23 thg 8, 2012

2012: Thi thật kết quả thật


Nghịch lý giữa hai kỳ thi
Kết quả thi ĐH, CĐ năm nay không còn gây xôn xao vì hàng ngàn bài thi điểm 0 môn lịch sử như năm ngoái. Song dư luận vẫn choáng váng vì nhiều học sinh vừa đạt điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT lại không đạt nổi 5 điểm cho ba môn thi ĐH. Ở nhiều hội đồng tuyển sinh vẫn thấy la liệt điểm 0, điểm 1...
Thi nghiêm túc, điểm đại học kém thê thảm
Trong suốt quá trình chuẩn bị thi cho đến khi diễn ra lần lượt ba đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, lãnh đạo bộ GD-ĐT liên tục khẳng định đề thi năm nay nhẹ nhàng, phân hóa tốt, đề thi vẫn đảm bảo mục tiêu sàng lọc để tuyển chọn nhưng sẽ hạn chế tối đa thí sinh chỉ có 0-2 điểm/môn. Nói cách khác, thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT (đỗ tốt nghiệp) thì ít nhất cũng phải tránh được điểm liệt.
Với đề thi năm nay, điểm thi ĐH dự kiến cao hơn năm trước, giúp nguồn tuyển của các trường dồi dào hơn, trường tuyển dễ hơn (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: TTO
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có tỉ lệ đỗ xấp xỉ 100%, trong đó tỉnh có tỉ lệ đỗ thấp nhất là 95% đã khiến nhiều người lạc quan khấp khởi tin điểm thi ĐH năm nay sẽ khác nhiều so với năm trước. Nhưng theo thống kê điểm thi tại nhiều trường ĐH, nhất là ở các trường khu vực phía Bắc, điểm thi nhiều môn thấp thê thảm.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh có hơn 2.600 thí sinh dự thi thì có đến hơn 1.000 thí sinh có điểm môn toán từ 0-1 điểm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội gần 3.000 thí sinh dự thi khối C thì số thí sinh điểm 0-1 ở môn sử đã chiếm hơn 1/4 với hơn 800 em (trong đó điểm 0 hơn 180 em), nếu tính rộng ra số thí sinh môn thi này từ điểm 3 trở xuống thì con số lên đến gần 1.800 em. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có hơn 600 trường hợp điểm 1 trở xuống ở môn sử trong khoảng 3.900 thí sinh dự thi. Trường ĐH Nội vụ có hơn 2.400 thí sinh dự thi thì số điểm 1 trở xuống cho môn sử gần 900 em, số bị điểm 0 là hơn 140 em...
Cách đây vài năm, cục Công nghệ thông tin (bộ GD-ĐT) đã thử thống kê để so sánh tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp và tỉ lệ đỗ ĐH ở một số địa phương thì thấy một nghịch lý: nhiều nơi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, nhiều điểm khá giỏi nhưng đỗ ĐH lại rất ít, kết quả lẹt đẹt ở điểm kém. Những con số quá nhạy cảm này đã không được công bố vào những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cục diện này không được thay đổi khi tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng dần đều, ngày càng nhích lên gần với số 100%, nhưng ở nhiều nơi, kết quả thi ĐH của học sinh vẫn kém.
Khảo sát ở một số trường ĐH địa phương, hầu hết tuyển sinh thí sinh thường trú tại địa phương thì thấy rõ điều này. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định (trường đóng tại Nam Định, địa phương luôn dẫn đầu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, năm 2012 xấp xỉ 100%) - số thí sinh chạm điểm sàn cũng rất thấp. Số liệu thống kê từ nhà trường cho thấy trong hơn 1.000 thí sinh dự thi chỉ có khoảng 200 em có tổng 10 điểm trở lên.
Phải đạt điểm 5 mới hợp lý
GS Đỗ Thanh Bình (khoa lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: với môn lịch sử, đề thi tuyển sinh ĐH yêu cầu cao hơn đề thi tốt nghiệp. Vì thế, không phải thí sinh nào đạt điểm giỏi thi tốt nghiệp cũng có thể đạt điểm cao khi thi tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, đề thi có nhiều câu hỏi, độ khó khác nhau. “Với đề thi sử vào ĐH-CĐ năm nay, thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản, vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp thì chí ít cũng phải đạt điểm 5. Nếu chỉ được điểm 1-2, thậm chí điểm 0 thì vô lý quá” - ông nhận xét.
Thầy Đặng Quang Minh (giảng viên khoa lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội đồng thời là giáo viên môn lịch sử Trường THPT Nguyễn Tất Thành) cho rằng đề thi môn sử năm nay “dễ nhất trong vòng năm năm trở lại đây”, nên “thi tốt nghiệp tỉ lệ đỗ chót vót, điểm thi sử tương đối cao, trong khi thi ĐH lẹt đẹt, nhiều điểm 0, điểm liệt thì quá dễ để tự hiểu kỳ thi tốt nghiệp THPT không thật sự nghiêm túc”.
Nhiều thầy cô giáo dạy toán ở bậc phổ thông cũng nhận xét với đề thi toán ĐH, học sinh trung bình vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT thì cũng có thể làm được ít nhất 1-2 câu. Như vậy, việc nhiều thí sinh chỉ có điểm 0, điểm 1 trong kỳ thi ĐH cho thấy “nên xem lại việc đỗ tốt nghiệp”.
GSĐH. Đề thi ĐH dù khó hơn nhưng không quá khó đến mức xảy ra sự chênh lệch lớn về điểm số giữa hai kỳ thi như vậy”.
Không thực chất thì nên bỏ?
GS Văn Như Cương đưa ra một phép tính đơn giản: Cứ tính mức chi “giản dị” cho mỗi thí sinh (thi tốt nghiệp THPT) là 1.000 đồng thì kỳ thi này đã tốn 1 tỉ đồng. Chưa kể có rất nhiều khâu khác nhau liên quan đến coi thi, chấm thi, thanh tra... Một kỳ thi quá tốn kém như vậy kéo dài nhiều năm nhưng chưa có nghiên cứu nào để đong đếm xem hiệu quả của nó có tương xứng với số tiền bỏ ra không? “Thi mà nhìn thấy rõ là không thực chất thì không nên thi làm gì” - GS Văn Như Cương nhấn mạnh.
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (bộ GD-ĐT) khẳng định ngành giáo dục lâu nay chỉ coi trọng đánh giá tổng kết mà xem nhẹ đánh giá tiến trình, coi kỳ thi tốt nghiệp mang tính ăn thua nặng nề. “Hàng chục năm nay, chúng tôi đã đề nghị tốt nghiệp không nên xem là kỳ thi quốc gia. Tổ chức kỳ thi quốc gia là để đánh giá học sinh cùng trên một chuẩn chung. Song giáo dục hiện nay còn có sự chênh lệch giữa các tỉnh, các vùng. Thành ra khi đặt ra một tiêu chuẩn chung không thực hiện được, đã lại sinh ra những chính sách để cộng điểm cho tỉnh này, tỉnh kia. Vậy thì mục tiêu theo chuẩn quốc gia có đạt được đâu mà cố duy trì?” - ông nêu câu hỏi.
Cách tốt nhất, theo GS Thiệp, là chuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho tỉnh đảm trách, với những tiêu chuẩn do bộ sẽ đặt ra, đúng như giá trị đơn giản của tấm bằng tốt nghiệp. “Những đề thi tốt nghiệp năm nay rất dễ, chứng tỏ nó nặng nề về cách tổ chức chứ không phải ở nội dung. Kỳ thi cồng kềnh không đáng rất dễ gây ra tâm lý ăn thua, dễ nảy sinh tiêu cực”.
GS Thiệp cũng cho hay lộ trình hướng đến hợp nhất một kỳ thi quốc gia thay cho hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH liên tiếp của bộ bị đóng băng mấy năm qua. “Lộ trình hướng đến việc giảm bớt các kỳ thi quốc gia là việc phải làm của ngành giáo dục. Song tôi cho rằng ý tưởng để phần lớn các trường ĐH chỉ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là không khả thi, vì kết quả kỳ thi đó sẽ không còn khách quan, nhất định địa phương sẽ tìm cách can thiệp. Ở Việt Nam, điều đó dễ xảy ra lắm. Từng có thời ngành giáo dục xét tuyển ĐH thông qua học bạ, kết quả các tỉnh miền xa cao hơn nhiều ở Hà Nội vì người ta thay học bạ hết”.
“Tôi cho rằng vẫn cần một kỳ thi để dựa vào đó làm căn cứ xét tuyển ĐH, nhưng đó sẽ không phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi tuyển sinh ĐH như hiện nay. Đó sẽ là một kỳ thi đánh giá năng lực học sinh cuối bậc phổ thông, có thể tổ chức nhiều lần, học sinh cuối lớp 11, đầu lớp 12 cũng có thể tham dự. Đây là kỳ thi đánh giá năng lực của người học ở cuối bậc phổ thông, thí sinh chưa đạt trong đợt này có thể nâng cao năng lực để thi đợt sau” - GS Thiệp nói.
THEO TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN
Chỉ đạt 2-3 điểm thì sức học quá kém
“Với đề thi năm nay, điểm thi ĐH dự kiến cao hơn năm trước, giúp nguồn tuyển của các trường dồi dào hơn, trường tuyển dễ hơn. Thí sinh đỗ ĐH cũng không quá chật vật. Thí sinh chỉ đạt 2-3 điểm/môn thì đồng nghĩa với sức học quá kém, không thể theo nổi chương trình ĐH”.
Ông BÙI VĂN GA
(Thứ trưởng bộ GD-ĐT)
Print
YahooFacebookBookmarkEmail
Đánh giá bài viết:  
Bài liên quan
CÁC Ý KIẾN (1)
Ái Nhi
Sao không thấy nêu tỉnh Quảng Ngãi. Bốn ngàn sinh viên dự thi hai trường đại học trong tỉnh mà chỉ có 170 em từ 13 điểm trở lên. Nói đến căn bệnh thành tích dối trá này nhiều lúc thấy cục tức trào lên tận cổ.

11 thg 8, 2012

Đường thẳng và Đường tắt


Bài thơ "Đường tắt" của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi.

Đề bài: Suy nghĩ của anh (chị) từ bài thơ " Đường tắt" của Đặng Chân Nhân:
Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn
Và nó luôn là con đường sai.
Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại?
 
Đặng Chân Nhân
(Sinh năm 1993)
Bài làm
Có một sự thật luôn tồn tại mà ai cũng biết: rằng nhiều kẻ bằng "ô dù", bằng nịnh nọt, bằng cách này hay cách khác mà trèo lên được chức vụ cao, làm ông to bà lớn, ung dung hưởng kết quả mà lẽ ra phải đánh đổi bằng rất nhiều cố gắng nỗ lực. Ai cũng biết và ai cũng bức xúc. Ai cũng bức xúc nhưng không ai dám nói to. Không ai dám nói to nhưng người ta thì thầm "ông ấy... bà nọ..." và ai cũng tặc lưỡi "biết rồi". Nói như Đặng Chân Nhân là ta đã quen nhìn nhiều người đi "Đường tắt"
"Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào"
Mở đầu bài thơ "Đường tắt", Đặng Chân Nhân mở ra trước mắt ta hai con đường với hai viễn cảnh hoàn toàn trái ngược dù nó cũng dẫn tới một đích. Con đường dài là biểu tượng cho hành trình gian khó, phải trải qua bao gian nan thử thách mới có thể gặt hái được thành công. Còn con đường ngắn - đường tắt lại là ẩn dụ cho một hành trình ngắn hơn với những luồn lách, thậm chí gian trá để có thể được hưởng thành quả. Đặng Chân Nhân đã xây dựng một tương quan hoàn toàn đối lập: một bên dài - một bên ngắn; một bên đầy bão tố thử thách - một bên "không có chướng ngại vật nào" và "không tốn thời gian". Đánh vào tâm lí sợ khổ, sợ cực của con người, việc lựa chọn đường tắt quả là có một sức cám dỗ rất lớn.
Nhưng, cái gì cũng có giá của nó!
Lửa thử vàng, phải trải qua khó khăn con người mới có thể trở nên cứng cáp, phát huy hết năng lực bản thân, thậm chí bộc lộ những năng lực tiềm ẩn. Ta có thể sẽ vấp ngã rất đau nhưng giá trị là những bài học thu về. Đi trên con đường dài, vất vả song sẽ giúp ta ngày một trưởng thành hơn. Ta có quyền tự hào vì những gì tự mình gây dựng lấy. Niềm vui, niềm hạnh phúc khi đạt được thành quả cũng trở nên trọn vẹn.
Và như thế có nghĩa là, khi chọn đi con đường tắt, người ta đã bỏ qua tất cả những điều tuyệt vời đó
" Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn”
Tôi nghĩ, thứ mất đi có lẽ không chỉ có chừng ấy. Đường tắt dễ đi nhưng lệ phí để đi con đường ấy thực không nhỏ chút nào. Muốn đi đường tắt, người ta phải dùng không biết bao nhiêu là thủ đoạn, hoặc là khom gối mà xin, hoặc là cướp trắng trợn thứ đáng lẽ thuộc về người khác. Hay nói đúng hơn, họ phải bán rẻ nhân cách, bán rẻ những giá trị người của chính mình. Kẻ dám bán có hai loại: kẻ trộm và kẻ lừa dối. Bán đi rồi thì còn lại những gì
"Kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học"
Đúng là đi đường tắt thì cái gì cũng dễ. Đi dễ, thành công dễ và mất cũng dễ. Mà đã mất là mất hết. Vì không có năng lực thực sự thì không khả năng giải quyết các yêu cầu công việc ở vị trí đó. Họ lúc nào cũng sống trong lo sợ sẽ có người hạ bệ mình, lúc nào cũng bất an, lúc nào cũng phải tìm cách lấp liếm sự kém cỏi. Nhưng, dù sớm hay muộn, họ chắc chắc cũng sẽ bị lật tẩy.
Câu hỏi cuối bài thơ vang lên đầy day dứt: "Liệu chúng có thể tồn tại?". Đây có thể cũng là một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo. Đặng Chân Nhân khẳng định đường tắt "luôn là con đường sai". Nó chỉ đem đến thành công trước mắt mà không thể duy trì lâu dài, hơn nữa cái giá phải trả cho nó là quá lớn. Không chỉ với một người mà với cả cộng đồng, với cả kẻ đi dường tắt và người lựa chọn đường dài. Vì thành công bằng lối tắt là không công bằng với những người đã và đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Nó sẽ khiến những người có năng lực thực sự mất niềm tin, hao mòn ý chí phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến cho xã hội. Không dừng lại ở đấy. Hậu quả của nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều.
Hãy là một phép nhẩm đơn giản. Rằng những người đi đường tắt thì thường ngồi lên chức vị cao. Ngồi ở chức vị cao thì đưa ra những quyết sách quan trọng. Nhưng vì không có năng lực nên quyết sách quan trọng hay bị sai lầm. Một quyết sách sai lầm thì hậu quả nặng nề của nó cả cộng đồng phải gánh chịu. Hơn nữa những kẻ đi đường tắt sẽ khiến cả xã hội mất cân bằng ghê gớm. Chính vì đi đường tắt, không có năng lực thực sự, nên những kẻ ấy luôn cố gắng tìm cách che đậy sự kém cỏi của mình. Nhu cầu ấy sẽ kéo theo một loạt tệ nạn khác trong xã hội: mua quan bán chức, mua bằng, thi hộ... Những cái giả cứ thế lên ngôi, các giá trị cũng bị làm giả một cách trắng trợn. Niềm tin cũng theo đấy đổ vỡ. Xã hội bị gặm rỗng từ bên trong.
Ta phải nhìn thằng vào sự thật: rằng ngày càng có nhiều người muốn đi đường tắt. Từ cậu học trò không học nhưng muốn thi đỗ nên giờ bài quay cóp cho đến ông bộ trưởng nào đấy với cái bằng trị giá nghìn đô. Nó không ở một cá nhân mà đang lây lan trong cộng đồng như một thứ bệnh dịch. Gần đây người ta xôn xao vì clip ghi hình giám thị đáp bài cho thí sinh, thí sinh ngang nhiên giở tài liệu chép trong kì thi tốt nghiệp THPT. Nó trắng trợn quá. Và sự trắng trợn ấy đã diễn ra từ rất lâu rồi. Vì sao? Vì ai cũng muốn đi đường tắt. Đường tắt đã nhân bản muôn hình vạn trạng trong cuộc sống.
Không phải tự dưng mà những kẻ đi đường tắt có thể tồn tại. Không có người dung túng mở đường thì liệu những kẻ đó có thể đi được? Và, chúng còn được tiếp sức bởi chính cộng đồng. Vì chúng ta thích những thứ hào nhoáng, quá coi trọng bằng cấp mà quên đi giá trị thực sự bên trong. Tâm lí ấy dường như đã ăn sâu vào con người chúng ta.    
Hãy thay đổi.
Vì dẫu biết những kể đi đường tắt sớm muộn cũng bị lật tẩy, bị thay thế nhưng cho đến lúc ấy thì không biết đã kịp gây ra bao nhiêu hậu quả. Có thể khắc phục nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian mà không thể phục hồi nguyên trạng ban đầu. Cùng giống như xây nhà vậy hãy xây cẩn thận ngay từ đâu còn hơn xây rối và sau này phải hì hục sửa chữa, chắp vá.
Bài thơ "Đường tắt" của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi. Bởi nó đã vạch ra, phân định rõ ràng cho ta thấy bản chất đúng - sai giữa hai con đường, hai sự lựa chọn, giữa sống giả và sống thật.
Và bạn, bạn sẽ chọn con đường nào?
Hoàng Quỳnh Phương
(Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi - đường Ngô Quyền - thành phố Hải Dương - tỉnh Hải Dương)
Theo VietNamNet

4 thg 8, 2012

Diễn văn bế giảng của Lê Hoàng


(GDVN) - "Bất thường - bất thường - bất thường hơn nữa. Thầy kêu gọi các em như thế...", vị đạo diễn tài hoa Lê Hoàng bất ngờ khác hẳn mọi khi, ông không viết về giới showbiz nữa mà viết một bức thư mượn lời một hiệu trưởng nhắn nhủ học sinh sắp ra trường.
Hôm nay là ngày cuối cùng của năm học cuối cùng. Chỉ vài tiếng nữa thôi các em sẽ tốt nghiệp ra trường. Giờ phút này những tiếng trống đang vang lên, không phải trống báo vào lớp hay trống tan học, mà trống tạm biệt. Những tiếng trống kết thúc của thời kì phổ thông khiến thầy tin đang làm các em nghẹn ngào, dù là em ngoan hay em ương bướng bởi trong sâu thẳm tâm hồn các em vẫn là những đứa trẻ thơ.

Các em thân yêu!

Lễ tốt nghiệp nào cũng phải kết thúc bằng một bài diễn văn. Toàn thế giới đều như vậy và chúng ta cũng thế. Trong phần lớn các diễn văn đó, các ông hay các bà hiệu trưởng đều ca ngợi học sinh như những con người phi thường, giúp cho các em tin tưởng một cách mãnh liệt sâu sắc về khả năng thay đổi hành tinh, thay đổi xã hội cũng như thay đổi cá nhân mình.

Những bài diễn văn kiểu đó không sai hoặc từ lâu rồi chẳng ai dám nghĩ rằng sai bởi làm cho con người tự tin, cảm thấy có tài, có sức mạnh vốn là một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục.


Nhưng vừa rồi ở bên Mỹ đã có một ông hành động khác. Ông ta tuyên bố tất cả các em đều bình thường, thậm chí có thể tầm thường. Đừng nuôi ảo tưởng và đừng nghĩ rằng cả trái đất đang náo nức và đang sốt ruột chờ các em vươn tay ra cải tạo. “Chả hề có chuyện đó” - ông ấy nhấn mạnh. Nếu các em không cố gắng, các em còn lâu mới sống cho ra hồn chứ đừng nói đến việc trở thành các vĩ nhân.

Bài diễn văn của ông ta đã gây nên một cơn bão. Kẻ phản đối cũng nhiều và người ca ngợi cũng lắm. Với tư cách một nhà sư phạm, có nghĩa là nhà khoa học, thầy nghĩ rằng bất cứ cái gì, tuy chưa rõ đúng sai những gây ra tranh luận nhiều chiều đều lợi ích cả.

Vậy giờ phút này đứng trước các em, với tư cách một hiệu trưởng, thầy phải tỏ thái độ thế nào? Đó là điều thầy đã cân nhắc nghiêm túc suốt đêm qua. Cũng thành thật với các em, chả phải lúc nào thầy cũng trăn trở như vậy. Đã có nhiều năm thầy đọc đi đọc lại một bài diễn văn soạn sẵn giống hệt nhau, chỉ thay đổi ngày tháng, nhưng bây giờ thầy không cho phép mình làm thế do đây chẳng những là ngày cuối cùng của các em mà rất có thể cũng là những ngày cuối cùng của thầy trên cương vị hiệu trưởng. Trong cuộc đời chúng ta những giờ phút cuối cùng luôn luôn cần trung thực!

Các em thân yêu!

Nếu bảo rằng các em vĩ đại và khác thường thì thầy rõ ràng không tin. Với chất lượng sách giáo khoa, với khả năng và lương tâm các thầy cô, với sức tiếp thu quen thụ động và một chiều, với hoàn cảnh sống còn nhiều vất vả, rất ít lý do để các em trở thành những nhà khoa học hay nhân văn học có tư duy sáng tạo phi thường, đột phá. Các em chỉ là học sinh phổ thông mà chữ phổ thông không là bạn thân của chữ đỉnh cao. Điều ấy hoàn toàn có cơ sở chứng minh.

Nhưng nếu bảo các em là tầm thường thì thầy kiên quyết phản đối, con người chúng ta là sinh vật tiên tiến nhất trên trái đất, và nhiều khả năng trên vũ trụ. Vô số thứ con người trong đó đương nhiên có các em làm ra đã vượt xa mọi sức tưởng tượng. Không lý do gì sự tầm thường lại góp phần trong những thành tựu đó. Và dù các em có lên lớp không đều, có tiếp thu nhiều bài giảng một cách khập khiễng thì vẫn phải công nhận đó là những kiến thức đã được tích tụ cả ngàn năm. Không thể có con người tầm thường, cũng như không thể có con vịt hoặc con gà cao quý.

Vậy các em là ai? Hay nói chính xác hơn các em sẽ là ai? Đã tới thời điểm mà câu hỏi này đã phải đặt ra. Nhân đây xin tuyên bố nếu cá lớn lên nhờ nước, cây lớn lên nhờ đất và hoa nở nhờ ánh sáng mặt trời thì chúng ta phải lớn lên bằng câu hỏi. Chừng nào ngừng đặt câu hỏi, chừng đó chúng ta đã ngừng tồn tại. Theo cá nhân thầy, các em không trở nên là kẻ bình thường, cũng không thể là kẻ phi thường. Các em hãy là những con người 'bất thường'.

Sự bất thường hiểu theo nghĩa chân chính của nó là một hành vi không thể dự đoán được. Sự bất thường khiến ta có thể đúng, khiến ta có thể sai nhưng rất, rất nhiều lúc khiến ta tìm được những kết quả chưa ai ngờ tới, khiến xung quanh ta phải nhìn sự vật một cách khác đi.

Trong một xã hội chân chính như xã hội các em đang sống, nhìn cái xấu rất dễ, nhìn cái tốt cũng chả khó khăn bao nhiêu nhưng hiểu cách khác luôn luôn là chuyện cần nỗ lực, cần tranh cãi và cần sự vươn cao.

Các em hãy bất thường đi. Không phải trong sinh hoạt, trong quần áo hay đầu tóc càng không nên trong ăn uống. Đấy là những thứ bất thường vớ vẩn dùng cho những kẻ tầm thường trong nhận thức. Các em phải  bất thường trong mỗi cách đưa ra vấn đề, trong mỗi cách tìm hiểu cuộc sống và giải quyết nó. Đấy là lời căn dặn của thầy.

Muốn như thế điều cơ bản nhất là các em phải biết từ bỏ các thói quen, các kiểu tư duy rập khuôn với người khác. Cũng theo thầy, thói quen là kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta, đặc biệt là những thói quen lặp đi lặp lại khiến ta tưởng đó là chân lý. Trong văn hóa, trong khoa học, trong nghệ thuật thói quen sẽ trở thành một con đường mà dù có phóng xe trên đó với tốc độ cao bao nhiêu thì đích tới cũng là cái đích cũ, đầy những cá nhân ở đó trước rồi, các em nên ghi nhớ điều này.

Bất thường- bất thường - bất thường hơn nữa. Thầy kêu gọi các em như thế. Bất cứ điều gì cũng phải thắc mắc, bất cứ công việc nào cũng phải đặt dấu hỏi, bất cứ vấn đề ra sao cũng phải tránh xa các kết luận có sẵn. Đấy chính là điều thầy mong các em nên làm.

Thầy cũng chả giấu diếm rằng như thế đôi khi khá nguy hiểm… Có thể làm các em trở nên đơn độc, hoặc trở nên bị xa lánh với một đám đông. Nhưng nếu mỗi quốc gia đều hòa nhập chứ không hòa tan thì mỗi con người cũng nên bắt chước điều này.

Các em học sinh yêu quý của thầy !

Những tiếng trống cuối cùng sắp chấm dứt. Thầy không biết bài diễn văn này có thể coi là một tiếng trống hay tiếng súng. Nhưng tận đáy lòng thầy chỉ mong các em được thôi thúc vào đời với trái tim dũng cảm, với kiến thức tuy còn sơ sài nhưng không ngại bổ sung và với một nghị lực phi thường để đạt tới những đỉnh cao khác thường mà đất nước chúng ta đang mong đợi các em.

Thầy xin ôm từng em vào lòng và chào tạm biệt!

1 thg 8, 2012

Nhật ký của mẹ

http://www.youtube.com/watch?v=CM5Slb5QROs&feature=fvwrel


Nhật ký của mẹ 'chạm' tận đáy yêu thương

Thứ năm, 05/04/2012, 11:02 AM (GMT+7)
Rất nhiều đứa con chưa một lần nghĩ đến những vất vả của mẹ, nay bỗng khóc òa khi lắng nghe bài hát.
yahoo
MV “Nhật kí của mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang gây 'tiếng vang' lớn trong cộng đồng mạng. Bài hát đã 'chạm' tận đáy thương yêu, khiến trái tim bao người rung lên vì nghẹn ngào, xúc động. "Bài hát cảm động quá! Mẹ ơi con yêu mẹ nhiều lắm. Chẳng gì có thể so sánh được những vất vả hi sinh mẹ đã trải qua để cho con có được ngày hôm nay”, một độc giả chia sẻ.
Điều diệu kỳ mà bài hát này làm được là, rất nhiều đứa con chưa một lần nghĩ đến những gian khó của mẹ, nay bỗng khóc òa khi lắng nghe bài hát. “Thật sự khi xem video này mình không thể nói thành lời, nước mắt cứ tự nhiên chảy ra. Nhớ lại những lần ghét bỏ cái gia đình ấy chỉ vì những nỗi niềm rất trẻ con và càng nhớ lại cảm giác đó bao nhiêu thì nước mắt lại càng rơi bấy nhiêu. Bởi vì có đi xa, có từng trải thì mới biết được giá trị tình cảm của gia đình đối với mình. Câu nói con yêu mẹ thực sự là câu nói rất khó mà cho đến bây giờ mình mới có thể nói được… Mẹ ơi…Con Yêu Mẹ”, bạn có có nickname lethanh1990 tâm sự.

Nhấp vào đường line để xem clip

http://www.youtube.com/watch?v=CM5Slb5QROs&feature=fvwrel (  Vẽ trên cát -lồng tiếng Anh)


Thể hiện tranh cát: Nguyễn Văn Chung
Sub Eng: Tạ Nguyễn Tấn Trường

Tâm sự của tác giả:
"Lần đầu tiên tôi thấy 1 ca sĩ khóc khi thu âm bài hát của mình, thật lạ là tôi lại cảm thấy vui! Bởi vì tôi biết rằng mình đã thành công khi truyền tải được tất cả cảm xúc vào bài hát này! Cũng phải, vì đây là bài hát mà tôi tự hào nhất trong số những bài hát mà tôi đã viết. Tôi mất 3 ngày để suy ngẫm, lựa chọn và để sửa từng câu, từng từ, để rồi hoàn tất nó vào 5g sáng ngày thứ 4. Tôi tin rằng trên đời này, Mẹ là người phụ nữ tốt với tôi nhất, yêu thương tôi nhất, quan tâm đến tôi nhất và bao dung với tôi nhất! Tôi đã viết bài hát này với tất cả sự kính yêu dành cho Mẹ! Nếu bạn có thời gian để nghe và chiêm nghiệm từng lời từng chữ trong bài hát này, có lẽ nước mắt rơi lúc nào các bạn cũng không hề biết đấy! Xin cám ơn Hiền Thục đã hát bằng tất cả tình cảm của mình!"


Trang thứ nhất...
Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông, bao ngày Mẹ mong con chào đời,
Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần?
Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần,
Tiếng con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhòa, cám ơn vì con đến bên Mẹ...
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con nhất đời!
Ngắm con ngoan nằm trong nôi, mắt xoe tròn, ôi bé cưng!
Nhìn Cha con, Cha đang rất vui, giọt nước mắt lăn trên khóe môi,
Con hãy nhìn kìa, Cha đang khóc vì con...

Trang thứ hai...
Một ngày tỉnh giấc, rồi Mẹ chợt nghe, vụng về con nói câu:"Mẹ ơi!"
Chiếc môi bé nhỏ thốt lên bất ngờ, khiến tim Mẹ vui như vỡ òa...
Đây là mặt đất, này là trời cao, đây là nơi đã sinh ra con,
Bước chân bé nhỏ bước đi theo Cha, bước chân đầu tiên trên đường đời...
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con biết bao!
Hãy cứ đi, Mẹ bên con, dõi theo con từng bước chân...
Ngày mai sau khi con lớn khôn, đường đời không như con ước mơ,
Hãy đứng lên và vững bước trên đường xa...

Trang thứ ba...
Ngày đầu đến lớp, Mẹ cùng con đi, ngập ngừng con bước sau lưng Mẹ,
Tiếng ve cuối hè, hát vang đón chào, ánh mặt trời soi con đến trường...
Ngày ngày đến lớp, dần dần con quen, bạn bè, Thầy Cô yêu thương con,
Bé con của Mẹ vẫn luôn chăm ngoan, khiến cho Mẹ vui mãi trong lòng...
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con rất nhiều!
Những khuya ôn bài, con thức, xót xa tim Mẹ biết bao!
Từng kỳ thi nối tiếp nhau, tuổi thơ con trôi qua rất mau,
Ước chi con Mẹ mai sau sẽ thành công...

Trang thứ tư...
Một ngày Mẹ thấy con cười vu vơ, nụ hồng con giấu trong ngăn bàn,
Lá thư viết vội, có tên rất lạ, chắc là người con thương rất nhiều!
Một ngày Mẹ thấy con buồn vu vơ, cành hồng vẫn ở trong ngăn bàn,
Lá đâu đã vàng, hoa đâu đã tàn, cớ sao nhìn con úa thu sang?
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con rất nhiều!
Những kỷ niệm lần đầu yêu, suốt một đời đâu dễ quên...
Vầng trăng kia sẽ sưởi ấm con, và sau cơn mưa, nắng sẽ trong,
Sẽ có một người yêu con hơn Mẹ yêu...

Trang thứ năm...
Một ngày con lớn, một ngày con khôn, một ngày con phải đi xa Mẹ,
Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao con vẫy vùng,
Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng Mẹ chợt nhớ con vô bờ,
Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời...
Này con yêu ơi, con biết không? Mẹ yêu con, yêu con nhất đời!
Ở nơi phương trời xa xôi, hãy yên tâm, Mẹ vẫn vui!
Từng dòng thư ôm bao nhớ thương, Mẹ nhờ mây mang trao đến con,
Chúc con yêu được hạnh phúc, mãi bình an...

Trang thứ sáu...
Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông, bao ngày Mẹ mong con quay về,
Ấp trong đáy lòng, nhớ bao tháng ngày bé con hồn nhiên bên dáng Mẹ,
Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy, con Mẹ vẫn bé như thiên thần,
Thấy con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhoà, Cám ơn vì con đến bên Mẹ...