Có một nhầm tưởng dai dẳng về giáo dục VN - đó là do chúng ta còn nghèo, phần chi cho giáo dục ít nên đành chịu chất lượng thấp. Kể cả khi tính theo con số thống kê chính thức hay con số thực chi thì tỷ lệ chi cho giáo dục trên GDP của nước ta vào loại cao nhất nhì thế giới.
Bởi ngoài phần chi từ ngân sách (chiếm trên 20% ngân sách) còn có những khoản chi từ phụ huynh (cũng chiếm một tỷ trọng rất cao trên thu nhập của gia đình).
Thế nhưng vì cái nhầm tưởng dai dẳng đó, nhiều phụ huynh vào đầu năm học mới vẫn phải cắn răng nộp nhiều khoản tiền, cả có tên và không tên cho con, mong sao góp phần nâng chất lượng giáo dục lên một chút. Đó là môi trường béo bở cho những toan tính “thương mại hóa” - từ việc đầu tư máy móc lãng phí đến các hình thức học thêm, dạy thêm - tất cả được triển khai dưới danh nghĩa tìm cách “đột phá” về chất lượng.
Đúng là tiền bạc có mối tương quan chặt chẽ với chất lượng giáo dục nhưng tiền bạc không phải là yếu tố quyết định, chưa kể một khi nguồn lực bị chi sai, dàn trải, lãng phí như thực tế đã diễn ra.
Chất lượng giáo dục cũng chưa hẳn là ở chương trình học, sách giáo khoa, cách tổ chức các kỳ thi cuối khóa hay kỳ thi tuyển sinh vào đại học - là những vấn đề chúng ta đang cố gắng thúc đẩy cũng trong nỗ lực nâng cao chất lượng của nền giáo dục và đang tạo ra những lo lắng do xáo động cho học sinh (HS), phụ huynh.
Có một thực tế không thể chối cãi: đó là nguồn nhân lực có kỹ năng cao cho rất nhiều ngành nghề đang thiếu trầm trọng đến nỗi các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp FDI phải tuyển dụng người từ Ấn Độ, Philippines hay từ các nước láng giềng khác. Số ít nhân lực này do cầu lớn hơn cung nhiều lần nên liên tục nhảy việc để tìm mức lương cao hơn. Nếu nền giáo dục của nước nhà tiếp tục không đào tạo được đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, chỉ cần đến năm sau, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, nguồn nhân lực như thế sẽ từ các nước ASEAN khác tràn vào nước ta, đặc biệt ở các ngành du lịch, kiểm toán, tài chính...
Nhưng, lo thì lo, không khéo chúng ta cũng chỉ loay hoay tập trung vào câu chuyện cải cách ở khâu đào tạo hay thí điểm tự chủ về tài chính ở đại học - cũng rơi vào chỗ nhầm tưởng phải đầu tư vật chất nhiều hơn mới giải được bài toán này.
Yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, ngay từ cấp tiểu học cho đến bậc đại học là tinh thần tự do trong học tập, tư duy lật đi lật lại vấn đề, cách suy nghĩ học để lấy kiến thức, để ứng xử trong cuộc sống chứ không phải học để thi cử hay vì bằng cấp. Môi trường giáo dục của chúng ta hiện đang thiếu vắng một tinh thần như thế, cả ở thầy lẫn trò. Cũng không phải do sự hạn chế hay ràng buộc nào về mặt chủ trương, chính sách; tất cả chỉ do một quán tính từ thời tập trung bao cấp, quen với nếp học từ chương, quen với thái độ “độc quyền chân lý” trong ngành giáo dục. Quan trọng nhất là không ai xem đó là vấn đề quan trọng cần cải tiến.
Thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, các thành phần khác của xã hội như doanh nghiệp đã phần nào xoay chuyển để thích nghi với môi trường mới nhưng giáo dục thì chưa.
Chúng ta cứ nói lấy người học làm trung tâm nhưng liệu đã có những biện pháp nào để khắc phục cách giáo dục thầy giảng, trò nghe; liệu nhà trường hiện nay đã chấp nhận cảnh HS chất vấn lại thầy cô nếu các em chưa đồng ý một vấn đề nào đó; liệu cộng đồng giáo dục đã chấp nhận sự khác biệt trong tư duy hay tất cả phải theo một khuôn mẫu nhất định.
Cũng chính vì làm theo quán tính cũ, chúng ta chưa chú tâm đúng mức để rèn luyện cho HS các kỹ năng rất quan trọng nhằm chuẩn bị cho các em vào đời như kỹ năng hợp tác làm việc theo nhóm, kỹ năng độc lập tìm tòi nghiên cứu một vấn đề, kỹ năng ứng xử văn minh trong một xã hội nối kết. Nói đâu xa, thử hỏi sau nhiều vụ việc thương tâm, liệu nhà trường đã chú ý dạy cho trẻ nhỏ cách tự bảo vệ mình trước các hiện tượng xâm hại, lạm dụng, bày cho các em biết về quyền của các em trước người lớn, kể cả quyền bày tỏ ý kiến.
Chỉ khi HS học được cách tư duy độc lập, các em mới học được kỹ năng tự học, tự đào tạo để từ đó thích nghi với mọi thay đổi trong môi trường làm việc sau này. Đó chính là sự khác biệt giữa một nền giáo dục có vài em được giải quốc tế và một nền giáo dục đào tạo nhiều nhà quản lý giỏi cho nền kinh tế.
Vũ Phan
thank blog
Trả lờiXóathay màn hình iphone 6 plus uy tín
Trả lờiXóa