16 thg 3, 2021

Hướng dẫn HS Lớp 10 ôn tập Tháng 2/2021

 

Hướng dẫn HS 10 tự học tháng 2/2020

HS nghe lại bài giảng để tìm hiểu về tác phẩm – Khi vào học chính thức GV trên lớp sẽ hướng dẫn các em luyện tập vận dụng những kiến thức trong bài giảng để chuẩn bị làm bài  kiểm tra giữa kỳ 2 sau khi đi học trực tiếp lại nhé!. Chúc các em tiếp thu được những cái hay, cái mới về nội dung và nghệ thuật của những áng thơ, văn đã lưu danh cho đến nay và mãi mãi mai sau...

Khối 10 tháng 2/2021
Tuần
Tác phẩm
Link
1
Bạch Đằng giang phú - đọc TP
Bạch Đằng giang phú  - Bài giảng
2
Đại cáo bình ngô - đọc tp
Đại cáo bình ngô – Bài giảng
3
Hiền tài là nguyên khí quốc gia

4
Chuyện chức phán sự đền Tản viên

26 thg 6, 2020

“Người ta chỉ cúi đầu trước tài năng nhưng quỳ gối trước lòng tốt”


(Dân trí) - Bức ảnh về nụ cười trên khuôn mặt người phụ nữ đánh giày khi đến với điểm cung cấp nước uống miễn phí tại Hà Nội được đăng tải trên Dân Trí ngày 25/6 như đã xua đi cái bức bối, nóng nực của mùa hè.


“Người ta chỉ cúi đầu trước tài năng nhưng quỳ gối trước lòng tốt” - 1

Không rõ ai là người đã “phát minh” ra sáng kiến về những điểm cung cấp nước uống miễn phí này và dù là ai đi chăng nữa, người viết vẫn muốn bày tỏ sự biết ơn lẫn sự ngưỡng mộ với những tấm lòng thảo thơm, hào sảng, những người đang ngày ngày cố gắng gieo lên những hạt mầm của sự tử tế, lan toả thông điệp về tình người.
Họ không chỉ là những người cấp nước miễn phí, họ còn là những người bán cơm 5 nghìn, là những người phát cháo từ thiện, những chủ ATM gạo, là bất cứ ai có trái tim ấm nóng ở quanh ta.
Không hiểu sao khi nhìn những gương mặt đẫm mồ hôi nhưng ánh mắt rạng ngời bên những bình nước mát miễn phí đặt trên lề phố, lòng tôi bỗng ngân lên một giai điệu cũ, một bài hát cũ của nhạc sĩ Trần Tiến:
“Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi.
Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình nguời thôi…”
Có thể, xét về giá trị vật chất, những thùng nước khoáng, trà đá, vối đá… không lớn lắm, nhưng sự “miễn phí” xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ và hướng đến cộng đồng, hướng đến đúng đối tượng là những người lao động phổ thông… thì lại trở thành món quà vô giá.
Không ai có thể định giá được lòng tốt, không ai có thể định giá được những điều tử tế, tốt đẹp.
Người ta có thể vào cửa hàng và mua một bình nước khoáng với giá hơn 50 nghìn đồng, nhưng cũng là bình nước ấy, sẽ không thể định giá được bằng tiền khi làm từ thiện, khi cung cấp miễn phí cho người dân lao động… vì trong từng giọt nước ấy có tình người vô giá.
Bởi vậy, khi làm điều tốt, không cần suy nghĩ quá nhiều, rằng như vậy đã đủ hay chưa, có ít quá hay không… Dẫu là một cây kẹo hay một chiếc bánh mì, một cốc nước lọc… bất cứ thứ gì có ích khi được cho đi, nghĩa là đã nhân giá trị của những vật chất đó lên trở thành vô cùng. Con người ta, ai cũng đều trở nên đẹp hơn, cao quý hơn khi biết cho đi, biết cảm thông và chia sẻ.
Có một câu nói của nhà văn Pháp Victor Hugo mà nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập Dân Trí, người thuyền trưởng của chúng tôi vẫn luôn nhắc đến: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.
Ông cũng đề cập đến triết lý sống của vị cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill: “You make a living by what you get , but you make a life by what you give“ (Tạm dịch: “Nhận để sống, nhưng “cho” mới là thật sống một đời đáng sống).
Lòng tốt, tình thương… chính là những giá trị làm nên một con người xã hội, một con người trọn vẹn với những ý nghĩa nội hàm của câu chữ.
Cũng chính vì vậy, chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” của Dân Trí vẫn luôn luôn được duy trì và phát triển, góp phần đánh thức, khơi dậy lòng trắc ẩn và tình yêu thương đồng bào từ sâu thẳm trong trái tim mỗi con người trong xã hội, giữa cuộc mưu sinh ồn ào với những hoàn cảnh sống đáng thương của những người mắc bệnh hiểm nghèo không nơi nương tựa, những phòng học tan hoang giữa núi rừng, những học sinh chân trần hàng ngày phải lội sông đến trường tìm chữ…
Tôi đã từng chứng kiến những cụ già lưng đã còng, nhưng em bé còn đi học, những người lao động chân chất đến tận toà soạn góp từng 50 nghìn, 100 nghìn đồng để ủng hộ cho những hoàn cảnh bất hạnh. Rất nhiều người trong đó thậm chí không ghi tên, không cần hồi đáp, họ âm thầm đóng góp những điều thiện.
Cuộc đời này trở nên tươi sáng hơn, ấm áp và nhẹ nhõm hơn bởi những tấm lòng nhân ái.
Và cũng chính nhờ những tấm lòng nhân ái ấy, khi nương dựa và tiếp sức cho nhau, con người ta càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Hàng trăm, hàng nghìn số phận éo le đã được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua hoàn cảnh để vươn lên.  
Tương tự, tình yêu thương và quan tâm lẫn nhau cũng sẽ làm nên sức mạnh để tất cả chúng ta cùng vượt qua khó khăn của thời kỳ bệnh dịch Covid-19, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Xin được một lần nữa “người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.
Bích Diệp

25 thg 5, 2018

Bức thư xúc động của cô giáo gửi học trò trong lễ trưởng thành

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/buc-thu-xuc-dong-cua-co-giao-gui-hoc-tro-trong-le-truong-thanh-453157.html


 - Dưới đây là toàn văn bức thư cô giáo Nguyễn Minh Ngọc (giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM) gửi học sinh lớp 12 nhân ngày lễ tri ân và trưởng thành. 
Nghe đọc trích đoạn thư:

Các con thương yêu!
Khi đặt bút viết những dòng thư này cho các con, bỗng dưng trong tâm trí thầy cô xuất hiện hình ảnh các con của nhiều năm về trước. Sự rụt rè, ánh mắt ngơ ngác năm lớp 6, những giọt nước mắt chia tay bạn bè năm lớp 9, cảm giác lạ lạ, quen quen khi thay màu đồng phục năm lớp 10, hành trình gắn kết trong thương yêu những năm lớp 11, 12.
Chặng đường chúng ta đã đi qua, cùng với nhau, là phần đẹp nhất, là thanh xuân trong cuộc đời mỗi chúng ta. Và vì chúng ta đã sống cùng nhau trọn vẹn niềm yêu thương nên ngày chia tay hãy để nụ cười ghi dấu thay giọt nước mắt.
Trong giờ phút này, thầy cô bỗng muốn nói với các con nhiều thật nhiều. Bởi đây là ngày cuối, còn được dặn dò đàn con nhiều như thế.
Đầu tiên, cô muốn nói về 3 điều con cần ghi nhớ, 3 điều con không được quên trong cuộc đời con.
Điều thứ 1: Con là một người BÌNH THƯỜNG.
Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường.
Con nhớ đừng quên điều này để con không bị áp lực với bản thân. Con không đặt ra cho mình những điều to tát mà bỏ qua đi bao khoảnh khắc đáng trân quý mà mội người bình thường cần trải nghiệm. Như ánh nắng lấp lánh sau cơn mưa, như nụ cười rạng rỡ của ai đó, như bữa tối quây quần bên ba mẹ, như một ngày mắt mẹ cười đã xuất hiện nếp nhăn.
Con nhớ đừng quên điều này để con biết xây cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhặt. Những cái nhỏ sẽ dần tích lũy theo tháng năm và tạo nên những cái lớn hơn. Kì tích không tự nhiên xuất hiện, nó là phần nổi của tảng băng trôi mà phần chìm là bao nỗ lực, khó khăn, bao thất bại, sai lầm ta phải trả, cho một thành công nào đó.
Hãy nhớ, con là một người BÌNH THƯỜNG nhưng con là một người BÌNH THƯỜNG TỬ TẾ.
Điều thứ 2: Con phải luôn sống là CHÍNH MÌNH.
Chắc con còn nhớ vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ? Bi kịch sống khác mình, sống không được là mình thật đau đớn, giằng xé phải không con?
Khi sống là chính mình, con sẽ luôn nhẹ nhõm, sẽ luôn an vui, sẽ luôn cảm nhận được hạnh phúc.
Sống là chính mình cũng giống như con bơi theo dòng chảy, nước sẽ nâng đỡ con.
Sống khác với chính mình giống như con vật lộn với dòng nước ngược, vất vả và mệt nhọc.
Cô tặng lại các con lời bài hát “bông hoa duy nhất trên thế gian” của người Nhật Bản nhé:
“…Là bông hoa duy nhất có mặt trên thế gian này
Mỗi chúng ta đều có hạt giống của riêng mình
Vì vậy hãy cố gắng hết mình
Để những hạt giống nở rộ thành hoa
Những bông hoa dù lớn hay nhỏ
Chúng không hề ganh đua xem hoa nào đẹp nhất
Tất cả đứng chung trong một cái lọ
Xinh đẹp và kiêu hãnh biết bao
Bạn chẳng cần phải trở thành số một
Bắt đầu với việc là chính mình
Bạn đã là người đặc biệt…”
Hãy nhớ, luôn là chính mình vì con luôn RIÊNG BIỆT & CÓ GIÁ TRỊ.
Điều thứ 3: Con có thể SAI
Ai trong chúng ta chẳng từng nghĩ sai, làm sai, quyết định sai.
Ai trong chúng ta mà chẳng có những lúc nghĩ đến các từ: giá như, nếu như, ước gì, biết thế….
Nhưng chính những cái sai đó dạy ta về cái đúng, cái sai giúp ta lớn lên, trưởng thành và điềm tĩnh hơn.
Vậy đó, đừng dằn vặt nếu con sai, nếu con làm điều không đúng.
Thay vì hướng tâm vào quá khứ và nhân lên nhiều lần cảm giác chán ngán, thất vọng vì con đã sai, hãy học cách nhìn thẳng vào nó, chấp nhận nó và vượt lên nó.
Tất nhiên, có cái sai không sửa được. Chỉ có thể sửa bằng cách buông bỏ nó ra khỏi tâm trí con để bù vào bằng một việc làm đúng đắn khác.
Hãy nhớ, tuổi trẻ, con có thể SAI để con TRƯỞNG THÀNH trong những cái sai.
Và bây giờ, thầy cô sẽ chuyện trò riêng với các con gái, con trai đây.
Gửi các cô con gái của cô!
Chắc các con không biết rằng, mình là những người phụ nữ đi vào lịch sử.
Bởi vì các con chính là những người phụ nữ đầu tiên, những người phụ nữ thực sự của thế kỉ 21, bằng con số năm sinh 2000.
Và cô, bỗng dưng trở thành người phụ nữ của thế kỉ 20, của thế kỉ trước. Cô bắt đầu nhận ra sự khác biệt của 2 thế hệ. Vì vậy, cô muốn nói với các con gái, những điều người phụ nữ thế kỉ 21 nên biết, nên thay đổi.
Thứ nhất là: con cần học cách yêu thương bản thân. Yêu mình, sâu sắc và đầy tự trọng.
Thế hệ phụ nữ như mẹ con, như các cô được dạy nhiều về sự hy sinh, sự quên mình đi cho gia đình và người khác nhưng lại ít được dạy phải yêu thương và chăm sóc tốt cho bản thân mình.
Khi con yêu thương bản thân con, con sẽ yêu thương cả thế giới.
 
Khi con trân trọng thân thể con, cái thân thể ba mẹ đã trao cho con, con sẽ học cách bảo vệ bản thân, học cách không để cho bất cứ ai làm điều tổn hại đến mình.
Khi con thương con, con có thể vẫn hy sinh vì người khác, nhưng con không hy sinh mù quáng, không mải miết chạy theo những cảm xúc của người khác đến quên cả bản thân.
Thứ hai là: Con cần học cách tự chủ và độc lập
Phụ nữ xưa được dạy về đạo “Tam tòng”, cả cuộc đời chỉ làm một cái bóng đi theo những người đàn ông trong gia đình: cha, chồng, con. Dần dần, họ quên mất mình là ai, đến cả cái họ tên gọi, có khi họ cũng lãng quên nó. Như cô không biết tên thật của bà nội, bà ngoại cô bởi mọi người xung quanh vẫn gọi bà bằng tên của ông, dù ông đã mất từ lâu lắm.
Thế hệ các con phải thay đổi điều đó: thay đổi cảm giác phụ thuộc, thay đổi tư duy trông chờ, thay đổi cuộc đời làm cái bóng…
Khi con tự chủ trong cuộc sống, độc lập trong cảm xúc, thì dù ai đó có cố tình làm tổn thương con, con vẫn không gục ngã. Bởi con đang đứng trên đôi chân của chính mình, biết mình là ai, mình sống để đi theo những mục tiêu nào.
Thứ ba là: Hãy làm con đẹp lên trong nhan sắc, tâm hồn và trí tuệ.
Thước đo cho giá trị của người phụ nữ xưa là “công, dung, ngôn, hạnh”. Điều này thì cô thấy đúng. Đến bây giờ, xã hội nhiều đổi thay, lịch sử luôn vận động, ý thức nữ quyền nâng cao hơn nhưng giá trị và cái đẹp ở một người phụ nữ, vẫn nằm trong 4 tiêu chí đó.
Vậy nên, con hãy tăng giá trị bản thân bằng cách không ngừng làm cho mình đẹp hơn với chữ “dung”, mình vững vàng hơn với chữ “công”, mình dùng ái ngữ nhiều hơn trong chữ “ngôn”, mình có những phẩm chất, thói quen tốt hơn với chữ “hạnh”.
Để những người phụ nữ thế kỉ 21 của thầy cô, luôn luôn là những đứa con bình an và hạnh phúc.
Đôi lời tâm sự với các chàng trai!
Hôm nay, thầy muốn nói với các con như một người cha nói với con, vừa như một người đàn ông trò chuyện với những người đàn ông.
Điều đầu tiên, cuộc sống luôn là hành trình DẤN THÂN, các chàng trai ạ.
Nếu Cristoforo Colombo không dấn thân trong một hành trình nhiều thách thức, ông sẽ không tìm ra châu Mĩ.
Nếu Neil Armstrong không dấn thân trong hành trình lên mặt trăng, nhân loại sẽ không có được những hiểu biết về cái ông trăng thi sĩ từng mơ mộng, vẽ cho nó đủ các tưởng tượng khác nhau.
Cuộc sống, với chúng ta, là hành trình trải nghiệm, khám phá, khi con dấn thân, thế giới trong con sẽ mở rộng dần. Và thầy luôn có niềm tin các con trai của thầy sẽ bản lĩnh, kiên cường, tự tin trên hành trình đó.
Điều thứ hai, cuộc sống luôn đòi hỏi con TƯ DUY và HÀNH ĐỘNG.
Con là chàng trai của thế kỉ 21, thế hệ đương đầu với cách mạng 4.0.
Hẳn nhiên, con sẽ hiểu rằng đối thủ của con bây giờ không chỉ là con người, mà là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ, là những biến động và thử thách trong một thời đại luôn phát sinh, phát triển cái mới.
Do đó, sức mạnh của một người đàn ông không nằm ở cơ bắp, ở khả năng đổi núi dời non nữa, con trai ạ.
Sức mạnh thực sự của một người đàn ông nằm ở khả năng con tư duy, con phán đoán, con đưa quyết định, nằm ở hành động, khả năng thích ứng với sự đổi thay, với áp lực của con.
Để có được sức mạnh này, con cần Trí, con cần Dũng, con cần một tầm nhìn trông xa thấy rộng. Đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào học tập, trưởng thành, cọ xát để nâng tư duy và hành động của con lên. Mỗi lần định mở máy cày game, buôn điện thoại, hãy nghĩ về điều thầy đã nói, con nhé.
Điều thứ ba: Cuộc sống cần con tinh thần ĐỐI MẶT, CHỊU ĐỰNG NGHỊCH CẢNH
Nếu thầy nói ra điều này, con có ngạc nhiên không, đàn ông chúng ta có khả năng chịu đựng rất thấp, trong khi kiên nhẫn, dẻo dai là tố chất vốn có ở người phụ nữ.
Điều này đã được lập trình sẵn trong gen di truyền từ thưở xa xưa của nhân loại.
Chúng ta rất cao lớn, rất phong độ. Nhìn đôi bờ vai rộng, chắc chắn, cơ bắp cuồn cuộn của chúng ta, chúng ta cứ nghĩ mình có thể vỗ ngực nói với một ai đó trong tương lai rằng “cứ dựa vào anh, thế giới để anh lo”.
Thế nhưng càng đối mặt với nhiều nghịch cảnh, những điều bất như ý, ta lại nhận ra sức chịu đựng của người phụ nữ thật phi thường. Theo thống kê, 67% nạn nhân ra đi trong nạn đói năm 1945 là đàn ông. Khả năng chiến thắng nghịch cảnh đó ở người phụ nữ lớn hơn đàn ông tới 2 lần.
Vậy nên mỗi lần con bị đau trong cơ thể, con hãy nhớ lại cơn đau của mẹ, cơn đau tương đương với việc gãy 20 cái xương sườn, trong phút giây mẹ trở dạ sinh con. Nhớ được như thế, con sẽ thấy mình nên học mẹ sự nhẫn nại, sự kiên trì để đi qua khó khăn.
Ngày còn bé, thầy rất sợ biển. Mỗi lần ra biển, thấy con sóng lớn ập tới, thầy quay lưng lại và ngã dúi dụi, có khi bị nhấn chìm trong nước.
Cho tới một ngày, bố thầy đã chỉ thầy rằng, cách duy nhất để hết sợ sóng là đối mặt với nó, quan sát nó khi nó ập tới và nhảy lên trên con sóng khi nó xô vào bờ, từ đó, thầy thích cảm giác nhảy lên từng con sóng.
Và thầy mong các con trai, trong mọi nghịch cảnh, hãy nhớ về cách mẹ sinh ra ta, về con sóng ta đã nhảy qua để lấy sức mạnh, khả năng chịu đựng mà đối đầu với nghịch cảnh ấy.
Con rất nhiều điều, thầy cô muốn nói cùng các con nhưng biết nói bao nhiêu cho đủ. Mong các con hãy nhớ 3 điều chung và 3 điều riêng dành cho các con trai, con gái vậy.
Còn 1 điều nữa, điều quan trọng nhất, điều mà con đừng quên trong bài phát biểu dài này, điều ấy là: THẦY CÔ YÊU TẤT CẢ CÁC CON ! 
Nguyễn Minh Ngọc 

18 thg 6, 2017

“Thành tích như chiếc lá, đừng để lá che mắt”.

“Thực ra, học sinh như gốc cây đang trưởng thành, thành tích như những chiếc lá trên cây. Không nên vì lá cây xanh tươi đẹp mắt mà quá vui mừng hớn hở, càng không nên vì lá cây không đẹp mắt mà phủ nhận hết rồi ra tay phạt thẳng thừng…”.
 >> Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ

Đoạn văn trên trích dẫn từ bài văn thứ 2 đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh Đại học tại Trung Quốc năm 2016.
Liên quan tới đề văn mở và giàu hình ảnh của kỳ thi tuyển sinh Đại học tại Trung Quốc năm 2016, có tổng cộng 3 bài văn đạt điểm 10. Ngay sau khi đăng tải, bài văn số 1 - “Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ” đã nhận được sự chia sẻ, phản hồi của hàng nghìn bạn đọc cả nước, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Kỳ vọng thái quá, áp lực nặng nề của cha mẹ lên con trẻ dường như vẫn diễn ra ở nhiều gia đình Việt Nam. Đề văn và bài làm của thí sinh Trung Quốc có lẽ vì thế trở nên rất gần, khiến nhiều ông bố bà mẹ Việt "thức tỉnh".
Câu chuyện về thành tích và áp lực của phụ huynh lên học sinh rất đáng suy ngẫm. Dân trí giới thiệu tiếp tới bạn đọc bài văn số 2 (trong số 3 bài) đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi ĐH tại Trung Quốc 2016.
Bài văn có tiêu đề  Thí sinh đạt điểm 10 đã ví thành tích/điểm số/giải thưởng của con trẻ ở trường lớp như lá cây. Nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm nhìn vào chiếc lá để đánh giá sự trưởng thành của con mình (vốn như một cái cây)…
Mời bạn đọc tham khảo và bàn luận.
Hình ảnh trong đề Văn mở thi Đại học của Trung Quốc năm 2016.
Hình ảnh trong đề Văn mở thi Đại học của Trung Quốc năm 2016.
Bài làm thứ hai đạt điểm 10 tuyệt đối:
Thành tích như lá, đừng để lá che mắt…
Trong bức tranh châm biếm, học sinh A đạt 100 điểm liền được thưởng một nụ hôn, nhưng thành tích sau đó chỉ vì 98 điểm liền bị phạt bằng cái tát tay. Học sinh B ban đầu chỉ đạt có 55 điểm nên trên mặt bị in hằn bàn tay của cái tát, sau đó thành tích nâng lên 61 điểm liền được thưởng một nụ hôn.
Xem xong bức tranh châm biếm này, bất giác phải đăm chiêu suy nghĩ, chỉ vì thành tích số điểm tăng giảm nhất thời mà được thưởng hoặc bị phạt như vậy, quả thực là quá sai lầm. Thực ra, học sinh như gốc cây đang trưởng thành, thành tích như những chiếc lá trên cây. Không nên vì lá cây xanh tươi đẹp mắt mà quá vui mừng hớn hở, càng không nên vì lá cây không đẹp mắt mà phủ nhận hết rồi ra tay phạt thẳng thừng, đừng nên bị lá che mắt.
Học sinh trong quá trình trưởng thành, không phải chỉ có học tập, không phải chỉ có số điểm, mà nên còn có "niềm hứng thú và những mục tiêu xa". Nhưng trong môi trường lớn chỉ nhằm vào số điểm thành tích mà đánh giá tốt xấu, học sinh buộc phải theo đuổi thục mạng cho làm sao để có thể nâng cao số điểm, không được thụt lùi một chút nào hết, thậm chí còn bị đòi hỏi khắt khe thành tích phải đạt điểm tối đa.
Thành tích như chiếc lá che mắt nhiều bậc phụ huynh…
Thành tích như chiếc lá che mắt nhiều bậc phụ huynh…
Đây là hành vi trái với quy luật, quá trình trưởng thành của học sinh cần có sự từng trải của hạnh phúc càng cần có những trải nghiệm của khó khăn và trắc trở. Trong quá trình học tập, học sinh phải có nhận thức cần phải bỏ mồ hôi ra, cũng nên biết rằng không phải sau mỗi lần cố gắng đều có thể tiến bộ được ngay tức khắc. Nên biết rằng sự tiến bộ chưa chắc đã có sự thể hiện ngay bằng điểm số thành tích, nên biết rằng số điểm thành tích lúc lên lúc xuống là hiện tượng bình thường. Chỉ có cố gắng học tập một cách bền bỉ, không ngừng tích lũy mới có thể khiến chính mình trưởng thành hơn, mới có thể nở hoa kết trái của nhân sinh.
Cha mẹ là những người hết sức quan trọng trong cuộc sống của con cái. Làm sao cha mẹ có thể đánh giá một cách tùy ý số điểm của thành tích mà bất chấp sự phát triển toàn diện của con cái mình.
Học sinh tựa như một gốc cây, thành tích học tập như lá cây vậy phụ huynh đừng nên bị lá cây che khuất mắt. Cũng như hiện tượng nói trên, tại Trung Quốc các trường Trung học và Tiểu học phải đương đầu với nhiều áp lực về tỉ lệ học sinh thi đỗ lên các cấp, nhiều khi vì thành tích số điểm của học sinh mà như lá che khuất mắt vậy. Ví dụ như tương đối phiến diện trong đánh giá trình độ dạy học của giáo viên, thường chỉ đánh giá giáo viên bằng thành tích thi cử trong giai đoạn cuối kỳ nào đó của lớp học do họ phụ trách mà không trông thấy những công sức miệt mài đổ mồ hôi vất vả của giáo viên trong thường ngày. Càng không thấu hiểu những trăn trở của giáo viên nơi bục giảng. Cũng như vậy thôi việc giảng dạy của giáo viên không chỉ giới hạn trong điểm số của học sinh. Giáo viên cũng như gốc cây vậy thành tích như lá cây, nhà trường đừng bị lá cây che mắt.
Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt. Tất nhiên con người khó tránh khỏi giới hạn bởi các sự vật bên ngoài che khuất. Bất cứ sự vật nào cũng cần có tiêu chuẩn cân đo bằng các con số nhất định nhưng không thể chỉ nhằm vào các chỉ số mà không thể thấy được toàn diện và tổng thể. Nên cần có tiêu chuẩn đánh giá và phương thức bình phẩm đa nguyên và toàn diện mới tránh khỏi hiện tượng bị lá che mắt.
(Bài làm của thí sinh tỉnh Giang Tây, Trung Quốc)
***
Là người thông thạo tiếng Trung, thầy giáo Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học tại tỉnh Nam Định) cho biết, bắt đầu từ ngày 7/6 vừa qua, hơn 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc đã bước vào kỳ thi Cao khảo. Đây là căn cứ để xét tuyển vào các trường Đại học và Cao đẳng.
Theo đó từ năm 2017, đã có 27 tỉnh và các sở lựa chọn đề chung của Bộ Giáo dục nước này. Năm 2017 cũng được coi là năm đầu tiên tuyển sinh Đại học theo lối mới, trong đó các trường ở Chiết Giang, Thượng Hải đã đi đầu trong việc tuyển sinh này với nhiều tiêu chí lựa chọn, thời gian tuyển chọn 2 lần một năm nhằm mở rộng cơ hội trúng tuyển cho các ứng viên.
Để giải tỏa những áp lực thi cử, các bạn học sinh lại có dịp chia sẻ những bài văn đạt điểm tối đa năm 2016 để cùng tham khảo và học hỏi. Trong đó có nhiều bài làm gây ấn tượng về cách thức lập luận, tư duy mới mẻ và giàu cảm xúc.
“Bài làm trên đây là một minh chứng khi bàn về vấn đề điểm số và thành tích trong giáo dục khiến nhiều người phải suy ngẫm, nhất là các bậc phụ huynh, giáo viên và những người làm giáo dục”, thầy Trịnh Quỳnh chia sẻ.
Lệ Thu