2 thg 11, 2013

Xếp hàng và lòng tin vào sự công bằng

'Người Việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự công bằng'

http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/xa-hoi/nguoi-viet-khong-xep-hang-vi-da-mat-niem-tin-vao-su-cong-bang-2904570.html

Ra nước ngoài, người Việt vẫn xếp hàng rất lịch sự, nhưng về nước họ sợ những người 'đi đêm', tham nhũng, 'con ông cháu cha', các loại 'cò' quen biết... giành mất phần của mình.

Người Nhật xếp hàng trong các điểm dịch vụ công cộng là điều cả thế giới nhìn nhận là một nét văn hóa đặc biệt không phải đâu cũng có. Nhất là sau vụ thảm họa kép năm ngoái, toàn thế giới không chỉ được nghe đồn đại, hay đọc đâu đó mà được chứng kiến thực tế và mọi dân tộc khác đều phải ghen tị với việc xếp hàng này.
Trong cuộc sống hàng ngày, tại các bến xe lửa, trước cửa toa tàu là hai hàng người đứng hai bên cho người trên tàu xuống và lần lượt lên. Nếu không hết, người còn lại kiên nhẫn chờ chuyến tới và họ không chen lấn hay phàn nàn điều gì.
So với người Nhật, tại sao chúng ta ít xếp hàng? Hay nói cách khác, người Việt chúng ta có xếp hàng không? Và có được như người Nhật không?
Tôi sinh ra khi chiến tranh gần kết thúc và lớn lên trong giai đoạn bao cấp, giao thời mở cửa rồi đến kinh tế thị trường hiện nay. Tôi còn nhớ câu chuyện vui về xếp hàng phát chẩn (cho tiền, gạo những người bị tai nạn) thời xưa: “Số tôi thật không may, hôm trước đi nhận phát chẩn đứng cuối hàng nên khi đến lượt thì hết. Hôm qua đi sớm, họ lại phát từ cuối hàng lên và đến nơi cũng hết. Hôm nay, tôi cố gắng đứng giữa hàng, khổ nổi, họ phát từ hai đầu lại và… cũng hết khi đến lượt tôi”.
Trong thời bao cấp, dù muốn hay không mọi người đều phải xếp hàng, tuy nhiên việc xếp hàng dần dần có tiêu cực trong đó, có sự xí chỗ, có sự bán chỗ đã “xếp gạch” và điển hình hơn những người nhà, thân quen sếp sẽ có được các cách lấy hàng mà không phải xếp hàng.
Thời gian đó, ở các bến tàu, bến xe, việc có được một vé đi xe khách trước đây rất vất vả, phải xếp hàng từ rất sớm trước khi xe chạy cả ngày. Nhưng người có mối quan hệ, quen biết sếp… sẽ bỗng nhiên chen ngang và lấy hết suất vé, đành quay về chờ chuyến khác và mọi người đều phải sống chung với chuyện đó.
Việc này tồn tại đến tận bây giờ. Các loại vé xe, vé tàu, vé thể thao, vé sự kiện nghệ thuật… đều có sự chen ngang. Hay gần đây, chúng ta biết nhiều việc xếp hàng xin cho con đi học từ mẫu giáo, cấp một mà báo chí nhiều lần thông tin. Trong làm ăn kinh tế, nếu xếp hàng chờ đến lượt để có dự án, chắc mọi người sẽ phì cười vì phi thực tế hiện nay.
Tôi không ví dụ thêm nữa, chắc các bạn cũng hiểu trước nay, xưa kia và hiện tại thì người Việt Nam đều xếp hàng, chen ngang và mất chỗ diễn ra khắp nơi, mọi lĩnh vực, mọi hình thái, trong cả giáo dục, nghiên cứu khoa học đến nông dân bán hàng hóa…       
1-85-7602-1382928617.jpg
Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để giành ăn sushi miễn phí tại Hà Nội. Ảnh: Jenny
Vậy nó nói lên điều gì? Đó là lòng tin của việc xếp hàng. Tôi dẫn chứng không đi quá xa về quá khứ, nhưng có thể nói: trong mỗi con người Việt Nam, lòng tin đạt được từ xếp hàng quá thấp, không ít thì nhiều, nhiều người có kinh nghiệm trả giá từ xếp hàng, bị chen ngang. Chính điều này khiến họ phải chủ động tranh chỗ, chen lấn nhau trong xếp hàng?
Trong cơ quan, thay vì xếp hàng chờ đến lượt, nhiều người đã chủ động “chạy” trước để xen ngang, tác động quan hệ để đạt được cái mình mong muốn, từ tâm lý này, tạo niềm tin vào xếp hàng đi xuống.
Với người Nhật, họ tin tưởng, biết chắc chuyến tàu tiếp theo sẽ đến và họ sẽ lên được tàu. Tin tưởng chắc chắn phần họ mong đợi trong xếp hàng sẽ đến và họ yên tâm xếp hàng, mọi người đều đồng thuận trong văn hóa này.
Người Việt Nam khi ra nước ngoài, hầu hết cũng xếp hàng và theo trật tự của nước sở tại, nghĩa là họ cũng tin cậy và kiên nhẫn với hàng mình đợi. Người nước ngoài đến Việt Nam, cũng có nhiều người lái xe máy phóng vèo vèo, vượt đèn đỏ, xếp hàng cũng chen lấn, tại họ ư? Chắc chắn khó mà lý giải được!       
Như vậy, không phải ý thức của người dân Việt Nam chúng ta kém, không phải chúng ta không muốn xếp hàng, hay người Việt Nam chúng ta không kiên nhẫn. Chúng ta có thể thấy từ các hệ quả của xen ngang trong hàng đợi trong cuộc sống, từ các nhà quản lý “con ông cháu cha”… đã dẫn đến mất lòng tin để phải xếp hàng.
Bạn sẽ làm gì khi xếp hàng mà không tin là mình sẽ nhận được kết quả? Chen lấn, xô đẩy, đút lót, chạy chọt… làm sao cho mình đến được đích trước người khác. Và thế là chúng ta không xếp hàng được như người Nhật?
Đặng Vân Phúc
Chia sẻ bài viết về các vấn đề đời sống, xã hội của bạn tại đây.
Ý kiến bạn đọc (74)
Cám ơn anh đã nói đúng vấn đề ở VN hiện nay. Người Việt bây giờ ai cũng hiểu "xếp hàng" là sẽ ko đến lượt. Và còn thêm một lí do khác nữa, ai cũng sợ mình bị thiệt hơn nên ai cũng chen lên hòng lấy phần nhiều. Ra đường đợi cái đèn đỏ cũng sợ thiệt so với mấy người vượt lên, hoặc đứng hết sang phần làn người khác để mình nhanh hơn.

Sợ thiệt thòi, muốn phần hơn và ko tin tưởng vào công bằng. Có lẽ phải cả trăm năm nữa mới sửa được thói xấu này của người Việt  
Tuấn - 8 giờ trước
 
Bạn đã tìm ra bản chất vấn đề. Cơ chế không công bằng làm cho con người muốn chụp và gịật, chứ chụp giật không phải là bản tính của người Việt hay bất kỳ người nước nào.
Lê Quang - 8 giờ trước
Cảm ơn coment của Lê Quang !
@haianh.adv.tk2: Quá chuẩn ! Ngay cả mình khi gặp trường hợp như vậy chắc cũng chen lấn giành giật như họ, vì cuộc chơi này vốn không có tính công bằng. Còn khi gặp người nước ngoài thì mình cũng như họ, lịch sự nhã nhặn, vì mình biết chắc họ sẽ tôn trọng luật một cách công bằng.
Zenki - 5 giờ trước
 
Còn một thói xấu nữa là thói đổ tại hoàn cảnh,không chịu nhận là mình sai. Cá nhân tôi thấy bài viết này đặc trưng cho những người như thế.
tuantu - 6 giờ trước
 
đồng ý với tác giả
 
Công ty tôi có nhiều đợt phát hàng dùng thử, mọi khách hàng đều trật tự chờ đến phiên.Nói không xếp hàng vì sợ bất công là ngụy biện cho một hành vi vô văn hóa!!!
nguyễn - 8 giờ trước
Anh nguyễn ra đón xe bus mà xếp hàng thử coi, anh tới quán cơm bình dân xếp hàng thử coi, anh đi mấy chuyến xe khách mà đặt ghế số 1 thử coi được không, anh nộp đơn xin việc vô mấy cơ quan nhà nước mà xếp hàng thử coi...vv.....
noname - 7 giờ trước
bạn chưa bị nên mới nói thế.
NAT - 7 giờ trước
 
Không đồng ý với tác giả. Tôi làm ở 1 trường đại học với 2 cái thang máy khá chật hẹp. Mỗi lần thang máy tới là các bạn sinh viên chen chút tràn vào, không hề có khái niệm xếp hàng hay ai tới trước vào trước. Nhiều bạn còn ngang nhiên chen vào phía trên những người tới trước. Ở một môi trường có thể được coi là tri thức mà còn như vậy thì chuyện này đã thành bản chất rồi, không liên quan mấy tới sự công bằng  
khtn - 8 giờ trước
Mọi chuyện chỉ là tương đối, nhưng tác giả đã nêu bật được mảng lớn trong XH VN.
Le Hoang - 7 giờ trước
Ban chỉ nói 1 góc rất nhỏ mà bạn nhìn thây. Hoàn toàn đồng ý với tác giả
cuong222123 - 7 giờ trước
 

1 nhận xét:

  1. đúng nhất là câu Người Việt Nam khi ra nước ngoài, hầu hết cũng xếp hàng và theo trật tự của nước sở tại, nghĩa là họ cũng tin cậy và kiên nhẫn với hàng mình đợi. Người nước ngoài đến Việt Nam, cũng có nhiều người lái xe máy phóng vèo vèo, vượt đèn đỏ, xếp hàng cũng chen lấn, tại họ ư?. Có lẽ 1 phần là do môi trường xã hội tác động nữa.

    Trả lờiXóa