20 thg 6, 2015

Lối sống

Khi người ta trẻ: Thói quen chê bai

Nhìn thấy cảnh cô nữ sinh vừa hoàn thành phần thi tài năng ở cuộc thi thanh lịch òa khóc nức nở, tôi không khỏi xót xa.

Minh họa: Văn NguyễnMinh họa: Văn Nguyễn
Mặc dù trước đó, cô nữ sinh ấy rất tự tin và thể hiện khá tốt bài hát dự thi. Chuyện xảy ra khi cô trở về chỗ ngồi, từ dưới hàng ghế khán giả có tiếng nói vọng lên “hát gì mà dở thế”. Chỉ một câu chê bai vô cớ của một người nào đó đã khiến cô mất bình tĩnh và không thể tiếp tục thi được nữa.
Thích chê bai người khác đang trở thành một thói quen của nhiều người. Họ luôn tìm cách “vạch lá tìm sâu” để hạ bệ người khác.
Có nhiều người mở miệng ra là chê hết thứ này đến thứ kia, trong khi chưa chắc họ đã am hiểu tất cả về đối tượng đang đề cập. Dẫu rằng, một lời chê chân thành, khéo léo sẽ giúp người khác sửa sai, nhận ra khuyết điểm. Nhưng rõ ràng phần lớn, những người thích chê bai đều không có thiện chí đó. Họ chê chỉ vì tâm lý ghen ăn tức ở, không muốn người khác hơn mình, thậm chí như một thói quen khó bỏ.
Tôi nhớ lúc còn đi học, tôi vốn nhút nhát nên rất ngại nói trước đám đông, ít khi phát biểu xây dựng bài. Nhưng từ khi được thầy giáo dạy văn lớp 9 nhận xét “em có giọng nói rất truyền cảm”, tôi đã tự tin hơn khi bày tỏ ý kiến giữa tập thể, mạnh dạn trong giao tiếp.
Bởi vậy, thay vì chê bai, chúng ta hãy khen ngợi những điểm mạnh, thành quả xứng đáng. Một lời khen đúng lúc có thể trở thành động lực khuyến khích người khác cố gắng hơn.
Hãy mở rộng lòng mình, nhìn đời, nhìn người một cách khách quan, bao dung hơn để đừng buông những lời chê vô cớ. Bởi khi bạn chê bai, vô tình bạn đang tạo cho mình lối sống tiêu cực, nhìn vào đâu cũng thấy khuyết điểm. Bởi khoảng cách từ thói quen chê bai đến cách sống bi quan, chán nản rất gần.
Quỳnh Trang

15 thg 6, 2015

Hiện tượng đổ lỗi cho nhau

TNO 15.06.2015

Đổ lỗi luôn là phản ứng tự vệ đầu tiên khi có sai sót hậu quả xảy ra. Đổ lỗi khiến chúng ta an tâm và thanh thản nhanh hơn. Đổ lỗi cho nhau là chuyện chúng ta thường thấy hằng ngày.

mua-giong-o-Ha-Noi
Nhiều cây cổ thụ bị lật gốc, gãy đổ trong cơn giông mạnh như bão tại Hà Nội xảy ra hồi 13.6 - Ảnh: Ngọc Thắng
Khi chúng ta đứng trước việc mất những cây cổ thụ lâu năm, thay bằng những cây mới phù hợp hơn với đô thị theo như đề ánthay thế cây xanh ở thủ đô, rất nhiều người đã phản đối và nhiều người ủng hộ. Nhiều cây đã được chặt trước khi tạm dừng triển khai đề án. Đi giữa trời nắng nóng, họ đổ lỗi cho những người đã chặt cây. Trời mưa giông cây đổ, họ đổ lỗi cho người chưa chịu chặt cây và những người phản đối chặt cây.
Đất nước chưa phát triển chúng ta đổ lỗi cho khách quan, cho hoàn cảnh, cho bối cảnh thế giới phức tạp. Nền giáo dục yếu kém chúng ta đổ lỗi cho người dạy, người học và sách giáo khoa. Nông sản bán không được chúng ta đổ lỗi cho … Trung Quốc. Cây đổ chúng ta đổ lỗi cho việc không chịu tỉa cành trước mưa bão và bê tông hóa vỉa hè… Hiếm khi nào thấy chúng ta nhận lỗi, nhìn ra lỗi và tìm biện pháp sửa lỗi.
Giống như câu chuyện đứa con học chưa được giỏi, ứng xử chưa được tốt, được ngoan, ông bố thì trách bà mẹ, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Ngược lại, bà mẹ lại trách ông bố đi làm suốt ngày, nhậu nhẹt với bạn bè thì nhiều chứ ít quan tâm đến con cái. Cứ thế, họ tranh cãi chuyện ai đúng ai sai, leo thang bằng những lời chì chiết nhau ngọt nhạt và thằng con ngơ ngác vẫn học chưa giỏi, vẫn chưa ngoan.
Những người ủng hộ chặt cây hả hê khi cây đổ, vì điều đó cho thấy chính kiến của họ có phần đúng, ngược lại, những người không ủng hộ chặt cây lại đổ sang cho công ty cây xanh, đổ sang cho những người đào cống, đào cáp ngầm. Ít ai quan tâm đến chuyện phải làm sao để cây đừng đổ nữa, không phải cây đã đứng đấy cả mấy chục năm, trăm năm thì nó sẽ không bao giờ đổ. Đừng cố gắng đổ lỗi cho nhau, vì những lỗi lầm ấy sẽ mãi vẫn ở trong một vòng tròn luẩn quẩn.
Chúng ta cứ đổ lỗi cho nhau vì thói quen phản kháng những gì không tốt đẹp đến với mình hoặc cho mình là người hiểu biết hơn kẻ khác. Hằng ngày, hằng giờ, ta luôn thấy người này đổ lỗi cho người kia, nhà thầu đổ lỗi cho thi công, người hâm mộ đổ lỗi cho huấn luyện viên, nghị sĩ đổ lỗi cho dân trí thấp… đổ lỗi ở khắp mọi nơi, ở bất cứ lĩnh vực nào. Đổ lỗi luôn là hành động thiếu dũng cảm và chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Chỉ ra cái sai, cái thiếu sót là điều nên làm nhưng đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau và phủi tay xong chuyện thì đáng chê trách. Nếu chỉ chăm chăm lo đổ lỗi mà không tìm cách giải quyết gốc rễ thì mọi thứ sẽ ngày càng hỏng bét, đâu phải cứ đổ lỗi là mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.
Nếu muốn mọi thứ tiếp tục rối rắm, xã hội chia rẽ với những tranh cãi không hồi kết, nếu muốn làm một kẻ hèn yếu không dám nhìn sự thật, không dám nhận trách nhiện thì hãy tiếp tục đổ lỗi cho nhau đi, ai cũng có lỗi cả.
Bùi An (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một kỹ sư đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM

4 thg 6, 2015

Đề văn về hiện tượng đời sống

TT - Cuốn Tuyển tập 90 đề thi thử THPT quốc gia môn ngữ văn sẽ ra mắt vào ngày 6-6 nhưng nó đã gây sốt trên nhiều diễn đàn mạng xã hội bởi những đề thi hấp dẫn trong cuốn tuyển tập này.
Trích dẫn một số câu trong các đề thi Tuyển tập 90 đề thi thử THPT quốc gia môn ngữ văn - tập 2
* “Người mình cũng ít công nhận tài năng của nhau. Không chịu thừa nhận trên đời có những con người tạo hóa cho họ khả năng hơn, và dĩ nhiên họ sẽ thành công hơn. Nhà văn châu Á ít ai đọc tác phẩm của người khác, chỉ say sưa đọc đi đọc lại văn mình. Nhà báo hay vài người biết viết lách cũng vậy, không ai đọc ai nên đề tài viết ngày càng teo tóp, bó hẹp, tư tưởng càng ngày càng bảo thủ. Nếu có thì ráng moi móc chê bai nhau cho được, dù chỉ là một lỗi nhỏ xíu”.
(Tony Buổi sáng - nguồn https://www.facebook.com/TonyBuoiSang)
Bằng một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ), anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ về căn bệnh đố kỵ được đề cập đến trong đoạn trích trên.
----------------------------------------------------
* Trong đoạn kết của bộ phim Fast and furious 7 (Quá nhanh, quá nguy hiểm), sau khi cùng nhau trải qua hàng loạt khó khăn để bảo vệ gia đình của mình, nhân vật Dom đã nói với người anh em của mình rằng: Cho dù cậu có ở đâu, cách hàng dặm xa hay là nửa vòng Trái đất, cậu sẽ mãi ở trong tim chúng tôi và chúng tôi sẽ mãi là gia đình của cậu.
Từ câu nói trên, anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 chữ), trình bày suy nghĩ về vai trò của tình cảm gia đình đối với đời sống mỗi con người.
-------------------------------
* Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát.
Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cuộc vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng.
Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”.
Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”.
“Không, con trai - người bố nhẹ nhàng nói - con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”.
Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.
(Theo báo Tuổi Trẻ - Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ Faith to Move Mountains).
Suy nghĩ của anh/chị về bài học rút ra từ câu chuyện trên.