22 thg 9, 2013

Xúc động hai bài văn điểm 10 viết về mẹ

Những bài văn được viết bằng tình cảm chân thành, trong sáng của tuổi học trò luôn gây ấn tượng mạnh với người đọc.
Cộng đồng mạng đang chuyền tay nhau 2 bài văn đạt điểm 10 của hai học sinh viết về mẹ gây xúc động. Cùng chung một đề bài Hãy tả lại một người thân trong gia đình, cả hai bài văn đều không hẹn mà gặp khi cùng viết về người mẹ của mình với sự trân trọng và nâng niu nhất.
Bài văn của bạn Nguyễn Thị Kiều Vân (1998), học sinh lớp 8 được viết khi bạn này dự thi môn Ngữ Văn vào năm 2010 với điểm 10 tròn trĩnh cùng lời nhận xét: “Bài viết quá xúc động, cảm ơn con”. Kiều Vân khắc về hình ảnh người mẹ đã mất từ khi nhân vật lên 9 tuổi. Một người mẹ tảo tần, luôn yêu thương, chăm sóc đứa con bé bỏng của mình luôn đi theo suốt những năm tháng cuộc đời. “Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời”…là tấm gương để đứa con học tập, để rồi tự hứa với mẹ rằng “Con nhớ me nhiều lắm, nhất định con sẽ làm theo những gì mẹ dạy…Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi”.
hinh2-180905-1372463762_500x0.jpg
Bài văn của bạn Phạm Thị Thu Hà.
Bài viết được triển khai theo lối hành văn hiện tại đen xen với ký ức với giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm dễ đi sâu vào lòng người. Hình ảnh người mẹ hiện lên thật giản gị nhưng rất giàu hình tượng. Người đọc không khỏi xúc động trước tình cảm mà đứa con dành cho người mẹ thân yêu đã khuất của mình. Sự nhận thức đúng đắn trong từng lời văn khiến người đọc càng bị thuyết phục hơn.
Bài văn thứ hai của một bạn học sinh lớp 6, Phạm Thị Thu Hà thể hiện trên hơn 2 trang giấy kẻ ô ly với lời nhận xét “Bài viết có cảm xúc, rất tốt". Thu Hà cũng chọn nhân vật người mẹ để thể hiện nhưng bài viết lại là một câu chuyện khác cũng cảm động không kém.
May mắn hơn bạn Kiều Vân, Thu Hà vẫn còn mẹ ở bên chăm sóc, vỗ về. Hình ảnh một người mẹ tảo tần, chăm lo cho cuộc sống gia đình được ấm no hạnh phúc được “lột tả” chân thực dưới ngòi bút của một học sinh lớp 6. “Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ”. Lời hứa của Thu Hà cũng là mong ước của rất nhiều đứa con khác muốn nhắn nhủ đến người mẹ thân yêu của mình.
Sau khi được “khai quật” hai bài văn này nhanh chóng chiếm được cảm tình của rất nhiều người đọc. Hoàng Quân chia sẻ: “Thật cảm động biết bao trước những bài văn chân tình và giàu tính hình tượng như thế này. Tình cảm mà các em đặt vào bài viết thật sự khiến người đọc phải rưng rưng. Không biết nhân vật các em viết có thật sự là mẹ của mình hay không, nhưng anh tìm được bóng dáng mẹ mình ở trong từng câu văn ấy. Cảm ơn hai em rất nhiều”.
Thu Sương cũng không giấu được niềm xúc động: “Đọc hai bài văn này lòng lại nhớ mẹ đến khuôn nguôi. Có lẽ đề tài về mẹ luôn là nguồn cảm xúc dạt dào nhất để viết nên những bài văn hay, những bài thơ ý nghĩa. Những bài văn này thật sự đã khiến cho những người như mình phải một lần nữa rơi lệ”.
Dù được chấm với điểm 10 tròn trĩnh nhưng nhiều độc giả vẫn tỏ ra thắc mắc tại sao lại chấm bằng bút đen mà không phải bút đỏ thường thấy. Đó là chưa kể đến lời phê còn khá nguệch ngoạc không giống của một giáo viên. Tuy nhiên, những bài văn này vẫn được người đọc cho điểm 10 bởi sự chân thành và đầy cảm xúc trong đó.
Trước đó, dân mạng cũng từng rưng rưng trước bài văn về mẹ của bạn Trần Thị Sương, lớp 10 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Quí Đôn (Đà Nẵng), Tăng Văn Bình, thủ khoa 30/30 ĐH Ngoại thương hay gần đây nhất là bài viết Giá trị đồng tiềncủa bạn Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý trường THPT Hà Nội –Amsterdam.

Mẹ...

Bài văn của bạn Phạm Thị Thu Hà

‘Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ’.
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”
Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chọt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là nguời như vậy đó.
Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ.
Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Đúng vậy! Nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lốn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao sậm, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều.
Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà... thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.
Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua.
Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì ai cũng kêu mẹ đi.
Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ.
“Mẹ như biển cả mênh mông
Con luôn ghi nhớ công ơn của người”.
Phạm Thị Thu Hà

8 thg 9, 2013

Có một khoảng trống trong việc dạy trẻ...

06/09/2013 09:55 (GMT + 7)

TT - Nhân dịp khai giảng năm học 2013-2014, PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - đã có lá thư gửi cha mẹ học sinh của trường với lời chia sẻ giản dị, cảm động nhưng sâu sắc.
Các học sinh Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM tại lễ khai giảng sáng 5-9  - Ảnh: Minh Đức
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Văn Như Cương cho biết:
PGS Văn Như Cương -  Ảnh: V.Hà
- Những gì tôi bày tỏ trong thư đều xuất phát từ những điều tôi đã quan sát từ cuộc sống xung quanh mình, từ cách ứng xử với trẻ con của nhiều bậc cha mẹ. Ở nhà, cha mẹ chỉ cần con học thật nhiều, thật tốt và thi đỗ đại học. Coi đó là ưu tiên số 1 và vì sự ưu tiên đó, có thể hi sinh những cái khác. Ở trường, thầy cô cũng chỉ lo nhồi nhét kiến thức, dạy thêm kiến thức cho học sinh đi thi... Thế nên có một khoảng trống lớn trong việc dạy trẻ những điều nhỏ nhặt song lại vô cùng cần thiết mà thiếu nó trẻ khó có thể nên người.
* Việc giáo dục lớp trẻ hiện nay có vấn đề xuất phát từ phía gia đình, các bậc cha mẹ, vậy còn nhà trường, theo thầy, nhà trường có “góp phần” vào việc này không, và bây giờ cần phải làm gì để thay đổi cách dạy học sinh?
- Đương nhiên, nhà trường cũng phải có trách nhiệm trong việc này. Trường học không chỉ là nơi dạy chữ, càng không phải là nơi cung cấp kiến thức cho học sinh để đỗ đạt, quan trọng hơn phải là nơi hỗ trợ các bậc cha mẹ dạy trẻ những kỹ năng, ứng xử cần có trước khi bước vào đời. Ở Trường Lương Thế Vinh, từ lâu rồi tôi áp dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh theo hướng “phạt phải lao động”. Ví dụ đi muộn, thay vì ngồi chờ hết tiết để vào lớp, học sinh sẽ phải ra sân trường quét rác, lau cửa kính, bàn ghế...
Chính từ những lần “phạt quét sân trường” mà tôi phát hiện nhiều học sinh không biết quét thế nào cho đúng. Tôi cũng áp dụng nhiều phép thử đối với học sinh. Ví dụ có lần tôi để một vỏ chai nước ở nơi có nhiều học sinh qua lại. Tôi xem các em làm gì với cái chai đó. Có em đi qua không để ý, có em đá cái chai, chuyền cho nhau như đá bóng. Không em nào nghĩ tới việc cho vỏ chai vào thùng rác. Từ quan sát đó, tôi yêu cầu giáo viên lưu ý nhắc nhở học sinh. Những việc nhỏ đó nhắc một lần chưa được, nhiều lần sẽ hình thành thói quen.
* Trong thư, dù không trực tiếp đề cập nhưng khiến người đọc hình dung thấp thoáng những bất cập của giáo dục hiện nay khi người lớn chỉ tập trung vào việc bắt con trẻ học và học. Điều đó vô hình trung khiến học vừa là yếu tố để ưu tiên, vừa là áp lực đè nặng lên học sinh. Có phải đây cũng là điều thầy nghĩ đến khi viết lá thư?
- Đúng thế đấy. Một nền giáo dục ứng thí trong đó cha mẹ, thầy cô, các nhà trường đều muốn nhồi nhét nhiều kiến thức nhất cho học sinh để có tỉ lệ đỗ cao nhất, kết quả tốt nhất. Chính suy nghĩ này khiến nhiều bậc phụ huynh dồn ép con học thêm khắp nơi. Chỉ cần học là đủ, mọi vấn đề bất ổn khác đều có thể châm chước, nâng đỡ, làm thay trẻ. Và đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, các thầy cô, nhà trường chỉ tập trung lo chuyện học và thi.
