Cho tới giờ phút này, đất nước Nhật Bản vẫn đang chìm trong những dư chấn và những đe dọa của hiểm họa hạt nhân. Nhưng điều quan trọng nhất mà thế giới chợt nhận ra là có một Nhật Bản thật kiên cường giữa tai biến, tang thương. Điều gì phía sau bí ẩn đó của xứ sở Phù tang?
Tuổi Trẻ mời bạn lắng nghe những câu chuyện từ trong lòng nước Nhật. Đầu tiên là chuyện của một cảnh sát gốc Việt đã sống ở đất nước này hơn 50 năm.
TT - Trong ngày hôm nay 17-3, nếu không đưa hết người ra khỏi khu vực này thì nguy quá. Trong thư gửi cho Tuổi Trẻ, anh Hà Minh Thành, một cảnh sát người Nhật gốc Việt, tỏ ra lo lắng cho số phận những tu nghiệp sinh VN được cho là vẫn còn quanh khu vực gần Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 và thành phố Sendai.
Cậu bé và gói lương khô
Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn, tôi lại hỏi thăm.
Cậu bé kể đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần xảy ra, cha của cậu làm việc gần đó chạy đến trường. Từ bancông lầu 3 của trường cậu nhìn thấy chiếc xe và người cha bị nước cuốn trôi. Chắc chắn ông đã chết rồi. Hỏi mẹ đâu, cậu bé nói nhà nằm ngay bờ biển, mẹ và em của mình chắc cũng không chạy kịp.
Cậu quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến người thân. Nhìn thấy cậu bị lạnh, tôi cởi áo khoác cảnh sát trùm lên người. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài. Tôi nhặt lên đưa cho bé và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.
Đứa bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tưởng cậu sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem đặt vào đó? Bé trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Đến lúc này tôi phải vội quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hi sinh.
Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hi sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang ở vào những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hi sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
HÀ MINH THÀNH - LÊ NGUYÊN MINH (ghi)
xe đạp bánh to
Trả lờiXóa