11 thg 10, 2016

Suy ngẫm???



Người Việt đang tạo ra một thế hệ lười biếng

Bảo Nam | 

Chúng ta rất "chăm chỉ" tạo nên một thế giới giải trí tiệm cận đẳng cấp thế giới, nhưng lại quá lười biếng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong việc tạo ra một môi trường sánh ngang thế giới.


Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia lớn nhất thế giới, tìm kiếm về iPhone nhiều bậc nhất thế giới, tiết kiệm để mua iPhone cũng lâu hàng đầu châu Á.
Riêng về những giá trị vật chất phục vụ cho việc căng một tấm "phông bạt" chứng tỏ giá trị của mình, người Việt "chăm chỉ" hàng đầu thế giới.
Đáng tiếc, khi đánh giá một quốc gia văn minh, người ta sẽ không nhìn vào việc người dân dùng chiếc điện thoại nào, lái chiếc xe nào, mà nhìn vào mức độ chăm chỉ của quá trình tiếp thu những giá trị văn minh của thế giới.
Riêng khoản này, chúng ta đang nằm trong nhóm những quốc gia lười biếng nhất. Lười biếng theo cả nghĩa trực tiếp lẫn gián tiếp.
Trước cổng tất cả các ngôi trường mẫu giáo hoặc cấp 1, UBND quận sở tại đều yêu cầu nhà trường thông báo tới từng phụ huynh về việc không được dùng xe bừa bãi trước cổng trường, gây ách tắc giao thông.
Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh vì quá lười khi phải cuốc bộ từ vài chục đến vài trăm mét, sẵn sàng bất chấp đỗ xe giữa đường chờ con em mình. Chỉ cần vài người lười biếng, một con đường dù rộng đến mấy cũng có thể ách tắc.
Dạo gần đây trên Facebook thay nhau share bức ảnh hàng trăm chiếc ô tô đang đỗ trong một bãi xe khổng lồ. Bức ảnh được cho là chụp tại Thụy Điển.
Nội dung đi kèm bức ảnh kể về việc người Thụy Điển đến công sở làm việc càng sớm, họ sẽ đỗ xe càng xa các tòa nhà để "được" đi bộ quãng đường dài nhất có thể.
Người Việt đang tạo ra một thế hệ lười biếng - Ảnh 1.
Bãi đỗ xe ở Thụy Điển "gây bão" mạng xã hội Việt.
Đối với họ, đi bộ vừa là hình thức thể dục, vừa tránh khỏi cảm giác phải chen chúc trong những con phố nhỏ hẹp dẫn vào các tòa nhà cao tầng.
Ở một số quốc gia có hệ thống giao thông công cộng phát triển, người dân sẵn sàng cuốc bộ từ 1 đến vài km. Trong khi đó nhiều người Việt dù khoảng cách chỉ vài trăm mét cũng xách xe máy đi cho… tiện.
Thêm vài người lười, đường xá thêm vài chiếc xe và lại có thêm cơ hội tắc nghẽn, và xuất hiện thêm nhiều người lười suy nghĩ, ngay lập tức bật chế độ than vãn khi đường xá quá đông đúc.
Một chiếc vòng tròn luẩn quẩn tạo nên bởi những kẻ lười biếng.
Nhưng đó vẫn chưa phải là sự lười biếng đáng sợ nhất. Chúng ta đang lười tiếp thu, lười học và lười thay đổi những thói quen.
Công nghệ phát triển đưa chúng ta đến gần hơn bao giờ hết với văn hóa giao thông của thế giới. Những bức ảnh về nhiều hàng dài xe xếp hàng đều tăm tắm hàng ngày vẫn được chia sẻ rất nhiều trên mạng.
Nhưng người ta chỉ share chỉ chứng minh họ biết về nó, họ sành điệu, chứ họ không hề có ý định tiếp thu, học hỏi văn minh của thế giới.
Người Việt đang tạo ra một thế hệ lười biếng - Ảnh 2.
Hình ảnh người dân xếp hàng lộn xộn khi mua hàng ở siêu thị. (Ảnh: Zing.vn)
Lâu dần, bức tranh giao thông Việt Nam và rất nhiều phong cách ứng xử nơi công cộng của người Việt trở thành những thói quen lệch lạc được nghiễm nhiên chấp nhận vì chúng ta quá lười thay đổi.
Chúng ta có thể nhìn thấy sự lười biếng ở bất kỳ đâu xung quanh mình. Một người điều khiển xe máy có thể ngồi hàng giờ trong… toilet xem điện thoại, nhưng lại quá lười dừng đèn đỏ thêm 3 giây.
Một người lớn tuổi sống ở một khu chung cư văn minh, nhưng lười thay đổi, lười thích nghi và họ lấy cớ tuổi già để có thể thoải mái chen lấn ở siêu thị, hoặc những nơi công cộng khác yêu cầu xếp hàng nghiêm túc.
Một em nhỏ lười vận động, thay vì ra công viên chạy chơi lại chọn ngồi nhà dán mắt vào màn hình tivi.
Một bạn trẻ lười học tiếng Anh và rốt cuộc khi gặp người nước ngoài, bạn trẻ cười nói cợt nhả, đùa giỡn thiếu ý thức để che lấp đi sự dốt nát của mình.
Rất nhiều facebooker sẵn sàng ngồi cả ngày trên mạng share liên tục những câu nói hay của các vĩ nhân, những hình ảnh văn minh ở Mỹ, Nhật, Hàn, nhưng họ lại quá lười biếng để làm điều tương tự.
Chúng ta đang tạo ra một thế hệ lười biếng…
------------------------
http://soha.vn/nguoi-viet-dang-tao-ra-mot-the-he-luoi-bieng-20161011102118763.htm

4 thg 10, 2016

Bài Văn điểm 10 thi đại học ở Trung Quốc 2016

Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ

Dân trí “Hôm nay con đang ngồi trong trường thi tuyển sinh ĐH khốc liệt, rất có thể đường đời dài phía trước sẽ được viết bằng hoặc có sự thay đổi ngay dưới ngòi bút của con. Con chỉ muốn mượn dịp này muốn thưa với mẹ một câu rằng: lần này mẹ hãy để con là một người của chính con thực sự…”.
 >> Tranh luận về bài Văn “Nhà em không nuôi chó”
 >> Choáng với bài văn phân tích Truyện Kiều của "fan" Sơn Tùng M-TP
 >> Bài Văn điểm 10 mổ xẻ “mặt trái” của điểm số

Những dòng cảm xúc trên nằm trong bài văn 800 chữ đã đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi tuyển sinh Đại học của Trung Quốc năm 2016. Bài viết rất đáng suy ngẫm của nam sinh Quảng Đông, Trung Quốc được thầy giáo Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học Trường THPT Lương Thế Vinh, tỉnh Nam Định) dịch và giới thiệu trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ lớn của người đọc.
Qua hình thức một bức thư gửi mẹ, nam thí sinh đã mượn dịp này lần đầu “trút” nỗi lòng của một đứa con luôn được mẹ kỳ vọng trở thành người xuất sắc nhất. Một đề văn hay và một bài làm giản dị, súc tích, giàu cảm xúc, có khả năng “thức tỉnh” nhiều vị phụ huynh.
Dân trí đăng tải bài văn thi đại học đạt điểm 10 giới thiệu cùng quý độc giả, đặc biệt là các bậc cha mẹ!
Đề bài:
Trên một bức tranh châm biếm vẽ hai học sinh đang giơ số điểm thành tích bài thi lên, trên má một học sinh có in hình chiếc môi vừa hôn lên đó, trên má một học sinh khác in hằn cát tát của bàn tay… Yêu cầu: kết hợp nội dung và ngụ ý của bức tranh châm biếm, lựa chọn góc độ, lập ý và thể loại văn phải rõ ràng, tự đặt mệnh đề cho bài làm. Không được rập khuôn, không được sao chép. Làm bài văn trên 800 chữ.
Hình ảnh xuất hiện trong đề thi.
Hình ảnh xuất hiện trong đề thi.
Dưới đây là bài làm đạt điểm tối đa:
Bức thư gửi mẹ
Mẹ thân yêu!
Trước hết con xin mượn một câu danh ngôn như sau: “Con người có thể leo lên đỉnh cao của danh dự, nhưng lại không thể nào sống lâu dài ở trên đó”. Con biết rằng mẹ gửi gắm niềm hy vọng tha thiết vào con, mong con mãi mãi là người con xuất sắc nhất, con cảm thông trước tâm trạng của mẹ mong con có thể như cá chép hóa rồng, trên thế gian này có người mẹ nào mà không mong con cái mình trở thành người con xuất sắc? Nhưng hôm nay con muốn thưa với mẹ rằng, xin mẹ tha thứ cho con không thể lúc nào cũng có thể trở thành đứa con xuất sắc nhất.
Con nhớ hồi con còn nhỏ, mẹ luôn đem con ra so sánh với con cái của người khác... Con nhớ thằng em họ có khi đến nhà mình ăn cơm lại nói: “Nào… đứa nào ăn nhanh nhất nào”. Mỗi lần thấy con ăn xong nhanh nhất mẹ lại gật gật đầu hài lòng.
Con nhớ hồi con tập đàn piano, mỗi lần tập mẹ lại ngồi nghe con đánh cho đến lúc âm điệu các nốt nhạc dưới ngón con trở nên trôi chảy rồi mẹ mới mỉm cười hài lòng và cho phép con rời khỏi cỗ đàn. Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano. Mọi thứ đều từ kỳ vọng quá cao của mẹ.
Khi đứa bạn cùng lớp con cầm lá đơn thành tích được đánh giá trình độ trung bình mà vẫn hớn hở về nhà vì thành tích bạn đó có sự tiến bộ hơn. Nhưng trong lòng con thì lại hồi hộp vì mẹ yêu cầu con lần thi nào cũng phải đạt thành tích 95 điểm trở lên. Cho nên con mới lo sợ mặc dù thành tích của con đã rất tốt so với các bạn cùng lớp rồi.
Mẹ ơi, con mong mẹ có thể hiểu được mà cảm thông với con. Đôi khi áp lực cũng chính là động lực thật nhưng nhiều khi áp lực như quả trứng gà vậy. Trứng gà mà nứt mà bị nứt từ bên trong ra ngoài thì đó là sự sống nhưng trứng gà bị vỡ từ bên ngoài vào trong thì đó là sự diệt vong. Con mong được mẹ tôn trọng ý nguyện chân thật nhất của con từ trong nội tâm chứ không phải chỉ cứ gây áp lực cho con. Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu. Cũng như nhà tư tưởng nhà văn Pháp Rousseau nói: “Trước khi trẻ em khôn lớn nên người, thế giới tự nhiên mong muốn trẻ em được sống như những trẻ em thực sự”.
Đôi khi con cũng liên tưởng đến các hiện tượng “mẹ hổ cha sói” trong xã hội. Họ là những phụ huynh nghiêm ngặt nhất chỉ mong con cái mình từ nhỏ đã có thể giành thắng lợi ngay trên vạch xuất phát có thể khác hẳn so với số đông người. Thế nhưng con cảm thấy con cái của họ không có niềm vui thực sự.
Mẹ ơi, con biết, mẹ lúc nào cũng thương yêu con. Cái vẻ bên ngoài lúc nào cũng nghiêm nghị của mẹ chẳng qua cũng vì mẹ mong muốn con càng xuất sắc hơn mà thôi. Có lẽ mẹ nên chọn biện pháp khác để chỉ bảo hướng dẫn cho con, động viên con. Con càng mong muốn có thể thấy mẹ của mình là một người phụ nữ dịu dàng hiền hòa.
Hôm nay con đang ngồi trong trường thi tuyển sinh đại học, rất có thể con đường đời dài dằng dặc sau này sẽ được viết bằng hoặc có sự thay đổi ngay dưới ngòi bút của con. Con chỉ muốn mượn dịp này muốn thưa với mẹ một câu rằng: lần này mẹ hãy để con là một người của chính con thực sự. Bất kể kết quả ra sao con cũng không hối hận.
Cảm ơn mẹ!
Con trai mẹ.
(Bài làm của thí sinh ở Quảng Đông - Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2016 ở Trung Quốc)
***
Thầy Trịnh Quỳnh - người giới thiệu bài văn trên cho hay, vì quá ấn tượng với đề và cả bài làm nên anh đã quyết định dịch lại chia sẻ cùng mọi người.
Theo thầy Quỳnh, hướng ra đề văn này rất mở từ việc không giới hạn thể loại, không giới hạn số từ, không giới hạn về văn bản… Nhưng quan trọng nhất là đề thi hoàn toàn mở về cách nghĩ, thậm chí còn không có hướng dẫn chấm (điểm) cụ thể. Điều đó tạo nên những bài văn hoàn toàn khác nhau. Học sinh được nói lên tiếng nói của chính mình không câu nệ vào suy nghĩ quan điểm của người chấm chứ không phải là một bài giáo dục đạo đức đơn thuần.
Đánh giá về bài văn đạt điểm tuyệt đối của nam sinh Trung Quốc, thầy giáo trẻ cho biết, anh rất ấn tượng với lối hành văn giản dị nhưng chân thành, giàu cảm xúc. Đó là những suy nghĩ giản đơn nhưng khó nói, em học sinh mượn đề bài để chia sẻ tới phụ huynh của mình.
Đọc bài làm không ít phụ huynh phải giật mình vì đã tạo áp lực từ bên ngoài cho con em mình. Có những câu văn khiến chúng ta phải suy nghĩ lại: Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano; Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu; Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt… Qua đó người đọc có thể cảm nhận được sự dũng cảm khí dám nói lên tiếng nói riêng, sự trưởng thành trong suy nghĩ của tuổi trẻ.
Đặc biệt, bài văn nói về áp lực học tập là vấn đề không mới nhưng luôn “nóng” trong xã hội nhiều nước châu Á - nơi học sinh đều phải trải qua những kỳ thi đại học khốc liệt nhất.
“Nguyên nhân có thể do truyền thống thi cử lập thân lập danh trọng bằng cấp. Áp lực từ những bậc cha mẹ muốn con trưởng thành ngay từ vạch xuất phát, áp lực từ đánh giá dựa vào số điểm thành tích dành cho học sinh, giáo viên và ngay cả nhà trường phổ thông.
Nhiều học sinh chỉ biết học để đi thi còn thi xong để làm gì thì chưa trả lời được. Việc học để đi thi bỗng dưng trở nên vô ích. Học tập không phải vì mục đích thi cử, thi cử chỉ là cơ hội thể hiện mình”, thầy giáo Trịnh Quỳnh nêu quan điểm.
Bài văn đạt điểm tuyệt đối như một lời thức tỉnh cho nhiều phụ huynh châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nói về điều này, thầy Trịnh Quỳnh cho rằng: “Nhiều cha mẹ Việt ép con em phải tham gia các cuộc thi từ âm nhạc, thể thao... mong muốn các em đạt thành tích từ rất nhỏ mà không biết các em có thực sự đam mê. Nhiều em bị tổn thương khi bị loại khỏi các cuộc thi. Nhưng nhiều em tích lũy cho bảng thành tích của mình những giải thưởng, những hồ sơ toàn điểm mười, những bằng khen... khi mọi thứ bão hòa thì những con số đó trở nên vô nghĩa, thậm chí là có hại”.
Lệ Thu

Hai bức ảnh: Sửa xe miễn phí và thùng cá chết

(Người Việt) - Ngay trong những ngày mưa ngập ở Sài Gòn, đã có rất nhiều tấm biển “Cứu hộ sửa chữa xe máy bị ngập nước cho bà con miễn phí” được dựng lên.

Hai buc anh: Sua xe mien phi va thung ca chet
Bức ảnh chụp tấm biển sửa xe miễn phí ở Sài Gòn.
Ngày hôm qua có 2 bức ảnh khiến mạng xã hội dậy sóng, và thật vô tình là nó đem đến những cảm xúc trái ngược, phẫn nộ và cảm động, buồn và vui, xấu hổ và tự hào. Đó là 2 bức được chụp ở 2 thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tấm ảnh ở TP. Hồ Chí Minh khiến ai nhìn vào cũng thấy ấm lòng, đó một quãng đường ngập nước có dựng tấm biển bằng gỗ ép cong vênh, trên biển ghi dòng chữ mộc mạc: ““Cứu hộ sửa chữa xe máy bị ngập nước cho bà con miễn phí”. Tấm ảnh được lan truyền, được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, ai cũng cảm động với những câu cảm thán: “Đẹp quá Sài Gòn ơi”; “Tự hào là người dân Sài Gòn”; “Một tấm ảnh khiến lòng ấm áp”.
Hai buc anh: Sua xe mien phi va thung ca chet
Hai thanh niên đang lấy cá từ thùng rác bỏ vào thùng xốp. Ảnh: facebook
Tấm ảnh ở TP Hà Nội chụp một đôi thanh niên nam nữ đeo khẩu trang kín mặt, đứng bên chiếc xe chở rác đầy cá chết cạnh Hồ Tây, cạnh đó là những thùng xốp đã được dán băng dính. Hai người này lấy cá chết để cho vào thùng xốp. Nhiều bài báo cho biết, khi bị phát hiện, hai người này đã bỏ trốn, vứt lại đống tang vật là thùng xốp.
Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, tại sao đã có lệnh cấm sử dụng cá chết ở Hồ Tây làm thực phẩm, làm thức ăn gia súc, ấy vậy mà những người này vẫn cố tình lấy cá chết cho vào thùng xốp để vận chuyển đi đâu? họ làm gì với những con cá chết ấy, có tổn hại đến cộng đồng không?
Rõ ràng, đặt hai bức ảnh bên cạnh nhau, chúng ta sẽ rất dễ có một phép so sánh về thái độ ứng xử với cộng đồng. Nếu như bức ảnh chụp ở TP. Hồ Chí Minh khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng vì cái tình đồng bào dành cho nhau khi hoạn nạn thì bức ảnh chụp ở Hà Nội lại đem đến những cảm giác tái tê, nghi hoặc, thậm chí là phẫn nộ.
Cũng trong ngày hôm qua, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã trao bằng khen cho 3 thanh niên có hành động đẹp với cộng đồng, đó là mang đồ nghề sửa xe máy ra tình nguyện sửa xe miễn phí cho người dân trong cơn mưa ngập trên đường Phan Huy Ích (nối giữa quận Tân Bình với quận Gò Vấp) vào chiều tối 3-10.
Đó là các bạn trẻ Phạm Như Thắng ,Nguyễn Tài Dũng, Nguyễn Mạnh Cường hiện đang trọ trên đường Nguyễn Sỹ Sách (P.15, Q. Tân Bình).
Cuộc sống sẽ đẹp hơn nhờ những hành động đẹp, biết sống vì cộng đồng của những thanh niên này. Chỉ là những nghĩa cử nho nhỏ, giúp người dân sửa xe chết máy vì cơn mưa ngập nước, nhưng rõ ràng, hành động của họ đem đến rất nhiều niềm hy vọng vào cái thiện, cái đẹp cho chúng ta.
Làm sao để nhân lên những hành vi đẹp, đùm bọc ấm áp sẻ chia và giúp đỡ “người dưng” giữa cơn hoạn nạn. Làm sao để bớt đi những vụ lợi, bất chấp tất cả, chỉ vì chút lợi ích nhỏ mà ngang nhiên làm việc xấu, đó là một nghĩa vụ không của riêng ai.
Bức ảnh chụp những thùng xốp đựng cá chết, là những dấu hỏi nghi ngại về cái thiên lương trong sáng của con người trong thời buổi hiện nay.
  • Mi An