Phụ huynh đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Phụ huynh đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Áp lực từ phụ huynh và căng thẳng trong việc học đã khiến không ít học sinh, sinh viên 'phát điên' hoặc tìm đến những cách giải thoát tiêu cực.
Ngày 18.1, tại Khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em (thuộc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), chúng tôi gặp nhiều phụ huynh đưa con em mình đến khám và điều trị.
Chịu đựng không nổi chuyển thành bệnh !


Bi kịch người trẻ sống thay cha mẹ: Trẻ bị tâm thần vì phụ huynh - ảnh 1
Tôi đến mấy trường phổ thông, thấy áp lực
học hành rất khủng khiếp. Có những cháu giấu cảm xúc trong lòng, đến một ngày bộc phát
ra thì hậu quả khó lường
Bi kịch người trẻ sống thay cha mẹ: Trẻ bị tâm thần vì phụ huynh - ảnh 2

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh

“Ngồi yên đi!”, thỉnh thoảng bà Nga (ở Q.11) nhắc nhở cậu con trai (học sinh lớp 6 Trường THCS C.V.A) đi cùng. Trong khi chờ đến lượt, bà Nga góp chuyện: “Khi học tiểu học, cháu nó toàn được thầy cô giáo khen học giỏi. Nhưng từ khi lên THCS, nó học nhiều môn quá nên bị áp lực. Hôm trước, nó làm bài kiểm tra môn văn được 9 điểm nhưng khi thi thì chỉ có 7 điểm thôi. Tối đó, tui la nó cả đêm...”.
Bà Nga cho hay học kỳ 1 năm nay, xếp loại học tập của con bà chỉ đạt loại khá. Mục tiêu bà đặt ra là sang học kỳ 2 cậu bé phải có điểm trung bình các môn ở mức 9 - 10, để trở thành học sinh giỏi. Vì vậy, hầu như ngày nào cậu bé cũng phải đi học thêm, nhiều hôm học đến 2 - 3 ca. “Ba tháng nay, nó bị mất tập trung. Sợ con bị tuột dốc, tui đưa nó tới đây cho kiểm tra rồi mua thuốc uống, mỗi tháng cũng tốn hơn 2 triệu đồng”, bà Nga thở dài.
Cũng tại đây, có những ca bệnh tái đi tái lại, điều trị 1 - 2 năm vẫn chưa khỏi, trong đó có em H. (học sinh lớp 9 tại TP.HCM). Một bác sĩ cho biết H. thường xuyên đội tóc giả đến lớp, vì em có thói quen... bứt tóc mỗi khi căng thẳng.
Dù chưa từng đến Bệnh viện Tâm thần khám và điều trị nhưng Thu Hương (Q.1, TP.HCM) thường bị những cơn chấn động tâm lý. Đó là hậu quả của việc Hương bị gia đình ép phải thi và học cho bằng được ngành y mà em không có khả năng, sở thích theo đuổi.
Hương kể: “Lúc em thi đại học, mẹ cứ nói đúng một đề tài là thi không đậu thì đuổi ra khỏi nhà, làm em bị ám ảnh. Hễ nhìn thấy chiếc xe đưa tang là em nghĩ: Biết đâu vài tháng nữa là đám ma của mình!”. Từ stress nặng, Hương bị đau bao tử, phải uống thuốc suốt 6 tháng (gần 20 viên/ngày). Đáng ngại hơn, Hương cho biết: “Sáng nào em cũng bị hoảng một cơn, chừng nửa tiếng. Ngồi mà sợ tột độ, cứ như mình sắp chết tới nơi, trong đầu luôn nặng nề các mối lo, không phút nào thanh thản!”.


Bệnh nhân tuổi học trò điều trị tâm thần gia tăng
Theo số liệu của Khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trong năm 2015 có 33.250 lượt bệnh nhân trẻ em (từ 17 tuổi trở xuống) đến đây khám và điều trị, tăng hơn năm trước khoảng 1.000 ca. Trong đó, có 1.800 ca bị rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu do những căng thẳng liên quan đến học tập, gia đình, môi trường sống, bạn bè...

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó trưởng khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em, khẳng định: “Có những em được phụ huynh đưa đến đây sau khi bị căng thẳng quá dẫn đến nghiện, đi chơi hàng đá. Cũng có những ca bị trầm cảm rồi tự sát, phổ biến nhất là rạch tay... Nguyên nhân chính là áp lực quá lớn từ việc học và không có sự quan tâm của gia đình, các em chịu đựng không nổi, chuyển thành bệnh”.
Bác sĩ Minh lưu ý thêm: Một số trẻ còn bị bức bối bởi bố mẹ muốn tạo ra sự hoàn hảo cho con mình (như chân dài, thông minh vượt trội). Cho nên, từ việc sử dụng bừa bãi thực phẩm chức năng để “bổ não” cho tới chuyện dinh dưỡng, học gì, chơi bạn nào, đi đâu... các em đều phải tuân theo ý cha mẹ.
“Cả xã hội mắc bệnh thành tích”
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, nhận xét: “Hiện nay, việc học ở VN vẫn là một cái gì quá tải đối với các bạn trẻ; cộng thêm kỳ vọng lớn từ gia đình, vượt ngoài năng lực và mong muốn của con em mình đã tạo ra sức ép quá mức, khiến nhiều cháu mang bệnh. Nếu sang chấn lâu dài sẽ bị rối loạn lo âu, mất ngủ, nóng nảy, có thể dẫn đến trầm cảm”. Bác sĩ Thắng cảnh báo: Trong những ca bị trầm cảm mà không được tư vấn, điều trị, có đến 15 - 20% có hành vi tự sát.
Còn bác sĩ Lâm Hiếu Minh thẳng thắn cho rằng chạy theo thành tích là căn bệnh của cả xã hội chứ không phải chỉ một vài gia đình. Tức là, mọi người hướng đến việc làm sao con cái mình đạt thành tích cao nhất, học những ngành dễ kiếm tiền và sang trọng. Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã được nhồi nhét những suy nghĩ trên, phải đi học thêm cho đạt hạng cao trong lớp, điểm không cao thì bị phạt…
Bác sĩ Minh trăn trở: “Có nhiều thứ nặng nề chất lên vai đứa trẻ nhưng nhu cầu về tinh thần lại rất ít được quan tâm. Ngay cả những phụ huynh đến đây, tôi nói với họ là bây giờ tôi thấy cháu căng thẳng quá rồi, có những triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu; vì vậy tôi đề xuất nên cho cháu thư giãn, rèn luyện thể chất, tham gia hoạt động đội nhóm để có kỹ năng sống. Tuy nhiên, ba mẹ cháu bảo rằng nó không có thời gian trống vì phải học trên trường, rồi học thêm đủ thứ. Nói chung, mọi người rất coi nhẹ chuyện đó, họ hướng tới thành tích học tập nhiều hơn. Thành ra, nhiều đứa càng ngày học càng đuối, mệt mỏi”.
Bác sĩ Minh tâm tư: “Tôi đến mấy trường phổ thông, thấy áp lực học hành rất khủng khiếp. Có những cháu giấu cảm xúc trong lòng, đến một ngày bộc phát ra thì hậu quả khó lường”.
Từ việc khám, chữa bệnh cho những bệnh nhân trẻ em, bác sĩ Lâm Hiếu Minh nhìn nhận: Mối tương tác giữa cha mẹ và con cái không được tốt. Nhiều phụ huynh thiếu quan tâm đến con cái và thiếu kỹ năng làm cha mẹ. Trên thực tế, đa số các trường hợp đến bệnh viện tâm thần điều trị là khi bước vào giai đoạn nặng rồi. Trước đó, các em có những biểu hiện lạ mà cha mẹ không kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, dẫn đến bệnh trạng các em ngày càng trầm trọng hơn. (Còn tiếp)
Ý kiến
Thuyết phục cha mẹ
Em rất đam mê kiến trúc và sắp tới sẽ đi du học về ngành này. Hiện tại gia đình ủng hộ quyết định trên của em, nhưng trước đó ba không cho vì ba muốn em theo học nghề y. Trong năm học lớp 9, em đã chủ động tham gia những cuộc thi vẽ ở quận và từng đoạt giải ba. Nhờ vậy, ba mới dần dần thay đổi ý định. Theo em, cha mẹ nên tìm hiểu khả năng, sở thích của con mình chứ không nên ép buộc.    
Tạ Đình Quý (học sinh lớp 10, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM)
Mẹ chỉ có đề tài: Học
Nhiều khi em muốn tránh né mẹ vì lúc nào mẹ cũng chỉ nói đến đề tài duy nhất: Học. Đối với mẹ, điểm số các môn em đạt được luôn luôn quan trọng hơn là ngày hôm đó em gặp chuyện gì trên lớp, vui, buồn ra sao. Mẹ còn định tìm trường gửi em vào học nội trú ở TP.HCM để em tập trung toàn bộ thời gian vào việc học, cho dù em không hề muốn sống xa gia đình.
 Ng.T  (học sinh lớp 10, ngụ ở H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận)
Mỗi người một cuộc đời
Trước đây tôi cũng từng ép con mình học nhiều và muốn hướng con đến ngành “sang” để mình nở mặt nở mày. Nhưng rồi thấy con sống gượng gạo, ủ rũ, tôi chợt giật mình tự hỏi: Cái gì mới đem lại hạnh phúc thực sự cho con? Mỗi người chỉ có một cuộc đời, sao mình phải bắt nó sống thay cho cha mẹ? Từ đó, tôi dần bớt can thiệp vào sở thích và cuộc sống của con.    
Nguyễn Tuấn  (cựu giáo viên, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) 

Như Lịch

Bạn đọc phản hồi (7 nhận xét)

Văn Giàu

Những phụ huynh ép con học quá nhiều, thường hay biện hộ rằng "Học cho bản thân nó sau này", nhưng thực chất là ép con học vi họ. Con học giỏi mới có cái mà khoe với hàng xóm, họ hàng, đồng nghiệp để nở mày nở mặt chớ!

Mạnh Hùng

Nếu không thay đổi nhận thức của phụ huynh và cải cách triệt để nền giáo dục thì nguy cơ sẽ có thêm nhiều học sinh tâm thần, tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Sao Khuê

Bài viết phản ánh đúng thực trạng nhức nhối bao lâu: chạy theo thành tích học tập!

sang

Giải quyết chuyện này dễ mà, cứ cấm dạy thêm là xong

Sầu Tím

Mình... chẳng biết làm sao vì không có sự ủng hộ của gia đình... Hoang mang quá khi mùa thi đang tới... Con đường nào cho tôi đi???

DÂN GIAN

Trẻ em như... tờ giấy trắng nên các bác sỹ cần phải tư vấn nhiều hơn cho những phụ huynh "tâm thần" này trước khi quá muộn.

Hàng Xanh

Chỉ trong 1 năm mà đã có 33.250 trẻ em đến khám tại bệnh viện tâm thần của thành phố Hồ Chí Minh. Con số thật đáng giật mình kinh ngạc!

Bình luận

Gửi bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
  • Tối thiểu 10 chữ
  • Tiếng Việt có dấu
  • Không chứa liên kết