1 thg 2, 2012

"Tết"- Văn hóa hay hủ tục?

Văn hóa và… sự bực mình

(Dân trí) - Lễ lạt, hội hè đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt như một nét văn hóa không thể thiếu của ngày xuân. Có người ví von, mỗi năm người Việt chỉ làm việc 11 tháng. Còn lại là Tết. Hết Tết còn… xuân!
Bloomberg - Hãng tin tài chính nức tiếng trung tuần tháng 1 đã có cái title ấn tượng (tạm dịch) “Lạm phát, phong bao lì xì gấp đôi năm ngoái” khi nhìn vào không khí mua sắm, tiêu pha của người Việt trong dịp Tết. Hãng tin này còn nói rằng bất chấp lạm phát cao, sức tiêu thụ của người Việt Nam trong dịpTết vẫn không hề giảm.
 
Bloomberg nói cái tổng thể, còn tôi khi quay cuồng với nhịp điệu mua sắm Tết ở quê cũng kịp nhận ra rằng các siêu thị chỉ còn trơ những kệ hàng,các cửa hàng rượu Tây hy hữu mới còn một chai whisky loại được người Việt chuộng như Johnny Walker, Chivas hay Ballantine’s. Ở địa phương nào, dù phố hay quê,dù xuôi hay ngược, cũng đều có chung thực trạng… “cháy” rượu, bia!
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

 
Tính riêng Hà Nội, doanh số bán lẻ dịp Tết đã tăng vọt lên 22%, đạt mức 1,4 tỷ USD,bằng 1% GDP cả nước năm 2011. Lạm phát cũng vì thế mà tiệm cận mức 1% trong tháng 1/2012, con số không hề thấp so với chỉ tiêu 9% cả năm mà Chính phủ đặt ra. Đến cái phong bao lì xì, theo một anh tài xế taxi trả lời trên Bloomberg,cũng tăng từ mức 20.000 đồng “nội dung” năm ngoái, lên 50.000 đồng năm nay. Bloomberg phải thốt lên rằng sức mạnh văn hóa là quá lớn, vượt qua rào cản của sự tính toán về tài chính cá nhân. 
 
Văn hóa là một phạm trù vĩ đại. Đã có người nói rằng khi nhân loại bước vào thời hội nhập, thời đại “thế giới phẳng”(xin mượn tựa một cuốn sách của Thomas L. Friedman) thì mọi ranh giới địa lý, thể chế dần bị xóa nhòa và chỉ còn tồn tại “biên giới văn hóa” để phân định các quốc gia, dân tộc. Cái văn hóa Tết của người Việt là một bộ phận sống còn của văn hóa Việt. Đến lúc nào đó, một đứa trẻ Việt sẽ nói: Nước Mỹ không thể bằng Việt Nam vì Việt Nam có Tết.
 
Tuy vậy, có những thứ mà người này coi là văn hóa, người kia lại coi như một hủ tục, một thứ phiền toái hay đại ý vậy.
 
Ví như cái phong bao lì xì năm mới. Nó là một phong tục đẹp. Tuy nhiên đằng sau chiếc phong bao đỏ xinh, tươi tắn đó cũng cơ man cái rườm rà. Tôi lì xì con anh, anh lấy tiền tôi lì xì con anh đi lì xì con hàng xóm, rồi bố mẹ của con hàng xóm lại lấy tiền anh lì xì con họ (mà vốn dĩ là tiền của tôi) lì xì con tôi. Kết cục là tờ tiền mới của tôi khi về tay con tôi (cũng là tay tôi) nát bươm.
 
Ví như cái tục chén rượu ngày xuân đầy ý nghĩa. Theo thống kê của Ủy ban các vấn đề xã hội, năm 2006 tỷ lệ uống bia bình quân của người Việt là 18lít/người/năm. Đến 2010, con số này tăng lên… 29 lít. Chủ hãng bia Heineken cũng phải ngỡ ngàng vì trong năm 2010, người Việt Nam tiêu thụ tới 200 triệu lít bia loại sang này và chỉ chịu đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Pháp.
 
Ở quê tôi, ngày mùng 2 vừa thấy một nhóm thanh niên chúc Tết. Vừa chén tạc, chén thù chúc tụng vạn sự tốt lành được đâu chục phút, đã thấy chủ khách mặt phừng phừng vác chai bia choảng nhau tóe máu, trông be bét chẳng khác nào lễ hội chém lợn ở một vùng của Đồng bằng Bắc bộ. Hình như cốc bia, ly rượu Tây ngày nay có yếu tố kích mạnh hơn cái chén mắt trâu uống rượu cuốc lủi của ông bà ngày trước. 
 
Lại ví như cái văn hóa lễ hội ngày xuân. Toàn Việt Nam cógần 9.000 lễ hội, thì phân nửa nằm vào ngày xuân. Ngày xuân tươi mới, lễ hội để cầu an, cầu lộc, cầu tài là đúng thôi. 
 
Đầu xuân, vợ đi lễ chùa, chồng bù khú bên mâm bạc, con lang thang bầu cua tiêu nốt tiền lì xì. Lễ hội nào cũng vui, mâm bạc nào cũng nóng hổi sức xuân, chiếu “bầu cua” nào cũng rôm rả không khí Tết. Chỉ có đồng ruộng là khô nứt nẻ, tàu cá để không và công sở luôn thừa lời chúc tụng mà thiếu người làm việc.
 
 Xong hội, xong chúc tụng, xong những nghĩa vụ văn hóa và xong những thói lười biếng được xúc tác bởi ngày xuân là chuỗi ngày bơ phờ lấy lại sức và tiền bạc tích cóp cả năm cũng bị nàng xuân rủ rê đi đâu cả. 
 
Văn hóa là một phạm trù vĩ đại, nhưng đôi khi cũng đính kèm sự hình thức, sáo rỗng, phiền toái, rườm rà, gắng gượng, bực mình!
Hồng Kỹ
  • Share on Facebook
  • Share on Twitter
  • Share on Google
  • Share on Buzz
1 - thansatmaichieuphong - 08:22 02-02-2012
Đấy là tác giả chưa nhắc tới Tết là dịp tốt để biếu sếp, biếu các cơ quan quản lý nhà nước như: thuế, Hải Quan... là 1 trong những cơ hội để phạm tội "hối lộ và nhận hối lộ".
2 - oaiam - 08:28 02-02-2012
không phải tất cả xã hội này đều thế
3 - nguyentruonghuy.2007 - 08:43 02-02-2012
Bài viết thực sự rất hay và có ý nghĩa, tạo nhiều suy ngẫm. Cá nhân tôi nghĩ lì xì cũng là một nét đẹp của ngày tết. Tuy nhiên nó đã bị chúng ta lạm dụng, cũng giống như ngày rằm trung thu, chính chúng ta đã biến tướng làm mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu của những nét văn hóa đẹp.
4 - tra giang - 08:51 02-02-2012
Xin hỏi "bầu cua" là gì ạ?
5 - Quang Minh Chinh - 09:12 02-02-2012
Tác giả viết rất hay về một chủ đề rất lớn. Xin tác giả viết về chủ đề mê tín sẽ tuyệt vời hơn. Cách đây vài ngày tôi có đọc một bài viết về nhà ngoại cảm được tặng bằng khen, đã bỏ ra vài chục tỷ xây chùa chiền miếu mạo, tiền này lấy ở đâu ra không phải từ những con nhang sao? Vị này còn chữa bệnh cho nhân dân bằng những phương pháp phản khoa học nữa, vậy sẽ có bao nhiêu người sẽ chết oan vì không được chữa bệnh kịp thời khi tin vào trò lừa bịp này.
6 - tienvn - 09:14 02-02-2012
Hồng Kỹ ơi, tôi chia sẻ với bạn : văn hóa là một phạm trù vĩ đại, nhưng theo tôi nó đang bị trở nên hình thức, sáo rỗng, phiền toái, rườm rà, gắng gượng, và bực mình như hiện nay là do chính chúng ta làm thoái hóa hoặc thương mại nó đi trong cái gọi là nền kinh tế thị trường này, khi mà mọi giá trị dường như đều bị chi phối bởi giá trị đồng tiền?! Hãy cùng nhìn lại câu chuyện về cái phong bao lì xì của anh tài xế taxi, được Bloomberg đề cập, tăng từ mức 20.000 đồng “nội dung” năm ngoái, lên 50.000 đồng năm nay, và Bloomberg đã thốt lên rằng sức mạnh văn hóa là quá lớn?! Theo tôi , đó không phải là sự tăng lên về sức mạnh của văn hóa mà đó chính là sự suy thoái và yếu đi của yếu tố văn hóa trong lĩnh vực này, thể hiện sự lấn át của yếu tố thương mại và sự tính toán về tài chính cá nhân. Bởi lẽ thủ tục mừng tuổi đầu năm hay là lì xì theo một cách goi khác được ông bà cha mẹ chúng ta ngày xưa tiến hành đâu có tính đến giá trị của mệnh giá đồng tiền trong đó?! Dường như chỉ trong khoảng hơn chục năm gần đây của cái gọi là kinh tế thị trường người ta mới có cách nhìn nhận và đánh giá 100.000 đ lì xì là hơn hẳn cái phong bao lì xì 10.000 đ “nội dung” ?! Hoặc như cái tục chén rượu ngày xuân đầy ý nghĩa mà bạn vừa nêu : các cụ nhà ta ngày xưa dường như muốn qua chén rượu mà nhâm nhi, thưởng thức cái hương vị thơm ngọt, những tinh hoa trời đất đúc kết lại trong chén rượu được cất từ tinh túy của hạt gạo quê nhà, và vì vậy người ta mới dung từ “nhắm rượu” để chỉ cái hành động này. Còn như chúng ta ngày nay : phải chăng chỉ kể từ khi chúng ta quên đi cái văn hóa Việt trong phong cách chén rượu ngày xuân của các cụ nhà ta nên mới đi du nhập vào cái phong cách uống rượu ừng ực theo kiểu 100%, hay như kiểu “zô-zô”..... để mới sinh ra những cảnh vừa chén tạc, chén thù chúc tụng vạn sự tốt lành được đâu chục phút, đã thấy chủ khách mặt phừng phừng vác chai bia choảng nhau tóe máu, trông be bét chẳng khác nào lễ hội chém lợn như bạn vừa nêu. Vậy nên theo tôi, chúng ta cũng chẳng nên vui vẻ, hãnh diện làm gì với những con số thống kê khiến chủ hãng bia nào ngỡ ngàng vì người Việt Nam tiêu thụ tới 200 triệu lít bia loại sang/năm và chỉ chịu đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Pháp?! Tôi cũng cứ băn khoăn tự hỏi tại sao cũng cùng là uống bia uống rượu mà sao chẳng thấy trên cái diễn đàn nào của Việt nam người ta dạy về một văn hóa uống rượu Việt nam cho nó văn minh, đẹp đẽ , và thật sự đáng tự hào so với các phong cách uống rượu của xứ người ?! Quả thực đầu xuân trao đổi với nhau về văn hóa là quá rộng mở và khó đi đến hồi kết nhưng dẫu sao cũng cảm ơn và chia sẻ với Hồng Kỹ về những gì ban vừa nêu!!! Cầu mong sao cho những tinh hoa, đặc sắc của văn hóa Việt sẽ mãi mãi vẫn được mọi người chúng ta chung sức vun đắp giữ gìn mãi mãi!!!
7 - fool_walker - 09:27 02-02-2012
@oaiam: Bao giờ những bài phân tích bình luận cũng có những comment như thế này vậy. Tác giả cũng đâu có quy chụp tất cả đâu. Sai thì phải biết mà sửa chứ đừng có thấy người khác vừa nhận xét thì câu đầu tiên lúc nào cũng kiểu "có người này người kia", hay "không phải ai cũng thế"
8 - phamthuyhang2004 - 10:42 02-02-2012
Cảm ơn tác giả về bài viết rất hay và ý nghĩa.
9 - CrazyKuTun - 10:43 02-02-2012
ko phải ai cũng như vậy bạn à
10 - jimy_ricky - 10:53 02-02-2012
phú quý sinh lễ nghĩa, chúng ta đang phát triển về kinh tế, văn hóa cũng được thừa hưởng từ những thành quả kinh tế, các lễ hội xa xưa đang được hồi sinh. trong quá trình hồi sinh và phát triển đang trải qua quá trình thanh lọc để kết tinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét