19 thg 4, 2014

Suy ngẫm: Cảm ơn và ...

Khi giám đốc chờ một lời cảm ơn

17/04/2014 11:30 (GMT + 7)
TTO - Tony mới đi cà phê với Mr John, giám đốc 1 công ty thức ăn cho heo ở Bình Dương về. John nói tuần trước công ty phỏng vấn tuyển nhân viên, có 3 ứng viên dự tuyển vòng chung kết, ai cũng đạt tiêu chuẩn nên John chờ thử sau đó coi có bạn nào gửi thư cảm ơn thì sẽ nhận họ.
Chờ miết không thấy ai gửi gì nên John phải đăng tin phỏng vấn tuyển tiếp...
Tony nói John mà suy nghĩ vậy thì tết Cônggô cũng không tìm ra người làm nào đâu. Tony khuyên John kiếm đại 1 sinh viên mới ra trường, coi mặt mũi thông minh lanh lẹ, có văn hóa đọc sách thì ở Việt Nam đều là ứng viên khá. 
John đem về đào tạo, ươm trồng rồi hái quả, chứ đi săn bắn hái lượm nhân sự của mấy công ty đối thủ làm chi, lúc đó họ thành tre hết rồi, uốn không được đâu. Nhưng John không chịu.
Chuyện của John nhắc đIều gì? Có mỗi cái “hậu thư”(follow-up letter) hay cái thư cảm ơn (thank-you letter) sao người mình ít ai nhớ mà làm.
Nhiều bạn ứng viên lúc phỏng vấn kém một chút về trình độ chuyên môn hay ngoại ngữ, nhưng phỏng vấn xong, khi về nhà gửi thư cảm ơn, nhờ cái thư đó mà được nhận vào làm vì thể hiện sự chỉn chu, tinh tế, biết trước biết sau.
Còn cũng có những bạn đi tới nhà người ta đãi ăn đãi uống đã đời, về xong im thin thít, chẳng có nổi cái tin nhắn “đã về nhà an toàn, cảm ơn đã cho em ăn bữa tối hôm nay”.
Đi công tác nước ngoài cũng vậy, lúc ra sân bay ở bên đó thì ôm hôn tạm biệt thôi là tạm biệt, nhưng về nước thì im ắng hoàn toàn.
Đi về phải gửi thư cảm ơn, nói đã về nhà an toàn, cảm ơn thời gian anh/chị tiếp đón tôi ở Cali chớ. Phép lịch sự tối thiểu này phải có, để khi làm việc ở môi trường quốc tế người ta không coi thường người Việt mình ở những hành xử tưởng như là cơ bản nhất.
Lúc trên sông thì ngon ngọt với cô lái đò, qua sông là đi không ngoảnh lại, nhưng vài bữa đi đò lại thì lại năn nỉ ỉ ôi, đó là thói quen của nhiều bạn trẻ có thể ảnh hưởng đến kết quả lâu dài trong công việc của mình.
Muốn sửa thói quen "hay lãng quên" đó không có cách nào khác là phải rèn luyện trong từng ngày sống và làm việc của mình. Ví dụ rõ nhất là cách chúng ta đối với thầy cô. 
Thường chờ tới ngày 20-11 nhiều bạn mới đến thăm thầy thăm cô, mà hầu như chỉ là thầy cô đang dạy mình. Nên thay đổi bằng thói quen thăm lại thầy cô giáo cũ, chăm sóc thầy cô nếu có thể, đừng để lãng quên thầy cô đến mức ra đường cứ nhớ mang máng "người này hơi quen quen", vì đó là những người đã dạy dỗ khai sáng cho mình, mình còn không nhớ đến công ơn thì còn biết ơn và nhớ đến ai nữa...
Với bạn bè, cũng có kiểu người cả chục năm không gọi, không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn học lớp 7 của mày nè, nhớ hông. Thì y như là: 1 - mượn tiền, 2 - mời đám cưới, 3 - nhờ vả gửi con gửi cháu.
Gặp "thể loại" này nên từ chối thẳng, nói cho mượn tiền mà cả chục năm không gặp rồi sao lấy lại được? Bạn học hay bạn gì cũng vậy, phải có tình cảm, có gặp gỡ với nhau, giao lưu với nhau, thư từ qua lại, chứ chỉ xuất hiện lúc cần rồi biến mất thì mối quan hệ đó không bền vững.
Mình chỉ có 24 giờ trong ngày, đi làm hết 8 tiếng, ngủ hết 8 tiếng, chỉ còn có 8 tiếng còn lại và có tới 7 tỉ người trên Trái đất này. Hãy dành thời gian cho người xứng đáng hơn.
Cũng có kiểu bạn trẻ chẳng biết tôn giáo có ý nghĩa gì, nhưng lâu lâu đến chùa đến miếu là y như đi xin cái gì đó, xin tiền, xin duyên, xin thi đậu, xin cho con lấy được Tèo Đô La, cho con trúng số... mà hằng ngày không tập làm điều tốt, chẳng thương người, sống ích kỷ, chỉ biết cho mình, còn ai thì mặc kệ. Cần thì lại xin. 
Nhóm người này đều không thành công trong cả công việc lẫn cuộc sống, vì thánh thần và cả người phàm khó ai yêu thương tính thực dụng ấy.
Tình cảm chân thành qua lại giữa con người với con người, xem trọng việc hành xử chu đáo, văn minh nằm trong số những yếu tố dẫn đến những thành công bền vững.
TONY NGUYỄN (chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM)
121
Ý kiến bạn đọc (4)Gửi ý kiến của bạn
  • 4/17/2014 6:25:59 PM
    Mở miệng nói 2 chữ "Cảm ơn" là dễ nhất trên đời còn không có mấy ai nói được huống gì là viết thư.
    THÀNH NHÂN
  • 4/17/2014 5:09:32 PM
    Việc cám ơn bạn được dạy từ nhỏ rồi, không phải lên đến trung cấp hay ĐH mới được dạy. Việc cám ơn được thực hiện mỗi ngày khi ai đó làm điều gì tốt cho bạn hay khi bạn nhờ ai điều gì. Bạn không biết viết thư cảm ơn sau khi phỏng vấn, có chăng là do bạn đã quên không nói cám ơn hàng ngày. Cái này không cần phải dạy bạn ạ. Bạn hỏi do đâu? Là do chính bạn đấy
    KYM DO
  • 4/17/2014 2:16:48 PM
    Cám ơn ToNy Nguyễn đã cho bạn đọc biết được một phép lịch sự tối thiểu đang bị lãng quên. Giờ đây, người ta sống và trở nên thực dụng quá, không còn sống vì tình cảm.
    TỐNG HẰNG

12 thg 4, 2014

9 thói quen làm cho bạn nghèo khổ

Người nghèo túng tin rằng, chỉ khi có một số tiền lớn mới đem lại được niềm vui.
Họ cho là chỉ như thế họ mới có được cảm giác hạnh phúc nhờ vào trang phục đúng mốt, nhà cao cửa rộng, những chuyến du ngoạn, không bị phụ thuộc vào người thân.

>> "Mánh" dạy con ngoan không cần roi

>> "Phụ nữ cứ dùng nước dừa là đẹp"

>> Ngắm chàng trai Việt sau 10 lần 'dao kéo'

1. Than thân trách phận
Những người mặc cảm vì nghèo túng thường than vãn và cho rằng họ không giàu có là do số phận định sẵn. Có người thì tiếc rằng mình sinh ra là phụ nữ (bởi đàn ông có nhiều khả năng hơn), người thì than phiền về ngoại hình của mình (vì người đẹp thì sẽ có được chỗ làm việc tốt), người thì than thở về quốc tịch, tôn giáo, có những người lại tiếc rằng đã kết hôn muộn hoặc than thở về việc ly hôn.
Những người trẻ tuổi thì cho rằng nguồn gốc của mọi vấn đề do thiếu kinh nghiệm, người già thì than phiền về tuổi tác. Tóm lại là vô vàn lý do để người ta than thở. Than thân trách phận – đó là điều tai hại cản trở bạn trên con đường tiến thân và yên vị với một sự nghèo túng mãi mãi. Đó cũng là cách tốt nhất để tìm một công việc thu nhập thấp và sống một cách chật vật.
9-thoi-quen-lam-cho-ban-ngheo-kho-webphunu.net
Than thân trách phận là một lý do làm cho bạn nghèo khổ. Ảnh: internet
2. Sự tiết kiệm tối đa
Lúc nào cũng chỉ mua hàng giá rẻ hoặc dùng những đồ rẻ tiền nhất, không muốn đầu tư cho con một học vấn tốt (vì cho rằng chẳng ai hỗ trợ cho mình), buộc người làm công làm việc tối đa và trả mức lương tối thiểu. Đó chính là thói quen thứ hai của người nghèo. Thích tiết kiệm chi phí tối đa, đó không phải là dấu hiệu của người thông minh mà chỉ cho thấy bạn đang bị mất cân đối thu-chi và phải giải quyết nó một cách thiếu tự tin. Để đạt được sự giàu có, người ta sẵn sàng chi tiêu cho những việc có giá trị thực tế và trả công xứng đáng cho người lao động của mình và họ sẽ mang lợi nhuận đến cho bạn.
3. Làm những công việc mà mình không thích
Tất cả những người có cảm giác phải làm những việc mà mình ghét là nguyên nhân dẫn đến thất bại và nghèo túng. Liều thuốc chữa trị không phải là làm những gì cần thiết mà mình thấy hứng thú nhất. Chỉ trong lĩnh vực đó bạn mới đạt được những kết quả khả quan nhất.
4. Đo sự thành công bằng tiền bạc
Người nghèo túng tin rằng, chỉ khi có một số tiền lớn mới đem lại được niềm vui. Họ cho là chỉ như thế họ mới có được cảm giác hạnh phúc nhờ vào trang phục đúng mốt, nhà cao cửa rộng, những chuyến du ngoạn, không bị phụ thuộc vào người thân. Nhưng thực tế cho thấy điều đó cũng không đem lại hạnh phúc hoàn toàn. Người thành công có hạnh phúc không chỉ bởi mức sống vật chất tốt mà còn vì đem lại lợi ích cho xã hội và họ có những giá trị tinh thần đầy ý nghĩa.
5. Tiêu pha những món tiền lớn hơn khả năng cho phép
Điều này làm cho bạn bị ảo tưởng. Chỉ có những ai không muốn trở nên thành đạt mới không hiểu rằng, chi tiền vào sự phát triển kinh doanh hoặc nghề nghiệp mới là những đồng tiền có ích, còn hơn là vung tay mua một cái nhà to hoặc những thứ hàng ngoại lộng lẫy khi chưa có mức kinh tế ổn định chỉ là điều phù phiếm.
9-thoi-quen-lam-cho-ban-ngheo-kho-webphunu.net
Bạn giàu hay nghèo còn tùy thuộc vào cách lựa chọn con đường đi của bạn. Ảnh: internet
6. Lựa chọn mối lợi trước mắt
Muốn nhận được ngay lập tức và nhận được nhiều thứ – đó là đặc tính cố hữu của người nghèo. Họ không hiểu được rằng có một vị trí với mức lương trung bình trong một công ty làm ăn nghiêm chỉnh nhưng chỉ vài năm sau có thể sẽ có thu nhập cao, còn hơn là chỉ chú ý đến việc hiện tại có được thu nhập bao nhiêu trong một tháng.
7. Kêu than và bất mãn
Cuộc sống thật nặng nề ư? Nó thật đáng sợ khi xung quanh toàn là cảnh bạo lực, tham nhũng, lừa đảo, án mạng mà bạn là một người bình thường không có cách nào đi tới thành công ư? Những ai dễ nhụt chí sẽ chỉ thấy cuộc sống đầy bất trắc. Những người dũng cảm và sáng tạo sẽ thấy cuộc sống là phong phú và có nhiều thử thách để vươn lên làm chủ nó. Hãy tìm những cách hữu hiệu để đấu tranh với những thói xấu ở bên ngoài và tiến bước, hãy là người chiến thắng từ những tình huống ban đầu không thuận lợi.
8. So sánh mình với người khác
Luôn cho là mình hơn hay kém người khác là thói quen của người không thành công, bởi sẽ có lúc mình không còn là mình nữa và không biết mình đang ở ngưỡng nào. Hãy nghĩ xem thói quen này có cần thiết không, hay là không nên để cho những người ngoài chi phối bản thân mình sẽ tốt hơn.
9. Tách mình ra khỏi gia đình
Những người không thành đạt không muốn nhận sự giúp đỡ của người thân trong lúc khó khăn. Họ dựa vào bản thân và người ngoài. Họ không hiểu gia đình là một nguồn hỗ trợ lớn mà bạn có thể hướng tới trong mọi trường hợp, ngay cả khi không còn lại gì. Chỉ có tình cảm của những người thân mới có thể giúp bạn đứng dậy khi không còn chút hy vọng nào và khi đó sẽ đạt được thành công thực sự./.

>> 100 việc nên làm trước tuổi 20

>> Đau đớn người đàn bà mang tướng “sát phu”

>> Gợi ý chọn áo tắm cho chị em sau khi sinh


10 thg 4, 2014

Thi TN THPT 2014: Đổi mới cấu trúc đề Văn

Đề văn 'không thể mở một cách phiêu lưu'

Trước quyết định đổi mới hướng ra đề thi tốt nghiệp môn Văn, nhiều giáo viên cho rằng Bộ Giáo dục cần tính toán kỹ về nội dung, đề mở thì hướng dẫn cũng phải mở.
Thầy Quốc Phong, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm (ĐH Huế) khẳng định, học sinh hiện nay chỉ có một môi trường để thể hiện năng lực đó là qua thi cử. Vì vậy đề thi cần phải giúp cho học sinh bộc lộ năng lực.
Phản biện lại ý của Bộ muốn đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề thi, thầy Phong nhận định, chỉ 30% giáo viên Ngữ văn hiện nay có khả năng đánh giá được các tác phẩm lạ lẫm. Chính vì vậy, dù đề “mở” thì cũng không thể chọn ngữ liệu ở ngoài sách giáo khoa vào thi.
Theo thầy, đề thi theo hướng kiểm tra năng lực phải toát lên được hai ý: Phần thứ nhất chủ yếu kiểm tra tiền tố thể hiện năng lực ngữ văn, định lượng rõ ràng, phần thứ hai là nghị luận xã hội hay nghị luận văn học đều được, nhưng phải để học sinh thể hiện được năng lực. 
"Chúng ta từng loay hoay kiểm tra trắc nghiệm mà quên đi năng lực tuyệt vời trong viết. Nếu đề thi không mở thì không thể tìm ra năng lực kết tinh. Phải cho học sinh làm một bài văn, bởi văn chương mới là giá trị lâu bền nhất chứ không phải giá trị nghị luận xã hội", thầy Phong nói và khẳng định, đề mở nhưng không thể mở một cách phiêu lưu.
thay-Phong-7238-1397137470.jpg
Thầy Quốc Phong cho rằng đề mở nhưng không thể mở một cách phiêu lưu. Ảnh: Hoàng Thùy.
Ra đề mở, hướng dẫn chấm cũng phải mở là đề xuất của rất nhiều giáo viên. Cô Nguyễn Thị Thu Thanh, Sở Giáo dục Hải Dương chia sẻ, Hải Dương đã thực hiện quy định xây dựng ma trận đề thi nhiều năm. Mặc dù vậy, mới đây Sở tổ chức hội thảo "Đổi mới kiểm tra đánh giá bộ môn Ngữ văn theo ma trận" mới phát hiện rất nhiều giáo viên vẫn còn nhiều lúng túng.
Việc biên soạn, hướng dẫn chấm theo hướng mở vẫn còn nhiều vấn đề. Ngay cả thi học sinh giỏi ở Hải Dương, bản thân người chấm cũng chưa mở, chưa trân trọng sự sáng tạo của học sinh, chưa thoát khỏi tư duy truyền thống.
"Nếu Bộ muốn làm ngay thì cần phải thay đổi tư duy của thầy cô trên cơ sở nền của kiến thức. Mặt khác, thời gian thi như thế nào thì yêu cầu học sinh đáp ứng kiến thức ở mức độ đó", cô Thanh nói.
PGS Nguyễn Trí cũng khẳng định, khi đề thi mở, tấm lòng và thái độ người thầy trước một bài văn rất quan trọng. Dẫn câu chuyện bài văn điểm 0 của nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể về một học sinh đã nộp giấy trắng khi cô ra đề "tả ba em đọc báo". Thầy Trí cho biết, nếu giáo viên để lại bài văn và trò chuyện với học sinh, sẽ biết được câu chuyện học sinh ấy không có ba, và thông cảm với em.
"Người thầy khi chấm bài văn mở không cần kỹ thuật mà cần tấm lòng, thái độ. Đối với bài làm khác với suy nghĩ của mình thì cần tìm cách giải thích cho đúng", PGS Trí nói.
Ông kiến nghị, đối với đề thi mở thì người ra đề cần viết cả hướng dẫn chấm mở và viết hướng dẫn chấm đóng. Hướng dẫn chấm đóng là một kênh tham khảo, khẳng định đấy là suy luận chủ quan của người viết hướng dẫn. Người chấm cần chấp nhận tất cả các phương án khác nhau của học sinh trước đề bài của mình chứ không chỉ dựa vào dàn bài rồi đếm ý cho điểm.
Thời gian làm bài thi giảm cũng là nỗi lo lắng của nhiều giáo viên. Thầy Ngô Hương (trường Quốc học Huế) cho rằng, so với các nước khác, cách ra đề môn Văn của ta đã quá cũ. Nhưng xưa nay thầy và trò chỉ học và thi như thế, đã thành nếp. Nếu muốn thay đổi thì phải xác định xem thầy cô đã dạy tốt hay chưa?
"Hướng ra đề mới rất hay, sáng tạo. Tuy nhiên thời gian bớt đi nhưng độ khó lại hơn, yêu cầu cũng cao hơn. Học sinh giỏi, ở thành phố thì không sao, nhưng ở nông thôn tôi e là khó có thể làm được", thầy Hương nói.
giao-vien-8936-1397137470.jpg
Nhiều giáo viên dạy Văn lo lắng với những thay đổi trong đề thi tốt nghiệp năm nay.Ảnh: Hoàng Thùy.
Đại diện giáo viên Văn của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) thì nhận xét, môn Ngữ văn có đặc thù khác với Khoa học tự nhiên. Nếu như môn Toán có thể cắt cơ học số câu hỏi khi thời gian làm bài giảm xuống thì với các câu hỏi môn Văn vẫn phải trả lời đủ ý. Điều này là một khó khăn đối với học sinh. 
Mặt khác, đầu tháng 4 (chỉ còn 2 tháng nữa là kỳ thi diễn ra) giáo viên mới nắm được thông tin trên các phương tiện truyền thông. Với số tiết ít ỏi trong tuần, việc chuẩn bị kỹ năng làm bài cho học sinh khó. "Đề gồm 2 phần nhưng tỷ lệ điểm của phần đọc hiểu và viết như thế nào? Phần đọc hiểu tích hợp kiến thức từ tiểu học, cho 1 đoạn văn rồi có hệ thống câu hỏi, hay là những câu hỏi rời rạc... Tất cả những điều này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trong khi thời gian thi sắp tới khiến giáo viên dạy văn chúng tôi rất lo lắng", nữ giáo viên cho hay.
Cả hội thảo bỗng ồn ào bàn tán khi nghe ý kiến của thầy Thảo Nguyên, Sở Giáo dục tỉnh Quảng Trị. Thầy Nguyên cho rằng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho kéo pháo lên đồi chuẩn bị mở chiến dịch, nhưng sau khi cân nhắc thì rút hết về trận địa cũ. Liên hệ với giáo dục thời điểm này, cần phải thận trọng trước quyết định lớn lao.
"Nên chăng Bộ đợi sự đồng tình của dư luận, sự chuẩn bị của các nhà khoa học, giáo viên... rồi mới đổi mới ở năm sau", thầy Nguyên đề xuất.
Đồng tình với đại diện tỉnh Quảng Trị, thầy Nguyễn Quang Minh (khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, người thầy chỉ dạy cho học trò được kỹ thuật, còn sáng tạo là do bản chất từng em. Dạy văn cũng là dạy cách giao tiếp, nghĩa là không chỉ cho học sinh hiểu tác phẩm, hình tượng mà quan trọng hơn dạy các em ra đời dùng kiến thức đó như thế nào.
"Hiện nay học sinh vẫn chỉ là làm văn chứ chưa đạt được làm văn để hướng tới mục đích giao tiếp. Vì vậy cần phải có lộ trình đổi mới, không thể đột ngột kiểm tra năng lực của các em qua đề thi mở mà chưa có phương pháp dạy mới. Điều đó giống như việc dạy học sinh đi xe máy, không thể dạy bỏ 2 tay ngay từ đầu được", thầy Minh ví von. 
Là người đưa ra ý kiến cuối cùng của hội thảo, TS Lương Thị Hồng Hiếu, ĐH Sư phạm TP HCM lại đồng tình với những đổi mới của Bộ. Theo cô Hiếu, bước đổi mới năm nay nên ở mức vừa phải, và sẽ đổi mới toàn diện vào năm sau thì sẽ hợp lý hơn.
Theo cô Hiếu, nếu không kiểm tra văn bản ngoài chương trình thì không thể xem là mở. Và khi đó giáo viên cũng chỉ dạy những bài chính để học sinh đi thi. Bài thi không thể duy trì tình trạng học gì thi nấy mà phải kiểm tra kỹ năng làm bài của các em. Giống như Toán, học sinh học công thức, còn bài tập thì có nhiều dạng khác nhau. Điều này các nước trên thế giới đã làm từ lâu.
"Ở Australia, Bộ Giáo dục chỉ có khung chương trình, khung kỹ năng, còn văn bản của ai, dài ngắn thế nào là tùy giáo viên lựa chọn. Đề thi môn Văn thường có 5 văn bản, có một số đoạn trích và yêu cầu học sinh chọn 2 trong số đó để làm. Sắp tới, Việt Nam cũng nên cho một số văn bản quan trọng, còn khi dạy giáo viên có thể tùy chọn thêm", cô Hiếu gợi ý.
Lắng nghe ý kiến giáo viên trong một ngày, Thứ trưởng phụ trách thi tốt nghiệp THPT Nguyễn Vinh Hiển động viên giáo viên không cần lo lắng vì học sinh Việt Nam không kém cỏi. Minh chứng là khi thi PISA đứng vị trí cao dù văn bản dành cho toàn thế giới, có phần chưa được làm quen và không chỉ học sinh thành phố mà tất cả các vùng, đủ các dân tộc đều làm được.
"Cuộc sống phong phú nên đừng bó hẹp. Tôi rất mừng là giáo viên lo lắng, thể hiện sự quan tâm đến học trò, nhưng như thế giống như tư duy bao cấp, chỉ làm thui chột khả năng sáng tạo của học sinh", Thứ trưởng Hiển nói.
Ông cho rằng, nói đổi mới thì phải quyết tâm bởi từ năm 2000 đã đổi mới giáo dục phổ thông nhưng cứ do dự, trì trệ. Thế nên năm nay phải đột phá trong thi cử. Thời gian làm bài 120 phút hay 150 phút không quan trọng, bởi viết ngắn hay dài không quyết định sự hiểu biết của học sinh mà chỉ cần viết đúng ý câu hỏi. 
Hình thức ra đề môn Văn sẽ có đọc - hiểu và viết, đánh giá được kỹ năng tổng hợp của học sinh. Phần đọc - hiểu sẽ không lấy trong sách giáo khoa nhưng phải vừa với kiến thức học sinh. Điều này nhằm chấm dứt tình trạng học sinh học thuộc văn mẫu, khi thi nhớ lại chép mà vẫn được điểm tối đa. 
Một bài văn phải thể hiện được hai giá trị, đó là đảm bảo tính thông điệp (để người đọc hiểu được) và thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt (chưa nói đến sáng tạo được văn bản có xúc cảm). Thầy cô phải biết nhìn ra cái sáng tạo của học sinh.
"Năm nay Bộ quyết tâm đổi mới, và sẽ hoàn thiện ở những năm sau. Người ra đề thi sẽ là những người giỏi nhất, biết hướng dẫn cho đồng nghiệp cách dạy, cách chấm. Không nên nghi ngờ giáo viên không biết chấm đề mở, vì qua sông thì phải lụy đò, chưa qua sông mà đã không tin người lái đò thì không thể qua được", Thứ trưởng Hiển nói và khẳng định thà chấm chưa chính xác nhưng tiếp cận được mục tiêu giáo dục còn hơn chấm chính xác mà không tiếp cận được mục tiêu.
Hoàng Thùy

3 thg 4, 2014

HSG9: 2013-2014 tại HCM

Một đề văn hay

TTO 01/04/2014 04:15 (GMT + 7)
TT - Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP.HCM lớp 9 THCS vừa qua, đề thi môn ngữ văn đã làm mọi người hài lòng và công nhận đây là một đề thi hay. Đề thi chỉ có hai câu nhưng đòi hỏi thí sinh phải thể hiện được hiểu biết thực tế lẫn kiến thức văn học và kiến thức chung của thí sinh.
“Câu 1: Mượn những đồ vật giá trị rồi chụp hình đưa lên Facebook và tự nhận là của mình để được bạn bè trầm trồ khen ngợi. Mượn những bài văn mẫu cặm cụi học thuộc rồi chép lại trong giờ kiểm tra để chứng tỏ mình giỏi. Mượn cách ăn mặc, nói năng của thần tượng rồi cố gắng làm theo để được khen là có cá tính. Mượn cảm xúc, suy nghĩ của đám đông nhằm che giấu cảm xúc, suy nghĩ riêng để được sống bình yên. Mượn... thật nhiều thứ! Để rồi một ngày chợt nhận ra mình đã... Hãy viết tiếp điều em nhận ra khi sống một cuộc sống vay mượn như thế”.
Câu hỏi gắn với thực tế, gắn với suy nghĩ, hành động của một bộ phận lớp trẻ ngày nay. Đề bài đã khơi gợi cho các em có dịp nhìn lại quan điểm sống của lứa tuổi mình hiện nay và thoải mái trình bày quan điểm của mình, nhìn lại những được mất về cách sống đó. Cách sống mà các bậc cha mẹ, thầy cô thường khuyên dạy tránh xa. Các thí sinh không chỉ làm bài mà thật sự đã vận dụng những kiến thức từ cuộc sống của bản thân, của bạn bè cùng trang lứa để nói với chính mình hay nói với bạn bè mình về cuộc sống vay mượn, về cuộc sống “mình không là mình”, mình chỉ là bản sao của người khác...
Nhiều thí sinh sau khi thi đã nói: “Con làm được nhưng con nghĩ sẽ có nhiều bạn viết hay hơn con”. Nhưng với tôi, các thí sinh của ngày hôm ấy đều thành công vì các em đã là chính mình, không vay mượn của ai suy nghĩ, cảm xúc trong diễn đạt và các em đã trưởng thành rất nhiều khi làm bài văn này. Tôi rất mong những bài văn đạt điểm cao ở câu này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin để những bạn trẻ đang có lối sống như thế nhìn lại mình qua suy nghĩ của chính những người cùng lứa tuổi.
“Câu 2: Bằng màu sắc và đường nét, hội họa vẽ lên trước mắt ta hình ảnh gia đình đầm ấm, yêu thương (bài thi in hình ảnh của sự hạnh phúc). Bằng giai điệu và âm thanh, âm nhạc giúp ta nghe được tiếng lòng bao la của các đấng sinh thành (bài thi in bài nhạc Cho con). Khác với hội họa và âm nhạc, văn học là nghệ thuật ngôn từ, không có khả năng tác động trực tiếp vào thị giác, thính giác. Vậy phải chăng văn học không thể tái hiện tính hiện thực và không có nhạc tính? Bằng việc phân tích một vài tác phẩm viết về tình cảm gia đình, em hãy trình bày câu trả lời của mình”.
Câu hỏi thật độc đáo, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng tất cả kiến thức chẳng những về văn học mà cả hội họa, âm nhạc của mình để bài viết chặt chẽ và sinh động. Dẫn chứng không gò bó tác phẩm trong chương trình học hay tác phẩm các em tự đọc. Một sự khuyến khích học sinh mở rộng kiến thức từ các quyển sách các em yêu thích đúng chủ đề. Nó cũng khơi gợi lại, nhắc nhở các em về tình cảm gia đình, một tình cảm có giá trị bất biến mà lứa tuổi các em hiện tại chưa cảm nhận sâu sắc. Đôi khi các em bỏ quên vì tình cảm bạn bè trước mắt lúc nào cũng vui thú hơn.
Đề thi chỉ với hai câu hỏi nhưng đầy tính nhân văn và gắn với thực tế lứa tuổi các em. Dù các em viết hay hay dở nhưng chắc chắn rằng sức lan tỏa của nó không chỉ trong kỳ thi mà còn theo các em ra cuộc sống ngày thường khi trao đổi tranh luận với bạn bè, người quen về cuộc sống vay mượn, về tình cảm gia đình. Xin cảm ơn người ra đề, xin gửi đến thầy cô ra đề lời cảm phục của phụ huynh và cả của một người làm thầy.
LÊ PHƯƠNG TRÍ