11 thg 7, 2012

Kẻ cơ hội - Người chân chính và Thành tích đạt được


Câu 2:Đề thi ĐH Văn Khối C 2012
            “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu.”
            Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên
-----------------

      Gợi ý chấm của Báo giáo dục.

Giới thiệu được luận đề cần giải quyết
2.      Giải quyết vấn đề
a.       Giải thích:
+ Giải thích từ ngữ:
-         Kẻ cơ hội là người nhanh chóng nắm bắt hoàn cảnh hoặc điều kiện thuận lợi để thực hiện một mục tiêu nào đó.
-         Nôn nóng: thái độ vội vàng, muốn nhanh chóng đạt được kết quả
-         Người chân chính: người có những suy nghĩ và việc làm nghiêm túc, có đạo đức, có mục tiêu tốt đẹp theo đúng chuẩn mực của xã hội; đạt đến thành công bằng chính năng lực của mình.
-         Kiên nhẫn: quyết tâm, bền chí để đạt được mục tiêu đã xác định.
-         Thành tích, thành tựu: kết quả tốt đẹp cuối cùng của một quá trình suy nghĩ và làm việc.
+ Giải thích ý nghĩa cả câu:
Ý kiến trên cho thấy kẻ cơ hội và người chân chính đều muốn có những kết quả tốt đẹp cho việc làm của mình nhưng kẻ cơ hội thì vội vàng, còn người chân chính thì kiên nhẫn. Câu nói có phần phê phán thái độ nôn nóng, vội vàng, mặt khác khẳng định sự kiên nhẫn của người chân chính.
b.      Bàn luận:
-         Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích:
+ Có ý kiến cho rằng “Đời người có ba thứ qua đi không lấy lại được là tuổi trẻ, thời gian và cơ hội”. Cơ hội chỉ xuất hiện trong một thời điểm nhất định, nếu không biết nắm bắt, nó sẽ vuột mất. Vì vậy, kẻ cơ hội rất nôn nóng trong việc vận dụng điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu của mình.
+ Đời người có thể có nhiều cơ hội nhưng các cơ hội ấy không giống nhau, vì vậy một khi cơ hội qua đi sẽ không đạt được kết quả như ý.
+ Kẻ cơ hội hiểu rất rõ sự bất ổn này nên có thể dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn để đạt được kết quả (dẫn chứng).
-         Người chân chính thì kiên nhẫn để đạt được thành tựu:
+ Người chân chính cũng biết nắm bắt cơ hội nhưng không đạt được mục tiêu bằng bất cứ giá nào như kẻ cơ hội. Nếu thất bại, người chân chính sẽ đứng lên từ chính chỗ thất bại ấy để làm lại từ đầu.
+ Người chân chính thường làm việc với một lý tưởng phù hợp với những chuẩn mực của xã hội nên có sự bền chí, quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu.
+ Người chân chính xem cơ hội là phương tiện chứ không phải là cứu cánh trong việc thực hiện mục tiêu. Do vậy, họ có lòng kiên trì, theo đuổi mục tiêu cho đến cùng, chứ không dựa dẫm, không dùng thủ đoạn (dẫn chứng).
c.       Mở rộng:
Ý kiến này giúp ta phân biệt rõ thế nào là kẻ cơ hội và người chân chính. Mặt khác, nó cho thấy cách thực hiện mục tiêu của kẻ cơ hội và người chân chính rất khác nhau. Từ đó, ý kiến này có vai trò định hướng cho học sinh và thanh niên trong việc thực hiện ước mơ, theo đuổi mục tiêu của mình. Ta phải biết nắm bắt cơ hội nhưng cũng phải có lòng kiên nhẫn thì mới đạt được những thành tựu tốt đẹp, có ý nghĩa.
3.      Kết luận:
Rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân.

-----------------
Gợi ý làm bài của báo Tin tức VN 

Yêu cầu chung: phải có kết cấu của một bài văn dù ngắn (có giới thiệu vấn đề, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề). Lí lẽ, mạch lạc lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phải có sức thuyết phục.

Ý thứ nhất - Giới thiệu vấn đề: xuất phát từ thực tế về “bệnh thành tích” đang là quốc nạn từ nhà trường cho đến ngoài xã hội để nêu vấn đề. (0,5đ)

Ý thứ hai – Giải quyết vấn đề: (1đ)
- Giải thích các khái niệm “kẻ cơ hội”“người chân chính”“nôn nóng”,“thành tích”“kiên nhẫn”, “thành tựu”“kẻ cơ hội” là kẻ lợi dụng thời cơ để kiếm lợi cho mình (chức vụ, tiền bạc.v.v.), người chân chính là người sống chân thực, đàng hoàng, chính đáng. Thành tích là kết quả mà chỉ căn cứ vào người làm việc báo cáo. Thành tựu là kết quả của quá trình làm việc có thực. Nôn nóng là tìm mọi cách để tạo ra thành tích một cách nhanh nhất, kiên nhẫn chỉ thái độ kiên trì nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn để làm nên thành tựu.
- Kẻ cơ hội nôn nóng tạo ra thành tích bao giờ cũng gắn với mục đích không chính đáng, mục đích xấu, chỉ phục vụ cho quyền lợi của bản thân dẫn đến lừa dối xã hội, nhất là cấp trên. Nguy hại của bệnh thành tích là tạo nên một xã hội ảo, nền kinh tế ảo, làm suy sụp nhân cách (0,5đ)
- Người chân chính là người bao giờ cũng đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình. Họ chính là người làm nên bộ mặt thật, đời sống thật , góp phần xây dựng xã hội từ các thành tựu của họ. Nhưng trước hết họ góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội. Trong thực tế hiện nay không thiếu những người chân chính nhưng sự quan tâm đến họ không phải nhiều. (0.5đ)

Kết luận:
Phải chống bệnh thành tích, nói không với bệnh thành tích (Trích: Nguyễn Thiện Nhân )

------------------

Hướng dẫn chấm của Bộ giáo dục

1. Giải thích ý kiến (0,5 điểm)
Kẻ cơ hội là người lợi dụng thời cơ để mưu cầu lợi ích trước mắt, bất kể việc làm
đúng hay sai; người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù
hợp với những giá trị xã hội; thành tích là những kết quả được đánh giá tốt; thành
tựu là những thành quả có ý nghĩa lớn, đạt được sau một quá trình bền bỉ phấn đấu.
- Về nội dung, ý kiến này chỉ ra sự đối lập về lối sống và cách hành xử trong công
việc giữa loại người cơ hội và người chân chính.
0,5
2.
Bàn luận về ý kiến (2,0 điểm)
- Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích (1,0 điểm)
+ Do thói vụ lợi, bất chấp đúng sai nên trong công việc, kẻ cơ hội không cầu “kết
quả tốt” mà chỉ cầu “được đánh giá tốt”. Kẻ càng vụ lợi thì càng nôn nóng có được
thành tích. Bởi thế, loại người này thường chỉ tạo ra thành tích giả.
+ Về thực chất, cách hành xử ấy là lối sống giả dối, là thói ăn gian làm dối khiến cho
thật giả bất phân, làm băng hoại các giá trị trong xã hội; đó chính là sự suy đồi về
đạo đức; lối sống cơ hội này đã khiến bệnh thành tích lan tràn như hiện nay.
- Người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (1,0 điểm)
Coi trọng chất lượng thật, kết quả thật là đức tính của người chân chính. Bởi thế
họ thường kiên nhẫn trong mọi công việc để làm nên những kết quả thực sự, những
thành quả có ý nghĩa lớn. Đối với họ, chỉ có những thành quả thực mới tạo nên giá
trị thực của con người, dù có khi phải trả giá đắt.
+ Về thực chất, cách hành xử ấy thuộc về lối sống chân thực, trung thực, biểu hiện
của những phẩm chất cao quý; giúp tạo nên những thành quả thực, những giá trị đích
thực cho mình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên.
3. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)
- Cần nhận thức rõ đây là hai kiểu người đối lập nhau về nhân cách: một loại người
tiêu cực thấp hèn cần phê phán, một mẫu người tích cực cao cả cần trân trọng.
- Cần noi theo lối sống của những người chân chính, luôn coi trọng những kết quả
thật và kiên nhẫn phấn đấu để lập nên những thành tựu; đồng thời lên án lối sống cơ
hội, nôn nóng chạy theo thành tích giả.




8 nhận xét:

  1. Tại sao kẻ cơ hội luôn nôn nóng?
    TTO - So với đề thi văn tốt nghiệp THPT 2012 về “thói dối trá”, đề thi đại học văn khối C tỏ ra hóc búa và đánh đố thí sinh hơn rất nhiều bởi việc xác định ai là kẻ cơ hội, ai là người chân chính không phải dễ dàng.
    Cha ông ta có câu: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Vậy câu nói đó có ý nghĩa gì? Phải chăng những kẻ khôn lỏi thường tỏ ra rất nôn nóng và thường không bình tĩnh ứng xử trước các cơ hội?

    Bởi đã không tranh đua thì thôi chứ đã tranh đua vì miếng cơm manh áo, vì công danh sự nghiệp, vì tiền tài vật chất thì ai dại gì “trâu chậm uống nước đục”.

    Người xưa cũng từng nói: “Dục tốc bất đạt”. Nghĩa là phàm việc gì cũng phải chuẩn bị kỹ càng để có được hiệu quả công việc tốt nhất. Trong một câu chuyện cổ của Nhật Bản, một vị kiếm sĩ đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi ẩn sĩ (vốn là đệ nhất kiếm khách đã mai danh ẩn tích) cho rằng nếu càng nôn nóng luyện tập, càng mong muốn đạt được danh hiệu càng cao thì sẽ càng mất rất nhiều thời gian. Thậm chí còn có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”, mất hết công sức khổ luyện trước đó.

    Đối với người Việt Nam, Lý Thông là mẫu hình của kẻ tiểu nhân cơ hội. Ngược lại nhân vật Thạch Sanh lại là điển hình của một vị chính nhân quân tử.

    Lý Thông tỏ ra rất nôn nóng, y sợ chết nên quýnh quáng nhờ Thạch Sanh đi canh miếu thần thay mình. Khi thấy chằn tinh bị giết thì nhanh chóng lừa gạt Thạch Sanh để hưởng công hưởng lợi. Đến khi công chúa bị đại bàng tinh bắt, y cũng hồ hởi xin vua cho đi lập công dù không có thực tài. Trong khi đó Thạch Sanh dù bị Lý Thông lừa gạt, bị hắn tranh công nhiều lần vẫn không mảy may oán thán, sắc mặt vẫn không đổi khi gặp lại bạn bè.

    Đi canh miếu thờ, Thạch Sanh biết ngay mình bị bạn lừa gạt, chàng vẫn im lặng. Đến khi cứu được công chúa, Thạch Sanh cũng để cho Lý Thông kéo nàng lên trước, dù sau đó bị chính tên bạn của mình lấy đá lấp hang. Do đó Thạch Sanh trở thành mẫu hình “thà người phụ ta chứ ta không phụ người” mà thiên hạ ai ai cũng cảm phục chính vì lẽ này.

    Nhưng tại sao cha ông ta đến cuối cùng lại cho Lý Thông biến thành bọ hung, còn Thạch Sanh thì lại làm phò mã ? Thậm chí, khi Thạch Sanh đã làm phò mã, tưởng đã hết chuyện, nhưng cha ông ta lại còn để chàng có thêm công lao chinh phục được các chư hầu và sau đó lại được làm vua?

    Thật ra trong suy nghĩ của của cha ông ta, những kẻ thăng quan tiến chức, làm giàu bằng xu nịnh, bằng lừa lọc đến cuối cùng sẽ phải bị trả giá.

    Trả lờiXóa
  2. Nhưng ngày nay biểu hiện của kẻ cơ hội tinh vi hơn, ngay trong cái tốt đẹp nếu không biết giữ mình, tu dưỡng thì phát sinh ngay cái cơ hội, “xã hội đồng tiền” càng cho phép những kẻ cơ hội có điều kiện nhiều hơn, lớn hơn để làm những việc “phá dân hại nước” rộng hơn và nhanh hơn. Có phải vì "trình độ" cơ hội ngày càng cao này mà đề văn đã ngụ ý rằng giới trẻ trước khi bước ra đời đã nên cảnh giác bản thân và nhận diện đâu là con đường chân chính để đặt bước chân vào?!

    Đối với sự nghiệp cách mạng, những phần tử cơ hội còn nguy hiểm hơn cả những kẻ thù có súng ống, xe tăng và nền kinh tế hùng mạnh. Bởi chúng thường chống phá cách mạng như những tên “giặc nội xâm”, từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây gặm nhấm tiền tài vật lực của đất nước. Thậm chí, V.I.Lênin còn cho rằng: “Nhiệt tình cộng ngu dốt thành phá hoại”. Bởi những kẻ ngu dốt thường dễ bị lôi kéo bởi tiền tài vật chất thấp hèn và dễ bán đi bản thân của mình cho quỷ dữ.

    Nếu ai cũng vì cái lợi, cái danh cá nhân của mình thì tương lai của xã hội khó mà đoán định được. Hiện nay, ở nước ta những kẻ cơ hội đã không hiếm. Thậm chí có người từng ví von rằng thời nay “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. Tham nhũng, cửa quyền, bệnh vô cảm, giá cả tăng vọt, móc ngoặc làm giàu bằng mọi cách, phá hoại môi trường sống...
    Những Thạch Sanh đời thường vẫn còn đó. Chẳng hạn như những hiệp sĩ bắt cướp, những sinh viên tình nguyện, những người lính biển đảo, những doanh nhân đi lên bằng đôi chân của mình, những nhà hảo tâm làm từ thiện không màng danh lợi... nhưng khi nhắc đến những con người này, nhiều người tuy kính phục nhưng lại không mong muốn mình hành xử như họ, phải chăng vì không muốn mang “nợ” và “nghiệp” vào thân?

    Phải chăng làm Thạch Sanh đời nay phải chịu thiệt thòi chứ ít được đền đáp? Có phải vì thế mà kẻ cơ hội lại càng nôn nóng về đích bằng mọi giá?
    Làm thế nào để thắp lên niềm tin về sự chân chính cho giới trẻ? Đó là những câu hỏi cần chúng ta suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  3. Cơ hội hay chân chính? Thành tích hay thành tựu?
    TTO - Thời học phổ thông, tôi thường được một số thầy cô giáo yêu quý hơn những bạn học khác ở chung lớp. Có nhóm bạn ngưỡng mộ vì tôi lười biếng nhưng thông minh, lúc nào cũng tài lanh lấy được thiện cảm của thầy cô.
    >> Đề văn mang tính thời sự


    Niềm vui của thí sinh sau giờ thi môn Văn tại Hội đồng thi Trường đại học Sài Gòn sáng 9-7 - Ảnh: Như Hùng
    Có nhóm bạn khác thì tỏ vẻ ghét tôi ra mặt bằng những câu bóng gió châm chọc, hơn một lần họ đứng trước mặt tôi và nói: "Trên đỉnh vinh quang chỉ có dấu chân của 2 loại người, một là anh hùng thực sự đi lên bằng chính đôi chân của mình, hai là loại cơ hội bò sát, mà cậu... là loại thứ hai đấy!".

    Dù là được bạn học đối xử như thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không hề tự mãn hay bực dọc vì những nghĩ suy mang tính chất ngoài cuộc của họ. Bởi không ai trong chúng ta thực sự hiểu được lẽ sống của một người khác hoàn toàn với bản thân mình cả!

    Vấn đề rất dễ hình dung: Nếu bạn là một người không hoàn hảo, bản thân bạn có quá nhiều khuyết điểm và tỳ vết, nhưng bạn lại thành công hoặc có một vị thế xã hội cao hơn khá nhiều người. Vậy thì ắt hẳn bạn không thể tránh khỏi những thị phi ghen tị, thậm chí họ phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực của bạn trong cuộc sống và không ngần ngại khoác cho bạn tấm áo choàng đen sẫm mang tên kẻ cơ hội.

    Những ngày này, truyền thông đưa tin nhiều về chuyện thi đại học. Đọc được đề thi Văn khối C có câu nghị luận xã hội: "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích. Người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu", đã gợi nhắc cho tôi rất nhiều điều từng xảy ra trong quá khứ. Từ lúc tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến khi bước ra cuộc sống, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải biết nắm bắt cơ hội, để làm giàu cho tương lai.

    Có hay không sự khác biệt giữa người không bao giờ để cơ hội tuột khỏi tay và kẻ cơ hội? Tôi nghĩ tất cả chỉ là sự kỳ thị ám sâu vào ngôn từ. Trong khi hành trình sống là sự lựa chọn của từng cá nhân. Mỗi người tồn tại với những mục tiêu hoặc lý tưởng rất khác nhau và từ đó họ tự ý thức để tìm cho mình những phương tiện phục vụ cuộc sống hiệu quả nhất. Tôi cho rằng việc một người giỏi nắm bắt khi cơ hội vừa chợt đến không có gì là thiếu chân chính. Nó chỉ khác ở điểm họ quá lanh lẹ để không biết đến tính từ "kiên nhẫn" đồng nghĩa với việc phải chờ đợi hay bỏ qua cơ hội bao nhiêu lần thì mới đạt được mục đích?

    Căn nguyên của câu chuyện này đối với tôi chỉ gói gọn trong từ "giải pháp". Như Bill Gates đã từng nói: "Tôi thường chọn những nhân viên lười biếng để giao những phần việc khó khăn. Bởi họ chính là những người luôn tìm ra cách giải quyết công việc nhanh gọn nhất". Chuyện chỉ đáng bàn luận khi đặt hai chủ thể: Kẻ cơ hội và người chân chính bên cạnh khái niệm đạo đức của xã hội hiện hành. Chắc chắn sẽ có kẻ cơ hội tử tế và người chân chính khờ khạo trong sô bồ của cả triệu cách sống.

    Đường dài - đường ngắn, đường tắt - đường vòng, cứ đi rồi cũng sẽ đến được đích. Nhưng hãy thành thật với lý trí, bạn thích cách sống của kiểu người nào hơn?

    Trả lờiXóa
  4. Cơ hội sẽ mang đến thành công cho mỗi người
    10/07/2012 11:42:25
    Ở đây tôi muốn nói kẻ cơ hội và người biết nắm lấy thời cơ hoàn toàn khác nhau. Kẻ cơ hội là người chỉ biết lợi dụng người khác hay cướp công của họ để đem về thành tích cho mình, trong khi người biết nắm thời cơ là người mạnh dạn, nhạy bén trước hoàn cảnh thực tại. Tôi nghĩ người chân chính có thể coi như người biết nắm lấy cơ hội bằng chính những nỗ lực, cố gắng của bản thân cùng với một chút liều lĩnh của chính họ.

    Trong công việc người không biết nắm thời cơ sẽ khó tiến thân và dễ bị người khác cướp công và tất nhiên họ cũng khó thành công trong cuộc sống.

    Đề Văn rất thiết thực khi buộc học sinh phải suy ngẫm nhiều về bản thân cũng như ngoài xã hội.


    NGUYỄN NGÂN
    Kỹ năng phản biện
    10/07/2012 11:02:05
    Tôi nghĩ đề văn yêu cầu khả năng phản biện và tư duy logic. Nếu không định nghĩa rõ ràng các thuật ngữ trung tâm như "kẻ cơ hội, người chân chính, kiên nhẫn" thì thí sinh sẽ viết lan man hoặc lập luận dài dòng về chủ đề mơ hồ. Tôi nghĩ đáp án không nên theo kiểu đúng sai, mà nên kiểm tra kỹ năng phản biện và tư duy của thí sinh. Còn nếu bắt thí sinh đồng ý rằng kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo nên thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu, thì đề văn hóa ra tầm thường vì mang tính phán xét một chiều áp đặt.
    NOTHI
    Cơ hội và kẻ cơ hội
    10/07/2012 09:19:18
    Kẻ cơ hội hoàn toàn khác cơ hội. Tôi thật sự rất thích đề thi văn năm nay. Tôi hy vọng các thí sinh phân biệt và tách bạch hai vấn đề này. Cơ hội là sự vật hiện tượng, một thời điểm thuận lợi được kết hợp với bản thân để tạo ra hoặc thực hiện một công việc, một hành động hay một sản phẩm tốt. Còn kẻ cơ hội thì lại hoàn toàn khác, mang tính chất tiêu cực nhiều...
    TUAN SON
    Cơ hội và chân chính
    10/07/2012 08:20:29
    Đọc qua bài "kẻ cơ hội và người chân chính" trong đề thi văn năm nay tôi thấy rất hay và mang tính giáo dục thế hệ trẻ. Theo tôi cần làm rõ "cơ hội" có cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Nhận diện rõ để bạn trẻ có suy nghĩ và động cơ phấn đấu đúng hướng. Người chân chính cũng vậy, như là tấm gương tốt để mọi người noi theo và học tập. Người chân chính đang là chủ đề hay. Tôi rất thích đề thi dạng như thế.


    HOÀNG CÔNG TUẤN
    Tại sao phải nhận diện?
    10/07/2012 07:50:38
    Vì sao đề văn lại đánh động về việc nhận diện kẻ cơ hội, đó là điều đáng suy nghĩ. Có phải vì ngày càng khó phân biệt giữa kẻ cơ hội và người chân chính. Kẻ cơ hội thì thích làm ít mà lập công nhiều, người chân chính thì thường đi đến thành công không dễ dàng nhưng không mỏi bước.
    HOÀNG
    Ngữ nghĩa
    10/07/2012 01:40:47
    Phải phân biệt giữa "cơ hội" và "kẻ cơ hội". Đề văn khối C vừa rồi rất hay.
    BẠN ĐỌC
    Cơ hội và chân chính
    09/07/2012 23:46:19
    Đừng nên tách rời cơ hội và lao động chân chính. Vì cơ hội không tự nhiên mà có, nó được tạo ra nhờ lao động. "Tương lai có rất nhiều tên: Với kẻ yếu, nó là Điều không thể đạt được. Đối với người hay sợ hãi, nó là điều chưa biết. Với ai dũng cảm, nó là cơ hội". Victor Hugo
    VUHAO

    Trả lờiXóa