Thi TN THPT

Thi THPT Quốc gia 2015
-----------------------
1. Đọc hiểu không chỉ là một phần yêu cầu cơ bản, bắt buộc trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Nhiều sở giáo dục trên toàn quốc cũng xem đây là yêu cầu trọng tâm cho đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Thực tế cho thấy có kiến thức vững chắc ngữ văn tiếng Việt chưa đủ, mà để có được điểm tối đa cho câu hỏi này, cần có bí quyết làm bài hiệu quả.
Nắm vững 3 trọng tâm
Trong đề thi, câu đọc hiểu thuộc mức lượng giá nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp), mức điểm thường được tính là 3.
Ở mức nhận biết, đề thường yêu cầu chỉ ra văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nào, phương thức biểu đạt gì, thao tác lập luận nào, phép tu từ gì, lỗi gì về tạo lập văn bản...
Ở mức thông hiểu, câu hỏi thường yêu cầu xác định nội dung, chủ đề; bố cục, nội dung từng phần của văn bản; đặt nhan đề cho văn bản; nêu tác dụng của phép tu từ nào đó; hoặc trích một phần của văn bản và yêu cầu thí sinh nêu sự thông hiểu về nó...
Ở mức vận dụng thấp, đề thường yêu cầu trình bày trong một giới hạn về số dòng nhất định. Có nhiều cách hỏi về vận dụng: từ chủ đề của văn bản, thí sinh trình bày ý kiến bản thân liên quan đến chủ đề đó; trích một phần văn bản và yêu cầu hoàn thiện nó; hoặc yêu cầu đưa thêm những ý kiến riêng của bản thân ngoài quan điểm, chính kiến của tác giả văn bản…
Phân tích kỹ đề
Trước hết, phải đọc thật kỹ văn bản. Xác định số câu hỏi, số vế trong từng câu hỏi, mức điểm từng câu, từng vế. Chú ý các từ “những”, “các” trong câu hỏi bao giờ cũng phải trả lời từ 2 ý trở lên. Lưu ý nhan đề văn bản (nếu có), các ghi chú liên quan đến văn bản (như tác giả, nguồn, năm ra đời thường ở cuối văn bản). Xác định xem văn bản gồm bao nhiêu đoạn, bao nhiêu câu. Phân tích sự liên quan của các câu hỏi vì nhiều khi các câu hỏi sau là gợi ý phần nào để trả lời những câu hỏi trước...
Để làm tốt phần nhận biết, trước hết phải có kiến thức căn bản về nó. Phải có cách để phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Vì thực tế thí sinh thường lẫn lộn giữa các khái niệm (về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận...). Ví dụ, về phương thức biểu đạt: Nếu gặp một văn bản mà có đầu có đuôi câu chuyện, có nhân vật, có thể tóm tắt được thì đó là phương thức tự sự (kể chuyện). Tương tự, văn bản bày tỏ quan điểm, chính kiến cá nhân về các vấn đề xã hội, chính trị, tư tưởng là thao tác nghị luận. Các phương thức còn lại cần xác định như: giàu cảm xúc của người viết, gây xúc cảm mạnh cho người đọc là biểu cảm; làm cho đẹp đối tượng là miêu tả; làm cho rõ đối tượng là thuyết minh...
Câu hỏi nêu nội dung, chủ đề, xác định bố cục, đặt nhan đề cho văn bản... ở phần thông hiểu yêu cầu cao hơn. Đặt nhan đề phải đảm bảo các tiêu chí: đúng trọng tâm, ngắn gọn, hay. Cơ sở để đặt nhan đề là dựa vào chủ đề, hình tượng trung tâm, ý nghĩa hoặc phần ghi chú cuối văn bản nhưng không được đặt trùng tên với phần ghi chú... Xác định nội dung, chủ đề bằng nhiều cách: Dựa vào nhan đề (nếu có), hình tượng trung tâm của văn bản. Cách tìm hiệu quả nhất là chia văn bản ra nhiều phần, ghi chú các nội dung, sau đó gộp các nội dung ghi chú ấy thành đoạn văn chủ đề. Xác định bố cục ý cũng có nhiều cách: Dựa vào các đoạn (các phần) của văn bản; xác định số câu, tìm câu chủ đề của nhóm câu để chia ý thành nhiều đoạn.
Ở phần vận dụng thấp, có thể viết theo các ý gạch đầu dòng cho rõ ràng, càng nhiều ý càng tốt. Đối với yêu cầu viết thành đoạn văn, nên trình bày dài hơn yêu cầu một chút. Nếu đề trích một phần văn bản yêu cầu bày tỏ suy nghĩ thì lấy phần trích ấy làm phần chủ đề rồi triển khai thành đoạn cũng có 3 phần: mở đoạn - triển khai - kết đoạn.
2. Phần NLXH và NLVH tương tự  các dạng đề thi Đại học và cao đẳng năm 2014

3. Mức độ phân hóa điểm: 60% dạng đề có độ khó vừa phải, phù hợp với số đông để xét tốt nghiệp. 40% độ khó cao để phân hóa trình độ học sinh, phục vụ chủ yếu cho tuyển sinh đại học 
---------------------------------------------------------------------------------------
ÔN THI TỐT NGHIỆP MÔN VĂN 2014
Ngày đăng bài viết: 25/04/2014
Bộ giáo dục hướng dẫn "chiêu" ôn tập môn Văn thi tốt nghiệp năm 2014 theo hướng Đọc hiểu và tạo lập văn bản theo yêu cầu "mở"

Chốt cho thi tốt nghiệp

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã “thống nhất” với các đại diện của các Sở GD-ĐT trong cà nước một số nội dung cụ thể liên quan đến đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Ông Hiển cho biết “Sẽ không nói chuyện cấu trúc đề thi nữa. Không chấp nhận việc giáo viên đòi cấu trúc mà không biết ma trận đề là gì”.
Về hình thức đề thi, theo ông Hiển sẽ có phần đọc hiểu và phần viết, để đánh giá năng lực tổng hợp, kiến thức kỹ năng, cách sử dụng kiến thức kỹ năng trong cuộc sống của học sinh.
“Đề thi có 2 hay 3 câu hỏi không quan trọng. Nội dung nghị luận xã hội và nghị luận văn học có thể là hai câu riêng, nhưng cũng có thể là một câu, miễn là đáp ứng với ma trận đề.
Phần ngữ liệu đọc hiểu không lấy trong sách giáo khoa. Phần ngữ liệu này sẽ “vừa” với học sinh: Dài vừa phải, số lượng câu phức và câu đơn hợp lý, không có nhiều từ địa phương để học sinh cả nước đều có thể hiểu văn bản, cân đối giữa nghĩa đen và nghĩa bóng…
Với phần viết là câu hỏi mở, nhưng có chuẩn. Khó nhất là tư tưởng, đạo đức đến mức độ nào, còn thì vẫn có chân giá trị, giá trị sống để làm chuẩn” – đây là những thông tin về đề thi mà ông Hiển công bố.
Cũng theo ông Hiển, bài văn có hai giá trị: Giá trị thông điệp – nói thế nào để người khác hiểu được, và giá trị thứ hai là sự trong sáng của tiếng Việt - dấy chấm phẩy, câu cú, từ ngữ… Sau đó mới là cảm xúc, sự sáng tạo.
Trước những lo sợ về việc ra đề theo kiểu mới sẽ khiến đa phần giáo viên giáo viên không đủ năng lực chấm được bài văn của học trò, ông Hiển ví von “Qua sông thì phải luỵ đò, chưa qua đã sợ có ngày chết oan”.
“Giáo viên chưa biết ra đề, chấm đề mở thì sẽ tập huấn, bồi dưỡng để quen dần. Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu” – ông Hiển nhấn mạnh yêu cầu đối với việc kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn.
“Chiêu” luyện cho học sinh
Trước những băn khoăn của giáo viên văn cả nước vè việc ôn tập cho học sinh theo hướng ra đề mới, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, đã gợi ý giáo viên tập trung vào một số nội dung.
Về năng lực tiếp nhận văn bản - phần Đọc hiểu, theo ông Thống, thứ nhất là phải ôn cho học sinh thế nào là đọc hiểu văn bản: Nội dung chính, thông tin quan trọng, ý nghĩa của văn bản.
Thứ hai là phải hiểu từ ngữ, cú pháp, chấm câu, hình thức biểu tượng, ký hiệu ngôn ngữ… Ví dụ như hỏi một từ trong đoạn văn đó có ý nghĩa gì cũng là một cách kiểm tra đọc hiểu.
Thứ ba là nhận ra và thấy tác dụng của một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản, không chỉ là các biện pháp tu từ. Học sinh không chỉ phát hiện ra mà còn thấy được tác dụng của biện pháp nghệ thuật, cao hơn là nêu được ý nghĩa giá trị của văn bản đó chứ không chỉ nội dung chính.
Tiếp theo là ôn cho học sinh về kỹ năng đọc hiểu: Cách hiểu có đúng không, phương pháp hiểu văn bản.
Và hướng học sinh tới cảm xúc, cảm tưởng sau đọc hiểu văn bản.
Về phần tạo lập văn bản – phần Viết, ông Thống cho biết giáo viên cần chú ý ôn luyện cho học sinh trước hết phải có tri thức về văn bản - kiểu đoạn, cấu trúc, quá trình nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề bài.
Trang bị cho các em khả năng viết các loại văn bản phù hợp với đối tượng, tình huống giao tiếp. Viết để làm gì, viết cái gì, viết như thế nào.
Ông Thống nhấn mạnh: “Cho dù đề thi mở, khuyến khích sáng tạo nhưng vẫn có những nguyên tắc, quy chuẩn của văn chương trường ốc, có căn cốt của kỹ năng cơ bản. Không có đề mở nào mà đến mức độ viết lung tung được. Đề mở, nhưng là mở phù hợp với trình độ học sinh”.
- Theo vietnamnet.vn - 
-------------------------------------------
------------------------------------------
Các thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT về môn Ngữ Văn kể từ năm 2010
I. Thông tin chung
Phạm vi ôn trong chương trình Ngữ văn 12
Chú ý các bài Đọc-Hiểu Văn bản ở thể loại Thơ-Truyện-Ký-Tùy bút-Văn chính luận-Kịch-Nghị luận VH, Khái quát- Tác gia ( Không có câu hỏi riêng về các bài Tiếng Việt – Lý luận văn học – Văn bản nhật dụng)
Cách ôn: Ôn theo hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng môn Ngữ văn 12 ( hệ thống hóa chương trình vể cả kỹ năng và kiến thức)
Hình thức ôn: Tập trung, tự học, học nhóm, GV quan tâm đặc biệt với những HS Yếu, Nhà trường hỗ trợ dò bài HS …

II. Những vấn đề cần lưu ý
Câu 1: Kiến thức văn học

-Có thể ra ở phần VHNN hoặc VHVN , có thể ở phần tác giả hoặc tác phẩm

-HS cần đọc kỹ đề và làm theo yêu cầu đề một cách rõ ràng- đầy đủ-chính xác về chi tiết lẫn ý nghĩa khái quát.

Câu 2: Nghị luận xã hội

-2 kiểu bài: tư tưởng đạo lí và NL về hiện tượng đời sống ( trong đề có thể đưa ra 1 câu nói hoặc 1 câu chuyện àHS phải biết cách xác định luận đề)
-Các bước : (tối thiểu 6 đoạn)
1.MB : HS phải nhắc lại được yêu cầu đề ( luận đề và các thao tác chính)

2.GT: nghĩa đen, bóng, khái quát hoặc các biểu hiện , thực trạng liên quan đến luận đề

3.Bình: ý kiến của bản thân để khẳng định hoặc phủ định vấn đề hoặc nguyên nhân của thực trạng

4.Luận: bàn bạc, mở rộng, đào sâu,phê phán, bác bỏ…

5.Bài học nhân thức – PHHĐ của bản thân người viết hoặc đưa ra giải pháp…

6.KL:Nhắc lại đề / Khẳng định vị trí của vấn đề…

è Chú ý: lý lẽ phải đi liền với dẫn chứng và lập luận, phân tích DC

Câu 3: Nghị luận văn học- HS chỉ được chọn 1 trong 2 câu 3a hoặc 3b

Chú ý cấu trúc bài văn:

MB: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm ( xuất xứ, đề tài,hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng sáng tác…), yêu cầu đề
Giới thiệu chung: tùy theo đề mà vắn tắt về diễn biến,tình huống truyện, bối cảnh truyện hoặc giới thiệu nhân vật hoặc giải thích hướng làm bài…
Thân bài : phải có luận điểm rõ ràng, phù hợp với luận đề, dẫn chứng tiêu biểu và phân tích DC để làm rõ hơn luận điểm đang đề cập
Đánh giá chung: HS cần đánh giá được
+ Các biểu hiện liên quan đến vấn đề của đề bài

+ Nghệ thuật (h/ả , chi tiết, biện pháp NT, giọng điệu, cảm hứng chủ đạo.tình huống, kết cấu, cách thức tổ chức sữ dụng ngôn ngữ, cách thức xây dựng nhân vật, điểm mới mẻ của tác giả trong cách diễn đạt …)

+ Các vấn đế đang đề cập có vai trò như thế nào trong việc thể hiện Chủ đề tư tưởng của tác phẩm? Tác phẩm có những giá trị nhận thức, tư tưởng, tình cảm và triết lý như thế nào?...

Kết luận :… .

==> Chú ý phân tích, đánh giá về nghệ thuật trong bài NLVH

III. Thống nhất một số điểm về kỹ năng:


Hình thức, bố cục bài làm trình bày rõ ràng; chữ viết cẩn thận, sửa chữa có tính thẩm mỹ
Hệ thống luận điểm rõ ràng ( Luận điểm nên ở đầu đoạn,Thụt dầu dòng khoảng 2cm, hết 1 luận điểm phải xuống dòng…)
Trích dẫn thơ phải xuống dòng, dẫn chứng văn xuôi trực tiếp phải đạt trong “…” và viết liền với mạch văn
Học sinh phải thộc những bài thơ ngắn, những đoạn trích , câu thơ tiêu tiêu biểu trong tác phẩm thơ dài. Trong các tác phần văn xuôi cần nắm chắc các dẫn chứng tiêu biểu nhất để làm rõ đặc điểm nhân vật và hệ thống luận điểm chung của cả tác phẩm.
Không làm dấu hiệu lạ trong bài ...
---------------------------------------------
Để đạt điểm cao nhất
Thi tốt nghiệp THPT : Bí quyết đạt điểm cao

TT - Các giáo viên giàu kinh nghiệm chia sẻ cùng thí sinh cách làm bài đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra những ngày tới.

Cô Trần Thị Thanh Thủy (tổ trưởng tổ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM):
Môn văn: xác định đúng yêu cầu của đề

Đề thi môn văn có ba phần. Đối với phần câu hỏi giáo khoa, bài làm cần trình bày ngắn gọn, rõ ràng và không mắc lỗi diễn đạt. Câu nghị luận xã hội, muốn làm tốt phải xác định nội dung đề yêu cầu vấn đề gì. Bài làm phải giải thích đúng vấn đề được yêu cầu, biết phân tích, bình luận, mở rộng vấn đề. Phần dẫn chứng phải thực tế, có sức thuyết phục. Thí sinh cần diễn đạt chặt chẽ, bố cục bài làm rõ ràng, lý lẽ xác đáng.

Phần nghị luận văn học, quan trọng nhất thí sinh phải xác định đúng đề tài yêu cầu gì, thể loại gì, sau đó đi vào làm bài. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, rõ ý, bám sát yêu cầu của đề, trình bày dễ đọc.

Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM):
Môn lịch sử: nên có dàn ý bài làm

Với môn lịch sử, trước tiên thí sinh cần đọc kỹ đề, nắm rõ yêu cầu của đề, gạch dưới những cụm từ quan trọng trong đề, ghi ra giấy nháp những ý chính sẽ trả lời. Cần có dàn ý bài làm bên ngoài trước khi bắt đầu viết vào bài thi. Nếu không có dàn ý, bài làm sẽ dễ lan man, dễ lẫn lộn các sự kiện lịch sử, đặc biệt các sự kiện hội nghị, đại hội, chiến dịch.

Những sự kiện quan trọng cần được ghi đầy đủ, chính xác ngày, tháng, năm. Những sự kiện kém quan trọng hơn cố gắng ghi đúng năm. Khi làm bài thi môn lịch sử, thí sinh cần lưu ý các thuật ngữ chính trị, tên các tổ chức cần ghi chính xác.

Thầy Biện Văn Cư (GV môn hóa Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM):
Môn hóa: dễ trước, khó sau

Với môn hóa, cần bình tĩnh đọc lướt qua đề. Câu nào chắc chắn thí sinh làm trước, đặc biệt phần lý thuyết nên làm trước để có điểm cơ bản. Sau đó, đến phần bài toán, câu nào đơn giản làm trước, câu rắc rối làm sau. Nên làm bài theo nguyên tắc từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp. Không mất quá nhiều thời gian không cần thiết vào những câu quá khó với mình.

Có nhiều thí sinh mất quá nhiều thời gian tính phân tử lượng. Các vấn đề nguyên tử lượng, phân tử lượng ở đề trắc nghiệm cần làm nhanh. Nên học thuộc những phân tử lượng quen thuộc để làm bài nhanh, khỏi phải tính toán.

Thầy Trần Ngô (GV môn toán Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM):
Môn toán: đọc kỹ đề

Với môn toán, vẫn phải đọc kỹ đề và phân chia thời gian giữa các câu. Nên bắt đầu làm từ những câu dễ, những câu đã được ôn kỹ. Những câu này dù không khó nhưng cần làm cẩn thận, chắc chắn để không bị mất điểm. Kỹ năng tính toán số ở các bài hình học cũng cần làm chậm và kỹ, chỉ cần sai dấu hoặc thành phần tọa độ sẽ sai hết cả câu. Tóm lại, phần nào nắm chắc làm trước và phải làm chắc chắn để hưởng trọn điểm phần đó.

Đối với phần đề khó hơn, thí sinh nên chịu khó đọc kỹ đề. Lời giải đôi khi nằm ngay trước mắt mình nhưng bối rối, căng thẳng quá sẽ không tìm được hướng giải. Phần thời gian còn lại cuối giờ nên tận dụng tối đa để cố gắng tìm lời giải cho những câu khó đối với mình. Nếu cố gắng hết mình, thí sinh trung bình vẫn có thể đạt 6-7 điểm môn toán để bù điểm cho các môn khác.

Thầy Đặng Duy Định (tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM):
Môn địa lý: khai thác atlas

Để làm tốt bài thi môn địa lý cần nắm vững kiến thức cơ bản chương trình. Vào phòng thi, trước tiên thí sinh phải đọc kỹ yêu cầu (chứng minh, giải thích...) để thi để tránh lạc đề. Nếu đề ra dạng biểu đồ nhưng không nêu rõ biểu đồ gì phải cẩn thận định dạng chọn biểu đồ phù hợp. Lưu ý: khi vẽ biểu đồ cần ghi đủ các yếu tố liên quan: tên biểu đồ, ký hiệu, đơn vị... để tránh mất điểm.

Liên quan đến kỹ năng tính toán, để tránh mất điểm oan ức cần cẩn thận tính toán đúng số liệu, đơn vị. Đồng thời thí sinh cần có kỹ năng khai thác số liệu, hình ảnh thông tin trong atlas để làm bài tốt. Phần tự chọn trong đề thi, thí sinh nên đọc kỹ và chọn phần đề phù hợp nhất với mình, không làm cả hai phần đề tránh phạm quy.

Thầy Lê Thanh Tùng (tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM):
Môn tiếng Anh: thấy vừa sức làm ngay

Với đề thi tiếng Anh, thí sinh cần đọc từ trên xuống dưới, thấy câu nào vừa sức làm ngay. Câu nào chưa chắc chắn cần đánh dấu trên đề thi nhưng chưa làm trên phiếu làm bài. Sẽ trở lại giải quyết sau.

Phần đọc - hiểu trong đề thi tiếng Anh thường tương đối dễ kiếm điểm nhưng mất khá nhiều thời gian. Phần này có thể làm sau nhưng đừng để làm sau cùng. Khoảng giữa thời gian làm bài bắt đầu làm phần này là vừa. Sau đó, quay lại làm những câu chưa kịp làm. Cuối cùng cần kiểm tra, làm hết không bỏ sót câu nào trong phần đề chung và phần đề mình tự chọn. Nếu còn thời gian nên đọc lại bài để điều chỉnh phương án trả lời khi cần thiết.

Lưu ý: nên sử dụng bút chì 2B khi làm bài trắc nghiệm, không nên sử dụng bút chì 6B đậm quá, xóa không mất dấu. Nên tô câu trả lời kiểu vòng tròn đồng tâm từ ngoài vào trong để máy dễ nhận dạng.

PHÚC ĐIỀN ghi trên www.tuoitre.vn
---------------------------------------
Những điều không được phép... quên

TT - Nỗ lực của hàng triệu thí sinh trong cả nước sẽ được thể hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu từ ngày mai. Vì vậy, thí sinh không được để xảy ra những sơ suất không đáng có, làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Theo quy chế, thí sinh đến điểm thi trễ nhưng chưa đến giờ làm bài thi vẫn được phép dự thi. Tuy nhiên, đến trễ thí sinh sẽ không có được tâm lý bình tĩnh khi bước vào buổi thi.

Tránh đi trễ

Vì vậy, để tránh những rủi ro trên đường đi (tắc đường, mưa lũ), thí sinh cần tính giờ để có thể đến điểm thi ít nhất 15 phút trước giờ thi. Thí sinh cần đến điểm thi từ trước khi thi một ngày để biết rõ tuyến đường đi, địa điểm thi. Trong số những vật dụng phải mang theo đi thi, thí sinh không được quên thẻ dự thi. Thẻ dự thi không chỉ dùng để kiểm tra đối chiếu gọi thí sinh vào phòng thi, mà trên thẻ dự thi ghi rõ địa chỉ điểm thi giúp thí sinh không bị lạc đường, nhầm điểm thi.

Xin ý kiến rõ ràng

Theo đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, ở các kỳ thi trước đã xảy ra tình trạng thí sinh phát hiện đề thi của mình bị thiếu trang, thiếu nét nhưng không đứng lên hỏi giám thị mà hỏi thí sinh bên cạnh. Thí sinh này đã bị giám thị xác định vi phạm quy định phòng thi.

Vì vậy, để tránh hậu quả đáng tiếc, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục khuyến cáo nếu thí sinh thấy bất kỳ điều gì bất thường xảy ra trong thời gian thi, phải đứng lên xin phép hỏi hoặc thông báo cho giám thị một cách rõ ràng. Nếu không chấp hành điều này, thí sinh có thể sẽ bị ảnh hưởng đến kết quả thi.

Cẩn thận với điện thoại di động

Bộ GD-ĐT quy định thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ, tẩy chì, bút chì đen, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình - các vật dụng này không được gắn với linh kiện điện, điện tử, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ ghi nhớ, atlat địa lý Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành, không được viết thêm bất cứ nội dung gì.

Thí sinh mang vào phòng thi những vật dụng không liên quan đến việc làm bài, tài liệu, phương tiện thu phát thông tin, dù chưa sử dụng cũng bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt, trường hợp thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi, trong đó nhiều thí sinh không có chủ ý gian lận thi cử đều bị xử lý kỷ luật ở mức cao (đình chỉ thi).

Chú ý cách tô số báo danh

Thí sinh cần ghi nhớ việc ghi số báo danh trên giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm. Với môn thi tự luận, số báo danh của thí sinh được điền bình thường vào mục quy định trên giấy thi. Trường hợp thí sinh sử dụng hai tờ giấy thi trở lên, vẫn phải điền đầy đủ thông tin thí sinh, số báo danh trên từng tờ giấy thi. Nhưng ở môn thi trắc nghiệm, thí sinh bắt buộc phải ghi số báo danh với đầy đủ sáu chữ số (kể cả các số 0 ở đầu số báo danh nếu có).

Thí sinh sẽ phải viết số báo danh lên đầu các cột của khung số báo danh tại mục 9 của phiếu trả lời trắc nghiệm. Sau đó dùng bút chì tô kín sáu ô tương ứng với sáu chữ số ở đầu cột. Nếu số báo danh của thí sinh chỉ có năm chữ số, thí sinh phải thêm một số 0 ở đầu dãy số, bên trái. Tương tự nếu số báo danh của thí sinh có ba chữ số, thí sinh sẽ phải điền thêm ba số 0 ở bên trái dãy số.

Để đủ sức thi

Những ngày thi trùng với thời điểm thời tiết nóng bức khiến thí sinh dễ mệt mỏi. Bên cạnh chế độ ăn uống trước đó, thí sinh nên chú ý uống thật nhiều nước bằng cách lúc nào cũng mang chai nước theo bên mình. Tránh uống nước đá bên ngoài do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Mùa này thức ăn dễ bị ôi thiu, hư hỏng và bệnh đường tiêu hóa rất dễ xảy ra. Do đó, thí sinh cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với các em phải đi thi xa nhà bắt buộc phải ăn bên ngoài, lưu ý chọn mua những món ăn được nấu chín kỹ (cơm, xôi, bánh mì, hủ tiếu, mì, phở...), tránh ăn thực phẩm sống (phở tái, gỏi cá sống, trứng ốpla lòng đào, rau trộn, rau sống...); hạn chế các món nghêu, sò, ốc do có nguy cơ chứa các vi sinh vật gây bệnh; tránh mua sẵn thức ăn đã chế biến và để lâu nhiều giờ sẽ dễ bị ôi thiu (bánh mì thịt dưa chua, cơm và thức ăn...).

Đặc biệt, các bạn tuyệt đối không được bỏ ăn. Việc bỏ bữa hoặc ăn không đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết. Khi đó, cơ thể không cung cấp đủ năng lượng cho não và khối cơ nên các em sẽ bị hoa mắt, bủn rủn tay chân. Đầu óc không thể suy nghĩ hoặc tính toán gì được và hậu quả là chẳng thể làm được bài.

TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH
(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

---------------------------

Trường hợp được miễn thi và đặc cách
Đối tượng được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2011, bao gồm: người học lớp 12 được Bộ GD-ĐT triệu tập tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế (khu vực) các môn văn hóa, cả năm lớp 12 hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên; người học lớp 12 được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ có học lực từ trung bình trở lên; người khiếm thị học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi, được các cơ sở y tế và trường phổ thông nơi học tập xác nhận tình trạng khiếm thị.
Hai đối tượng được đặc cách: bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi, xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm ở lớp 12 đều từ khá trở lên; bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại với điều kiện điểm bài thi của những môn đã thi đều đạt từ 5 trở lên, học lực lớp 12 từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên.
Về các thí sinh tự do (TSTD), Bộ GD-ĐT có những lưu ý sau: Nộp phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh nơi cư trú, hoặc tại trường phổ thông nơi học lớp 12. TSTD không đủ điều kiện thi ở những năm trước do xếp loại kém về học lực ở lớp 12 phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường THPT nơi học lớp 12 hoặc nơi ĐKDT một số môn học có điểm trung bình dưới 5 sao cho khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định. TSTD không đủ điều kiện dự thi ở những năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm trong năm lớp 12 phải có xác nhận của chính quyền cấp xã về phẩm chất đạo đức và việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh, trật tự của địa phương nơi cư trú trong phiếu ĐKDT. TSTD bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2011 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp.
Những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình TS không có hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong hộ khẩu.