19 thg 9, 2014

Suy ngẫm về học Toán và học Văn

Học sinh chuyên toán nói về học văn

20/09/2014 06:30 GMT+7
TT - Gửi mẹ của con. Mẹ ơi, con gái năm cuối cấp rồi, sắp phải bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. 


Nhưng đến giờ con gái vẫn không biết mình nên chọn, phải chọn, sẽ chọn con đường nào để đi. 
Mẹ biết không, con gái đã có gần ba năm học chuyên toán với bao kỷ niệm vui buồn, bao lần vấp ngã và trải nghiệm, để đến giờ đây con mới hiểu, giá như con từng chăm chỉ học văn hơn.
Ngày còn nhỏ con gái thích đọc văn, con gái thích lịch sử, con gái thích sự thơ mộng của văn, nét hào hùng từ trang sử. Còn ba mẹ thích những gì thuộc về tự nhiên, ba mẹ muốn con thật giỏi toán, lý, hóa...
Mẹ hay giải thích với con gái khi con giỏi các môn tự nhiên, đầu óc con sẽ ngày càng linh hoạt, sáng tạo, con sẽ ngày càng thông minh và có cơ hội tiến xa hơn trong cuộc sống.
Ba hay giải thích với con gái xã hội ta chú trọng những điều này, thứ con cần là học gì, làm gì đáp ứng cho xã hội chứ không phải là làm gì con thích, con muốn.
Rồi con gái chọn chuyên toán.
Con lạc lõng và bơ vơ giữa môi trường mà tất cả mọi người đều bất công với văn, với sử, với địa. Không chỉ là bạn bè mà cả thầy cô đều không có sự công bằng. Tất cả nói với con gái thứ chúng ta cần là giỏi, thật giỏi các môn tự nhiên vì sẽ quyết định tương lai ta.
Thỉnh thoảng con gái cãi nhau với bạn bè, mọi đứa bạn của con gái đều nói: “Thế tụi tao thi y dược, thi kinh tế; học văn, sử có mà chết đói à?”.
Con gái không nghĩ vậy. Con gái nghĩ không phải cứ học giỏi là sẽ thành công. Khi bạn phát minh, chế tạo một sản phẩm mới, bạn không biết cách thuyết trình, giảng giải cho mọi người hiểu, tất cả bạn có chỉ là mớ giấy vụn mà thôi.
Khi bạn không biết cách ăn nói, không biết cách cư xử, mọi người mặc kệ bạn học giỏi bao nhiêu, sự tôn trọng họ dành cho bạn là con số không.
Có thể con gái không thông minh, không giỏi tự nhiên như mọi người, nhưng chỉ cần có tâm hồn rộng mở, con gái sẽ được đón nhận thôi, phải không mẹ?
Môn văn không dạy con gái những công thức mà sau này lên đại học sẽ không ngó tới, ra trường không biết sử dụng được bao nhiêu. Môn văn dạy con làm sao để sống tốt với chính mình, với ba mẹ, với cộng đồng xã hội...
Giữa những tăm tối trong cuộc đời, môn văn đưa con về với thế giới của tình thương - nơi mà người với người sống với nhau bằng một niềm tin rất thật. Giữa cuộc chạy đua tất bật của điểm số, môn văn cho con được một chút bình yên. Con người ta có thể sống trong một xã hội không hiện đại, không phát triển, nhưng không thể thiếu tình thương.
Đôi khi con không hiểu môn văn ngấm vào máu ta ngay từ thời tấm bé, theo những lời ru của bà, của mẹ. Đó là tiếng mẹ đẻ thân thương, là xương là thịt, mà sao mọi người luôn chối bỏ?
Không ai sống mà thiếu đi ngọn nguồn tâm hồn, ngọn nguồn cảm xúc. Sự thật vậy đó nhưng người ta vẫn không thừa nhận trong lòng họ có những thứ thuộc về văn chương.
Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” là vậy. “Cái lẽ ở đời” phải chăng là cách sống biết nhường nhịn, yêu thương, “một câu nhịn, chín câu lành” mà cha ông ta hằng nhắn gửi? “Cái lẽ ở đời” vô giá ấy chỉ có trong lời ru, trong câu ca của bà của mẹ; trong mỗi bài thơ, mỗi câu văn chan chứa tình thương...
Mẹ ơi! Con gái mẹ rất thích văn. Nhưng hình như ba mẹ nói đúng, giỏi văn không được mọi người tôn trọng.
Không chỉ ở lớp con, ở trường con và có thể rộng ra xã hội, khi con nói con là học sinh giỏi toán, lý, hóa, mọi người khen con; khi con nói con giỏi văn, sử, địa, họ nói con không giỏi. Vậy thì con phải làm sao? Làm sao để được mọi người tôn trọng?
Rồi con sẽ chọn con đường thế nào? Toán, lý, hóa để có cơ hội thành công, hay sống với môn văn cùng cuộc đời nghèo nàn, bạc bẽo? Tương lai con sẽ trôi về đâu giữa vô vàn định kiến, hà khắc của xã hội cho văn, sử, địa?
Con viết cho mẹ trong một ngày buồn...
                                                
                                                 NGUYỄN NGỌC KIM AN (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)
------------------------------------
  • Bé ơi, đó chỉ là một vài người lớn xung quanh em thôi chứ không phải là cả xã hội đâu. Xã hội này vẫn có những con người tự học và tự phát triển khả năng Văn, Sử, Địa của mình mà em. Vẫn còn rất nhiều người tôn trọng vì nó là một phần hiển nhiên và thú vị của sự phát triển.
    Cố gắng tự vạch ra cho mình con đường tương lai và tìm nhiều nguồn lời khuyên chân thành nhất không chỉ ở ba mẹ và nhà trường. Và đừng lo, thành công nằm ở sự cố gắng, đam mê, nhiệt huyết và nhận thức chứ không phải xu hướng của thời đại.
  • Minh 09:27 20/09/2014
    Con gái ơi, con cứ chuyên tâm học tập và dành nhiều thời gian học hỏi thêm môn mà con yêu thích. Văn, Sử, Địa là những gì gắn với văn hóa và cuộc sống của con người, hình thành nên nhân cách con người. Đừng bao giờ từ bỏ ham thích con nhé. Cuộc sống chỉ gắn liền với những con số thì còn gì là thú vị nữa. Cố gắng lên con nhé!
  • Hoàng Thùy Vinh 08:37 20/09/2014
    Gửi em Nguyễn Ngọc Kim An.
    Tôi hiện là giáo viên dạy Văn ở trường PTTH thành phố Hồ Chí Minh.
    Trước đây, tôi đã từng là học sinh giỏi Toán, rồi tình cờ lại trở thành học sinh chuyên Văn. Trong những năm tháng học chuyên Văn, tôi vẫn đau đáu với môn Toán, đôi lúc chán nản, hối tiếc vì học Văn. Cho đến bây giờ, khi đã trở thành một giáo viên dạy văn sắp về hưu, đôi lúc tôi vẫn còn chán nản và hối tiếc với môn dạy mà mình đã chọn. Tôi buồn vì chương trình giảng dạy, vì cách thi cử của môn văn, vì mục đích của môn vănđã không đạt được trong thực tế giảng dạy hiện nay. Nhưng điều tôi buồn nhất đó chính là cái cách mà xã hội đối xử với môn văn, là thái độ của mọi người đối với môn văn. Đa số mọi người coi thường những môn xã hội như văn sử địa. Họ không hiểu đúng được vị trí của các môn này trong cuộc sống sau này của mỗi người. Vì vậy, gần đây, tôi thấy một số phụ huynh và học sinh đã gửi thư cho những người có trách nhiệm của bộ giáo dục nói rằng, con họ và họ đi học chỉ nhằm mục đích trở thành bác sĩ, vậy thì học văn để làm gì, chẳng lẽ khi kê đơn phải làm thơ,viết văn hay sao. Điều đó dẫn đến việc trong thực tế ta gặp những người dù rất giỏi về chuyên môn nhưng họ không biết diễn đạt trước đám đông, không biết viết một văn bản cho đúng chính tả và ngữ pháp, không biết giao tiếp với khách hàng, không biết ứng xử với mọi người xung quanh và đặc biệt là đời sống tâm hồn không thể sâu sắc.

    Hôm nay, đọc bài viết của em, tôi thực sự biết ơn vì em là một trong số ít những học sinh đã hiểu đúng về môn văn. Lá thư gửi mẹ của em như một lời động viên chân thành đến những người đang dạy những môn bị xã hội ngoảnh mặt như chúng tôi. Em hãy làm như em nghĩ, em muốn và em vẫn có thể theo đuổi các môn toán lí hóa như em đang chọn. bởi vì đúng như em nói, môn văn "ngấm vào máu ta từ thời tấm bé". Dù em có làm nghề gì thì khi em hiểu và trân trọng môn văn thì em vẫn biết sống tốt đẹp, có tâm hồn phong phú, biết yêu thương, chia sẻ. Em thấy không, có biết bao nhiêu bác sĩ viết rất hay, nói rất hay như BS Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Chấn Hùng, Lương Lễ Hoàng, Tăng Hà Nam Anh...Thầy Văn Như Cương dạy toán nhưng vẫn làm thơ mà em.

    Chúc em và tin em sẽ thành công.
  • trung nguyen 08:45 20/09/2014
    Bài viết không sâu sắc. Cần thì học, thích thì học. Nếu bạn thích học Văn, bạn có thể đọc sách, viết sách, sáng tác... Thích Lịch sử bạn có thể tìm hiểu, du lịch đến các di tích lịch sử, xem History chanel, Discovery chanel,... Đó là tại bạn không biết cách học chứ không phải ở lỗi của bố mẹ bạn. Nếu bạn ghét môn tự nhiên, tốt nghiệp xong có thể chọn con đường phù hợp với sở thích của mình. Quan niệm không đúng nên dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Học để hiểu thế giới mình đang sống, chứ không phải để giàu có.
  • Tường Quang 09:15 20/09/2014
    Bài viết rất đúng thực trạng xã hội chúng ta bây giờ. Tôi là một học sinh giỏi toán nhưng rất đam mê văn chương và rốt cuộc tôi không bỏ cái gì cả. Tôi chọn nghề nghiệp mình về toán nhưng tâm hồn, vốn sống không thể thiếu văn chương. Hãy để văn chương là đôi cánh cho tâm hồn bạn, và có thể nó cũng là đôi cánh cho cả nghề nghiệp của bạn nữa. Đến lúc nào đó bạn sẽ nhận ra mối quan hệ kỳ diệu giữa chúng.
  • Văn Chương - Nha Trang 08:03 20/09/2014
    Hay! Trẻ con là nạn nhân của người lớn. Con người sống được và thành công nhờ đứng vững tên đôi chân của mình, thiếu đi một chân thì khó đứng vững. Trong cuộc sống cũng vậy: Sinh hoạt, học tập, tình cảm, công việc... đều có sự cân bằng thì mới tồn tại vững bền được. Hy vọng các bậc NGƯỜI LỚN hãy để ý điều này.
  • Lê Chuyên 07:34 20/09/2014
    Gửi em NGUYỄN NGỌC KIM AN (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)

    Em là học sinh chuyên toán nhưng bài viết em thấm đẫm chất thơ văn. Bài viết hay, chứa đựng nhiều dằn vặt, ưu tư trăn trở. Những điều em "chạm" đến cũng chính là điều "bí rị" của mọi người trong xã hội VN mình.
  • mai pham 09:34 20/09/2014
    Bài viết có cả hai mặt. Đúng - Sai; do hệ thống giáo dục đào tạo những nghịch lý. Hệ phổ thông 12/12 năm phải 12 năm giáo dục con người hiểu biết một cách phổ thông để làm hành trang cho bước tiếp theo - có vào Đại học hay không; nếu vào được đại học phải chắc đó là nghành nghề yêu thích chứ không phải mục đích kiếm tiền. Giống như đào tạo bác sĩ chung đa khoa; sau đa khoa là bước ngoặc lựa chọn chuyên khoa.
  • The Anh 08:50 20/09/2014
    Hỡi các Ba Mẹ, hãy đọc và giúp con trẻ tự quyết định chứ đừng quyết định thay con trẻ.
  • giang 08:42 20/09/2014
    Hay lắm!

4 thg 9, 2014

Suy ngẫm???

Chất lượng giáo dục không chỉ từ tiền

Có một nhầm tưởng dai dẳng về giáo dục VN - đó là do chúng ta còn nghèo, phần chi cho giáo dục ít nên đành chịu chất lượng thấp. Kể cả khi tính theo con số thống kê chính thức hay con số thực chi thì tỷ lệ chi cho giáo dục trên GDP của nước ta vào loại cao nhất nhì thế giới.

Bởi ngoài phần chi từ ngân sách (chiếm trên 20% ngân sách) còn có những khoản chi từ phụ huynh (cũng chiếm một tỷ trọng rất cao trên thu nhập của gia đình).
Thế nhưng vì cái nhầm tưởng dai dẳng đó, nhiều phụ huynh vào đầu năm học mới vẫn phải cắn răng nộp nhiều khoản tiền, cả có tên và không tên cho con, mong sao góp phần nâng chất lượng giáo dục lên một chút. Đó là môi trường béo bở cho những toan tính “thương mại hóa” - từ việc đầu tư máy móc lãng phí đến các hình thức học thêm, dạy thêm - tất cả được triển khai dưới danh nghĩa tìm cách “đột phá” về chất lượng.
Đúng là tiền bạc có mối tương quan chặt chẽ với chất lượng giáo dục nhưng tiền bạc không phải là yếu tố quyết định, chưa kể một khi nguồn lực bị chi sai, dàn trải, lãng phí như thực tế đã diễn ra.
Chất lượng giáo dục cũng chưa hẳn là ở chương trình học, sách giáo khoa, cách tổ chức các kỳ thi cuối khóa hay kỳ thi tuyển sinh vào đại học - là những vấn đề chúng ta đang cố gắng thúc đẩy cũng trong nỗ lực nâng cao chất lượng của nền giáo dục và đang tạo ra những lo lắng do xáo động cho học sinh (HS), phụ huynh.
Có một thực tế không thể chối cãi: đó là nguồn nhân lực có kỹ năng cao cho rất nhiều ngành nghề đang thiếu trầm trọng đến nỗi các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp FDI phải tuyển dụng người từ Ấn Độ, Philippines hay từ các nước láng giềng khác. Số ít nhân lực này do cầu lớn hơn cung nhiều lần nên liên tục nhảy việc để tìm mức lương cao hơn. Nếu nền giáo dục của nước nhà tiếp tục không đào tạo được đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, chỉ cần đến năm sau, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, nguồn nhân lực như thế sẽ từ các nước ASEAN khác tràn vào nước ta, đặc biệt ở các ngành du lịch, kiểm toán, tài chính...
Nhưng, lo thì lo, không khéo chúng ta cũng chỉ loay hoay tập trung vào câu chuyện cải cách ở khâu đào tạo hay thí điểm tự chủ về tài chính ở đại học - cũng rơi vào chỗ nhầm tưởng phải đầu tư vật chất nhiều hơn mới giải được bài toán này.
Yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, ngay từ cấp tiểu học cho đến bậc đại học là tinh thần tự do trong học tập, tư duy lật đi lật lại vấn đề, cách suy nghĩ học để lấy kiến thức, để ứng xử trong cuộc sống chứ không phải học để thi cử hay vì bằng cấp. Môi trường giáo dục của chúng ta hiện đang thiếu vắng một tinh thần như thế, cả ở thầy lẫn trò. Cũng không phải do sự hạn chế hay ràng buộc nào về mặt chủ trương, chính sách; tất cả chỉ do một quán tính từ thời tập trung bao cấp, quen với nếp học từ chương, quen với thái độ “độc quyền chân lý” trong ngành giáo dục. Quan trọng nhất là không ai xem đó là vấn đề quan trọng cần cải tiến.
Thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, các thành phần khác của xã hội như doanh nghiệp đã phần nào xoay chuyển để thích nghi với môi trường mới nhưng giáo dục thì chưa.
Chúng ta cứ nói lấy người học làm trung tâm nhưng liệu đã có những biện pháp nào để khắc phục cách giáo dục thầy giảng, trò nghe; liệu nhà trường hiện nay đã chấp nhận cảnh HS chất vấn lại thầy cô nếu các em chưa đồng ý một vấn đề nào đó; liệu cộng đồng giáo dục đã chấp nhận sự khác biệt trong tư duy hay tất cả phải theo một khuôn mẫu nhất định.
Cũng chính vì làm theo quán tính cũ, chúng ta chưa chú tâm đúng mức để rèn luyện cho HS các kỹ năng rất quan trọng nhằm chuẩn bị cho các em vào đời như kỹ năng hợp tác làm việc theo nhóm, kỹ năng độc lập tìm tòi nghiên cứu một vấn đề, kỹ năng ứng xử văn minh trong một xã hội nối kết. Nói đâu xa, thử hỏi sau nhiều vụ việc thương tâm, liệu nhà trường đã chú ý dạy cho trẻ nhỏ cách tự bảo vệ mình trước các hiện tượng xâm hại, lạm dụng, bày cho các em biết về quyền của các em trước người lớn, kể cả quyền bày tỏ ý kiến.
Chỉ khi HS học được cách tư duy độc lập, các em mới học được kỹ năng tự học, tự đào tạo để từ đó thích nghi với mọi thay đổi trong môi trường làm việc sau này. Đó chính là sự khác biệt giữa một nền giáo dục có vài em được giải quốc tế và một nền giáo dục đào tạo nhiều nhà quản lý giỏi cho nền kinh tế.
Vũ Phan