Phản đề của tính trung thực
Trung thực tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh có là một điều tốt? Không nhất thiết phải sống cao thượng là một điều đáng buồn cần cảnh báo? Có phải giới trẻ ngày nay đang nghĩ khác và sống khác với quan niệm chuẩn mực về tính trung thực và lòng cao thượng của thế hệ cha anh?
Từ trái qua phải: Thầy Trịnh Hoà Bình, Nguyễn Thị Thanh Dung, Nguyễn Bích Ngọc, Lê Thuận Uyên và Lê Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Hải. |
Cuộc đối thoại do chúng tôi tổ chức chiều 18/7/2009 để thảo luận về vấn đề này với sự tham gia của TS Trịnh Hòa Bình – Viện Xã hội học VN và bốn bạn sinh viên: Lê Thuận Uyên – sinh viên năm 1 ngành Quan hệ Quốc tế ĐH York (Anh); Lê Thanh Tùng (Tùng shark): Chuyên viên thiết kế của "Kênh 14"; Nguyễn Bích Ngọc - sinh viên năm 1 ĐH Havard (Mỹ); Nguyễn Thị Thanh Dung – Sinh viên năm 2 Khoa Báo chí – ĐH KHXH NV HN.
Trung thực là đức tính quan trọng
Lê Thanh Tùng vừa trải qua kỳ thi ĐH vào trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Trong bài thi của mình, Tùng viết rằng trung thực là điều cần thiết trong học tập, nhưng bạn không nghĩ quay cóp là một việc xấu. Theo cách hiểu của Tùng, trung thực nghĩa là sống thật và không cảm thấy hổ thẹn với lòng mình.
Thậm chí, bạn cũng thừa nhận mình đã nhiều lần quay cóp, nhưng không cảm thấy ân hận. Lý do bạn đưa ra là vì bạn không thích học những môn phụ và quay cóp để đối phó cho qua kỳ thi.
Cách hiểu trên của Tùng cũng được Lê Thuận Uyên đồng tình.
Tuy nhiên, Nguyễn Bích Ngọc lại có quan điểm rất "nghiêm ngặt" đối với đức tính trung thực, đặc biệt là từ kinh nghiệm của bạn trong quá trình học tập tại môi trường nước ngoài.
"Trong suốt ba năm học tại National Junior College (Singapore), tôi chưa bao giờ nghĩ đến từ TRUNG THỰC trong học tập, bởi lẽ kỷ luật học đường tại quốc gia này rất nghiêm ngặt. Một hội trường có 2000 học sinh thi nhưng chỉ có một đến hai giáo viên trông coi. Nếu phát hiện ra ai đang quay cóp thì họ sẽ đình chỉ ngay lập tức và cấm thi trong hai năm.
Khi đăng ký hồ sơ vào một số trường ĐH Mỹ như Harvard, Yale, Princeton… tôi cũng không phải nộp chứng chỉ bằng cấp nào kèm theo. Nhưng đến khi phỏng vấn mà phát hiện bạn nói dối, thì họ sẽ không nhận bạn vào trường và đưa bạn vào một danh sách đen rồi gửi đến các trường ĐH khác cùng hệ thống. Vì được học tập và trưởng thành trong môi trường đó nên tôi đã rèn cho mình đức tính trung thực với thi cử
Tôi nghĩ trung thực là một đức tính cực kỳ quan trọng. Chúng ta có thể châm chước sự quay cóp trong những môn phụ, trong lần một, lần hai… nhưng sự gian dối này sẽ lớn lên, và rất có thể những người đã quay cóp đó sẽ trở thành những người sản xuất thuốc giả, sữa giả hoặc những chính trị gia lừa đảo…"
Trung thực: Lý thuyết khác cuộc sống?
Bắt đầu sang năm học lớp 9, Lê Thanh Tùng có sự chuyển biến về mặt nhận thức cuộc sống khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tùng cho rằng, cuộc đời không như những điều mình được học trong sách vở. "Cuộc sống là một bức tranh có cả tông màu nóng lẫn lạnh, và sự trung thực cũng có mặt trái, mặt phải, có sự tích cực và tiêu cực của nó".
Những lần "trung thực quá", Tùng còn bị đối xử như là "một tên ăn trộm, “rút ruột công trình”. Rút kinh nghiệm từ đó, Tùng nghĩ "trong một số hoàn cảnh mình cũng không nên trung thực làm gì, vì mình có trung thực thì họ vẫn nghĩ là mình đang gian dối điều gì đó. Vì thế, nên linh hoạt tùy từng hoàn cảnh, tình huống thì hãy đặt vấn đề trung thực hay không trung thực".
Từ trái qua phải: Nguyễn Bích Ngọc, Lê Thuận Uyên. Ảnh: Phạm Hải |
Lê Thuận Uyên cũng đồng ý với Tùng rằng "trung thực cũng tốt nhưng tùy theo hoàn cảnh mà mình đang đứng, khía cạnh mà mình nhìn vào để lựa chọn một cách hành xử cho mình".
Uyên cho rằng, đôi khi trung thực trong cuộc sống cũng không phải là tốt. Dẫn ra ví dụ trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế hiện nay, nếu Uyên là một chính trị gia thì trong những hoàn cảnh cụ thể, bạn sẽ không công bố những con số, những thông tin kinh tế thật gây hoảng loạn cho người dân. Hoặc như trong kinh doanh phở, Uyên chấp nhận việc người bán phở có thể cho một chút mỳ chính để ngọt nước. Theo lý giải của Uyên, việc này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bát phở, lại giúp thêm người bán phở tiết kiệm chi phí, dành tiền vào nuôi con cái ăn học.
Uyên kết luận: "sự không trung thực không gây hậu quả lớn lao thì có thể chấp nhận được và không trung thực khi đó là một điều tốt".
Lập tức, Nguyễn Bích Ngọc đưa ra phản biện với ý kiến của Tùng và Uyên bằng rất nhiều câu hỏi: "Tôi lại nghĩ dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào thì cũng nên trung thực. Có một câu nói rằng: Sự thật sẽ giúp bạn giải thoát. Ở Singapore, trên nhiều bao bì sản phẩm có ghi "mì chính có hại cho sức khỏe"và họ công bố chi tiết hàm lượng mì chính để người tiêu dùng lựa chọn xem có nên mua hay không.
Còn chính trị gia nếu nói dối một lần thì họ có thể nói dối nhiều lần tiếp theo? Vậy đâu là giới hạn cho sự trung thực cho những người mà chỉ một quyết định họ ban hành sẽ ảnh hưởng đến số phận của hàng triệu người khác?
Trong một nền đạo đức và pháp luật lỏng lẻo, thì liệu một chính trị gia nay thích nói thật, mai lại nói dối và không có một mục đích rõ ràng, thì việc không trung thực sẽ gây những hậu quả lớn như thế nào?
Đâu là giới hạn của trung thực?
Nhận thức rõ về đường biên giữa trung thực và giả dối, nhưng đứng sau lằn ranh nào trong từng hoàn cảnh, mỗi bạn tham gia thảo luận lại có những luận điểm riêng. Nguyễn Thanh Dung - sinh viên năm thứ hai của khoa Báo chí, và có thể trở thành một nhà báo trong tương lai - thừa nhận: "có những lời nói dối vô hại".
Còn Lê Thuận Uyên khẳng định: Vấn đề nào mà tôi cảm thấy cần phải trung thực thì tôi sẽ cố gắng trung thực, nhưng nếu đôi lúc một lời nói dối có thể giúp cho công việc hoặc những người thân ở xung quanh tôi vui vẻ thì tôi sẵn sàng nói một lời nói dối vô hại.
Không chấp nhận sự không trung thực, Nguyễn Bích Ngọc đưa ra một cách xử lý khác để không phải nói dối: "Tôi nghĩ có sự khác nhau giữa nói dối và "kéo giãn sự thật".
Lời nói dối trắng không có hại. Ví dụ lời bác sỹ nói với bệnh nhân sắp chết, không phải nói sự thật nhưng tốt cho người khác.
Cũng như vậy tôi luôn xác định cho mình những giới hạn kéo giãn sự thật, ví dụ như có ai đó hỏi tôi là “Mình có béo không?” thì tôi vẫn có thể nói: “ Không, mình thấy bạn đẹp mà”.
Còn trong học hành thì tôi cũng xác định rằng sẽ không bao giờ quay cóp, đạo văn, nói dối… vì nếu chỉ một lần phạm sai lầm thì có thể phạm sai lầm tiếp.
Cũng có thể ở Singapore, tôi chỉ phải học bốn môn và tôi có quyền lựa chọn những môn mình thích chứ không phải như một số học sinh ở VN là vẫn phải học những môn không thích để quay cóp đối phó với kỳ thi".
Sơn Khê thực hiện (Vietnamnet)
(Còn nữa)
tôi nghỉ rằng việc học tập rất hay. Tuy nhiên ở nước ta thì việc học dường như là một gánh nặng đối với người học sinh. Nhiều quý phụ huynh cho rằng việc cho con em mình vào các trường công lập có teing61 vang thì sẽ giúp con em mình học giỏi. Trong khi đó người học sinh lại phải học 13 môn ở bậc phổ thông, còn hệ bồ túc thì chỉ học có 8 môn và không phải gánh chịu nạn "học thêm, học bớt" như ớ bậc phổ thông. Và ở các kì thi thì cùng có chung đề đại hoc như nhau vậy khi ta tính số học sinh học bổ túc và tỉ lệ đậu đại học là con số khá nhỏ nhưng khi ta so sánh với học sinh học phổ thông và tỉ lệ đậu đại học thì con số này lại đặt ra nhiều vấn đề về nền giáo dục nước ta. Các bạn học sinh học như thể đối phó, để có con điểm, tấm bằng như người khác cón nhửng tài năng thật sự sẽ bị các chương trình học bổng nước ngoài mang đi, cướp đi nhân tài nước ta một cách ngang nhiên mà vẫn nhận được lời khen.
Trả lờiXóacfd
Trả lờiXóa