Trong mắt người nước ngoài
TT - Sống ở VN, nhiều lần tôi bị hụt hẫng trong những tình huống chỉ nhận được những cái ngoảnh mặt làm ngơ, sự im lặng thay vì lời xin lỗi làm dịu lòng.
Tuần trước trên đường đi ăn tiệc, tôi đã tấp vào một trạm xăng bên đường để đổ xăng. Nhân viên trạm xăng vô ý bơm quá đầy và làm xăng văng vào áo mới tôi đang mặc. Quá bất ngờ tôi không còn nói được gì, chỉ nhìn chằm chằm vào mặt anh ấy.
Người nhân viên lúc đó cũng không nói gì và vờ làm ngơ, chăm chăm đổ xăng cho xe khác. Tôi cảm thấy thật sự giận dữ và bối rối, tại sao anh ấy không nói lời xin lỗi?
Lần khác khi ăn phở, tôi tình cờ phát hiện miếng nilông nhỏ trong tô phở. Khi tôi nói chuyện này với người phục vụ và quản lý quán phở, họ chỉ nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó, họ mang cho tôi một tô phở khác nhưng chẳng buồn nói xin lỗi hay tỏ vẻ hối tiếc.
Với thái độ dửng dưng của nhân viên phục vụ và người quản lý, tôi chẳng muốn ăn nữa, chỉ tính tiền ra về và tự hứa sẽ không bao giờ trở lại quán phở đó nữa. Tôi tự hỏi không biết nhân viên trong quán phở có cùng nhau xem xét lại tai nạn nói trên để rút kinh nghiệm?
Nhiều năm sống ở VN, tôi nhận thấy người Việt không muốn thừa nhận mình sai và nói lời xin lỗi. Mặc dù rõ mười mươi là lỗi của mình, họ cũng chỉ phản ứng bằng cách im lặng, lảng tránh, thậm chí cãi lại thay vì thú nhận lỗi lầm của mình trước mặt người khác.
Đấu "võ mồm" trên đường hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sau một vụ va quẹt xe - một hình ảnh thường thấy trên đường phố hiện nay (ảnh minh họa) - Ảnh: M.C |
Tôi đã vướng vào một vụ đôi co vì đối phương không muốn nhận mình đã sai. Lần đó tôi đi bệnh viện và phải điền đơn bảo hiểm để được miễn giảm khi thanh toán. Mặc dù tôi đã điền đơn rồi nhưng nhân viên ở quầy cứ khăng khăng là tôi chưa làm.
Sau đó tôi phát hiện cô nhân viên vô tình để quên đơn tôi đã điền đâu đó. Tại sao cô ấy phải tranh cãi với tôi thay vì thừa nhận mình đã làm mất đơn, rồi nói lời xin lỗi và nhẹ nhàng đề nghị tôi điền đơn lại?
Từ nhỏ bố mẹ đã dạy tôi nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai. Ngược lại, họ cũng xin lỗi tôi khi họ sai. Tôi lớn lên trong môi trường mà mọi người nói lời xin lỗi để bày tỏ sự quan tâm, tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Thật vậy, dạy xin lỗi phải được bắt nguồn từ gia đình, nhà trường. Thế nhưng theo tôi thấy ở VN, nhiều người lớn luôn muốn chứng tỏ mình đúng và ít khi xin lỗi trẻ nhỏ. Như vậy thì làm sao làm gương cho trẻ và dạy trẻ thói quen nói xin lỗi?
Tôi công nhận đây là do sự khác biệt văn hóa mà gốc rễ, theo tôi, có thể là nỗi sợ mất mặt của người Việt. Ở phương Tây chúng tôi cũng coi trọng thể diện của mình nhưng không đến nỗi giả vờ, làm ngơ sai phạm của mình để tổn thương người khác.
Theo tôi, không có gì xấu khi lầm lỗi và nói lời xin lỗi vì mọi người thường đứng lên từ sai lầm của mình và của người khác nữa. Biết nhận lỗi sẽ làm quan hệ giữa con người với con người trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy thử tưởng tượng nếu có va quẹt trên đường và một hoặc hai bên nói xin lỗi trước thì sẽ không có những vụ tranh cãi, làm tắc nghẽn giao thông. Trong công ty, thay vì đổ lỗi cho nhau thì hãy mạnh dạn thừa nhận lỗi của mình để quan hệ đồng nghiệp tốt hơn, công việc trở nên thuận lợi hơn.
Nếu bạn làm điều gì sai, hãy nhìn nhận và nghĩ xem lần sau bạn làm tốt hơn bằng cách nào. Né tránh lỗi lầm của mình hay đổ cho người khác càng làm bạn mất mặt hơn với nhiều người.
ALISON R. BISHOP (người Mỹ) - PHƯƠNG THÙY ghi
--------------
Lời xin lỗii không khó nói!
Tôi đồng ý như bạn Ng Sơn Cao. Trong các trường hầu như không quan
tâm dạy các em nói lời xin lổi khi mình phạm sai lầm 1 điều gì đó?!
Theo tôi thì ngành giáo dục nên chú trọng dạy thêm các em biết nói lời
xin lổi bất cứ ở đâu khi có lỗi (ngoài đường,nơi công cộng...).
Như vậy thì dần các em sẽ biết nói lời xin lỗi và xã hội
sẽ "có nhiều người biết nói lời xin lỗi". Rất mong.
BÙI THẾ TÀI
Né tránh xin lỗi là tự hạ thấp mình
Tôi thích cách nói của người Tây phương: "Tôi nợ anh 1 lời xin lỗi",
tôi cho là (có thể ý kiến tôi do chủ quan) cách nói trịnh trọng ấy là để
thể hiện sự biết lỗi chân thành chứ không nói "tôi xin lỗi" 1 cách hời
hợt qua loa. Sai thì nhận và sửa chữa, điều đó mới chúng tỏ mình là
người thẳng thắn, biết phục thiện và có trách nhiệm với mọi việc mình làm,
mọi lời mình nói ra. Phạm lỗi (cho dù vô tình) mà không nhận và cố che
giấu chỉ làm hạ thấp mình hơn. Người lớn tuổi hơn, ở vị trí cao hơn
phạm lỗi mà không nhận hay không nói xin lỗi chỉ làm người thấp hơn
mất lòng tin và đánh giá mình thấp, tuy đôi khi họ không nói thẳng ra.
Ở VN có 1 điều rất lạ là cha mẹ thường không chịu nhận lỗi và xin lỗi
con khi họ sai, và lý luận rằng: "dù có sai cũng là cha mẹ, con cái không
có quyền phê phán, trách móc". Như vậy là tạo cho con cái suy nghĩ
người lớn có quyền làm sai và người nhỏ không đươc phép nói.
Kiểu suy nghĩ ấy sẽ dẫn đến hậu quả gì, có lẽ ai cũng thấy. Tôi từng
được biết 1 đứa bé có cha mẹ là Việt kiều, khi về VN thăm gia đình,
bị bắt xin lỗi đã nói: "Con không làm gì sai, con không xin lỗi."
{mà nó không làm gì sai thật, do người lớn làm sai). Nhiều người
lớn đã bực mình vì câu nói ấy, trong khi tôi thầm khen cha mẹ
nó đã không dạy con theo kiểu lý luận VN nói trên.
Về ý kiến của anh Nguyễn Cao Sơn, tôi xin thưa rằng 1 đưa trẻ lớn
lên bị ảnh hưởng bởi 3 mặt: gia đình, nhà trường và xã hội.
Tôi không đồng ý là nhà trường không dạy các em xin lỗi,
vì chính tôi là 1 giáo viên và tôi nghĩ dù không nói ra,
bản thân thầy cô đã là tấm gương cho học trò rồi. Mỗi khi tôi
viết sai 1 từ trên bảng, tôi đều thẳng thắn nói: "Xin lỗi các em,
tôi viết nhầm từ này" và sửa lại. Có lần vì kẹt xe, tôi đến trễ vài phút,
và câu đầu tiên tôi nói là ""Xin lỗi các em, tôi đến trễ vị bị kẹt xe".
Tôi nghĩ không cần phải lên gân dạy các em "Khi làm lỗi em phải
xin lỗi", các em chỉ cần nhìn việc nhận lỗi và xin lỗi của thầy cô là
đủ rồi (Xin loại bỏ những trường hợp "con sâu" làm rầu nồi canh
giáo dục, tôi chỉ nói những thầy cô có tâm huyết với nghề,
số người này chắc không phải là ít.) Nhưng nếu gia đình không
"dạy con từ thuở còn thơ", hoặc các em nhìn những tấm gương
đen trong xã hội, đụng xe rồi bỏ chạy hay va quẹt rồi hung hăng
đánh nhau lại thì sự làm gương của giáo viên chúng tôi có lẽ chỉ
là hạt bụi.Đó là chưa nói đến chuyện vai trò người giáo viên
trong xã hội bị coi thường ("chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm")
thì lời dạy của chúng tôi còn được coi trọng hay không?
HÀ
Chưa Nhận Thức Được Sức Mạnh Của Lời Xin Lỗi
Tham khảo bài viết này của Deborah Tannen trên báo New York Times
phát hành ngày 21 tháng 7 năm 1996 ̣để hiểu về sức mạnh của lời xin lỗi.
Một điều mà không phải chỉ có người Việt Nam không biết mà là tất cả mọi người,
những người coi thường về hai chữ rất đơn giản là "Xin Lỗ̉i". http://www9.georgetown.edu/faculty/tannend/nyt072196.htm
NGUYỄN THANH HIỆP
Sức mạnh của lời xin lỗi
Quả thật nhiều người xem lời xin lỗi là một kiểu tự hạ mình trước
người khác cho dù ai phải ai quấy. Theo tôi, sức mạnh của một lời
xin lỗi là nó có thể làm dịu đi một tình huống căng thẳng một cách
diệu kỳ. Một cơn tức giận cho dù có lý hay vô lý đều dể dàng được xoa dịu
bằng một lời xin lỗi đơn giản, qua đó đôi bên đều có thời gian tự
trấn tỉnh, nhìn vào sự việc để tìm ra cách giải quyết vấn đề theo chiều hướng
tích cực.
LH
Dễ hiểu thôi
Vì là khách nuớc ngoài nên một số người không thạo ngoại ngữ
sẽ ngại lên tiếng xin lỗi thôi. Có thể người bán phở hay người đổ xăng
biết mình có lỗi và rất muốn xin lỗi nhưng ko đủ tự tin để nói.
Ngôn ngữ là một rào cản mà không phải ai cũng có thể vượt qua.
HOÀNG PHƯƠNG
Bộ mặt một con người đôi khi cũng nằm ở lời xin lỗi
Một sự thật rất rõ ràng rằng người Việt sợ mất mặt hay sợ bị ăn vạ.
Quả thực như vậy. Tỏ ra hiền lành thường bị bắt nạt,
đó là vấn nạn chung của một xã hội. Khi phần đông người dân
có cùng 1 cách hành xử, thì phần nhỏ còn lại buộc phải đi theo đó.
Tôi may mắn được gia đình hỗ trợ đi học xa nhà, quả thực có đi
mới biết có những khác biệt. Tôi không so sánh khen người chê ta,
tôi vẫn đếm ngược từng ngày để được trở về. Nhưng người dân nơi tôi
sống khiến tôi phải suy nghĩ. Họ cảm ơn, họ xin lỗi dù những chuyện
rất nhỏ, với nụ cười trên môi, khiến cho sự khó chịu bạn vừa phải trải
qua quả thực tan biến ngay. Và bạn cũng muốn mỉm cười và rộng
mở với họ. Hãy từ bi với cuộc sống và nghiêm khắc với bản thân.
Điều tốt đẹp ở khía cạnh nào rồi cũng sẽ tới.
NGUYỄN HẢI HÀ
Hãy thay đổi từ trong nhận thức!
Khi đọc bài viết này, tôi thật sự cảm thấy xấu hổ. Mặc dù biết trong xã hội
muôn màu muôn vẻ nhưng bản thân tác giả đã nhiều lần gặp phải tình
huống tương tự thì không thể trách họ nghĩ rằng đó chính là một cách
ứng xử của người Việt. Bản thân tôi là một người Việt Nam nhưng tôi
nhận thấy rằng có lẽ ở những nơi văn minh nhất như những đô thị hiện
đại lại chính là những nơi có cách ứng xử thiếu văn minh do cuộc sống
bon chen vội vã, tranh đua giành giật mà đôi khi con người ta ứng xử thiếu
đi sự tôn trọng và thương yêu. Lời xin lỗi đôi khi được nói ra không phải do
bản thân mình có lỗi mà theo tôi nghĩ đó còn là sự tôn trọng người khác và
tôn trọng chính mình, chứng tỏ mình là một người biết cách ứng xử.
Tôi nhận thấy rằng, để cho một con người biết nói hai chữ "Cảm ơn" và "Xin lỗi"
cũng như hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong việc ứng xử
hằng ngày thì phải được giáo dục từ lúc người đó còn nhỏ, trong nhà t
rường cũng như ở gia đình. Người lớn đừng cho rằng mình có nhiều
kinh nghiệm sống hơn thì điều gì mình làm cũng đúng và trẻ con lúc
nào cũng sai. Con người luôn luôn muốn hoàn thiện chính mình
vậy tại sao không tự nhìn nhận những khuyết điểm của bản thân để
sữa chữa và sống tốt hơn. Một con sâu làm rầu nồi canh.
Tôi nghĩ, những du khách nước ngoài đến Việt Nam để tham quan du lịch
hay học tập làm việc, họ thật sự không thể có đủ thời gian để tiếp xúc
với tất cả mọi người để mà hiểu rõ tất cả về chúng ta. Vậy tại sao ở
những nơi văn minh hiện đại nhất, những nơi có thể gọi là bộ mặt
của đất nước hay thậm chí chỉ là những nơi công cộng như bệnh viện,
cây xăng, công sở,siêu thị... con người ta lại không thể ứng xử lịch sự với
nhau để chứng tỏ là những người văn minh và có giáo dục???
PHAN THANH KIM ANH
Ngành giáo dục không dạy!
Xin lỗi là một từ khó nói, người Việt Nam rất ít khi dùng từ "xin lỗi" hay cảm ơn
(không phải ai cũng vậy,nhưng đa số là thế), hai từ này rất ngắn nhưng hình như ít ai
để ý đến và nó vô tình đánh giá bản chất của một con người.
Thiết nghĩ điều này xuất phát từ phía dạy dỗ của gia đình và nhà trường
không quan tâm đến lễ tiết nên hầu hết người Việt Nam ít dùng hai từ "cảm ơn" hay "xin lỗi".
NGUYỄN CAO SƠN
Tôi phải suy nghĩ khi nói "xin lỗi"
Tôi có cơ hội học tập ở một đất nước châu Âu. Năm qua về nước,
khi đi trên đường một người lái xe máy song song với tôi bị loạng
choạng tay lái. Theo phản xạ của người sống ở nước ngoài, và theo
những gì tôi được gia đình dạy bảo, tôi xin lỗi người đó, cho dù thú thật
tôi không nghĩ mình có lỗi gì khi làm cho anh ấy loạng choạng.
Tuy nhiên, đáp lại lời xin lỗi của tôi là một tràng những lời thô tục, hăm dọa,
chửi rủa từ người thanh niên đó dành cho tôi. Sau đó, tôi nhận ra rằng
nếu mình cứ lẳng lặng làm thinh như không có chuyện gì thì chẳng sao.
Và từ đó tôi cũng nhận ra rằng người VN chẳng những không quen
nói lời xin lỗi ai, mà còn không quen nghe ai nói lời xin lỗi.
Bởi ai nói lời xin lỗi họ, họ biết rằng người đó "dưới cơ" họ và họ
sẵn sàng sấn tới để chứng tỏ mình là kẻ "trên cơ".
Từ đó trở đi, tôi biết rằng "sống đâu quen đó", phải suy nghĩ cẩn thận khi nói lời xin lỗi ai, dù mình có lỗi thật. Thật đáng buồn.
PHAN THỊ CHÂU GIANG