1 thg 6, 2016

Học vẹt - Học thuộc lòng : Giống và khác nhau?

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160530/hay-cham-dut-tinh-trang-hoc-thuoc-long/1109647.html
30.5.2016
----------------------
Hãy tỉnh táo! Xin hãy tìm hiểu trang bị cho mình đủ kiến thức trước khi phê phán! Học thuộc lòng là một phương pháp học, rèn luyện trí não mà cụ thể ở đây là khả năng ghi nhớ. Hẳn chúng ta không ai không từng ngưỡng mộ những người có trí nhớ siêu việt đọc đâu nhớ đó. Vì vậy, tôi chắc rằng người viết định nói về "Học vẹt", nghĩa là học thuộc mà không hiểu. Nó khác hẳn với "Học thuộc lòng" nghĩa là học thuộc và hiểu trong lòng. Đối với các em học sinh, khi chưa có nhiều kiến thức cơ bản thì việc học thuộc lòng là cần thiết đê các em sớm lấp đầy phần nào các khoảng trồng kiến thức mà nhân loại đã tích luỹ hàng ngàn năm. Đừng hô hào, đòi hỏi sự sáng tạo ở những em học sinh khi chưa có đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản (ngoại trừ một số hiếm hoi các em có khả năng vượt trội). Đừng đặt vấn đề "chấm dứt tình trạng học thuộc lòng" để làm dư luận nhầm lẫn và coi thường một phương pháp rèn luyện tư duy quan trọng ở bậc học PHỔ THÔNG. Sáng tạo chính là ở chỗ hãy suy nghĩ làm cho phương pháp học thuộc lòng trở nên dễ dàng hơn, dễ nắm bắt, dễ hiểu hơn. Hãy phân bệt và dùng đúng từ "Học vẹt" và "học thuộc lòng".
---------------------------------------
Soạn sẵn đề cương rồi học thuộc lòng để kiểm tra, thi cử... khiến học sinh thui chột sáng tạo, thiếu kỹ năng cần thiết, nhưng vì điểm số, thành tích mà lối học thi đó vẫn tồn tại dai dẳng, gây nhiều hệ lụy...
Hãy chấm dứt tình trạng học thuộc lòng
Học sinh Trường THCS-THPT Nhân Văn (TP.HCM) thuyết trình về đề tài “Khám phá dừa” sau khi đi trải nghiệm tại Bến Tre. Học sinh rất cần những chuyến đi trải nghiệm - Ảnh N.Hùng
“Nếu “đơn đặt hàng” nhỏ này được bộ trưởng quan tâm, giải quyết hiệu quả, tôi tin rằng sẽ có nhiều “đơn hàng” lớn hơn từ những người tâm huyết với giáo dục cùng chung tay góp sức với bộ trưởng chấn hưng nền giáo dục nước nhà!
​Trước mỗi kỳ thi, từ bậc tiểu học cho đến THPT, học sinh nào cũng ôm một chồng đề cương ôn tập. Từ các môn xã hội như văn, sử, địa đến các môn tự nhiên như lý, hóa, sinh đều có đề cương. 
Học sinh cứ bám vào đề cương học thuộc lòng từng câu, từng chữ một cách khổ sở. Vì sao học sinh chấp nhận bỏ thời gian “gạo bài” khổ sở mà không dám học nắm bắt các ý chính, sau đó trình bày theo ý mình cho đỡ vất vả hơn?
Vì sao từ năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT đã “cởi trói” cho cả thầy lẫn trò bằng chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm... nhưng đến nay việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả?
Câu trả lời là do một bộ phận không nhỏ giáo viên đã quen với cách dạy cũ, ngại đổi mới, lười đầu tư trí tuệ... nên cứ “lối cũ ta về” cho khỏe. Trong khi đó, học sinh cũng đã quen với cách học - thi theo phương pháp truyền thống nên cũng không nhiệt tình hưởng ứng...
Một giáo viên dạy môn lịch sử ở một trường phổ thông cho biết hưởng ứng chủ trương đổi mới, ra đề kiểm tra theo hướng “mở” (cho học sinh sử dụng tài liệu làm bài kiểm tra). Kết quả điểm rất thấp vì học sinh không biết tư duy (mà cũng có thể là lười tư duy) để làm bài.
Sau lần đó, học sinh đề nghị không làm bài kiểm tra “mở” nữa mà ra đề “đóng” với câu hỏi chỉ cần học thuộc lòng là làm được, vì học sinh đã quen với cách học - thi theo kiểu cũ. Tình hình cũng tương tự ở các môn khoa học tự nhiên khi phần lớn các em rất lười tự học, lười tự giải bài tập, lười suy nghĩ...
Đây là lý do hầu hết học sinh đi học thêm, học ngày rồi lại học đêm. Ở lớp học thêm các em nghe, chép bài giải của thầy cô rồi... học thuộc để làm bài kiểm tra tương tự, thậm chí giống y chang!
Kết quả nhờ học thêm, nhờ học theo đề cương mà có nhiều em làm bài điểm cao, được xếp loại giỏi nhưng thật ra không hề giỏi.
Lâu nay chúng ta cứ quan niệm rằng thi điểm cao là giỏi. Thật ra đó chỉ là những người có trí nhớ tốt, tái hiện kiến thức tốt hơn nên được điểm cao chứ năng lực đôi khi chỉ ở mức trung bình. Học thuộc kiến thức sách vở rồi viết lại, nói lại không thiếu một câu, một chữ mà không hiểu cặn kẽ bản chất vấn đề vẫn được cho là giỏi.
Theo quan điểm đánh giá học sinh hiện đại thì việc tái hiện kiến thức tốt chỉ mới ở mức trung bình và khá. Còn học sinh biết vận dụng kiến thức nghĩ ra được cái mới, phát minh ra các công trình khoa học, nghiên cứu, các dụng cụ học tập mới, các ứng dụng cho cuộc sống tốt đẹp hơn... mới được đánh giá là giỏi. Tôi hi vọng bộ trưởng sẽ đồng tình với quan điểm đánh giá học sinh hiện đại, nói không với sự ru ngủ nhau bằng những thành tích ảo.
Vì vậy, tôi mong bộ trưởng hãy chấm dứt tình trạng học thuộc lòng, chú trọng phát huy năng lực tư duy của người dạy và người học. Để được như vậy cần quán triệt thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Đây mới chính là khâu then chốt bởi dù chúng ta có chương trình hiện đại, có bộ sách giáo khoa tiên tiến mà phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá vẫn theo lối cũ thì chất lượng giáo dục khó được nước ngoài thừa nhận.
Thưa bộ trưởng, tôi không yêu cầu bộ trưởng giải quyết rốt ráo những tồn tại của giáo dục nước nhà, tôi chỉ mong trong nhiệm kỳ của mình, bộ trưởng chấm dứt được tình trạng học thuộc lòng, đổi mới thành công phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là “ghi điểm” thành công rồi.
PHẠM ĐƯỢC