31 thg 3, 2012

Lòng dũng cảm


Đề : SUY NGHĨ CÙA ANH CHỊ VỀ LÒNG DŨNG CẢM
Một con tằm phải trải qua đau đớn để tự chui ra khỏi cái kén và trở thành con bướm bíêt bay. Một hạt giống nằm sâu trong lòng đất nảy mầm phải tự vươn thẳng lên xuyên qua tầng đất dày để thành cây cứng cáp. Những thử thách đã làm nên giá trị của sự thành công và ta sẽ không thể vượt qua được những thử thách ấy để thành công nếu không có  lòng dũng cảm.

Dũng cảm là dám đương đầu với mọi khó khăn, gian lao vất vả, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì công l‎‎í, không sợ hãi, hèn yếu mà bỏ cuộc;dám vượt qua mọi thử thách, thậm chí là giới hạn của chính mình, chiến thắng bản thân để hoàn thành mục đích đề ra.

Dũng cảm là một đức tính cao đẹp, vô cùng cần thiết, luôn được đề cao từ xưa đến nay. Thế nên mới nói, dũng cảm ảnh hưởng rất lớn đối với mỗi còn người. Lòng dũng cảm giúp  ta chấp nhận hậu quả sau mỗi quyết định, dám đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, đương đầu với những nỗi khổ đau và quan trọng hơn hết là tạo cho ta sức mạnh để chiến thắng chính mình, vượt qua số phận mà đến với thành công. Không chỉ vậy, lòng dũng cảm còn là động lực giúp ta đứng lên bảo vệ công lí, động cơ nâng cao tình thần tương thân tương ái giữ người với người và cuối cùng nâng cao hơn là tình yêu Tổ quốc. Ta có thể thấy dù trong thời kì nào đi chăng nữa thì luôn có sự hiện diện của lòng dũng cảm. Thời xưa thì có Trần Bình Trọng thà “ làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”, thời chống Pháp, chống Mỹ thì có anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng để đoàn quân tiến về phía trước hay các cô gái Ngã ba Đồng Lộc không ngại hiểm nguy phá đá mở đường cho đoàn xe tiến tới.Và trong cuộc sống hiện nay của thời kì đổi mới, lại cũng có không ít những tấm gương về lòng dũng cảm vô cùng đáng khâm phục như các bác xe ôm Võ Việt Cường ở chợ Tân Định tay không bắt cướp, cậu học trò Phạm Văn Phong cứu sống cả ba  người bị chết đuối trong lúc đang đi bắt ốc trên ghe ,… Bởi vậy nếu nói rằng  lòng dũng cảm quả thực trở thành phẩm chất tạo nên những bậc anh hùng thì quả thực không sai.

Lòng dũng cảm cần thiết là vậy nhưng đáng buồn thay khi cũng vẫn còn đó những con người hèn nhát nhu nhược. Họ mới gặp chút khó khắn đã sớm chán nản,thoái lui rồi càn dấn sâu vào con đường sai trai hay tự kết liễu đời mình như những trường hợp tự tử vì thi rớt đại học hay thất tình mà ta vẫn thường nghe thấy trên báo đài.Bên cạnh đó, ta cũng cần phân biệt lòng dũng cảm thực sự với sự bồng bột liều lĩnh nhất thời hùa theo những điều sai trái, bất chấp lời khuyên răng của mọi người để rồi không chỉ hại người mà còn hại đến mình.

Vậy làm sao để rèn luyện được lòng dũng cảm?Thế nên học sinh chúng ta cần phải có đủ bản lĩnh, không sợ hãi khi đối đầu với khó khăn mà và cố gắng học tập thật tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chúng ta cần rèn luyện lòng dũng hằng ngày, từ những việc nhỏ nhất.
Người có lòng dũng cảm, dám hy sinh lợi ích cá nhân của mình đấu tranh vì lợi ích chung của cộng  đồng xã hội sẽ được mọi người kính trọng mến phục. Do đó, ngày nay thì tuổi trẻ chúng ta cần phải không ngừng rèn luyện cho mình lòng dũng cảm, cùng với các đức tính khác ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để ngày càng hoàn thiện bản thân,sớm trở thành một người thành công,công dân tốt phục vụ cho xã hội, cho đất nước.

NHẬT HẠ 10A8

28 thg 3, 2012

Sống là cống hiến

Dấn thân
“Vì nhân dân quên mình/Vì nhân dân hy sinh/Anh em ơi vì nhân dân quên mình/”… Bây giờ, mỗi khi nghe lại bài hát Vì nhân dân quên mình được sáng tác từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ca từ giản dị của bài hát lại như xoáy vào chúng ta. Nếu không có một tinh thần hy sinh, xả thân, dâng hiến như vậy cho nhân dân và Tổ quốc của thế hệ thanh niên thời đó, thì làm sao có một dải non sông thống nhất như ngày nay?
Trong sinh nhật của Đoàn, ngọn lửa luôn được khơi lên bao giờ cũng là ngọn lửa của tinh thần dấn thân, tình nguyện. Tình nguyện bảo vệ Tổ quốc, tình nguyện đến với nhân dân, dấn thân chấp nhận những thách thức để đạt tới những thành quả cho cá nhân mình và cho cộng đồng, những điều ấy không bao giờ chỉ là những khẩu hiệu hay những lời nói suông. Thế hệ thanh niên nào cũng có nhu cầu sống có lý tưởng. Dù lý tưởng với thanh niên bây giờ có nhiều điểm thực tế hơn, đời thường hơn, thì lý tưởng sống ấy vẫn có những điểm vượt lên, những điểm bừng sáng và biết bao điều lãng mạn. Mỗi thanh niên khi xác định được mục đích sống của đời mình, là đã dám đặt cược đời mình cho những mục tiêu, cho những mơ ước. Trên tinh thần ấy, mỗi thanh niên lao động lương thiện bình thường đều là những người sống có lý tưởng, chỉ với một điều kiện: họ ý thức được sự lao động của mình, họ chấp nhận những thách thức, họ vượt qua những cản trở, và họ sống không ích kỷ.
Những lối sống thờ ơ, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, hưởng lạc, bất kể mọi người và mọi điều chỉ cốt đạt cho bằng được những ham muốn hưởng thụ ích kỷ của mình, lối sống ấy không phải bây giờ mới có. Nhưng cũng chỉ tới bây giờ, lối sống ấy mới phô diễn được cả triết lý sống và phong cách sống của nó. Đã có không ít thanh niên sống như vậy, và cho như vậy mới là đáng sống, dù họ không biết, khi chọn cho mình cách sống ấy là đã triệt tiêu phần lớn những tinh lực, những phần “người” nhất của con người mình, không cho chúng phát triển. Bao giờ cũng thế, khi những cánh cửa này mở ra, thì bắt buộc những cánh cửa khác phải đóng lại.
Rất may, vẫn còn rất, rất nhiều những thanh niên biết sống đẹp đời mình. Đó là một nhu cầu tự thân đối với họ. Và sự lan tỏa của lối sống có lý tưởng không chỉ dành cho thanh niên Việt Nam, mà rất nhiều thanh niên trên thế giới này cũng đã chọn cách sống đẹp như vậy cho mình. Một lựa chọn tự nguyện. Một dấn thân tình nguyện.
Tinh thần tình nguyện ở thanh niên bao giờ cũng là nét đẹp nhất, thu hút nhất và đáng trân trọng nhất nơi những người trẻ. Trước mỗi tai nạn của cộng đồng, mỗi nguy nan của đất nước, mỗi yêu cầu của cuộc sống, chúng ta lại thấy sự có mặt của màu xanh trong sắc áo và tinh thần của những người thanh niên tình nguyện. Từ rừng cao núi thẳm tới Hoàng Sa, Trường Sa ngút ngàn biển đảo, tinh thần tình nguyện của thanh niên Việt Nam đã khiến nhân dân tin yêu. Dù những bài hát hôm nay có đổi lời thay nhạc, thì tinh thần xả thân vì Tổ quốc vì nhân dân trong những bài hát của những thế hệ thanh niên tình nguyện là không thay đổi.
Thanh Thảo

26 thg 3, 2012

Suy ngẫm về lối sống

Sống giả
(Dân trí) - Tôi tự thấy mình là đứa giỏi giang, được việc, sếp rất nể và nhiều người công nhận. Tôi được coi trọng nên luôn là chính mình, có thể làm mọi việc theo ý muốn.
 

Tôi đi lấy chồng, mẹ dành hai buổi tối để giảng giải cho tôi hiểu, rằng cá tính ở đâu không biết nhưng về sống cùng nhà chồng vẫn phải tỏ vẻ nhu mì, lép vế. Phụ nữ thông minh là người không cố chứng tỏ mình thông minh.

Cũng do thấy nhiều tấm gương “tranh khôn” trước mắt nên buổi ban đầu tôi đã hết sức nén cái tôi của mình lại.

Hôm tôi và chồng đi đám cưới một đồng nghiệp, chồng tôi lỡ miệng khen vợ ngoan hiền, đó hẳn như tiếng sét ngang tai mọi người, có kẻ vờ sặc rượu, kẻ giả ho vì hóc, ai đó cười lăn cười bò, buông vài câu tếu táo khiến chồng tôi cười nhưng không hiểu…

Mãi rồi mọi người mới hay tin tôi được tiếng là cư xử hòa nhã và ứng đối khôn khéo với nhà chồng. Và việc này đã lấy đi của tôi không ít tâm sức cũng như sự tức tối nuốt giận, ôm thiệt thòi vào thân. Dẫu sao tôi vẫn phải cố để lấy cái tiếng làm đẹp lòng chồng và đẹp mặt mình.

Tôi tin cách sống mẹ dạy là một hành trang quan trọng nên với chồng tôi cũng “diễn” như vậy. Dù tình yêu lãng mạn được nhường chỗ cho suy nghĩ thực tế, vì nhiều lúc những vụn vặt tầm thường đã khiến những phút giây riêng tư trở nên nặng nề.

Giờ với tôi quan hệ vợ chồng mục đích cuối cùng cũng chỉ là để có con, chẳng thấy thú vị gì. Tôi có thể chịu đựng, giả vờ với chồng là đã thỏa mãn mà không cần đếm xỉa đến cảm xúc thăng hoa của mình. Thực ra với căn nhà chật chội này, một cái cựa mình thôi cũng khiến con của cô em chồng nằm buồng bên cạnh giật mình, thì thú thực tôi chỉ còn mỗi việc căng tai ra nghe ngóng và thầm cầu mình đừng gây ra bất cứ tiếng động gì thêm, thử hỏi lấy đâu ra mà sung với chả sướng.

Lấy nhau nửa năm, “hành sự” đều đặn mà vẫn chẳng thấy gì. Ai thắc mắc, tôi vẫn nhẹ nhàng: “Ông trời cho lúc nào thì được lúc đó” và gắng phớt lờ những cái soi xét vô duyên của bà thím chồng “sao không đi khám xem thế nào”. Nhiều lúc tôi cũng bực, muốn nói toạc “sao thím không khuyên chồng cháu đi nữa”, nhưng tôi lại nén lòng mình lại, bởi nói thế khác nào trù ẻo cháu cưng của nhà họ.

Đúng ra tôi chả thích cái kiểu khệnh khạng soi mói, lúc nào cũng ra vẻ khinh khi, coi thường người khác của bố chồng. Sao mà tôi ghét cái thói lười biếng bẩn thỉu và cả xấu tính của cô em chồng thế, nhưng để nhà cửa êm ấm tôi vẫn phải tươi cười cho qua và gồng mình lên cố thở.

Tôi ghét mẹ chồng cùng mấy người hàng xóm rảnh rỗi thích tụ tập nói xấu người này người khác. Có con bé đang học tiểu học, tôi thường cho kẹo nên hay sang chơi chuyện trò. Nó thật thà kể tôi nghe họ đã nói gì về tôi. Họ chê tôi mũi hếch, da mặt xấu, chê tóc tôi quăn… Đại thể, chẳng chê được gì họ quay ra chê vẻ trời sinh của tôi. Biết đích xác ai ngoa ngoắt, lắm điều nhưng tôi vẫn phải cho qua và tiếp tục tươi tỉnh chào hỏi, bắt chuyện với những người ấy.

Nhiều lúc cũng thở dài tự hỏi, liệu có phải mình đang sống không? Sao mà vất vả thế. Nhưng tôi biết, nếu nói ra hết lòng mình, sống thật với bản thân thì chắc tôi sẽ được sống một mình đến hết đời.

Daulang123@

25 thg 3, 2012

Suy ngẫm

Đàn ông và thảm họa... “ rớt giá”?!

Cập nhật 15/03/2012 06:46 (GMT+7)
.
Nếu như trước đây, người ta chỉ dùng từ ế… với các cô gái quá lứa, lỡ thì. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại, xu thế đó đang có chiều hướng đảo ngược. Không ít phụ nữ lựa chọn cuộc sống độc thân, khi mà họ chưa thực sự tìm thấy một nửa của mình. Vậy thì đàn ông tính sao đây?
Năm 2030, 3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ ế vợ?
Năm 2030, 3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ ế vợ?
Ngày nay vì chỉ được cưới một người nên người ta phải thận trọng…
Ngày nay, đàn ông càng dễ dàng vui vẻ làm quen với phụ nữ ở những quán bar và câu lạc bộ bao nhiêu, thì trên nẻo đường lần trở lại về những ngôi nhà mang bóng dáng tổ ấm họ càng hiu hắt khó khăn bấy nhiêu.
Phải chăng thời hiện đại người ta sống xô bồ, dễ dàng, huyên náo, nhưng khó có thể nói đó là hạnh phúc, bởi vì tình yêu là nẻo sống của con tim, nó có lý lẽ sâu thẳm của riêng mình và không phụ thuộc vào những ồn ào, náo nhiêt và sự hào nhoáng bên ngoài…
Nhưng có một thực tế, ngày nay phụ nữ có quyền yêu và cưới bạn đời, vì thế mà đám đàn ông thành phải xếp hàng, và đối diện với nguy cơ…ế - một khái niệm mà xưa kia họ vẫn cười nhỉnh mũi, phẩy tay: “Đợi đấy, còn lâu!”. Chế độ một vợ một chồng ở nhiều quốc gia ấn định, càng làm cho “khả năng” ế của anh em tăng lên, bởi vì họ không còn cơ hội nhắm mắt cưới bừa như ngày xưa nữa.
Ngày xưa được quyền đa thê, thích ai, thì cứ cưới. Cưới về nhà thấy còn khá thì “xài”, nếu chán đẩy xuống nhà ngang cho ăn cơm nguội, rồi tìm cách cưới cô khác… Nhưng ngày nay, vì chỉ được cưới một người, nên người ta phải thận trọng, càng thận trọng thì càng khó, mà đâu chỉ có mình được quyền chọn, ta cũng phải chui vào ống ngắm để người khác chọn, càng thận trọng thì càng rụt rè, chần chừ, phân vân, như các cụ bảo “già kén kẹn hom”, càng có tuổi thì càng khó tính… Thế là đành ế vợ!
Và câu chuyện đâu có dừng ở đó, chúng ta đều biết, thực tế của đàn ông hiện nay còn “thảm kịch” hơn nhiều. Theo nhiều điều tra và thống kê, vì nạn nạo phá thai nhi gái, mà nhiều vùng hiện nay đang có tỉ lệ 116 trai trên 100 gái, thậm chí có nơi lên đến 130 trai trên 100 gái.
Một tỉ lệ thật mất cân bằng, đến mức có nhiều chuyên gia dự báo thế giới sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng vì mất cân bằng về giới vì thiếu đàn bà, và không lâu nữa đang ông Việt sẽ sang… Châu Phi để tìm vợ.
Không có công thức chung cho mọi phụ nữ
Trong xu thế của thời hiện đại, phụ nữ càng lên giá, và đàn ông càng ngược lại. Vì thế, đi đâu cũng gặp cảnh đàn ông khắc khoải tìm kiếm vợ với những lời khẩn thiết tâm can như: “Hãy cho anh một cơ hội!” vang lên khắp nơi, như một lời kêu cầu mong không bị rớt ngoài “vòng đấu loại”…
Ở một đất nước truyền thống và hiện đại như xứ sở hoa anh đào, gần đây họ đã có một ngày để người đàn ông ca tụng và nói ba tiếng “ anh yêu em” tự đáy lòng mình với vợ trước bàn dân thiên hạ…
Với những người phụ nữ tôn sung chủ nghĩa độc thân, hoàn toàn hợp lý khi Thùy Linh - ĐHKHTN nói: “Tôi không muốn biến cuộc sống trước mắt thành một bài toán đã có đáp số”.
Là một phụ nữ Việt Nam thông thường, khi lớn lên, đủ tuổi vị thành niên bạn sẽ tìm cho mình một công việc phù hợp và một chàng trai phù hợp với mình. Sau một thời gian tìm hiểu, nếu hoàn cảnh cho phép hai người sẽ kết hôn, cố gắng vun vén cho cuộc sống gia đình, sinh con, nuôi dạy con, phục vụ chồng.
Bạn có còn lúc nào để nghĩ đến việc gặp gỡ bạn bè, khi cao hứng muốn đi nhảy disco, thỉnh thoảng đi xem phim, buổi sáng ngủ dậy muốn đi uống cà phê. Giờ đây với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội người phụ nữ có thể tiến cao hơn nữa trên bước đường sự nghiệp của mình. Để làm được điều đó thì hình như sự khát khao được yêu thương cũng không còn là nhu cầu tất yếu nữa.
Khi được hỏi về người yêu mình thì hàng trăm cô gái trước cưới đều trả lời “Anh ấy thật tuyệt vời”. Liệu anh ấy có còn galăng được với bạn không khi cuộc sống gia đình với bao nhiêu điều bon chen tính toán, bao tình huống khó xử? Có bao nhiêu gia đình mà các cặp vợ chồng vẫn giữ được sự lãng mạn như thủa ban đầu?
Phụ nữ sống độc thân là chuyện đã có, đang có và sẽ có bên cạnh những người phụ nữ của gia đình. Quan trọng là bạn sống đúng với cuộc sống phù hợp với bạn, lựa chọn đúng cái mang đến nhiều hạnh phúc hơn cho bạn, chứ không phải sống theo trào lưu, theo mode.
Ngày nay, phụ nữ được giải phóng hơn chính là ở chỗ, nếu người phụ nữ có ước mơ gì, có khát vọng gì, thì họ đều có thể tự chọn cho mình một cuộc sống phù hợp với ước mơ đó của họ. Chứ không chỉ có một công thức chung, duy nhất một  đáp số cho mọi phụ nữ.
Thời đại mới có hàng tỉ cặp hôn nhân tan vỡ, hàng tỉ đàn ông không thể kiếm được vợ, ế đến mức, mới đây người Đức đưa ra phương châm lựa chọn để cứu vãn những con tim bị xơ cứng trong cô đơn: “Hôn nhân là chịu đựng được cái xấu của bạn đời”.
Vậy đó, hôn nhân không phải một thánh đường để chúng ta hạch sách nhau về những đức tính tốt đẹp đâu, mà hôn nhân chỉ đơn giản là một nơi trú ẩn, nơi chúng ta biết chịu đựng những cái xấu của nhau, để được sống cùng nhau, để đủ sức mạnh cùng nhau đi tới cuối con đường…
Miên Thảo

22 thg 3, 2012

Tuyển sinh ĐH: 2012

Nắm rõ học phí để khỏi bất ngờ
TT - Học phí của các trường đại học, cao đẳng hiện nay chênh lệch rất lớn, từ 4-5 triệu đến cả trăm triệu đồng/năm tùy trường. Thí sinh cần nắm rõ những thông tin này để khỏi bất ngờ khi trúng tuyển vào trường.
Thời điểm này, các trường THPT đã triển khai các thông tin tuyển sinh đến học sinh. Trong ảnh: cô Nguyễn Thị Chiên, cán bộ phòng học vụ Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM, hướng dẫn học sinh cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi sáng 21-3-2012 - Ảnh: Như Hùng
Theo quy định, các trường ngoài công lập được phép tự quyết định mức học phí nhưng phải thông báo mức thu cho từng năm hoặc cả khóa và phải công khai tài chính trên website. Trong khi các trường công lập thu học phí theo khung học phí đối với giáo dục đào tạo trình độ ĐH nhưng không phải công khai mức học phí.
Trường công thu phí cao
Học phí trường công thu theo nhóm ngành
Mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ năm học 2012-2013. Cụ thể: khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản (nhóm 1): 4,2 triệu đồng/năm; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch (nhóm 2): 4,8 triệu đồng/năm; y dược (nhóm 3) 5,7 triệu đồng/năm. Mức trần học phí sẽ tăng từng năm đến năm học 2014-2015. Theo đó: các ngành thuộc nhóm 1 tăng thêm 650.000 đồng/năm, nhóm 2 tăng 850.000 đồng/năm và nhóm 3 tăng 1,15 triệu đồng/năm.
Trong khối các trường ĐH công lập còn có loại hình trường công tự chủ tài chính. Đây là những trường không được Nhà nước hỗ trợ về tài chính như các trường ĐH công lập khác. Vì thế, theo lãnh đạo các trường này, khoản thu học phí trường dùng để chi trả thù lao giảng dạy, quản lý hành chính, mua sắm vật tư thiết bị, máy móc thực hành... Từ các khoản này trường cân đối thu chi để đưa ra mức học phí khóa mới.
Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có học phí nhỉnh hơn hầu hết các trường công lập khác với học phí bậc ĐH, CĐ là 6 triệu đồng cho học kỳ I (tạm thu). Theo đại diện phòng tài chính nhà trường, học phí cả bậc ĐH, CĐ là 220.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và thực hành là 370.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí cao nhất 8,8-10,5 triệu đồng/năm (tùy ngành).
Cũng là trường tự chủ tài chính, Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM có mức thu học phí thấp hơn, bậc ĐH 3 triệu đồng/học kỳ (mức đóng cả năm 5,5 triệu đồng/sinh viên), bậc CĐ 3 triệu đồng/học kỳ (mức đóng cả năm 5 triệu đồng/sinh viên). Tương tự, Trường ĐH Mở TP.HCM thu học phí học kỳ I năm học 2011-2012 ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng 3.840.000 đồng/năm học.
Ngoài ra, sinh viên một số trường phải nộp nhiều khoản thu lẽ ra đã nằm trong học phí. Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thu học phí học kỳ I là 2.275.000 đồng (tức 455.000 đồng/tháng). Riêng mức học phí theo tín chỉ bậc ĐH 170.000 đồng/tín chỉ lý thuyết, 220.000 đồng/tín chỉ thực hành. Học phí này không bao gồm học phí môn giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất. Ngoài học phí, sinh viên trường này phải đóng thêm “phí cơ sở vật chất” 975.000 đồng/học kỳ và nhiều loại lệ phí khác như: thư viện 100.000 đồng/năm; bảo hiểm (y tế, tai nạn) 225.000 đồng/năm; đồng phục các loại giá hàng trăm ngàn đồng...
Trường CĐ Công thương TP.HCM dù đã tạm thu học phí lên đến 2.080.000 đồng/học kỳ, còn thu thêm “phí thư viện, vật tư phục vụ các đợt thi trong năm học” 250.000 đồng. Tân sinh viên Trường ĐH Thủy lợi phải đóng “kinh phí cược giáo trình” 100.000 đồng. Tại Trường ĐH Dầu khí VN, ngoài học phí chính khóa tân sinh viên phải đóng học phí tiếng Anh tăng cường 2.451.000 đồng.
Bên cạnh đó, một số trường công lập đào tạo chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế... có mức học phí khá cao. Tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) sinh viên học chương trình do nhà trường cấp bằng học phí khoảng 39 triệu đồng/năm; các chương trình liên kết học phí giai đoạn 1 tại VN khoảng 54 triệu đồng/năm. Học phí các chương trình tiên tiến của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM khoảng 20 triệu đồng/năm.
Ba nhóm ngoài công lập
Theo quy định, các trường ĐH ngoài công lập tự cân đối thu - chi. Bên cạnh đó, mỗi trường cũng có tiêu chí đầu tư khác nhau. Vì vậy, hiện mức học phí ở mỗi trường mỗi khác. Nhìn chung, học phí của các trường ĐH ngoài công lập ở cả phía Bắc và phía Nam đều được chia thành ba nhóm.
Trong đó, các trường đóng tại các địa phương có mức học phí “mềm” hơn trường ở TP.HCM. Mức học phí của nhóm trường này từ 6-9,5 triệu đồng/năm (tùy từng ngành học và từng trường). Riêng Trường ĐH Tân Tạo (Long An) có mức học phí lên đến 3.000 USD/năm.
Các trường ĐH ngoài công lập ở TP.HCM, Hà Nội có học phí cao hơn. Chẳng hạn Trường ĐH Văn Lang có mức học phí 10-14 triệu đồng/năm, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM 13-16 triệu đồng/năm (được xác định theo tổng số tín chỉ sinh viên đăng ký trong mỗi học kỳ), Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM khoảng 12-15 triệu đồng/năm. Trường ĐH Hồng Bàng thu học phí bậc ĐH trung bình 12.980.000 đồng/năm, riêng các ngành: kiến trúc, điều dưỡng, kỹ thuật y học: 15.980.000 đồng/năm; bậc CĐ 11.780.000 đồng/năm...
Bên cạnh đó, một số trường ngoài công lập có cách tổ chức đào tạo riêng lại có mức học phí “khủng” như học phí bậc ĐH của Trường ĐH Hoa Sen khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nếu chọn chương trình học bằng tiếng Anh 4,3 triệu đồng/tháng; chương trình chính quy hợp tác quốc tế 4,9-5,8 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM thu 2.410.000 đồng/tín chỉ; học phí học tiếng Anh 8.780.000 đồng/cấp độ. Như vậy tổng cộng học phí một sinh viên của trường này lên đến 70-90 triệu đồng/năm. Trường ĐH FPT học phí 23,1 triệu đồng/học kỳ (9 học kỳ/khóa).
Bên cạnh đó, sinh viên trường này còn phải đóng học phí chương trình dự bị tiếng Anh dành cho sinh viên chưa đủ trình độ tiếng Anh tương đương với chuẩn TOEFL PBT 550, TOEFL iBT 80 hay IELTS 6.0 với mức 9,24 triệu đồng/mức (tối đa năm mức). Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (Bình Dương) thu 15-30 triệu đồng/năm. Học phí bậc ĐH của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn 42-49 triệu đồng/ năm (chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt) và 109 - 120 triệu đồng/ năm (dạy bằng tiếng Anh)...
Trường ngoài công lập phải công khai mức học phí
Ngày 21-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga có văn bản yêu cầu các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải thông báo về mức học phí của từng ngành trên website của trường. Hiện nay, trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 do NXB Giáo Dục phát hành, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập không thông tin mức học phí. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ công bố công khai các thông tin về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy trên website của nhà trường, đảm bảo thống nhất với các thông tin đã đăng tải trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 do NXB Giáo Dục biên soạn và phát hành.
Trước đó, trong bản điện tử được công bố trên website của Bộ GD-ĐT, cuốn Những điều cần biết... có nhiều thông tin không thống nhất với thông tin tuyển sinh của các trường. Chẳng hạn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có quyết định tuyển chín ngành bậc ĐH nhưng trong cuốn Những điều cần biết... chỉ có bốn ngành. Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM tuyển sinh 10 ngành ĐH nhưng trong bản thông tin của bộ lại không có ngành nào bậc ĐH. Hơn nữa, trường tổ chức thi tuyển bậc ĐH nhưng lại nằm trong danh sách các trường không tổ chức thi tuyển...
M.G.
TRẦN HUỲNH

20 thg 3, 2012

Tư liệu: Những điều cần biết về TUYỂN SINH ĐẠI HỌC

Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012
Tệp đính kèm: NDCB2012.rar

Năm 2012 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012. Các thông tin này do các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng cung cấp và chịu trách nhiệm.  
 Cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2012" cung cấp những thông tin quan trọng về tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong toàn quốc như: Những điều cần ghi nhớ của thí sinh dự thi; Lịch công tác tuyển sinh; Bảng kí hiệu các đối tượng ưu tiên; Bảng phân chia khu vực tuyển sinh của 63 tỉnh, thành phố; Mã tuyển sinh tỉnh, thành phố, quận, huyện; Mã đăng kí dự thi; Danh sách các trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi nhưng sử dụng kết quả thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xét tuyển; Những thông tin tuyển sinh của các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng gồm: tên và kí hiệu trường, mã quy ước của ngành học, khối thi, thời gian thi, vùng tuyển và các thông tin cần thiết khác của các trường.
Các thông tin cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, điều kiện dự thi, các chương trình đào tạo,... thí sinh tham khảo tại địa chỉ website của từng trường.
Nội dung chi tiết trong tệp đính kèm.

19 thg 3, 2012

Suy ngẫm: Về phụ nữ Việt Nam thời nay

Nhận xét về phụ nữ Việt Nam của Việt kiều
Cập nhật lúc :6:04 AM, 06/03/2012
Tôi thật lòng mong muốn, các chị hãy thay đổi, để xứng đáng với danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam” và không cảm thấy “ngượng” khi nhận lời chúc của cánh đàn ông chúng tôi nhân ngày 8/3 và 20/10 hàng năm.

Chào độc giả! Tôi là một Việt Kiều Mỹ, tôi sinh ra ở Việt Nam, nhưng được 4 tuổi thì tôi đã theo bố mẹ sang Mỹ học tập và làm việc cho đến bây giờ.


Năm nay tôi đã ngoài 30 tuổi và là một người được đánh giá là thành đạt. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa tìm được ý trung nhân, vì tôi đã tiếp xúc với nhiều cô gái đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nhưng thú thực không có cô gái nào giống như những người con gái Việt Nam mà mẹ tôi đã kể cho tôi nghe.


Nào là họ rất ngoan ngoãn, không bao giờ đánh mất trinh tiết trước hôn nhân. Phụ nữ Việt Nam luôn để tóc dài và gội đầu bằng quả bồ kết, nên tóc cô nào cũng đen, mềm mại và óng mượt như một dải lụa.
Phụ nữ Việt Nam trong hình dung của tôi.
Phụ nữ Việt Nam cũng rất giỏi nấu ăn, và biết hy sinh vì gia đình, chồng con. Với phụ nữ Việt Nam, gia đình là trên hết tất cả, vì thế đàn ông Việt Nam thường không phải lăn tăn nghĩ đến chuyện gia đình, vì đã có vợ đảm nhận hết.


Ngay trong gia đình tôi cũng vậy, bố mẹ tôi đã sống với nhau được hơn 30 năm, nhưng họ vẫn rất yêu thương nhau. Mẹ tôi là một người phụ nữ tuyệt vời, bà nấu ăn rất giỏi, và khéo chiều chồng, nuôi dạy con cái, bố tôi không phải lo lắng gì chuyện gia đình, vì thế ông có nhiều cơ hội thành công hơn bên ngoài xã hội.


Đặc biệt, sống với nhau gần trọn đời, nhưng bố mẹ tôi rất hiếm khi to tiếng với nhau, mẹ lúc nào cũng tôn trọng bố, điều này thể hiện qua những câu giao tiếp với chồng. Một điều dạ, hai điều vâng,… vì thế cuộc sống gia đình rất đầm ấm và hạnh phúc.


Nhìn mẹ, và nghe bố mẹ kể về con gái Việt Nam, từ lâu tôi đã có ý định về Việt Nam cưới vợ nhưng chưa có dịp thực hiện. Năm nay, nhân việc một người bà con ở quê lập gia đình, bố mẹ cũng bảo tôi về nước và xem tìm hiểu lấy một cô để cưới và tôi đã đồng ý, hiện tôi đã ở Việt Nam được 2 tuần.
Tôi đã gặp vài người con gái Việt Nam, có cả ở nông thôn và thành thị. Có người là bà con, có người là bạn bè, người thân giới thiệu làm quen, nhưng có một điều là tất cả họ đều đã không còn như những gì tôi đã được nghe từ mẹ và hình dung trước đó.
Phụ nữ Việt Nam ngày càng "hiện đại".
Chẳng còn cô gái nào tóc dài và đen nữa, các cô gái Việt Nam bây giờ tóc đã nhuộm đỏ, nhuộm vàng hết cả, nhìn họ chẳng khác nào những “cô Tây” chính hiệu. Có điều, tóc các cô gái Tây đỏ, vàng do tự nhiên, còn cô gái Việt Nam thì khác, tóc họ đỏ, vàng nhờ hóa chất, và điều đó thể hiện một sự đua đòi thái quá của các cô gái Việt Nam.


Tôi cũng kể về ý định của mình cho một số người bạn, rằng tôi muốn tìm một cô gái Việt Nam còn “nguyên vẹn”, nhưng họ bảo tôi không hiểu gì về Việt Nam và những cô gái Việt Nam hiện nay.


Anh ta bảo, con gái Việt Nam bây giờ đã không còn như xưa nữa, tất cả họ đã mất đi thứ gọi là trinh tiết khi chưa lấy chồng, và họ cũng không có ý thức phải giữ gìn thứ ấy nữa, vì thế nếu như tôi muốn cưới một cô gái Việt Nam còn nguyen vẹn thì nên từ bỏ ý định đó đi.
Tôi thực sự hoang mang về những điều mà anh bạn tôi nói, nhưng anh ta thách thức tôi và bảo: “Nếu không tin tôi có thể vào mạng tìm hiểu thêm về con gái Việt Nam”. Đồng thời giới thiệu cho tôi một vài trang báo mạng để “chứng minh” cho tôi thấy rằng anh ta nói đúng.
Hình minh hoạ.
Tôi đã tìm hiểu về con gái Việt Nam trên 1 số trang báo do người bạn này giới thiệu. Qua những bài viết, bài chia sẻ, tôi nhận thấy, đúng là con gái Việt Nam đã khác xưa rất nhiều.


Họ không còn coi trọng tiết hạnh của mình, và họ cũng chẳng coi việc nấu ăn, chăm sóc chồng con là bổn phận của người phụ nữ.


Họ đua đòi và thích “khoe” đủ thứ, kể cả những phần nhạy cảm trên cơ thể họ cũng chẳng ngần ngại “phô” ra cho thiên hạ ngắm nghía, bình luận.


Đi trên phố, hay vào nhà hàng, thực sự nhiều khi tôi không dám nhìn vào các cô ấy, vì những bộ trang phục ấy thực sự quá phản cảm và thiếu lịch sự.


Tôi thấy thương cho những người đàn ông Việt Nam, vì họ chính là những người thiệt thòi nhất trước sự thay đổi với tốc độ “chóng mặt” của những người phụ nữ.


Các chị sống “nhanh” và “gấp gáp” quá so với đàn ông Việt Nam. Tôi từ bỏ ý định cưới một cô gái Việt Nam sau khi đã thực sự hiểu về họ.


Tôi cứ ước, giá như các chị sống chậm hơn, vừa sống vừa nhìn nhận lại chính mình, thì hạnh phúc cho những người đàn ông Việt biết bao nhiêu!

17 thg 3, 2012

Bạn có Biết ???

Họ Nguyễn lọt vào top 10 họ phổ biến nhất thế giới

Ảnh:
Ảnh: Paper.

Họ Nguyễn của Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách 10 họ phổ biến nhất trên thế giới, ước tính khoảng 40% dân số nước ta mang họ này, theo xếp hạng của trang webTheworldgeography.com.

Dưới đây là danh sách 10 họ thông dụng nhất trên thế giới:

1. Li hoặc Lee - Hơn 100 triệu người

Đây là tên họ khá phổ biến tại Trung Quốc, với khoảng 9% dân số có họ này. Còn tại Hàn Quốc, đây cũng là họ phổ biến thứ 2 (sau họ Kim), phiên âm theo tiếng Latinh là Lee. Tại Việt Nam, họ Lý này cũng khá thông dụng. Cũng vì thế, Li trở thành họ phổ biến nhất trên thế giới.

2. Zhang - Khoảng 100 triệu người

Sách Kỷ lục Guinness thế giới xuất bản vào năm 1990 cũng ghi nhận đây là họ có nhiều người mang nhất trên thế giới. Đầu năm 2006, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng xếp hạng đây là họ thông dụng đứng thứ 3 tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Họ Zhang được sử dụng từ cách đây trên 4.000 năm.

3. Wang - Hơn 93 triệu người

Wang cũng là một họ phổ biến nhất tại Trung Quốc, với gần 93 triệu người. Dịch sang tiếng Anh, thì Wang có nghĩa đen là "Vua" hoặc "Vương". Họ này cũng có mặt tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam (gọi là họ Vương).

4. Nguyễn - Hơn 36 triệu người

Nguyễn là tên họ phổ biến nhất tại Việt Nam, khoảng 40% dân số có họ này. Làn sóng di cư đã đưa họ Nguyễn đến Australia và trở thành họ phổ biến thứ 7 tại quốc gia này, tại Pháp là vị trí thứ 54 và tại Mỹ là vị trí thứ 57.

5- García - Hơn 10 triệu người

García là một họ phổ biến tại khu vực châu Mỹ, Philippines và Tây Ban Nha. Có một vài giả thiết về nguồn gốc của họ này nhưng có thể nó bắt nguồn từ xứ Basque của Tây Ban Nha. Từ này có nghĩa là "trẻ". Đây là họ phổ biến nhất tại Tây Ban Nha, với 3,32% dân mang họ này và cũng là họ phổ biến thứ 2 tại Cuba. 4,1 triệu người Mexico cũng có họ Garcia.

6. González - Hơn 10 triệu người

Đây là một họ có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và cũng là họ phổ biến thứ 2 tại quốc gia này (chỉ sau Garcia). Tại các nước châu Mỹ Latinh khác như Chile, Argentina, Venezuela và Paraguay, González là họ phổ biến nhất. Tại Mỹ, họ này cũng đứng vị trí thứ 23 trong số những họ thông dụng nhất.

7. Hernández - Hơn 8 triệu người

Có từ thế kỷ 15, Hernández là họ phổ biến tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nó có nghĩa là "con trai của Hernán" hoặc đôi khi là "con trai của du khách". Họ này cũng phổ biến tại Mỹ, Mexico, Chile, Cuba, Argentina...

8. Smith - Hơn 4 triệu người

Họ này có nguồn gốc từ Anh và cũng là họ phổ biến nhất tại quốc gia này cũng như tại Australia và Mỹ. Tại Canada, đây cũng là họ thông dụng thứ hai và tại Ireland thì đứng thứ 5. Họ Smith đặc biệt phổ biến trong số những người gốc Anh và Ireland và cũng là họ phổ biến của những người Mỹ gốc Phi. Ít nhất 3 triệu người Mỹ mang họ này.

9. Smirnov - Hơn 2,5 triệu người

Theo điều tra dân số năm 2002 tại Nga thì Smirnov (con trai) hoặc Smirnova (con gái) là họ phổ biến tại đất nước này. Biến thể phiên âm của họ này là: Smirnoff hoặc Smyrnov.

10. Müller - Hơn một triệu người

Trong tiếng Đức, Müller nghĩa là "thợ xay". Đây là họ phổ biến nhất tại Đức và Thụy Điển, phổ biến thứ 5 tại Áo... Biến thể của nó có thể là "Miller", chủ yếu ở miền nam nước Đức, Áo và Thụy Điển và "Möller" tại miền bắc và trung nước Đức và Phần Lan.
Phương Trang

11 thg 3, 2012

Lòng dũng cảm


Tên: Phạm Trần Yến Vy                  lớp : 10a8
Đề : Suy nghĩ của anh chị về lòng dũng cảm

Bài làm
             W. Gơt đã từng nói: “ Nếu như có một cái gì đó mạnh hơn số phận thì đó là lòng dũng cảm, không gì lay chuyển  nổi để chịu đựng nó”. Đúng vậy, muốn vượt qua số phận, muốn đạt được ước mơ, muốn đạt đến lí tưởng sống cao đẹp của bản thân thì con người phải có lòng dũng cảm. Như vậy, dũng cảm là một đức tính quý giá, được đề cao từ xưa đến nay.
            Vậy chúng ta hiểu dũng cảm là gì? Dũng cảm là dám đối mặt với sự thật dù nó có khó khăn và rất gian nan, là không trốn tránh, là tinh thần luôn lạc quan để vượt qua bao sóng gió của cuộc sống, là làm những việc mà người khác không dám làm, là dám đương đầu với những khó khắn thử thách của bản thân, dám đối diện với chính mình. Nói tóm lại, lòng dũng cảm là một đức tính vô cùng cần thiết đối với mỗi con người.
            Tại sao phải cần có lòng dũng cảm? Lòng dũng cảm là một đức tính tốt, thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin của con người trong cuộc sống. Lòng dũng cảm giúp ta có sức mạnh vượt qua những khó khăn, thử thách. Lòng dũng cảm giúp ta bảo vệ người khác, xả thân vì người khác. Trong chiến tranh lòng dũng cảm biến thành sức mạnh để mỗi con người sẵn sàng hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước có thiên tai, lòng dũng cảm giúp ta đương đầu với những tai ương đó. Lòng dũng cảm còn giúp con người chiến thắng được chính mình trước những cám dỗ, cạm bẫy của cuộc đời. Từ xưa đến nay, biết bao người đã trở thành tấm gương về lòng dũng cảm, như chị Võ Thị Sáu đứng trước họng súng quân địch mà vẫn cất cao tiếng hát. Chú bé loắt choắt chạy như bay dưới làn đạn quân thù để đưa thư cho kháng chiến. Tiếp nối lòng dũng cảm của cha ông, hiện nay cũng có không ít những anh hùng về lòng dũng cảm, như cậu bé Truyền ở Đà Nẵng đã tham gia cứu sống mười một người bị đắm thuyền trên biền. Cậu bạn Nguyễn Văn Hà đã hi sinh thân mình cứu bạn. Biết bao tấm gương đạo đức về lòng dũng cảm ấy đã góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp.  Vậy, dũng cảm là một đức tính rất quan trọng.
            Bên cạnh những tấm gương sáng về lòng dũng cảm thì còn đâu đó không ít những con người hèn nhát, không dám đương đầu với thử thách, không dám vượt qua chính mình, thấy gian khổ thì chùng bước, thấy nguy hiểm thì không dám hành động .Những con người đó sẽ không gây được thiện cảm với người khác, không có được thành công, thậm chí là bị mọi người khinh rẻ. Dũng cảm xuất phát từ tấm lòng của bản thân, muốn thực hiện điều tốt chứ không phải tỏ ra dũng cảm để thể hiện mình và cũng không phải hành động một cách dại dột, thiếu suy nghĩ để chứng tỏ mình là người có lòng dũng cảm. Vì thế nên có lòng dũng cảm và biết thực hiện những hành động thễ hiện lòng dũng cảm một cách đúng đắn.
            Là thanh niên thế hệ ngày nay, chúng em sẽ rèn luyện cho mình lòng dũng cảm để vượt qua những thử thách trong học tập và trong cuộc sống, tránh sa vào tệ nạn xã hội, có lòng dũng cảm để sẵn sàng xả thân giúp đỡ người khác, tạo nên mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Lòng dũng cảm phải được mỗi chúng ta rèn luyện ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
            Dũng cảm là một đức tính vô cùng cần thiết trong cuộc sống, vì vậy chúng ta cần rèn luyện lòng dũng cảm để trở thành một người công dân có ích cho đất nước, đống thời xây dựng một cuộc sống, xã hội ngày càng tươi đẹp.