7 thg 2, 2015

Có nên trả lương cho lớp trưởng?


Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Đây là một công việc đầy áp lực như chúng ta có thể đọc được qua tâm sự của chính các em đang giữ vai trò làm lớp trưởng:
- Áp lực từ phía thầy cô (phải bảo đảm lớp học tuân thủ nội quy và tham gia tốt các phong trào, nếu không có thể bị khiển trách, phạt),
- Áp lực từ phía bạn bè cùng lớp (phải luôn là người dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, phải đương đầu với sự chống đối từ tập thể và đôi khi cả sự đố kỵ, ghen ghét).
Vì sao chúng ta đặt một em học sinh trong tập thể vào vai trò khác biệt như thế chỉ để giúp đỡ giáo viên bớt áp lực quản lý lớp?
Vì sao chúng ta đặt một em học sinh vào sự kỳ thị của tập thể lớp chỉ vì nghĩ rằng chính các em có thể hiểu và “trị” nhau tốt hơn chúng ta?
Việc trả lương có làm cho các em bớt các áp lực sẵn có hay không, hay lại đặt thêm áp lực của người được trả tiền để làm việc vào các em quá sớm?
Hay sẽ tạo ra một thế hệ làm việc vì tiền chứ không hẳn là làm việc vì tinh thần trách nhiệm và đam mê?
Những câu hỏi này cần rất nhiều tranh luận và phản biện để có thể có câu trả lời rõ ràng.
Từ góc độ của một phụ huynh, với mong muốn trường học là nơi con mình được trải nghiệm đa dạng về kiến thức, kỹ năng sống và thái độ sống, tôi đề nghị chúng ta nên nhìn nhận lại việc tạo ra vị trí lớp trưởng và ai nên là người tham gia vào vị trí đó.
Lớp trưởng, chính xác là một người trưởng nhóm, có khả năng lãnh đạo một tập thể làm những việc cụ thể theo một định hướng nào đó với những cách thức sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm lý sinh lý của lứa tuổi các em chứ không nên rập khuôn theo việc người lớn (ở đây là giáo viên) chỉ đạo gì thì làm nấy. (Những người lãnh đạo thành công trong xã hội đa số dựa trên sự sáng tạo chứ không dựa trên công thức hoặc lối mòn).
Khi lựa chọn một cá nhân làm lớp trưởng trong suốt một năm học (và thậm chí có những em làm lớp trưởng chuyên nghiệp suốt 12 năm đi học), nghĩa là chúng ta đã tước đi cơ hội được trải nghiệm làm thế nào để lãnh đạo người khác của cả một tập thể còn lại.
Ngược lại, chúng ta cũng tước đi quyền được là một học sinh bình thường được phép phạm sai lầm, được phép nghịch phá như các bạn cùng độ tuổi… của em học sinh được chọn làm lớp trưởng đó.
Như vậy có phải chúng ta vô tình tạo ra sự mất công bằng ngay trong môi trường giáo dục nơi chúng ta luôn đề cao tính bình đẳng của các em hay không?
Chúng ta yêu cầu bình đẳng từ quần áo giày dép cặp sách bút viết tập vở, trường nào cũng có đồng phục riêng, những quy định về cặp sách giày dép tập vở riêng mà lại bỏ qua bình đẳng về quyền được trải nghiệm của các em.
Như vậy thực tế chúng ta chỉ mới cố gắng bình đẳng về mặt hình thức chứ chưa thực sự công bằng về “chất” đối với các em.
Thay vì chỉ định một em học sinh nổi trội về mọi mặt giữ vị trí lớp trưởng trong suốt năm học với chủ đích làm giúp việc cho giáo viên, tại sao chúng ta không cho các em luân phiên làm lớp trưởng với chủ đích cho các em cơ hội được đặt mình vào vị trí lãnh đạo?
Việc luân phiên làm lớp trưởng sẽ tạo ra môi trường bình đẳng và thấu hiểu cho tập thể lớp.
Bất kỳ bạn nào trong lớp cũng đều trải qua những ngày làm quen với việc giúp lớp học của mình nề nếp, trật tự, bất kỳ bạn nào cũng trải qua cảm giác bất lực khi mình không điều khiển được các bạn khác, cảm giác vui mừng và tự hào khi cả lớp được khen dưới sự điều khiển của mình và sự hưởng ứng của các bạn.
Bất kỳ bạn nào cũng hiểu rằng sẽ có một ngày mình sẽ giữ vị trí đó, và khi gặp khó khăn trong thời gian giữ vị trí đó, sẽ nhớ lại những cách làm hay của các bạn đã làm lớp trưởng trước mình để áp dụng, bất kỳ bạn nào cũng phải có thời gian phải động não, phải sáng tạo để điều khiển tập thể theo ý mình.
Và như vậy, khi ở vai trò là một học sinh bình thường, bất kỳ bạn nào cũng hiểu được những khó khăn của bạn đang ở vai trò lớp trưởng (vì mình cũng đã trải qua) và sự hợp tác giữa các em sẽ tốt hơn.
Nếu áp dụng hình thức luân phiên làm lớp trưởng trong suốt 12 năm học, ít nhất mỗi em học sinh sẽ có được 12 tuần trải nghiệm làm lớp trưởng và chắc chắn những trải nghiệm này sẽ có ích cho các em trong việc thiết lập quan hệ với những người xung quanh, xử lý các mối quan hệ, xử lý các vấn đề trong tập thể.
Vị trí lớp trưởng nên là một “cửa ải” rèn luyện thêm kỹ năng cho các em chứ không nên là một vị trí đầy áp lực và đôi khi đi kèm với đặc quyền đặc lợi.
Nếu chúng ta mong muốn giáo dục làm đúng sứ mệnh đào tạo con người và hình thành nhân cách, thì nên thay đổi cách nhìn nhận về vị trí lớp trưởng và vai trò của nó trong nền giáo dục, đừng nên tiếp tục tạo ra một tầng lớp học sinh phải chịu áp lực “danh lợi” quá sớm.
Hãy để “lớp trưởng” là một nhiệm vụ ai cũng được làm, phải làm, giống như hoạt động trực nhật vệ sinh lớp học, để ai cũng từng là lớp trưởng, và học được nhiều bài học thực tế từ kinh nghiệm làm lớp trưởng của chính mình và từ các bạn. 
Lập Xuân- TTO - 

Vị trí lớp trưởng: sao không luân phiên để tạo công bằng?

07/02/2015 20:44 GMT+7

Tin liên quan

-------------------------------------------------

Lớp trưởng không phải là "của nợ"

07/02/2015 08:10 GMT+7
TTO - Một học sinh lớp 7, từng có 5 năm làm lớp trưởng tâm sự như vậy trong một bài viết gởi TTO, ngay sau bài Trả "lương" cho... lớp trưởng ( đăng trên Tuổi Trẻ 6-2).
Minh Như (ngồi giữa hàng ngồi đầu tiên) cùng các bạn lúc học ở trường THCS Lê Lợi (Tân Phú, TP.HCM)
Em không thể nào quên được cái cảm giác “trách nhiệm nặng nề” trong suốt  5 năm làm lớp trưởng.
Mỗi ngày, khi tiếng trống trường vang lên, em phải dùng cái giọng nhỏ bé của mình để hô hào các bạn tập trung thành xếp hàng giữa cái sân trường cả ngàn học sinh náo nhiệt tiếng cười đùa, hoặc phải cố gào lớn hơn giọng của 40 học sinh đang ồn ào quậy quá trong lớp để yêu cầu giữ trật tự mà không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào.
Là lớp trưởng, em phải là người học giỏi nhất nhì lớp, không được phép không thuộc bài để làm gương cho các bạn. Lớp trưởng cũng luôn phải là người tiên phong các hoạt động lớp, Đội, Liên Đội… để phổ biến các hoạt động của trường, lớp và thuyết phục các bạn tham gia.
Những buổi trưa, khi các bạn chìm vào giấc ngủ cũng là lúc em phải tranh thủ chạy xuống phòng truyền thống luyện tập nghi thức Đội hoặc phải học thuộc bài trên lớp lẫn 400 câu lý thuyết Đội. Khi có những “sự cố động trời” do các bạn trong lớp gây ra, lớp trưởng là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nhưng làm lớp trưởng cũng chính là một động lực lớn để em luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân trong mọi mặt. Lớp trưởng cũng chính là con chim đầu đàn, là người dẫn dắt cho cả lớp đạt thành tích cao.
Khi lớp đạt thành tích tốt, lớp trưởng là người được tuyên dương đầu tiên. 5 năm làm lớp trưởng đã hình thành cho em thói quen “dẫn đầu,  làm gương” trong việc học tập ở trường, chơi với nhóm bạn, cũng như dạy em nhỏ ở nhà.
Cái chức lớp trưởng không phải là một “của nợ”!
Theo em, nếu được trả lương, sẽ nảy sinh trường hợp lớp trưởng sẽ làm việc như một cái máy, làm chỉ để được giảm nửa số tiền học phí mà không thực hiện trọng trách của một lớp trưởng bằng trái tim.
Sự đố kị, ganh ghét giữa các bạn trong lớp sẽ xảy ra và ai cũng mong muốn mình được nhận vai trò lớp trưởng cho dù bạn ấy có năng lực hay không. Lúc ấy, trong lớp sẽ rất hỗn loạn, không theo nề nếp, quy củ vì ai cũng nghĩ “việc gì em phải ngoan ngoãn hay làm tốt để bạn ấy được tiền”
Theo ý kiến của riêng em, không trả lương cho lớp trưởng mà nên tưởng thưởng bằng những món quà có giá trị tinh thần. Em nghĩ chúng ta nên đưa ra những ý kiến hay hơn như là: trao phần thưởng tuyên dương cho lớp trưởng nào hoàn thành nhiệm vụ trong tuần xuất sắc…
Người lớn thường quan trọng hoá vấn đề, nhưng thực ra, đối với học sinh chúng em, phần thưởng ý nghĩa đơn giản chỉ là những lời khen thưởng, những cuốn tập, cây viết dễ thương hay những món quà lưu niệm xinh xắn… đã là một nguồn động viên có giá trị lớn lao rồi.
Hình thành tư duy "làm vì tiền"
Cũng là lãnh đạo của một công ty, nhưng nhiều khi, tôi lại cảm nhận sự lãnh đạo học sinh khó hơn rất nhiều, vì ở lứa tuổi học trò, các cháu vốn rất thích nghịch ngợm và ít muốn nghe lời bạn đồng trang lứa.
Mỗi khi tôi đến trường cháu, tôi lại cảm thấy rất xót con khi thấy các cháu lớp trưởng, chi đội trưởng… phải ra sức hò hét để giữ trật tự trong một môi trường tiếng ồn như ong vỡ tổ…
Và sự thực là, con gái tôi đã luôn bị khàn giọng trong mùa học, trừ khi được nghỉ Tết hoặc nghỉ hè, giọng cháu mới trong trở lại…
Tuy thấy con vất vả, nhưng trong suy nghĩ tôi chưa bao giờ mảy may có ý nghĩ rằng: nhà trường “nên trả công” cho lớp trưởng - con gái mình.
Tôi thấy cháu yêu thích công việc của người dẫn đầu trong lớp nên thường động viên và ủng hộ con.
Đôi khi cháu gặp một vài “ca khó” chẳng hạn như bảo bạn không nghe, tôi lại tư vấn cho con. Tôi vui vì thấy cháu nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của người lãnh đạo lớp không vì bất cứ một mục tiêu vật chất nào, mà là vì đam mê, vì tình yêu và tính cam kết của cháu với lớp, với cô, với trường.
Sự vất vả hay trách nhiệm trong vai trò lớp trưởng của cháu, tôi lại thấy rằng đây chính là cơ hội cho cháu phấn đấu và rèn luyện sự tự lập, tinh thần trách nhiệm, tính cam kết, tính chuyên nghiệp, tính linh động trong xử lý tình huống… cho cháu sau này.
Tôi không muốn con sau này nằm trong nhóm lớp trẻ chỉ làm việc vì tiền mà không vì tình yêu và đam mê. Vì điều này có thể sẽ làm cháu mất đi cơ hội trở thành người lãnh đạo đầy nhiệt huyết.
Việc trả lương cho trẻ để đảm nhận một vị trí nào đó quá sớm có thể hình thành cách tư duy “làm vì tiền”. Điều này có thể trở thành rào cản thay vì là cơ hội phát triển về năng lực và nhân cách của các cháu sau này.
TRẦN MINH HƯƠNG (Mẹ của Minh Như)

2 nhận xét: