17 thg 2, 2011

Làm cho giới trẻ biết tự trọng

TT - Điều đầu tiên tôi quan tâm mà cũng mong muốn cải thiện nhất là phải làm sao cho lớp trẻ Việt Nam hiện nay khởi đi từ những hành vi, thái độ thể hiện một tư cách tự trọng nhất khi tham gia sinh hoạt chung của xã hội.


Tại sao tôi lại quan tâm đến tư cách của lớp trẻ ngày nay thông qua hành vi ứng xử của họ nơi công cộng? Bởi tôi cho rằng tư cách của con người là điều quyết định toàn bộ những suy nghĩ, hành vi của họ. Từ chỗ biết tự trọng chính bản thân mình, họ sẽ biết tôn trọng tư cách, suy nghĩ, hành vi của người khác, tôn trọng những cái chung không thể xâm phạm.



Biết tự trọng và tôn trọng bản thân cũng như người xung quanh, họ sẽ biết luôn phải yêu quý và gìn giữ tư cách đó như thế nào. Sẽ biết bảo vệ để làm sao cái riêng và cái chung hài hòa, cùng phát triển. Và sẽ biết chống lại những hành vi xấu, đe dọa đến những điều mà họ trân trọng. Tư cách văn hóa sẽ đưa con người đến lý tưởng khác. Họ biết sống đúng cuộc sống của mình và tôn trọng đúng cuộc sống của người xung quanh.



Lý tưởng sống, kỹ năng sống chẳng phải khởi đi từ những điều rất nhỏ đó là biết trân trọng sự sống mà ta có hay sao?



Lớp trẻ ngày nay có những thế mạnh rất lớn so với các thế hệ đi trước. Họ có hòa bình, có ổn định, có khoa học hiện đại hỗ trợ rất nhiều trong học tập, trong lao động, trong sinh hoạt. Nhưng thế mạnh đó cũng chính là điểm yếu vì nó không giúp gì được việc hình thành và rèn luyện nhân cách, bởi chính sự hỗ trợ quá lớn của những điều kiện này đã tạo ra tâm lý đương nhiên: đương nhiên chúng tôi phải có những cái đó; đương nhiên chúng tôi phải được hỗ trợ... mà quên mất rằng tư cách văn hóa và sự tự trọng không đương nhiên mà có.



Việc bỏ rác đúng nơi quy định, không khạc nhổ bừa bãi, không chen lấn trong đám đông đang trật tự xếp hàng, không vượt nhanh giành đường lấn ẩu, không trút lỗi lên người khác khi xảy ra va chạm, không xé bao hàng lén lút thử trong siêu thị, không nhận bất cứ cái gì không từ chính công sức mình làm ra... không thể là việc thích là làm, tiện là làm mà là việc phải làm, đương nhiên làm.



Nhưng muốn vậy thì từ ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô và người xung quanh đều phải làm như thế khi còn bé. Tư cách sẽ bị nhiễu loạn và nhiễu loạn theo nhiều hướng tiêu cực, khi trẻ được học điều hay A, nhưng từ thầy cô ra đến cửa trường đã thấy điều A’, đi trên đường lại thấy nó thành B và cuối cùng về nhà thì lại thấy là “phủ định của A”. Khi tư cách cá nhân bị nhiễu loạn thì không điều gì đảm bảo rằng cá nhân ấy tìm đến lý tưởng sống tốt và thành công dân tốt.



Là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, có lẽ với vị trí “vĩ mô” này vấn đề tôi quan tâm và tìm cách cải thiện được trình bày ở đây sẽ có thể được coi là quá “vi mô”.

Nhưng như người xưa đã nói: “Chớ xem thường chuyện nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. Mà con thuyền đạo đức xã hội, con thuyền văn hóa công cộng, con thuyền giáo dục của chúng ta bấy lâu nay đã được cảnh báo là “chao đảo”, phải chăng vì nó tồn tại rất nhiều lỗ nhỏ như thế này?



LÂM MINH TRANG (Gò Vấp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét