22 thg 3, 2010

Vượt qua chính mình

VƯỢT BẢN THÂN

Vượt bản thân là việc khá gian khổ. Thi lần đầu được chín điểm, lần này lại muốn được mười; vận động viên lần này đạt được mười giây, lần sau lại muốn chạy được chín giây chín; kỳ thủ năm nay đạt được danh hiệu "Kiện tướng", năm sau lại muốn đạt được danh hiệu "Đại kiện tướng". Vấn đề là học sinh đã đạt được mười điểm, vận động viên đã đạt được cực hạn của năng lực cơ thể con người, kỳ thủ sau khi đã đạt được danh hiệu tối cao thì làm gì nữa?

Những người đã đứng ở đỉnh cao đó, không thể leo lên đỉnh cao hơn ngoại trừ họ muốn ở lại đỉnh núi, còn không thì họ phải đi xuống. Hơn nữa, chúng ta cơ hồ có thể khẳng định: họ tất nhiên phải xuống vì lớp sóng sau đẩy lớp sóng trước. Không ai có thể trẻ mãi, không ai có thể chiếm hữu mãi tri thức mới nhất, không ai có thể giành thành công mãi.

Vì vậy mà mọi người nói: "Danh dự, thành tựu đều là gánh nặng khiến con đường sau đó càng khó đi hơn".

Vì vậy mà mọi người nói: "Trèo cao, ngã đau".

Vì vậy, khi kiện tướng cờ vua bị một kỳ thủ trẻ đánh bại, một nhà bình luận đã nói: "Vì kỳ thủ trẻ không có gánh nặng".

Khi nhà vô địch quyền Anh bị đánh bại thì có người nói: "Anh ta quá thành công nên quá tự đại, dẫn đến thất bại".

Thành tích quá khứ của bản thân sẽ trở nên một gánh nặng, vượt bản thân sẽ gian khổ. Chúng ta có nên vứt bỏ sự tiến thủ hay không?

Đương nhiên không! Bạn xem sự thay đổi của bốn mùa, cho dù mùa xuân năm nay có đẹp như thế nào đi nữa thì mùa xuân năm sau vẫn cứ đến. Bạn hãy nhìn sông, biển, đất, núi, núi cao biến thành đất bằng, biển cả mọc lên núi cao. Sự vật nào vì tận thiện mà không còn biến đổi? Mảnh đất nào bằng phẳng mãi mà sẽ không nhô lên?

Mạng sống là một sự theo đuổi, tiếp tục; mạng sống là một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ. Cho dù chúng ta một khắc sau chạy không bằng một khắc trước, chúng ta vẫn phải cố gắng hết sức lực của mình chạy cho hết lộ trình để trao gậy cho người khác.

1 nhận xét: