22 thg 3, 2010

Giàu có...

Hai đứa trẻ trong những chiếc áo cũ sờn rộng quá khổ người, co ro đứng trước cửa nhà tôi. Bên ngoài mưa lớn và gió mạnh.

“Bà có tờ báo cũ nào không, thưa bà?”, chúng hỏi. Tôi đang bận. Tôi muốn nói không. Nhưng tôi đã kịp dừng lại khi nhìn xuống chân chúng – những chiếc dép cũ kỹ, ướt nhẹp và dính đầy bùn.

“Hãy vào đi, tôi sẽ mang cho các cháu một ít coca nóng”.

Chúng bước vào. Không một lời đáp, không một câu trao đổi. Chúng đặt những chiếc dép sũng ướt của chúng bên trái lò sưởi. Tôi đem đến cho chúng coca, bánh mì và dăm bông. Hy vọng những thứ đó có thể "tăng nhiệt" cho cơ thể chúng. Sau đó tôi trở lại trong bếp với việc chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.

Sự im lặng ở phòng ngoài làm tôi tò mò. Cô bé gái cầm cái ly rỗng không trong tay, chăm chú nhìn. Cậu trai nhỏ nói với tôi khi tôi bước ra, bằng giọng nói vừa như chán nản lại vừa thư hâm mộ: “Bà thật là giàu có, thưa bà”.

“Tôi giàu à? Cám ơn, không!”, tôi ngạc nhiên, nhìn xuống chiếc áo khoác ngoài cũ kỹ của mình.

Cô gái nhỏ đặt chiếc ly không xuống khay, một cách cẩn thận.

“Những chiếc ly thật hợp với cái khay”, cô bé nói bằng một giọng từng trải nhưng với vẻ yếu ớt, dường như bao tử của nó vẫn còn rỗng.

Chúng đứng lên và bước ra ngoai, chống chọi với mưa lớn và gió mạnh bằng những tờ báo cũ. Chúng không nói cảm ơn. Tôi nhìn theo chúng, nghĩ, thật ra chúng không cần làm như vậy. Tôi nhìn những chiếc ly gốm và cái khay cũ cũng bằng gốm và nhớ lại lời cô bé vừa nói: Chúng xứng với nhau.

Tôi trở lại bếp, xem lại món khoai tây hầm và nướt sốt thịt, vừa làm vừa nghĩ: Tôi đang ở dưới mái nhà mình, không sợ mưa lớn hay gió mạnh, bên chồng và những đứa con, chúng tôi chuẩn bị ăn tối với món khoai tây hầm và sốt thịt vừa chín tới; tôi cũng có một nghề ổn định dù không thể kiếm được nhiều tiền từ đó - tất cả đều xứng với nhau.

Tôi mang những cái ghế mà hai đứa trẻ vừa ngồi ở gần lò sửa xếp trở lại phòng khách. Vết bùn từ những chiếc dép của hai đứa trẻ còn in lại bên lò sưởi. Tôi không lau. Tôi muốn giữ chúng ở đó, như một lời nhắc nhở tôi không bao giờ được quên: với những gì tôi đang có, so với 2 đứa trẻ, tôi là người giàu có. (Chickensoup)

Hôm qua, ngày mai và hôm nay ...

Ngày hôm qua đã qua rồi. Chúng ta không thể làm khác đi hành động đã làm, cũng như không thể rút lại lời đã nói. Ngày hôm qua đã trôi qua vĩnh viễn. Hy vọng bạn đã học được nhiều điều.

Ngày mai, với tất cả những rủi ro, trọng trách mà chúng ta không thể kiểm soát. Mặt trời ngày mai sẽ mọc. Dù rực rỡ hay bị che khuất bởi những áng mây, mặt trời sẽ vẫn mọc. Chúng ta không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra khi ngày mai chưa đến. Hy vọng bạn sẽ học được nhiều điều.

Còn lại một ngày, đó chính là ngày hôm nay. Chúng ta không thể sống ở ngày hôm nay mà cứ luôn hối hận về những lỗi lầm của ngày hôm qua hay mãi lo nghĩ cho ngày mai. Hãy sống cho hôm nay, tận hưởng từng phút giây có được. Đừng quên bài học từ ngày hôm qua và ghi nhớ ước mơ cho ngày mai. Hãy làm cho ngày hôm nay trở thành một ngày đáng nhớ. Bởi ngày hôm nay chỉ đến duy nhất một lần.

Hãy nói những lời yêu thương


Chuyện trong một lớp học. Một hôm, cô giáo đề nghị tất cả học sinh ghi tên những người bạn trong lớp của họ vào 2 tờ giấy, để một khoảng trống giữa mỗi hai cái tên. Sau đó, cô nói với họ rằng hãy nghĩ về những điều thú vị, đáng yêu nhất mà họ cảm nhận được về mỗi người bạn cùng lớp của họ, ghi những suy nghĩ ấy vào khoảng trống, dưới tên mỗi người, trong cả 2 tờ giấy. Sau khi tất cả đã hoàn thành, các học sinh rời khỏi phòng học, mỗi người một tờ giấy trên tay, tờ kia cô giữ.

Vài hôm sau, cô giáo đưa cho mỗi học sinh trong lớp một tờ giấy, ghi tên của họ, trong đó chép lại tất cả suy nghĩ của các bạn trong lớp về họ. Những thời gian sau đó, không khí trong lớp tràn ngập những nụ cười thân thiện: "Tôi thật không biết rằng tôi có ý nghĩa với người đó đến vậy", "Mình cũng không hề biết bạn ấy lại thích mình đến vậy"... Sau đó, không ai nhắc lại câu chuyện về những tờ giấy đó nữa. Rồi lớp học cũng kết thúc, giáo viên và học sinh chia tay nhau trong cả niềm vui hoàn thành khóa học lẫn nỗi bâng khuâng vì phải chia xa.


Vài năm sau, một trong số các học sinh của lớp học này bị hy sinh trong chiến tranh. Cô giáo đã đến dự lễ tang. Từ khi chia tay lớp học, cô chưa một lần gặp lại người học trò xấu số này - Mark. Hầu hết các bạn học cũ cũng về dự lễ tang anh ấy. Họ chầm chậm đi vòng quanh chiếc quan tài, một lần cuối nhìn người bạn từng một thời gắn bó với họ. Cô giáo cũng vậy. Khi cô đứng lại bên người chết, một người lính - từng là đồng ngũ của người chết, đến bên cô, hỏi: "Cô có phải là cô giáo dạy toán của Mark?". Cô đáp: "Vâng". Người lính nói tiếp: "Mark đã kể nhiều về cô".

Sau khi chôn cất Mark, các bạn cũ của anh đã tập trung nhau lại dùng bữa trưa. Cha mẹ của Mark cũng ở đó, họ chờ cô giáo. "Chúng tôi muốn cho cô xem vài thứ" - người cha nói và đưa cho cô một cái ví - "Người ta tìm thấy thứ này trong người Mark khi nó chết. Chúng tôi nghĩ cô có thể nhận ra nó". Mở chiếc ví ra, người cha cẩn thận lấy ra tờ giấy, được gấp nhiều lần, những nếp gấp đã sờn, chứng tỏ nó đã được mở ra nhiều lần. Không cần xem những dòng chữ trên đó, cô giáo nhận ra ngay đó là tờ giấy mà cô đã chép lại những điều tốt đẹp mà những người bạn cùng lớp đã viết về Mark. "Cảm ơn cô rất nhiều về việc làm này", mẹ của Mark nói, "Cô thấy đấy, Mark đã rất trân trọng nó". Lúc này, những người bạn cũ của Mark cũng đã tập hợp lại xung quanh họ. Charlie mỉm cười và ngượng ngập nói: "Tôi cũng vẫn giữ tờ giấy của tôi. Nó luôn nằm trong ngăn kéo bàn của tôi ở nhà, chỉ cần kéo ra là tôi có thể nhìn thấy nó". Vợ của Chuck cho biết: "Chuck đã yêu cầu tôi phải đặt nó trong cuốn album ảnh cưới của chúng tôi". Marylin: "Tờ giấy của tôi cũng còn đây, nó luôn nằm trong bóp của tôi".

Vicki lục trong cặp sách của cô, lấy ra chiếc ví và đưa cho mọi người xem tờ giấy đã cũ của cô: "Tờ giấy này luôn theo tôi, từ đó đến nay. Và tôi nghĩ tất cả mọi người chúng ta cũng đều như vậy". Không kìm được xúc động, cô giáo ngồi sụp xuống và khóc. Cô khóc cho Mark, khóc cho những người bạn của anh, vì họ sẽ không bao giờ còn nhìn thấy anh được nữa...

Trong cuộc đời mỗi con người, những cuộc gặp gỡ thật khó kể hết, đến nỗi chúng ta quên rằng cuộc sống sẽ kết thúc, một ngày nào đó. Chúng ta không ai có thể biết rằng cái ngày đó sẽ đến vào lúc nào. Vì thế, hãy nói với mọi người, những người mà bạn yêu thương và quan tâm, rằng họ rất quan trọng, rằng họ là một cái gì đó rất đặc biệt đối với bạn. Hãy nói với họ, trước khi quá trễ. Và cũng đừng quên rằng, bạn sẽ gặt được kết quả của những gì mà bạn gieo... (Chicken Soup)

Vượt qua chính mình

VƯỢT BẢN THÂN

Vượt bản thân là việc khá gian khổ. Thi lần đầu được chín điểm, lần này lại muốn được mười; vận động viên lần này đạt được mười giây, lần sau lại muốn chạy được chín giây chín; kỳ thủ năm nay đạt được danh hiệu "Kiện tướng", năm sau lại muốn đạt được danh hiệu "Đại kiện tướng". Vấn đề là học sinh đã đạt được mười điểm, vận động viên đã đạt được cực hạn của năng lực cơ thể con người, kỳ thủ sau khi đã đạt được danh hiệu tối cao thì làm gì nữa?

Những người đã đứng ở đỉnh cao đó, không thể leo lên đỉnh cao hơn ngoại trừ họ muốn ở lại đỉnh núi, còn không thì họ phải đi xuống. Hơn nữa, chúng ta cơ hồ có thể khẳng định: họ tất nhiên phải xuống vì lớp sóng sau đẩy lớp sóng trước. Không ai có thể trẻ mãi, không ai có thể chiếm hữu mãi tri thức mới nhất, không ai có thể giành thành công mãi.

Vì vậy mà mọi người nói: "Danh dự, thành tựu đều là gánh nặng khiến con đường sau đó càng khó đi hơn".

Vì vậy mà mọi người nói: "Trèo cao, ngã đau".

Vì vậy, khi kiện tướng cờ vua bị một kỳ thủ trẻ đánh bại, một nhà bình luận đã nói: "Vì kỳ thủ trẻ không có gánh nặng".

Khi nhà vô địch quyền Anh bị đánh bại thì có người nói: "Anh ta quá thành công nên quá tự đại, dẫn đến thất bại".

Thành tích quá khứ của bản thân sẽ trở nên một gánh nặng, vượt bản thân sẽ gian khổ. Chúng ta có nên vứt bỏ sự tiến thủ hay không?

Đương nhiên không! Bạn xem sự thay đổi của bốn mùa, cho dù mùa xuân năm nay có đẹp như thế nào đi nữa thì mùa xuân năm sau vẫn cứ đến. Bạn hãy nhìn sông, biển, đất, núi, núi cao biến thành đất bằng, biển cả mọc lên núi cao. Sự vật nào vì tận thiện mà không còn biến đổi? Mảnh đất nào bằng phẳng mãi mà sẽ không nhô lên?

Mạng sống là một sự theo đuổi, tiếp tục; mạng sống là một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ. Cho dù chúng ta một khắc sau chạy không bằng một khắc trước, chúng ta vẫn phải cố gắng hết sức lực của mình chạy cho hết lộ trình để trao gậy cho người khác.

Cha -Con và cách sống

Lỗ hỗng ở hàng rào
Có một chàng trai tính tình rất nóng nảy, cậu thường nổi nóng với mọi người. Một hôm, cha cậu cho cậu một túi đinh và bảo rằng hễ khi nào cậu nóng giận, thì đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ phía sau nhà.

Cha cậu đã cho cậu những cây đinh khá lớn, và cái búa cậu được sử dụng lại là một cái búa khá nhỏ và nhẹ. Hàng rào của nhà cậu được làm bằng một thứ gỗ cứng và chắc chắn để có thể chịu đựng được với thời gian và phong ba bão tố. Cũng bởi thế, nên việc đóng những cây đinh lớn vào hàng rào không phải là chuyện dễ làm.

Ngay hôm đầu tiên, cậu đã sử dụng đến cả thảy 37 cây đinh. Trong vài tuần lễ tiếp theo đó, cậu dần dần học cách chế ngự những cơn giận dữ và cái tính hay nóng bất tử của mình, nên số đinh được đóng vào hàng rào cũng dần dần giảm đi. Chàng trai này sau cùng đã khám phá ra rằng, học biết cách chế ngự cơn nóng giận xem ra lại dễ dàng hơn là việc đóng đinh…

Rồi sau cùng thì cái ngày ấy cũng đến, đó là ngày mà cậu không hề nóng giận một lần nào cả. Cậu hãnh diện báo cho cha biết rằng hôm nay cậu không hề phải dùng đến cây đinh nào.

Cha cậu liền đề nghị, rằng hôm nào cậu có thể kiềm chế được tính nóng giận, thì cậu được phép gỡ một cây đinh ra khỏi hàng rào. Nhiều ngày trôi qua… cho đến một hôm chàng trai ấy đến trước mặt cha với một vẻ mặt hãnh diện, vui mừng báo cho cha biết rằng tất cả đinh trên hàng rào đều đã được gỡ ra hết cả rồi. Người cha âu yếm nắm chặt tay con như để chia sẻ nỗi vui mừng. Sau đó hai cha con dắt nhau ra ngắm cái hàng rào gỗ phía sân sau. Ông ôn tồn bảo con: “Con à, con đã làm tốt lắm đấy. Cha rất vui khi thấy là không còn một cây đinh nào tượng trưng cho sự nóng giận của con nữa, nhưng con hãy nhìn xem, những lỗ đinh lởm chởm trên hàng rào này vẫn còn đấy. Con thấy không, cái hàng rào của nhà mình sẽ không bao giờ còn được nguyên vẹn giống như xưa nữa. Những lời nói con đã thốt ra trong cơn giận dữ, cũng lưu lại những vết sẹo trong lòng người ta giống như những lỗ đinh lởm chởm này đây . Con nghĩ xem mình có thể nào đâm cho người khác một nhát dao, rồi rút dao ra mà người ấy vẫn bình yên vô sự hay không? Dĩ nhiên, con đã biết mà, cho dù con có nói xin lỗi trăm lần, ngàn lần đi nữa, thì vết thương vẫn còn đó, phải không con !!!