31 thg 5, 2010

Bí quyết đạt điểm cao

Thi tốt nghiệp THPT : Bí quyết đạt điểm cao

TT - Các giáo viên giàu kinh nghiệm chia sẻ cùng thí sinh cách làm bài đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra những ngày tới.

Cô Trần Thị Thanh Thủy (tổ trưởng tổ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM):
Môn văn: xác định đúng yêu cầu của đề

Đề thi môn văn có ba phần. Đối với phần câu hỏi giáo khoa, bài làm cần trình bày ngắn gọn, rõ ràng và không mắc lỗi diễn đạt. Câu nghị luận xã hội, muốn làm tốt phải xác định nội dung đề yêu cầu vấn đề gì. Bài làm phải giải thích đúng vấn đề được yêu cầu, biết phân tích, bình luận, mở rộng vấn đề. Phần dẫn chứng phải thực tế, có sức thuyết phục. Thí sinh cần diễn đạt chặt chẽ, bố cục bài làm rõ ràng, lý lẽ xác đáng.

Phần nghị luận văn học, quan trọng nhất thí sinh phải xác định đúng đề tài yêu cầu gì, thể loại gì, sau đó đi vào làm bài. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, rõ ý, bám sát yêu cầu của đề, trình bày dễ đọc.

Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM):
Môn lịch sử: nên có dàn ý bài làm

Với môn lịch sử, trước tiên thí sinh cần đọc kỹ đề, nắm rõ yêu cầu của đề, gạch dưới những cụm từ quan trọng trong đề, ghi ra giấy nháp những ý chính sẽ trả lời. Cần có dàn ý bài làm bên ngoài trước khi bắt đầu viết vào bài thi. Nếu không có dàn ý, bài làm sẽ dễ lan man, dễ lẫn lộn các sự kiện lịch sử, đặc biệt các sự kiện hội nghị, đại hội, chiến dịch.

Những sự kiện quan trọng cần được ghi đầy đủ, chính xác ngày, tháng, năm. Những sự kiện kém quan trọng hơn cố gắng ghi đúng năm. Khi làm bài thi môn lịch sử, thí sinh cần lưu ý các thuật ngữ chính trị, tên các tổ chức cần ghi chính xác.

Thầy Biện Văn Cư (GV môn hóa Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM):
Môn hóa: dễ trước, khó sau

Với môn hóa, cần bình tĩnh đọc lướt qua đề. Câu nào chắc chắn thí sinh làm trước, đặc biệt phần lý thuyết nên làm trước để có điểm cơ bản. Sau đó, đến phần bài toán, câu nào đơn giản làm trước, câu rắc rối làm sau. Nên làm bài theo nguyên tắc từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp. Không mất quá nhiều thời gian không cần thiết vào những câu quá khó với mình.

Có nhiều thí sinh mất quá nhiều thời gian tính phân tử lượng. Các vấn đề nguyên tử lượng, phân tử lượng ở đề trắc nghiệm cần làm nhanh. Nên học thuộc những phân tử lượng quen thuộc để làm bài nhanh, khỏi phải tính toán.

Thầy Trần Ngô (GV môn toán Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM):
Môn toán: đọc kỹ đề

Với môn toán, vẫn phải đọc kỹ đề và phân chia thời gian giữa các câu. Nên bắt đầu làm từ những câu dễ, những câu đã được ôn kỹ. Những câu này dù không khó nhưng cần làm cẩn thận, chắc chắn để không bị mất điểm. Kỹ năng tính toán số ở các bài hình học cũng cần làm chậm và kỹ, chỉ cần sai dấu hoặc thành phần tọa độ sẽ sai hết cả câu. Tóm lại, phần nào nắm chắc làm trước và phải làm chắc chắn để hưởng trọn điểm phần đó.

Đối với phần đề khó hơn, thí sinh nên chịu khó đọc kỹ đề. Lời giải đôi khi nằm ngay trước mắt mình nhưng bối rối, căng thẳng quá sẽ không tìm được hướng giải. Phần thời gian còn lại cuối giờ nên tận dụng tối đa để cố gắng tìm lời giải cho những câu khó đối với mình. Nếu cố gắng hết mình, thí sinh trung bình vẫn có thể đạt 6-7 điểm môn toán để bù điểm cho các môn khác.

Thầy Đặng Duy Định (tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM):
Môn địa lý: khai thác atlas

Để làm tốt bài thi môn địa lý cần nắm vững kiến thức cơ bản chương trình. Vào phòng thi, trước tiên thí sinh phải đọc kỹ yêu cầu (chứng minh, giải thích...) để thi để tránh lạc đề. Nếu đề ra dạng biểu đồ nhưng không nêu rõ biểu đồ gì phải cẩn thận định dạng chọn biểu đồ phù hợp. Lưu ý: khi vẽ biểu đồ cần ghi đủ các yếu tố liên quan: tên biểu đồ, ký hiệu, đơn vị... để tránh mất điểm.

Liên quan đến kỹ năng tính toán, để tránh mất điểm oan ức cần cẩn thận tính toán đúng số liệu, đơn vị. Đồng thời thí sinh cần có kỹ năng khai thác số liệu, hình ảnh thông tin trong atlas để làm bài tốt. Phần tự chọn trong đề thi, thí sinh nên đọc kỹ và chọn phần đề phù hợp nhất với mình, không làm cả hai phần đề tránh phạm quy.

Thầy Lê Thanh Tùng (tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM):
Môn tiếng Anh: thấy vừa sức làm ngay

Với đề thi tiếng Anh, thí sinh cần đọc từ trên xuống dưới, thấy câu nào vừa sức làm ngay. Câu nào chưa chắc chắn cần đánh dấu trên đề thi nhưng chưa làm trên phiếu làm bài. Sẽ trở lại giải quyết sau.

Phần đọc - hiểu trong đề thi tiếng Anh thường tương đối dễ kiếm điểm nhưng mất khá nhiều thời gian. Phần này có thể làm sau nhưng đừng để làm sau cùng. Khoảng giữa thời gian làm bài bắt đầu làm phần này là vừa. Sau đó, quay lại làm những câu chưa kịp làm. Cuối cùng cần kiểm tra, làm hết không bỏ sót câu nào trong phần đề chung và phần đề mình tự chọn. Nếu còn thời gian nên đọc lại bài để điều chỉnh phương án trả lời khi cần thiết.

Lưu ý: nên sử dụng bút chì 2B khi làm bài trắc nghiệm, không nên sử dụng bút chì 6B đậm quá, xóa không mất dấu. Nên tô câu trả lời kiểu vòng tròn đồng tâm từ ngoài vào trong để máy dễ nhận dạng.

PHÚC ĐIỀN ghi trên www.tuoitre.vn

30 thg 5, 2010

Tránh sai sót nhỏ để đạt điểm lớn

Thi tốt nghiệp THPT : Tránh sai nhỏ để đạt điểm lớn

TT - Trước ngày thi cần chuẩn bị tâm lý như thế nào? Chuẩn bị vật dụng nào mang vào phòng thi? Sử dụng giấy nháp trong phòng thi sao cho hiệu quả và lưu ý những gì để làm bài thi đạt điểm cao?

Thí sinh cần lưu ý những chi tiết kỹ thuật quan trọng để không uổng phí công sức học tập căng thẳng trong thời gian dài.

Theo nhiều giáo viên, có đến 50% thí sinh không biết sử dụng hiệu quả giấy nháp trong phòng thi. Hết giờ thi, giấy nháp vẫn còn trống. Hẳn nhiên, giấy nháp được dùng ở những môn có tính toán như toán, lý, hóa. Nhưng vai trò của giấy nháp còn quan trọng hơn thế. Ở các môn xã hội, thí sinh có thể đạt điểm cao hơn nếu biết sử dụng hiệu quả giấy nháp trong phòng thi.

"Lợi hại" giấy nháp

Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM, lưu ý: "Thực tế chấm bài thi lịch sử cho thấy thí sinh hay nhầm lẫn nội dung chiến dịch này và chiến dịch kia, hội nghị này qua hội nghị nọ. Rất nhiều học sinh (HS) quen kiểu học thuộc lòng, không đọc kỹ yêu cầu của đề, ghi hết tất cả những gì mình biết nhưng thiếu sót nhiều ý, bổ sung ý, làm bài lộn xộn.

Để khắc phục lỗi này, đối với môn lịch sử, HS nên đọc kỹ đề, ghi ra giấy nháp những cụm từ chính trong đề, những yêu cầu của đề đồng thời viết những ý chính, những sự kiện chính. Dựa vào những ý chính đã làm trên giấy nháp, bài làm mới đầy đủ ý”.

Thầy Ngô Tương Đại, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM, nhắc nhở HS sử dụng giấy nháp để làm dàn ý bài làm của mình, như thế sẽ không quên sau, không quá sa đà vào các phần trước dẫn đến không còn thời gian cho các phần sau.

Ở môn văn, các thầy cô luôn khuyên HS giấy nháp không bao giờ thừa. Đề thi đến ba câu, sẽ không có nhiều thời gian và không nên làm cả một phần bài làm trên giấy nháp. Tuy nhiên, nên dành khoảng 15 phút đọc kỹ đề và phác thảo những ý chính cho từng câu trong đề, nhất là ở phần bài nghị luận. Giấy nháp dùng để ghi những ý chính sẽ triển khai trong bài luận, ý tưởng mở rộng bài làm.

Sau khi làm bài,nhất thiết phải đọc kỹ và sửa những lỗi nhầm lẫn về tên tác giả, tên tác phẩm, tên nhân vật, các chi tiết trong tác phẩm,bối cảnh sáng tác, thể loại hoặc lỗi viết tắt, chính tả... Những lỗi này tuy "nhỏ" (theo thí sinh) nhưng Không "Nhỏ" (theo giám khảo) và đều bị trừ điểm rất "đau" (từ 0.25 đến 0.5 điểm đối với 1 lỗi. (cả bài bị chừng 3 lỗi phạm "húy" như trên là đi tong 1.5 điểm...
Ví dụ: Trong kì thi thử vừa rồi có bạn viết 1 câu trong đoạn mở bài mà bị trừ đến 1.0 điểm. Đó là câu "Nguyễn Khoa Điền là nhà văn nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới."
-Có 3 sự nhầm lẫn trong câu trên:
+Nguyễn Khoa Điềm chứ không phải là Điền (sai tên tác giả -0.5 điểm)
+Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ chứ không phải nhà văn (sai thể loại -0.5 điểm)
+Nguyễn Khoa Điềm là thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ chứ không phải là nhà thơ Mới (lúc phong trào thơ Mới phổ biến thì NKĐ chưa sinh --> Sai kiến thức -0.25 điểm)
- Đúng ra phải viết là "Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ"
-Như vậy nếu tính theo lỗi mà trừ điểm thì câu dầu tiên của bài văn đã bị trừ đến 1.25 điểm, giám khảo trừ 1.0 là còn nhẹ tay....

Đối với các môn trắc nghiệm, thí sinh nên tập trung lắng nghe hướng dẫn của giám thị, ghi thông tin đầy đủ, chính xác vào phiếu làm bài. Trong quá trình làm bài, câu nào đúng tô câu đó, không tô cả hai phương án. Câu nào không biết hoặc không chắc viết số câu đó ra giấy nháp để quay lại sau khi làm hết.

Không quá căng thẳng

Thực tế từ các hội đồng thi tốt nghiệp, năm nào cũng có những trường hợp đi muộn vì ngủ quên, lạc đường, đi nhầm sang hội đồng thi khác. Kinh nghiệm từ nhiều năm tham gia tổ chức thi, các thầy cô khuyên thí sinh trước ngày thi nên xem địa điểm, đường đi, ước lượng thời gian từ nhà đến điểm thi. Với hình thức thi cụm, trường thi có thể rất xa nhà, điều này lại càng cần thiết hơn. Cẩn thận hơn nữa, như thông báo của Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đến phụ huynh và HS, ngay hôm trước ngày thi cần đến hội đồng thi xem tên, số báo danh của mình dán ở đó có gì sai sót không... để kịp thời điều chỉnh.

Cô Lê Thị Kim Thu, phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, lưu ý các bạn thí sinh: các giấy tờ như thẻ dự thi, chứng minh nhân dân, thẻ HS và các dụng cụ được mang vào phòng thi nên tập trung vào một túi để tránh thất lạc. Trước ngày thi, cần chuẩn bị và kiểm tra lại các dụng cụ mang vào phòng thi: bút, thước, bút chì... Nên sắm mỗi thứ 2-3 cái giống nhau. Các môn thi trắc nghiệm cần chuẩn bị bút chì 2B, không dùng bút chì kim vì xóa không hết, vết tô bị hằn trên giấy, máy chấm bài không nhận dạng được.

Thực tế từ các hội đồng chấm trắc nghiệm cho thấy lỗi thường gặp của thí sinh vẫn là những lỗi “muôn năm cũ”: tô sai số báo danh và mã đề, không làm hết bài thi trắc nghiệm, một câu chọn đến hai phương án trả lời. Đối với bài thi tự luận, để tránh tình trạng bài thi bị chấm riêng, thí sinh tuyệt đối không dùng bút xóa trong bài làm, không sử dụng hai màu mực, hai nét chữ. Không sử dụng bút xanh lá cây, bút đỏ. Khi làm bài không chừa chỗ sửa, không được viết nhảy hàng, gạch dưới hoặc viết tắt những ký hiệu đặc biệt. Các thầy cô môn địa lý lưu ý HS cần chuẩn bị một atlat “sạch”, không ghi bất cứ thông tin gì, không có ghi chú nào trên đó. Nếu lỡ ghi thì phải mua atlat mới. Nếu xóa đi vẫn còn hằn dấu xóa rất khó giải thích với giám thị trong phòng thi.

Quy định “Bị bệnh có quyền không nộp bài”: Phải được cán bộ y tế xác nhận

Ngày 28-5, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết thêm trong thực tế tổ chức thi có trường hợp thí sinh đang thi nhưng bị bệnh đột xuất, hội đồng coi thi có thể cho thí sinh được dừng hoặc tạm dừng thi môn đó để được chăm sóc y tế. Những thí sinh sau khi được chăm sóc y tế, có khả năng tiếp tục làm bài thi sẽ được trở lại phòng thi hoàn tất bài thi của mình. Nhưng thí sinh được cán bộ y tế tại điểm thi xác nhận tình trạng sức khỏe nguy cấp, cần phải chuyển đi bệnh viện, hội đồng coi thi phải lập biên bản cho thí sinh ngừng thi môn đó.

* Còn đối với những thí sinh bị bệnh nhưng chưa đến mức phải chuyển đến bệnh viện?

- Những thí sinh bị bệnh không đủ sức khỏe dự thi, nếu có đủ điều kiện được đặc cách, phải hết sức cân nhắc để quyết định: dự thi hay không thi để xin đặc cách. Còn nếu cố đi thi, có thể sẽ gặp rủi ro như trên. Tình huống xử lý tôi đưa ra ở trên chủ yếu xét đến những trường hợp đột xuất, khi đó bộ phận y tế trong hội đồng coi thi sẽ xác nhận được chính xác tình hình sức khỏe của thí sinh để quyết định xử lý tại chỗ và cho tiếp tục thi, hay phải dừng thi và chuyển đến bệnh viện.

* Vậy những thí sinh đủ điều kiện xét đặc cách cần phải làm thủ tục như thế nào?

- Cả trường hợp bị bệnh, tai nạn trước khi thi hoặc trong khi đang diễn ra kỳ thi, gia đình của thí sinh phải chuẩn bị hồ sơ gồm: xác nhận của bác sĩ, giấy nhập viện, ra viện của bệnh viện, cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận tình trạng sức khỏe thí sinh không có khả năng tiếp tục dự thi, biên bản xin xét đặc cách của trường THPT nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (đối với trường hợp bị bệnh, tai nạn trước kỳ thi) và xác nhận của hội đồng coi thi, nơi thí sinh đang dự thi (đối với trường hợp bị bệnh trong khi thi). Hồ sơ xin xét đặc cách phải được nộp ngay sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi.
-----------------------------
VĨNH HÀ thực hiện TUOITRE.VN

26 thg 5, 2010

Cho tròn chữ Hiếu

Tên: Trần Thụy Thủy Tiên
Lớp: 10A8 Stt: 35
----------------------------------------------------
“ Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực. Ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời con… Con đừng quên con nhé ba mẹ là quê hương”. Đúng vậy, nếu ai từng nghe bài hát này thì ắt hẳn sẽ đoán được nội dung mà nhạc sĩ muốn gửi gắm. Gia đình luôn dành những gì tốt nhất cho ta nhưng đã có bao giờ bạn tự hỏi rằng mình đã làm được gì cho gia đình chưa? Đôi khi, bạn luôn dành những quan tâm cho Tổ quốc hay xã hội mà quên đi trách nhiệm của mình dành cho gia đình. Một trách nhiệm xem ra không có gì khó khăn nhưng lại không thể thiếu trong đời sống của mỗi chúng ta.
Vậy thế nào là trách nhiệm của chúng ta đối với gia đình và chúng ta phải làm như thế nào?”Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đúng vậy , gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần cho ta , họ không bao giờ bỏ ta khi ta gặp hoạn nạn .Vì thế , ngoài nghĩ cho bản thân thì chúng ta cũng nên nghĩ đến gia đình , đến những người thân yêu của chúng ta.
Trách nhiệm đối với gia đình không chỉ là nghĩa vụ mà nó còn thể hiện ở ý thức của mỗi người. chúng ta phải biết quan tâm hơn với gia đình. Tuy chỉ là một hành động nhỏ đối với bạn nhưng đôi khi đối với những người thân thì nó thực sự rất có ý nghĩa.
Chúng ta thể hiện trách nhiệm của mình qua nhiều hành động khác nhau. Nhưng hành động thể hiện sự yêu thương có lẽ là sẽ làm cho gia đình bạn trở nên hạnh phúc nhất. Khi còn là một đứa trẻ, có lẽ bạn sẽ chưa hiểu rõ được những điều mà cha mẹ bạn dành cho bạn, nhưng một khi sau này đã có gia đình, có con thì bạn sẽ hiểu được tại sao cha mẹ mình lại có thể hy sinh nhiều như vậy. Ở nhà, đôi khi những công việc như quét nhà, nấu cơm, rửa chén… la`những công việc tưởng chừng là những việc đơn giản mà chỉ có mẹ làm, nhưng không, nó còn có thể dành cho bạn đấy. Hãy dành chút thời gian để phụ giúp cho mẹ, việc làm đó không lấy nhiều thời gian của bạn lắm đâu nhưng nó lại làm cho mẹ cảm thấy hạnh phúc và tự hào hơn về bạn. Cha mẹ không đòi hỏi chúng ta phải phụ giúp hay yêu thương họ. Họ chỉ mong chúng ta học hành thật tốt mà thôi. Chính vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải cố gắng học thật tốt để làm cho cha mẹ cảm thấy thật hạnh phúc, thật vui. Đó cũng là cách thể hiện sự đền đáp công ơn bao tháng ngày cơ cực nuôi dưỡng ta. Hãy thể hiện sự yêu thương của bạn đối với gia đình khi còn có thể. Đừng để bạn phải hối tiếc về những gì đã làm. Cha mẹ không thể sống đời với chúng ta vì thế hãy quan tâm cha mẹ hơn khi họ còn ở bên cạnh bạn.
Nói tóm lại, chúng ta phải hoàn thành bổn phận với gia đình một cách tốt nhất. Bạn đừng bao giờ hỏi rằng:” Gia đình đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi rằng bạn đã làm được gì cho gia đình chưa?”. Đó cũng chính là điều mà tôi muốn gửi đến các bạn để các bạn có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình với gia đình.