20 thg 1, 2014

Suy ngẫm: Thanh niên và "Sống mòn" thời nay

Sống mòn, người trẻ tự hại mình

30/11/2013 05:59 (GMT + 7)
TT - Chán ngán cuộc sống hiện tại, không tin tưởng vào tương lai để rồi mỗi ngày qua là một ngày dài với chính mình... Đây là điều mà khá nhiều bạn trẻ đang chia sẻ trên diễn đàn sống mòn trên Tuổi Trẻ Online.
Việc thường xuyên tham gia các hội thảo chuyên đề kỹ năng sống là một trong những giải pháp hiệu quả giúp bạn trẻ có lối sống tích cực. (Ảnh chụp tại chương trình kỹ năng sống “Vượt qua cú sốc tâm lý” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tháng 9-2013) - Ảnh: Thuận Thắng
i
  • “Có thể nói hiện tượng sống mòn ở người trẻ thời nay phổ biến hơn nhiều so với thời của tôi hoặc những thế hệ trước, và đây là điều rất đáng lo ngại”, anh Trần Hùng Thiện (giám đốc Công ty tư vấn GCOMM) nhìn nhận.
Mỗi ngày trôi qua dài như... 1 tháng!
Đó là cảm nhận của bạn Anh Thư (24 tuổi, nhân viên kinh doanh bất động sản) suốt hai năm qua. Tốt nghiệp ĐH ngành tài chính - ngân hàng nhưng Anh Thư quyết định làm nhân viên kinh doanh vì thích đi đây đó, gặp gỡ mọi người. Bất động sản đóng băng, Anh Thư sống chật vật với đồng lương căn bản, tự ti vì không môi giới được căn nhà nào suốt thời gian dài. “Tôi cười nói cả ngày nhưng chẳng ai biết bên trong đã rệu rã lắm rồi. Tôi cũng muốn tìm một cơ hội khác hoặc quay lại với chuyên ngành cũ nhưng ngại phải bắt đầu lại mọi thứ”, Anh Thư không giấu được vẻ chán nản.
“Trường hợp sống làng nhàng thậm chí còn phổ biến ở đối tượng học sinh cấp III”, đó là khẳng định của Đoàn Nguyễn Phương Thái (giáo viên Trung tâm ngoại ngữ Không Gian). Từng có thời gian dạy ở trường trung học, Thái nhận thấy rất nhiều bạn trẻ không biết tại sao phải nỗ lực học, mai này sẽ học ngành gì... mà chỉ quan tâm đến ca nhạc, thời trang. Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hữu Quang (phó giám đốc Công ty Exe) cho rằng hiện có rất nhiều bạn trẻ thiếu ý chí phấn đấu, hoàn thiện bản thân trong học tập, làm việc và sống theo kiểu “ngày mai tới đâu thì tới”.
Sống mòn đôi khi cũng xuất hiện ở những cá nhân trẻ có năng lực. Tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM, Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, Q.PN) sau đó trở thành chuyên viên cho một số hãng dược. Nghĩ mình có tài nên Tuấn luôn nôn nóng muốn leo lên vị trí cao trong công ty, nhưng rồi thực tế làm Tuấn nản lòng khi mọi thứ không đi đúng theo dự kiến. “Tôi bắt đầu chìm trong cảm giác thất vọng, thấy cuộc sống sao mà vô nghĩa, tẻ nhạt và gặp ai tôi cũng than. Tôi mất niềm tin và chỉ chờ đêm xuống để tụ tập hội hè, sống qua ngày đoạn tháng”, Anh Tuấn nhớ lại.
Lỗi do ai?
Một ngày khi nhìn vào gương, Anh Tuấn giật mình bởi không còn thấy gương mặt trẻ đầy lý tưởng sống ngày nào. “Tôi nhận ra là mình “xuống cấp” trầm trọng để rồi bạn bè người thì xa lánh, người thì thương hại. Tôi dành thời gian bình tâm ngồi lập lại mục tiêu cuộc sống một cách thực tế hơn và giờ mọi thứ dần ổn”, Anh Tuấn chia sẻ.
Ngẫm lại, Anh Tuấn cho rằng: “Có lẽ chúng tôi được gia đình bao bọc quá kỹ dẫn đến việc ngại thay đổi, dễ yếu đuối và đầu hàng khi bước vào đời thực”.
Anh Hùng Thiện cho rằng mấu chốt nằm ở chỗ các bạn trẻ thường không nhận ra vấn đề bắt nguồn từ chính mình hoặc không gắng sức thay đổi bản thân. Đây cũng là điều mà chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (trưởng phòng phát triển bền vững Holcim Vietnam) trăn trở thời gian qua. “Nhiều bạn trẻ thường than về cuộc sống sao quá tẻ nhạt, luôn thấy mất phương hướng... và nhờ tư vấn. Tôi thường chia sẻ cũng như gợi ý đọc một số tựa sách để các bạn tự nhận thức vấn đề. Nhiều năm trôi qua, ngày gặp lại họ vẫn loay hoay giậm chân tại chỗ, sách vẫn chưa đọc, những điều cần làm không làm và... tiếp tục than vãn. Họ không tự thân vận động thì ai có thể giúp họ?”, chị Thanh Hằng nêu vấn đề.
Xã hội hiện đại cũng ít nhiều khiến người trẻ mất động cơ học hỏi nâng cao kiến thức, ngại lao động và dần trở nên chán công việc, “ì” hơn, đó là nhận định của anh Lê Thành Quang Khôi (phó phòng hành chính nhân sự Ngân hàng Vietcombank Tân Định).
Tương lai được đoán trước
Anh Hùng Thiện cho rằng những cá nhân trên sẽ rất khó có cơ hội thăng tiến, thậm chí dễ bị cho nghỉ việc bởi lãnh đạo các công ty thường rất coi trọng thái độ làm việc, ý chí vươn lên và khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh. “Những nhân viên này thường sẽ được giao những việc vụn vặt không mang tính chiến lược nhằm hạn chế rủi ro cho tổ chức. Điều này khiến họ vốn đang ngán sẽ càng chán công việc, cuộc sống của mình hơn”, anh cho biết.
Đồng quan điểm, anh Quang Khôi cho rằng trong thời buổi kinh tế khó khăn và đầy cạnh tranh như ngày nay, việc người trẻ không nỗ lực thoát khỏi lối sống làng nhàng chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả đáng tiếc. “Bởi các tổ chức hiện đều thắt chặt chi phí nhân sự nên họ chỉ có thể giữ lại những ai làm tốt nhất việc được giao”, anh khẳng định.
Người rơi vào trạng thái sống mòn nên làm gì?
Đặt lại câu hỏi mình sinh ra trên đời để làm gì? Đâu là đam mê, điểm mạnh và yếu của bản thân? Rà lại kế hoạch và những điều bản thân mong muốn đạt được về mặt lâu dài để “xốc” lại chính mình.
Nên nhớ sống mòn không phải là bế tắc hoàn toàn mà chỉ tồn tại trong một giai đoạn do chính chúng ta quyết định.
Tích cực bổ sung những kiến thức, kỹ năng để làm giàu vốn sống, tăng cơ hội cho bản thân.
Đôi khi chúng ta cần những khoảng nghỉ ngơi cần thiết để nhìn lại con đường đã qua, để đánh giá vấn đề rõ hơn và tiếp thêm năng lượng, lên dây cót tinh thần. Khi đã tìm ra được mấu chốt vấn đề thì phải nỗ lực hiện thực hóa việc “lột xác”.
Đừng ngần ngại sẻ chia tình trạng của bản thân với gia đình, bạn bè trong những lúc khó khăn. Bạn cũng có thể tìm đến nhà tâm lý để có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên yếu tố tự thân vận động vẫn luôn là quan trọng nhất bởi không ai hiểu rõ chúng ta bằng chính bản thân mình.
Theo nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học Bùi Hồng Quân (Viện KHXH Việt Nam)
CÔNG NHẬT
 ------------------------------------
* Tin bài liên quan:

3 thg 1, 2014

Do dự và Thành công

Để đừng nói...giá như

Không ít người bảo, chần chừ công việc đã là “bệnh” của nhiều người trẻ hiện nay.

Để đừng nói...giá như
Chần chừ là rào cản của thành công - Ảnh: Đ.N.Thạch 
“Bệnh” không của riêng ai
“Có lẽ không phải riêng mình, hầu hết bạn bè cùng lớp đều đã từng hoặc đang mắc phải bệnh này”, Thùy Dương, học sinh(HS) lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM), chia sẻ. Dương kể chuyện của bản thân: Nhiều khi trong giờ học muốn hỏi thầy cô những vấn đề chưa hiểu, nhưng lại chần chừ chẳng dám nói ra. Rồi có khi thầy cô hỏi ai sẽ đảm nhiệm dẫn dắt một chương trình cho lớp, dù rất muốn nhưng lại chần chừ chẳng dám tự ứng cử.
Ngọc Thành, HS lớp 11 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM thì đã từng gặp những người bạn đáng mến, muốn làm quen nhưng lại chần chừ chẳng dám ngỏ lời, sau này phải hối tiếc, nói lời “ước gì”, “giá như”, mong thời gian quay trở lại…
Có điều dễ nhận thấy là “bệnh” này chẳng của riêng ai. Những sinh viên (SV), thậm chí người đã đi làm cũng mắc phải. “Ấp ủ cho ý tưởng khởi nghiệp từ năm hai đại học đến nay, giờ sắp ra trường thì ý tưởng cũng chỉ nằm trong suy nghĩ, cũng bởi sự chần chừ”, Trúc Dương, SV Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, tâm sự.
Nhiều bạn chia sẻ đã từng quyết tâm hoàn thành khóa học Anh văn, viết sách, hay đơn giản hơn là tập thể dục đều đặn mỗi ngày… nhưng cứ chần chừ mãi không làm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty giáo dục DeltaViet cũng thẳng thắn nhận định, hiện nay giới trẻ mắc “bệnh” này khá nhiều. Đề cập đến những câu chuyện trên, ông Minh cho biết đó chính là những biểu hiện của “bệnh” chần chừ. 
Chữa bằng cách nào ?
Lý giải nguyên nhân, ông Minh cho biết bắt đầu từ việc giới trẻ thiếu tự tin vào bản thân mình như: sợ mất mặt, sợ bị chê cười, hoặc sợ bản thân không làm được.
Chính những nỗi sợ này dẫn đến việc tự lừa dối bản thân bằng những suy nghĩ như: “À, thôi để lần khác thuận lợi hơn vậy”, hoặc "không cách này thì cách khác cũng được”, hay “thật ra thì mình cũng không cần điều đó lắm”... Tất cả điều này sẽ khiến chần chừ.
Tuy nhiên, hầu hết bạn trẻ đều chưa từng nghĩ hoặc biết đến những hệ lụy khi mắc phải “bệnh”. “Đó là sẽ khiến mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống, học tập, công việc… Chưa kể những cảm giác hối tiếc, dày vò vì không chịu hành động. Lâu dài hơn thì sẽ tạo thành thói quen, ảnh hưởng tới sự nhận thức của mỗi người…”, ông Minh nói.
Bùi Lập, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) nói: “Chẳng thể đếm xuể đã bao nhiêu lần mình chần chừ khi hành động điều gì đó. Dần dần trở thành tật mà mình chẳng biết phải làm thế nào, có lẽ sẽ khó bỏ được”. Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng Lập mà cũng chính là tâm trạng chung của nhiều bạn trẻ.
“Liều thuốc” hữu hiệu để có thể trị bớt “bệnh” này không khó như nhiều HS, SV nghĩ. Ông Minh bày cách, hãy biết cách xác định mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống và động lực làm việc. Đơn giản hơn, việc có thể làm ngay được là rèn luyện cho bản thân tâm lý "không bao giờ thích hợp hơn lúc này". Bất cứ việc gì khiến bạn cảm thấy thích thú, muốn đạt được điều đó thì nên tiến hành ngay chứ đừng bao giờ chần chừ.
Chia sẻ thêm với những ai đã và đang có thói quen trì hoãn, ông Minh khuyên: “Thói quen trì hoãn sẽ gây hại cho cuộc sống cũng như sự nghiệp của bạn. Đừng bao giờ trì hoãn công việc của mình nếu bạn có thể hoàn thành nó ngay hôm nay. Sẽ chẳng có bao giờ thích hợp hơn lúc này, thế nên đừng bao giờ trì hoãn vì lý do chưa phải là thời điểm thích hợp. Hãy làm việc của mình hết khả năng có thể, vượt qua sự trì trệ trong suy nghĩ và hành động để sải bước trên con đường thành công và hạnh phúc”.
Cũng đã từng bao lần chần chừ với những kế hoạch đề ra, sau đó tự quyết tâm thay đổi, Lê Phong, SV Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ kinh nghiệm: “Đừng bao giờ chần chừ cả, bởi nó là rào cản của thành công”.

Bình luận
 Nguyễn Trinh Phương Uyên
“Theo mình thuốc chữa bệnh hay trì hoãn chủ yếu từ chính thái độ của mỗi người. Đừng nên chần chừ, bởi cuộc sống là không chờ đợi”.
Nguyễn Trinh Phương Uyên (HS lớp 10C5, Trường THPT Nam Hà, Đồng Nai)
Đặng Khoa Đăng  
“Tôi từng có thói quen chần chừ, trốn tránh làm việc gì đó. Khi ấy thường có cảm giác tội lỗi hoặc lo lắng vì chưa làm, để rồi hoàn thành các đầu việc đó một cách kém hiệu quả vì “nước đến chân mới nhảy”, còn quá ít thời gian để chỉn chu. Tôi rất mong tạm biệt thói quen xấu đó”.
Đặng Khoa Đăng (HS lớp 11A1, Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai)
 Đặng Quang Vinh
“Nên bắt tay vào hành động ngay hôm nay, đừng để khi ngoái nhìn lại sẽ hối tiếc giá như đã từng quyết đoán hơn”.
Đặng Quang Vinh(SV Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM)
Xuân Phương
Xuân Phương - Trâm Anh