Với khoảng 11.000 người chết mỗi năm, trung bình mỗi ngày VN có hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) và cũng thêm chừng ấy người bị thương. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng đánh giá, TNGT mỗi năm làm thiệt hại cho nền kinh tế VN khoảng 900 triệu USD, tức 1,64% GDP. Như thế đáng phải gọi là thảm họa.
Tính sơ qua, số người chết do TNGT một năm ở ta bằng số người chết trong 120 cơn bão lớn, gấp gần 3 lần hậu quả cuộc chiến kéo dài 7 năm ở Iraq.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 92% số vụ TNGT là do con người, 2% do kết cấu hạ tầng. Trên thực tế theo dõi cũng có thể thấy, tất cả những vụ TNGT có tính chất thảm khốc nhất đều không phải do lỗi khách quan (như cơ sở hạ tầng yếu kém, đường sá không đạt tiêu chuẩn) mà là do ý thức kém của người tham gia giao thông. Thực trạng lái xe không có giấy phép điều khiển phương tiện, điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, cố tình vi phạm luật lệ giao thông, chống người thi hành công vụ... đang gia tăng đến mức đáng báo động.
Thực tế, Chính phủ luôn coi TNGT là vấn đề cần giải quyết, cũng không tiếc tiền chi cho giảm thiểu tai nạn nhưng hiệu quả các biện pháp chưa thật cao, thể hiện ở số vụ TNGT không giảm, hoặc giảm chút ít rồi lại tăng nhanh trở lại. Nếu đặt TNGT ở mức thảm họa có lẽ chúng ta sẽ có ứng xử đúng mức hơn với một vấn đề thực sự đang là nghiêm trọng.
Người ta nói rằng, muốn biết chất lượng giáo dục hãy ra ngoài đường. Việc thiếu ý thức tôn trọng luật lệ giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách… suy cho cùng cũng do giáo dục mà ra. Do vậy, bên cạnh việc xây dựng chiến lược cơ sở hạ tầng giao thông dài hạn là quan trọng thì việc nâng cao nhận thức của mọi công dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông cũng cần thiết không kém.
Nhận thức là một quá trình, nhưng cũng không vì vậy mà mong đợi sự thay đổi tích cực bằng những khẩu hiệu, hô hào chung chung. Cần thiết phải có các biện pháp mạnh hơn nữa và việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm giao thông không nên làm theo kiểu “chiến dịch”. Khi cơ quan chức năng làm theo “chiến dịch”, rất dễ làm nảy sinh tâm lý đối phó ở người chấp hành.
Mức xử phạt ở một số hành vi có thể cần phải tăng cao hơn nữa để đảm bảo tính răn đe. Không thể giảm bớt tai nạn khi lỗi vượt đèn đỏ chỉ bị phạt có 100.000 đồng. Càng không thể kiểm soát việc vi phạm an toàn giao thông khi người cố tình vi phạm dựa dẫm vào hành vi tiêu cực của một số CSGT…