18 thg 6, 2017

“Thành tích như chiếc lá, đừng để lá che mắt”.

“Thực ra, học sinh như gốc cây đang trưởng thành, thành tích như những chiếc lá trên cây. Không nên vì lá cây xanh tươi đẹp mắt mà quá vui mừng hớn hở, càng không nên vì lá cây không đẹp mắt mà phủ nhận hết rồi ra tay phạt thẳng thừng…”.
 >> Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ

Đoạn văn trên trích dẫn từ bài văn thứ 2 đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh Đại học tại Trung Quốc năm 2016.
Liên quan tới đề văn mở và giàu hình ảnh của kỳ thi tuyển sinh Đại học tại Trung Quốc năm 2016, có tổng cộng 3 bài văn đạt điểm 10. Ngay sau khi đăng tải, bài văn số 1 - “Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ” đã nhận được sự chia sẻ, phản hồi của hàng nghìn bạn đọc cả nước, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Kỳ vọng thái quá, áp lực nặng nề của cha mẹ lên con trẻ dường như vẫn diễn ra ở nhiều gia đình Việt Nam. Đề văn và bài làm của thí sinh Trung Quốc có lẽ vì thế trở nên rất gần, khiến nhiều ông bố bà mẹ Việt "thức tỉnh".
Câu chuyện về thành tích và áp lực của phụ huynh lên học sinh rất đáng suy ngẫm. Dân trí giới thiệu tiếp tới bạn đọc bài văn số 2 (trong số 3 bài) đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi ĐH tại Trung Quốc 2016.
Bài văn có tiêu đề  Thí sinh đạt điểm 10 đã ví thành tích/điểm số/giải thưởng của con trẻ ở trường lớp như lá cây. Nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm nhìn vào chiếc lá để đánh giá sự trưởng thành của con mình (vốn như một cái cây)…
Mời bạn đọc tham khảo và bàn luận.
Hình ảnh trong đề Văn mở thi Đại học của Trung Quốc năm 2016.
Hình ảnh trong đề Văn mở thi Đại học của Trung Quốc năm 2016.
Bài làm thứ hai đạt điểm 10 tuyệt đối:
Thành tích như lá, đừng để lá che mắt…
Trong bức tranh châm biếm, học sinh A đạt 100 điểm liền được thưởng một nụ hôn, nhưng thành tích sau đó chỉ vì 98 điểm liền bị phạt bằng cái tát tay. Học sinh B ban đầu chỉ đạt có 55 điểm nên trên mặt bị in hằn bàn tay của cái tát, sau đó thành tích nâng lên 61 điểm liền được thưởng một nụ hôn.
Xem xong bức tranh châm biếm này, bất giác phải đăm chiêu suy nghĩ, chỉ vì thành tích số điểm tăng giảm nhất thời mà được thưởng hoặc bị phạt như vậy, quả thực là quá sai lầm. Thực ra, học sinh như gốc cây đang trưởng thành, thành tích như những chiếc lá trên cây. Không nên vì lá cây xanh tươi đẹp mắt mà quá vui mừng hớn hở, càng không nên vì lá cây không đẹp mắt mà phủ nhận hết rồi ra tay phạt thẳng thừng, đừng nên bị lá che mắt.
Học sinh trong quá trình trưởng thành, không phải chỉ có học tập, không phải chỉ có số điểm, mà nên còn có "niềm hứng thú và những mục tiêu xa". Nhưng trong môi trường lớn chỉ nhằm vào số điểm thành tích mà đánh giá tốt xấu, học sinh buộc phải theo đuổi thục mạng cho làm sao để có thể nâng cao số điểm, không được thụt lùi một chút nào hết, thậm chí còn bị đòi hỏi khắt khe thành tích phải đạt điểm tối đa.
Thành tích như chiếc lá che mắt nhiều bậc phụ huynh…
Thành tích như chiếc lá che mắt nhiều bậc phụ huynh…
Đây là hành vi trái với quy luật, quá trình trưởng thành của học sinh cần có sự từng trải của hạnh phúc càng cần có những trải nghiệm của khó khăn và trắc trở. Trong quá trình học tập, học sinh phải có nhận thức cần phải bỏ mồ hôi ra, cũng nên biết rằng không phải sau mỗi lần cố gắng đều có thể tiến bộ được ngay tức khắc. Nên biết rằng sự tiến bộ chưa chắc đã có sự thể hiện ngay bằng điểm số thành tích, nên biết rằng số điểm thành tích lúc lên lúc xuống là hiện tượng bình thường. Chỉ có cố gắng học tập một cách bền bỉ, không ngừng tích lũy mới có thể khiến chính mình trưởng thành hơn, mới có thể nở hoa kết trái của nhân sinh.
Cha mẹ là những người hết sức quan trọng trong cuộc sống của con cái. Làm sao cha mẹ có thể đánh giá một cách tùy ý số điểm của thành tích mà bất chấp sự phát triển toàn diện của con cái mình.
Học sinh tựa như một gốc cây, thành tích học tập như lá cây vậy phụ huynh đừng nên bị lá cây che khuất mắt. Cũng như hiện tượng nói trên, tại Trung Quốc các trường Trung học và Tiểu học phải đương đầu với nhiều áp lực về tỉ lệ học sinh thi đỗ lên các cấp, nhiều khi vì thành tích số điểm của học sinh mà như lá che khuất mắt vậy. Ví dụ như tương đối phiến diện trong đánh giá trình độ dạy học của giáo viên, thường chỉ đánh giá giáo viên bằng thành tích thi cử trong giai đoạn cuối kỳ nào đó của lớp học do họ phụ trách mà không trông thấy những công sức miệt mài đổ mồ hôi vất vả của giáo viên trong thường ngày. Càng không thấu hiểu những trăn trở của giáo viên nơi bục giảng. Cũng như vậy thôi việc giảng dạy của giáo viên không chỉ giới hạn trong điểm số của học sinh. Giáo viên cũng như gốc cây vậy thành tích như lá cây, nhà trường đừng bị lá cây che mắt.
Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt. Tất nhiên con người khó tránh khỏi giới hạn bởi các sự vật bên ngoài che khuất. Bất cứ sự vật nào cũng cần có tiêu chuẩn cân đo bằng các con số nhất định nhưng không thể chỉ nhằm vào các chỉ số mà không thể thấy được toàn diện và tổng thể. Nên cần có tiêu chuẩn đánh giá và phương thức bình phẩm đa nguyên và toàn diện mới tránh khỏi hiện tượng bị lá che mắt.
(Bài làm của thí sinh tỉnh Giang Tây, Trung Quốc)
***
Là người thông thạo tiếng Trung, thầy giáo Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học tại tỉnh Nam Định) cho biết, bắt đầu từ ngày 7/6 vừa qua, hơn 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc đã bước vào kỳ thi Cao khảo. Đây là căn cứ để xét tuyển vào các trường Đại học và Cao đẳng.
Theo đó từ năm 2017, đã có 27 tỉnh và các sở lựa chọn đề chung của Bộ Giáo dục nước này. Năm 2017 cũng được coi là năm đầu tiên tuyển sinh Đại học theo lối mới, trong đó các trường ở Chiết Giang, Thượng Hải đã đi đầu trong việc tuyển sinh này với nhiều tiêu chí lựa chọn, thời gian tuyển chọn 2 lần một năm nhằm mở rộng cơ hội trúng tuyển cho các ứng viên.
Để giải tỏa những áp lực thi cử, các bạn học sinh lại có dịp chia sẻ những bài văn đạt điểm tối đa năm 2016 để cùng tham khảo và học hỏi. Trong đó có nhiều bài làm gây ấn tượng về cách thức lập luận, tư duy mới mẻ và giàu cảm xúc.
“Bài làm trên đây là một minh chứng khi bàn về vấn đề điểm số và thành tích trong giáo dục khiến nhiều người phải suy ngẫm, nhất là các bậc phụ huynh, giáo viên và những người làm giáo dục”, thầy Trịnh Quỳnh chia sẻ.
Lệ Thu

Đối xử khác biệt mà không khác biệt

“Nhà trường - nơi cung cấp nhân tài cho xã hội nên loại bỏ những khuôn phép cố định, cách giảng dạy bảo thủ chung chung và nên áp dụng phương pháp giảng dạy, đánh giá khác nhau theo trình độ, đặc điểm, năng lực của mỗi học sinh.”
 >> Bài Văn điểm 10 thi đại học: “Thành tích như chiếc lá, đừng để lá che mắt…”
 >> Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ

Một thí sinh lớp 12 tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã lấy hình ảnh Khổng Tử và phương pháp giáo dục của ông đưa vào bài thi đại học. Qua đó, em bày tỏ quan điểm và mong đợi về phương pháp giáo dục, giảng dạy của nhà trường đối với học sinh. Thí sinh này cho rằng, nhà trường - nơi cung cấp nhân tài cho xã hội nên loại bỏ những khuôn phép cố định, cách giảng dạy bảo thủ chung chung và nên áp dụng phương pháp giảng dạy, đánh giá khác nhau theo trình độ, đặc điểm, năng lực của mỗi học sinh.
Bài văn với tựa đề “Đối xử khác biệt mà không khác biệt” là bài số 3 đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc năm 2016. Từ đề Văn nhìn hình ảnh rồi tự chọn chủ đề bày tỏ quan điểm, thí sinh lớp 12 đã có góc nhìn sắc sảo - không phải về điểm số, áp lực học tập mà về phương pháp giáo dục.

Đề thi nhìn hình tự chọn chủ đề làm văn tại Trung Quốc.
Đề thi nhìn hình tự chọn chủ đề làm văn tại Trung Quốc.
Bài làm:
Đối xử khác biệt mà không khác biệt…
Sự khác biệt giữa khen ngợi và trách mắng là ở chỗ nào? Đối với bạn thứ nhất mà nói, đó là cự ly tính bằng milimet giữa 100 điểm và 98 điểm. Đối với bạn thứ hai mà nói, là sự vượt qua khoảng cách giữa chưa đạt điểm trung bình và đã đạt điểm trung bình. Hiện tượng khác biệt này xem ra như không nghĩa lý gì cả nhưng suy ngẫm cho cùng thì lại ngộ ra cái hợp lý trong đó.
Như người ta thường nói, con người mới sinh ra đã có sự không công bằng, kể từ giây phút em bé lọt lòng cất tiếng khóc chào đời, thì mỗi sinh mệnh đều trở thành ngay một sinh mệnh độc lập, có ngay cái thứ gọi là giá trị tốt xấu của chính bản thân em bé đó. Con người sinh ra vốn đã như vậy rồi, thì làm sao có thể vạch một đường thẳng thống nhất như nhau, đặt ra những quy định mỏng manh để so đo đối với mỗi sinh mệnh tươi mới và độc lập được.
Cách đây ba ngàn năm, Khổng Tử đã đưa ra chủ trương “Nhân tài thi giáo” nghĩa là dựa vào trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh mà áp dụng những phương pháp dạy khác nhau. Học trò của Khổng Tử đông đến ba ngàn người. Có người giàu tới mức như tỉ phú trong nước, có người chức vị cao ngang quan thần triều đình. Học trò đủ loại không một ai như ai, vậy mà Khổng Tử được người muôn đời sau ca ngợi tôn kính là nhà giáo dục vĩ đại.
Nguyên nhân căn bản là vì Khổng Tử có thể nắm bắt được chính xác đặc tính mạnh yếu tốt xấu của từng học sinh, lấy hơn bù kém, áp dụng phương pháp giáo dục theo đặc thù với từng học sinh. Nhờ sự đối xử khác biệt như vậy của Khổng Tử khiến mỗi học sinh của ông đều có thể phát huy đầy đủ sở trường của mình, mỗi người đều đạt tới kết quả học tập của họ.
Xã hội nên có những yêu cầu khác nhau với mỗi con người cũng như một cỗ máy đang vận hành không thể thiếu được tiếng động cơ chạy rầm rầm vừa không được coi nhẹ chiếc đinh ốc nhỏ nhỏ vô danh âm thầm lặng lẽ gắn trên cỗ máy đó.
Đối với bạn học sinh thứ hai trong bức hình, 90 điểm là số điểm quá cao rất có thể bạn đó không bao giờ vươn tới được, đạt điểm trung bình đã là hết năng lực của bạn ấy rồi. Nếu chúng ta đánh giá những con người khác nhau theo cùng tiêu chí thống nhất, thì trên thế gian này có biết bao các nhân tài kỳ dị khác thường bị mai một.
Xã hội của chúng ta cũng cần có sự đối xử khác biệt. Cũng như việc nghiên cứu phát minh con tàu vũ trụ cần có số liệu chính xác đến hơn 10 con số sau dấu thập phân. Thế nhưng khí thế hào phóng sôi nổi tự nhiên trong văn chương thơ họa chỉ đòi hỏi có đủ thần thái diện mạo miêu tả là được…
Mỗi ngành mỗi nghề, mỗi người mỗi vật đều có sở trường khác nhau nhưng đã thể hiện cùng thắng trong một khối cùng phát huy tài năng. Xét trên khía cạnh nói trên trường học chính là nơi có trách nhiệm gánh vác việc cung cấp nhân tài cho đất nước và xã hội, càng nên loại bỏ những khuôn phép cố định, nên từ bỏ quan điểm bảo thủ, cần phải cách tân đổi mới quan niệm, áp dụng những phương pháp giảng dạy khác nhau theo trình độ đặc điểm khác nhau của mỗi học sinh. Tựa như điêu khắc gọt dũa những học sinh thành những nhân tài độc đáo bằng những lưỡi dao khác nhau vậy để đào tạo nên những trụ cột đất nước có sở trường và tài năng khác nhau. Đối xử khác nhau bằng tấm lòng giống nhau của người thợ, chuẩn tắc khác nhau nhưng sự mong đợi giống nhau.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng mỗi con người đều có hương thơm độc đáo khác nhau của họ, mỗi tồn tại của sự vật đều mang ý nghĩa độc đáo khác nhau của nó. Riêng tôi thì mong cho mình có thể trở thành con người có tinh thần ngay thẳng hào phóng thể hiện được phong thái độc đáo của mình. Đối xử khác biệt mà không khác biệt.
Thầy giáo Văn học Trịnh Quỳnh (dịch)

14 thg 6, 2017

Bài Văn điểm 10 mổ xẻ “mặt trái” của điểm số

Bài Văn điểm 10 mổ xẻ “mặt trái” của điểm số

Dân trí “Điểm số vô tình tạo ra một áp lực rất lớn đối với mỗi học sinh buộc học sinh phải quyết tâm học tập bằng mọi giá, thậm chí có thể gian lận trong thi cử”.
 >> Tôi sợ con mình phải vào những lớp học “bệnh thành tích”!

Bài Văn nghị luận nói về vai trò của điểm số trong học tập của nữ sinh Phạm Ngọc Ánh, học sinh lớp 11 Trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) được một giáo viên chia sẻ trên mạng. Nhiều ý kiến đánh giá, bài nghị luận thể hiện suy nghĩ chín chắn của cô học trò, em đưa ra những lập luận, dẫn chứng thuyết phục, sâu sắc khi nói về vai trò của điểm số trong học tập. Đặc biệt là những “mặt trái” của điểm số có thể “đánh thức” nhiều người u mê học chỉ vì điểm.
"Tuyệt vời! Học sinh thời nay đã có những nhận thức rất người lớn. Tôi tin các em còn hiểu để viết được nhiều hơn thế này nữa, khi người lớn chúng ta tạo cho các em cơ hội và tâm thế thoải mái không áp lực. Chúng ta sẽ còn có thể ngỡ ngàng hơn nữa!", một bạn đọc chia sẻ khi đọc bài văn của Ánh.

Bài Văn nghị luận của cô học trò lớp 11 có tên Phạm Ngọc Ánh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Bài Văn nghị luận của cô học trò lớp 11 có tên Phạm Ngọc Ánh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Đồng thời, bài nghị luận cũng đặt ra “yêu cầu” đối với nhà trường và xã hội cần đánh giá khả năng thật của người học, của nguồn lao động thay vì chỉ dựa vào bằng cấp, bằng điểm số. Bài nghị luận nhận được điểm 10 cùng nhận xét Sự thành công sau này sẽ là điểm số xứng đáng mà em nhận được từ giáo viên.
Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối là chữ viết và cách trình bày của Ngọc Ánh chưa thật sự đẹp mắt.
Đồng thời, nhiều người cũng nhận xét rằng đề văn ngắn gọn, hay, mang tính thời sự và gắn liền với học sinh.
Đề bài của đề Văn là: “Năm học 2015 - 2016, các trường tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện kiểm tra đánh giá bằng nhận xét bỏ chấm điểm thường xuyên.
Là một học sinh phổ thông, anh chị có suy nghĩ như thế nào về vai trò của điểm số trong quá trình học tập”.
Xin trích lại phần chính của bài Văn nghị luận đạt điểm 10 của cô học trò Phạm Ngọc Ánh:
Năm học 2015 – 2016 này, các trường tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện kiểm tra đánh giá bằng nhận xét và bỏ chấm điểm thường xuyên. Trên trang vở sạch đẹp của mỗi học sinh không còn thấy những điểm 10 đỏ thắm, không còn những điểm 10 dành tặng thầy cô giáo hay những điểm tốt khoe với ông bà, cha mẹ nữa. Thay vì ra sức phản đối, chúng ta nên suy nghĩ lại về vai trò thực sự của điểm số đối với quá trình học tập. Những con số có quyết định chất lượng của sản phẩm?
Những bài hát triệu view, những ca sĩ triệu like có đồng nghĩa với giá trị nghệ thuật và tài năng của họ? Trong những cuộc thi truyền hình, các thí sinh ra sức kêu gọi để được bình chọn nhiều hơn, những điểm số 9, 10 cho những tiết mục không thực sự xuất sắc chỉ để làm hài lòng nhau. Cuối cùng chúng ta nhận được gì qua những con số đó?
Bài Văn nói về mặt trái của điểm số và hậu quả của việc học vì bằng cấp nhận được điểm 10 từ giáo viên
Bài Văn nói về "mặt trái" của điểm số và hậu quả của việc học vì bằng cấp nhận được điểm 10 từ giáo viên
Điểm số vô tình tạo ra một áp lực rất lớn đối với mỗi học sinh buộc học sinh phải quyết tâm học tập bằng mọi giá, thậm chí có thể gian lận trong thi cử. Cha mẹ so sánh điểm số của con mình với con người ta khiến bản thân học sinh tự ti không dám thể hiện. Thầy cô đánh giá học sinh theo một tiêu chuẩn chung nhưng mỗi học sinh lại giỏi theo một cách khác nhau.
Albert Einstein đã từng nói rằng: “Mọi người đều là thiên tài… Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”.
Nhận xét thay cho chấm điểm chính là cách thầy cô bỏ đi bệnh thành tích và cơ hội để phát triển năng lực phẩm chất của học sinh. Nhiều giáo viên sau khi để học sinh tự khám phá tự tìm tòi xây dựng bài học kém đi so với trước kia. Đơn giản vì học trò tự làm sẽ không thể so sánh được với sản phẩm của thầy cô giáo làm. Nhưng không phải thấy học sinh làm không tốt nên giáo viên làm hộ cho nhanh.
Chúng con có thể nấu ăn rất tệ, giặt quần áo chưa sạch… nhưng hãy để chúng con tự làm, xin cha mẹ đừng làm giúp con. Con sẽ làm quen và tiến bộ dần lên. Điều con cần không phải là 1 món ăn ngon hay bộ quần áo sạch mà điều con cần là kĩ năng làm nên điều đó. Điểm số do giáo viên làm hộ có ý nghĩa gì? Học sinh giỏi do giáo viên học hộ thì có ý nghĩa gì? Để rồi khi tốt nghiệp học sinh có một điểm số rất cao mà chẳng làm được việc gì.
Trong khi học, Edison không chú tâm trả lời câu hỏi của thầy giáo mà thường đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa với thầy giáo. Vì thế, cậu thường đội sổ và bị bè bạn chê cười. Thầy giáo của Edison đã từng nói về cậu: “Học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Thậm chí, thầy hiệu trưởng từng viết những dòng nhận xét: "Trò Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng trò ấy có học nữa thì sau này cũng không nên trò trống gì..." Nếu Edison tin vào lời nhận xét này mà không cố gắng tự học thì liệu có một nhà khoa học như sau này?
Khi đã là học sinh phổ thông, ít ai nhớ nổi và cũng chẳng ai còn quan tâm đến việc hồi tiểu học mình được tổng kết bao nhiêu. Và khi tốt nghiệp THPT, điểm số khi ngồi trên ghế nhà trường cũng không còn ý nghĩa và giá trị nữa. Gần đây có câu chuyện hơn 300 sinh viên bị giữ bằng lại vì nghi án mua điểm. Hành động gian lận trên thật sự ngu ngốc khi đặt cạnh con số 225 ngàn cử nhân thạc sĩ thất nghiệp. Họ mua điểm để làm gì vậy, khi có những sinh viên thủ khoa phải giấu bằng cử nhân đi để làm công nhân.
Vì vậy hỡi những bậc cha mẹ toàn tâm đừng ép con em mình phải có thành tựu ngay từ khi rất nhỏ, những thầy cô hết lòng với con trẻ đừng bắt các em phải giỏi như mình, tư duy nhanh như mình. Hãy nhìn những giọt nước mắt của các em nhỏ trong các cuộc thi truyền hình khi bị loại, tâm hồn trẻ thơ bị tổn thương chỉ vì sự hơn thua của người lớn.
Nếu ai đã từng đọc câu chuyện “Tô tô chan – cô bé ngồi bên cửa sổ” không thể không nhớ thông điệp giáo dục của thầy hiệu trưởng: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa.” Thầy hiệu trưởng Kobayashi tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Ở Tomoe không có thời khóa biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Và nếu việc học của Tô tô chan được đánh giá bằng điểm số ở một ngôi trường khác, rất có thể em không tốt nghiệp nổi lớp một.
Điểm số thực sự không phải tất cả nhưng không có nghĩa bạn không cần phải học gì cả. Học không chỉ là tiếp thu kiến thức mà quan trọng hơn là rèn luyện kĩ năng, phẩm chất thái độ. Học không chỉ để biết mà còn để làm để cùng chung sống để khẳng định mình. Vì vậy hãy học những điều thiết thực và học phải vận dụng được vào trong thực tiễn cuộc sống. Bản thân cha mẹ thay vì hàng ngày hỏi con những câu như hôm nay được mấy điểm hãy hỏi con hôm nay con làm được gì, ở trường có gì vui không? Các cơ sở giáo dục cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá, thi cử không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn kiểm tra cả năng lực phẩm chất hãy coi trọng 1 sản phẩm ứng dụng học sinh tạo ra hơn là con số trên giấy. Đơn vị tuyển dụng phải luôn đề cao kĩ năng kinh nghiệm lên trên bất cứ loại bằng cấp điểm số nào. Có vậy chúng ta mới giải được bài toán mà cả xã hội đang loay hoay.
Bản thân mỗi người hãy ghi dấu tên tuổi của mình vào cuộc đời bằng những hành động nhỏ bé thay vì cố gắng ghi tên vào 1 tấm bằng có dấu đỏ. Mong rằng tất cả chúng ta đều thấm thía thông điệp trong bài thơ Tấm bằng của Hoàng Ngọc Quý:
Cuộc đời ai cũng có những tấm bằng
Để làm giấy chứng minh
Để cầu mong thành đạt
Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp
Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm
Có những vĩ nhân được nhân loại khắc tên
Bởi các tấm bằng xứng danh trong lịch sử
Và có những tấm bằng chứng nhận những việc làm tuy nhỏ
Nhưng cố gắng hết mình, vẫn quý trọng biết bao!
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)

14 thg 5, 2017

Giáo dục Mỹ từ “Thế giới phẳng” đến “Xin cảm ơn, vì bạn đã đến muộn”

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG
(GDVN) - Và đến giờ, có lẽ, sống chậm, sống hữu ích, sống không cần 24/7 kết nối với toàn cầu, sống vì lợi ích cộng đồng mới là điều nước Mỹ cần hơn bao giờ hết.
Tôi được đọc hầu hết các cuốn sách Tom viết khi ở Việt Nam, trừ cuốn mới ra gần đây năm 2016 – “Xin cảm ơn, vì bạn đã đến muộn”, nhưng với chia sẻ của cuốn này, tôi được nghe, được hiểu trong bối cảnh của một người nước ngoài ở Mỹ được 3 năm, không đủ ngắn và không đủ lâu…
Điều tôi muốn chia sẻ những cảm nhận cá nhân về những tư duy của Tom qua các cuốn sách của mình về giáo dục Mỹ.  
Bản thân Tom là người thích học, thích viết lách từ nhỏ. Trong buổi nói chuyện tại hội nghị toàn cầu về giáo viên 2017, Tom có nhắc đến vợ và con gái, cả hai đều là những nhà giáo và trực tiếp làm việc nhiều năm trong môi trường giáo dục.

Có lẽ điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến những nội dung mà Tom viết trong các cuốn sách của mình, mặc dù cuốn nào cũng đề cập đến kinh tế - xã hội và vị thế của Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa, một hoàn cảnh hoàn toàn do Mỹ chủ động tạo dựng nên cho cả thế giới.

Câu hỏi thú vị nhất, có lẽ ở cuốn Từng là bá chủ, là “Nước Mỹ bị tụt hậu trong thế giới mình tạo ra như thế nào và Làm sao để quay trở lại”, có lẽ phần nào được lý giải qua các câu chuyện và chính sách về giáo dục Tom có đề cập đến trong các cuốn sách của mình.
Thế giới phẳng
Ở những trang cuối của Thế giới phẳng, Tom có chia sẻ về cô con gái vào đại học mùa thu năm 2004.  
Trong khi con gái thì đầy hứng khởi, Tom lại ghi nhận đây như một ngày buồn nhất của mình [1], bởi Tom cảm nhận như việc Tom và vợ đã đưa con gái đến với một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới “nguy hiểm” hơn thế giới vào lúc cô con gái được sinh ra.  

Làm sao giáo dục đại học có thể sống sót?

Theo Tom, trong một thế giới phẳng, chúng ta luôn có những cơ hội mới, thách thức mới và cùng với nó, những nguy hiểm mới, nhất là với người dân Mỹ, bởi “dù chúng ta không có những láng giềng xấu, họ lại có thể thăm viếng chúng ta”.  
Điều duy nhất quan trọng trong thế giới phẳng này chính là khả năng sáng tạo, khả năng bạn là duy nhất và có khả năng kết nối các thiết bị, các công cụ để tạo ta một cách sáng tạo những sản phẩm, những cơ hội và những lợi nhuận…mà điều này đòi hỏi những thế hệ biết mơ ước, biết tỉnh giấc vào mỗi sáng để có thể, không chỉ là mơ ước, mà phải hành động theo những mơ ước đấy của mình vào mỗi ngày.
Tuy nhiên, để trở thành những con người biết mơ ước và hành động theo ước mở của mình, giáo dục Mỹ đã chuẩn bị gì cho thế hệ trẻ?
Trong "Thế giới phẳng", Tom đã nêu ra 10 lực đẩy tạo nên một thế giới phẳng, không còn biên giới, mà một trong những lực đẩy đó là internet và hệ thống world-wide-web, tạo dựng nên một nguồn mở (open-sourcing) để biến cả thế giới thành cộng đồng hợp tác tự tổ chức.
Theo đó, những ứng dụng như facebook, instagram , skype, google, linkedin…đã biến tất cả mọi người trên thế giới hội tụ, cùng hợp tác, cùng kinh doanh, cùng cạnh tranh, và cùng chia sẻ.  
Người sáng tạo ra world-wide-web, là một sinh viên của Berkeley, do chán nản và mệt mỏi khi không tìm thấy sự kết nối giữa những gì được học trong lớp và những sáng tạo mà internet có thể kết nối.
Behlendoft cùng những người bạn đã nghĩ ra cách để tạo nên nguồn mở Apache, bằng việc tự viết những bản phần mềm có nguồn mở được sử dụng bởi tất cả cộng động internet, và theo sự tài trợ của IBM, một hãng hàng đầu vào thời điểm những năm 1994-1999. 
Điều này thật kỳ diệu với tất cả mọi người, và thế là, trong thế giới với nguồn mở, ai cũng có thể thiết kế ứng dụng và tạo ra những sự khác biệt. 
Cạnh tranh đến với tất cả, cũng như cung cấp dữ liệu, khả năng cho tất cả, dựa trên nguồn mở giống như một kênh hạ tầng đủ tốt cho tất cả. 
Từ nguồn mở Apache, những chương trình ứng dụng như Wiki, GNU (dưới tên của chương trình Free Software Movement), rồi đến Linux, và gần đây là các chương trình MOOCs do các đại học Harvard và Stanford thiết kế cho toàn thế giới học tập theo các kiến thức xuất sắc mà thường dành cho số ít những sinh viên ưu tú, nay đã có thể dành cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, miễn là có internet và máy tính (hay điện thoại thông minh). 
Mô hình của những thành công trong công nghệ, như Apache, hay trước đó, là Microsoft, Apple đã làm nên nước Mỹ của thế kỷ 20.  

Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc?

Giáo dục đại học đã tạo nên nền tảng cho những sinh viên ưu tú, không hề cần đến bằng cấp, dù là Tiến sỹ, họ đã lao vào tìm kiếm và sáng tạo nên những ứng dụng thay đổi cả thế giới. 
Đây chính là sức mạnh của sáng tạo, sức mạnh của nước Mỹ mà cho đến giờ, chưa nước nào có thể thay thế. 
Câu chuyện về sức mạnh của internet biến đổi thế giới, cùng với các lực đẩy của thương mại quốc tế, khi Trung Quốc tham gia tổ chức WTO với sự hậu thuẫn của Mỹ, cũng được phản ánh xuyên suốt Thế giới phẳng.  
Trung Quốc đã trở thành một phần không tách rời của thế giới phẳng mà Tom mô tả, trong đó, mọi thứ được làm với tốc độ nhanh hơn, giá thành rẻ hơn, tiền chuyên chở cạnh tranh hơn, mà hầu hết đều “Made in China”.
Trong khi những gì ưu tú của Trung Quốc đều đi theo chiều ngược lại, những nhân tài của Trung Quốc đến Mỹ học và làm việc, những người giàu có của Trung Quốc mua đất đai, nhà cửa và đầu tư ở Mỹ.  
Vậy, thế giới phẳng có thực sự hay đến vậy hay không?
Từng là bá chủ
Tom viết cuốn "Thế giới phẳng" và xuất bản năm 2005. Chỉ sau 5 năm, năm 2011, ông viết tiếp cuốn “Từng là bá chủ - Nước Mỹ bị tụt hậu ngay trong thế giới mình tạo ra như thế nào và làm sao để quay trở lại”.  
Với thế giới phẳng, hóa ra, tốc độ “tụt hậu”, như Tom nêu ra, lại xảy ra nhanh quá, hoặc nó đã xảy ra vào những năm 2000, nhưng chờ Tom viết ra vào năm 2011. 
Một câu chuyện mà nhiều nhà nghiên cứu đều nói đến  “…nước Mỹ chúng ta đã đánh mất động lực lớn lao [vị thế cường quốc của mình]” [2]

Khái niệm “trung bình” đã hết thời ở cuộc cách mạng công nghệ thông tin và quá trình toàn cầu hóa trở nên gay gắt, đến mức gạt bỏ chính những người Mỹ ra khỏi những công việc mà họ đã làm trong nhiều năm qua.
“Lại là Trung Quốc”, theo như Tom viết trong "Từng là bá chủ".

Để ứng phó với tình huống người Mỹ bị mất việc, một loạt các công việc gây dựng lại cảm hứng sáng tạo và giá trị gia tăng được đề ra và thực thi trong toàn bộ hệ thống giáo dục Mỹ.

Ví dụ điển hình về khơi nguồn sáng tạo cho sinh viên trong đại học Mỹ chính là Steve Jobs – Apple. Trong diễn văn Steve đọc năm 2005 ở Stanford, ông đã khẳng định:
Sau 6 tháng đại học, tôi không thấy việc học đem lại giá trị gì. Tôi không biết mình muốn làm gì, cũng không biết học đại học sẽ giúp tôi tìm ra câu trả lời đó như thế nào. 
Trường đại học chỉ là nơi tôi tiêu hết số tiền mà cha mẹ tôi đã dành dụm cả đời… Khi bỏ học, tôi không phải tham gia những môn học bắt buộc mà tôi không ưa nữa, và tôi có thể học những thứ tôi thấy thú vị. 
Nếu tôi không bỏ học để theo học lớp viết chữ, thì máy Mc sẽ chẳng bao giờ có nhiều kiểu chữ đến thế”.  
Bài phát biểu thực sự gây tiếng vang lớn cho tất cả, truyền đi thông điệp rằng “sáng tạo tóm lại chỉ là kết nối mọi thứ, những thứ đã tồn tại, nhưng những người khác không bao giờ nghĩ là có thể kết nối”. [3]

Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ

May mắn thay, sau đó rồi, nhiều nhà giáo dục và trường học đã xây dựng những chương trình khuyến khích và phát triển sáng tạo trong lớp học, dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau.  
Những làn sóng sáng tạo, từ cấp phổ thông và từ những việc đơn giản, làm sao để kiếm ra tiền đã được dạy. 
Môn học kinh doanh là “sự kết hợp giữa toán, tiếng Anh, kỹ năng kinh doanh và những chuyến tham quan đến chợ buốn bán” [4], đến Làn sóng đỏ sáng tạo trong đại học, nơi đang cố gắng dạy cho sinh viên khả năng sáng tạo và tư duy phản biện, thông qua các trại sáng tạo, phòng thí nghiệm ý tưởng, trở thành người sáng tạo, người dẫn đầu…
Những phẩm chất như kiên nhẫn, lòng tin, quyền tự chủ, tự khuyến khích, đứng lên từ thất bại… đã được học qua các chương trình giả định, chơi mà học, học mà chơi, nhằm rèn luyện khả năng thích ứng với những thách thức mà tương lai các em sẽ gặp phải.  
Trong toàn bộ các phẩm chất và kỹ năng cần thiết của con người tương lai, biết mơ ước, kỹ năng tính toán và khả năng giao kết xã hội là những nền tảng quyết định sự thành công của một cá nhân. 
Và điều này cũng vừa được khẳng định bởi Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 vừa qua.
Thực tế của giáo dục Mỹ mà Tom đang mô tả là ¼ số học sinh muốn gia nhập quân đội Mỹ đã thi trượt đầu vào cho thấy phần nào bức tranh khá ảm đạm của hệ thống giáo dục, nơi đã đào tạo ra những học sinh tốt nghiệp phổ thông mà không thể trả lời những câu hỏi cơ bản về toán, khoa học và đọc hiểu.  
Trong bài phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Quốc tế (10/2010), Bộ trưởng Bộ giáo dục đã cảnh báo về tình trạng tụt hậu của nước Mỹ về giáo dục:
Chỉ một thế hệ trước, Mỹ có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học cao nhất thế giới.
Ngày nay, 8 nước khác, trong đó có Hàn quốc có tỷ lệ thanh viên có bằng đại học cao hơn chúng ta. Điều này vừa thiếu bền vững về mặt kinh tế, vừa không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. …Chúng ta đang gặp rắc rối”[5].
Xin cảm ơn, vì bạn đã đến muộn
Trong bối cảnh khá phức tạp của bầu cử năm 2016, việc Tom ra mắt cuốn “Xin cảm ơn, vì bạn đã đến muộn” có lẽ rất đúng thời điểm, theo quan điểm cá nhân tôi. 
Có lẽ, sau những hào hứng của một “Thế giới phẳng”, của “Lexus và Cây Ô liu”, của “Từng là Bá chủ”, và đến nay, do chưa tìm ra được những giải pháp phù hợp cho một nước Mỹ mới, vòng xoay của thế giới phẳng đã làm Tom thừa nhận, “Tôi đã cổ vũ quá khích cho một thế giới phẳng”.
Và đến giờ, Tom lại nhìn thấy có lẽ, sống chậm, sống hữu ích, sống không cần 24/7 kết nối với toàn cầu, sống vì lợi ích cộng đồng mới là điều nước Mỹ cần hơn bao giờ hết.  
Bản chất, thế giới có thể phẳng hay không phẳng, nó không phụ thuộc thuần túy vào công nghệ và internet, vì đơn giản, có những nước đã tự tạo ra sân chơi cho mình, dựa trên công nghệ nền tảng của Mỹ, và buộc các công ty Mỹ phải chơi theo “luật” của mình…

“Thời khắc Sputnik” cho giáo dục khoa học trong thời đại 4.0

Hãy nhìn Trung Quốc và hệ thống Taobao của họ. Hãy nhìn Alibaba, và nhiều hơn nữa. Trung Quốc đã đến thời của mình chăng, khi họ có thể mua cả thế giới? 
Úc, Đức và ngay cả Mỹ đang nhìn những đợt sóng mua bán công ty công nghệ với nguồn vốn hay người chủ từ Trung Quốc với ánh mắt nghi ngại…
Không chỉ công nghệ, Trung Quốc mua đất đai, tài nguyên, hãng phim, trường học, và tất cả những gì có thể mua được.

Không chỉ mua ở châu Phi nghèo đói, Trung Quốc đã vươn đến gần hết các nước châu Âu, châu Mỹ La tinh, và ngay cả nước Mỹ. Khó mà tìm được sản phẩm không phải là “made in China” ở Mỹ và các nước, dù là phát triển hay đang phát triển.
Đấy có lẽ là lý do mà Tom viết về "Từng là bá chủ" năm 2011, nhưng đến nay (2016), Tom lại viết về khả năng tự điều chỉnh trong một thế giới bất định, thế giới mà ai cũng có thể là nhà báo, người điều tra, người tư vấn, người bán hàng “xuyên thế giới”.
Mô hình tự làm chủ, tự kiếm việc và tự quản trị dịch vụ và công việc của mình đang được đề cao cho xu hướng làm việc từ nay đến 2030, khi mà kinh tế tự động hóa, khi mà trí tuệ thông minh, và robot có thể thay thế hơn 50% số việc chúng ta đang làm.

Những ám ảnh về thất nghiệp, về trợ cấp xã hội trả thay lương, những xã hội tự động toàn bộ, và lúc đó, liệu đến thời điểm dành cho “người với người sống để thương nhau” [6]?
Đi theo xu hướng này, mô hình học tập MOOCs, e-learning đang được khởi xướng và phát triển toàn cầu.
Các mô hình của edX, University of People, học tập online đang trên đà phát triển, mà theo ví dụ điển hình về thị trường ở Trung Quốc (lại là Trung Quốc), trong 2 năm (2014-2016), chỉ từ 1,5 triệu người học online ở Trung Quốc đã vươn lên con số 10 triệu người, theo báo cáo của ICEF. 
Tôi không rõ con số này được đo lường như thế nào, nhưng nếu với cuốn “Xin cảm ơn, vì bạn đã đến muộn”, có lẽ cũng cần nhìn nhận lại về giáo dục và thị trường giáo dục cho một tương lai mà tất cả tri thức là nguồn mở và được chia sẻ.  
Tôi không rõ một thị trường online được thúc đẩy phát triển có làm “đổ vỡ” một nền giáo dục truyền thống, mà con người được con người dạy dỗ, để trở thành một con người đúng nghĩa hay không?
Do bởi, ngay ở nước Mỹ, các chương trình học online hiện cũng chưa chứng minh được tính hữu ích cho khả năng phát triển học tập của học sinh, thì không rõ, với các nước khác, liệu có gì khác chăng? 
Một tuyên bố gần đây của một chủ tịch ngân hàng về giáo dục, “Chúng ta đang sản sinh ra những thế hệ không có tương lai”, vì những gì chúng ta đang dạy hoàn toàn không đúng và có lẽ không đủ cho thế hệ tương lai có cơ hội để nắm bắt.  
Vậy, “đến chậm” hay hãy sống chậm lại, hãy phát triển vừa đủ, hãy khích lệ cách sống nhân bản và vì số đông cộng đồng mà Tom viết trong “Xin cảm ơn, vì bạn đã đến chậm”, liệu có gợi mở cho chúng ta bài học giáo dục gì chăng?
Tài liệu tham khảo:
[1] The world is flat – Page 468
[2] Từng là bá chủ - Trang 30
[3] Từng là bá chủ - Trang 175
[4] Từng là bá chủ - Trang 178
[5] Từng là bá chủ - Trang 258
[6] Trịnh Công Sơn