29 thg 6, 2011

Ý nghĩa của tình yêu thương

Đề thi chính thức môn Văn thi vào lớp 10 tại Khánh Hòa, câu 3 (3,0 điểm):

 Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có viết: "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Dựa vào ca từ trên, viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương.
--------------------------------
Qua tìm hiểu của PV, câu thơ “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương" không phải của tác giả Trịnh Công Sơn như trong đề thi môn Văn đã ra mà là của nhà thơ người Liban Kahlil Gibran (1883-1931) và được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch sang tiếng Việt.

Thực chất câu thơ trên là của Kahlil Gibran, với nguyên gốc câu thơ là “Wake at dawn with winged heart. And give thanks for another day of loving!”.

28 thg 6, 2011

Học để đối phó???


Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ về hiện tượng học chỉ để đối phó với thi cử ở một số học sinh hiện nay.
a.    Yêu cầu về kĩ năng
-   Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
-   Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
-   Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận,… ).
-   Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
-   Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.
b.    Yêu cầu về kiến thức
-   Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận
-   Học để đối phó với kiểm tra, thi cử là học tập mà không có hứng thú, say mê, không chủ động tìm hiểu, không động não; học cho qua các kì thi, học chỉ để có điểm cao, …
-   Biểu hiện của học đối phó với thi cử: chép sách giải khi thầy cô giao bài tập, học vẹt, học tủ, hỏi bạn, nhìn bài, làm mọi cách gian lận để có điểm cao, …  
-   Hiện tượng này có thể do chương trình học nặng; do bị ép buộc, áp đặt từ gia đình; do người học không có ý thức, không xác định rõ mục đích chính đáng của việc học …
-   Học đối phó không gây ra tác hại ngay lập tức, nhưng để lại nhiều hậu quả xấu: khiến học sinh mất căn bản; thụ động trong học tập; ảnh hưởng đến sự trung thực của con người,… Những người học đối phó không bao giờ đạt thành công thực sự trong đường đời. Về lâu dài, học đối phó làm suy thoái nền giáo dục nước nhà.
-    Rút ra phương cách học tập khoa học, hiệu quả (chủ động tìm hiểu và tiếp thu kiến thức, tránh học lệch, học vẹt, học tủ,…)

21 thg 6, 2011

Giao tiếp và sự tế nhị

                "Khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng người khác".
            Hãy viết một đoạn văn hoặc một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.
( Tuyển sinh10-Đà Nẵng 2011)
--------------------
·        Mở bài: Giới thiệu vấn đề

Sống là thường xuyên giao tiếp với người khác. Có những cách giao tiếp đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Có những cách giao tiếp mang lại sự đau khổ và lòng thù hận. Để có một kết quả tốt đẹp khi giao tiếp, cần phải biết tế nhị và tôn trọng người khác.

·        Thân bài:

+ Giải thích:
_ Tế nhị: tỏ ra khéo léo, nhã nhặn trong quan hệ đối xử, biết nghĩ đến những điểm nhỏ thường dễ bị bỏ qua.
_ Tôn trọng: tỏ thái độ đánh giá cao và cho là không được vi phạm hay xúc phạm đến.
           
+ Phân tích: 
_ Tế nhị và tôn trọng người khác là những phẩm chất cực kì quan trọng trong giao tiếp.
_ Biết tế nhị và tôn trọng người khác trong giao tiếp sẽ dẫn đến sự hài hòa, vui vẻ và những kết quả tốt đẹp.
_ Để biết tế nhị và biết tôn trọng người khác đòi hỏi phải có sự từng trải, sâu sắc, tinh tế và được giáo dục kĩ. Phải biết tôn trọng người khác thì mới được người khác tôn trọng lại. Phải biết tế nhị với người khác thì mới mong nhận lại được sự tế nhị.
_ Dẫn chứng: đôi khi vì một lời nói thiếu tế nhị hay một thái độ thiếu tôn trọng đối với người khác mà chúng ta phải ray rứt suốt đời.
           
+ Phê phán:
_ Những người tự cao, lỗ mãng, hời hợt, không biết tôn trọng người khác thường dẫn đến những bi kịch đau đớn trong cuộc sống, làm điều gì cũng thất bại.
            _ Có đôi lúc đòi hỏi chúng ta phải can đảm, “thiếu tế nhị” để nói thẳng sự thật dù đó là sự thật xúc phạm và làm đau lòng người khác.
           
+ Liên hệ bản thân: Phải biết tự nhắc nhở mình hàng ngày về việc giao tiếp tế nhị và biết tôn trọng người khác. Văn hóa giao tiếp là một vấn đề quan trọng, cần được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

·        Kết bài:
Giao tiếp tế nhị và biết tôn trọng người khác là chìa khóa để mang lại thành công và hạnh phúc. Đó là một trong những phẩm chất cần thiết của con người để tạo nên một xã hội có văn hóa, tốt đẹp và văn minh.

Mẹ và tính tự lập của con

Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,…”
                                                                        (Theo Lí Lan, Cổng trường mở ra)
            Từ việc người mẹ không “cầm tay” dắt con đi tiếp mà “buông tay” để con tự đi, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về tính tự lập.


( Đề tuyển sinh 10 TP HCM 2011)
------------------------
·        Mở bài: Nêu lại câu văn trên đề bài để dẫn đến tính tự lập
Khi còn nhỏ, chúng ta sống trong sự bảo bọc của ông bà, cha mẹ nhưng không phải lúc nào người thân yêu cũng ở bên cạnh chúng ta. Bàn tay dìu dắt của cha mẹ, đến một lúc nào đó cũng phải buông ra để chúng ta độc lập bước vào đời. Hai chữ “buông tay” trong câu văn của Lý Lan như một bước ngoặt của hai trạng thái được bảo bọc, chở che và phải một mình bước đi. Việc phải bước đi một mình trên đoạn đường còn lại chính là một cách thể hiện tính tự lập.
·        Thân bài:
+ Giải thích: tự lập là gì? ( nghĩa đen: tự đứng một mình, không có sự giúp đỡ của người khác. Tự lập là tự mình làm lấy mọi việc, không dựa vào người khác).
                   Người có tính tự lập là người biết tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho mình mà không ỷ lại, phụ thuộc vào mọi người xung quanh.
+ Phân tích:
_ Tự lập là đức tính cần có đối với mỗi con người khi bước vào đời.
_ Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có cha mẹ ở bên để dìu dắt, giúp đỡ ta mỗi khi gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải tập tính tự lập để có thể tự mình lo liệu cuộc đời bản thân.
_ Người có tính tự lập sẽ dễ đạt được thành công, được mọi người yêu mến, kính trọng.
_ Dẫn chứng.
+ Phê phán: _ Tự lập là một phẩm chất để khẳng định nhân cách, bản lĩnh và khả năng của một con người. Chỉ biết dựa dẫm vào người khác sẽ trở thành một gánh nặng cho người thân và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Những người không có tính tự lập, cứ dựa vào người khác thì khó có được thành công thật sự. Cho nên ngay cả trong thế giới động vật, có những con thú đã biết sống tự lập sau vài tháng tuổi.
+ Mở rộng: tự lập không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Có những việc chúng ta phải biết đoàn kết và dựa vào đồng loại để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
+ Liên hệ bản thân: cần phải rèn luyện khả năng tự lập một cách bền bỉ, đều đặn. Để có thể tự lập, bản thân mỗi người phải có sự nỗ lực, cố gắng và ý chí mạnh mẽ để vươn lên, vượt qua thử thách, khó khăn, để trau dồi, rèn luyện năng lực, phẩm chất.
·        Kết bài:
Nếu mọi người đều biết sống tự lập kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn và cuộc sống mỗi người sẽ được hạnh phúc.

16 thg 6, 2011

Bài "Nội" - Vọng "Ngoại" nên chăng?

Không thể dùng tràn lan tên Tây
TT 17.06.2011 - Không phải tất cả đều lên án tình trạng phần lớn chung cư mới xây dựng đều mang tên “ngoại”, có một số người cho đó chỉ là chuyện mánh lới để bán hàng trong buôn bán bình thường, số khác cho đó là một hiện thực trong đời sống, cái gì tồn tại đều có lý. Tên ngoại được chuộng vì người dân ta có thói quen xấu lâu đời là chuộng đồ ngoại.
Đông Kinh Nghĩa Thục đã có cả một bài giảng thống thiết về thói xấu mà các cụ gọi là “đưa vàng đi đổ sông Ngô biết bao giờ mới thu về được?”. Có vẻ điều đó như là một nghịch lý đối với một dân tộc hàng ngàn năm nổi tiếng kiên cường chống ngoại xâm. Dân ta vốn thế, giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh, không chấp nhận người nước ngoài bắt cá, hôi của, hiếp đáp dân ta, nhưng không bài ngoại, có thể nói là một dân tộc hiền hòa, dễ tính, dễ hòa nhập và luôn là “đất lành chim đậu” với người nước ngoài, kể cả những nước cựu thù.
Nhưng có “dễ tính” đến đâu nếu đặt lên bình diện văn hóa, chuyện đặt tên Tây thật khó chấp nhận. Không nên trách các nhà đầu tư, các chủ cửa hàng nước ngoài. Họ phải chiều “Thượng đế” để chóng thu hồi vốn và lợi nhuận chứ đâu có nhiệm vụ bảo tồn văn hóa cho ta. Nhà doanh nghiệp trong nước thì dù có tâm với văn hóa dân tộc hay không cũng phải nhắm mắt đưa chân cạnh tranh để khỏi thua thiệt. Một số ít mất tự tin hay đua đòi.
Cuối cùng thì hãy chịu khó tưởng tượng một chút, chỉ sau 20 năm đổi mới mà đã có 70% chung cư mới mang tên nước ngoài lạ hoắc, 20 năm nữa chắc chắn là “trăm phần trăm”! Mà không chỉ chung cư. Cửa hàng, cửa hiệu, trường học, quán bar, vũ trường, hiệu sách, dịch vụ matxa, cắt tóc... Rồi tên sữa của trẻ con, những Tom, những Bob cho con trai, Mary, Jeanette cho con gái sẽ được gọi ầm ĩ trong nhà, trong các ngày lễ tết, trong khi bố mẹ vẫn xưng tên là anh Mít, anh Xoài khấn khứa trước ban thờ!
Chuyện “vong bản” này cũng có nguyên nhân. Số là, cũng như nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin với thương hiệu của mình, con em nhiều gia đình mới phất, mới nổi thì thiếu tự hào về dòng dõi nên “đi tắt đón đầu”, muốn dùng cái tên, tưởng có thể tự vượt vũ môn lên một giai tầng mới.
Tôi thấy hầu như không một gia đình nào có chiều sâu văn hóa ở nước ta, dù con cái đi đây đi đó cũng nhiều, thậm chí nhiều cháu du học từ thuở còn thơ, nhưng không thấy cháu nào kèm theo cho mình cái tên Tây. Ai cũng biết dù là người của công chúng, cần sự nổi tiếng trong công chúng, nhưng không có nghệ sĩ lớn nào của nước ta có tên Tây, trừ một số là Việt kiều. Không ai dại gì “mua rét về mà run”, những người tử tế!
Tiếng Việt còn, nước ta còn (Phạm Quỳnh). Chúng ta cũng tin như vậy. Hãy nhìn mặt mà đặt tên. Một trẻ Việt mắt đen tóc đen, một ngôi nhà dù chọc trời hay có mái cong tọa lạc trên đất Việt sẽ đẹp hơn rất nhiều khi mang tên Việt. Nếu nhà cửa đất đai, dinh thự, cầu đường rồi bến cảng, sân bay cũng như con em của chúng ta đều mang tên Tây hay kèm theo một cái tên Tây, thì tiếng Việt sẽ còn lại gì khi không còn âm hưởng gợi cảm của những cái tên riêng có thể làm run rẩy trái tim một người Việt lang thang trên phố?
Chúng ta không nên quá khích bịt mắt che tai xua đuổi tất cả những gì ngoại lai, làm thế sẽ có hại, rất có hại cho hòa nhập. Nhưng tên Tây không thể dùng lan tràn và bừa bãi đến mức có thể làm thay đổi bộ mặt một con đường, một thành phố. Tiện lợi cho thông tin, nhãn hiệu chỉ là chuyện nhỏ, về mặt này tiếng Việt còn thuận lợi hơn nhiều tiếng khác như Ả Rập, tiếng Trung.
Tất cả phải đặt sau lợi ích văn hóa lâu dài. Nhà nước nên có những quy định ngặt xem công trình nào, cửa hàng nào có thể lấy tên Tây, công trình nào không được. Nếu những chung cư, công trình do người nước ngoài đầu tư hay xây dựng mang tên Việt mà đẹp, mà nổi tiếng thì chắc lúc đó các nhà doanh nghiệp quen “ăn theo” của ta sẽ không còn lý do gì đặt cho sản phẩm của mình một cái tên lạ hoắc!
NGUYỄN QUAN THÂN