* Trong thư, thầy cam kết học sinh Trường Lương Thế Vinh không cần học thêm. Nhưng hiện nay có nhiều thầy cô cho rằng không dạy thêm thì không hết kiến thức vì chương trình quá tải. Còn nhiều phụ huynh lo không học thêm thì không thi đỗ?
- Tôi chỉ dám khẳng định trong phạm vi trường Lương Thế Vinh thôi. Đúng là chương trình hiện nay có những bất cập, quá tải. Nhưng nếu hiệu trưởng nhà trường kiên quyết, nếu làm tốt việc sắp xếp, bố trí chương trình hợp lý, thầy cô giáo làm hết trách nhiệm, đúng quy định về chuyên môn, học sinh đảm bảo yêu cầu trong giờ học chính khóa và tự học thì không cần đi học thêm. Dĩ nhiên tôi không ra lệnh cấm học sinh học thêm bên ngoài nhà trường, cũng không thể cấm được giáo viên của tôi đi dạy thêm bên ngoài. Nhưng trong phạm vi nhà trường, tôi yêu cầu thầy và trò làm đúng yêu cầu, nhiệm vụ. Và tôi có thể khẳng định với các bậc cha mẹ, học sinh không cần học thêm ở đâu nữa, các em vẫn có đủ kiến thức, kỹ năng vượt qua các kỳ thi.
VĨNH HÀ thực hiện
“Con cái luôn được voi đòi tiên”
1 Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ..., họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn buồn bực vì con, chì chiết, thậm chí mạt sát con, xem con là thứ vất đi, khó dạy khó bảo rồi chẳng làm nên cơm cháo gì...
Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của con.
Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta.
2 Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con. Hãy nhớ rằng con chúng ta luôn luôn “được voi đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục nên có thể thừa tiền vẫn không cho. Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ. Trước hết con phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành.
Đối với con, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.
3 Xin các vị đừng thương con đến mức không để con đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”. Con muốn giúp mẹ làm bếp thì “thôi con học bài đi, mẹ làm tí xong ngay”, ăn cơm xong thì “con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho”.
Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tưới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa... Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi khinh những người lao động. Là một thầy giáo lâu năm, tôi xin rút ra một nhận định: không có lao động không có sáng tạo. Một người lười lao động chắc chắn không làm việc gì thành công.
Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy, một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm... chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kỵ, sự vô cảm, sự thù hận... và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp, cao thượng hẳn lên.
5 Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với thế giới thật xung quanh mình, đang diễn ra hằng ngày..., để con đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để con nói chuyện, trao đổi, tâm sự... nhiều hơn với người thân trong gia đình, chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Trong tình hình hiện nay, các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta... Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thế giới ảo.
Về việc học tập của con em, Trường Lương Thế Vinh chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Nhà trường bố trí và sắp xếp kế hoạch thực hiện chương trình đủ để học sinh không phải học thêm. Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi... Học sinh Trường Lương Thế Vinh được tuyển chọn một cách chu đáo, các em đều có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi hoặc khá. Học sinh như vậy, với đội ngũ thầy giáo có kinh nghiệm và với chương trình sắp xếp hợp lý... chúng tôi tin rằng việc học thêm là không cần thiết.
PGS VĂN NHƯ CƯƠNG (Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội)