BÀI LÀM VĂN SỐ 1:
Cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống
(Hoặc một tác phẩm văn học)
Đề 3: Cảm nhận của anh/chị về
CÂU CHUYỆN HÒN ĐÁ XÙ XÌ
(Trích SGK Ngữ văn 10 tập 1, trang 63,64)
|
BÀI LÀM
Ông
bà ta có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đúng như thế, để đánh giá một vật ta
không chỉ nhìn vào sự hào nhoáng, vẻ bề ngoài mà ta phải xem xét về công dụng,
lợi ích mà vật đó đem lại. Và đó cũng là bài học mà tôi đã rút ra từ câu chuyện
“Hòn đá xù xì” được viết bởi tác giả Giả Bình Ao – một nhà văn tinh thông về
văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Câu chuyện kể về một hòn đá xấu xì, không ra một hình
thù nào cả, cũng chẳng có công dụng gì cho người đời. Hòn đá luôn bị mọi người
trong làng chê bai ghét bỏ. Thế nhưng có thể sẽ không ai biết rằng ẩn sâu trong
vẻ bề ngoài xấu xí của hòn đá là một sự vĩ đại vô cùng cho đến khi nhà thiên
văn tới. Chính hòn đá ấy đã từng vá trời, từng tỏa nhiệt và ban phát ánh sáng
cho mọi người. Sau khi biết được điều đó, mọi người trong làng ai cũng vô cùng
xấu hổ và còn oán trách tại sao hòn đá lại im lặng và chịu đựng bấy lâu nay. Từ
câu chuyện ta có thể thấy được hòn đá tuy xấu xí nhưng chúng ta không nên xem
thường nó chỉ vì vẻ bề ngoài vì có thể ta sẽ phải bất ngờ trước sự vĩ đại của
nó.
Đôi
khi, chúng ta thật ngốc nghếch khi chỉ nhìn nhận vẻ bề ngoài, so sánh mọi thứ
với nhau rồi đánh giá chúng mà không biết rằng ẩn sâu trong từng cá thể là một
nét đẹp đặc biệt, sự vĩ đại vô cùng. Cũng như hòn đá xấu xí kia, không thể làm
những việc bình thường như xây tường, lát bậc, cũng không ra một hình thù đẹp
đẽ nào cả. Có lẽ vì thế mà hòn đá ấy luôn bị mọi người trong làng chê bai, ghét
bỏ, ngay cả hoa cũng không mọc trên mình nó. Kể cả khi cho hòn đá ấy thì cũng
không ai nhận, thế nhưng mặc dù nhận bao nhiêu sự ghét bỏ của mọi người nhưng
nó vẫn im lặng chịu đựng mà không ai biết rằng đó là một hòn đá rơi từ vũ trụ. Cho
đến khi nhà thiên văn đến ngôi làng, điều đó đã thay đổi hoàn toàn số phận của
hòn đá cũng như cách nhìn của mọi người xung quanh đối với nó. Một hòn đá xấu
xí, vô dụng chẳng thể làm được việc gì, ấy thế mà mấy trăm năm trước, chính nó,
chính hòn đá ấy đã vá trời, đã từng tỏa nhiệt và ban phát ánh sáng cho tổ tiên,
không những thế nó còn đem lại lòng ngưỡng mộ và cả sự ước ao nữa. Đó là những
điều mà mọi hòn đá thông thường chẳng thể nào làm được. Khi biết được điều đó,
ai ai trong làng cũng đỏ mặt, xấu hổ vì mình đã quá xem thường hòn đá cũng như
oán giận tại sao nó lại im lặng chịu đựng bấy lâu nay. Qua đó tác giả cũng muốn
nhắn nhủ với chúng ta rằng không nên xem thường người khác chỉ vì vẻ bề ngoài
của họ và chúng ta cũng đừng bao giờ so sánh mình với người khác mà quên mất
rằng chúng ta vốn dĩ đã vô cùng đặc biệt, vì chúng ta không cần giống bất kì
ai.
Từ
câu chuyện “Hòn đá xù xì” hình ảnh hòn đá đã được tác giả ẩn dụ tượng trưng cho
các tầng lớp thấp trong xã hội cũng như những con người bần hèn luôn bị mọi
người chê bai. Bằng nghệ thuật ẩn dụ tác giả đã cho chúng ta thấy rằng mặc dù
bị mọi người chê bai nhưng họ chỉ biết im lặng và nhẫn nhịn. Cùng với việc sử
dụng các hình ảnh đối lập đã cho thấy đây không phải là một hòn đá xấu xí, vô
dụng không có giá trị mà nó chính là hòn đá từ vũ trụ rơi xuống, chính điều đó
đã làm cho hòn đá trở nên khác biệt so với các hòn đá thông thường. Và với sự
xấu xí của nó, tác giả đã viết “nó lấy xấu làm đẹp”, đúng như thế đó là nét đẹp
riêng của một hòn đá rơi từ vũ trụ -một hòn đá “độc nhất vô nhị”.
Qua
đó, ta cũng đã thấy được tính hiện thực của câu chuyện trong cuộc sống. Một
cuộc sống bất công của sự phân chia giai cấp, địa vị trong xã hội. Những người
nghèo khó nhưng có tài lại không được mọi người công nhận và đối xử bất công. Tác
giả cũng đã rất sáng tạo khi sử dụng hình ảnh hòn đá để phản ánh thực trạng của
cuộc sống đầy bất công đó.
Câu
chuyện “Hòn đá xù xì” của Giả Bình Ao quả là một câu chuyện giàu ý nghĩa cho
thấy rằng chúng ta không nên đánh giá người khác chỉ vì vẻ bề ngoài mà hãy đánh
giá thông qua tư cách, đạo đức và tâm hồn của họ. Bởi vì trong cuộc sống có
những sự vật, sự việc tưởng chừng như bỏ đi nhưng lại vô cùng quan trọng. Đó
cũng chính là điều mà tác giả muốn nhắn nhủ tới mọi người.