18 thg 2, 2011

Văn hóa nhường nhịn

Văn hóa nhường nhịn trên đường
TTO - Tuổi thơ tôi được học câu chuyện Hai con dê qua cầu, chỉ vì không con nào nhường nhịn con nào mà dẫn đến ẩu đả nhau và cả hai con cùng rơi xuống sông. Bài học vỡ lòng về hành vi ứng xử trong đời sống chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều hiểu biết, tuy nhiên đã không được sử dụng.
Tàu lửa đâm trực diện vào ôtô trên cầu Ghềnh, Đồng Nai - Ảnh: Anh Anh
Hơn nữa, tôi cũng biết rất rõ các lớp dạy về Luật giao thông luôn chỉ dẫn cặn kẽ về các nguyên tắc, tình huống thực tế khi tham gia giao thông, trong đó có những việc phải nhường nhịn nhau chẳng hạn như nhường đường cho người đi bộ qua đường, tuy nhiên vẫn không được sử dụng.
Chính từ những thái độ, hành vi ứng xử không biết nhường nhịn nhau trong giao thông mà dẫn đến nhiều thực tế đau lòng.
Câu chuyện cách đây ba năm về vị giáo sư Papert Seymour, nhà toán học người Mỹ, bị tai nạn khi một xe máy đâm thẳng vào ông trong khi cùng một đồng nghiệp băng qua nút giao thông tại Hà Nội. Ông bị chấn thương sọ não và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Pháp trong tình trạng nguy kịch.
Trường hợp đau lòng của vị giáo sư này đã gióng lên hồi chuông báo động không chỉ về hành vi không tuân thủ Luật giao thông mà còn là vấn đề đạo đức xã hội: văn hóa nhường nhịn nhau. Hay chúng ta đã quá quen với việc mỗi khi đèn xanh bật lên tại các ngã tư giao thông thì hình như tất thảy xe đều ra sức… bấm còi inh ỏi!
Hành vi này ở góc độ nào đó ngoài việc không chỉ nhường nhịn nhau tiếng còi xe, mà còn là một sự không tôn trọng nhau. Tôi đã chứng kiến tận mắt một thanh niên đi xe máy tay ga đời mới buông câu chửi thề một phụ nữ đứng tuổi (có lẽ là giáo viên vì mặc áo dài) giữa chỗ rất đông người chỉ vì người phụ nữ ấy chưa kịp sang số cho xe chạy khi đèn xanh vừa bật qua được… 2 giây.
Và tất nhiên, còn rất nhiều việc thường thấy nữa trên thực tế hằng ngày trong văn hóa nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông mà giới hạn bài viết này không thể thuật lại xuể.
Thiết nghĩ truyền thống văn hóa người Việt rất coi trọng việc nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau không chỉ trong cơn hoạn nạn mà có khi là rất đời thường.
Hi vọng “văn hóa nhường nhịn” sẽ được mọi người ngẫm lại và thực thi tốt hơn khi đi lại trên đường để từ đó chúng ta sẽ có những bức tranh giao thông không quá tệ hại như hiện nay và cũng để giảm thiểu những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
HOÀNG CỬU LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét