“Hàng chục ngàn người đã tập trung tại cầu Thủ Thiêm, ven sông Sài Gòn (Q.2), khu vực Bến Vân Đồn (Q.4)... để theo dõi màn bắn pháo hoa được kỳ vọng "độc nhất từ trước đến nay" trong thời khắc bước sang năm mới 2015”.
Đó là thông tin xuất hiện trên các trang mạng trong thời khắc đầu năm mới.
Thế nhưng, điều đáng nói, sau màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa, sau khi người xem đã giải tán, thì còn lại trên mặt đất, trên cầu, trên bờ, trên bến… là một lượng rác khổng lồ. Khổ cho lực lượng công nhân vệ sinh môi trường phải còng lưng làm việc từ 1 giờ ngày 1.1 cho tới sáng, để kịp trả lại một mặt bằng sạch sẽ, không rác bẩn cho thành phố. Những công nhân vệ sinh chuyên dọn rác thải ấy, họ không hề kêu ca vì đó là công việc của họ, nhưng người ngoài đi qua chợt thấy xót lòng.
Lẽ ra, nếu trong hàng vạn người xem lễ hội pháo hoa ấy, ai cũng có ý thức không xả rác bẩn tại nơi mình đứng hay ngồi, thì sẽ đỡ biết bao công sức cho những người quét rác. Thành phố sạch sẽ một cách tự nhiên hơn, và mỗi công dân cũng không phải áy náy vì đã “chuyển rác” cho người khác dọn.
Lại nói, mỗi kỳ nghỉ lễ hay nghỉ tết kéo dài ngày, người thành phố thường lên đường rời xa phố phường về những nơi du lịch hay nghỉ dưỡng để tận hưởng bầu không khí an lành, môi trường không ô nhiễm, thức ăn tươi và ngon. Nhưng rồi, cũng giống như khi tụ tập trên cầu Thủ Thiêm hay bờ sông Sài Gòn, sau khi họ rời những nơi du lịch hay vui chơi, cái họ để lại nhiều nhất vẫn là... rác thải. Dĩ nhiên là thải ngay trên mặt đất, chứ không phải trong các thùng rác. Đây thực ra là vấn đề ý thức ở một xã hội văn minh, nó phải được giáo dục lâu dài và kiên nhẫn.
Như chúng ta biết, có một cường quốc là láng giềng của chúng ta, kinh tế phát triển, lượng người du lịch nước ngoài rất lớn, nhưng những điều xấu mà người khách nước họ để lại ở các nước mà họ tới du hí cũng lớn không kém. Vẫn là chuyện xả rác, ồn ào to tiếng ở những nơi cần âm lượng nhỏ, và cãi vã. Thậm chí, hắt cả nước nóng vào mặt tiếp viên hàng không nước sở tại vì... không hài lòng. Tất cả những điều ấy đã khiến nhiều quốc gia bỗng dưng... sợ khách du lịch của cường quốc kinh tế trên. Giàu chưa hẳn đã là sang. Và bỏ rác thải vào thùng rác chẳng hề là việc khó nhưng không phải ai cũng làm được.
Singapore đã kiên trì trong rất nhiều năm để người dân đảo quốc mình và người du lịch tới Singapore ý thức việc bỏ rác thải vào đúng nơi. Kèm với sự kiên nhẫn giáo dục là những biện pháp chế tài, thậm chí phạt nặng những ai vi phạm. Và Singapore đã thành mẫu hình của một quốc gia văn minh, có văn hóa.
Tấm gương không mấy tốt đẹp từ khách du lịch của quốc gia láng giềng, và từ chính chúng ta, đã cảnh báo cho chúng ta về “bài học rác thải” đó.
Thanh Thảo