Yêu tiếng Việt - hãy bắt đầu bằng viết đúng chính tả
---------------------
TT - Năm đầu tiên học đại học, giờ học tiếng Pháp, sau khi kiểm tra bài cũ hết một lượt học sinh, cô giáo gọi tên khoảng mười bạn, lần lượt đọc cho cô nghe đoạn văn sau: “Lúa nếp là lúa nếp làng, lúa lên lớp lớp lòng lợn no nê”. Không một bạn nào đọc đúng. Cô giáo cho nghỉ, bảo bao giờ đọc đúng tất cả những từ tiếng Việt ấy thì hãy học giờ tiếng Pháp của cô.
Lúc ấy, chúng tôi chỉ thấy cô giáo có phương pháp gì mà buồn cười quá, nhưng ngẫm ra mới thấy nếu phát âm sai tiếng Việt cũng có nghĩa sẽ phát âm sai một số từ tiếng Pháp nghe rất phản cảm.
Ngồi gần tôi có hai cậu bạn người Bắc Ninh và Bắc Giang. Hai cậu nói chuyện, kể cả viết, đều nhầm lẫn chính tả, đặc biệt là “l” và “n”. Tôi nói: “Sao thầy cô của cậu ở phổ thông không sửa cho?”. Bạn ấy bảo: “Thầy cô tớ cũng nói thế”. “Thế còn bố mẹ cậu?”. “Bố mẹ tớ cũng nói thế. Ở quê tớ ai cũng nói thế nên chẳng biết ai đúng, ai sai”. Thế rồi từ đó trong mỗi lần nói chuyện, gặp chữ nói nhầm tôi nhắc nhở ngay. Vậy mà phải hết gần mấy năm đại học các bạn ấy mới không còn nói nhầm nữa.
Tôi nhớ ngày chúng tôi đi học, phần tiếng Việt (từ ngữ) sách giáo khoa viết rất rõ phần này: phân biệt dấu hỏi, ngã, nặng, sắc, huyền...; phân biệt l với n, l với d, ch với tr, r với d, gi; s với x... tất cả những âm tiết dễ nhầm lẫn đều có ví dụ để phân biệt rất cụ thể. Tôi thấy chỉ cần học hết những điều cơ bản ấy thì khi viết văn bản không thể nhầm lẫn dù nói theo phương ngữ nào. Bởi vậy, cần nhấn mạnh đến nền tảng giáo dục, nhất là ở bậc tiểu học về việc viết đúng chính tả tiếng Việt.
Vậy mà thích thú, say sưa lắm! Sau này khi học đại học, đi làm tháng lương đầu tiên được có mấy trăm nghìn đồng, việc đầu tiên là tôi tìm mua một cuốn Từ điển tiếng Việt để lúc cần viết một văn bản gì đó hoặc đọc sách gặp từ nào không hiểu tra luôn. Không chỉ để viết mà muốn đọc hiểu, theo tôi, cũng cần phải am hiểu tiếng Việt thì mới hiểu được người khác muốn nói gì, viết gì.
Bây giờ phương tiện truyền thông hiện đại, một cái nhấp chuột sẽ tìm được ngay những thứ mình cần, vậy mà sao vốn tiếng Việt lại cứ nghèo đi? Những lá thư dán tem ngày xưa đến tay người nhận là thấm đẫm mồ hôi của người đưa thư và cả những trăn trở câu chữ của người viết. Còn bây giờ thư điện tử một tích tắc đã đến nơi, giản tiện hơn nhưng hình như cũng trống rỗng và sáo mòn hơn?
Đã bao giờ bạn nhận được một tin nhắn điện thoại có đầy đủ cấu trúc ngữ pháp (dấu chấm, phẩy, dấu hỏi, chấm cảm, chữ đầu tiên của dòng thì viết hoa) chưa, hay chỉ là vừa đọc vừa đoán với những suy luận đôi khi dở khóc dở cười. Dẫu biết đã dùng phương tiện ấy là để tiện lợi, cần gì phải câu nệ nữa, nhưng mỗi khi nhận được những tin nhắn như vậy cảm giác của tôi vẫn thật lạ, khó tả. Chưa kể những tin nhắn của tuổi mới lớn bây giờ chắc tôi không thể nào suy luận nổi.
Yêu tiếng Việt sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ lắm, trong những lời nói hằng ngày của bố mẹ, ông bà với con cháu trong gia đình. Con trẻ bây giờ nhanh nhạy hơn xưa rất nhiều, những câu hỏi tại sao ngây thơ nhưng nếu được giải thích bằng từ ngữ tiếng Việt đa dạng, phong phú sẽ giúp con hiểu thấu đáo hơn, vốn từ của con cũng sẽ phong phú hơn. Hiểu tiếng Việt, yêu tiếng Việt, tôi tin chắc lớp trẻ lớn lên sẽ ít chịu tác động của sự lai căng ngôn ngữ.
-----tuoitre.vn-----
31/07/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét