10 thg 3, 2016

Chọn nghề

Xin lỗi ba mẹ, con sẽ tự chọn ngành học!

Xin lỗi ba mẹ, con sẽ tự chọn ngành học!
Lựa chọn nghề nghiệp là một quyết định quan trọng và sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời con. Con cảm ơn ba mẹ, nhưng cho con được thực hiện quyết định của chính mình: con sẽ không học ngành công an! Thưa ba mẹ, đừng bắt con phải sống chung suốt đời với điều mà con không thích.
Hãy để con cái được quyết định hướng đi của cuộc đời mình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hãy để con cái được quyết định hướng đi của cuộc đời mình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thưa ba mẹ, còn hơn mười ngày nữa là thời hạn nộp đơn xét tuyển đại học kết thúc. Con vẫn đang phân vân giữa hai con đường: tuân theo sự sắp đặt của ba mẹ; hoặc quyết định chọn ngành mà con thích và con cảm thấy mình đủ năng lực để theo đuổi.
Đó là một lựa chọn khó khăn. Ba mẹ, ông bà, cô chú luôn khuyên con theo học ngành công an. Ở quê mình, ai cũng cho rằng đó là một ngành có giá và quả thực con cũng thấy thế. “Người ta bỏ cả đống tiền để chạy vào công an trong khi con lại có điều kiện được học đại học cảnh sát, tại sao lại dại dột bỏ qua cơ hội?”, cô ruột vừa hỏi vậy và con đã không biết trả lời thế nào. Ông bà còn đưa ra dẫn chứng, có chị trong làng vừa tốt nghiệp đại học cảnh sát, về làm ở đồn gần cửa khẩu cách nhà chừng 150 cây số. Chỉ sau hai năm mà chị ấy đã có thể đem tiền về giúp gia đình, lại còn góp vào quỹ xây nhà thờ họ; trong khi nhiều bạn cùng trang lứa đã đỗ đại học rồi vẫn còn nằm nhà dựa dẫm cha mẹ hoặc làm những công việc trái ngành học. Chưa kể lúc đi học, chị ấy không khiến gia đình tốn một đồng học phí, tiền ăn ở. Gia đình chị ấy rất tự hào; họ tộc, làng xóm cũng cứ lấy đó mà noi theo.
Ở quê mình, nhiều gia đình hướng con em đi theo ngành công an bởi nhiều lý do. Thứ nhất là học khỏi tốn tiền. Mọi thứ đã có nhà nước lo. Thứ hai là ra trường khỏi phải đi xin việc. Trong bối cảnh mà ở quê có rất nhiều anh chị tốt nghiệp đại học, cao học vẫn không kiếm được việc làm; một vị trí giáo viên ở trường tiểu học thì có tới mấy chục hồ sơ nộp vào, có nơi chạy một chân công chức mất cả trăm triệu đồng, thì công an trở thành một lựa chọn sáng giá. Thêm vào đó, đa phần các anh chị ở quê mình chọn ngành công an sau khi ra trường có thu nhập nói chung là cao. 
Học và làm một ngành mà con thích, con sẽ có được sự hứng thú tối đa để nỗ lực tiến lên. Học và làm một ngành mà con phải miễn cưỡng chấp nhận, sự hứng thú trong con sẽ sụt giảm nhiều.
Con hoàn toàn hiểu rõ rằng, hướng con vào ngành công an là ông bà, ba mẹ và các cô các chú rất thương con, muốn con có một tương lai ổn định, không bấp bênh. Là một đứa con ngoan, con rất muốn tuân theo định hướng nghề nghiệp mà ba mẹ, và ông bà, cô chú đã sắp đặt. Nhưng xin cho con một lần được cãi lời ba mẹ, để thực hiện quyết định của chính con, để được sống với chính mình. Con xin lỗi ba mẹ, nhưng con muốn nói rằng: con sẽ không học ngành công an!
Con xin trình bày lý lẽ của mình, mong ba mẹ hiểu.
Trước hết, đó là sở thích. Con thích học một ngành kinh tế. Con không thích học ngành công an. Khó có thể giải thích rạch ròi tại sao lại thích cái này mà không thích cái kia, bởi sở thích là một vấn đề rất cá nhân và cảm tính. Có lẽ một phần dẫn đến sở thích ấy là cái cảm giác khô cứng mà con có khi nghĩ về một nữ chiến sĩ công an. Con là một cô gái có phần mềm mại, con không thích đóng khung trong bộ cảnh phục, con cũng không thích đóng khung trong môi trường kỷ luật của công an, quân đội. Con thích tự do, bay nhảy, phát huy hết năng lực của mình trong một không gian rộng mở hơn, ở một tập đoàn đa quốc gia chẳng hạn. Ở đó có kỷ luật, nhưng trong hình dung của con là rất khác so với công an, quân đội. Con thích được va đập, cọ xát trong một môi trường quốc tế để ngày một cứng cáp hơn.
Con cũng muốn gửi đến các bậc làm cha làm mẹ một thông điệp về cách thương con. Thương con là hãy để con cái có quyền tự quyết định, lựa chọn những chuyện như hôn nhân, lập nghiệp. Đã qua rồi cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, ép con đi theo con đường mà cha mẹ nghĩ là tốt bằng kinh nghiệm của những người làm cha làm mẹ. Ý kiến của cha mẹ, ông bà… chỉ nên là ý kiến tư vấn, hướng dẫn và có tính tham khảo. Đừng bao giờ áp đặt sở thích cha mẹ lên lựa chọn của con cái. Đừng bắt con cái hướng tới tương lai bằng tầm nhìn của ông bà, cha mẹ.
Thứ hai và rất quan trọng, đó là con thấy mình đủ khả năng theo học tại một trường kinh tế ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Với mức điểm 26,5 khối D (cho 3 môn Toán, Văn, Anh chưa tính hệ số, điểm ưu tiên), con có thể nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào một trường công lập trung bình hoặc khá trong khối ngành này. Trong suốt thời gian phổ thông, con học rất tốt các môn tự nhiên như Toán, Vật lý, con có năng khiếu văn chương và học Anh văn rất giỏi. Tất nhiên khi vào đại học, môi trường sẽ khác, đòi hỏi sẽ cao hơn, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn nhưng con thấy rằng với quyết tâm, bản lĩnh và những gì mình đã đạt được đến nay, con sẽ tiếp tục phấn đấu để không thua em, kém chị.
Hướng đi của con là sau khi học tại Việt Nam, con sẽ kiếm học bổng toàn phần du học ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Đức... để mở mang kiến thức, tầm nhìn; sau đó trở về quê hương làm việc. Hướng đi này đáp ứng được ba tiêu chí mà con tự đề ra: đó là phù hợp với sở thích; phù hợp với năng lực; và cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, đó là một môi trường đầy thách thức và cởi mở sẽ giúp con trưởng thành hơn, điều mà con khó tìm được trong một môi trường như ngành công an.
Học và làm một ngành mà con thích, con sẽ có được sự hứng thú tối đa để nỗ lực tiến lên. Học và làm một ngành mà con phải miễn cưỡng chấp nhận, sự hứng thú trong con sẽ sụt giảm nhiều.
Thưa ba mẹ, lựa chọn của con không xuất phát từ việc con đánh giá cao ngành này mà hạ thấp ngành kia. Ngành nào cũng có mặt ưu, mặt khuyết. Công an, xét theo chức trách và nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho xã hội, là một ngành đáng trân trọng. Cán bộ chiến sĩ công an nhân dân, cũng xét theo tiêu chí trên, là những con người mang sứ mệnh cao cả. Trong cuộc sống, con cũng đã nghe và thấy bên cạnh hình ảnh xấu của một vài cá nhân là gương hi sinh, là chiến công của biết bao cán bộ chiến sĩ công an. Tuy nhiên, con đã không lựa chọn ngành này bởi những lý do mà con đã trình bày ở trên.
Qua đây, con cũng muốn gửi đến các bậc làm cha làm mẹ một thông điệp về cách thương con. Thương con là hãy để con cái có quyền tự quyết định, lựa chọn những chuyện như hôn nhân, lập nghiệp. Đã qua rồi cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, ép con đi theo con đường mà cha mẹ nghĩ là tốt bằng kinh nghiệm của những người làm cha làm mẹ. Ý kiến của cha mẹ, ông bà… chỉ nên là ý kiến tư vấn, hướng dẫn và có tính tham khảo. Không nên áp đặt sở thích cha mẹ lên lựa chọn của con cái. Đừng bắt con cái hướng tới tương lai bằng tầm nhìn của ông bà, cha mẹ. Hãy để con trẻ hướng tới ngày đó bằng tầm nhìn của tuổi trẻ, của những người vốn đang được hấp thu nhiều điều mới mẻ trong thời đại thế giới phẳng.
Thưa ba mẹ, con cãi lời ba mẹ về chọn ngành, nhưng con vẫn luôn là đứa con ngoan. Con sẽ luôn phấn đấu học giỏi, làm tốt các công việc mà sau này con đảm nhận. Và quan trọng nhất, con sẽ luôn là một người tử tế, đàng hoàng, dù cuộc đời có khó khăn gian khổ thế nào đi chăng nữa.
Thưa ba mẹ, đừng bắt con phải sống chung suốt đời với điều mà con không thích!
Trần Hồng Mỹ Vân*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìm của tác giả, một bạn trẻ vừa tốt nghiệp THPT ở Quảng Bình.

BẠN ĐỌC PHẢN HỒI (25 nhận xét)

Quang Anh

Còn một lý do đúng mà bạn chưa nêu: học gì cũng để làm người. Chị kia mới làm công an có vài năm mà đã có nhiều tiền thì đó không phải là những đồng tiền trong sạch.

Văn Chương

Con tôi năm nay vừa mới thi xong , điểm cũng kha khá ( trên 20 ) . Bây giờ hai cha con đau đầu về chọn ngành - chọn trường . Thời gian này thực sự là một " cuộc thi " . Tôi tôn trọng con , chỉ phân tích một số điều cần thiết để khi cháu học xong làm đúng nghề , tự lập được cuộc sống bản thân là hạnh... xem tiếp

Trinh

Đọc bài viết của em tôi thật sự cảm động. tôi tin em đã có suy nghĩ và hành động đúng và em chắc chắn sẽ thành công, chúc em sớm đạt được ước mơ !

Vinh Mạnh

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy lắng nghe lời con trẻ nè!

Kim Niệm

Tôi là một người mẹ, tôi từng áp đặt rất nhiều lên con cái cho tới khi đọc được bài viết này. Cảm ơn cháu. Chúc cháu đạt được ước mơ!

Tuti

Báo Thanh niên nên đăng nhiều những bài viết như thế này. Những người trẻ tuổi có những ước mơ, những khát vọng và cần tự tìm cho mình con đường đi đến thành công. Biết bao nhiêu thế hệ người Việt đã bị kìm hãm trong tư tưởng hủ nho kiểu phong kiến "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", "cá không ăn muối cá... xem tiếp

Nguyễn Văn Tuấn

Đây là một quan điểm rất chín chắn của một cô gái trẻ về định hướng nghề nghiệp, tương lai và hạnh phúc. Rất nhiều cha mẹ ở Việt nam hiện nay đã ép buộc con cái học những nghề rồi sau đó là làm những công việc mà chúng không thích, không có năng lực với mục tiêu duy nhất là có việc làm với thu nhập ổn... xem tiếp

Kỳ Duyên

Ủng hộ em Vân ơi! Mạnh mẽ lên. Hãy thuyết phục ba mẹ em nhé. Chúc em thành công!

Lê Thanh Trung

Cám ơn con ! có lẽ như vậy sẽ tốt hơn và ba, mẹ cũng muốn con sẽ vững tin với những gì con đã quyết định ! nhiều phụ huynh khi bắt con phải theo ý mình thì thường là họ có chút gì tự tin sẽ chạy chọt xin việc cho con mình khi học xong !

Minh Xuân

Em cũng rơi vào trường hợp y chang như bạn này. Bây giờ thì hồ sơ đã nộp rồi, biết làm sao?

Nguyễn Hòang Hải

Làm đơn xin hủy hồ sơ! Theo tôi hiểu kể cả học rồi sinh viên còn bỏ trường được, thì mới lỡ nộp hồ sơ có gì mà không xin hủy được.

BÌNH LUẬN

Gửi bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
  • Tối thiểu 10 chữ
  • Tiếng Việt có dấu
  • Không chứa liên kết

BÀI VIẾT CÁC TÁC GIẢ KHÁC

Rớt ĐH, còn hướng đi khác

Rớt ĐH, còn hướng đi khác
Không ít bạn trẻ khi nghe tin mình không trúng tuyển ĐH thì thấy mọi cánh cửa như khép lại, rơi vào trạng thái chán nản, thậm chí có suy nghĩ và hành động tiêu cực. Trong khi theo các chuyên gia, có nhiều con đường đi đến thành công. 
Nếu không trúng tuyển ĐH, học sinh vẫn còn nhiều hướng vào đời với các bậc học CĐ, TCCN... - Ảnh: Mỹ Quyên
Nếu không trúng tuyển ĐH, học sinh vẫn còn nhiều hướng vào đời với các bậc học CĐ, TCCN... - Ảnh: Mỹ Quyên
Kể lại câu chuyện về cậu con trai của mình học lực rất giỏi nhưng năm ngoái thi ĐH thiếu 2 điểm vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn N. (Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn còn nguyên cảm xúc: “Cháu học rất giỏi các môn toán, lý, hóa, đi thi về cháu cũng tin chắc rằng tổng điểm 3 môn phải đạt 26, 27 điểm. Thế nhưng khi xem đáp án của Bộ GD-ĐT, cháu phát hiện mình làm bị nhầm một số câu. Y như rằng cháu chỉ đạt 24 điểm. Không đậu vào trường ĐH mà cháu mơ ước từ bấy lâu, cũng không chịu xét nguyện vọng vào ngành y trường khác, cháu chìm đắm trong buồn chán, thất vọng khiến gia đình vô cùng lo lắng”.
Vượt qua thất bại
Suốt một tháng trời con trai của ông N. thu mình trong phòng, không muốn giao tiếp với ai. Được bố mẹ động viên, khích lệ, cuối cùng cậu đã vui vẻ trở lại, quyết định dành một năm làm nhiều việc mà cậu thích, sau đó sẽ thi lại để quyết tâm vào được trường y. Một năm qua, ngoài việc ôn luyện, con trai ông N. học đàn, chơi thể thao, tham gia các chuyến từ thiện, đi làm thêm... Hiện cả gia đình ông N. đang rất tin tưởng về kết quả thi của con trai.
Rớt ĐH, còn hướng đi khác - ảnh 2
Học ĐH cũng là một cách, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều đường đi khác, cánh cửa khác mở tới tương lai. Thị trường lao động đang theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, theo đó doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp
Rớt ĐH, còn hướng đi khác - ảnh 3
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM
Không hiếm những học sinh thi trượt ĐH rơi vào trạng thái tiêu cực nhưng không nhận được sự động viên của gia đình mà ngược lại còn bị gây thêm áp lực. Những học sinh này đã rơi vào trầm cảm, không thiết tha bất cứ việc gì.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Do bản thân tự kỳ vọng về mình và gia đình cũng quá kỳ vọng về việc con cái phải đậu ĐH nên vô tình các bạn trẻ phải chịu rất nhiều áp lực. Đến khi nghe tin mình không đậu, tất cả cùng rơi vào trạng thái “sốc”, xử lý không kịp sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ”.
Theo tiến sĩ Điệp, nếu rơi vào trường hợp này, bản thân bạn trẻ không nên tự dằn vặt mình mà hãy ra ngoài gặp gỡ chia sẻ với bạn bè, chơi thể thao, giải trí lành mạnh… Ngoài ra, cha mẹ phải thật bình tĩnh, biết chấp nhận và không nên trách móc, chì chiết con cái. “Hãy động viên, khích lệ để con lấy lại tinh thần, sau đó tìm hướng giải quyết phù hợp”, tiến sĩ Điệp nói.
Cơ hội việc làm ở mọi trình độ
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, chia sẻ: “Học ĐH cũng là một cách, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều đường đi khác, cánh cửa khác mở tới tương lai. Thị trường lao động đang theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, theo đó doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Do đó, trượt ĐH thì có thể học CĐ, trung cấp, nghề. Miễn là bạn phải thực sự giỏi ở nghề mình lựa chọn”.
Ông Tuấn cho biết, hằng năm tại khu vực TP.HCM cần khoảng 270.000 vị trí việc làm. Trong đó, trình độ ĐH chỉ chiếm 12%, CĐ 13% và trung cấp lên tới 35%. “Phụ huynh cần tin tưởng, động viên và tạo điều kiện cho con chọn một đường đi phù hợp với năng lực bản thân và gia đình. Mục tiêu của việc đi học cuối cùng cũng chỉ để tốt nghiệp có việc làm, dù đó là bậc ĐH hay trung cấp. Thị trường lao động rộng mở, cộng đồng ASEAN thành lập tạo rất nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao ở mọi trình độ, nhưng cần nhất vẫn là lực lượng lao động có tay nghề”, ông Tuấn thông tin thêm.
Hiện nay, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, trung cấp nghề luôn rộng cửa với rất nhiều ngành nghề mà nhu cầu tuyển dụng cao như du lịch, thiết kế, hàn, cơ điện tử, điện -điện tử... Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH, cho biết mức lương khởi điểm của một người tốt nghiệp trường nghề ở những ngành đang thiếu nhân lực là từ 5 triệu trở lên. “Có doanh nghiệp còn trả cao hơn tùy vào tay nghề, ngoại ngữ và thái độ làm việc của bạn”, ông Minh cho biết.
Đam mê, hết lòng học hỏi sẽ thành công
Ông Trần Thanh Long, Phó giám đốc khách sạn Oscar Sài Gòn, chia sẻ ông từng làm nhân viên bộ phận phòng tại khách sạn, thậm chí làm gác cổng, và trải qua rất nhiều vị trí khác nhau trước khi trở thành một người quản lý. “Tôi cũng biết có nhiều người không hề tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng như trưởng bộ phận nhà hàng, trưởng phòng tổ chức... Quan trọng là họ biết lựa chọn nghề nghiệp mình đam mê và hết lòng học hỏi, làm việc để vươn lên. Cơ hội thành công không phân biệt bạn học ĐH hay trung cấp”.
Mỹ Quyên

BÌNH LUẬN

Gửi bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
  • Tối thiểu 10 chữ
  • Tiếng Việt có dấu
  • Không chứa liên kết
Hãy chia sẻ ngay thông tin này với bạn bè 
  BÌNH LUẬN

1 nhận xét: