6 thg 4, 2016

Đường đến vinh quang


Nghị luận xã hội lời bài hát của cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”. (Trích Đường đến ngày vinh quang – nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập)
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định trên
Mở bài:
– Đường đời của mỗi con người thường là một lối đi riêng mà không người nào giống người nào, những hạnh phúc có được trong cuộc sống đều là thành quả của việc bước qua những khó khăn.
– Vượt qua những giông tố cuộc đời, dù vất vả hay nhọc nhằn niềm vui và thành công đến với con người mới mang ý nghĩa đích thực và vẹn toàn.
– Chân lí này đã được đề cập sâu sắc trong lời bài hát của ca sĩ Trần Lập:”Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”.
Thân bài:
1. Giải thích ý nghĩa thông điệp của tác giả
– “ Hoa hồng” là loại hoa có hương thơm nồng nàn, có màu sắc rực rỡ của niềm vui, một loại hoa đẹp luôn là biểu tượng cao nhất của tình yêu trong cuộc sống con người. Ở đây hoa hồng là chỉ thành công và hạnh phúc mà con người đạt được.
– “ Mũi gai” hoa hồng đẹp nhưng có gai, đôi lúc để cầm bông hồng trên tay chúng ta cũng phải chịu đau đớn không ít lần vì mũi gai nhọn của nó. Giống như cuộc sống, để có thành công và hạnh phúc ta phải biết vượt qua những sóng gió và thử thách trong cuộc đời” Qua cơn mưa trời lại sáng”
=>Tác giả muốn khẳng định chân lí: Muốn có hạnh phúc và thành công trên đường vinh quang mỗi người bắt buộc phải biết “ chịu đau’ khi gặp những” mũi gai” và “ đi qua muôn ngàn sóng gió”.
2. Bàn luận
– Hạnh phúc, vui sướng… luôn là ước mơ cũng là mục tiêu của mọi con người. Nhưng nghịch lí cuộc đời vẫn để khó khăn vất vả chiếm đa phần trong đời mỗi chúng ta. Phải đi qua, thoát ra khỏi đau khổ, con người mới có thành công.
Dẫn chứng: Cuộc đời ca sĩ Trần Lập cũng là cuộc đời thành công của một người luôn biết vươn lên, đẩy lùi bóng tối và kéo ánh sáng lại gần mình.
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, Trần Lập phải chịu vất vả từ nhỏ. Bố mẹ đi làm để kiếm kế sinh nhai khóa cửa Trần Lập một mình. Vì vậy, để xua đi nỗi cô đơn của bản thân anh mở chiếc đài cũ kĩ của Liên Xô để tự “ thỏa chí” đam mê âm nhạc. Chính việc đó đã giúp anh trở thành một nhạc sĩ sáng tác và hát Rock thành công trong suốt 20 năm làm nghề.
Ở tuổi ngoài 40, khi bị mắc bệnh ung thư trực tràng anh vẫn say mê hát và cống hiến. Có lẽ, không ít người đã phải rơi nước mắt cảm phục khi nhìn thấy hình ảnh vị nhạc sĩ quá cố mũi đeo ống thở ô-xi, tay chằng chịt những dây dẫn nước; nằm điều trị tại bệnh viện mà anh vẫn nở một nụ cười thật tươi, giơ tay chào khán giả. Định mệnh cuộc đời đã không cho con người nghị lực ấy có cơ hội vượt qua cửa tử thần một lần nữa. Nhưng những gì anh để lại cho đời vẫn vững chãi như “ Bức Tường” anh đã đặt tên.
– Mọi sự thành công đều bao gồm sự hi sinh mất mát và những nỗi đau, nỗi buồn. Biết chấp nhận đau thương, vất vả cũng là biết cố gắng để đi tới đích trên đường vinh quang.
Dẫn chứng: Nick Vujic – con người tàn tật biết chấp nhận sự thiếu thốn, không vẹn nguyên về thể xác để thành công và trở thành biểu tượng của bản lĩnh, nghị lực sống trên toàn thế giới.
– Đường vinh quang là đi qua muôn trùng sóng gió – Lời bài hát như khẳng định thêm về ý chí của một con người luôn hiên ngang bước qua mọi gian nan ở đời. Đó là một bài học ý nghĩa về cách sống mà Trần Lập muốn gửi gắm đến mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sống tốt đẹp là phải biết đối mặt với thử thách, đối mặt với phong ba bão táp và chiến thắng nó. Thành công sẽ đến với những người không bao giờ chùn bước và run sợ trước khó khăn.
Dẫn chứng: Người thương binh Nguyễn Xuân Năng với tinh thần” Thương binh tàn mà không phế” đã có nhiều thành tích cao trong việc thi đấu bóng bàn ở trong nước và Quốc tế.
c. Phê phán
– Trái ngược với những tấm gương luôn sống đương đầu với thử thách thì không ít bạn trẻ ngày nay có lối sống nhút nhát, gặp khó khăn là nản chí, nhụt chí và dễ dàng bỏ cuộc.
– Cũng không ít người không chịu chấp nhận những thất bại, buồn đau mà khó khăn của mình gây ra, mà tìm cách đi đến thành công bất chấp mọi thủ đoạn.
Dẫn chứng: Nhiều cán bộ vì muốn giàu ra sức tham nhũng của dân chúng; thành công mà hại người khác…
Kết bài:
– Lời bài hát là lời của chân lí sống, cách sống và nghị lực sống. Nó xuất phát từ kinh nghiệm sống quý giá từ cuộc đời thăng trầm của cố nhạc sĩ Trần Lập- một người tài hoa nhưng bạc mệnh.
– Tuy không còn tồn tại nhưng những đúc kết cuộc sống mang ý nghĩa sâu sắc của thành viên trụ cột của ban nhạc “ Bức Tường” vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc.
-----------
lop12.edu.vn

4 thg 4, 2016

Suy ngẫm: hai câu hỏi của con trẻ làm bạn khó trả lời

TTO -  ​" Bạn Như Quỳnh đâu?" - Đó là câu hỏi trỏng của một bạn nhỏ với tôi, một người mẹ. Lát sau, mẹ bạn nhỏ này hỏi con tôi: "Thấy L. đâu không?".
Hai câu hỏi của hai bé con không biết trả lời sao
Ảnh minh họa
- Bạn Như Quỳnh đâu?
Đứa bé hàng xóm học chung lớp với con tôi hỏi to khi tôi mở cổng bước ra đường.
Thấy tôi không trả lời, cậu bé sấn lại, nhìn sát mặt tôi, nhấn mạnh từng từ: "Bạn…Như… Quỳnh…đâu?"
Tôi vẫn tiếp tục không trả lời.
Đến nước này, chắc cậu nhỏ chịu hết nổi, nắm tay tôi lay mạnh:"Con hỏi cô đó, Như Quỳnh đâu rồi?".
Nhỏ nhẹ, tôi bảo:
- Con phải hỏi: Cô ơi, Bạn Như Quỳnh đâu rồi, vậy mới ngoan nhé! Bạn Quỳnh đang ăn cơm.
Đứa bé im lặng, gật đầu, sau đó bỏ đi, chắc vì “quê”.
15 phút sau, mẹ cậu bé đến, gặp lúc mẹ con tôi đang ngồi chơi. Người mẹ hướng ánh mắt về phía con tôi, hỏi:"Thấy L. đâu không?" (L. là tên cậu bé lúc nãy)
- Dạ, bạn Lâm chắc chạy về rồi cô.
Người phụ nữ quay xe chạy đi, bỏ lại cái nhìn ngơ ngác của con tôi: “Sao cô không cám ơn con?”
Tôi lúng túng vỗ về con: "Có lẽ cô đang vội, con à!"
Mỗi người đều có danh xưng, tên tuổi rõ ràng, sao không gọi tên hay danh xưng cho lịch sự? Phải chăng người lớn đang làm hư trẻ con vì cách “nói trỏng”, “hỏi trỏng” của mình?                                                                                                     
HẢI HƯƠNG