phạm cũng yêu mình. Tôi cảm ơn nghề sư phạm đã giúp tôi phát huy khả năng của mình. Tôi đã từng đánh mất cơ hội đời mình, đánh mất năm năm tuổi trẻ nhưng tôi thấy mình may mắn khi được trở lại, sống với nghề mình yêu thích.
Chọn nhầm nghề là một sự chọn lựa nguy hiểm với đời người. Từ chối một ngành yêu thích để học một ngành không phù hợp, không yêu thích khiến người ta sống trong đau khổ dằn vặt triền miên... Có không ít bạn sinh viên đang sống trong đau khổ ấy. Quay lại với nghề yêu thích cũng không phải dễ dàng. Có thể bạn yêu thích một nghề thanh bần như nghề sư phạm hoặc một nghề xã hội trọng vọng, lương cao... Điều đó không quan trọng bằng đó phải là nghề tốt với bản thân và là nghề mình có thể làm tốt, sống tốt với nó. Mình yêu nghề, nghề sẽ yêu mình. Nếu bạn dũng cảm, vượt qua khó khăn để khẳng định mình với nghề mình thích, thành quả chắc sẽ đến...
TRẦN TUẤN ANH (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM)

29 thg 7, 2013

9 sai lầm thường gặp của tuổi 20

Tạp chí Forbes mới đây đã có cuộc phỏng vấn với tiến sỹ tâm lý Meg Jay, tác giả của cuốn sách “Thập kỷ định hình: Vì sao tuổi 20 của bạn quan trọng và làm thế nào để tận dụng nó tối đa”. Bà đã nêu ra 9 quan điểm sai lầm mà những người vừa bước vào đời thường gặp phải.
Sai lầm 1: Tuổi 20 không quan trọng
“Tuổi 20 là quãng thời gian để có những bước đi nhất định. Thời gian này và duy nhất và có thể mang tính chất chuyển đổi. Thực chất nó quan trọng hơn những gì người ta nghĩ”, bà Jay khẳng định.
Nếu bạn vẫn trì hoãn việc bắt đầu cuộc sống riêng…đừng làm vậy. Đây chính là lúc cần bắt đầu có những lựa chọn quan trọng về nghề nghiệp, về thành phố bạn sẽ sống, thậm chí là cả chuyện hôn nhân để tạo đà cho cuộc sống khi bước vào tuổi 30.
Sai lầm 2: Cần phải tìm ra sự nghiệp hoàn hảo trước khi bắt tay vào làm
Có quá nhiều người ở tuổi ngoài 20 nghĩ rằng họ cần phải tìm hiểu xem họ muốn trở thành người ra sao khi trưởng thành trước khi thực sự kiếm một việc gì đó. Nhưng theo chuyên gia Jay, quãng thời gian từ 20 – 30 tuổi chính là thập niên lý tưởng để tích lũy cái mà bà gọi là “nguồn vốn cá tính” – những kinh nghiệm nhỏ bạn thu lượm được có thể tích lũy lại để trở thành cá tính vững chắc theo thời gian.
Ví dụ, thay vì chờ đợi để có công việc lý tưởng, hãy chấp nhận những công việc không lý tưởng, miễn là công việc đó có thể giúp tạo bước đà cho một công việc khác tốt hơn trong tương lai. Và nếu bạn có nhận việc gì đó hơi khác lạ cũng không vấn đề gì, miễn là sau này khi bạn đề cập đến nó nhà tuyển dụng sẽ muốn lắng nghe.
Sai lầm 3: Tôi có thể làm bất kỳ việc gì tôi muốn!
Trước khi mơ mộng, hãy thực tế về các kỹ năng và mục tiêu của mình. “Đôi khi những người vừa bước vào tuổi 20 được nói cho nghe rằng “Ôi chúa ơi, bạn có thể làm bất kỳ thứ gì bạn muốn trên cả thế giới này”. Điều đó nghe thật ghê gớm, nhưng không phải sự thật”, Jay nói. Để tránh rơi vào tình trạng trên, hãy hoạch định những kế hoạch cụ thể mà bạn có thể theo đuổi dựa trên những gì bạn đã biết.
Sai lầm 4: Khi đã tìm được nghề hoàn hảo thì nó sẽ không còn giống công việc
Không ít bạn trẻ ở tuổi 20 cho rằng nếu tôi có thể theo đuổi đam mê của mình thì công việc sẽ không còn gì khó khăn. Còn ngược lại, tôi sẽ phải trói buộc mình vào bàn làm việc trong đau khổ. Nhưng theo Jay, đúng là sẽ có những nghề không phù hợp với bạn, nhưng ý tướng về một nghề hoàn hảo không khác gì ý nghĩ rằng, một khi đã kết hôn bạn sẽ sống hạnh phúc mãi mãi mà không có xích mích. “Sự thật là mọi nghề nghiệp (và mối quan hệ) đều có việc phải làm”.
Sai lầm 5: Tôi có thể có công việc mong muốn một ngày nào đó
Jay cho biết một trong những điều nuối tiếc mà bà thường nghe được từ những người ngoài 30 tuổi đó là họ đã không xem xét kỹ các lựa chọn nghề nghiệp. “Tôi nghe người ta nói nhiều câu như tôi ước rằng tôi đã tận dụng thời gian đó tốt hơn và chấp nhận mạo hiểm hơn khi có cơ hội”.
Đó là bởi các nhà tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm chọn bạn để đổi lại việc bạn vẫn còn trẻ và nhiệt huyết. “Mọi người đều mong muốn được hỗ trợ người trẻ, những người dễ cộng tác”, Jay nhận định. “Nhưng khi đã bước vào tuổi 30, nhà tuyển dụng sẽ có cái nhìn khác đối với những người vẫn còn đang tìm kiếm công việc họ muốn làm”.
Sai lầm 6: Nếu không thích công việc thì ra đi
Theo Jay, trước khi nghĩ đến chuyện nghỉ việc bạn cần tự đặt cho mình các câu hỏi như: Điều gì trong công việc này khiến bạn không thích thú? Bạn có tích lũy thêm được kinh nghiệm gì hay không? Có điều gì trong công việc đó bạn thực sự thích không? Vì sao trước đây bạn nghĩ tôi thích công việc này?
Sau đó là đến những cân nhắc về tài chính. Bạn đã có quỹ dự phòng khi nghỉ việc chưa? Bạn có đủ tiền tiết kiệm để nhảy việc chưa? Nếu chưa, và nếu bạn thấy công việc hiện tại không đem lại cho bạn điều gì khác ngoài tiền lương, thì đó chính là lúc bạn cần tích cóp tiền để chuẩn bị nhảy việc.
Sai lầm 7: Nếu gặp phải sếp tồi, hãy ra đi và không ngoảnh đầu lại
Một ông sếp tồi không phải lúc nào cũng là lí do để bỏ việc và ra đi. Họ có thể là những ký ức tệ nhất bạn có khi ở tuổi ngoài 20. Nhưng họ có thể vẫn đem đến cho bạn những giá trị nhất định. “Nếu công việc vẫn còn cho bạn điều gì đó có thể giúp bạn thành công trong tương lai, hãy cố gắng ở lại cho đến khi bạn tích lũy đủ những yếu tố đó trước khi ra đi. Hãy sử dụng những kỹ năng, kinh nghiệm đó cho công việc tiếp theo với một ông chủ tốt hơn”, bà Jay nói.
“Và, nếu có thể, hãy ra đi và để lại những ấn tượng tốt. Trái đất thì rất nhỏ bé và ngay cả những ông sếp tồi một ngày nào đó cũng có thể là người có thể giúp đỡ bạn”.
Sai lầm 8: Nhảy việc lúc nào cũng xấu
Sự thực là, theo chuyên gia Jay, thì việc được thử sức qua nhiều công việc ở tuổi 20 không có gì xấu. “Nhưng cần phải có mục tiêu rõ ràng và phải hiệu quả để bạn có thể đưa ra một kết luận sơ bộ khi bước vào tuổi 30”, bà Jay cảnh báo. Hãy nhớ, sự khác biệt giữa một đợt nhảy việc có dự tính với không dự tính đó là ánh hào quang mà nó đem lại đối với hồ sơ xin việc của bạn.
“Nếu ai đó hỏi rằng bạn đã làm gì trong vòng 5 năm qua, bạn cần phải giải thích được những công việc bạn đã thử sức và những gì bạn đang làm”, Jay khẳng định. Ví dụ, bạn muốn theo đuổi sự nghiệp của một nhà tư vấn, bạn có thể thử sức với giảng dạy nhưng sau đó bạn nhận ra mình thích hợp với tư vấn trực tiếp cho từng người hơn, do đó bạn chuyển việc.
Sai lầm 9: Tôi 20… tôi có quyền
Theo bà Jay, những người ở tuổi 20 thường thiếu kinh nghiệm. “Sếp của bạn không phải bố mẹ hay giáo viên của bạn. Vậy nên họ không quan tâm đến các vấn đề cá nhân của bạn”, Jay cho biết. “Sự hiểu lầm thường dẫn đến mâu thuẫn và sai lầm. Những suy nghĩ chín chắn không đến cùng tuổi tác mà đến cùng sự luyện tập và trải nghiệm”. Những người ở tuổi 20 cần phải học cách để thích nghi với môi trường công việc, họ cần có những cơ hội thực sự để chứng tỏ bản thân.
Thanh Tùng
Theo Forbes

10 thg 7, 2013

Lối sống thụ động

Câu hỏi nghị luận của đề Văn nghị luận khối D năm 2013 như sau:
"Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu cội nguồn của chính mình, chàng trai Việt Kiều Trần Hùng John có một nhận xét:
Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Trần Hùng John để bày tỏ quan điểm sống của chính mình".
Ngay sau khi đề thi này xuất hiện, trên trang mạng xã hội của nhân vật chính đã nhận được lời mời kết bạn của hàng trăm bạn trẻ và rất nhiều bình luận xung quanhđề thi năm nay.
Chia sẻ về sự bất ngờ này, Trần Hùng John viết: “An excerpt of my book was a prompt in this year's National University Entrance Exam and now alot of girl xi-teen is adding me on facebook.” (tạm dịch: Một đoạn trích trong cuốn sách của tôi đã đưa vào đề thi tuyển sinh đại học năm nay và bây giờ rất nhiều cô gái xi-teen đang kết bạn tôi trên facebook).
Trần Hùng John chia sẻ sự thích thú trên trang mạng xã hội khi một đoạn trong cuốn sách của mình được đưa vào đề thi môn Văn khối D.
Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thí sinh vừa hoàn thành bài thi đã thể hiện sự thích thú và tò mò tìm hiểu về chàng trai này, thậm chí còn gọi anh là nhật vật 3 điểm trong đềthi đại học năm nay.
“Nhờ anh mà đề văn nghị luận xã hội của chúng em rất hay. May mắn hơn em đã từng xem qua cuốn John đi tìm Hùng của anh ở nhà sách và rất hứng thú. Cảm ơn anh rất nhiều” - Sơn Nguyễn, hay "Hóa ra anh có thật. Thế mà suốt ba mặt giấy em cứ gọi anh là ông, vì em tưởng anh là nhà triết gia nào đó. Nhưng cám ơn anh vì lời nhận định rất hay. Điều đó giúp em cảm thấy hứng thú khi làm bài thi sáng nay", bạn Thu Trang bày tỏ sự bất ngờ khi biết được thông tin về John.
Rất nhiều bạn trẻ gửi lời chúc mừng và ngưỡng mộ đến chàng trai này.
Một số thí sinh đã đọc cuốn sách này tỏ ra khá vui mừng khi đã làm tốt bài thi. Hà Anh chia sẻ: “Đọc đề mà không tin nổi vào mắt mình vừa bất ngờ vừa thích thú vì đang đọc cuốn sách này”. Nickname Cua Đồng cho biết: “Em đã nghe về anh trên radio. Hôm đó em đã nghĩ có thể sẽ vào đề văn nghị luận, không ngờ đúng thế thật. Cám ơn anh đã yêu cội nguồn dân tộc Việt Nam dù trước đó anh không hề biết về đất nước này”.
Cám ơn nhân vật chính vì làm tốt bài thi.
Thậm chí có bạn còn gợi ý chàng trai này nên liên hệ với Bộ GD – ĐT để xin các bài làm của thí sinh để tìm thêm ý tưởng, bởi đề thi là “Trao đổi với Trần Hùng John để bày tỏ quan điểm sống của chính mình”.
Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ trước khi đọc đề Văn hoàn toàn không hề biết đến chàng trai này, nhưng vẫn thể hiện sự thích thú bởi chính câu hỏi mở, thiết thực, gần gũi này đã giúp các bạn được nói về chính mình và lần đầu “chém” được 3-4 trang giấy.
Cuốn sách John đi tìm Hùng.
Một số bạn còn mong muốn được chàng trai này giải đáp thắc mắc trong bài làm của mình. Tuấn Delzy hỏi: “Em có thể hiểu cái thụ động trong lời nhận định của anh là sự cẩn thận quá mức được không?”. Một bạn khác băn khoăn: “Mình viết khá dài và tâm đắc nhưng không biết có trùng ý với anh John không. Mình sẽ mua cuốn sách này về đọc để tìm hiểu thêm”.
Trên trang mạng xã hội của chàng trai này, một cô gái còn mạnh dạn bày tỏ tình cảm: “Nếu em đỗ đại học thì chắc chắn nhờ câu nghị luận! Hôm nay là lần đầu tiên trong đời em viết thư tay tâm sự với một người con trai! Mặc dù bức thư này không được gửi tới tay anh, nhưng anh chỉ cần biết rằng, em đã lấy tình cảm 17 năm đặt hết vào trong trang viết”.
Trần Hùng John lập tức trở thành tâm điểm của cộng đồng mạng.
Không chỉ các thí sinh mà rất nhiều người trẻ cũng thích thú và đưa ra lời nhận xét về đi thi khối D năm nay.
Nickname HuongMy cho rằng: “Câu hỏi này có 3 điểm sáng: thứ nhất, gợi mở cho thang điểm giảm đi tính căng thẳng vốn có của cách cửa đại học; thứ 2, định hướng lối suy nghĩ của lớp sau dựa vào tấm gương của người đi trước (có vốn sống không quá cách biệt về tuổi đời); thứ 3, xã hội chịu hòa nhập dựa theo nhu cầu và tâm lý giới trẻ "con mà sống theo lề lối vạch sẵn là rớt ĐH".
"Đề Văn năm nay hay hơn lúc mình thi rất nhiều. Mình rất thích cách ra đề mở, nhân văn và còn cập nhật các vấn đề của xã hội như vậy", Hannah Nguyễn nhận xét.
Một bạn trẻ khác nhận định: “Năm nay đề thi môn Văn rất thú vị từ hình ảnh chàng trai Nguyễn Văn Nam trong kỳ thi tốt nghiệp, đến anh Việt Kiều đi bộ dọc đất nước với lời nhận xét rất chân thực. Có thể thấy, nếu muốn thi tốt môn Văn, các thí sinh sẽ dự thi năm sau cần chú ý ngoài việc học nên cố gắng đọc thêm sách vở, báo chí, tin tức".
Trần Hùng John thuộc thế hệ 8X đời cuối, sinh ra tại Mỹ trong gia đình gốc Việt. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý thuộc ĐH Berkeley. Tháng 8/2010, lần đầu tiên anh đến Việt Nam du học trong một chương trình trao đổi văn hóa.

Điều đặc biệt, mẹ của anh theo bà ngoại sang Mỹ từ khi 4 tuổi và chưa bao giờ trở lại Việt Nam. Do vậy, chàng trai này biết đến hình ảnh về đất nước và con người Việt đều do bà ngoại kể lại.
Sau hai năm sống tại Việt Nam, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, anh đã quyết định đi bộ xuyên Việt để tự bản thân trải nghiệm về quê hương nguồn cội của mình. Ngày 10/5/2012, Trần Hùng John khởi hành từ Hà Nội và đích đến là TP.HCM. Cuốn sách John đi tìm Hùng dày gần 300 trang cũng ra đời từ đó.
AN HOÀNG
Theo Infonet