13 thg 8, 2013

Gia đình - Nhà trường và đạo đức học sinh

Trẻ hư đâu chỉ tội nhà trường

11/08/2013 09:00 (GMT + 7)
 
TT - Hơn 100 bản báo cáo nghiên cứu về những bất cập trong chương trình - sách giáo khoa, phương pháp dạy học, chất lượng giáo viên ở môn đạo đức và giáo dục công dân trong trường phổ thông đã được trình bày ở hội thảo quốc gia do Bộ Giáo dục - đào tạo vừa tổ chức với mong muốn tìm một hướng đi hiệu quả hơn cho việc “dạy làm người”.
Trong giờ giải lao, một nhóm chuyên gia trao đổi ngoài lề, có vị lắc đầu: “Hội họp, nghiên cứu, báo cáo mãi rồi cũng thế cả thôi... Nói khách quan, những năm gần đây ở những cuộc họp liên quan tới giáo dục, cụm từ “dạy làm người” được nhắc đến nhiều gấp năm, bảy lần trước đây. Sáng kiến đổi mới dạy đạo đức, công trình nghiên cứu thay đổi cách dạy giáo dục công dân, giáo dục pháp luật cũng nhiều hơn trước... Nhưng sao tình trạng xuống cấp về nhân cách, đạo đức của lớp trẻ vẫn gia tăng?”. Một vị khác cho rằng “chẳng cần thiết kế chương trình phức tạp, tốn kém, dạy đạo đức cho học sinh chỉ cần kể chuyện. Thầy cứ lên lớp kể những câu chuyện khác nhau lấy từ đời sống, những câu chuyện nhân văn, những câu chuyện đau lòng, đáng tiếc và cái giá phải trả cho sai lầm, những câu chuyện khiến học sinh phải suy nghĩ, tranh luận, bày tỏ ý kiến riêng... Thế là dạy đạo đức. Dạy thế học sinh sẽ hứng thú, sẽ quan tâm hơn, sẽ ngấm!”. Gật gù, nhiều người tán thưởng.
Nhưng một nhà nghiên cứu khác ở Viện Nghiên cứu giáo dục chia sẻ băn khoăn: “Nói thì dễ, nhưng làm khó lắm. Trẻ con còn bé thì nghe thầy cô nhưng lớn hơn sẽ ít nghe, ít tin hơn, học sinh ở lứa tuổi 15-17 thì bỏ ngoài tai những gì thầy cô nói”. Minh chứng cho băn khoăn này, một báo cáo tham luận tại hội thảo trên cũng đưa ra kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam cho biết “tỉ lệ học sinh tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, THCS là 50% còn THPT là 64%”.
Nhưng điều này thật khó “đổ tội” hết cho môn đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường. Vì môn học “hàn lâm, khó hiểu”, cách dạy học “đơn điệu, tẻ nhạt” chỉ không giúp học sinh biết sống tốt hơn chứ không phải thủ phạm làm trẻ hư đi. Những thói xấu, những hành vi tiêu cực từ chính người lớn trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội mới là nguyên nhân cốt lõi khiến lớp trẻ hoang mang, mất điểm tựa nuôi dưỡng niềm tin vào sự tốt đẹp trong cuộc sống. Điều đó cũng khiến các em khó thấm được những bài học đạo đức.
Tôi từng chứng kiến một bà mẹ mắng con thậm tệ khi cậu bé lơ ngơ không chịu chen ngang dòng người đang xếp hàng để mua xăng. Còn trong một hiệu bán sách giáo khoa đầu năm học mới, một bà mẹ khác ra sức đẩy con chen vào giữa hàng người. Đứa bé phản ứng: “Mình phải xếp hàng chứ mẹ?”. Bà mẹ gắt: “Ngu thế, xếp thì đến bao giờ?”. Đó chỉ mới là chuyện xếp hàng, một chuyện nhỏ trong vô vàn chuyện xảy ra trong đời sống.
Nếu mỗi câu chuyện đời sống là một bài học về đạo đức thì những bài học như trên sẽ ngấm vào những đứa trẻ, khiến chúng quen với những hành vi thiếu văn hóa, vị kỷ, không biết sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng. TS Phạm Mạnh Hà, khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), kể với tôi anh từng vất vả với một ca tư vấn tâm lý khi em học sinh quyết “đòi chết”. Cô bé kể cha mẹ ly hôn, mẹ không ngớt lời kể tội cha “ác như con thú” nhưng mẹ cũng ngang nhiên cặp bồ, sống buông thả trước mặt con. Đã thế lại suốt ngày mắng mỏ, hà khắc, đòi hỏi con phải “sống tốt”.
Những bài học đạo đức trong nhà trường sẽ trôi tuột nếu hằng ngày lớp trẻ vẫn thấy người lớn dối trá, thiếu đạo đức...
VĨNH HÀ

3 thg 8, 2013

Kỷ luật không nước mắt


Giaoduc.edu.vn Thứ Ba, 30 Tháng bảy 2013, 23:07 GMT+7 
Cha mẹ cần khen - chê con đúng lúc, không nên khen bừa, chê đại. Ảnh: N.Trinh
Không đòn roi, không mắng chửi, không ép buộc…, tất cả chỉ là những bản thỏa thuận giữa cha mẹ và con cái. Cùng nhau soạn thảo những bản nội quy và cùng thực hiện. Bảng nội quy khiến trẻ phải “tâm phục khẩu phục” khi vi phạm.
Thật khó để cha mẹ phạt trẻ khi phạm lỗi. Bởi khi phạm lỗi trẻ thường “phản pháo” bằng cách lý sự “Sao cứ phạt con hoài, con không muốn bị phạt…”. Và câu trả lời của cha mẹ là “Con còn trả treo à, con hư thì phải phạt, đánh cho con sáng mắt ra”. Nhìn những lằn tím đỏ trên cơ thể, tâm lí trẻ sẽ oán ghét cha mẹ.
Theo ThS. tâm lý Trần Thị Ái Liên (Công ty TNHH Bạn Của Bé), cha mẹ cần dạy con theo cách thương lượng, hợp tác qua lại thông tin hai chiều “cha mẹ hỏi lí do, con trả lời chính đáng”, rồi cha mẹ thuyết phục con bằng lí lẽ. Gieo suy nghĩ thì gặt hành động. Gieo hành động thì gặt kết quả. Vậy nên, nếu cha mẹ gieo suy nghĩ tốt thì sẽ có kết quả tốt.
Ở khía cạnh khác, cha mẹ cần dạy con cách tự làm chủ, làm việc tốt tránh xa cái xấu bằng chính lí trí của mình. Nghiêm khắc với con cái nhưng phải nhân đạo và phải có tình thương. Cha mẹ phải nhắc nhở nhiều lần, và báo trước khi phạt con. Ngoài ra cha mẹ cần đặt những câu hỏi mở như: Con nói cho cha/mẹ biết tại sao con làm vậy? Con muốn gì? Khuyến khích trẻ trả lời và nói lên ước muốn của mình cũng giúp cha mẹ làm dịu cơn giận. Hay cha mẹ cho con tự lựa chọn hình phạt. Thưởng phạt thì không đau, không sợ, không khó chịu dựa trên nội quy. Đồng thời cũng cần phải có sự đồng tình của con, giải thích cho con hiểu. Lỗi mới sẽ có nội quy mới. Đối với trẻ dưới 18 tuổi thì thưởng phạt theo sự cố gắng. Nếu phạm lỗi thì để trẻ chính thức nhận lỗi, không để kết quả biện minh cho hành động.
Theo ThS. Trần Thị Ái Liên, những cách dưới đây các bậc cha mẹ phạt mà trẻ “tâm phục” và giúp trẻ hiểu ra mình đã sai.
Góc bình yên
Có vẻ lạ nhưng đây xem ra là một cách rất tốt đối với trẻ nhỏ. Theo đó, cha mẹ cho trẻ vào một góc quy định để ngồi suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Góc bình yên đảm bảo không có đồ chơi và thật sự là một nơi yên tĩnh.
Nhiều ý kiến của các bậc cha mẹ cho rằng phạt con vào góc bình yên trẻ sẽ chơi và ngủ ở đó thì sao? Không có vấn đề gì cả, vì cha mẹ quy định rõ ràng con vào đó để suy nghĩ về lỗi lầm đã gây ra, cha/mẹ sẽ hỏi con sau khi hết thời gian ngồi trong góc bình yên. Cha/mẹ sẽ phạt thêm nếu con vào trong đó chỉ chơi và ngủ.
Các bậc phụ huynh nên cho con ngồi trong đó khoảng thời gian bao lâu thì đủ? Tổng cộng chỉ phạt khoảng 15 phút là đủ. Bên cạnh đó cũng có những đứa trẻ khá “lì đòn” dù có phạt ngồi góc bình yên cả ngàn lần vẫn chẳng sợ. Vậy nên, cần phải thay đổi.
Thưởng phạt theo cái mà trẻ muốn
Những cái trẻ cần là thiết yếu cho cuộc sống như ăn no, giữ ấm, vệ sinh, ngủ… và những cái trẻ muốn như phim hoạt hình, game, đi chơi... Khi trẻ quá bướng bỉnh và không nghe lời thì cha mẹ dựa vào ý thích của trẻ để phạt. Vậy nên, khi trẻ đang xem hoạt hình, chơi game… và sắp đến giờ học thì cha mẹ thường cầm điều khiển tắt phụp. Nếu trẻ òa khóc thì cha mẹ nẻ thêm vài cái vậy là trẻ sẽ nước mắt ngắn dài, tức tưởi ngồi vào ghế để học. Thay vì làm thế sao cha mẹ không chọn cách nhắc nhở trước khi đến giờ học 5 phút “Con ơi, 5 phút nữa là tới giờ học, con chuẩn bị tắt ti vi nhé!”. Tới giờ học nhắc con lần nữa. Và sau đấy nếu trẻ không nghe lời thì áp dụng nội quy cha mẹ và con đã thỏa thuận là “cúp không được xem ti vi ngày hôm sau”, cứ thế áp dụng.
Với những thứ “muốn” của trẻ thì các em sẽ không chịu được quá mấy ngày nên sẽ ngoan ngoãn tuân thủ nội quy đã định cũng như giờ giấc cẩn thận.
Cha mẹ cùng con thực hiện nội quy
Cha mẹ - con cái làm gương lẫn nhau và noi gương lẫn nhau. Cùng thực hiện cùng thi đua thì sẽ có người thắng - kẻ thua nhưng tinh thần thực hiện nội quy là win-win (cả hai cùng thắng). Bởi vì tinh thần win-lose (thắng - thua) sử dụng trong gia đình thì sẽ gây chia rẽ. Nghiêm trọng hơn, nếu kéo dài sẽ làm cho tình cảm của cha mẹ và con cái rạn nứt. Nếu một lỗi mà con tái phạm nhiều lần, liên tục thì cha mẹ nên phạt. Ngược lại, nếu thỉnh thoảng con mới phạm lỗi thì cha mẹ nên bao dung chỉ nhắc nhở và xem đó là bình thường.
Nghệ thuật khen chê
Lời khen và chê không thể thiếu nhưng khen chê cũng là một nghệ thuật mà cha mẹ cần phải học chứ không phải là khen bừa, chê đại cho có, cho qua. Chê là tấn công vào vấn đề xấu (không nên làm) hay tốt (cần phát huy) chứ không phải kết luận trẻ hư. Nhưng ngược lại, khen trẻ một cách thái quá lại hình thành trong trẻ suy nghĩ mình hơn người khác, tự cao tự đại. Lời khen khiến trẻ lầm tưởng mình giỏi, mình hay nhưng lời chê lại khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc. Trẻ không có lỗi là đủ để khen rồi chứ không phải đợi trẻ có thành tích mới khen.
Không có một trường hợp nào được xem là hợp lí trong việc sử dụng đòn roi với trẻ em hàng ngày. Thật điên rồ nếu cha mẹ cứ dùng mãi một cách phạt để mong thay đổi kết quả con hư thành con ngoan. Chính cha mẹ phải thay đổi cách làm, cách phạt để ảnh hưởng vào chính nhận thức của trẻ và trẻ tự thay đổi bản thân.
Khánh Đan
Việc chê bai trẻ “Con ngu quá, con hư, con lúc nào cũng phạm lỗi…” vô tình sẽ in sâu vào tiềm thức của trẻ. Từ đó, trẻ nghĩ mình là người ngu thật, bất tài, làm gì cũng sai nên trở nên sợ sệt và ù lì.