15 thg 12, 2014

Bài văn về Bạo lực gia đình 10 điểm


Bài văn điểm 10 độc đáo về nghịch cảnh trần gian

“Cô sẽ ghi vào nhật ký đời đi dạy của mình về bài viết này với thật nhiều cảm xúc. Cô cảm ơn em”.
Đó là lời chia sẻ rất tình cảm của cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Châu dành cho Nguyễn Thị Cúc - học sinh lớp 12/11 - trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng).
Bài viết được thực hiện bởi đề bài: “Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay”.

Bài văn điểm 10 khiến giáo viên nể phục

“Đây là lần đầu tôi chấm 10 điểm cho học sinh ở môn Văn. Tôi khâm phục em vì còn ít tuổi nhưng suy nghĩ chín chắn, sâu sắc thể hiện cả con người và cách sống đều rất đẹp".
Trong phần chấm điểm, cô Châu nhận xét: “Bài viết đáp ứng được yêu cầu của đề bài, giàu sự sáng tạo, có nhiều ý sâu sắc, thể hiện sự trưởng thành trong suy nghĩ và nhận thức xã hội. Còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả nhưng không nhiều".
Cô giáo Châu đã chấm điểm bài văn được chấm “9+1=10” bởi lý giải: “Bài viết còn mắc lỗi về chính tả nên tôi cho 9 điểm, nhưng lại cộng thêm 1 điểm về sự sáng tạo, độc đáo, mới lạ”. Được biết, đây cũng là điểm 10 đầu tiên cô Châu chấm trong suốt 15 năm dạy học.
Sau đây bài văn của học sinh Nguyễn Thị Cúc được cô giáo Nguyễn Thị Châu – giáo viên dạy Văn trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) chia sẻ với Zing.vn.
Bài văn của học sinh
Bài văn của học sinh Nguyễn Thị Cúc.

Bài Văn 0 điểm hút hàng trăm nghìn lượt like

Nhận được yêu cầu tưởng tượng cảnh trường sau 10 năm, một học sinh đã viết: “Cổng trường đổ sập, tất cả đổ sập vì bị sóng thần. Mọi thứ trở về cát bụi. Không còn gì tả!”.
"Sao anh lại đánh em thế này... đừng đánh em nữa anh ơi!"
Mới chiều hôm qua đây thôi, trên đường đi học về tôi gặp một cảnh tượng thật đau lòng, một người đàn ông đánh tới tấp vào mặt, lưng một người phụ nữ. Vừa cố chống chọi với cơn khát bạo hành của chồng, chị vừa khóc lóc van xin: "Sao anh lại đánh em thế này... đừng đánh em nữa anh ơi!". Tôi hơi sững người, nhưng cũng không lấy làm lạ vì đã từng chứng kiến cảnh như thế này nhiều lần. Ấy thế mà lâu nay tôi lại nghe người ta nói rằng: "Gia đình là nơi để yêu thương".
Đã trôi qua một khoảng thời gian khá dài tôi đã sống, đã làm, đã ra đi... và tìm tòi những minh chứng cho điều mình nghe thấy. Thế rồi, lại đắng lòng biết mấy, khi tôi chợt nhận ra thời gian càng quay nhanh thì tình người cũng dần tan biến. Cuộc sống vô tâm làm nguội lạnh tình cảm trong trái tim mỗi người. Xã hội đổi thay và lòng người cũng dần thay đổi, mọi tính toán thiệt hơn trong cuộc sống làm mất đi những vẻ đẹp tự nhiên vốn có, hạnh phúc thì ít nhưng đắng cay lại nhiều, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh vì cuộc sống gia đình không hòa thuận, thậm chí tan vỡ, và những hiểm nguy luôn rình rập... Tôi cười gượng: “Đấy! Một thảm họa hay nghịch cảnh trần gian?” Quá xót xa, tôi căm ghét và lên án những hành động tàn ác này - bạo lực gia đình.
Ở cõi vô thường này mấy ai còn lạ lẫm với khái niệm “bạo lực gia đình”, nó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong chính cuộc sống của mỗi người chúng ta. Bạo lực gia đình, một cụm từ ngắn gọn, chỉ cho những hành động độc ác, vô nhân tính, vô đạo đức, không còn nhân phẩm của một số người trong xã hội, hành vi đó xảy ra trong phạm vi gia đình, giữa các thành viên với nhau. Không những ở Việt Nam nói riêng mà nó bao gồm cả toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia thuộc Châu Phi. Hằng năm trên thế giới, số người chết và bị thương vì loại tệ nạn này không ngừng tăng lên. Thật đau đớn biết bao cho những điều chúng ta đã thấy. Và tôi nghĩ, có hay không? Ở đâu? Cho tôi xin hai chữ công bằng.
Gần đây, nổi cộm trên các sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng là các vụ thương tâm về bạo hành trẻ nhỏ khiến người xem không ngừng suy nghĩ. Cách đây vài ngày, dư luận người Việt không khỏi xôn xao và cảm thương cho cháu bé 15 tháng tuổi ở TP.HCM bị chính cha mẹ mình đánh chấn thương sọ não. Một sự thật ngỡ ngàng khiến người xem bất bình khi thủ phạm lại quá thản nhiên cho rằng đó là “chuyện bình thường”. Tôi như nghẹn ứ lồng ngực khi nghe người mẹ trả lời câu hỏi của phóng viên nhà báo: “Nó bị té xe mà!”. Một lời nói lạnh lùng tới tận xương tủy, tôi tê buốt thân mình, đấy cũng gọi là mẹ sao? - người mang nặng chín tháng mười ngày, tôi tự hỏi. Hình như là tôi đang khóc, nhưng nước mắt tôi không rơi... là vì tôi đang lo cho số phận, cho tương lai mịt mù của đứa trẻ này.
Cùng trên tuyến đường chạy dọc vào miền Nam yêu quý, quanh năm ruộng đất tốt tươi, cò bay thẳng cánh, vẫn còn hiện lên trên nét mặt của mỗi người dân Hậu Giang thôn quê nghèo một nỗi bang hoàng như cắn xé tâm can khi được ai đó hỏi về chuyện cậu học sinh cấp 1, N.V.T bị cha và mẹ kế đánh gãy xương sườn, nhốt vào chuồng chó 3 ngày không cho ăn. Nói đến đây tôi không còn kìm lòng mình được nữa, sự chua chát phủ lên trong từng hơi thở của mình. Tôi tự hỏi tại sao lại thế? Những người làm cha mẹ đó liệu họ có cảm thấy đớn đau khi hành hạ con cái mình không? Hay vì do em lỡ mang số kiếp con riêng để “đến đây” làm người?
Chuyện của những thiên thần nhỏ chỉ là một nốt trầm trong bản nhạc bạo lực bay bổng, còn những nốt cao luôn vút lên với biết bao bi kịch. Hạnh phúc gia đình vỡ tan, con cái gặp nhiều bất hạnh... Sinh ra với thân phận phụ nữ ai không mong gặp được người chồng yêu thương mình. Cảnh cuộc sống hạnh phúc viên mãn luôn là niềm ước ao của bao cô gái trẻ. Khi tình yêu thăng hoa, niềm vui ấy sẽ dần lớn theo năm tháng nhưng có ngờ đâu nó lại trở thành địa ngục. Tình yêu trên đời vốn là ích kỉ, nhưng sự độc đoán, cổ hủ lại khiến con người ta trở nên vô cảm, một khi sự ghen tuông nổi dậy thì tình yêu đẹp đó dù được xây dựng trong bao nhiêu năm cũng trôi vào tro bụi. Đấy là tình cảnh chung của bao chị em phụ nữ đang phải gánh chịu.
Chuyện chị H. ở Nghệ Tĩnh là một minh chứng nóng lên cho hành vi này. Vì quá ghen tuông theo kiểu mù quáng, người chồng hiền từ đức độ bao nhiêu năm chung sống đã không có cảm giác run sợ khi dùng dao xẻo thịt vợ. Một hành động man rợ đến kẻ điên cũng phải khiếp sợ. Tôi thường nghe mấy anh thi nhân vẫn hay ví von rằng “phụ nữ như đóa phù dung”. Nói đến phụ nữ ai cũng nghĩ ngay đến sự hiền lành, đức độ, mỏng manh và xinh đẹp, đòi hỏi ai có được cũng phải nâng niu và bảo trọng. Nhưng cuộc đời thì nào như tác phẩm văn học, còn lắm những đắng cay, tủi hờn mà biết bao “đóa phù dung” phải chịu.
Hôm qua tôi đọc báo, lang thang trên các dòng tin mạng, tôi thấy tái tê cõi lòng khi đọc tin một chị tên H. ở Nam Định bị chồng đánh đập, hành hạ dã man, dùng kim tiêm đâm vào vùng kín. Người đàn ông vũ phu ấy còn bắt vợ mình ăn phân lợn... bây giờ khuôn mặt chị đã biến dạng qua nhiều đòn tra tấn dã man của chồng. Trước cơ quan chức năng chị chỉ ngậm ngùi khóc trong đớn đau và tức tưởi: “Là vì con, nếu tôi ra đi con tôi ba đứa nheo nhóc làm sao qua cảnh cơ hàn...”. Lại thêm một mảnh đời bất hạnh. Cuộc sống nào cho chị hạnh phúc đây? Con đường nào sẽ mang lại tình yêu và tiếng cười cho chị và các con, vẫn là một ẩn số thật dài...
Tạm gác lại những câu chuyện bạo hành gia đình của nước mình, mới đây trên trang mạng xã hội Facebook có một người đàn ông nickname là Phi Nhi. Người đàn ông này đã đánh đập đứa con 2 tuổi rồi khoe trên trang cá nhân của mình. Sự hận thù người vợ lố lăng đã khiến ông trở nên tàn độc với mọi thứ, kể cả đứa con nhỏ bé. Ông đánh con mọi lúc, mọi nơi có thể. Nhìn cậu bé qua những bức hình với thân mình bầm tím, máu me đầy người... nhưng lại được chính bố mình đăng tải trên mạng mà lòng se xót.
Những vụ việc trên là minh chứng hết sức rõ ràng cho vấn nạn này, nó đem lại quá nhiều tác hại cho cuộc sống. Bạo lực gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của con người, gây hoang mang và sợ hãi, nghiêm trọng hơn nó có thể dẫn đến cái chết hoặc gây nhiều thương tích.
Bên cạnh đó nó còn gây tổn hại về mặt kinh tế. Nhiều người vẫn thắc mắc, đặt ra câu hỏi tại sao lại xảy ra điều đó, tôi cũng chưa hiểu hết được những lí do đó, vì nó có quá nhiều và mỗi bản thân chúng ta phải tự rút ra cho mình một nhận xét. Nhưng dù có bao rộng thế nào thì rồi nó cũng xoay trong vòng xoáy của tình yêu, lòng hận thù, sự khốn khó của cuộc sống. Bởi vậy xin những ai đang sống và đang mắc trong vũng bùn lầy tội lỗi thì hãy bước ra khỏi, hãy quay trở lại, hãy xóa hết những lỗi lầm. gạt bỏ hết những đớn đau, hãy sống vị tha bằng tình yêu thương cao cả để xây dựng một cuộc sống mới đầy niềm vui và tiếng cười hạnh phúc.
Trong thâm tâm mình, tôi rất phẫn nộ và muốn lên án vấn nạn bạo lực gia đình. Tôi muốn tìm lại hai tiếng công bằng cho cuộc sống của những người đang bị hành hạ, ngược đãi. Tôi muốn xã hội hãy bắt giữ hết những tên tội phạm này và xét xử thật nghiêm khắc. Tôi muốn mình được là một ai đó, đem tiếng nói sức tài bé mọn của mình để chung tay với cộng đồng ngăn chặn và xóa bỏ tệ nạn này trong cuộc sống. Và điều cuối cùng tôi mong muốn là dù cho những người phạm tội đó đã từng là ai, họ đã từng gây ra tội lỗi gì thì khi quay trở lại với cuộc sống xin mọi người hãy đón nhận, để họ được sống trong tình yêu thương, để hoàn lương làm một người tốt.
Qua mỗi câu chuyện là một bài học kinh nghiệm, là nỗi khát khao cầu mong sự bình yên trong cuộc sống. Qua đây, tôi được trải lòng mình sau những thực hư ẩn trong nhiều bài báo, những chuyện được nghe. Còn bạn thì sao? Bạn đã hiểu và rút ra bài học gì chưa? Tôi chợt nhận ra rằng, từ nay mình cần bỏ đi những thói hư ích kỉ, những hờn giận nhỏ nhen. Hãy yêu thương nhiều hơn nữa để cho cuộc sống lại có thêm một màu sắc mới của tình thương và tình người.
Khép lại nỗi đau còn hằn trên thân xác của những nạn nhân bạo lực gia đình, gạt đi những dĩ vãng ngập những màu buồn của sự sợ hãi. Xin hãy chung tay thắp lên những ngọn lửa tin yêu trong lòng mọi người, để mỗi ngày qua đi là mỗi ngày hoan hỉ trong niềm vui, hạnh phúc, và vấn nạn bạo lực gia đình mãi chỉ còn đọng lại với thời gian, để niềm vui trở về bên bàn cơm nhỏ, để tương lai rực sáng trong đôi mắt trẻ thơ và để đạo lí mà cha ông ta đã dạy mãi được lưu truyền".

18 thg 10, 2014

Giao tiếp

Đâu rồi tiếng dạ, thưa?

Thứ bảy, 18/10/2014 | 06:32 GMT+7
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dau-roi-tieng-da-thua-3094923.html
Về xứ Huế có hai câu thơ nổi tiếng: Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. Nhiều chàng trai xứ Bắc thú nhận, nghe con gái Huế, con gái Nam "dạ thưa" họ chết lịm vì thích.
Cái tiếng dạ, thưa ngọt ngào, ngoan ngoãn, tài tình vẽ nên cả một dáng con gái mềm mại, nhẹ nhàng, lễ độ, biết ăn biết ở, "hai thương ăn nói mặn mà có duyên", "bảy thương nết ở khôn ngoan" (Lý mười thương)...
Nhưng đâu phải chỉ trước mặt anh chàng ý trung nhân, người con gái mới cần dạ, thưa? Khi tôi còn nhỏ, ngay đi chợ cũng nói như vậy. Người bán hàng cỡ dì, hay chị, hay ngoại thì cứ vậy mà xưng hô: Dạ dì ơi mắc quá bớt cho con đi. Dạ em gởi tiền. Dạ con đi nghen. Dạ dì chờ con thối tiền. Dạ chờ em chút, em chạy qua đổi cái áo vừa size cho chị. Là ở chợ đó, ở cái nơi người ta tới chỉ để dùng tiền mua bán và phần đông người bán đều lam lũ, tảo tần, không có chi để mà cầu cạnh, vâng dạ lấy lòng. Ở chợ, mọi người dạ thưa với nhau không phân sang hèn, chỉ để tỏ lòng lễ độ.
Còn ở nhà, ở trường, ở ngoài đường, trong rạp xi nê, trong thư viện... dĩ nhiên, con nít không biết dạ thưa ấy à, nhỏ thì ăn đòn quắn đít, lớn thì lập tức nhận ngay cái trừng mắt, bắt sửa của cha mẹ.
Thành ra lớn lên chúng tôi vẫn dạ thưa với người khác và dạy trẻ em học tiếng dạ thưa làm đầu. Đó không phải đãi bôi mà là văn hóa giao tiếp tối thiểu, là sự tôn trọng bắt buộc trong bất cứ môi trường nào. Vậy nhưng tiếng xưng hô đó bây giờ hình như dần dần mất. Người ta nói năng với nhau chao chát, trống không, chỏng lỏn. Không ít lần tôi chứng kiến cảnh một phụ nữ ngồi trước nhà quẳng ra độc một tiếng "rau". Chị gánh rau tong tả chạy tới. Người phụ nữ nọ sùng sục bới lộn từ trên xuống dưới cả thúng rau xanh om chỉ để chọn ra một bó. Cô bán rau nhăn nhó nhưng chỉ dám nhẹ nhàng "Bá nhẹ tay giúp em, dập rau em không bán được, rau em mới hái bó nào cũng tươi hết". Chị kia bĩu dài cái môi: "Ối giời cái bọn nhà quê nhà mày bố ai mà tin được". Rồi vứt toẹt vài đồng tiền lẻ lên cái thúng, cầm bó rau đứng dậy.
Không chỉ với những người buôn gánh bán bưng lam lũ mà người ta nói năng cộc lốc, chỏng lỏn ở khắp mọi nơi. Vào tiệm mua hàng thì "Cái này bao tiền? (Bắc)" hoặc "Cái kia giá nhiêu? (Nam), "Lấy cái xanh mực ấy, ừ, không, cái bên cạnh", " Lấy cái này nhá, gói lại". Hất hàm, xỉa tiền, nghênh ngang đi ra, khinh người rất mực! Thậm chí trong gia đình vợ chồng cũng vậy bao nhiêu vâng ạ, dạ thưa, em ơi, anh hỡi... từng làm họ ngọt đến tận tim gan khi đang yêu nhau rụng đâu sạch bách.
Vài ngày nay trên mạng xã hội chia sẻ một video bé gái chỉ khoảng 6, 7 tuổi ngồi một mình trước mâm cơm, chân chống chân xếp, vừa bê chén lên húp thức ăn vừa trừng mắt "dạy dỗ" ông bố: "Này, đi chơi là phải đàng hoàng, không được đi rông, đi làm xong phải về nhà ngay. Con cấm chỉ bố không được tán gái". Cả tư thế, giọng điệu và biểu cảm gương mặt của bé đều khiến tôi rởn cả da gà. Ngạc nhiên là chính cha của cháu quay video đó, up lên trang cá nhân với lời bình có vẻ tự hào và nhận được hàng chục bình luận của bạn bè, người thân, của cả mẹ cháu bé. Tất cả đều vui vẻ hỉ hả khen cháu khôn ngoan quá. Một hai lời cảnh tỉnh bố mẹ cháu về cách giáo dục con lọt thỏm trong đám đông đó.
Tôi có một đồng nghiệp đồng thời là nhạc sĩ nổi tiếng, năm nay khoảng 60 tuổi. Khi nói chuyện điện thoại với vợ, ông luôn nhẹ nhàng mở đầu: "Anh đây". Và khi kết thúc: "Anh bỏ máy nha". Chỉ qua vài câu nói nhưng tôi thấy ông trân trọng mối quan hệ này, trân trọng người vợ của mình. Và dĩ nhiên, khi chuyện trò với ông không ai dám tỏ ra chỏng lỏn, vô lễ.
