28 thg 4, 2015

Làm gì để giáo dục lối sống cho thế hệ trẻ?

Phải dạy cho người trẻ 5 cái... tự

Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay có nhiều vấn đề mà các nhà giáo dục, các nhà quản lý cần phải quan tâm nhiều hơn.

Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần: Phải dạy cho người trẻ 5 cái... tự - ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm
Tiến sĩ Lâm nói: Chúng ta bàn nhiều về sự vô cảm - thái độ sống ích kỷ của giới trẻ, nhưng thực ra điều đó hiện diện phổ biến trong người lớn chúng ta.
Xã hội không được tổ chức một cách khoa học, đó là cái nguy hiểm nhất hiện nay mà chúng ta đang đối mặt. Chúng ta vẫn níu giữ những chuẩn mực, những cách làm cũ trong khi đó điều kiện giao lưu quá hiện đại, quá nhanh.
Đã vậy, chúng ta không chịu để công nghiên cứu, dự báo và có những giải pháp tương xứng với sự phát triển của xã hội. Thường chúng ta phải chạy đuổi theo các sự vụ. Ví dụ mới đây nhất là vụ “vỡ trận” ở công viên nước Hồ Tây. Lỗi là ở khâu tổ chức quản lý.
Ngay từ đầu anh không lường hết được những hiện tượng xã hội sẽ xảy ra khi tổ chức một sự kiện, kèm theo đó là anh bị tước mất hoàn toàn khả năng kiểm soát khi có chuyện. Chuyện nhỏ thôi nhưng qua đó cho thấy vấn đề tổ chức xã hội của chúng ta rất thiếu bài bản, thiếu khoa học. Tôi nói vậy không phải để bênh giới trẻ mà là để hiểu rõ vì sao người trẻ họ lại hành xử như thế và làm thế nào để giải quyết!
Có nghĩa là những biểu hiện vô văn hóa, thái độ ích kỷ của người lớn trong xã hội ngày nay phổ biến hơn xã hội trước đây?
Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần: Phải dạy cho người trẻ 5 cái... tự - ảnh 2
Không hẳn là vì người lớn ngày xưa “tốt” hơn người lớn ngày nay. Bạn phải hiểu rằng do các điều kiện sống ngày trước rất khác bây giờ nên cách sống của con người khi đó là “sống chậm”. Dân số Hà Nội nay đông gấp 5 - 7 lần ngày xưa, trong khi các điều kiện hạ tầng cũng như quản trị xã hội phát triển không tương xứng. Hơn nữa trước đây, cái bao trùm xã hội là văn hóa làng xã, người dân bị chi phối - quản lý bởi xã hội tại cộng đồng dân cư. Giờ xã hội phát triển, đòi hỏi phải thay cách tổ chức quản lý khác trong khi chúng ta vẫn dùng “lệ làng”.
Vậy phải làm thế nào để điều chỉnh xã hội cũng như giới trẻ?
Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần: Phải dạy cho người trẻ 5 cái... tự - ảnh 3
Xã hội không được tổ chức một cách khoa học, đó là cái nguy hiểm nhất hiện nay mà chúng ta đang đối mặt. Chúng ta vẫn níu giữ những chuẩn mực, những cách làm cũ trong khi đó điều kiện giao lưu quá hiện đại, quá nhanh
Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần: Phải dạy cho người trẻ 5 cái... tự - ảnh 4
 Giáo dục phải đóng vai trò thiết yếu. Giáo dục ở đây bao gồm: gia đình và xã hội chứ không chỉ chĩa mũi dùi vào nhà trường. Phải xây dựng và duy trì được nếp sống của cộng đồng tương thích với sự phát triển của đời sống xã hội.
Hệ thống văn bản pháp luật và khả năng kiểm soát nó trong văn hóa ứng xử. Từ trước đến nay, chúng ta đưa ra nhiều chương trình, nhiều chủ trương nhưng lại không làm được đến nơi đến chốn.
Rất nhiều băng rôn, loa đài… nhưng không đi vào người dân, không phục vụ cho lợi ích của họ, không có một thiết chế để duy trì ở mức độ tối thiểu những gì chúng ta quy định. Ví dụ như vấn đề an toàn giao thông, vừa rồi dấn thêm một bước là buộc trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm - việc này rất đúng đắn, nhưng với những người lớn không đội mũ thì sao, tại sao chúng ta không giải quyết được triệt để tình trạng người lớn tham gia giao thông bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm ?
Nhưng thưa tiến sĩ, gần đây dư luận xã hội cũng đã thường xuyên đặt vấn đề vai trò của giáo dục gia đình đối với các biểu hiện tiêu cực ở giới trẻ…
Đặt vấn đề như thế là đúng. Giáo dục gia đình của chúng ta đã và đang bị phá vỡ. Nó vừa do tác động của đời sống xã hội, số gia đình ly hôn ngày càng nhiều, rồi phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc đã ảnh hưởng không nhỏ tới nề nếp của mỗi gia đình.
Người nghèo thì phải bươn chải mưu sinh nên bỏ mặc con cái đã đành mà người giàu thì lại nảy sinh xu hướng dùng tiền để giải quyết các mối quan hệ xã hội, cả hai điều này đều không mang lại sự tốt đẹp cho con cái. Chúng ta chưa báo động đủ mức cần thiết cho người dân hiểu giá trị của giáo dục gia đình. Châu Âu một thời cũng đã để cho con người phát triển tự do cá nhân theo hướng thái quá, nhưng sau này họ đã quay lại với giá trị của giáo dục gia đình. Nhưng bỏ mất thì dễ, quay lại là rất khó.
Cái đáng lo ngại là ngoài yếu tố đời sống thì đang có sự bất ổn trong nhận thức của các gia đình về tầm quan trọng của mối liên kết - tương tác các thành viên trong một gia đình. Mỗi người một smartphone, iPad; mỗi người sống một kiểu… Ngay trong gia đình đã vô cảm với nhau, huống hồ ra xã hội.
Ông từng nhiều lần phát biểu tại các hội thảo về việc chúng ta thường nhận lỗi giúp các em nhiều quá mà không đề cao vai trò tự chịu trách nhiệm của những người trẻ?
Đấy chính là phương châm giáo dục mà tôi thực hành tại một trường THPT ở Hà Nội. Ở đây, các giáo viên được quán triệt là phải dạy cho học sinh 5 cái “tự”: Tự học - Tự lập - Tự tin - Tự trọng - Tự chịu trách nhiệm. Cái “tự” nào học sinh chúng ta cũng đều yếu, đặc biệt là tự chịu trách nhiệm. Chính sự “độ lượng” của người lớn đã góp phần dung dưỡng sự thiếu trách nhiệm ở những người trẻ. Hễ có chuyện là bố mẹ lại đi xin xỏ cho con, thầy cô giáo thì cũng giơ cao đánh khẽ, trong khi đó chúng ta rất lúng túng về việc áp dụng các hình thức kỷ luật ở nhà trường. Mức kỷ luật cao nhất là đuổi học mà thực chất cũng chẳng mấy trường dám áp dụng vì nó phản sư phạm. Cái này lại là một minh chứng cho trình độ tổ chức xã hội của chúng ta kém, bởi cho đến nay chưa hề có một công trình nghiên cứu bài bản nào về việc kỷ luật học sinh ra sao để đạt hiệu quả giáo dục khi các em phạm lỗi.
Quý Hiên
(thực hiện)
>> Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần - Kỳ 6: Chuyện nhỏ thành chuyện lớn
>> Vì chất lượng công vụ
>> Tôi có ý kiến: Mỗi người nên kiềm chế !
>> Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần - Kỳ 5: Xả rác đầy đường
>> Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần - Kỳ 4: Va quệt xe là đánh nhau
>> Quá tệ hại !
>> Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần - Kỳ 3: Ứng xử với của rơi
>> Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần - Kỳ 2: Cú sốc lớn về văn hóa
>> Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần: Reo hò trước nỗi đau người khác
>> Vô cảm

Tuổi trẻ- Mơ ước và thời gian

Hãy quý từng giây từng phút

Vài năm gần đây, với vai trò đại sứ, cố vấn cho các CLB, phóng viên tác nghiệp nhiều sự kiện tại các trường ĐH ở TP.HCM, tôi dần hiểu thêm về thế hệ 9X. Càng tiếp xúc, tôi kinh ngạc nhận ra rằng một số bạn trẻ thiếu quá nhiều điều cơ bản.
Một số bạn trẻ “ngộ” được sự khốc liệt đang chờ đợi phía trước đã nỗ lực không mệt mỏi trong suốt thời sinh viên để chuẩn bị hành trang cho con đường sự nghiệp. Họ đã có những thành công nhất định.
Nhưng tiếc thay, cũng có nhiều sinh viên thiếu đam mê và khát vọng ngay từ năm thứ nhất, lãng phí quá nhiều thời gian để nâng cao kiến thức, cải thiện kỹ năng và đặc biệt là hành vi, thái độ trong học tập, công việc và cuộc sống.
Chúng ta đã biết gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Khi suy nghĩ và nhận thức đã mông lung, hời hợt thì kế hoạch và hành động chỉ như một món quà xa xỉ. Khi lười biếng đã thành thói quen, kỹ năng không rèn giũa, niềm tin vào bản thân đã cạn, tính cách và phẩm chất tốt cũng mất dần.
Hệ quả tất yếu, nhiều bạn trẻ dễ dàng bỏ cuộc trước khó khăn nhỏ vì thiếu quyết tâm và động lực, mất đi thế mạnh dám nghĩ, dám làm, dám đón nhận và vượt qua thử thách, thu mình trong “tổ ấm” với sự thụ động và ngại thay đổi. Hoặc ảo tưởng với sức mạnh bản thân, chỉ muốn “bay cao, bay xa” rồi trượt dài trong thất vọng vì không hiểu rõ chính mình.
Tuổi trẻ cho các bạn rất nhiều thứ. Đó là thời gian với nguồn năng lượng tưởng như vô tận, là hoài bão và đam mê, là sức sáng tạo mãnh liệt để khám phá và chinh phục. Hãy tĩnh tâm nhìn lại chặng đường vừa qua xem bạn đã làm được gì, chưa làm được gì, nguyên nhân cốt lõi trong những thành công và thất bại đó? Bạn đã trung thực và cởi mở với lòng mình để rút ra bài học kinh nghiệm quý báu chưa? Qua đó, bạn sẽ hiểu rõ bản thân hơn, xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch cụ thể cho hành trình đầy gian nan phía trước. Hãy trân quý từng giây từng phút, không ngừng nỗ lực vươn lên trở thành rường cột và tương lai của đất nước.
Hữu Nghĩa
>> Yêu thương cũng phải đúng cách
>> 1.000 trại sinh tưng bừng khai hội bên dòng Bến Hải
>> Khởi công bia tưởng niệm liệt sĩ tiếp tế đảo Cồn Cỏ
>> Nữ sinh phải lấy máu mình cứu mẹ

20 thg 4, 2015

Lối đi đến thành công

Những câu nói mà người thành công luôn tránh

(TNO) Thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào tư tưởng của bạn. Tờ Business Insider gần đây vừa liệt kê nhiều cụm từ mà người thành công luôn tránh, trong khi người thất bại lại hay dùng.

Những câu nói mà người thành công luôn tránh - ảnh 1Tỉ phú Mỹ Warren Buffett (trái) và Bill Gates - Ảnh: Reuters
Với tư tưởng của chính mình, bạn có thể trở thành một người thành công với công việc đơn giản trong phòng thư hoặc là làm một CEO chiến bại. Bằng cách nuôi dưỡng tư duy của một người chiến thắng, bạn sẽ giúp mình sẵn sàng tiến đến thành công trong bất cứ trường hợp nào. Nhìn qua các cụm từ dưới đây và đưa nó ra khỏi vốn từ vựng hằng ngày của bạn để tránh các suy nghĩ tiêu cực.
“Sẽ không có kết quả đâu”
Làm thế nào để bạn biết một việc sẽ không đem lại kết quả? Ngay cả bạn đã từng thử một việc trong quá khứ, cũng không hoàn toàn có nghĩa rằng việc đó chẳng mang lại kết quả trong tương lai. Dập tắt các ý tưởng chưa từng được thử cũng đóng bớt cánh cửa đưa bạn đến thành công.
“Tôi không thể làm được việc này”
Nếu bạn không làm được việc này, sẽ có người khác làm được thay cho bạn. Vì thế, thay đổi câu khẳng định “tôi không thể làm được việc này” thành viễn cảnh liệu bạn có thể làm gì để đạt được thành quả. Bạn cần có thêm sự đào tạo, hỗ trợ, hay thời gian?
“Không thể được”
Rất hiếm thứ có thể diễn tả bằng từ “không thể được”. Thay vì nói một điều gì đó là bất khả thi, hãy quan sát vấn đề từ nhiều hướng, suy nghĩ, mở tư tưởng của bạn ra với câu hỏi: “Nó có thể được hiện thực hóa như thế nào?”. Không có điều kinh ngạc nào từng được tạo ra bằng việc xác định điều đó là không thể ngay từ đầu.
“Quả là không công bằng”
Cuộc sống thực không phải lúc nào cũng công bằng. Nếu những lời này buông ra từ miệng của bạn, rõ ràng bạn đang cảm thấy bị ngược đãi. Chúng ta đều không phải là trẻ con mới 4 tuổi. Do đó, thay vì chơi trò đòi công bằng, hãy thử tìm kiếm cơ hội cải thiện tình hình.
“Không phải lỗi của tôi”
Có thể thực sự rõ ràng đó không phải là lỗi của bạn, nhưng sử dụng câu này cũng giống như việc bạn đang đổ lỗi cho một ai đó. Không có kẻ thắng cuộc trong trò chơi đổ lỗi cho nhau. Vì thế, thay vì tập trung vào đổ lỗi, hãy dồn sức giải quyết vấn đề. Làm thế nào để bạn bước lên và giải quyết ổn thỏa mọi thứ, ngay cả khi mình không phải là người làm sai?
“Đó không phải chuyện của tôi”
Đây là một trong số các từ mà những người quản lý không thích nghe. Đôi khi, để cả nhóm có thể tiến bộ, bạn phải đứng lên và làm những việc không nằm trong bảng mô tả công việc của bạn. Đừng để bị lợi dụng, nhưng cũng nên tận dụng cơ hội để làm những việc ngoài nghĩa vụ thường ngày để trải nghiệm và phát triển.
“Tôi nghĩ là…”
Cụm từ nào mang ý nghĩa mạnh hơn: “Tôi nghĩ”, “tôi tin rằng” hay “tôi biết”? Ngữ “tôi nghĩ” có thể hơi nhạt nhẽo. Những người đứng đầu và những người thành công rất kiên quyết. Vì thế, cứ tự tin với những gì bạn biết.
“Tôi sẽ thử”
Mọi người thường có khuynh hướng dùng từ “thử” khi họ muốn cho mình một đường thoát trong lúc họ, có thể vô tình hoặc cố ý, cho rằng mình không có khả năng hoàn thành một việc nào đó. Song, như quyển sách thông thái của nhân vật Yoda trong “Chiến tranh giữa các vì sao” có viết: Làm hoặc không làm, đừng thử.
Thu Thảo

11 thg 4, 2015

Đề Văn mở -Cuộc sống -Thi cử khơi nguồn sáng tạo và ươm mầm nhân cách



​Những đề văn giàu ý nghĩa

11/04/2015 08:50 GMT+7
  • TT - Đề thi văn thường rất ngắn so với đề thi các môn khác. Vì vậy nhiều người cho rằng trong việc ra đề, giáo viên văn là sướng nhất. Thật ra không phải vậy.

Trong cuộc sống, có phải lúc nào sự bình đẳng cũng đồng nghĩa với công bằng? (đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT vào tháng 10-2014)
Trong cuộc sống, có phải lúc nào sự bình đẳng cũng đồng nghĩa với công bằng? (đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT vào tháng 10-2014)
Đề văn ngắn nhưng dễ gây tranh cãi bởi chín người mười ý, môn văn lại là môn mà ai cũng có thể đưa ra ý kiến cá nhân. Sai dấu câu, sai từ ngữ, sai ngữ pháp, sai trích dẫn hay khác biệt về tư tưởng đều là những lý do để người ra đề văn phải hứng chịu búa rìu dư luận.
Chính vì vậy, nhiều giáo viên văn thường chọn cách ra đề an toàn. Họ dựa vào những đề có sẵn trong các sách, chép lại nguyên văn hoặc sửa đổi đôi chút. Năm qua tháng lại, biết bao thế hệ học trò, đề thi vẫn không có gì đổi mới về nội dung lẫn cách hỏi. Đây cũng là lý do khiến các bài văn mẫu mọc lên như nấm sau mưa.
Đề thi thiết thực hơn
Đề thi kèm hình vẽ
Về hình thức, khác với các đề thi truyền thống thuần túy chỉ sử dụng ngôn ngữ, đề thi của TP.HCM kết hợp sử dụng hình ảnh.
Một số giáo viên cho rằng việc sử dụng hình vẽ chỉ phù hợp với học sinh cấp I chứ không phù hợp với học sinh cấp III, hơn nữa văn chương là nghệ thuật ngôn từ, trong đề văn chỉ nên có ngôn từ mà thôi.
Cá nhân tôi nghĩ rằng ở lứa tuổi nào con người cũng luôn thấy thú vị với những hình ảnh giàu ý nghĩa.
Thay vì dùng ngôn từ để miêu tả một hiện tượng, hãy để hình vẽ thay lời muốn nói, chẳng phải đề văn sẽ sinh động, hàm súc và giàu sức gợi hơn sao?
Là một giáo viên trường chuyên, có tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi văn, tôi luôn quan tâm theo dõi đề thi của các tỉnh thành, đặc biệt là đề thi học sinh giỏi.
Thật vui mừng làm sao, trong năm vừa qua tôi nhận thấy các đề văn thi học sinh giỏi của TP.HCM đều được ra theo hướng khơi mở sáng tạo, phát triển tư duy.
Trong phạm vi của bài viết, tôi xin nhận xét một số đề nghị luận xã hội thi học sinh giỏi của Sở GD-ĐT TP.HCM năm học 2014-2015. Nói đến đổi mới thi cử, các đề nghị luận xã hội thường thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội bởi tính gần gũi, thiết thực.
Một điều mà tôi rất tâm đắc ở các đề văn TP là tính thời sự của đề thi. Ngay sau khi Tuổi Trẻ Online ngày 12-10-2014 đăng câu chuyện về Malala - người trẻ nhất trên thế giới và là người Pakistan đầu tiên đoạt giải Nobel hòa bình, ngày 14-10-2014 câu chuyện ấy đã xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi văn của TP.
Người ra đề đặt một câu hỏi đầy ý nghĩa: “Vì sao Malala được cho là người “truyền cảm hứng” cho cả thế giới? Từ câu chuyện của Malala - cô gái 17 tuổi đoạt giải Nobel hòa bình, anh/chị suy nghĩ gì về cách mọi người tìm cảm hứng sống cho chính mình và truyền nó cho cuộc đời?”.
Quả là một đề văn hay, đáng cho mọi người phải suy nghĩ. Nếu không tìm cảm hứng sống cho chính mình và truyền nó cho cuộc đời, sự sống của chúng ta sẽ còn lại gì?
Về cách thức hỏi, lâu nay chúng ta hay bắt gặp trong đề nghị luận xã hội những cách hỏi quen thuộc: “Anh/chị có suy nghĩ gì về ý kiến/hiện tượng trên?”, “Hiện tượng/ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?”, “Hãy bàn về câu chuyện trên”... Vì vậy, để có những đề hay chắc hẳn người phụ trách ra đề của TP đã đầu tư nhiều và chịu khó đổi mới. Trong đề văn TP, ta bắt gặp những cách hỏi thú vị:

“Có bạn trẻ yêu cuộc sống như cuộc sống vốn thế, cũng có bạn yêu cuộc sống chỉ vì những thuận lợi mà nó đem đến.
Có bạn trẻ yêu mọi người như mọi người vốn thế, cũng có bạn yêu người khác chỉ vì những điều tốt đẹp mà người ấy mang lại.
Còn bạn, bạn thì sao?”.
Nếu xem đáp án, ta sẽ thấy người làm bài được quyền lựa chọn cho mình bất cứ cách yêu thương nào mà mình thấy phù hợp, miễn sao biết lập luận để thuyết phục người khác. Chính điều này sẽ khuyến khích học sinh nói thẳng, nói thật những gì mình nghĩ thay vì chép theo, nói theo, làm theo để vượt qua các kỳ thi văn như hiện nay.
Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên (ảnh 1 và 2) đang “gần” hay “xa” nhau? (đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11)
Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên đang “gần” hay “xa” nhau? (đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11)

Khơi mở sáng tạo
Về nội dung, có thể thấy vấn đề nghị luận mà các đề nghị luận xã hội của TP đưa ra rất quen thuộc với các bạn trẻ. Đó có thể là vấn đề công nghệ hiện đại đang làm con người xa nhau (đề Olympic 11 đã dẫn ra như ảnh trong bài), vấn đề công bằng và bình đẳng trong xã hội (đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT vào tháng 10-2014 đã dẫn phía trên), nhưng quan trọng hơn, các đề văn TP thường khiến các bạn trẻ phải nhìn lại bản thân để thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước:
“Trong một lớp học nọ, thầy giáo hỏi:
- Các em có muốn nhìn thấy tương lai của đất nước không?
Cả lớp đồng thanh:
- Dạ, muốn! Dạ, muốn!
Thầy giáo bảo:
- Vậy thì các em hãy nhìn vào gương!”.
Câu trả lời của người thầy gợi cho em suy nghĩ gì?
(Đề Olympic tháng 4 lớp 10)
Muốn trở thành chủ nhân tương lai của đất nước đòi hỏi thế hệ trẻ phải sống đầy đam mê, sáng tạo, không đi theo lối mòn của khuôn khổ sẵn có. Đó cũng chính là thông điệp mà đề thi học sinh giỏi văn lớp 9 gửi gắm:

Mượn lời Dế Mèn trong truyện Dế Mèn phiêu lưu ký, nhà văn Tô Hoài đã nói lên tâm tư và khát khao của tuổi trẻ: “Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng”.
Hiện nay, một số bạn trẻ chọn lối sống khác khuôn khổ bằng phẳng bằng cách: ăn mặc lố lăng, hành xử đầy tính bạo lực, phát ngôn làm tổn thương người khác, ...
Vấn đề trên gợi cho em suy nghĩ gì?
Tóm lại, tôi nhận thấy những đề văn nghị luận xã hội của TP trong năm vừa qua luôn hướng tới việc khơi mở những suy nghĩ, sáng tạo của học sinh. Các đáp án chấm thi cũng cho thấy sự nâng niu, trân trọng với những tìm tòi, thể nghiệm của các em. Phải như vậy thì văn mới là đời, viết bài văn cũng là cách thể hiện chính con người ngoài đời của mình trên trang giấy.
Xin cảm ơn những đề văn nghị luận xã hội của TP đã thắp lên trong giáo viên và học sinh niềm lạc quan về một tương lai mới cho môn văn, khi cá tính và cách nhìn riêng của người làm bài được coi trọng. Chỉ khi ấy văn học mới thật  sự là nhân học.
Sau đề văn hay là sự can đảm của người ra đề
Để ra được những đề văn hay, đặc biệt là những đề văn ấy được phổ biến rộng rãi chứ không phải đề văn trong lớp, người ra đề phải dụng công, dụng tâm và can đảm chấp nhận những phán xét của dư luận. Nếu không như thế, vĩnh viễn chúng ta sẽ chỉ có những đề văn nhàn nhạt, bình bình, chìm vào lãng quên trong cái ao đời phẳng lặng ngay sau khi xuất hiện.
Đi kèm với các đề văn ấy là những bài văn hay một cách khuôn sáo, quen thuộc một cách kỳ lạ được viết trong sự nhàm chán của các em học sinh.
Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên (ảnh 1 và 2) đang “gần” hay “xa” nhau? (đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11)
Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trả lời cho câu hỏi: Những người trong mỗi hình vẽ trên đang “gần” hay “xa” nhau? (đề thi Olympic tháng 4-2014 của lớp 11)
ThS PHẠM THỊ THANH NGA (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Bình Luận (4)