22 thg 3, 2012

Tuyển sinh ĐH: 2012

Nắm rõ học phí để khỏi bất ngờ
TT - Học phí của các trường đại học, cao đẳng hiện nay chênh lệch rất lớn, từ 4-5 triệu đến cả trăm triệu đồng/năm tùy trường. Thí sinh cần nắm rõ những thông tin này để khỏi bất ngờ khi trúng tuyển vào trường.
Thời điểm này, các trường THPT đã triển khai các thông tin tuyển sinh đến học sinh. Trong ảnh: cô Nguyễn Thị Chiên, cán bộ phòng học vụ Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM, hướng dẫn học sinh cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi sáng 21-3-2012 - Ảnh: Như Hùng
Theo quy định, các trường ngoài công lập được phép tự quyết định mức học phí nhưng phải thông báo mức thu cho từng năm hoặc cả khóa và phải công khai tài chính trên website. Trong khi các trường công lập thu học phí theo khung học phí đối với giáo dục đào tạo trình độ ĐH nhưng không phải công khai mức học phí.
Trường công thu phí cao
Học phí trường công thu theo nhóm ngành
Mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ năm học 2012-2013. Cụ thể: khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản (nhóm 1): 4,2 triệu đồng/năm; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch (nhóm 2): 4,8 triệu đồng/năm; y dược (nhóm 3) 5,7 triệu đồng/năm. Mức trần học phí sẽ tăng từng năm đến năm học 2014-2015. Theo đó: các ngành thuộc nhóm 1 tăng thêm 650.000 đồng/năm, nhóm 2 tăng 850.000 đồng/năm và nhóm 3 tăng 1,15 triệu đồng/năm.
Trong khối các trường ĐH công lập còn có loại hình trường công tự chủ tài chính. Đây là những trường không được Nhà nước hỗ trợ về tài chính như các trường ĐH công lập khác. Vì thế, theo lãnh đạo các trường này, khoản thu học phí trường dùng để chi trả thù lao giảng dạy, quản lý hành chính, mua sắm vật tư thiết bị, máy móc thực hành... Từ các khoản này trường cân đối thu chi để đưa ra mức học phí khóa mới.
Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có học phí nhỉnh hơn hầu hết các trường công lập khác với học phí bậc ĐH, CĐ là 6 triệu đồng cho học kỳ I (tạm thu). Theo đại diện phòng tài chính nhà trường, học phí cả bậc ĐH, CĐ là 220.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và thực hành là 370.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí cao nhất 8,8-10,5 triệu đồng/năm (tùy ngành).
Cũng là trường tự chủ tài chính, Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM có mức thu học phí thấp hơn, bậc ĐH 3 triệu đồng/học kỳ (mức đóng cả năm 5,5 triệu đồng/sinh viên), bậc CĐ 3 triệu đồng/học kỳ (mức đóng cả năm 5 triệu đồng/sinh viên). Tương tự, Trường ĐH Mở TP.HCM thu học phí học kỳ I năm học 2011-2012 ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng 3.840.000 đồng/năm học.
Ngoài ra, sinh viên một số trường phải nộp nhiều khoản thu lẽ ra đã nằm trong học phí. Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thu học phí học kỳ I là 2.275.000 đồng (tức 455.000 đồng/tháng). Riêng mức học phí theo tín chỉ bậc ĐH 170.000 đồng/tín chỉ lý thuyết, 220.000 đồng/tín chỉ thực hành. Học phí này không bao gồm học phí môn giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất. Ngoài học phí, sinh viên trường này phải đóng thêm “phí cơ sở vật chất” 975.000 đồng/học kỳ và nhiều loại lệ phí khác như: thư viện 100.000 đồng/năm; bảo hiểm (y tế, tai nạn) 225.000 đồng/năm; đồng phục các loại giá hàng trăm ngàn đồng...
Trường CĐ Công thương TP.HCM dù đã tạm thu học phí lên đến 2.080.000 đồng/học kỳ, còn thu thêm “phí thư viện, vật tư phục vụ các đợt thi trong năm học” 250.000 đồng. Tân sinh viên Trường ĐH Thủy lợi phải đóng “kinh phí cược giáo trình” 100.000 đồng. Tại Trường ĐH Dầu khí VN, ngoài học phí chính khóa tân sinh viên phải đóng học phí tiếng Anh tăng cường 2.451.000 đồng.
Bên cạnh đó, một số trường công lập đào tạo chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế... có mức học phí khá cao. Tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) sinh viên học chương trình do nhà trường cấp bằng học phí khoảng 39 triệu đồng/năm; các chương trình liên kết học phí giai đoạn 1 tại VN khoảng 54 triệu đồng/năm. Học phí các chương trình tiên tiến của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM khoảng 20 triệu đồng/năm.
Ba nhóm ngoài công lập
Theo quy định, các trường ĐH ngoài công lập tự cân đối thu - chi. Bên cạnh đó, mỗi trường cũng có tiêu chí đầu tư khác nhau. Vì vậy, hiện mức học phí ở mỗi trường mỗi khác. Nhìn chung, học phí của các trường ĐH ngoài công lập ở cả phía Bắc và phía Nam đều được chia thành ba nhóm.
Trong đó, các trường đóng tại các địa phương có mức học phí “mềm” hơn trường ở TP.HCM. Mức học phí của nhóm trường này từ 6-9,5 triệu đồng/năm (tùy từng ngành học và từng trường). Riêng Trường ĐH Tân Tạo (Long An) có mức học phí lên đến 3.000 USD/năm.
Các trường ĐH ngoài công lập ở TP.HCM, Hà Nội có học phí cao hơn. Chẳng hạn Trường ĐH Văn Lang có mức học phí 10-14 triệu đồng/năm, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM 13-16 triệu đồng/năm (được xác định theo tổng số tín chỉ sinh viên đăng ký trong mỗi học kỳ), Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM khoảng 12-15 triệu đồng/năm. Trường ĐH Hồng Bàng thu học phí bậc ĐH trung bình 12.980.000 đồng/năm, riêng các ngành: kiến trúc, điều dưỡng, kỹ thuật y học: 15.980.000 đồng/năm; bậc CĐ 11.780.000 đồng/năm...
Bên cạnh đó, một số trường ngoài công lập có cách tổ chức đào tạo riêng lại có mức học phí “khủng” như học phí bậc ĐH của Trường ĐH Hoa Sen khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nếu chọn chương trình học bằng tiếng Anh 4,3 triệu đồng/tháng; chương trình chính quy hợp tác quốc tế 4,9-5,8 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM thu 2.410.000 đồng/tín chỉ; học phí học tiếng Anh 8.780.000 đồng/cấp độ. Như vậy tổng cộng học phí một sinh viên của trường này lên đến 70-90 triệu đồng/năm. Trường ĐH FPT học phí 23,1 triệu đồng/học kỳ (9 học kỳ/khóa).
Bên cạnh đó, sinh viên trường này còn phải đóng học phí chương trình dự bị tiếng Anh dành cho sinh viên chưa đủ trình độ tiếng Anh tương đương với chuẩn TOEFL PBT 550, TOEFL iBT 80 hay IELTS 6.0 với mức 9,24 triệu đồng/mức (tối đa năm mức). Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (Bình Dương) thu 15-30 triệu đồng/năm. Học phí bậc ĐH của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn 42-49 triệu đồng/ năm (chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt) và 109 - 120 triệu đồng/ năm (dạy bằng tiếng Anh)...
Trường ngoài công lập phải công khai mức học phí
Ngày 21-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga có văn bản yêu cầu các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải thông báo về mức học phí của từng ngành trên website của trường. Hiện nay, trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 do NXB Giáo Dục phát hành, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập không thông tin mức học phí. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ công bố công khai các thông tin về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy trên website của nhà trường, đảm bảo thống nhất với các thông tin đã đăng tải trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 do NXB Giáo Dục biên soạn và phát hành.
Trước đó, trong bản điện tử được công bố trên website của Bộ GD-ĐT, cuốn Những điều cần biết... có nhiều thông tin không thống nhất với thông tin tuyển sinh của các trường. Chẳng hạn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có quyết định tuyển chín ngành bậc ĐH nhưng trong cuốn Những điều cần biết... chỉ có bốn ngành. Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM tuyển sinh 10 ngành ĐH nhưng trong bản thông tin của bộ lại không có ngành nào bậc ĐH. Hơn nữa, trường tổ chức thi tuyển bậc ĐH nhưng lại nằm trong danh sách các trường không tổ chức thi tuyển...
M.G.
TRẦN HUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét