1 thg 6, 2011

Giao tiếp phi ngôn ngữ- 55% cơ hội thành công


Đi tìm 55% thành công trong giao tiếp
TTO - Có bao giờ bạn nghĩ một cái chạm nhẹ vào khuỷu tay người đối diện cũng có thể góp phần gần như quyết định thuyết phục người ấy? Có bao giờ bạn nghĩ khi đứng khoanh tay nơi đông người, bạn đang tự đánh mất 90% cơ hội làm quen tự nhiên?
Chuyện học cách sử dụng "ngôn ngữ cơ thể" đang ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm và tìm cơ hội trau dồi.
Những điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt khi giao tiếp góp phần "ghi điểm" với đối phương - Ảnh minh họa: Khểnh
Học cách nói “ngôn ngữ” phi ngôn ngữ
Một kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ phần trăm của các yếu tố đóng góp vào sự thành công của quá trình giao tiếp như sau: từ ngữ: 7%, ngữ điệu: 38%, ngôn ngữ cơ thể: 55%. Cũng chính 55% ấy khiến nhiều người “ghi điểm” cũng như “mất điểm” trong các mối quan hệ.
Anh Nguyễn Minh Tuyên (công ty cổ phần tư vấn và đào tạo Thiên Ân, Q.1, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi thường khoanh tay trước ngực khi nói chuyện. Một số người quen nói họ hơi khó chịu khi tiếp xúc, còn tôi thì chẳng hiểu vì sao".
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (đứng) - giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - chia sẻ về việc sử dụng hiệu quả ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp - Ảnh: Trung Uyên
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - chuyên viên tư vấn Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt - chia sẻ: “Hành động khoanh tay làm mất đi 90% cơ hội người khác làn quen tự nhiên với bạn. Hãy giảm thiểu hành động khoanh tay trước mặt người khác. Để “phá vỡ” việc khoanh tay một cách tế nhị, người tiếp xúc có thể nhờ người đó cầm giúp một vật gì đó hay bắt tay".
Các học viên thực hành cách bắt tay - Ảnh: Hồng Thắm
“Người biết sử dụng cả sức mạnh của hình thể sẽ tăng khả năng thuyết phục lên gấp ba lần so với người chỉ biết sử dụng lời nói” - thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Bạn H.T.K. (SV Học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM) mỗi khi ngồi nói chuyện với bạn bè thường cảm thấy ánh mắt bạn dành cho mình không gần gũi lắm mà chẳng hiểu vì sao. Thắc mắc này được tháo gỡ khi bạn biết cách ngồi ngã ngửa, tựa vào ghế khi nói chuyện khiến người khác hiểu lầm bạn đang thấy cuộc trò chuyện... chán ngắt!
Nắm bắt được “lời chưa nói” trong cử chỉ của người đối diện (ví dụ: nghiêng đầu tức là đang thích thú lắng nghe; di di bàn chân và tay mân mê chìa khóa tức muốn chấm dứt cuộc trò chuyện...) sẽ giúp ta "đọc" được suy nghĩ người khác và làm “nhạc trưởng” cuộc trò chuyện.
Kỹ thuật + chân tình = “hạ gục” đối phương
Những “bí mật” trong cái bắt tay khi được “bật mí” làm nhiều bạn trẻ thú vị. Một cái bắt tay vừa đủ chặt, gọn lòng bàn tay, kết hợp với giao tiếp mắt và giới hạn không gian hợp lý tùy mức độ của quan hệ sẽ góp phần giúp bạn ghi điểm với đối phương.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (bìa phải) - giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - trình bày những thói quen không tốt khi giao tiếp - Ảnh: Hồng Thắm
"Cửa sổ tâm hồn” cũng luôn là "vũ khí lợi hại". Khi bạn đang muốn rời bàn tiệc nhưng đối tác lại gọi thêm 1 ly nữa, bạn hãy mở to mắt tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Khi giao việc cho nhân viên, nhân viên chớp mắt nhanh liên tục tức là đang miễn cưỡng; khi ai đó đưa mắt lên trên khi trò chuyện tức đang mong đủ kiên nhẫn để nghe tiếp…
Song, như thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ, điều quan trọng nhất là: “Khi nắm bắt được các kỹ thuật giao tiếp phi ngôn ngữ, bạn cần có thêm sự chân tình thì mới thật sự “hạ gục” đối phương một cách ngọt ngào, thân ái nhất!”.
"Giao tiếp phi ngôn ngữ" là một trong những chủ đề của khóa học “10 ngày nâng tầm chính bạn” do www.hoithao.vn tổ chức, dành cho SV, bạn trẻ đã đi làm… kéo dài từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6-2011. .
Nhiều bạn trẻ chưa tận dụng được hiệu ứng giao tiếp phi ngôn ngữ
Hiệu ứng của giao tiếp phi ngôn ngữ ảnh hưởng cực kỳ đặc biệt đến hiệu ứng giao tiếp! Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ nói riêng và một số người Việt Nam chưa thực sự tận dụng hiệu ứng giao tiếp này nếu không muốn nói là sử dụng giao tiếp theo thói quen... Đó là chưa kể việc sử dụng những cử chỉ cấm kỵ nhưng không nghĩ rằng mình đang "vi phạm" quy ước trong giao tiếp
Những người thành công trong giao tiếp đều là những "bậc thầy" đọc tín hiệu không lời cũng như giải mã tín hiện không lời một cách độc đáo. Đó là chưa kể họ có thể tinh tế trong từng cử chỉ, điệu bộ theo phương thức tương tác tích cực...
Một cử chỉ động viên, một "thao tác" không lời mang tính lôi kéo khi thuyết trình, một "hành vi" không lời mang tính thắp lửa có thể làm cuộc giao tiếp có đẳng cấp chuyên nghiệp hơn.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn - cố vấn cao cấp Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt
TR.UYÊN - HỒNG THẮM - ĐỖ THU THẢO 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét