18 thg 10, 2014

Giao tiếp

Đâu rồi tiếng dạ, thưa?

Thứ bảy, 18/10/2014 | 06:32 GMT+7
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dau-roi-tieng-da-thua-3094923.html
Về xứ Huế có hai câu thơ nổi tiếng: Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. Nhiều chàng trai xứ Bắc thú nhận, nghe con gái Huế, con gái Nam "dạ thưa" họ chết lịm vì thích.
Cái tiếng dạ, thưa ngọt ngào, ngoan ngoãn, tài tình vẽ nên cả một dáng con gái mềm mại, nhẹ nhàng, lễ độ, biết ăn biết ở, "hai thương ăn nói mặn mà có duyên", "bảy thương nết ở khôn ngoan" (Lý mười thương)...
Nhưng đâu phải chỉ trước mặt anh chàng ý trung nhân, người con gái mới cần dạ, thưa? Khi tôi còn nhỏ, ngay đi chợ cũng nói như vậy. Người bán hàng cỡ dì, hay chị, hay ngoại thì cứ vậy mà xưng hô: Dạ dì ơi mắc quá bớt cho con đi. Dạ em gởi tiền. Dạ con đi nghen. Dạ dì chờ con thối tiền. Dạ chờ em chút, em chạy qua đổi cái áo vừa size cho chị. Là ở chợ đó, ở cái nơi người ta tới chỉ để dùng tiền mua bán và phần đông người bán đều lam lũ, tảo tần, không có chi để mà cầu cạnh, vâng dạ lấy lòng. Ở chợ, mọi người dạ thưa với nhau không phân sang hèn, chỉ để tỏ lòng lễ độ.
Còn ở nhà, ở trường, ở ngoài đường, trong rạp xi nê, trong thư viện... dĩ nhiên, con nít không biết dạ thưa ấy à, nhỏ thì ăn đòn quắn đít, lớn thì lập tức nhận ngay cái trừng mắt, bắt sửa của cha mẹ.
Thành ra lớn lên chúng tôi vẫn dạ thưa với người khác và dạy trẻ em học tiếng dạ thưa làm đầu. Đó không phải đãi bôi mà là văn hóa giao tiếp tối thiểu, là sự tôn trọng bắt buộc trong bất cứ môi trường nào. Vậy nhưng tiếng xưng hô đó bây giờ hình như dần dần mất. Người ta nói năng với nhau chao chát, trống không, chỏng lỏn. Không ít lần tôi chứng kiến cảnh một phụ nữ ngồi trước nhà quẳng ra độc một tiếng "rau". Chị gánh rau tong tả chạy tới. Người phụ nữ nọ sùng sục bới lộn từ trên xuống dưới cả thúng rau xanh om chỉ để chọn ra một bó. Cô bán rau nhăn nhó nhưng chỉ dám nhẹ nhàng "Bá nhẹ tay giúp em, dập rau em không bán được, rau em mới hái bó nào cũng tươi hết". Chị kia bĩu dài cái môi: "Ối giời cái bọn nhà quê nhà mày bố ai mà tin được". Rồi vứt toẹt vài đồng tiền lẻ lên cái thúng, cầm bó rau đứng dậy.
Không chỉ với những người buôn gánh bán bưng lam lũ mà người ta nói năng cộc lốc, chỏng lỏn ở khắp mọi nơi. Vào tiệm mua hàng thì "Cái này bao tiền? (Bắc)" hoặc "Cái kia giá nhiêu? (Nam), "Lấy cái xanh mực ấy, ừ, không, cái bên cạnh", " Lấy cái này nhá, gói lại". Hất hàm, xỉa tiền, nghênh ngang đi ra, khinh người rất mực! Thậm chí trong gia đình vợ chồng cũng vậy bao nhiêu vâng ạ, dạ thưa, em ơi, anh hỡi... từng làm họ ngọt đến tận tim gan khi đang yêu nhau rụng đâu sạch bách.
Vài ngày nay trên mạng xã hội chia sẻ một video bé gái chỉ khoảng 6, 7 tuổi ngồi một mình trước mâm cơm, chân chống chân xếp, vừa bê chén lên húp thức ăn vừa trừng mắt "dạy dỗ" ông bố: "Này, đi chơi là phải đàng hoàng, không được đi rông, đi làm xong phải về nhà ngay. Con cấm chỉ bố không được tán gái". Cả tư thế, giọng điệu và biểu cảm gương mặt của bé đều khiến tôi rởn cả da gà. Ngạc nhiên là chính cha của cháu quay video đó, up lên trang cá nhân với lời bình có vẻ tự hào và nhận được hàng chục bình luận của bạn bè, người thân, của cả mẹ cháu bé. Tất cả đều vui vẻ hỉ hả khen cháu khôn ngoan quá. Một hai lời cảnh tỉnh bố mẹ cháu về cách giáo dục con lọt thỏm trong đám đông đó.
Tôi có một đồng nghiệp đồng thời là nhạc sĩ nổi tiếng, năm nay khoảng 60 tuổi. Khi nói chuyện điện thoại với vợ, ông luôn nhẹ nhàng mở đầu: "Anh đây". Và khi kết thúc: "Anh bỏ máy nha". Chỉ qua vài câu nói nhưng tôi thấy ông trân trọng mối quan hệ này, trân trọng người vợ của mình. Và dĩ nhiên, khi chuyện trò với ông không ai dám tỏ ra chỏng lỏn, vô lễ.
Cách đây vài năm dư luận rộ lên xung quanh mẩu quảng cáo trong đó cô gái nói chuyện với người lớn tuổi nhưng thiếu kính ngữ. Các nhà phê bình văn hóa phê phán ghê lắm. Trên diễn đàn các bà mẹ, họ cũng phê phán ghê lắm, thế rồi chính không ít người trong số họ vẫn cư xử với nhau như thế hằng ngày.
Có câu chuyện thần thoại nước ngoài kể về hai chị em nhà kia, người chị xinh đẹp, hiền hậu, hễ mở miệng nói thì một đóa hoa thơm hoặc viên ngọc rơi ra. Cô em độc ác nanh nọc, mỗi lần mở miệng cóc nhái rắn rết nhảy ra phun phèo phèo. Bạn muốn có hoa và ngọc xung quanh mình hay là rắn rết?
Hoàng Xuân
Ý kiến bạn đọc ()
Thời ấy nay còn đâu ?
Cám ơn tác giả bài viết rất hay !
Giới trẻ bây giờ khó dạy. Đi cùng cha mẹ gặp người khác cha mẹ chào con thì không. Cha mẹ nhắc hoài "chào bác, chào cô" đi con thì mới ậm ừ. Chẳng biết là do nó nhỏ nên ngại hay là khó dạy nữa -_-
maybach - 10:32 18/10
Tôi xin kể câu chuyện này ra mong các anh, chị suy nghĩ về cách ứng xử hiện nay của chúng ta. Tôi rất may là còn ông bà nội, mỗi lần có dịp nghỉ lễ là em ưu tiên dành thời gian về thăm ông bà, chính ông bà đã dạy cho tôi những cách ứng xử trong cuộc sống. Có lần ông kể câu chuyện vui nhưng rất thâm thúy: "Hình như ngày nay trong trường học không còn dạy đủ các thanh: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng nữa mà chỉ còn dạy dấu nặng không", nghe ông nói tới đây tôi thật sự chưa hiểu lắm về câu chuyện ông muốn nói, ông tiếp "bọn trẻ con ngày nay sao nói chuyện nó dùng dấu nặng không à", đến lúc này tôi mới hiểu bài học mà ông thường dạy và nhắc nhở con cháu về cách ứng xử, giao tiếp với mọi người xung quanh. Tôi rất tự hào vì còn ông để mỗi lần đi xa về tôi phải ghé thăm ông để ông còn chỉ dạy cho tôi nhiều điều hay trong cuộc sống. Trước đây tôi làm nhân viên trong cơ quan nhà nước, mỗi lần về thăm ông thường căn dặn tôi "Con làm việc phải thật sự "chí công vô tư", "chuyên chính vô sản", những câu này ông thường nói đi nói lại mỗi khi tôi về thăm nhưng tôi nghe không bao giờ là thừa. Vì cuộc sống mưu sinh, tôi không còn gắn bó với cơ quan nhà nước nữa mà ra ngoài làm tư nhân nhưng những bài học ông dạy vẫn còn nguyên giá trị. 
Tôi rất thích chủ đề , nội dung của bài viết này, đọc xong tôi như thấy mình trong bài viết. Tôi dù đã ở nước ngoài nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn giữ được nề nếp dạ thưa khi nói chuyện với bất cứ ai,qua đây sống thấy trẻ ...  
Phát triển nhưng không hẳn đã là Văn Minh lịch sự. Cần giáo dục nhiều về ý thức và đạo đức cho con trẻ, muốn vậy Bố Mẹ cần phải có ý thức và tự biết giáo dục mình thì mới được. (( Người tự biết giáo dục mình mới thực sự là người có giáo dục ))
Bạn nói rất phải! :)
phivantam - 22 giờ trước
Giờ mình đi chợ, cũng vẫn giữ thói quen dạ thưa như vậy; cô bán cua hay chọc mình "con làm cô thấy sướng quá, chứ có ai dạ thưa mấy bà chợ búa như cô; mơi mốt ghé cô nghe"
Đúng. Trong phim vietnam bây giờ tôi rất bất bình về ứng xử của các nhân vật trẻ, người sống ở đô thị văn minh, người vai nhỏ hơn thường nói "ừ" đối với người lớn, ngay cả với cha mẹ của mình, chỉ có tiếng dạ, thưa còn thấy ...  
Rất cảm ơn tác giả, đọc để tự răn mình, từ đó mới có thể răn con cái và những người xung quanh
M.Chau - 08:52 18/10
Bây giờ vẫn nghe "dạ, thưa " ở trong các công ty khi cấp dưới xưng hô với cấp trên chứ ngoài đường thì hiếm nghe lắm.
saigon84 - 20 giờ trước
Ước gì ai cũng đọc được những suy nghĩ của chị Hoàng Xuân chia sẻ .