10 thg 2, 2015

Suy ngẫm về giao thông ở VN

Giao thông văn minh

TNO http://www.thanhnien.com.vn/chao-buoi-sang/giao-thong-van-minh-532850.html


Thật xấu hổ khi trong hình dung của nhiều khách du lịch nước ngoài là: “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở VN”. Sự lộn xộn, mất an toàn giao thông ấy đang khiến chúng ta phải trả giá bằng mạng sống của khoảng 25 người mỗi ngày.


Thông tin liên tiếp về các vụ tai nạn giao thông trong những ngày cận tết này càng khiến cho niềm vui mỗi buổi sáng của tất cả chúng ta không trọn vẹn. Hãy vì mạng sống của mỗi người, cần phải hành động để giao thông ngày càng văn minh và an toàn hơn.
Nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy lái xe quá tốc độ quy định là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua. Theo đó, khi phương tiện tăng tốc lên 10 km/giờ thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn giao thông tăng lên gấp hai lần. Như vậy, nếu xe khách chạy với tốc độ
125 km/giờ so với tốc độ cho phép là 70 km/giờ thì mức độ tai nạn tăng lên gấp 32 lần. Trong khi đó, một hoạt động thanh tra phạm vi nhỏ tại một tỉnh phía bắc, đối với 50 xe khách, trong thời gian là 10 ngày hồi tháng 5.2014, phát hiện 1.157 vi phạm về tốc độ, với tốc độ xe chạy lớn nhất là 126 km/giờ (quy định tối đa là 80 km/giờ). Cá biệt, có trường hợp trong một ngày, lái xe khách vi phạm tốc độ tới... 300 lần. Với những xe chạy vượt tốc độ như vậy, việc xảy ra tai nạn thảm khốc là tất yếu.
Điều này cho thấy đào tạo, giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe đang là vấn đề đầu tiên cần được giải quyết. Đã có những vụ tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng điều tra phát hiện tài xế thậm chí chưa học hết lớp 4, có tiền án, tiền sự. Công tác đào tạo lái xe còn nhiều thiếu sót, dẫn đến ý thức đạo đức khi tham gia giao thông của nhiều tài xế rất kém.
Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đầu voi đuôi chuột là vấn đề tiếp theo phải khắc phục. Chẳng hạn, quy định xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình - một quy định được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tai nạn giao thông - đang được thực hiện một cách đối phó ở nhiều doanh nghiệp vận tải. Kết quả thanh kiểm tra về việc lắp đặt và khai thác thiết bị giám sát hành trình của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Hà Nội cuối năm ngoái cho thấy hầu hết các thiết bị giám sát hành trình đều không theo dõi, trích xuất được thông tin và cập nhật, lưu trữ thông tin bắt buộc từ thiết bị theo quy định.
Nếu các quy định về tích hợp và sử dụng dữ liệu từ “hộp đen” được tôn trọng, nếu các doanh nghiệp vận tải và cơ quan chức năng chủ động giám sát, chủ động cảnh báo với các tài xế đang hành trình thì có lẽ việc vi phạm tốc độ cũng sẽ được hạn chế đáng kể. Và điều đó sẽ tránh cho bao người khỏi phải chết oan, bao gia đình tan nát vì tai nạn giao thông.
An Nguyên

9 thg 2, 2015

Về đổi mới giáo dục

Mong đổi mới giáo dục lên hừng hực, nhưng thực tế lại lạnh lùng, thách thức

(GDVN) - “Tư tưởng về đổi mới tư duy giáo dục xem ra vẫn đang bốc lên hừng hực, nhưng thực tế giáo dục thì lạnh lùng, có vẻ thách thức dư luận”.
http://www.giaoducvietnam.vn/Giao-duc-24h/Mong-doi-moi-giao-duc-len-hung-huc-nhung-thuc-te-lai-lanh-lung-thach-thuc-post155237.gd
LTS: Nền giáo dục và đào tạo đang trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện. Đứng trước cơ hội lớn cũng là những thách thức không nhỏ. GS. TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam có bài viết nhận định và xác định phương hướng của nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn đổi mới. Bài viết dài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lược ghi những nội dung chính xin gửi tới quý bạn đọc.
GS.TS Phạm Tất Dong viết: Tháng 6/2006, trên trang Amazon.com người ta ngạc nhiên trước số sách đã phát hành có 56.170 cuốn mang từ change (thay đổi), trên bìa và nội dung của các cuốn sách đó xuất hiện 11.195 cụm từ busines change (thay đổi trong kinh doanh) và 2.404 cụm từ global change (thay đổi toàn cầu). 
Nhiều người bị choáng trước số liệu trên bởi cảm thấy hình như mình bị lạc hậu trước sự thay đổi ghê gớm của thế giới. Nhưng rồi ai cũng thấy những thay đổi trong thế giới chúng ta đang sống cũng không phải quá lớn để mà không nhận thức được.
Tôi không có phương tiện xử lí thông tin hiện đại để biết trong nước và ngay trong ngành giáo dục Việt Nam, có bao nhiêu sách báo, tài liệu nói đến đổi mới tư duy giáo dục. Nhưng tôi đoán chắc rằng, cụm từ được viết trên giấy, được nói ra miệng phải cả triệu lượt.
Ấy thế mà giáo dục vẫn vượt trên đường mòn cũ, những thay đổi quá ít, có khi thay đổi lại làm cho cái cần thay đổi tăng tính cấp thiết hơn: học phí vẫn tiếp tục tăng,kế hoạch kiên cố hóa trường học sau nhiều năm triển khai vẫn ì ạch. Trên tivi gần đây cũng nói về số lượng trường rách nát vẫn quá lớn, ba, bốn năm năm liền thiên hạ kêu học sinh bị điểm quá kém về môn Lịch sử, nhưng rồi đâu lại hoàn đó. 
Ảnh minh họa. Báo GDTĐ.
Dư luận phản đối việc bắt trẻ con đi học thêm quá nhiều, bị nhồi nhét nhưng học sinh vẫn ùn ùn đến các lớp học thêm, từ những em cao lộc ngộc đang học lớp cuối của trường THPT cho đến mấy em con nít ở tuổi “thò lò mũi” vừa từ lớp mẫu giáo 5 tuổi chuyển sang lớp 1…
Tư tưởng về đổi mới tư duy giáo dục xem ra vẫn đang bốc lên hừng hực, nhưng thực tế giáo dục thì lạnh lùng, có vẻ thách thức dư luận. Vì vậy, ở đây có gì không ổn chăng?...
Cái hạn chế của giáo dục hiển thị trước chúng ta là mô hình giáo dục đang được vận hành. Đổi mới giáo dục mà tầm tư duy chỉ trong khuôn khổ mô hình giáo dục cũ kĩ thì mọi thay đổi bên trong cái giới hạn đó giỏi lắm cũng chỉ là sự chắp vá đối phó mà thôi.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã cho phép chúng ta phá cái giới hạn cũ, thay vào đó là mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập. Thế nhưng nhiều người vẫn bảo vệ mô hình giáo dục cũ kĩ hiện hữu để bàn về đổi mới tư duy giáo dục. Tôi khẳng định rằng, họ chẳng thể mở ra một lối đi nào thông thoáng vào tương lai cho nền giáo dục chúng ta, cho dù họ đưa ra hàng trăm thông tin về sự đổi mới tư duy giáo dục ở nơi này hay nơi khác.
Sức ỳ của tư duy là một nguyên nhân làm cho người ta không dám vượt qua những điều mà họ đã ngộ nhận đó là nguyên lí bất di bất dịch.  Sức ỳ đó đã và đang gây ra những thiệt hại, những đau khổ cho không ít người chẳng phải chỉ ở lĩnh vực giáo dục mà các lĩnh vực khác cũng tương tự. Trong giáo dục, chúng ta có thể liệt kê cả chục vấn đề về tính bảo thủ như bắt trẻ con học thuộc lòng, luyện học thi như luyện gà chọi đi đá nhau để lĩnh giải.

(GDVN) - Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.

Trong đời sống xã hội, những thay đổi hay những đổi mới có diễn ra và diễn ra có hiệu quả hay không phụ thuộc vào con người hiểu được những sự khác biệt giữa cái chúng ta phải làm với cái chúng ta làm như thế nào. Cái chúng ta làm hàng ngày như ăn, uống, học tập, trồng trọt, chăn nuôi… là cái bất biến, nó lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác. Còn cách làm cái đó như thế nào là cái khả biến, là cái thay đổi, là cái mang lại một chất lượng mới.

Trong giáo dục, câu hỏi sẽ là: Cần phải làm gì đối với nền giáo dục đang có nhiều khuyết tật như hiện nay? Trả lời: Phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Trả lời như thế là chính xác. 
Câu hỏi tiếp, đổi mới căn bản và toàn diện bằng cách nào? Trả lời: Phải đổi mới tư duy.
Cách trả lời này không đạt, bởi vẫn chỉ là câu trả lời làm gì chứ chưa phải câu trả lời làm như thế nào. Do đó không thể đi đến một quyết định cần thiết của cơ quan lãnh đạo tối cao về cách làm. Nhưng không ít các nhà nghiên cứu khoa học lại coi “đổi mới tư duy giáo dục” là biện pháp, mà không hiểu đây chỉ là điều kiện để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mà thôi.
Vấn đề cốt lõi đổi mới tư duy là dùng trí tuệ để đề ra được cách làm, tức là trả lời được câu hỏi: Làm như thế nào?. Chúng ta biết rằng, trong sản xuất, biết là điều kiện cần thiết, nhưng biết làm cách nào mới là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh, dừng lại ở biết thì chưa tạo ra sự thay đổi.
John Naisbitt (từng làm việc ở các trường đại học University of Utah, Đại học Harvard, Đại học Cornell) có một lối tư duy độc đáo, được diễn đạt bằng mệnh đề: “Tương lai được gói gọn trong hiện tại”. Muốn đi tới tương lai, phải hiểu thấu hiện tại để thấy được cái gì trong hiện tại sẽ nằm trong tương lai. 
Theo tôi, chúng ta đổi mới tư duy để làm gì là vấn đề cần đặt ra. Đổi mới tư duy không phải là để “đổi mới tư duy”, tức là đổi mới tư duy không có mục đích tự thân. Đổi mới tư duy có mục đích của nó. Với chúng ta đổi mới tư duy giáo dục lần này là để thay đổi cả một mô hình giáo dục, thay đổi cả một nền giáo dục để nhằm vào mục đích cuối cùng là làm cho nền giáo dục “của dân hơn nữa, do dân hơn nữa, và vì dân hơn nữa”. 
Nếu không đạt mục đích này, ngay lập tức vấn đề đổi mới tư duy giáo dục lại phải đặt lại, bức thiết hơn, gay gắt hơn.
Sau nhiều tháng xây dựng đề án đổi mới giáo dục một cách “căn bản” và “toàn diện” để trình Hội nghị trung ương Sáu (khóa XI) vào tháng 10/2012 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4/2014, chúng ta thấy việc chuẩn bị đã không thành công. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo rằng, phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa. 
Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân chính ở đây là tư duy giáo dục của chúng ta chưa đúng tầm. Dòng tư duy chúng ta vẫn luẩn quẩn trong giới hạn một hệ thống giáo dục đã lỗi thời, không đủ năng lực để tạo ra một mô hình nhân cách Việt Nam trong giai đoạn đất nước đi vào nền kinh tế công nghiệp, từng bước phát triển kinh tế tri thức, mở rộng thị trường ra khỏi biên giới quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và năng lực hội nhập quốc tế sâu hơn nữa của con người Việt Nam trong phần nửa đầu thế kỷ XXI.
Vậy, cần nhận thức đầy đủ rằng đã đến lúc phải đổi mới mục tiêu giáo dục và đổi mới này là đổi mới căn bản nền giáo dục. Một cuộc cách mạng hay một cuộc cải cách giáo dục  nào cũng phải bắt đầu từ xác định mục tiêu kỳ vọng. Đấy là nguyên tắc-một nguyên tắc cứng rắn như một nguyên lý…
Việc đầu tiên khi bàn đổi mới giáo dục và kéo theo là đổi mới tư duy giáo dục phải khẳng định dứt khoát rằng, mẫu người (mô hình nhân cách) do nền giáo dục đang đào tạo không thể chấp nhận được nữa. Phải nghiên cứu và xác định những yêu cầu cơ bản với con người cần đào tạo, từ đó xây dựng mục tiêu đào tạo cho giai đoạn mới, trước mắt là 2015-2020.
Khi xác định được mục tiêu đào tạo mới thì toàn bộ hệ thống giáo dục phải đổi mới theo. Do vậy, đổi mới căn bản nền giáo dục là đổi mới mục tiêu giáo dục. Mọi cuộc cách mạng giáo dục, cải cách giáo dục hay đổi mới giáo dục đều bắt đầu từ câu hỏi: Chúng ta cần con người với những phẩm chất, nhân cách nào? Lý tưởng xã hội của họ là gì? Họ kế thừa và phát triển sự nghiệp nào của các thế hệ đi trước trao cho?...
Đổi mới tư duy giáo dục phải hướng tới một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân – một nền giáo dục vì con người chứ không phải cho con người: Ai cũng được học hành, ai cũng có cơ hội và điều kiện học tập suốt đời, nghĩa là ở bất kỳ lứa tuổi nào, con người cũng được hưởng quyền thỏa mãn nhu cầu học tập. 
Một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân là nền giáo dục dân chủ nhất, nền giáo dục ấy sẽ tạo ra những con người xây đắp và bảo vệ một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nhà nước thực sự cách mạng, thực sự dân chủ, thật sự công bằng, bình đẳng, bác ái.
Tôi mượn lời cựu Tổng thống Abraham Lincoln để kết lại: “Chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ diệt vong trên trái đất”.

Quan điểm mở về lợi thế

Điểm 0 (không) cũng là lợi thế của sinh viên

(GDVN) - Hơn 1.200 sinh viên cùng Xây dựng lộ trình công danh và học cách quản trị cuộc đời với TS. Lê Thẩm Dương trong “Ngày hội khởi nghiệp” diễn ra ngày 9/10 tại HN.
http://www.giaoducvietnam.vn/Giao-duc-24h/Diem-0-khong-cung-la-loi-the-cua-sinh-vien-post155477.gd
Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho nhiều tập đoàn toàn cầu, Giám đốc Chiến lược FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa đã chia sẻ về cách xây dựng lộ trình công danh với sinh viên. Anh cho biết, các tập đoàn nước ngoài hơn hẳn doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng lộ trình công danh cho nhân viên. Nhân viên luôn được hoạch định để hiểu rõ rằng, muốn đạt được điều gì, lên vị trí nào thì cần phải làm gì… Từ đó, nhân viên có định hướng rất rõ ràng trong công việc. 
Tại “Ngày hội khởi nghiệp 2015”, anh đã hướng dẫn các em dùng ma trận SWOT để phân tích điểm mạnh điểm yếu của chính bản thân mình, phân tích cơ hội và thách thức của môi trường xung quanh, từ đó xác định lộ trình phù hợp cho cuộc đời.
TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ kinh nghiệm bản thân. Ảnh Thu Ngà
Theo anh, tuổi trẻ có 3 điểm thường bị đánh giá là rất yếu nhưng nếu biết tận dụng thì sẽ là điểm mạnh.

Thứ nhất, “Điểm 0 cũng là lợi thế”. Khi tuổi trẻ không có gì để mất, chỉ cần có niềm tin, các em sẽ sẵn sàng lao vào cuộc chiến với tất cả nhiệt huyết và lòng quyết tâm cao. Vì thế, khả năng thành công cũng sẽ cao hơn.

Câu chuyện cuộc đời của anh là một ví dụ. Khi anh đang là Kiến trúc sư thì nhận được lời mời của Tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp điện Schneider Electric tại Việt Nam với vị trí Phó giám đốc hoạch định phương thức sản xuất và vận hành hệ thống quản lí chất lượng ISO 9001.

Anh mừng vì đây là cơ hội tốt để được trở thành quản lý. Nhưng anh cũng rất lo lắng, băn khoăn. Anh lo vì tự thấy mình chẳng có chút kiến thức gì về chất lượng, rất có thể sẽ bị đuổi việc sau vài tháng. Nhờ có lời khuyên của ba anh “Con cứ thử đi. Nếu không làm được thì lại quay về với nghề kiến trúc” đã khiến anh mạnh dạn bước trên con đường mới và đã thành công với sự  lựa chọn này.

Thứ 2, điểm yếu cũng có thể biến thành điểm mạnh. Với tuổi trẻ, việc thiếu kinh nghiệm, thiếu tri thức có thể khiến cho tinh thần học hỏi của các em lên cao. Chẳng hạn như anh, khi “chưa biết gì về chất lượng”, anh đã lao vào học hỏi, học cả từ cô công nhân đến các kỹ sư, học từ thực tế đến các quy trình… 
Hơn 1.200 sinh viên tham gia ngày hội khởi nghiệp. Ảnh BTC
Nhờ đó, anh hiểu rõ tính chất từng công việc, mong muốn của từng người. Và chỉ 9 tháng sau, cụm nhà máy do anh quản lý đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên đạt tiêu chuẩn ISO9001. Đặc biệt, bộ quy trình của nhà máy do anh soạn thảo đã được Schneider chọn làm quy trình mẫu để huấn luyện cho các nhà máy của tập đoàn trên Thế giới.
Thứ 3, “Lúc nguy biến là lúc nhiều cơ hội xuất hiện”. Thế giới đang trong giai đoạn suy giảm kinh tế, nhiều công ty bị phá sản, nhiều tập đoàn phải thu hẹp sản xuất. Đó là cơ hội để mua rẻ, để thuê được mặt bằng đẹp với giá hợp lý. Thế giới đang ngày càng phẳng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm mà Việt Nam đang có lợi thế.
Cùng quan điểm này, TS Lê Thẩm Dương cho rằng, có 4 việc phải làm để quản trị cuộc đời, bao gồm: Xác lập chiến lược cuộc đời; Tổ chức cuộc sống của mình ; Hoạt động điều khiển chính mình và Kiểm tra hoạt động điều khiển. Việc hiểu bản thân là điều quan trọng đầu tiên cần làm đúng. Có hiểu được bản thân mới biết mình phù hợp với lĩnh vực nào để theo đuổi. 
Với một con người, nếu được làm đúng sở trường thì khả năng thành công rất cao. Còn nếu chọn phải lĩnh vực sở đoản thì dù cố gắng hết sức cũng chỉ đạt được trên mức trung bình. Để đánh giá bản thân, có nhiều phương pháp khác nhau và cách phổ biến là đánh giá 360 độ, thu thập ý kiến của những người khác đánh giá về mình, từ bố mẹ, anh em đến bạn bè, lãnh đạo…và tự đánh giá bản thân để có bản tổng hợp chính xác nhất.

Khi đã hiểu mình, xác định được mục tiêu cho cuộc đời thì phải dấn thân, phải bỏ thói quen xấu, gia tăng sở trường bằng cách khai thác tất cả những nguồn có thể dạy mình: Học từ Thầy, từ bạn, từ chính mình, từ thần tượng và từ các phương tiện thông tin… Việc học cần được chắt lọc và áp dụng vào thực tế để các kiến thức trở thành kỹ năng.

“Tuổi trẻ là tiền bạc, mỗi ngày qua đi là mỗi ngày các em tiêu một đống tiền. Đừng để phí hoài tuổi trẻ” – đó là lời nhắn nhủ của TS Lê Thẩm Dương tới sinh viên.

7 thg 2, 2015

Có nên trả lương cho lớp trưởng?


Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Đây là một công việc đầy áp lực như chúng ta có thể đọc được qua tâm sự của chính các em đang giữ vai trò làm lớp trưởng:
- Áp lực từ phía thầy cô (phải bảo đảm lớp học tuân thủ nội quy và tham gia tốt các phong trào, nếu không có thể bị khiển trách, phạt),
- Áp lực từ phía bạn bè cùng lớp (phải luôn là người dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, phải đương đầu với sự chống đối từ tập thể và đôi khi cả sự đố kỵ, ghen ghét).
Vì sao chúng ta đặt một em học sinh trong tập thể vào vai trò khác biệt như thế chỉ để giúp đỡ giáo viên bớt áp lực quản lý lớp?
Vì sao chúng ta đặt một em học sinh vào sự kỳ thị của tập thể lớp chỉ vì nghĩ rằng chính các em có thể hiểu và “trị” nhau tốt hơn chúng ta?
Việc trả lương có làm cho các em bớt các áp lực sẵn có hay không, hay lại đặt thêm áp lực của người được trả tiền để làm việc vào các em quá sớm?
Hay sẽ tạo ra một thế hệ làm việc vì tiền chứ không hẳn là làm việc vì tinh thần trách nhiệm và đam mê?
Những câu hỏi này cần rất nhiều tranh luận và phản biện để có thể có câu trả lời rõ ràng.
Từ góc độ của một phụ huynh, với mong muốn trường học là nơi con mình được trải nghiệm đa dạng về kiến thức, kỹ năng sống và thái độ sống, tôi đề nghị chúng ta nên nhìn nhận lại việc tạo ra vị trí lớp trưởng và ai nên là người tham gia vào vị trí đó.
Lớp trưởng, chính xác là một người trưởng nhóm, có khả năng lãnh đạo một tập thể làm những việc cụ thể theo một định hướng nào đó với những cách thức sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm lý sinh lý của lứa tuổi các em chứ không nên rập khuôn theo việc người lớn (ở đây là giáo viên) chỉ đạo gì thì làm nấy. (Những người lãnh đạo thành công trong xã hội đa số dựa trên sự sáng tạo chứ không dựa trên công thức hoặc lối mòn).
Khi lựa chọn một cá nhân làm lớp trưởng trong suốt một năm học (và thậm chí có những em làm lớp trưởng chuyên nghiệp suốt 12 năm đi học), nghĩa là chúng ta đã tước đi cơ hội được trải nghiệm làm thế nào để lãnh đạo người khác của cả một tập thể còn lại.
Ngược lại, chúng ta cũng tước đi quyền được là một học sinh bình thường được phép phạm sai lầm, được phép nghịch phá như các bạn cùng độ tuổi… của em học sinh được chọn làm lớp trưởng đó.
Như vậy có phải chúng ta vô tình tạo ra sự mất công bằng ngay trong môi trường giáo dục nơi chúng ta luôn đề cao tính bình đẳng của các em hay không?
Chúng ta yêu cầu bình đẳng từ quần áo giày dép cặp sách bút viết tập vở, trường nào cũng có đồng phục riêng, những quy định về cặp sách giày dép tập vở riêng mà lại bỏ qua bình đẳng về quyền được trải nghiệm của các em.
Như vậy thực tế chúng ta chỉ mới cố gắng bình đẳng về mặt hình thức chứ chưa thực sự công bằng về “chất” đối với các em.
Thay vì chỉ định một em học sinh nổi trội về mọi mặt giữ vị trí lớp trưởng trong suốt năm học với chủ đích làm giúp việc cho giáo viên, tại sao chúng ta không cho các em luân phiên làm lớp trưởng với chủ đích cho các em cơ hội được đặt mình vào vị trí lãnh đạo?
Việc luân phiên làm lớp trưởng sẽ tạo ra môi trường bình đẳng và thấu hiểu cho tập thể lớp.
Bất kỳ bạn nào trong lớp cũng đều trải qua những ngày làm quen với việc giúp lớp học của mình nề nếp, trật tự, bất kỳ bạn nào cũng trải qua cảm giác bất lực khi mình không điều khiển được các bạn khác, cảm giác vui mừng và tự hào khi cả lớp được khen dưới sự điều khiển của mình và sự hưởng ứng của các bạn.
Bất kỳ bạn nào cũng hiểu rằng sẽ có một ngày mình sẽ giữ vị trí đó, và khi gặp khó khăn trong thời gian giữ vị trí đó, sẽ nhớ lại những cách làm hay của các bạn đã làm lớp trưởng trước mình để áp dụng, bất kỳ bạn nào cũng phải có thời gian phải động não, phải sáng tạo để điều khiển tập thể theo ý mình.
Và như vậy, khi ở vai trò là một học sinh bình thường, bất kỳ bạn nào cũng hiểu được những khó khăn của bạn đang ở vai trò lớp trưởng (vì mình cũng đã trải qua) và sự hợp tác giữa các em sẽ tốt hơn.
Nếu áp dụng hình thức luân phiên làm lớp trưởng trong suốt 12 năm học, ít nhất mỗi em học sinh sẽ có được 12 tuần trải nghiệm làm lớp trưởng và chắc chắn những trải nghiệm này sẽ có ích cho các em trong việc thiết lập quan hệ với những người xung quanh, xử lý các mối quan hệ, xử lý các vấn đề trong tập thể.
Vị trí lớp trưởng nên là một “cửa ải” rèn luyện thêm kỹ năng cho các em chứ không nên là một vị trí đầy áp lực và đôi khi đi kèm với đặc quyền đặc lợi.
Nếu chúng ta mong muốn giáo dục làm đúng sứ mệnh đào tạo con người và hình thành nhân cách, thì nên thay đổi cách nhìn nhận về vị trí lớp trưởng và vai trò của nó trong nền giáo dục, đừng nên tiếp tục tạo ra một tầng lớp học sinh phải chịu áp lực “danh lợi” quá sớm.
Hãy để “lớp trưởng” là một nhiệm vụ ai cũng được làm, phải làm, giống như hoạt động trực nhật vệ sinh lớp học, để ai cũng từng là lớp trưởng, và học được nhiều bài học thực tế từ kinh nghiệm làm lớp trưởng của chính mình và từ các bạn. 
Lập Xuân- TTO - 

Vị trí lớp trưởng: sao không luân phiên để tạo công bằng?

07/02/2015 20:44 GMT+7

Tin liên quan

-------------------------------------------------

Lớp trưởng không phải là "của nợ"

07/02/2015 08:10 GMT+7
TTO - Một học sinh lớp 7, từng có 5 năm làm lớp trưởng tâm sự như vậy trong một bài viết gởi TTO, ngay sau bài Trả "lương" cho... lớp trưởng ( đăng trên Tuổi Trẻ 6-2).
Minh Như (ngồi giữa hàng ngồi đầu tiên) cùng các bạn lúc học ở trường THCS Lê Lợi (Tân Phú, TP.HCM)
Em không thể nào quên được cái cảm giác “trách nhiệm nặng nề” trong suốt  5 năm làm lớp trưởng.
Mỗi ngày, khi tiếng trống trường vang lên, em phải dùng cái giọng nhỏ bé của mình để hô hào các bạn tập trung thành xếp hàng giữa cái sân trường cả ngàn học sinh náo nhiệt tiếng cười đùa, hoặc phải cố gào lớn hơn giọng của 40 học sinh đang ồn ào quậy quá trong lớp để yêu cầu giữ trật tự mà không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào.
Là lớp trưởng, em phải là người học giỏi nhất nhì lớp, không được phép không thuộc bài để làm gương cho các bạn. Lớp trưởng cũng luôn phải là người tiên phong các hoạt động lớp, Đội, Liên Đội… để phổ biến các hoạt động của trường, lớp và thuyết phục các bạn tham gia.
Những buổi trưa, khi các bạn chìm vào giấc ngủ cũng là lúc em phải tranh thủ chạy xuống phòng truyền thống luyện tập nghi thức Đội hoặc phải học thuộc bài trên lớp lẫn 400 câu lý thuyết Đội. Khi có những “sự cố động trời” do các bạn trong lớp gây ra, lớp trưởng là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nhưng làm lớp trưởng cũng chính là một động lực lớn để em luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân trong mọi mặt. Lớp trưởng cũng chính là con chim đầu đàn, là người dẫn dắt cho cả lớp đạt thành tích cao.
Khi lớp đạt thành tích tốt, lớp trưởng là người được tuyên dương đầu tiên. 5 năm làm lớp trưởng đã hình thành cho em thói quen “dẫn đầu,  làm gương” trong việc học tập ở trường, chơi với nhóm bạn, cũng như dạy em nhỏ ở nhà.
Cái chức lớp trưởng không phải là một “của nợ”!
Theo em, nếu được trả lương, sẽ nảy sinh trường hợp lớp trưởng sẽ làm việc như một cái máy, làm chỉ để được giảm nửa số tiền học phí mà không thực hiện trọng trách của một lớp trưởng bằng trái tim.
Sự đố kị, ganh ghét giữa các bạn trong lớp sẽ xảy ra và ai cũng mong muốn mình được nhận vai trò lớp trưởng cho dù bạn ấy có năng lực hay không. Lúc ấy, trong lớp sẽ rất hỗn loạn, không theo nề nếp, quy củ vì ai cũng nghĩ “việc gì em phải ngoan ngoãn hay làm tốt để bạn ấy được tiền”
Theo ý kiến của riêng em, không trả lương cho lớp trưởng mà nên tưởng thưởng bằng những món quà có giá trị tinh thần. Em nghĩ chúng ta nên đưa ra những ý kiến hay hơn như là: trao phần thưởng tuyên dương cho lớp trưởng nào hoàn thành nhiệm vụ trong tuần xuất sắc…
Người lớn thường quan trọng hoá vấn đề, nhưng thực ra, đối với học sinh chúng em, phần thưởng ý nghĩa đơn giản chỉ là những lời khen thưởng, những cuốn tập, cây viết dễ thương hay những món quà lưu niệm xinh xắn… đã là một nguồn động viên có giá trị lớn lao rồi.
Hình thành tư duy "làm vì tiền"
Cũng là lãnh đạo của một công ty, nhưng nhiều khi, tôi lại cảm nhận sự lãnh đạo học sinh khó hơn rất nhiều, vì ở lứa tuổi học trò, các cháu vốn rất thích nghịch ngợm và ít muốn nghe lời bạn đồng trang lứa.
Mỗi khi tôi đến trường cháu, tôi lại cảm thấy rất xót con khi thấy các cháu lớp trưởng, chi đội trưởng… phải ra sức hò hét để giữ trật tự trong một môi trường tiếng ồn như ong vỡ tổ…
Và sự thực là, con gái tôi đã luôn bị khàn giọng trong mùa học, trừ khi được nghỉ Tết hoặc nghỉ hè, giọng cháu mới trong trở lại…
Tuy thấy con vất vả, nhưng trong suy nghĩ tôi chưa bao giờ mảy may có ý nghĩ rằng: nhà trường “nên trả công” cho lớp trưởng - con gái mình.
Tôi thấy cháu yêu thích công việc của người dẫn đầu trong lớp nên thường động viên và ủng hộ con.
Đôi khi cháu gặp một vài “ca khó” chẳng hạn như bảo bạn không nghe, tôi lại tư vấn cho con. Tôi vui vì thấy cháu nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của người lãnh đạo lớp không vì bất cứ một mục tiêu vật chất nào, mà là vì đam mê, vì tình yêu và tính cam kết của cháu với lớp, với cô, với trường.
Sự vất vả hay trách nhiệm trong vai trò lớp trưởng của cháu, tôi lại thấy rằng đây chính là cơ hội cho cháu phấn đấu và rèn luyện sự tự lập, tinh thần trách nhiệm, tính cam kết, tính chuyên nghiệp, tính linh động trong xử lý tình huống… cho cháu sau này.
Tôi không muốn con sau này nằm trong nhóm lớp trẻ chỉ làm việc vì tiền mà không vì tình yêu và đam mê. Vì điều này có thể sẽ làm cháu mất đi cơ hội trở thành người lãnh đạo đầy nhiệt huyết.
Việc trả lương cho trẻ để đảm nhận một vị trí nào đó quá sớm có thể hình thành cách tư duy “làm vì tiền”. Điều này có thể trở thành rào cản thay vì là cơ hội phát triển về năng lực và nhân cách của các cháu sau này.
TRẦN MINH HƯƠNG (Mẹ của Minh Như)