12 thg 6, 2011

"Cho" và "Nhận"

TTO Chủ Nhật, 20/02/2011, 04:18 (GMT+7)
Bà Dana R.H.DOAN (người Mỹ, cố vấn chiến lược trung tâm phát triển cộng đồng LIN):
Họ đã biết “cho đi” nhiều hơn
TT - Với tư cách một người nước ngoài đang sống và làm việc tại TP.HCM, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi nhìn thành phố các bạn chuyển mình nhanh và tích cực về nhiều mặt, đặc biệt là sự thay đổi ở các bạn trẻ.
Bà Dana (bìa trái) chụp hình cùng một số bạn trẻ Việt là tình nguyện viên trong chương trình HCMC Grantmakers Forum - Ảnh: Dương Nguyễn
Khi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2002, trong thời gian đi kiếm việc toàn thời gian, tôi đã tranh thủ đăng ký trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, khi tôi trò chuyện với bạn bè hay bất kỳ ai về công việc tình nguyện của bản thân thì đều nhanh chóng nhận lại nhiều lời khuyên: đừng nên đem chi tiết đó liệt kê vào buổi phỏng vấn xin việc, bởi theo mọi người thì công việc tình nguyện chỉ dành cho những đối tượng trẻ như sinh viên hay số ít cá nhân quá rảnh rỗi.
Điều đó chứng tỏ nhiều người Việt thời điểm này vẫn chưa xem trọng công việc hỗ trợ cộng đồng. Với họ không thể có sự giao thoa thật sự giữa công việc chính và hoạt động tình nguyện, phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, bức tranh trắng đen đó đã được cân đối, hài hòa hơn bởi nhiều sắc màu tươi sáng ở thời điểm hiện tại.
Tôi cảm nhận được sự ngạc nhiên pha lẫn thích thú khi ngày càng tiếp xúc được nhiều bạn trẻ Việt rất thành công trong công việc chính nhưng cũng luôn hết mình cống hiến cho cộng đồng, xã hội hay các tổ chức phi lợi nhuận tất cả tài năng, sức lực của mình.
So với thời điểm tôi mới đến Việt Nam thì rõ ràng các bạn trẻ này đang làm việc tình nguyện một cách chuyên nghiệp, chủ động và có trách nhiệm hơn hẳn. Họ tự phân chia chuyên môn hẳn hoi và cũng trăn trở ít nhiều, dẫu thừa biết các công việc này sẽ chẳng mang về cho bản thân chút giá trị gì về vật chất. Người dân trong xã hội hiện cũng không còn quan điểm việc tình nguyện chỉ dành cho những đối tượng rảnh rỗi như sinh viên hay người thất nghiệp nữa.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắc đến thói quen “cho và nhận” của các bạn trẻ Việt. Những tưởng xã hội ngày càng hiện đại và đầy áp lực, con người khi bị cuốn vào guồng quay này sẽ trở nên ích kỷ, xa lạ với nhau hơn... Thực tế có phải như vậy?
Trước tết, để đảm bảo tính khách quan cao nhất, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát trên mạng với sự tham gia của 200 bạn trẻ sống ở khu vực TP.HCM và một số địa phương lân cận.
30% trong số này cho biết họ tham gia hoạt động ngoại khóa ít nhất sáu tiếng mỗi tuần. Trong danh sách 15 hoạt động ngoại khóa được chúng tôi đưa ra, các bạn trẻ cho biết họ tham gia nhiều nhất ở các mảng: phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và các hoạt động xã hội mang tính nhân đạo. Hai hoạt động ít phổ biến nhất trong bảng kết quả là thể thao và tôn giáo.
92% số bạn trẻ được hỏi cho biết có đóng góp thiện nguyện trong suốt năm, 87% trong số này khẳng định việc san sẻ yêu thương với các mảnh đời bất hạnh bằng cách đóng góp vật chất, tinh thần là trách nhiệm và bổn phận của họ, nhiều người nói việc “cho đi” giúp họ tìm thấy niềm vui chân thực trong cuộc sống.
Trái tim của người trẻ Việt chắc chắn đang mở rộng hơn bởi có tới 62% trong số này tin rằng mình đã đóng góp từ thiện nhiều hơn năm trước, chỉ 10% trả lời “ít hơn”.
Nói như vậy để thấy dẫu ngoài xã hội đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp hay đọc được những câu chuyện khiến xã hội trăn trở về một lớp người trẻ Việt lớn lên trong sự ngang ngạnh, bất cần đời..., thì vẫn còn nhiều bạn trẻ trưởng thành và nhận thức rất rõ về giá trị của bản thân cũng như niềm vui, hạnh phúc giữa “cho đi” và “nhận lại”.
CÔNG NHẬT ghi

Văn hóa ứng xử của người VN

tto .28/02/2011 10:34:09 SA

Thân gởi tòa soạn và bạn đọc, xin đừng vội tự ái dân tộc khi tôi nói rằng, văn hóa, giáo dục, tư duy, tập quán và lối sống của người Việt Nam còn có quá nhiều bất cập, bảo thủ và lạc hậu. Ở trường lớp, ngoài chuyện bị nhồi nhét kiến thức thì học sinh, sinh viên chẳng được trang bị cho mình những kinh nghiệm, những kỷ năng sống thiết thực cũng như cách sống tích cực như độc lập và tự lập.
Trong gia đình, vì thiếu hiểu biết, thiếu ý thức hoặc do quá cảm tính, nhiều bậc cha mẹ thương yêu, nuông chiều, bảo bọc, bao che hay giáo dục con theo kiểu áp đặt một cách thái quá (con cái không được khuyến khích, hướng dẫn để làm quen và thích nghi với cuộc sống độc lập và tự lập ngay từ khi còn nhỏ).
Con cái đã trưởng thành nhưng họ vẫn tiếp tục bị các bậc cha mẹ gây áp lực, can thiệp vào bất cứ chuyện gì liên quan đến đời sống riêng tư của họ, chẳng hạn như việc chọn lựa nghề nghiệp, hôn nhân gia đình, sinh con đẻ cái, v.v… Từ đó, những đứa trẻ này khi lớn lên và ra đời dễ cảm thấy bỡ ngỡ, hụt hẫng, thiếu tự tin và sợ hãi trước những khó khăn, va vấp của cuộc sống, một số khác bị khủng hoảng tâm lý hoặc có nguy cơ trở thành những phần tử hư hỏng, vướng vào tệ nạn xã hội. Người Việt có quá nhiều nhược điểm, nhiều thói hư tật xấu, (tôi không cảm nhận được điều gì hay ho và cao cả để thế giới phải ngưỡng mộ cả), điển hình như: thiếu trung thực, thiếu uy tín, thiếu chuyên nghiệp, thiếu nguyên tác, thiếu kỷ luật, thiếu trật tự, thiếu tính phục thiện, bảo thủ, thực dụng, cẩu thả, khôn vặt, tráo trở, gian trá, tham lam, hay bắt chước, thích học đòi, thích khoe khoan, tự cao tự đại, ăn dơ ở bẩn, ăn tục nói khoét, văn hóa ứng xử nói chung rất thấp kém (một ví vụ nhỏ: rất ít khi nói lời xin lỗi hay nói tiếng cám ơn), v.v…
Trong xã hội Việt Nam, hàng ngày tôi chứng kiến nhiều thứ rất ngược đời. Một ví dụ nhỏ: Những việc cần quan tâm, chia sẻ như việc cứu giúp người giữa đường gặp nạn chẳng hạn thì đám đông vô cảm hoặc làm ngơ (sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi), những điều cần được tôn trọng như sinh hoạt, cuộc sống riêng tư của người khác thì lại lắm chuyện soi mói, gièm pha hay đâm chọc qua lại này nọ (trong gia đình hay trong sinh hoạt bà con xóm giềng).
Những bất cập, những điều tồi tệ trong nền văn hóa, giáo dục của Việt Nam là chuyện đáng báo động, tôi nghĩ, toàn xã hội cần nhìn nhận lại mình một cách công tâm để sớm tìm giải pháp khắc phục và cải thiện. Đừng tiếp tục bảo thủ, chống chế, tự ru ngủ mình, kêu gào những âm thanh chói tai về sự tự hào, tự tôn dân tộc.
                                                                                                                                                          NGUYỄN VIỆT


27/02/2011 8:20:57 CH
Tôi cũng là người Việt Nam nhưng có lẽ do hay tiếp xúc với người nước ngoài, nghe họ cám ơn, xin lỗi liên tục nên tôi cũng "nhiếm" thói quen đó. Tuy nhiên ở Việt Nam việc xin lỗi cũng chẳng dễ dàng gì. Ví dụ, cách đây vài ngày khi lùi xe máy tôi đã sơ ý chạm vào ống quần của một người đàn ông đang đỗ xe ngược lại, biết trời mưa nên xe khá bẩn tôi đã mỉm cười và xin lỗi mình vô ý, đổi lại tôi nhận được một cái nhìn khó chịu và khuôn mặt lạnh như băng, tôi cảm tưởng lời xin lỗi của mình rơi xuống nước. Hay một lần khác, vì tránh người khác vượt phải mà suýt va chạm với một chị đi xe máy đang xi nhan sang đường, sau câu xin lỗi của tôi là một tràng xối xả "con điên, mắt mù à?" vv và vv. Thực sự, ngoài việc ngại nói lời cảm ơn và xin lỗi, người Việt mình còn cần lắm cách đáp lại một cách văn minh lịch sự.
QUYNH CHI
Lời xin lỗii không khó nói!
27/02/2011 6:43:49 CH
Tôi đồng ý như bạn Ng Sơn Cao. Trong các trường hầu như không quan tâm dạy các em nói lời xin lổi khi mình phạm sai lầm 1 điều gì đó?! Theo tôi thì ngành giáo dục nên chú trọng dạy thêm các em biết nói lời xin lổi bất cứ ở đâu khi có lỗi (ngoài đường,nơi công cộng...). Như vậy thì dần các em sẽ biết nói lời xin lỗi và xã hội sẽ "có nhiều người biết nói lời xin lỗi". Rất mong.
 BÙI THẾ TÀI




8 thg 6, 2011

Đừng sợ vấp ngã

ĐỪNG SỢ VẤP NGÃ
Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn uống nước và suýt chết đuối phải không ? Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không ? Không sao đâu vì …
(Ngữ văn 7, tập 2, trang 41)

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) để trình bày lí do vì sao chúng ta không nên sợ vấp ngã.
----------------------
Cho con được một lần thất bại
Mong con thành đạt, sợ con thua thiệt trên đường đời, một số bậc cha mẹ gần như gieo vào đầu con mình suy nghĩ: “Không được thất bại dù nhỏ hay to”.
Họ không biết rằng niềm mong muốn chính đáng đó vô tình đã gây áp lực cho cuộc sống con trẻ, và tước đi những cơ hội tích luỹ kinh nghiệm sống.
Xuân Q. ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, xinh đẹp, hát hay và đoạt rất nhiều giải ca hát. Với tất cả thế mạnh của mình, Q. dễ dàng bước vào đại học y trong sự ngưỡng mộ của bạn bè. Sang năm học thứ hai, Q. được học bổng du học Mỹ. Cứ ngỡ con đường tương lai của Q. thênh thang, nào ngờ hai năm sau, gia đình ngỡ ngàng nhận được tin Q. bỏ học, đau khổ vật vã vì bị người yêu bỏ rơi. Là một người luôn thành công nên Q. không chịu nổi sức ép của sự thất bại, không đủ dũng khí để vượt qua nỗi đau. Kết quả Q. được gia đình sang đón về Việt Nam, sau đó cô phải vào bệnh viện điều trị chứng trầm cảm. Ước mơ ngày nào trở thành bác sĩ chỉ còn trong ký ức. Sau sự cố đó, Q. trở thành một con người khác hẳn, tự ti và mặc cảm.
 
Trong cuộc đời mỗi người, không ai tránh khỏi thất bại. Cách nhìn nhận sự thất bại có ý nghĩa rất quan trọng, có người xem đó là những bài học quý báu để học hỏi kinh nghiệm và đề ra mục tiêu phù hợp, chọn lựa cách thức, biện pháp tốt hơn để vươn tới thành công sau đó; có người oán trách bản thân, hoang mang, lo lắng, thiếu tự tin thậm chí sẽ buông xuôi cuộc đời mình, để nó muốn đến đâu thì đến.
Khi cha mẹ đặt quá nhiều áp lực cho con, đẩy con lên cao, tạo áp lực cho con, thì đến khi trẻ gặp sự cố dễ mất phương hướng, mất động lực. Trong những trường hợp đó, nhiều khi chính cha mẹ lại thiếu cảm thông chia sẻ với thất bại của trẻ mà lên tiếng trách móc, xỉ vả làm nỗi chịu đựng của trẻ thêm nặng nề.
Huy T., học sinh lớp 5 suốt cả tuần nay luôn phải chịu đựng những lời ca cẩm của mẹ vì “tội” kết quả năm cuối cấp không được học sinh giỏi. Suốt bốn năm đầu tiểu học T. đều được học sinh giỏi, ngay từ đầu năm học mẹ kỳ vọng T. năm nay cũng phải được học sinh giỏi mới “đủ chuẩn” thi vào trường chuyên. Từ khi nhận được kết quả môn toán 8 điểm, T. buồn rũ rượi, em tâm sự với cô giáo chủ nhiệm là em không dám về nhà vì sợ bị mẹ đánh!
Trước những thất bại, khó khăn, tinh thần của trẻ trở nên sa sút, buồn bã, bất an… nếu có được sự quan tâm, khích lệ kịp thời trẻ sẽ mạnh mẽ hơn và xem đó như là thử thách để trui rèn ý chí bản thân. Khi trẻ biết chiến thắng bản thân mình, biết chấp nhận thất bại, biết nỗ lực vượt qua mà không nản lòng, thối chí, buông xuôi… điều đó có một giá trị vô cùng to lớn trong việc tạo dựng lòng tự tin, ý chí bản lĩnh ở trẻ.
Cho con được thất bại có nghĩa là cha mẹ cho con học những bài học trải nghiệm thực tế để biết hình thành một thái độ sống tích cực, biết tự tìm ra những đối sách hợp lý, biết xác định mục tiêu có tính khả thi, biết hoạch định những kế hoạch thực hiện. Đứng trước thất bại, nếu tâm lý của trẻ vững vàng, trẻ sẽ dễ chấp nhận và dám đương đầu những thử thách trong cuộc sống để vượt qua áp lực, khó khăn, tìm đến thành công.
Cuộc đời của trẻ không chỉ là ngày hôm nay mà còn cả tương lai sau này, không chỉ trong học tập trẻ còn phải ứng phó với rất nhiều những khó khăn trong cuộc sống, công việc, quan hệ gia đình và xã hội. Nếu trẻ đã quen xử lý được những thất bại và vượt qua được thất bại, trẻ sẽ vững vàng và tự tin hơn trong cuộc sống.
“Thất bại là mẹ thành công” bởi thất bại luôn mang đến cho con người những cơ hội để thử thách ý chí và bản lĩnh.
Hãy chấp nhận con bằng sự tôn trọng những khả năng và thành quả của trẻ. Cha mẹ không nên chạy theo thành tích, không đặt lên vai con những gánh nặng quá sức, và bắt con cái phải sống theo những kỳ vọng của mình. Định hướng cho con biết xác định được mục tiêu phấn đấu, có động cơ tích cực, có ý chí nỗ lực và có kỹ năng vượt qua những khó khăn, thất bại là cha mẹ đã trang bị tốt cho con hành trang sống để trẻ vững bước tự đi trên đôi chân chính mình.
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh
Theo SGTT

Làm việc Nhóm - yêu cầu của xã hội hiện đaị

Dị ứng với... làm việc nhóm
TT - Thích làm việc một mình, không thích hợp tác với người khác... Đó là những đặc điểm dễ nhận thấy của căn bệnh dị ứng với... làm việc nhóm.
Với tinh thần làm việc nhóm, đội ngũ cán bộ trẻ của Tổng công ty Phong Phú đã đưa ra nhiều sáng kiến có hiệu quả trong sản xuất - Ảnh: K.ANH
Có một nghịch lý khá phổ biến trong không ít công ty có nhiều người trẻ, giỏi đầu quân, đó là các bạn trẻ càng có tài thì càng dễ trở thành... kẻ thua cuộc trong các hoạt động cần tinh thần “teamwork” (làm việc theo nhóm). Vì sao như vậy?
Nhóm có nhiều “sao”: thảm họa!
Phải tập nếm thất bại!
Phương thuốc hiệu nghiệm nhất để trị căn bệnh dị ứng làm việc tập thể là: hãy thử một lần nếm qua cảm giác thất bại, gắng sức dẹp bỏ sự kiêu ngạo, cái “tôi” quá lớn của mình.
Phải học cách nhìn nhận sự việc khách quan, không đổ lỗi cho đồng nghiệp, nhân viên, hoàn cảnh hoặc cấp trên... khi gặp thất bại. Hãy tập nhận trách nhiệm về mình và tự hỏi: “Mình học được gì từ thất bại này? Có phải đó là do bản thân không chịu lắng nghe? Mình có thể làm gì để nâng cao tinh thần và sự đoàn kết nhóm? Nếu cấp trên ở vị trí của mình, anh/chị ấy sẽ nhìn nhận và giải quyết vấn đề như thế nào?“.
Anh Nguyễn Hữu Trí (giám đốc điều hành Học viện đào tạo kỹ năng mềm Breakthrough Power)
“Thôi dẹp hết đi”, N.Quang (27 tuổi, giám đốc kỹ thuật của một công ty phần mềm) khiến nhiều đồng nghiệp chưng hửng với câu nói cộc lốc của mình. Tham gia vài trò chơi tập thể cùng công ty, nhóm của N.Quang (tập hợp ngẫu nhiên nhiều vị sếp trẻ) luôn về chót hoặc áp chót! Không khí vui chơi hào hứng ban đầu dần trở nên căng thẳng khi nhóm của N.Quang bất ngờ tuyên bố “giải tán”. Một số thành viên của nhóm này còn ngó lơ nhau vào ngày hôm sau.
Tương tự, một cán bộ nhân sự trẻ cho biết: “70% số người làm ở chỗ tôi tốt nghiệp loại ưu hoặc có bằng cao học trở lên, nhiều bạn từng du học với học bổng toàn phần. Chúng tôi từng tin sự thông minh, nhanh nhạy sẽ giúp họ dễ hòa hợp, giúp nhau giải quyết vấn đề tốt nhất”. Tuy nhiên trái với mong đợi của ban lãnh đạo, mỗi khi được giao một dự án cần tinh thần đội nhóm, năng suất làm việc của các bạn trẻ này lại giảm sút trầm trọng ...
L.Tâm (bộ phận tín dụng một ngân hàng trong nước) còn chuyển chỗ làm vì không chịu được áp lực phi lý từ các đồng nghiệp. “Trong cùng một vấn đề, các đồng nghiệp xét nét, hoạnh họe nhau từng chút một. Đáng nói hơn, khi phát hiện ý kiến của mình có vẻ nổi trội và khiến sếp quan tâm hơn, họ sẽ ghim trong lòng ít nhiều. Là lính mới càng dễ bị bắt nạt”, L.Tâm ấm ức giải thích lý do mình chuyển chỗ làm.
Tập lui để cùng tiến!
Nhớ lại khoảng thời gian theo học tại Trường NUS (Singapore), anh Nguyễn Hữu Trí (một sếp trẻ) trăn trở về những lần chứng kiến sinh viên Việt bị bạn bè quốc tế “bỏ rơi”. “Tôi còn nhớ trong một tiết học, khi giáo sư kêu mọi người hãy tự tạo nhóm để thảo luận, chưa đến 5 phút ai nấy đều đã chọn được bạn cho mình. Nhìn lại chỉ còn sáu sinh viên Việt đứng trơ trọi”.
“Theo quan sát của tôi, các bạn trẻ Việt có tài thường tự tin vào năng lực cá nhân, nhưng mặt khác họ thiếu kinh nghiệm sống. Do đó, trong môi trường tập thể, họ sẽ dốc hết sức thể hiện “kỹ năng cá nhân” với sự hiếu chiến cao nhất. Chưa kể bạn trẻ Việt thường chủ quan khi nhận xét về người khác, ít khi nào chịu nhìn lại bản thân mình liệu đã đủ thân thiện, chủ động trong các mối quan hệ hay chưa”, anh Trí phân tích.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hà Hoài Thu (phó giám đốc điều hành Trung tâm tư vấn & đào tạo kỹ năng quản lý Traininghouse) cũng nhận định tương tự.
Theo bà Thu, tinh thần của teamwork là làm việc theo nhóm để phát huy tối đa năng lực của các cá nhân, nhằm đạt được thành tích cao nhất cho nhóm. Một nhóm lý tưởng gồm một thủ lĩnh giữ vai trò lãnh đạo (leader) và các thành viên (team members). Thế nhưng các sếp trẻ hoặc những bạn trẻ có tài thường thích đứng ở góc độ người lãnh đạo hơn là lui về làm lính... từ đó dẫn đến việc khó hòa hợp trong nhóm, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc.
Theo nhiều chuyên gia về nhân sự, năng lực cá nhân là yếu tố rất quan trọng trong công việc, nhưng đó chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ”. Một người tài giỏi nếu muốn thành công cần biết lùi hay tiến kịp thời để tập thể cùng tiến. Sự thăng tiến của mỗi cá nhân bền vững và thật sự có ý nghĩa khi đặt vào sự thành công chung của tập thể”, bà Hoài Thu đúc kết.
CÔNG NHẬT

7 thg 6, 2011

Điều kỳ diệu giữa vùng sỏi đá

Đề: “Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn moc lên và nở thành những chùm hoa thật đẹp”,hãy nêu suy nghĩ của anh (chị) được gợi ra từ hiện tượng trên.
Bài làm
Trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, khắc nghiệt, con người lại càng phải có ý chí vươn lên. Vậy nên hình ảnh ”giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở thành những chùm hoa thật đẹp” gợi cho ta nhiều suy nghĩ.
Hình ảnh “cây hoa dại mọc lên giữa sỏi đá khô cằn và nở hoa thật đẹp” cho ta thấy được nhựa sống tràn trề của cây hoa khiến nó không chỉ vượt qua mọi thiên tai, khắc nghiệt của môi trường sống mà còn nở hoa cho đời. Không những thế, hình ảnh “cây hoa” còn là hình ảnh ẩn dụ để nói về những con người có ý chí vươn lên. “Vùng sỏi đá khô cằn” chính là cuộc sống khó khăn trước mắt họ nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua. “Những chùm hoa thật đẹp” là thành công, kết quả mà họ nhận được nhờ vào ý chí vươn lên của chính mình. Sự so sánh này hoàn toàn phù hợp vì giữa cây hoa và những con người này đều có một điểm chung: ”nghị lực vượt qua khó khăn”. Đây là một đức tính quý giá mà mỗi con người đều cần phải có.
Thế nhưng, tại sao ta lại cần phải có ý chí vươn lên? Bởi vì chúng ta là con người, chúng ta cần khẳng định giá trị của bản thân bằng nỗ lực của chính mình. Nếu chúng ta không biết cố gắng vươn lên, gặp khó đã vội nản chí thì sẽ trở thành “cành cây dại héo úa, bị thiên tai khắc nghiệt vùi dập”, bị cuộc đời lãng quên và cuộc sống của ta trở nên vô nghĩa. Ý chí vươn lên không chỉ giúp ta có được thành công cho bản thân mà còn được mọi người quý trọng, yêu mến, là tấm gương sáng để mọi ngươi phấn đấu noi theo. Vậy nên ”ý chí vươn lên“ rất cần thiết đối với mỗi con người.
Trong cuộc sống cũng có nhiều tấm gương có ý chí vươn lên, học tập thành công như thầy Nguyễn Ngọc Ký bị hỏng tay, dùng chân viết chữ; anh Hoa Xuân Tứ bị cụt tay, dùng vai viết chữ; anh Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt đã tự học, trở thành nhà thơ,…Tất cả những con người ấy đều đáng quý vì họ tàn nhưng không phế. Thế nên, những con người lành lặn như chúng ta càng không được dễ dàng nhụt chí!
Dẫu biết đây là phẩm chất cần có nhưng bên cạnh nhựng người có nghị lực vượt qua khó khăn thì vẫn còn những con người thiếu ý chí vươn lên , gặp khó đã nản. Chung quy cũng là do sự lười biếng của họ mà ra. Nếu những người này cứ giữ bản tính xấu ấy thì họ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, đáng mất giá trị bản thân, trở thành kẻ vô dụng. Bản thân họ cần biết rằng những gì mình nỗ lực mà có sẽ vô cùng quý giá và còn nhận được sự công nhận,yêu mến của mọi người.
Tuy nhiên, ý chí vươn lên không chỉ là vượt qua khó khăn trước mắt mà ta còn cần phải phấn đấu để “nở hoa cho đời”. Như vậy sự cố gắng của ta mới tích cực.
Ý chí của bản thân mỗi người là quan trọng nhất nhưng có đôi lúcta còn cần đến sự giúp đỡ của mọi người. Vậy nên, xã hội cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện để nhiều con người “vươn lên” bằng các chương trình từ thiện, “vượt lên chính mình”, “ngôi nhà mơ ước”,…Bản thân em cũng cần phải cố gắng phấn đấu học thật giỏi để không phụ sự kỳ vọng của mọi người dành cho mình. Không những thế, em còn cần phải giúp đỡ những bạn kém may mắn hơn mình để họ có thể vượt qua khó khăn; khuyên những bạn chưa biết cố gắng hãy tập sống hết mình, luôn nuôi dưỡng một ý chí vươn lên.
Chỉ với một hình ảnh đời thường giản dị, ta đã rút ra được một bài học đáng quý: đó là nghị lực vượt qua khó khăn. Chúng ta cần học tập đức tính quý giá này để luôn “nở những chùm hoa đẹp” tô thắm cho “khu vườn cuộc sống” thêm xinh tươi.

01-10a9-0910

2 thg 6, 2011

Chọn lựa tương lai của chính mình

Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình.
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
– Học sinh phải biết kết hợp nhiều thao tác để thực hiện bài nghị luận xã hội về một quan niệm sống.
– Có thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng cần đạt được những nội dung sau:

* Đặt vấn đề:
_ Quá khứ đã trôi qua, mọi công việc của hiện tại đều hướng tới tương lai.
_ Con đường đi đến tương lai có nhiều ngả rẻ, mọi người phải tự chọn cho mình một lối đi đúng để không hối tiếc.
* Khai thác vấn đề :
a. Giải thích:
– Ngả đường: những ngả rẻ trên đường đi. Ý nói: có nhiều mục đích, nghề nghiệp và lý tưởng mà con người cần phải lựa chọn. 
_ Chỉ có bản thân mỗi người mới có thể lựa chọn con đường đúng cho mình chứ không phải ai khác. Sau khi chọn lựa, cố gắng đừng hối tiếc, đừng đổ thừa cho hoàn cảnh và đừng oán trời, đừng trách người. 
b. Bình luận:
_ Khi đã lựa chọn một con đường mà mình nghĩ là đúng thì cần phải cố gắng hết sức để hoàn thành mục đích của mình. Con người có thể thích rất nhiều thứ nhưng nếu thiếu nỗ lực và cố gắng thì không đạt được mục đích và phải bỏ dở dang con đường mình đã chọn. 
_ Phải cân nhắc thật kĩ trước khi chọn lựa để chắc chắn rằng con đường mình chọn là đúng.
_ Phải tin vào bản thân, không dao động trước dư luận, đừng đứng núi này trông núi nọ.
_ Con đường đến vinh quang nào cũng đầy rẫy khó khăn và chông gai. Do đó, sau khi đã chọn đừng nản chí khi thất bại.
Dẫn chứng: có những học sinh bỏ qua năng khiếu riêng tư của mình, nghe lời cha mẹ hoặc bạn bè chọn cho mình con đường không phù hợp với khả năng.
c. Phê phán:
_ Những người không biết tự chọn cho mình con đường đúng đắn thường dẫn đến những thất bại, sai lầm trong cuộc đời và nhận lấy nhiều đau khổ. 
_ Tuy nhiên vẫn có những người nghe theo sự chọn lựa của bố mẹ và thầy cô mà vẫn thành công

* Liên hệ bản thân – rút ra bài học phấn đấu
_ Ai cũng phải bối rối trước quá nhiều ngả đường để lựa chọn.
_ Do đó, việc chính mình chọn một con đường đúng là điều vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn trong cuộc đời mỗi con người
Gợi ý giải đề thi môn Văn - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011

1 thg 6, 2011

Giao tiếp phi ngôn ngữ- 55% cơ hội thành công


Đi tìm 55% thành công trong giao tiếp
TTO - Có bao giờ bạn nghĩ một cái chạm nhẹ vào khuỷu tay người đối diện cũng có thể góp phần gần như quyết định thuyết phục người ấy? Có bao giờ bạn nghĩ khi đứng khoanh tay nơi đông người, bạn đang tự đánh mất 90% cơ hội làm quen tự nhiên?
Chuyện học cách sử dụng "ngôn ngữ cơ thể" đang ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm và tìm cơ hội trau dồi.
Những điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt khi giao tiếp góp phần "ghi điểm" với đối phương - Ảnh minh họa: Khểnh
Học cách nói “ngôn ngữ” phi ngôn ngữ
Một kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ phần trăm của các yếu tố đóng góp vào sự thành công của quá trình giao tiếp như sau: từ ngữ: 7%, ngữ điệu: 38%, ngôn ngữ cơ thể: 55%. Cũng chính 55% ấy khiến nhiều người “ghi điểm” cũng như “mất điểm” trong các mối quan hệ.
Anh Nguyễn Minh Tuyên (công ty cổ phần tư vấn và đào tạo Thiên Ân, Q.1, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi thường khoanh tay trước ngực khi nói chuyện. Một số người quen nói họ hơi khó chịu khi tiếp xúc, còn tôi thì chẳng hiểu vì sao".
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (đứng) - giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - chia sẻ về việc sử dụng hiệu quả ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp - Ảnh: Trung Uyên
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - chuyên viên tư vấn Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt - chia sẻ: “Hành động khoanh tay làm mất đi 90% cơ hội người khác làn quen tự nhiên với bạn. Hãy giảm thiểu hành động khoanh tay trước mặt người khác. Để “phá vỡ” việc khoanh tay một cách tế nhị, người tiếp xúc có thể nhờ người đó cầm giúp một vật gì đó hay bắt tay".
Các học viên thực hành cách bắt tay - Ảnh: Hồng Thắm
“Người biết sử dụng cả sức mạnh của hình thể sẽ tăng khả năng thuyết phục lên gấp ba lần so với người chỉ biết sử dụng lời nói” - thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Bạn H.T.K. (SV Học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM) mỗi khi ngồi nói chuyện với bạn bè thường cảm thấy ánh mắt bạn dành cho mình không gần gũi lắm mà chẳng hiểu vì sao. Thắc mắc này được tháo gỡ khi bạn biết cách ngồi ngã ngửa, tựa vào ghế khi nói chuyện khiến người khác hiểu lầm bạn đang thấy cuộc trò chuyện... chán ngắt!
Nắm bắt được “lời chưa nói” trong cử chỉ của người đối diện (ví dụ: nghiêng đầu tức là đang thích thú lắng nghe; di di bàn chân và tay mân mê chìa khóa tức muốn chấm dứt cuộc trò chuyện...) sẽ giúp ta "đọc" được suy nghĩ người khác và làm “nhạc trưởng” cuộc trò chuyện.
Kỹ thuật + chân tình = “hạ gục” đối phương
Những “bí mật” trong cái bắt tay khi được “bật mí” làm nhiều bạn trẻ thú vị. Một cái bắt tay vừa đủ chặt, gọn lòng bàn tay, kết hợp với giao tiếp mắt và giới hạn không gian hợp lý tùy mức độ của quan hệ sẽ góp phần giúp bạn ghi điểm với đối phương.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (bìa phải) - giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - trình bày những thói quen không tốt khi giao tiếp - Ảnh: Hồng Thắm
"Cửa sổ tâm hồn” cũng luôn là "vũ khí lợi hại". Khi bạn đang muốn rời bàn tiệc nhưng đối tác lại gọi thêm 1 ly nữa, bạn hãy mở to mắt tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Khi giao việc cho nhân viên, nhân viên chớp mắt nhanh liên tục tức là đang miễn cưỡng; khi ai đó đưa mắt lên trên khi trò chuyện tức đang mong đủ kiên nhẫn để nghe tiếp…
Song, như thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ, điều quan trọng nhất là: “Khi nắm bắt được các kỹ thuật giao tiếp phi ngôn ngữ, bạn cần có thêm sự chân tình thì mới thật sự “hạ gục” đối phương một cách ngọt ngào, thân ái nhất!”.
"Giao tiếp phi ngôn ngữ" là một trong những chủ đề của khóa học “10 ngày nâng tầm chính bạn” do www.hoithao.vn tổ chức, dành cho SV, bạn trẻ đã đi làm… kéo dài từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6-2011. .
Nhiều bạn trẻ chưa tận dụng được hiệu ứng giao tiếp phi ngôn ngữ
Hiệu ứng của giao tiếp phi ngôn ngữ ảnh hưởng cực kỳ đặc biệt đến hiệu ứng giao tiếp! Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ nói riêng và một số người Việt Nam chưa thực sự tận dụng hiệu ứng giao tiếp này nếu không muốn nói là sử dụng giao tiếp theo thói quen... Đó là chưa kể việc sử dụng những cử chỉ cấm kỵ nhưng không nghĩ rằng mình đang "vi phạm" quy ước trong giao tiếp
Những người thành công trong giao tiếp đều là những "bậc thầy" đọc tín hiệu không lời cũng như giải mã tín hiện không lời một cách độc đáo. Đó là chưa kể họ có thể tinh tế trong từng cử chỉ, điệu bộ theo phương thức tương tác tích cực...
Một cử chỉ động viên, một "thao tác" không lời mang tính lôi kéo khi thuyết trình, một "hành vi" không lời mang tính thắp lửa có thể làm cuộc giao tiếp có đẳng cấp chuyên nghiệp hơn.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn - cố vấn cao cấp Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt
TR.UYÊN - HỒNG THẮM - ĐỖ THU THẢO