2 thg 1, 2011

Nét bút tri ân-Tình nghĩa thầy trò

"Thầy chỉ ăn tôm... thẳng"
TTO - Đông đã về, từng đợt gió mùa đông bắc đem theo cái rét cắt da cắt thịt gợi tôi nhớ lại thuở học trò hồn nhiên, vô tư nơi mái trường che tạm trên đất Công Chính, Nông Cống, Thanh Hóa quê tôi.
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tử TTO
Nghe Radio: Nét bút tri ân tuần thứ 3
Con tàu thời gian đã đưa tôi đi qua 39 năm rồi kể từ ngày tôi xa thầy, xa trường để bắt đầu một trang mới cho cuộc đời mình. Thời gian thường giúp ta mang đi mọi thứ về với dĩ vãng nhưng những kỷ niệm về thầy tôi cứ sáng mãi trong lòng, nó như ngọn đưốc soi đường cho tôi khỏi vấp ngã, nâng bước tôi đi cho đến tận bây giờ…
Giọng xứ Nghệ trầm, nặng đầy trìu mến như còn phảng phất bên tai “Vuôn và Cứ từ mai ở lại trường mà học!”. Hai chị em tôi nhà nghèo lại cách xa trường 15 cây số, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc nói chi đến cái xe đạp để đi học. Chị Cứ thì mất cha. Mẹ nuôi 4 đứa con ăn học bằng 3 sào ruộng và mò cua bắt ốc. Tôi may mắn hơn, cha mẹ khỏe nhưng 7 đứa con.
Những năm 1975 đến 1979 quê tôi đói lắm. Thầy tôi biết được hai đứa đi học với cái bụng đói nên thương. Lúc đó nhà tập thể của trường tôi là một dãy nhà ba phòng lợp bằng lá kè (một loại cọ), vách đất.
Thầy từ Thanh Long, Thanh Chương, Nghệ An ra Thanh Hóa dạy học. Đôi khi ở lại trường ăn cơm trưa với thầy có thầy phó hiệu trưởng Ngô Đình Cán, thỉnh thoảng thêm thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Việt. Thầy hiệu trưởng ở gần nên ít khi ở lại.
Nhiều hôm hai đứa tôi phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Thầy biết và lo chúng tôi sẽ bỏ lớp, bỏ thầy. Thầy gặp riêng chúng tôi và nói: “Hai đứa lên trường mà ở, 13 kg gạo của thầy thêm rau nữa cũng đủ cho 3 thầy trò". Hai đứa tôi từ bỏ ý định thôi học. Cha mẹ lo làm phiền thầy nhưng vì thương con nên đồng ý cho chúng tôi ở lại trường với thầy. Thầy sang ở chung phòng với thầy Cán nhường phòng của mình cho chúng tôi.
Đó là những ngày cơ hàn của người nông dân quê tôi, cuối năm 1978 đầu 1979. Mỗi tuần cha mẹ chỉ dành cho tôi được nhiều nhất 3, 4 "bò" (bằng 1 lon sữa Ông Thọ bây giờ) gạo. Chị Cứ có khi không có mà gạo mang. Tiền không có. Chúng tôi góp chung vào quỹ gạo của thầy.
Thầy cũng lúc gạo lúc khoai, lúc sắn. Có lúc "kho lương thực" không có gạo phải thay bằng sắn gạc nai - sắn củ (khoai mì) sấy khô, lúc may thì được ăn bột mì Liên Xô... Một tháng thầy được tiêu chuẩn 13 kg lương thực nhưng có khi phải ba lần lấy mới hết.
Hôm nào thầy bảo: “Hôm nay nấu cháo nhé” thì hôm đó bốn thầy trò hì hụp bát cháo loãng. Nhiều hôm đói quá hai đứa rủ nhau ra đồng xin rau khoai về luộc, no hơn một chút. Thầy khen: “Rau khoai chấm muối, mát ruột!”.
Nhớ hôm hai đứa đi học thầy ở nhà mua được một mớ tôm, tép đồng của người dân. Đến bữa ăn thầy gắp cho chúng tôi. Thương thầy tôi gắp lại cho thầy. Thầy trả con tôm vàng óng vào bát tôi và nói: “Thầy lớn rồi không cần ăn nữa. Bay ăn đi để lấy sức mà ôn thi”. Lần thứ hai gắp cho thầy thì thầy bảo: “Thầy chỉ ăn tôm thẳng”.
Thầy Cán cười còn hai đứa tôi cứ thế ăn, mà nghĩ rằng thầy không ăn tôm tép chứ đâu nghĩ ra là khi tôm tép nấu chín rồi thì chẳng có con nào thẳng! Sau này đủ lớn khôn, mỗi lần nhớ lại lời thầy trong bữa cơm hôm ấy là mỗi lần sống mũi tôi cay xè.
Hồi ấy tôi thích nhất là được ăn "bánh mì": bột mì, bỏ thêm chút muối trắng, pha nước lã rồi nắm thành từng cục to gần bằng cái bánh bao bây giờ đem luộc lên, mỗi người mỗi cục thế là chẳng cần canh, cá gì hết.
Nhớ hôm tôi pha một chậu nước bồ kết chuẩn bị gội đầu. Chị Cứ tưởng nước tôi múc cho chị làm bánh nên khi tôi đi gội đầu thì… nồi bánh đang sôi sung sục trên bếp! Hai đứa tôi sợ quá. Nếu bỏ đi thì thầy trò nhịn đói mà để ăn thì sao đây? Hai đứa phần sợ các thầy, phần sợ ăn bánh sẽ đau bụng nhưng chẳng dám nói ra. Đến bữa ăn, thầy Cán vừa khịt khịt mũi vừa nói: “Thầy nghe mùi bồ kết đâu đây bay ạ”.
Thầy tôi nói: “Con Vuôn gội đầu bồ kết mà”. Chỉ có hai đứa tôi là im lặng ngồi ăn. Không dám không ăn. Hơn nữa ăn vẫn thấy ngon. Ăn tối xong hai đứa tôi vừa học vừa lắng nghe xem cái bụng có vấn đề gì không. Học được một lúc chị Cứ lại hỏi: “Mi thấy gì chưa?”. Đến khuya hai đứa vẫn không thấy bụng đau mà lại thấy đói! Thế rồi hai chị em tôi úp sách lên mặt ngủ lúc nào không hay.
Mùi cơm thơm phảng phất đâu đó đánh thức cái bụng đói của tôi thì tôi bừng tỉnh giấc. Phản xạ tự nhiên tôi bật dậy. Ô kìa, trên bàn hai bát cháo gạo đang bốc hơi! Hai chị em nhìn nhau. Chị hỏi tôi: “Em mắc màn hả?”. Tôi lắc đầu. Tôi hỏi chị: “Chị xếp sách vở lên bàn à?”. Chị cũng lắc đầu!
Hai chị em đang vừa thu dọn chăn màn vừa lo hai thầy ốm vì món "bánh mì" hôm qua nên phải nấu cháo thì thầy sang: “Con gái lớn mà ngủ không khép cửa, không mắc màn, giỏi thật!”. Rồi thầy nói: “Ăn cháo rồi mà đi học!”.
Thầy trò chúng tôi có bao giờ ăn sáng đâu, sao hôm nay thầy nấu cháo nhỉ? Cái vại đựng gạo có còn đâu! Tôi cứ tự vấn mình suốt cả buổi sáng hôm đó cho đến lúc ngồi vào mâm cơm thầy hỏi: “Ăn bánh mì pha nước bồ kết mà không đứa nào đau bụng nhỉ?”. Thế mà chúng tôi cứ nghĩ món bánh chiều qua là bí mật của riêng hai đứa tôi! Ôi thầy tôi!
Kỳ thi năm đó hai đứa tôi đều vào đại học. Tôi đã bước ra khỏi lũy tre làng với bao mơ ước mà thầy tôi đã gieo vào tâm hồn non nớt trong những ngày được sống với thầy. Trong hành trang tôi mang theo mấy chục năm qua có giọng nói ấm, trầm xứ Nghệ chan chứa tình yêu thương, có phảng phất mùi chiếc bành mì pha nước bồ kết và câu nói: “Thầy chỉ ăn tôm thẳng” của thầy trong bữa ăn ngày hôm ấy.
Thầy ơi,Thấm thoắt thoi đưa thời gian đi. Năm tháng cuốn theo tuổi học trò trong trắng vô tưCon đã kịp nhận ra tôm không thẳng bao giờ!
NÉT BÚT TRI ÂN
email
email
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoobuzz_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/digg_48.png
top
(5)
Thật xúc động
Tôi làm giáo viên 8 năm rồi nghĩ vì thấy đời giáo viên quá bạc bẽo, nay đọc bài viết này xúc động quá, tình cảm thầy trò ngày ấy sao mà yêu thương, sao mà đằm thắm, sao mà hy sinh nhiều cho nhau đến thế. 
Có lẽ sự nghèo thường cảm thông hơn thì phải, cuộc sống nay khác đi, trò bây giờ quá ít em có lễ độ, thầy thì không có trách nhiệm gì trong việc định hướng cho trò và tình yêu thương với trò cũng ít đi. Cơm áo gạo tiền làm mất tình thầy trò nhiều quá, ước gì có nhiều bài viết hay để xã hội tốt đẹp hơn, tình thầy trò đúng nghĩa của nó.

LƯƠNG PHÚC ĐỦ
Ôi người thầy!
Đọc bài viết em xúc động đến rơi lệ, thật may mắn cho những ai là học trò của thầy. Mong rằng ngày càng nhiều thầy cô giáo xuất hiện trong thời đại ngày nay, nhất là những thầy cô trẻ đi theo sự nghiệp trồng người. Em cũng cố gắng và noi gương thầy ạ.

THUYHANG
Cảm động vô cùng
R - Đọc những dòng này nước mắt tôi cứ lưng tròng. Tình thầy trò ngày xưa sao đẹp quá! Tôi mong sao thế hệ thầy trò ngày nay sẽ lấy những tấm gương này để soi lại mình. Và cũng hi vọng rằng giới truyền thông nên đưa ra nhiều câu chuyện cảm động, nhiều tấm gương sáng để người đọc được thấm nhuần đạo lý con người, từ đó ảnh hưởng đến hành động, chứ ngày nào cũng nhan nhản những chuyện xấu làm cho con người ta bị nhiễm.
TAM
Xúc động
Bài viết làm cay cay khóe mắt nhiều thế hệ học trò. Tôi hi vọng những ai đọc được bài báo này, những người thành đạt và kể cả những người vô danh đều tìm được những khoảnh khắc tinh khôi nhất của đời mình. Tôi cũng thấy buồn lòng, tại sao những bài viết như thế này lại có quá ít người bình luận. Ngược lại những bài bài mang tính chất phê phán khuyết điểm của một số ít giáo viên nào đó thì lại có không biết bao nhiêu lời bình không nhiều thiện cảm và niềm tin đối với những nhà giáo. Đôi dòng chia sẽ với những ai quan tâm bài viết này.
MUONBUT
Tôi đã theo nghề nhà giáo từ đó
Giờ đây tôi đã là một giáo viên, cuộc sống hiện tại đã làm tôi quên đi cái lý tưởng nghề nghiệp mà ngày xưa tôi theo đuổi. Học sinh bây giờ không như ngày xưa và giáo viên bây giờ cũng khác nhiều lắm. Cảm ơn " NÉT BÚT TRI ÂN" đã chạm đến trái tim tôi, đã làm cho tôi chợt nhớ lại những người thầy người cô, những người đã gieo vào lòng tôi những ước mơ cao đẹp. Xin gởi đến những người thầy như vậy những lời tri ân sâu sác nhất. Tôi chạnh lòng thấy mình còn phải cố gắng rất nhiều mới ăn được "con tôm thẳng" như người thầy này.