Cách đây vài năm dư luận rộ lên xung quanh mẩu quảng cáo trong đó cô gái nói chuyện với người lớn tuổi nhưng thiếu kính ngữ. Các nhà phê bình văn hóa phê phán ghê lắm. Trên diễn đàn các bà mẹ, họ cũng phê phán ghê lắm, thế rồi chính không ít người trong số họ vẫn cư xử với nhau như thế hằng ngày.
Có câu chuyện thần thoại nước ngoài kể về hai chị em nhà kia, người chị xinh đẹp, hiền hậu, hễ mở miệng nói thì một đóa hoa thơm hoặc viên ngọc rơi ra. Cô em độc ác nanh nọc, mỗi lần mở miệng cóc nhái rắn rết nhảy ra phun phèo phèo. Bạn muốn có hoa và ngọc xung quanh mình hay là rắn rết?
Hoàng Xuân
Ý kiến bạn đọc ()
Thời ấy nay còn đâu ?
Cám ơn tác giả bài viết rất hay !
Giới trẻ bây giờ khó dạy. Đi cùng cha mẹ gặp người khác cha mẹ chào con thì không. Cha mẹ nhắc hoài "chào bác, chào cô" đi con thì mới ậm ừ. Chẳng biết là do nó nhỏ nên ngại hay là khó dạy nữa -_-
maybach - 10:32 18/10
Tôi xin kể câu chuyện này ra mong các anh, chị suy nghĩ về cách ứng xử hiện nay của chúng ta. Tôi rất may là còn ông bà nội, mỗi lần có dịp nghỉ lễ là em ưu tiên dành thời gian về thăm ông bà, chính ông bà đã dạy cho tôi những cách ứng xử trong cuộc sống. Có lần ông kể câu chuyện vui nhưng rất thâm thúy: "Hình như ngày nay trong trường học không còn dạy đủ các thanh: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng nữa mà chỉ còn dạy dấu nặng không", nghe ông nói tới đây tôi thật sự chưa hiểu lắm về câu chuyện ông muốn nói, ông tiếp "bọn trẻ con ngày nay sao nói chuyện nó dùng dấu nặng không à", đến lúc này tôi mới hiểu bài học mà ông thường dạy và nhắc nhở con cháu về cách ứng xử, giao tiếp với mọi người xung quanh. Tôi rất tự hào vì còn ông để mỗi lần đi xa về tôi phải ghé thăm ông để ông còn chỉ dạy cho tôi nhiều điều hay trong cuộc sống. Trước đây tôi làm nhân viên trong cơ quan nhà nước, mỗi lần về thăm ông thường căn dặn tôi "Con làm việc phải thật sự "chí công vô tư", "chuyên chính vô sản", những câu này ông thường nói đi nói lại mỗi khi tôi về thăm nhưng tôi nghe không bao giờ là thừa. Vì cuộc sống mưu sinh, tôi không còn gắn bó với cơ quan nhà nước nữa mà ra ngoài làm tư nhân nhưng những bài học ông dạy vẫn còn nguyên giá trị. 
Tôi rất thích chủ đề , nội dung của bài viết này, đọc xong tôi như thấy mình trong bài viết. Tôi dù đã ở nước ngoài nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn giữ được nề nếp dạ thưa khi nói chuyện với bất cứ ai,qua đây sống thấy trẻ ...  
Phát triển nhưng không hẳn đã là Văn Minh lịch sự. Cần giáo dục nhiều về ý thức và đạo đức cho con trẻ, muốn vậy Bố Mẹ cần phải có ý thức và tự biết giáo dục mình thì mới được. (( Người tự biết giáo dục mình mới thực sự là người có giáo dục ))
Bạn nói rất phải! :)
phivantam - 22 giờ trước
Giờ mình đi chợ, cũng vẫn giữ thói quen dạ thưa như vậy; cô bán cua hay chọc mình "con làm cô thấy sướng quá, chứ có ai dạ thưa mấy bà chợ búa như cô; mơi mốt ghé cô nghe"
Đúng. Trong phim vietnam bây giờ tôi rất bất bình về ứng xử của các nhân vật trẻ, người sống ở đô thị văn minh, người vai nhỏ hơn thường nói "ừ" đối với người lớn, ngay cả với cha mẹ của mình, chỉ có tiếng dạ, thưa còn thấy ...  
Rất cảm ơn tác giả, đọc để tự răn mình, từ đó mới có thể răn con cái và những người xung quanh
M.Chau - 08:52 18/10
Bây giờ vẫn nghe "dạ, thưa " ở trong các công ty khi cấp dưới xưng hô với cấp trên chứ ngoài đường thì hiếm nghe lắm.
saigon84 - 20 giờ trước
Ước gì ai cũng đọc được những suy nghĩ của chị Hoàng Xuân chia sẻ .

19 thg 9, 2014

Suy ngẫm về học Toán và học Văn

Học sinh chuyên toán nói về học văn

20/09/2014 06:30 GMT+7
TT - Gửi mẹ của con. Mẹ ơi, con gái năm cuối cấp rồi, sắp phải bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. 


Nhưng đến giờ con gái vẫn không biết mình nên chọn, phải chọn, sẽ chọn con đường nào để đi. 
Mẹ biết không, con gái đã có gần ba năm học chuyên toán với bao kỷ niệm vui buồn, bao lần vấp ngã và trải nghiệm, để đến giờ đây con mới hiểu, giá như con từng chăm chỉ học văn hơn.
Ngày còn nhỏ con gái thích đọc văn, con gái thích lịch sử, con gái thích sự thơ mộng của văn, nét hào hùng từ trang sử. Còn ba mẹ thích những gì thuộc về tự nhiên, ba mẹ muốn con thật giỏi toán, lý, hóa...
Mẹ hay giải thích với con gái khi con giỏi các môn tự nhiên, đầu óc con sẽ ngày càng linh hoạt, sáng tạo, con sẽ ngày càng thông minh và có cơ hội tiến xa hơn trong cuộc sống.
Ba hay giải thích với con gái xã hội ta chú trọng những điều này, thứ con cần là học gì, làm gì đáp ứng cho xã hội chứ không phải là làm gì con thích, con muốn.
Rồi con gái chọn chuyên toán.
Con lạc lõng và bơ vơ giữa môi trường mà tất cả mọi người đều bất công với văn, với sử, với địa. Không chỉ là bạn bè mà cả thầy cô đều không có sự công bằng. Tất cả nói với con gái thứ chúng ta cần là giỏi, thật giỏi các môn tự nhiên vì sẽ quyết định tương lai ta.
Thỉnh thoảng con gái cãi nhau với bạn bè, mọi đứa bạn của con gái đều nói: “Thế tụi tao thi y dược, thi kinh tế; học văn, sử có mà chết đói à?”.
Con gái không nghĩ vậy. Con gái nghĩ không phải cứ học giỏi là sẽ thành công. Khi bạn phát minh, chế tạo một sản phẩm mới, bạn không biết cách thuyết trình, giảng giải cho mọi người hiểu, tất cả bạn có chỉ là mớ giấy vụn mà thôi.
Khi bạn không biết cách ăn nói, không biết cách cư xử, mọi người mặc kệ bạn học giỏi bao nhiêu, sự tôn trọng họ dành cho bạn là con số không.
Có thể con gái không thông minh, không giỏi tự nhiên như mọi người, nhưng chỉ cần có tâm hồn rộng mở, con gái sẽ được đón nhận thôi, phải không mẹ?
Môn văn không dạy con gái những công thức mà sau này lên đại học sẽ không ngó tới, ra trường không biết sử dụng được bao nhiêu. Môn văn dạy con làm sao để sống tốt với chính mình, với ba mẹ, với cộng đồng xã hội...
Giữa những tăm tối trong cuộc đời, môn văn đưa con về với thế giới của tình thương - nơi mà người với người sống với nhau bằng một niềm tin rất thật. Giữa cuộc chạy đua tất bật của điểm số, môn văn cho con được một chút bình yên. Con người ta có thể sống trong một xã hội không hiện đại, không phát triển, nhưng không thể thiếu tình thương.
Đôi khi con không hiểu môn văn ngấm vào máu ta ngay từ thời tấm bé, theo những lời ru của bà, của mẹ. Đó là tiếng mẹ đẻ thân thương, là xương là thịt, mà sao mọi người luôn chối bỏ?
Không ai sống mà thiếu đi ngọn nguồn tâm hồn, ngọn nguồn cảm xúc. Sự thật vậy đó nhưng người ta vẫn không thừa nhận trong lòng họ có những thứ thuộc về văn chương.
Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” là vậy. “Cái lẽ ở đời” phải chăng là cách sống biết nhường nhịn, yêu thương, “một câu nhịn, chín câu lành” mà cha ông ta hằng nhắn gửi? “Cái lẽ ở đời” vô giá ấy chỉ có trong lời ru, trong câu ca của bà của mẹ; trong mỗi bài thơ, mỗi câu văn chan chứa tình thương...
Mẹ ơi! Con gái mẹ rất thích văn. Nhưng hình như ba mẹ nói đúng, giỏi văn không được mọi người tôn trọng.
Không chỉ ở lớp con, ở trường con và có thể rộng ra xã hội, khi con nói con là học sinh giỏi toán, lý, hóa, mọi người khen con; khi con nói con giỏi văn, sử, địa, họ nói con không giỏi. Vậy thì con phải làm sao? Làm sao để được mọi người tôn trọng?
Rồi con sẽ chọn con đường thế nào? Toán, lý, hóa để có cơ hội thành công, hay sống với môn văn cùng cuộc đời nghèo nàn, bạc bẽo? Tương lai con sẽ trôi về đâu giữa vô vàn định kiến, hà khắc của xã hội cho văn, sử, địa?
Con viết cho mẹ trong một ngày buồn...
                                                
                                                 NGUYỄN NGỌC KIM AN (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)
------------------------------------
  • Bé ơi, đó chỉ là một vài người lớn xung quanh em thôi chứ không phải là cả xã hội đâu. Xã hội này vẫn có những con người tự học và tự phát triển khả năng Văn, Sử, Địa của mình mà em. Vẫn còn rất nhiều người tôn trọng vì nó là một phần hiển nhiên và thú vị của sự phát triển.
    Cố gắng tự vạch ra cho mình con đường tương lai và tìm nhiều nguồn lời khuyên chân thành nhất không chỉ ở ba mẹ và nhà trường. Và đừng lo, thành công nằm ở sự cố gắng, đam mê, nhiệt huyết và nhận thức chứ không phải xu hướng của thời đại.
  • Minh 09:27 20/09/2014
    Con gái ơi, con cứ chuyên tâm học tập và dành nhiều thời gian học hỏi thêm môn mà con yêu thích. Văn, Sử, Địa là những gì gắn với văn hóa và cuộc sống của con người, hình thành nên nhân cách con người. Đừng bao giờ từ bỏ ham thích con nhé. Cuộc sống chỉ gắn liền với những con số thì còn gì là thú vị nữa. Cố gắng lên con nhé!
  • Hoàng Thùy Vinh 08:37 20/09/2014
    Gửi em Nguyễn Ngọc Kim An.
    Tôi hiện là giáo viên dạy Văn ở trường PTTH thành phố Hồ Chí Minh.
    Trước đây, tôi đã từng là học sinh giỏi Toán, rồi tình cờ lại trở thành học sinh chuyên Văn. Trong những năm tháng học chuyên Văn, tôi vẫn đau đáu với môn Toán, đôi lúc chán nản, hối tiếc vì học Văn. Cho đến bây giờ, khi đã trở thành một giáo viên dạy văn sắp về hưu, đôi lúc tôi vẫn còn chán nản và hối tiếc với môn dạy mà mình đã chọn. Tôi buồn vì chương trình giảng dạy, vì cách thi cử của môn văn, vì mục đích của môn vănđã không đạt được trong thực tế giảng dạy hiện nay. Nhưng điều tôi buồn nhất đó chính là cái cách mà xã hội đối xử với môn văn, là thái độ của mọi người đối với môn văn. Đa số mọi người coi thường những môn xã hội như văn sử địa. Họ không hiểu đúng được vị trí của các môn này trong cuộc sống sau này của mỗi người. Vì vậy, gần đây, tôi thấy một số phụ huynh và học sinh đã gửi thư cho những người có trách nhiệm của bộ giáo dục nói rằng, con họ và họ đi học chỉ nhằm mục đích trở thành bác sĩ, vậy thì học văn để làm gì, chẳng lẽ khi kê đơn phải làm thơ,viết văn hay sao. Điều đó dẫn đến việc trong thực tế ta gặp những người dù rất giỏi về chuyên môn nhưng họ không biết diễn đạt trước đám đông, không biết viết một văn bản cho đúng chính tả và ngữ pháp, không biết giao tiếp với khách hàng, không biết ứng xử với mọi người xung quanh và đặc biệt là đời sống tâm hồn không thể sâu sắc.

    Hôm nay, đọc bài viết của em, tôi thực sự biết ơn vì em là một trong số ít những học sinh đã hiểu đúng về môn văn. Lá thư gửi mẹ của em như một lời động viên chân thành đến những người đang dạy những môn bị xã hội ngoảnh mặt như chúng tôi. Em hãy làm như em nghĩ, em muốn và em vẫn có thể theo đuổi các môn toán lí hóa như em đang chọn. bởi vì đúng như em nói, môn văn "ngấm vào máu ta từ thời tấm bé". Dù em có làm nghề gì thì khi em hiểu và trân trọng môn văn thì em vẫn biết sống tốt đẹp, có tâm hồn phong phú, biết yêu thương, chia sẻ. Em thấy không, có biết bao nhiêu bác sĩ viết rất hay, nói rất hay như BS Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Chấn Hùng, Lương Lễ Hoàng, Tăng Hà Nam Anh...Thầy Văn Như Cương dạy toán nhưng vẫn làm thơ mà em.

    Chúc em và tin em sẽ thành công.
  • trung nguyen 08:45 20/09/2014
    Bài viết không sâu sắc. Cần thì học, thích thì học. Nếu bạn thích học Văn, bạn có thể đọc sách, viết sách, sáng tác... Thích Lịch sử bạn có thể tìm hiểu, du lịch đến các di tích lịch sử, xem History chanel, Discovery chanel,... Đó là tại bạn không biết cách học chứ không phải ở lỗi của bố mẹ bạn. Nếu bạn ghét môn tự nhiên, tốt nghiệp xong có thể chọn con đường phù hợp với sở thích của mình. Quan niệm không đúng nên dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Học để hiểu thế giới mình đang sống, chứ không phải để giàu có.
  • Tường Quang 09:15 20/09/2014
    Bài viết rất đúng thực trạng xã hội chúng ta bây giờ. Tôi là một học sinh giỏi toán nhưng rất đam mê văn chương và rốt cuộc tôi không bỏ cái gì cả. Tôi chọn nghề nghiệp mình về toán nhưng tâm hồn, vốn sống không thể thiếu văn chương. Hãy để văn chương là đôi cánh cho tâm hồn bạn, và có thể nó cũng là đôi cánh cho cả nghề nghiệp của bạn nữa. Đến lúc nào đó bạn sẽ nhận ra mối quan hệ kỳ diệu giữa chúng.
  • Văn Chương - Nha Trang 08:03 20/09/2014
    Hay! Trẻ con là nạn nhân của người lớn. Con người sống được và thành công nhờ đứng vững tên đôi chân của mình, thiếu đi một chân thì khó đứng vững. Trong cuộc sống cũng vậy: Sinh hoạt, học tập, tình cảm, công việc... đều có sự cân bằng thì mới tồn tại vững bền được. Hy vọng các bậc NGƯỜI LỚN hãy để ý điều này.
  • Lê Chuyên 07:34 20/09/2014
    Gửi em NGUYỄN NGỌC KIM AN (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)

    Em là học sinh chuyên toán nhưng bài viết em thấm đẫm chất thơ văn. Bài viết hay, chứa đựng nhiều dằn vặt, ưu tư trăn trở. Những điều em "chạm" đến cũng chính là điều "bí rị" của mọi người trong xã hội VN mình.
  • mai pham 09:34 20/09/2014
    Bài viết có cả hai mặt. Đúng - Sai; do hệ thống giáo dục đào tạo những nghịch lý. Hệ phổ thông 12/12 năm phải 12 năm giáo dục con người hiểu biết một cách phổ thông để làm hành trang cho bước tiếp theo - có vào Đại học hay không; nếu vào được đại học phải chắc đó là nghành nghề yêu thích chứ không phải mục đích kiếm tiền. Giống như đào tạo bác sĩ chung đa khoa; sau đa khoa là bước ngoặc lựa chọn chuyên khoa.
  • The Anh 08:50 20/09/2014
    Hỡi các Ba Mẹ, hãy đọc và giúp con trẻ tự quyết định chứ đừng quyết định thay con trẻ.
  • giang 08:42 20/09/2014
    Hay lắm!