24 thg 4, 2011

Lòng yêu nước

Văn hào Nga Ylia Erenbua đã từng viết trong một bài luận văn nổi tiếng Lòng yêu nước: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Đó là người Nga yêu nước Nga, nhưng nguồn cội của tình yêu nước thì vẫn vậy, dù cái cụ thể cho tình yêu này trao gửi có khác với VN ta. Nếu là người VN, thì “Lòng yêu nước ban đầu...” có thể sẽ là yêu lũy tre xanh bao quanh làng, yêu dòng sông chảy trước nhà, yêu chân ruộng thơm mùi gốc rạ, yêu con cò đứng khoan thai trên đồng bên dáng mẹ còng lưng làm cỏ lúa...
Cứ nghĩ xem, 4.000 năm qua từ thuở vua Hùng dựng nước, ông cha ta đã để lại những biểu tượng gì cho cháu con gửi vào đó lòng yêu nước sâu thẳm nhất? Vua Hùng đã đi cày ruộng, và người dân ở thời đại Hùng Vương đã biết trồng lúa nước. Lang Liêu đã dâng lên vua cha bánh chưng và bánh dầy, biểu tượng cho trời đất, nhưng cũng là biểu tượng cho làng quê trồng lúa nước. Và cao hơn, là biểu tượng cho lòng tôn kính, yêu thương và biết ơn với tổ tiên, với các đấng sinh thành ra mình. Yêu cha mẹ, yêu ông bà, yêu tổ tiên cũng là bắt đầu cho tình yêu Tổ quốc. Cây lúa, chân ruộng chính là cái mà mười tám đời vua Hùng để lại cho muôn đời con cháu. Nước ta có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng không thể, không bao giờ được để mất những biểu tượng, những hình ảnh của làng quê đã hình thành từ thời các vua Hùng.
Các dân tộc VN đa tôn giáo, nhưng người Việt có một tập tục thành kính và tuyệt đẹp, đó là tục thờ cúng ông bà. Mỗi khi chúng ta thắp nén hương trước bàn thờ các vua Hùng, trước bàn thờ tổ tiên ông bà, tự nhiên có cảm giác trong huyết quản ta đang lưu chuyển dòng máu Việt tự nghìn năm, và ta lại có một phút thanh thản để tự soi xét mình và để nhận những lời di huấn thiêng liêng từ tổ tiên ông bà: phải sống làm sao cho có nghĩa có nhân, cho ra một con người thuộc dòng giống Lạc Việt. Niềm tự hào chỉ đưa ta đi lạc hướng một khi ta không biết mình tự hào về cái gì. Còn khi đã xác định, thì niềm tự hào là con cháu vua Hùng, là người Việt mãi mãi là niềm tự hào chính đáng. Không phải để hơn thua với ai, mà để tự tin vào những gì tốt đẹp mà mình đã được nhận, được trao truyền trong suốt cuộc đời này. Từ các vua Hùng, từ lũy tre xanh, từ chân ruộng tỏa mùi bùn non:
“Cứ gì mùi thơm mới khiến nhớ lâu
khi bùn non nối đời anh với đất
khi bàn chân dẫm gai cào đá sắc
là để cho bùn ruộng nhuyễn hơn thôi
cho đồng ta lúa chạy ngút chân trời
và gần lại dáng mẹ hiền xuống mạ”
Tôi đã viết những câu thơ này trong chiến tranh, cách đây đã 40 năm.
Và hôm nay xin dâng mấy câu thơ mộc mạc này trong ngày Quốc giỗ, như một lý giải đơn sơ về cội nguồn lòng yêu nước.
Thanh Thảo

21 thg 4, 2011

Đời người và Giông tố

"Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố "
(Trích Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm"
---------------

Mở bài:
Thân bài
1/ Giải thích khái niệm của đề bài (câu nói)

+ Giông tố ở đây dùng để chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội .
+ Câu nói khẳng định: cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng chớ cúi đầu trước khó khăn, chớ đầu hàng thử thách, gian nan. ( Đây là vấn đề nghị luận)
2/ Chứng minh vấn đề: Có thể triển khai các ý:
+ Cuộc sống nhiều gian nan, thử thách nhưng con người không khuất phục.
+ Gian nan, thử thách chính là môi trường tôi luyện con người.
3/ Khẳng đinh, bàn bạc mở rộng vấn đề:
+ Câu nói trên là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống thật đẹp và hào hùng.
+ Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực : sống không sợ gian nan , thử thách , phải có nghị lực và bản lĩnh.
+Phê phán những kẻ cúi dầu trước giông tố, bi quan trong cuộc sống
4/Bài học-PHHĐ
+ Câu nói gợi cho bản thân nhiều suy nghĩ: trong học tập, cuộc sống bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Bởi cuộc đời không phải con đường bằng phẳng mà đầy chông gai, mỗi lần vấp ngã không được chán nản bi quan mà phải biết đứng dậy vươn lên. 
+Để có được điều này thì mỗi người  cần phải làm gì?

-------------------
Nguồn từ: http://vanmau.com/forum/showthread.php/17533-Doi-phai-trai-qua-giong-to-nhung-khong-duoc-cui-dau-truoc-giong-to-Trich-Nhat-ky-Dang-Thuy-Tram.daimo#ixzz1KAe8YEX6

10 thg 4, 2011

Tình bạn thời @ ???

“Xin lỗi, mình bận!”
Không biết từ bao giờ, tôi có thói quen trả lời ngắn gọn như vậy mỗi khi bạn bè rủ đi chơi, đi học chung, hoặc nhờ làm một việc gì đó…
Từ khi lên đại học, một số thói quen cũng thay đổi. Thời khóa biểu học tập dễ thở hơn, cuộc sống rộng mở hơn, tôi có nhiều thời gian để thực hiện các kế hoạch, mục tiêu đa dạng.

Nhưng nói rằng các mối quan hệ mở rộng thì chưa chắc, vì tôi hời hợt hay vì mọi người đều có cuộc sống riêng, tôi không rõ, chỉ biết rằng, dần dà, bạn bè thưa thớt dần, và tôi cũng cảm thấy chẳng còn sợi dây liên hệ nào nữa. Khi môi trường sống và hoàn cảnh thay đổi, ta cũng phải cố gắng hòa nhập để thích nghi, nhưng chỉ được một thời gian, lại tự xây nên một rào cản cho chính mình…

Tính tôi khép kín, chỉ thật sự vui vẻ khi trò chuyện, chia sẻ với những người bạn thân lâu năm và hợp ý mình… Thời cấp 3, tôi dành ra vài giờ đồng hồ chỉ để nhắn tin với nhỏ bạn thân, mỗi tin nhắn thường rất dài, và đầy tâm trạng, khi thì vui vẻ háo hứng, lúc lại hy vọng mong chờ, khi thì buồn một cách lãng mạn…

Tôi cũng sẵn sàng dành ra vài giờ để lượn phố không mục đích, ngồi ở quán cóc vỉa hè để quan sát xe cộ chạy qua lại, hay đi học thử một buổi tại trung tâm luyện thi mà nhỏ Kẹo đã “quảng cáo”: “Học một lần rồi thích ngay đấy!”

Bận rộn hay sự thờ ơ với thế giới xung quanh?
Thời học sinh của tôi trôi qua như thế. Nhẹ nhàng, yên bình và thấm đẫm cảm xúc. Khi lên đại học, tôi cùng những đứa bạn thân đều có mục tiêu, kế hoạch riêng, nên thi thoảng quên đi sự tồn tại của nhau. Lên mạng thì chỉ chia sẻ vài dòng ngắn gọn

“Mày dạo này sao rồi? Tao thì sáng đi học, chiều về nhà dọn dẹp, tối online. Thấy cũng không đến nỗi bận rộn mà chẳng hiểu sao chẳng có thời gian đi chơi mày ạ…”

“Tao cũng vậy. Bận làm thêm. Thôi, out nha, ngày mai thi giữa kì rồi” .

o0o

Nhỏ bạn thời cấp 3 gọi điện. Nó rủ tôi cùng vài đứa chung lớp đi sinh nhật. Tôi bảo: “Xin lỗi, mình bận rồi. Bữa khác nhé!”. Mà thực ra tôi cũng chẳng bận gì cả, chẳng qua thời điểm nó hẹn trùng giờ với lịch đi chơi cùng “ai đó” của tôi, mà nếu tôi thay đổi thì kéo theo vài thứ khác liên quan nữa, vì có lúc tôi bận đi mua đồ cùng mẹ, đi bảo trì xe, đi chuyển tiền trong ngân hàng, đi thi lấy bằng lái…

Một người bạn khác rủ tôi sang nhà chơi vì nhỏ sắp đi du học. Tôi nói: “Mình đang bận. Tuần sau gặp, hứa luôn. Tháng sau bồ mới đi mà, lo gì!”. Nhỏ tặc lưỡi rồi cười: “Ok bồ. Nhớ nhé!”.

Tuần sau, nhỏ gọi điện lại hỏi: “Sao, thế sáng hôm nay có thăm tui không?”, tôi giật mình: “Chết! Hôm nay nhà mình có tiệc thôi nôi, chắc chiều dọn dẹp xong mình đi được đó, chiều hen!”, nhỏ bảo: “Chiều nay mình bận đi mua vài thứ lặt vặt rồi, hẹn cậu khi khác vậy”, tôi cười tươi: “OK, mình hứa trong vòng vài ngày nữa mình gặp, mình hứa đấy!”.

Và rồi nhỏ đã đi du học, và rồi lời hứa của tôi vẫn chưa thực hiện, chỉ vì lý do: “Mình bận!”. Một lý do vô chừng, mà chính tôi cũng biết, tôi không hề bận, chỉ là do cách sắp xếp thời gian không hợp lý, chỉ là tôi hời hợt với mọi thứ xung quanh, chỉ là vì tôi tiếc vài giờ đồng hồ đi chơi, chỉ là vì tôi còn bận lướt web…

o0o

Lãnh được tháng lương đầu tiên nhờ đi làm phục vụ cho quán cà phê, tôi gọi điện rủ nhỏ bạn thân đi ăn, đầu dây bên kia nói giọng thản nhiên: “Mình bận, phải phụ giúp mẹ trông coi cửa hàng, không đến được”. Tôi có chút nghi hoặc vì tôi cũng đã từng “bận”, nên đáp: “Mình sẽ qua nhà cậu!”, “Không được! Gia đình mình có một số chuyện, cậu đến thì không hay chút nào”. Tôi ỉu xìu: “Ừ”

Chắc là nhỏ bận thật…

o0o

Những lúc buồn, tôi online, nhìn một lượt. Thấy ai cũng xa lạ, thấy ai cũng đang “bận”, không rảnh để nghe mình mở lòng…

Nhắn tin cho 10 đứa bạn, chỉ có đúng 3 đứa trả lời lại: “Sao hôm nay rảnh nhắn tin cho mình thế, hi, ngủ ngon nha, khi khác rảnh mình nói chuyện sau”, “Xin lỗi cậu, dạo này mình bận quá nên không có thời gian hỏi thăm cậu, thế nào, khỏe không?”, “Nãy mình bận học nên giờ mới trả lời tin nhắn, xin lỗi cậu nha!”

Ừ, thì ai cũng bận cả…

Theo Mực Tím

7 thg 4, 2011

Đổ xô: cuộc sống hay lối sống?

TTO  07.04.0211 - Lâu nay và biểu hiện xuất hiện rộ lên gần đây, có một hiện tượng thường lặp đi lặp lại trong sinh hoạt thường ngày mà ít ai không chứng kiến hoặc từng trải qua: “đổ xô”.
Người ta đổ xô từ mua vàng khi vàng lên/xuống, mua một mặt hàng khuyến mãi như điện thoại di động giá rẻ chẳng hạn; mua vài lít xăng dầu… cho đến “xin ấn đền Trần”.
Hàng ngàn người chen lấn xô đẩy hòng vượt rào xông vào xin ấn đền Trần (TP Nam Định) tối 16-2  - Ảnh: Thuận Thắng
Người ta đổ xô mua một căn hộ chung cư cho đến mua một món ăn nào đó, trong một hội chợ ẩm thực nào đó…
Thậm chí cả trong một nơi yêu cầu thanh nhã như “đường hoa”, nhiều người cũng sẵn sàng “đổ xô”.
Người nào cũng muốn mình là người sớm nhất, nhanh nhất. Chen lấn, chòi đạp, giành giựt, chửi rủa… thậm chí “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với nhau trong cái gọi là “đổ xô” đó.
Tại sao vậy? Có người nói: “Thời buổi thị trường cạnh tranh là vậy…”, “Thời hội nhập mà. Nhanh thì kịp…”.
Thế nhưng cũng có người cho đó là lối sống quen… tranh giành xưa nay của không ít người: Trâu chậm uống nước đục; Ở đời muôn sự của chung – Ai khéo vẫy vùng thì được của riêng;  Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp
Thậm chí có người còn cho rằng đó là lối sống xấu đều hơn tốt lỏi vốn có từ xưa rồi (?!).
Tôi thấy hình như ai cũng có lý và thật sự phân vân: “Đổ xô” là do cuộc sống hôm nay yêu cầu phải như vậy hay lối sống xưa nay của không ít người?
M.C
(2)
Cuộc sống "bắt"
07/04/2011 4:04:32 CH
Thời xưa bao cấp qua rồi , đâu còn cảnh phân phối ai cũng có phần. Bây giờ cuộc sống xô bồ ,cho nên tôi nghĩ cuộc sống hôm nay bắt con người dù muốn dù không cũng phải vậy thôi. Vì chờ đợi theo kiểu "cháu nào cũng có phần" thì khó mà đến lượt.
MỘT BẠN ĐỌC
Cần được giải phẫu
07/04/2011 3:45:04 CH
Bài viết hay, nhức nhối...giống như mụt nhọt đang cương mủ, cần được giải phẫu ngay. Đó chính là lối sống..chứ không phải cuộc sống. Nếu cho rằng do cuộc sống "thời hội nhập "nên phải xô bồ, điều đó thật vô lý, một sự thanh minh và ngụy biện.
TINNGUYENVAN@...

    1 thg 4, 2011

    Kinh nghiệm ôn và làm bài thi môn Văn

    Môn Văn chú ý dạng đề tổng hợp
    Để đạt kết quả cao kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh (HS) cần chú ý trang bị cho mình không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng làm bài thi bao gồm cả kỹ năng trả lời câu hỏi tái hiện kiến thức. 
     
    Cô Triệu Thị Huệ trong một giờ dạy tại lớp 12D2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - Ảnh: D.Đ.M
    Hiện không ít HS chỉ “miệt mài” học bài mà không chú ý tới việc rèn kỹ năng làm bài - vốn được coi là chìa khóa của thành công.
    Câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức: HS cần lưu ý sự kết hợp giữa yêu cầu tái hiện và vận dụng kiến thức trong đề thi, tránh quan niệm cho rằng “chỉ cần học thuộc lòng” là có thể trả lời được dạng câu hỏi này. Câu trả lời tái hiện kiến thức cần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, có thể gạch đầu dòng chứ không nhất thiết phải trình bày thành một đoạn văn hay bài văn.
    Bài văn nghị luận xã hội: Cần phải xác định ngay là nếu làm bài quá dài, các em sẽ không đủ thời gian để hoàn thành các câu khác trong đề bài. Trước kỳ thi, HS cần tập viết bài nghị luận xã hội ngắn, khúc chiết mà vẫn đảm bảo được nội dung kiến thức. Việc phân biệt giữa “từ” và “chữ” cũng như xác định hệ thống dẫn chứng thực tế phù hợp, tránh dài dòng lan man cũng là những yếu tố cần được tính đến để đảm bảo dung lượng bài viết. Hiện nay, HS chưa chú ý đúng mức đến dạng đề bài nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống mà chủ yếu tập trung vào dạng đề về tư tưởng, đạo lý. Việc xác định mức độ, tính cân đối giữa hai dạng đề này trong việc ôn tập thi cũng được coi là một lưu ý cần thiết đối với các thầy cô giáo và HS.
    Bài nghị luận văn học: Cũng giống như với kiểu bài nghị luận xã hội, HS cần xác định tầm quan trọng của hệ thống lập luận trong bài làm. Nhất thiết phải dành thời gian (khoảng 7 - 10 phút) lập một dàn ý đại cương đề hình dung hệ thống lập luận (luận điểm, luận cứ, trình tự sắp xếp các ý...) rồi mới bắt tay vào làm bài. Tình trạng HS chưa biết cách triển khai bài làm theo hệ thống luận đề, luận điểm là rất phổ biến hiện nay. Cần kịp thời rèn kỹ năng này trước các kỳ thi để tránh tình trạng bài làm chung chung, thiếu định hướng. HS cũng cần có ý thức thể hiện trong bài làm những hiểu biết khái quát về tác giả, tác phẩm (nên để ở phần đầu của bài viết) cũng như đánh giá, nhận xét, nâng cao vấn đề (nên để ở cuối bài viết). Muốn cho bài làm có sức thuyết phục, cần đưa vào bài hệ thống dẫn chứng. Cả 2 cách đưa dẫn chứng: trực tiếp (dẫn nguyên văn và để trong dấu “…”; gián tiếp (kể lại dẫn chứng bằng lời của mình) đều được chấp nhận, nhưng tốt nhất là đan xen cả hai cách này. “Mẹo” hay nhất là không cần học dẫn chứng quá dài mà cần chọn dẫn chứng thật tiêu biểu, toàn diện để học.
    Mấy năm gần đây, dư luận chú ý nhiều tới dạng đề tổng hợp (với nghị luận văn học thường có hai chi tiết, hai nhân vật, hai đoạn thơ...; với nghị luận xã hội thường có hai vấn đề - tạm gọi là hai vấn đề có tính chất “cặp đôi” hoặc đối lập hoặc bổ sung cho nhau). Ở dạng đề này, đối với bài nghị luận văn học, nên tách riêng từng chi tiết, nhân vật, đoạn thơ… để phân tích, cảm nhận, rồi mới đánh giá, nhận xét, so sánh về sự tương đồng, khác biệt. Đối với bài nghị luận xã hội, cần chú ý tách riêng từng vấn đề ra để giải thích, bàn luận (chú ý mối quan hệ, sự khác biệt, tương đồng của hai vấn đề), từ đó rút ra bài học nhận thức và hành động.
    Thạc sĩ Triệu Thị Huệ (Trưởng bộ môn Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM