19 thg 9, 2014

Suy ngẫm về học Toán và học Văn

Học sinh chuyên toán nói về học văn

20/09/2014 06:30 GMT+7
TT - Gửi mẹ của con. Mẹ ơi, con gái năm cuối cấp rồi, sắp phải bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. 


Nhưng đến giờ con gái vẫn không biết mình nên chọn, phải chọn, sẽ chọn con đường nào để đi. 
Mẹ biết không, con gái đã có gần ba năm học chuyên toán với bao kỷ niệm vui buồn, bao lần vấp ngã và trải nghiệm, để đến giờ đây con mới hiểu, giá như con từng chăm chỉ học văn hơn.
Ngày còn nhỏ con gái thích đọc văn, con gái thích lịch sử, con gái thích sự thơ mộng của văn, nét hào hùng từ trang sử. Còn ba mẹ thích những gì thuộc về tự nhiên, ba mẹ muốn con thật giỏi toán, lý, hóa...
Mẹ hay giải thích với con gái khi con giỏi các môn tự nhiên, đầu óc con sẽ ngày càng linh hoạt, sáng tạo, con sẽ ngày càng thông minh và có cơ hội tiến xa hơn trong cuộc sống.
Ba hay giải thích với con gái xã hội ta chú trọng những điều này, thứ con cần là học gì, làm gì đáp ứng cho xã hội chứ không phải là làm gì con thích, con muốn.
Rồi con gái chọn chuyên toán.
Con lạc lõng và bơ vơ giữa môi trường mà tất cả mọi người đều bất công với văn, với sử, với địa. Không chỉ là bạn bè mà cả thầy cô đều không có sự công bằng. Tất cả nói với con gái thứ chúng ta cần là giỏi, thật giỏi các môn tự nhiên vì sẽ quyết định tương lai ta.
Thỉnh thoảng con gái cãi nhau với bạn bè, mọi đứa bạn của con gái đều nói: “Thế tụi tao thi y dược, thi kinh tế; học văn, sử có mà chết đói à?”.
Con gái không nghĩ vậy. Con gái nghĩ không phải cứ học giỏi là sẽ thành công. Khi bạn phát minh, chế tạo một sản phẩm mới, bạn không biết cách thuyết trình, giảng giải cho mọi người hiểu, tất cả bạn có chỉ là mớ giấy vụn mà thôi.
Khi bạn không biết cách ăn nói, không biết cách cư xử, mọi người mặc kệ bạn học giỏi bao nhiêu, sự tôn trọng họ dành cho bạn là con số không.
Có thể con gái không thông minh, không giỏi tự nhiên như mọi người, nhưng chỉ cần có tâm hồn rộng mở, con gái sẽ được đón nhận thôi, phải không mẹ?
Môn văn không dạy con gái những công thức mà sau này lên đại học sẽ không ngó tới, ra trường không biết sử dụng được bao nhiêu. Môn văn dạy con làm sao để sống tốt với chính mình, với ba mẹ, với cộng đồng xã hội...
Giữa những tăm tối trong cuộc đời, môn văn đưa con về với thế giới của tình thương - nơi mà người với người sống với nhau bằng một niềm tin rất thật. Giữa cuộc chạy đua tất bật của điểm số, môn văn cho con được một chút bình yên. Con người ta có thể sống trong một xã hội không hiện đại, không phát triển, nhưng không thể thiếu tình thương.
Đôi khi con không hiểu môn văn ngấm vào máu ta ngay từ thời tấm bé, theo những lời ru của bà, của mẹ. Đó là tiếng mẹ đẻ thân thương, là xương là thịt, mà sao mọi người luôn chối bỏ?
Không ai sống mà thiếu đi ngọn nguồn tâm hồn, ngọn nguồn cảm xúc. Sự thật vậy đó nhưng người ta vẫn không thừa nhận trong lòng họ có những thứ thuộc về văn chương.
Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” là vậy. “Cái lẽ ở đời” phải chăng là cách sống biết nhường nhịn, yêu thương, “một câu nhịn, chín câu lành” mà cha ông ta hằng nhắn gửi? “Cái lẽ ở đời” vô giá ấy chỉ có trong lời ru, trong câu ca của bà của mẹ; trong mỗi bài thơ, mỗi câu văn chan chứa tình thương...
Mẹ ơi! Con gái mẹ rất thích văn. Nhưng hình như ba mẹ nói đúng, giỏi văn không được mọi người tôn trọng.
Không chỉ ở lớp con, ở trường con và có thể rộng ra xã hội, khi con nói con là học sinh giỏi toán, lý, hóa, mọi người khen con; khi con nói con giỏi văn, sử, địa, họ nói con không giỏi. Vậy thì con phải làm sao? Làm sao để được mọi người tôn trọng?
Rồi con sẽ chọn con đường thế nào? Toán, lý, hóa để có cơ hội thành công, hay sống với môn văn cùng cuộc đời nghèo nàn, bạc bẽo? Tương lai con sẽ trôi về đâu giữa vô vàn định kiến, hà khắc của xã hội cho văn, sử, địa?
Con viết cho mẹ trong một ngày buồn...
                                                
                                                 NGUYỄN NGỌC KIM AN (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)
------------------------------------
  • Bé ơi, đó chỉ là một vài người lớn xung quanh em thôi chứ không phải là cả xã hội đâu. Xã hội này vẫn có những con người tự học và tự phát triển khả năng Văn, Sử, Địa của mình mà em. Vẫn còn rất nhiều người tôn trọng vì nó là một phần hiển nhiên và thú vị của sự phát triển.
    Cố gắng tự vạch ra cho mình con đường tương lai và tìm nhiều nguồn lời khuyên chân thành nhất không chỉ ở ba mẹ và nhà trường. Và đừng lo, thành công nằm ở sự cố gắng, đam mê, nhiệt huyết và nhận thức chứ không phải xu hướng của thời đại.
  • Minh 09:27 20/09/2014
    Con gái ơi, con cứ chuyên tâm học tập và dành nhiều thời gian học hỏi thêm môn mà con yêu thích. Văn, Sử, Địa là những gì gắn với văn hóa và cuộc sống của con người, hình thành nên nhân cách con người. Đừng bao giờ từ bỏ ham thích con nhé. Cuộc sống chỉ gắn liền với những con số thì còn gì là thú vị nữa. Cố gắng lên con nhé!
  • Hoàng Thùy Vinh 08:37 20/09/2014
    Gửi em Nguyễn Ngọc Kim An.
    Tôi hiện là giáo viên dạy Văn ở trường PTTH thành phố Hồ Chí Minh.
    Trước đây, tôi đã từng là học sinh giỏi Toán, rồi tình cờ lại trở thành học sinh chuyên Văn. Trong những năm tháng học chuyên Văn, tôi vẫn đau đáu với môn Toán, đôi lúc chán nản, hối tiếc vì học Văn. Cho đến bây giờ, khi đã trở thành một giáo viên dạy văn sắp về hưu, đôi lúc tôi vẫn còn chán nản và hối tiếc với môn dạy mà mình đã chọn. Tôi buồn vì chương trình giảng dạy, vì cách thi cử của môn văn, vì mục đích của môn vănđã không đạt được trong thực tế giảng dạy hiện nay. Nhưng điều tôi buồn nhất đó chính là cái cách mà xã hội đối xử với môn văn, là thái độ của mọi người đối với môn văn. Đa số mọi người coi thường những môn xã hội như văn sử địa. Họ không hiểu đúng được vị trí của các môn này trong cuộc sống sau này của mỗi người. Vì vậy, gần đây, tôi thấy một số phụ huynh và học sinh đã gửi thư cho những người có trách nhiệm của bộ giáo dục nói rằng, con họ và họ đi học chỉ nhằm mục đích trở thành bác sĩ, vậy thì học văn để làm gì, chẳng lẽ khi kê đơn phải làm thơ,viết văn hay sao. Điều đó dẫn đến việc trong thực tế ta gặp những người dù rất giỏi về chuyên môn nhưng họ không biết diễn đạt trước đám đông, không biết viết một văn bản cho đúng chính tả và ngữ pháp, không biết giao tiếp với khách hàng, không biết ứng xử với mọi người xung quanh và đặc biệt là đời sống tâm hồn không thể sâu sắc.

    Hôm nay, đọc bài viết của em, tôi thực sự biết ơn vì em là một trong số ít những học sinh đã hiểu đúng về môn văn. Lá thư gửi mẹ của em như một lời động viên chân thành đến những người đang dạy những môn bị xã hội ngoảnh mặt như chúng tôi. Em hãy làm như em nghĩ, em muốn và em vẫn có thể theo đuổi các môn toán lí hóa như em đang chọn. bởi vì đúng như em nói, môn văn "ngấm vào máu ta từ thời tấm bé". Dù em có làm nghề gì thì khi em hiểu và trân trọng môn văn thì em vẫn biết sống tốt đẹp, có tâm hồn phong phú, biết yêu thương, chia sẻ. Em thấy không, có biết bao nhiêu bác sĩ viết rất hay, nói rất hay như BS Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Chấn Hùng, Lương Lễ Hoàng, Tăng Hà Nam Anh...Thầy Văn Như Cương dạy toán nhưng vẫn làm thơ mà em.

    Chúc em và tin em sẽ thành công.
  • trung nguyen 08:45 20/09/2014
    Bài viết không sâu sắc. Cần thì học, thích thì học. Nếu bạn thích học Văn, bạn có thể đọc sách, viết sách, sáng tác... Thích Lịch sử bạn có thể tìm hiểu, du lịch đến các di tích lịch sử, xem History chanel, Discovery chanel,... Đó là tại bạn không biết cách học chứ không phải ở lỗi của bố mẹ bạn. Nếu bạn ghét môn tự nhiên, tốt nghiệp xong có thể chọn con đường phù hợp với sở thích của mình. Quan niệm không đúng nên dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Học để hiểu thế giới mình đang sống, chứ không phải để giàu có.
  • Tường Quang 09:15 20/09/2014
    Bài viết rất đúng thực trạng xã hội chúng ta bây giờ. Tôi là một học sinh giỏi toán nhưng rất đam mê văn chương và rốt cuộc tôi không bỏ cái gì cả. Tôi chọn nghề nghiệp mình về toán nhưng tâm hồn, vốn sống không thể thiếu văn chương. Hãy để văn chương là đôi cánh cho tâm hồn bạn, và có thể nó cũng là đôi cánh cho cả nghề nghiệp của bạn nữa. Đến lúc nào đó bạn sẽ nhận ra mối quan hệ kỳ diệu giữa chúng.
  • Văn Chương - Nha Trang 08:03 20/09/2014
    Hay! Trẻ con là nạn nhân của người lớn. Con người sống được và thành công nhờ đứng vững tên đôi chân của mình, thiếu đi một chân thì khó đứng vững. Trong cuộc sống cũng vậy: Sinh hoạt, học tập, tình cảm, công việc... đều có sự cân bằng thì mới tồn tại vững bền được. Hy vọng các bậc NGƯỜI LỚN hãy để ý điều này.
  • Lê Chuyên 07:34 20/09/2014
    Gửi em NGUYỄN NGỌC KIM AN (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)

    Em là học sinh chuyên toán nhưng bài viết em thấm đẫm chất thơ văn. Bài viết hay, chứa đựng nhiều dằn vặt, ưu tư trăn trở. Những điều em "chạm" đến cũng chính là điều "bí rị" của mọi người trong xã hội VN mình.
  • mai pham 09:34 20/09/2014
    Bài viết có cả hai mặt. Đúng - Sai; do hệ thống giáo dục đào tạo những nghịch lý. Hệ phổ thông 12/12 năm phải 12 năm giáo dục con người hiểu biết một cách phổ thông để làm hành trang cho bước tiếp theo - có vào Đại học hay không; nếu vào được đại học phải chắc đó là nghành nghề yêu thích chứ không phải mục đích kiếm tiền. Giống như đào tạo bác sĩ chung đa khoa; sau đa khoa là bước ngoặc lựa chọn chuyên khoa.
  • The Anh 08:50 20/09/2014
    Hỡi các Ba Mẹ, hãy đọc và giúp con trẻ tự quyết định chứ đừng quyết định thay con trẻ.
  • giang 08:42 20/09/2014
    Hay lắm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét